Tại Đức, một cây sồi vô cùng nổi tiếng, tên là Der Brautigamseiche nghĩa là Cây Sồi Cô dâu Chú rể. Tính đến nay, đã có hàng trăm cặp đôi tìm thấy nhau và nên duyên vợ chồng nhờ những lá thư gửi gắm trong hốc cây sồi. Nó đã chứng kiến không biết bao câu chuyện đầy lãng mạn, và cũng trở thành kỷ niệm của rất nhiều đôi tình nhân.

Chuyện về cây sồi mai mối tại rừng Đức: Se duyên cho hàng trăm đôi tình nhân(Ảnh: t/h)

Tại khu rừng Dodauer ở thị trấn Eutin, phía bắc nước Đức, cây sồi 500 năm tuổi, đã chứng kiến và lưu giữ hàng nghìn lá thư làm quen của những người cô đơn, đã ký gửi tâm tư của họ vào hốc cây sồi. 

Thời gian trôi qua, lá thư gửi đến cây nhiều đến mức, nó đã được chính phủ cho hẳn địa chỉ bưu điện để người ở xa cũng có thể gửi thư tới. Trong đóm người thực hiện công việc vận chuyển đặc biệt này, không ai khác chính là bác đưa Karl-Heinz Martens, người đã đồng hành cùng cây sồi trong suốt 20 năm qua.

Bác Martens kể rằng, mỗi ngày ông đều lái xe tải đi qua con đường hẹp ở thị trấn Eutin để đến với khu rừng nơi cây sồi đang đứng đợi. 

“Mọi người đã thuộc làu cung đường của tôi và đến bên dưới cây sồi đợi sẵn. Nhiều khách lạ không thể tin rằng một bưu tá lại vận chuyển thư đến một cái… hốc cây như thế”,  Martens kể.  

Bác đưa thư Martens hiện giờ và hồi còn làm bưu tá. (Ảnh: Jeff Maysh, NVCC)

Ông cũng chia sẻ với tờ Atlantic rằng, trên toàn châu Âu, chỉ có duy nhất một hòm thư hốc cây chuyên mai mối, là cây Sồi Cô dâu Chú rể này thôi.

Những trái tim cô đơn ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, đều có thể nhờ cây sồi se duyên cho mình, thông qua bưu điện hoặc đến trực tiếp hốc cây để trao hoặc mở một lá thứ bất kỳ ra đọc. 

Nếu họ cảm thấy phù hợp với đối phương, thì sẽ trả thư hồi âm, còn nếu không, họ cần xếp lá thư lại như cũ và bỏ trở lại vào hốc cây, để cho người có duyên khác đến. 

Thời ấy, còn có nhiều lời đồn rằng, những cô gái trẻ nếu bước vòng quanh cây sồi 3 lần, trong 1 năm tới họ sẽ có thể kết hôn.

Hốc cây chưa đựng những lá thư. (Ảnh: Phototrotter)

Truyền thuyết về cây sồi mai mối 500 năm tuổi

Nhiều người truyền miệng nhau rằng, ngày xửa ngày xưa, có một chàng trai khôi ngô tuấn tú, là con trai của một vị hoàng tử, chẳng may bị lạc trong rừng. Trong lúc chàng đang hoang mang không biết tìm cách nào để thoát khỏi, thì may mắn gặp được một cô gái xinh đẹp đi ngang qua giải cứu.

Cảm kích trước cô gái, chàng trai đã gieo một hạt sồi xuống mảnh đất họ gặp nhau để đánh dấu, và nó chính là cây sồi mai mối nổi tiếng ngày nay.

Cây sồi nằm ở một góc rừng. (Ảnh: Phototrotter)

Còn một câu chuyện khác lãng mạn hơn, là vào năm 1890. Kể rằng, có một chàng trai sinh sống ở vùng Leipzig, làm nghề tạo ra chocolate. Anh đem lòng yêu con gái của một gia đình sống trong rừng, và nàng cũng đáp lại tình yêu ấy của anh. Nhưng chẳng may, cha của cô gái không hề thích anh ta, và ngăn cấm chuyện tình yêu của họ.

Vì quá yêu nhau, cặp đôi không thể chia tay theo lời người cha nói, họ đã lén lút gặp gỡ nhau thông qua những lá thư tình bỏ trong hốc cây sồi.

Các cô gái trèo lên cây để gửi những lá thư làm quen năm 1930. (Ảnh: BBC)

Một thời gian sau, người cha phát hiện con gái vẫn viết thư qua lại với người thanh niên ấy. Ông đã bị làm cho cảm động nên đã đồng ý cho hai người kết hôn.

Đám cưới của họ đã được tổ chức ngay bên dưới cây sồi mà họ đã trao thư tình cho nhau. Kể từ đó, cây sồi được đặt tên là “cây cô dâu chú rể”.

Nhưng chuyện tình được se duyên dưới gốc cây sồi

Cũng từ những truyền thuyết trên mà cây sồi đã trở thành nơi gửi gắm tình yêu của biết bao nhiêu người.

Theo BBC, bắt đầu từ năm 1927, có hàng trăm trai thanh gái lịch đã nên duyên nhờ cây sồi mai mối, có cặp đôi còn tổ chức đám cưới của mình trước sự chứng kiến của cây se duyên này. 

Như lời của bác đưa thư Martens nói, ông đã chứng kiến ít nhất 10 cặp đôi từng tổ chức đám cưới dưới gốc cây “cô dâu chú rể”.

Một đám cưới tổ chức dưới tán sồi. (Ảnh: Atlantic)

Trong những cặp thành công, có trường hợp một cô gái Mỹ, đã gửi thư làm quen vào hốc cây, sau đó, một chàng lính Anh Quốc đã tới và đọc được. Họ trao đổi thư từ với nhau trong một thời gian và kết hôn. Hiện tại họ đã chuyển đến Scotland và sống hạnh phúc bên nhau. 

Còn một cặp đôi khác, là lá thư của một cô gái, được bạn bè viết hộ gửi vào hốc cây. Chính cô cũng không ngờ là nhờ đó mà cô đã tìm được nửa kia của mình, là một anh lính người Đức.

Còn một chuyện khác thú vị hơn, chính là của một người đàn ông, đến từ Ruhr. Anh đã lặn lội đường xa đến thị trấn Eutin, và cho xây một khu resort ở ven biển Baltic, để hàng ngày bơi lội cải thiện sức khỏe.  

Một hôm, trong lúc anh đi dạo quanh khu rừng, thì bắt gặp hòm thư cây sồi trong truyền thuyết. Tò mò, anh đã leo lên cây để đọc thử một lá thư, và thật bất ngờ, lá thư ấy đến từ một phụ nữ đồng hương. Hai người sau đó đã gặp nhau và bắt đầu một tình yêu đẹp, cuối cùng là tiến đến hôn nhân.

(Ảnh: Archiv TI Eutin, Eliot Stein)

Và một câu chuyện cổ tích khác là vào năm 1988, Martens đã chuyển giúp một lá thư cho cô gái tên Claudia (19 tuổi), người Đông Đức đến hốc cây sồi. Sau đó, người đàn ông đã đọc được lá thư ấy là anh Friedrich Christiansen, một nông dân ở Tây Đức.

Anh đã viết thư hồi âm lại cho Claudia, và họ đã yêu nhau, viết thư cho nhau trong suốt hai năm liền, dù bị chia cắt hai miền.

Đến năm 1990, khi Bức tường Berlin sụp đổ, họ đã gặp được nhau và tổ chức một đám cưới thật đẹp vào tháng 5 năm đó.

Cây sồi cũng chứng giám cho chuyện tình của bác đưa thư

Không chỉ mai mối thành công cho nhiều cặp đôi, cây Sồi còn se duyên cho người bạn đã hỗ trợ nó, chính là bác đưa thư Karl-Heinz Marten. Trong suốt 20 năm làm bưu tá, ông đều đặn trao thư tình đến cho rất nhiều khách hàng, nhưng chưa bao giờ ông làm điều đó cho bản thân.

Cho đến một ngày, một phụ nữ sau khi nhìn thấy ông đang trả lời phỏng vấn về cây sồi trên sóng truyền hình, bà đã viết một lá thư tỏ tình gửi đích danh ông, với những dòng chữ đơn giản thông qua hốc cây rằng: “Tôi muốn làm quen anh!”

Bà tên Renate Heinz, 50 tuổi, làm nghề bán rượu vang, đã ly hôn và có một cậu con trai trưởng thành. Trùng hợp là ông Marten cũng từng trải qua một cuộc hôn nhân tan vỡ. Ngay lập tức ông đã gọi điện thoại đến cho bà Renate mà không cần thông qua lá thư hồi âm nào.

“Tôi vẫn còn giữ hàng tá hóa đơn điện thoại ngày ấy đây”, Martens hài hước chia sẻ.

Trong một lần về Pháp thăm mẹ, Martens đã ghé ngang Saarbrücken để gặp bà Renate. Và trong suốt 5 năm sau đó, ông vẫn ghé thăm bà nhiều lần. Cuối cùng, cảm nhận được cả hai có sự đồng điều, bà Renate đã theo ông Martens về thị trấn Eutin. 

“Quyết định này chẳng điên rồ chút nào” bà Renate khẳng định. “Bởi vì chúng tôi quen nhau nhờ cây sồi cô dâu chú rể, nó có quyền năng đặc biệt mà, chứ có phải gặp ở sàn nhảy disco đâu mà lo”.

Martens và Renate hôn nhau dưới cây sồi se duyên.

Nhắc lại những kỷ niệm đẹp cùng cây sồi, ông bồi hồi chia sẻ: “Có điều gì đó thật kỳ diệu và lãng mạn ở cây sồi này. Trên Internet, mọi người được kết đôi nhờ các câu hỏi. Nhưng cây sồi mai mối tạo ra một sự ngẫu nhiên đẹp đẽ,  giống như số phận vậy”.

Đến tận ngày nay, cây sồi cô dâu chú rể vẫn là niềm tự hào của người Đức, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, và trao gửi những lá thư.

Ngày 25/4/2009, người ta còn “cưới vợ” cho cây sồi 500 tuổi này, chính là cây dẻ ngựa 200 tuổi ở Düsseldorf (cũng là địa chỉ đưa thư như cây sồi cô dâu chú rể). Tuy nhiên, chỉ 6 năm sau, người vợ cây dẻ nhựa đã qua đời, và chỉ còn mình cây sồi 500 tuổi đến nay vẫn sống một mình, và tiếp tục sứ mệnh mai mối của nó.

Chúc Di (t/h)

Theo Tinhhoa.net