Tâm sự cùng anh André Menras Hồ Cương Quyết và BBT trang Bauxite  Việt Nam

Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)

(Tôi viết bài này sau khi đọc bài  Gửi những người bạn “phây” Việt Nam thật hay giả, thiện chí hay ác ý, của anh André, trên trang Bauxite Việt Nam).

Không thể nói hết những tình cảm thân thiết, mối liên kết giữa tôi, cùng blog Ba Sàm, với những người tham gia blog Bauxite Việt Nam, và anh André Menras Hồ Cương Quyết.

Những kỷ niệm đẹp không thể quên

Blog Ba Sàm ra đời năm 2007. Hai năm sau rộ lên vấn đề bô-xít Tây Nguyên, rồi blog Bauxite Việt Nam ra đời. Trang Ba Sàm luôn luôn là nơi cổ vũ, giới thiệu nhiều nhất cho blog mới này, nơi được coi như đi đầu phản đối dự án bô-xít Tây Nguyên, cũng là nơi dần dần quy tụ tiếng nói của nhiều trí thức tiến bộ.

Tôi cũng là người từng góp ý riêng cho người chủ trương Bauxite Việt Nam làm sao để giữ an toàn cá nhân, mà vẫn đảm bảo sự tồn tại của trang. Ý kiến của tôi đã được tiếp thu và có sự thay đổi.

Anh André Menras Hồ Cương Quyết, đúng như giới thiệu của Ban biên tập Bauxite Việt Nam; với tôi và blog Ba Sàm cũng là một người tuy ít gặp, nhưng luôn có mối liên hệ rất thân tình. Cuộc gặp đầu tiên bên Hồ Hoàn Kiếm, tôi vẫn nhớ. Tất cả những việc làm cho Việt Nam nhiều năm nay của anh, đều được trang Ba Sàm, cả cũ và mới, đưa lên cổ vũ.

Khi tôi đi tù, những người tham gia trang Bauxite Việt Nam, anh André đã cùng bao nhiêu nhân sĩ trí thức, độc giả, … đấu tranh cho tôi. Khi về cũng lại gặp họ tới động viên, thăm hỏi. Không thể kể hết sự tri ân đó, chỉ bằng cách sống sao cho xứng đáng khi còn ở trong tù, và khi ra tù thì ngay tức khắc giành hết thời gian, tâm trí vào con đường đang dang dở.

Trở về, gặp người chủ trương Bauxite Việt Nam, tôi góp ý thẳng là nó đáng buồn, trang này hoạt động kém xưa nhiều. Một lý do quan trọng là vẫn thiên về nhận đăng bài “gửi riêng” thôi, mà không mở rộng đăng lại bài vở từ nhiều nguồn khác. Ý kiến của tôi đã được tiếp thu, năm nay bài vở Bauxite Việt Nam đã nhiều, đa dạng hơn. Có bài nào thấy giá trị, tôi đăng lại liền.

Hiện tượng Donald Trump

Khi còn trong tù, nhờ người thân, bạn bè gửi cho sách, báo, tài liệu đầy đủ, tôi đã nắm bắt kha khá tình hình chính trị ở Mỹ, đặc biệt về “hiện tượng Trump”. Tôi đã kinh ngạc và le lói vui mừng.

Sau khi ra tù, đọc rất nhiều về hiện tượng đó, càng vui hơn.

Thế nhưng, tôi lại lấy làm lạ, không ít trí thức tiến bộ, trong ngoài nước không có suy nghĩ như tôi, không ủng hộ TT Trump như đa số người Việt. Thôi thì, mỗi người mỗi ý là thường.

Nhưng… lạ hơn, và… đáng buồn, là họ lại sa vào một cuộc cãi vã “khổng lồ”, đầy tức giận với đông đảo quần chúng; thể hiện những thái độ mà tôi chưa từng thấy, tới độ đôi khi không còn nhận ra những người mình từng thân thiết, quý mến nữa.

Thương quá! Tại sao vậy? Tôi đã thấy được khá nhiều lý do.

Nhưng tôi chỉ lặng lẽ đọc, viết thật nhiều, những bài bình luận ngắn, những bài đăng lên đài quốc tế, trang mạng tự do, chủ yếu góp ý nhẹ nhàng nói chung về phương pháp tranh luận, nêu quan điểm của hai bên, và phân tích nhiều, sâu về những quyết sách mạnh mẽ của chính quyền Trump có nhiều dấu hiệu tốt. Bài gần đây nhất, trên BBC ngày 12/12/2020, tuy bàn về nhân quyền, nhưng tôi cũng góp ý các trí thức quanh vấn đề bầu cử Mỹ 2020, cần tranh luận bằng các bài viết sâu, với thái độ hòa nhã; nó là cơ hội cho chúng ta cùng nâng cao dân trí.

Bài viết của tôi quanh chủ đề Trump, có những đài quốc tế, trang mạng tự do đăng, nhưng cũng có bài bị từ chối với lý do không rõ hoặc …”buồn cười”, thậm chí không có hồi âm. Tôi không hề bực bội về điều đó, thậm chí có phần vui, vì nó giúp tôi ngày càng rõ thiên kiến ở những phương tiện truyền thông này và muốn bằng thái độ nhẹ nhàng mà thẳng thắn của mình sẽ góp phần thay đổi họ.

Cũng chưa phải lúc tôi viết về tất cả những lý do mà tôi nhận ra ở những người “chống Trump”.

Cần có “tiên trách kỷ”

Trường hợp anh André, tôi không lạ, cũng khá giống với một số trí thức “chống Trump”; mặc dù có nhiều thiện ý đấy, nhưng họ vẫn thiếu thứ hết sức quan trọng là khả năng đối thoại với quần chúng.

Đơn giản là trước khi có Facebook, họ đâu bị đối đầu tranh cãi những chuyện lớn lao với cả một dòng thác dư luận trái chiều với mình. Đang là tầng lớp được coi là tiến bộ, tinh hoa, trong đó việc đấu tranh cho chủ quyền, tự do dân chủ đã đem tới cho họ vầng hào quang mà tưởng như không bao giờ bị lu mờ trong mắt quần chúng.

Khi có FB, lúc đầu chưa có chuyện, nhưng khi có “hiện tượng Trump”, họ bị “sốc” nặng vì ào ạt ý kiến phản đối không ngờ tới. Nguy hiểm hơn, họ bỗng quên (thậm chí cố “quên”) là trong số đó, có rất nhiều “dư luận viên”. Chẳng có cơ hội nào hay hơn cho đám này để xông vào quấy phá, chia rẽ.

Không những “sốc” mà còn bị “nhiễm độc” nặng. Đó là bản thân bị lây cái phong cách viết, biểu cảm nhiều khi dễ dãi của mạng xã hội. Cũng tung ra một hai câu tức tối, nhục mạ, chẳng cần phân tích sâu xa gì. Và anh André cũng không ngoài hiện tượng đó.

Trong bài viết công phu, đăng làm 3 kỳ của tôi “’Cuồng Trump’, ‘cuồng chống Trump’ và …”, tôi đã lấy một ví dụ về trường hợp của anh André, nhưng để giữ cho anh, tôi đã không nêu tên. Anh viết trên FB của mình, chỉ có mấy chữ, là:

“Thằng tỉ phú to mồm này không có một chút nguyên tắc tự hào nào. Một mặt nó tuyên chiến (bằng miệng) với TQ, đồng thời nó sẵn sàng bán bố mẹ cho chúng. Một thằng hề quá nguy hiểm!” (Kèm theo là một bức ảnh TT Trump bị photoshop làm cho méo mó).

Một số trí thức “chống Trump” có sai lầm đáng lưu ý. Đó là, ngoài bài viết tỏ ra khinh thường người khác trái quan điểm của mình, cho đó là những kẻ “cuồng tín”, “tâm lý bầy đàn”, dốt nát, v.v.., thì họ còn miệt thị không tiếc lời với TT Trump. Việc này vô hình chung [trung] cũng là gián tiếp miệt thị những người “ủng hộ Trump” (mà nay càng rõ thêm là có tới ít nhất 74 triệu dân Mỹ cũng bị tình trạng “dốt nát” này?). Thế là cùng nhau sa vào một cuộc “chiến” kiểu “hàng tôm hàng cá”. Trách thế nào được người ta.

Cho nên, với riêng anh André qua bài này, anh đã bị thiếu đi cái sự “tiên trách kỷ”, không thấy là chính mình cũng bị cái tật của nhiều người Việt phản đối mình.

Với riêng tôi, tuy “thích ông Trump”, như đã có lần nói trên Bàn tròn BBC 8/11/2020, nhưng không bực chút nào khi rất có thể mình bị các trí thức thân hữu gom cả vào số “cuồng Trump”, chụp những lời khinh bỉ. Tôi vẫn từng nói nhiều lần, MỪNG trong cuộc tranh luận này là mọi người cùng được sống trong bầu không khí sôi động, giàu hiểu biết lên rất nhiều; cái yếu/mạnh trong từng người lộ thêm.

Còn nội dung toàn bài, tuy khá dài nhưng anh André lại cũng rất thiếu những lập luận chặt chẽ, dẫn chứng rõ ràng, khả tín để thuyết phục người đọc.

Chỉ xin đưa một dẫn chứng trích trong bài của anh.

“ … tôi tuyệt đối không có một chút cảm tình nào với tay tỉ phú dân tuý chủ nghĩa, với đủ loại bức tường ô nhục và lố bịch mà ông ta dựng lên, với thái độ kỳ thị chủng tộc, khinh miệt phụ nữ, căm thù báo chí (báo chí độc lập với chính quyền) …”

– “Thái độ kỳ thị chủng tộc”?

Mời đọc một bài trên tờ báo Pháp Le Figaro, đài quốc tế Pháp RFI trích dịch, “Chuyên gia: Sẽ rất sai lầm nếu không thấy sức mạnh chính trị tuyệt vời của Donald Trump”, phỏng vấn Giáo sư quan hệ quốc tế Walter Russell Mead:

“Trump có thuộc về phong trào chống kỳ thị chủng tộc mới nổi lên không? Rõ ràng là không. Khi ông Trump nói về một người da đen có chuyên môn, ông có coi người ấy thấp hơn một người da trắng hay không? Tôi cũng không tin như thế! Không một ai có thái độ như vậy có thể sống sót ở New York, và Trump cũng như bao người khác…”

Một bài khác, trên RFI, “Vì sao phong trào ủng hộ Trump củng cố được vị thế trong xã hội Mỹ”. Dịch giả Trần Ngọc Cư, một người không ủng hộ Trump, nhận xét “ …  Ta có thể nói đối với người da đen, Trump có thể có thái độ kỳ thị, nhưng không có chính sách kỳ thị”.

– “Căm thù báo chí (báo chí độc lập với chính quyền)”?

Mời đọc một bài điểm báo cũng trên đài RFI: “Tuần báo Le Point: Sự phá sản của truyền thông Mỹ”.

“Tuần báo Pháp kêu lên: “Ôi, New York Times, họ đã làm gì với bạn?”. Biden xứng đáng hơn nhiều so với hàng loạt những bài viết quảng cáo trình độ lớp 3 tràn ngập thế giới. Tuy không phải là một Tổng thống vĩ đại, doanh nhân Donald Trump ít nhất đã thành công trong việc thức tỉnh kinh tế Mỹ.”

Và trên báo Tuổi trẻ có bài dịch “Thống đốc New York chỉ trích báo giới ‘thiếu tôn trọng’ ông Trump”, (ông Thống đốc này là người của đảng Dân chủ và rất xung khắc với ông Trump).

Tuy nhiên, cũng xin nói rằng những trích dẫn các bài viết, kèm theo đoạn văn của anh André ở trên, không có nghĩa tôi cho đó là chân lý, mà đơn giản chỉ muốn lưu ý anh rằng quanh “hiện tượng Trump”, có vô số vấn đề phức tạp, sâu xa cần được mổ xẻ cẩn trọng, thấu đáo như những bài viết đó, chứ không nên đơn giản tung ra các khẳng định như đinh đóng cột cho xong như vậy.

“Hậu” xin trách … Bauxite Việt Nam

Được quan sát các vị nhân sĩ, trí thức, một số đài quốc tế, trang mạng tự do phản ứng thế nào về “hiện tượng Trump”, tôi rất thích thú. Rõ ràng những “góc khuất” về họ, nay mới thấy, giúp mình tìm cách tham gia vào làm sáng tỏ thêm những vấn đề bên trong lâu nay ít ai thấy, hoặc cũng lờ mờ thấy mà ngại nói.

Với trang Bauxite Việt Nam, tôi cũng thấy cái “góc khuất” đó.

Trước hết phải nói rằng tôi biết có không ít trí thức tiến bộ VN ở nước ngoài từng một thời tham gia tích cực phong trào “phản chiến” ở Mỹ, Âu châu trong chiến tranh VN, thân chính quyền cộng sản VN, thậm chí có công trạng. Họ thường có tư tưởng “thiên tả”, nay thì thân hoặc cảm tình đảng Dân chủ Mỹ, thậm chí coi nhẹ mối nguy Trung cộng. Dường như lịch sử nước Mỹ (cùng người Việt ở đó) đang lặp lại sau ngót nửa thế kỷ, liên quan tới cộng sản.

Bên cạnh họ là các trí thức trong nước, có tư tưởng tiến bộ, nhưng không tránh khỏi vương vấn nhiều nhận thức, tính cách của một thời “theo đảng đến cùng”. Khi “dấn thân” cho tự do dân chủ, họ rất dễ quên cái “gốc” của mình, mà lẽ ra cần rứt bỏ mạnh mẽ.

Đó là “điểm yếu” của họ trong mắt người dân. Nếu không ý thức mạnh mẽ về nó, sẽ khó hòa mình vào công cuộc chung.

Cũng như tôi, “điểm yếu” là một lý lịch quá “đỏ”, dẫu có 7 năm mở blog Ba Sàm cùng nhiều việc khác nữa, nhưng khó hết được nghi ngại của người đời. Với 5 năm đi tù, so với những mất mát, tôi đã có một cái “được” rất lớn để xóa đi “điểm yếu”.

Các trí thức đó gần nhau trong tư tưởng tiến bộ về VN, nhưng lại cũng gặp nhau (tự nhiên hoặc nặng về “tình cảm”) ở một quan điểm “chống Trump”.

Chưa nói tới cái chất “hủ nho” trong mỗi người, thì ra ngoài hay ở VN cũng đã ăn vào máu rồi, khó “tẩy độc” lắm.

“Sự cố” buồn cười đầu tiên giữa tôi với Bauxite Việt Nam là với bài “’Cuồng Trump’ …” nói trên. Gửi nhiều trang mạng, lần lượt đăng cả, không thấy Bauxite Việt Nam đăng, tôi liền loan tin cho nhiều thân hữu, trong đó có người của trang đó, mà không bình luận gì. Bài liền được đăng, nhưng lại có kèm cả một trích đoạn trao đổi riêng của một cá nhân trong BBT với tôi (ra điều họ không “thích” bài đó). Sao phải làm vậy nhỉ? Nếu tôi cũng bắt chước, cũng đăng ý kiến trao đổi riêng lại của tôi, đánh giá không được vui về một số vị trí thức về tính cách, nhất là trong vụ “Trump”, thì sao?

Và vài chuyện buồn cười khác nữa, ví như tôi gửi bài thì không đăng, cũng không hồi âm; trong khi đăng lại một bài phỏng vấn tôi trên BBC, có lầm lẫn không nhỏ, tôi kiên nhẫn nhắc sửa mấy lần mà cứ … “quên”.

Những chuyện có vẻ nhỏ nhặt này nó không ngẫu nhiên, vô tình, mà rất liên quan tới những gì tôi quan sát về Bauxite Việt Nam, từ bài vở cho tới một số hiện tượng khác.

Còn riêng với bài của anh André, rất không nên viết cả một lời bạt dài lê thê đến như vậy, cùng tất cả các nội dung của nó. Chắc chẳng phải nói nhiều với những người cũng có kinh nghiệm làm báo.

Với tôi và blog Ba Sàm (cũ), dù mang tính chất cá nhân, nhưng cũng rất ý thức cố đưa tin bài nhiều chiều nhất có thể. Nhưng với trang Bauxite Việt Nam, được tiếng là của tập thể, thì rất không nên để lộ thiên kiến quá trong cuộc tranh luận về “hiện tượng Trump” này. Biến nó thành sở hữu của những người “chống Trump” thì sẽ mất độc giả, thực tế là đang rất ít.

Một điểm khác biệt và yếu của Bauxite Việt Nam so với hầu như với mọi trang mạng tự do khác, là không có phần phản hồi, từ khi ra đời cho tới nay. Vậy thì làm sao nhận được ý kiến đóng góp của độc giả, cho từng bài viết, cho cả trang báo?

Và đừng sợ tranh luận

Có đôi người cứ hoảng hốt lo là cuộc tranh cãi này sẽ “chia rẽ” phong trào …

Tôi cho rằng họ quá lầm.

Cứ cái lối nghĩ đó, và tất cả những gì đằng sau kiểu “báo động … nhầm” đó, chỉ giúp dẫn ta đi theo vết xe đổ của những người cộng sản (“đóng cửa bảo nhau”, “đẹp đẽ phô ra …”).

Điều quan trọng là tranh luận trên tinh thần văn minh, tương kính mà thôi; như chính ông cha ta đã làm gương từ cả trăm năm trước trên văn đàn, làng báo.

Mừng là đã dần có một số người thay đổi, với những bài viết phân tích thấu đáo, ít đi lời lẽ dễ bị cho là cao ngạo. Cũng biết rằng viết một bài chính luận, lại về chủ đề “xương xẩu” này là không dễ chút nào.

Rõ thêm đây là một cuộc “tập dượt” rất tốt, cần thiết, như Trời cho để người Việt chúng ta rèn luyện trước cho tới ngày được phép lập đoàn thể tư nhân, có một xã hội dân sự đích thực.

Hà Nội, 14/12/2020

Tác giả gửi BVN

 

Trả lời bạn Ba Sàm

André Menras Hồ Cương Quyết

2020 là năm hạn của tôi. Bị thương nặng ở mắt cá chân và cột xương sống, 5 tháng nằm giường và phục hồi chức năng trong môi trường Cô Vi, quay (cuồng) làm và dựng phim mới “Việt Nam: tiếng gào thét từ bên trong”, vẫn chưa được công chiếu vì đại dịch vi rút tàu, rồi đến phiên bà xã nhập viện khi tôi viết những dòng này, và cuối cùng, như quả anh đào đặt trên cái bánh ga-tô (thành ngữ Pháp), cái mà tôi xin gọi là cơn cuồng Trump. Đã tưởng bài xác minh ý kiến cá nhân (về cuộc bầu cử Mỹ) viết và nhờ dịch xong, tôi sẽ thoát ra khỏi trận cuồng nộ tập thể đang gây chia rẽ và làm quên nhãng những vấn đề thực chất của Việt Nam, đổ thêm dầu vào ngọn lửa phá hoại nền dân chủ Mỹ vốn bị suy nhược, đồng thời làm suy yếu phong trào đoàn kết vì một nước Việt Nam dân chủ. Với bài viết ấy, tôi muốn thoát ra khỏi nạn ô nhiễm Trump để tiếp tục hoạt động vì Việt Nam. Vậy mà không xong. Bài viết của Ba Sàm đã nhận đầu tôi xuống vũng nước ngày càng đục ngầu khiến tôi buộc phải trả lời bài viết đã nêu đích danh tôi, vì tôi vốn tôn trọng con người tác giả. Vụ việc này, chắc “đảng ta” và ông bạn vàng họ Tập khoan khoái lắm. Đành chịu, bị mắc bẫy, tôi không thể đánh bài chuồn.

Trước khi làm phật lòng bạn, tôi xin nói tới đoạn anh Ba Sàm viết về “những kỷ niệm đẹp…”. Tôi xin xác nhận: tôi đã ủng hộ anh trong suốt cuộc đấu tranh ly khai dũng cảm của Ba Sàm, đã lên tiếng phản đối khi anh bị bắt và suốt thời gian anh bị cầm tù, đơn giản bởi vì mọi cuộc chiến đấu vì tự do cần phải được ủng hộ – chứ không phải vì lí do cá nhân nào cả. Và tôi còn nhớ cuộc gặp ngắn ngủi của chúng ta bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Hôm ấy, một thanh niên (tình cờ?) tới gặp tôi ở quán nước Thuỷ Tạ và đưa tôi đến cà phê Bốn Mùa, là nơi anh đang ngồi nói chuyện với một người bạn sĩ quan công an của anh. Lúc đó tôi ra Hà Nội “tị nạn chính trị”, giãn cách với công an Sài Gòn sau khi họ dùng cơ bắp để ngăn cấm buổi chiếu cuốn phim đầu tay “Hoàng Sa Việt Nam: nỗi đau mất mát”. Ông bạn anh đề nghị tổ chức một buổi chiếu riêng cho khoảng năm mươi người và tôi đã từ chối đề nghị ngọt ngào ấy vì tôi cho rằng cuốn phim không xứng với một buổi chiếu chui xập xệ. Tóm lại, đó là một cuộc gặp gỡ ngắn mà vui. Hôm nay, sự bất đồng của chúng ta là một bất đồng “dân chủ”. Xin anh an tâm: tôi đã trải nghiệm những bất đồng sâu sắc và đau lòng hơn nhiều – bất đồng mà không nói ra với những người bạn vong niên thân thiết, những người bạn tù dưới chế độ cũ đã không công khai lên án tội ác của chế độ độc tài hiện nay như cuộc tàn sát ở Đồng Tâm và trò hề xử án hiện nay, những phiên toà thực sự ám sát công lý.

Trở lại bài viết của anh, thú thật là tôi hơi thất vọng. Rất tiếc những điểm anh nêu lên không đề cập điều cơ bản, là phân tích chính sách của Trump và những hậu quả của nó, mà chỉ tập trung vào nhân vật Trump, nghĩa là về phần trình diễn “sô”. Tôi cũng rất tiếc đã làm anh thất vọng vì những điều mà anh cho là tôi “thiếu sót“: “rất thiếu những lập luận chặt chẽ dẫn chứng rõ ràng…“, … “thiếu thứ hết sức quan trọng là khả năng đối thoại với quần chúng“.

1) Về những cách tôi nói tới nhân vật Trump

Xin nhận là tôi đã dùng những lời huỵch toẹt, vô đạo đức giả để nói tới ngài Tổng thống tỉ phú đội cát-két đỏ. Nhưng tôi không hề sỗ sàng với những người đối thoại trên FB, mà đã kiên nhẫn trả lời những bài khiêu khích, thậm chí thoá mạ của một số người. Tôi đã dành khá nhiều thời gian không đáng đối với những người công kích quá khứ và những ý kiến phái tả của tôi. Điều đó, có thể anh không biết. Cá nhân tôi chưa bao giờ nuôi tham vọng chính trị, lẽ nào sang tuổi 75, tôi lại bắt đầu. Phải chăng vì vậy mà tôi không biết “nói với quần chúng” như anh trách tôi. Tôi không biết ngoại giao mà chỉ biết nói lên những ý kiến cá nhân, bộc trực. Thuận tai càng tốt, nghịch nhĩ cũng không sao, cũng như những thực tại mà tôi cảm nhận.

Những từ ngữ mà tôi dùng để nói tới Trump có điều gì không phù hợp? Dưới đây tôi chủ ý tham khảo một tờ báo Pháp thuộc phái hữu, là tờ Le Figaro mà anh có trích dẫn một cách hơi bị chọn lọc (nếu cần, tôi sẽ cung cấp đủ nguyên văn, ngày tháng, số trang những câu trích dưới đây). Le Figaro, anh biết đó, là nhật báo phát hành trên toàn quốc, có lần đã dành trọn trang nhất để thoá mạ tôi, khi tôi leo lên tháp chuông nhà thờ lớn tuyệt thực để đòi Bộ Giáo dục Pháp thừa nhận những năm tôi bị giam tù vì hoà bình cho Việt Nam.

Đây là những điều tờ báo nói về Trump: Tổng thống nói tới dân nhập cư như là “những kẻ đến từ những nước chết tiệt”. Ông gọi phụ nữ là “những con lợn nái ục ịch, những con chó cái, những con vật ghê tởm”. Bấm tweet nói về một nhà báo nữ: “Rosie O‘Donnell thật ghê tởm (lại ghê tởm) cả nội tâm lẫn ngoại hình. Các bạn nhìn kỹ mà xem: đúng là quê một cục. Làm sao mà lên tivi được? Nếu chương trình do tôi phụ trách, thì tôi sa thải ngay. Tôi sẽ nhìn thẳng vào bộ mặt ục ịch xấu xí và nói: ‘Rosie, cô bị loại’”. Một cái tweet khác, nhà báo nữ Mika, chương trình Morning News: “… Con mụ điên, chỉ số thông minh thấp lè tè…”. Nguyên ngoại trưởng thì: “Nếu Hillary Clinton không làm thoả mãn được ông chồng, làm sao có thể nghĩ rằng bà ta sẽ làm thoả mãn được nước Mỹ?“. Anh đừng nói đó là “fake news“ nhé. Thật cả đấy.

Như vậy đủ chưa? Tôi còn nhiều lắm. Vậy thì tôi xin hỏi anh: Ba Sàm, anh có thể tôn trọng một cá nhân, Tổng thống một quốc gia 350 triệu người, ăn nói công khai như vậy không? Có thể nào giữ lễ độ với một nhân vật như thế không? Hắn có đáng nhận được sự kính trọng dành cho một Tổng thống không? Ngôn từ của hắn phải chăng là ngôn từ của một nhân vật công cộng văn minh hay là miệng lưỡi của con thú vật đầu đàn?

Những chữ tôi dùng như “tên hề nguy hiểm, thô bỉ, không một chút tự trọng”, tôi thấy rất phù hợp để chỉ định một nhân vật như vậy. Hắn không đáng nhận được sự tôn trọng mà hắn không hề dành cho người khác. Tôi không thể tôn trọng hắn.

2) Điều thứ nhì anh khẳng định: Trump không kỳ thị chủng tộc.

Anh có thể tìm ra câu trả lời vẫn trên báo Le Figaro  – ôi, nhờ anh mà tôi đâm ra thích tờ báo này – với điều kiện là anh không chỉ chọn đọc những gì phù hợp với lòng trung của anh đối với hắn. Tôi xin trích dẫn: “Tổng thống Mỹ đã ra lệnh huỷ bỏ những khoá đào tạo chống chủ nghĩa chủng tộc do chính quyền liên bang mở ra, với lí do là theo ông, đó chỉ là sự tuyên truyền chia rẽ và phản-Mỹ”. Với bốn nữ đại biểu Hạ viện gốc dân tộc thiểu số, ông khuyên “hãy đi về cố quốc mà sống”. Với một nghị viên da đen thuộc đảng Dân chủ của thành phố Baltimore, ông ta gọi khu vực đơn vị bầu cử của nghị viên ấy là “ghê tởm, lúc nhúc những chuột”.

Trong bài báo RFI mà anh trích dẫn, tôi đọc thấy “có thể nói, cử tri da trắng theo Tin Lành Phúc Âm chiếm một phần nửa cử tri ủng hộ Trump”. Anh có đọc câu đó không? Anh có biết là Trump dựa vào bọn “White Power” chủ trương da trắng thượng đẳng, tổ chức thành những nhóm vũ trang? Thật là kinh hoàng thấy các bạn Việt Nam, tự hào là người Việt Nam, những người trong bao nhiêu năm bị miệt thị là gooknhacslant… nay lại đứng cùng hàng ngũ với bọn tân nazi gần gũi với đảng Ku Klux Klan. Anh không thấy như vậy sao? Chẳng thế mà một phái đoàn của Đảng Marine Le Pen – anh biết chứ, đó là ái nữ của Jean-Marie Le Pen, người ngưỡng mộ Hitler, sĩ quan chậm chân không kịp tới Điện Biên Phủ – đã được gửi sang Mỹ để ủng hộ Trump tranh cử! Chào mừng đồng chí!

Và những chàng “Proud Boys” dễ thương, vũ trang đến tận răng, tuần hành trên phố phường, bất chấp luật pháp, xông vào tấn công đám đông ở Charlottesville: 1 người chết, 19 người bị thương? Trump có phê phán và lên án chúng không? Hoàn toàn không. Chỉ nói: “Bên nào cũng có người tốt”. Còn gửi tweet: “OK, Proud Boys, hãy lùi một bước và đứng nghiêm trong tư thế sẵn sàng”. Và các chàng trai dễ thương ấy đáp lời lãnh tụ bằng khẩu hiệu “Stand Back, Stand By” (Lui một bước, chuẩn bị sẵn sàng!). Sau đó, dưới sức ép của Đảng Cộng hoà, Trump mới nói một câu lên án.

Bây giờ xin nói tới bức tường ô nhục và trò cười của Trump dọc theo sông Rio Grande nhằm ngăn chặn “bọn người Mexico cưỡng hiếp” vượt tuyến. Bọn đầu nậu buôn ma tuý thì chẳng hề hấn gì, chúng có đường dây an toàn để vào Mỹ. Ngược lại, Trump đánh vào hàng nghìn gia đình nghèo khó, những “thuyền nhân” không thuyền, đang tuyệt vọng tìm cách thoát khỏi cùng khổ, bạo lực và áp bức dưới chế độ độc tài của nước họ.

Vâng, tôi vẫn xin khẳng định: Trump là một kẻ kỳ thị chủng tộc, trong lời nói cũng như trong việc làm. Nếu anh chưa tin thì tôi sẵn sàng cung cấp thêm dẫn chứng.

3) Về “hiện tượng” Trump và báo chí truyền thông, anh Ba Sàm lên án tôi “đơn giản tung ra các khẳng định như đinh đóng cột cho xong” .

Phải chăng tôi đã tưởng tượng ra câu tweet này: “Phần đông các truyền thông ở Washington, New York và Los Angeles không nói lên tiếng nói vì nhân dân”,… “báo chí là kẻ thù của nhân dân”? Phải chăng tôi đã tưởng tượng ra việc 250 tờ báo trên toàn nước Mỹ, bằng những xã luận và bài viết, đã hưởng ứng lời kêu gọi của báo “The Boston Globe”? xin trích: “Thái độ của Trump đối với truyền thông Hoa Kỳ làm vui lòng những nhà lãnh đạo như Vladimir Putin ở Nga, Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ coi các nhà báo là kẻ nội thù”.

Và cái trò hề truyền hình trong đó Super Trump đấu vật với đối thủ, đấm vào mặt và quật ngã đối thủ? Ba Sàm, anh có thấy cái clip đó không? Đầu óc một con người như vậy có bình thường không? Công chúng của hắn là khán giả rạp xiếc à?

Nói một cách nghiêm chỉnh, chế độ nào muốn bám chặt lấy quyền lực của mình bao giờ cũng sợ báo chí tự do. Nhưng những kẻ tàn ác nhất đối với những nhà báo chuyên nghiệp và những nhà bình luận lương thiện, là những nhà độc tài. Họ coi báo chí là công cụ truyền thông thuộc độc quyền của họ, cúc cung phục vụ họ mà không mảy may ngại ngùng. Trump thuộc loại cầm quyền như vậy. Giấc mộng của Trump là một giới báo chí ngoan ngoãn, là những cái tweets của Tổng thống phát ra để giáo huấn, hướng dẫn nhân dân và bọn nhà báo chỉ việc nói theo. Ngoài ra, tất cả đều là “fake news”, cụm từ mà Trump đã biến thành thời thượng. Nhân đây, cũng xin kể, ngay gần nơi tôi ở, thành phố Béziers, cử tri đã bầu ra một tay thị trưởng cao bồi, cuồng Trump. Đây là lý tưởng chính quyền của ngài thị trưởng, xin trích nguyên văn : “Một Tổng thống quyền uy sẽ phải đặt lại đúng chỗ cho những đoàn thể gọi là trung gian (công đoàn, đảng phái). Tổng thống sẽ lãnh đạo quốc gia vì nhân dân, và trực tiếp với nhân dân (không qua trung gian nào cả)” (tweet của thị trưởng Béziers, Robert Ménard, ngày 26.11.2020). Hai năm rõ mười nhé. Cùng một luồng tư tưởng với những Hitler, Mussolini, Tập. Họ muốn đi tắt, vượt qua đầu mọi cơ quan đại biểu dân chủ. Đó là cung cách truyền thông xã hội và chính trị theo xu hướng phát-xít.

Anh Ba Sàm ạ, tôi xin nhắc lại: Trump đúng là kẻ thù của báo chí tự do và dân chủ, là mầm mống độc tài.

4) Cuối cùng, việc Bauxite Việt Nam đã đăng bài viết của tôi với những dòng giới thiệu nồng nhiệt.

Tôi rất cảm kích và tự hào vì đây là những người thực sự yêu nước, những trí thức đã dám đăng những bài viết đầu tiên của tôi mà không hề thay đổi dù chỉ một chấm phẩy. Xin cảm ơn những người đã dịch giúp: Phạm Toàn, Nguyễn Ngọc Giao, Hoàng Hưng, Nguyên Ngọc… Không có họ thì tôi chỉ là người câm. Những đóng góp nhỏ nhoi của tôi là nhờ ở họ.

Anh Ba Sàm, tôi cũng không hiểu tại sao bài viết mới của tôi lại gây sốc đối với một nhà dân chủ vĩ đại như anh. Ở đây, tôi chỉ xin trả lời về những điều liên quan tới tôi, còn về phần Bauxite Việt Nam, xin để các bạn ấy và anh trao đổi trực tiếp với nhau.

Điều tôi muốn tái khẳng định để kết thúc cuộc minh chính đáng tiếc này, là trao đổi ý kiến là bộ phận của sinh hoạt dân chủ, một sinh hoạt từng bước vừa làm vừa học, để tiến lên, và để đẩy lùi những Proud Boys đủ loại ở mọi nước. Nếu mỗi người chúng ta biết gìn giữ lòng chính trực, dũng cảm và những giá trị cơ bản, thì ta có quyền nhầm lẫn, bị lừa dối, đôi khi chủ quan, và sai lầm đối với tương lai sẽ tới. Điều đó, tương lai, chỉ tương lai thôi, sẽ làm rõ.

A.M.

16.12.2020

Tác giả gửi BVN

 

*****

Đôi lời: rất vui sáng nay thấy bài của anh André trao đổi lại.

Cám ơn anh nhiều về những lời chia sẻ lịch sự, những ý tứ trân trọng (với riêng tôi). Xin đăng lại ngay.

Chỉ hơi tiếc là nếu như độc giả trên FB của anh cũng được đọc bài tâm sự của tôi với anh trước đó thì tốt biết mấy.

Tôi không muốn bình luận gì về bài viết (vì nó sẽ nhiều và dài), chỉ tạm một nhắc nhở nhỏ với tác giả, khi cho là tôi “khẳng định : Trump không kỳ thị chủng tộc“. Điều này rất sai, vì trong bài viết của tôi hoàn toàn không bình luận gì về chủ đề này, chỉ nêu trích dẫn trên báo chí, cho người đọc lượng xét. Thậm chí tôi còn lưu ý rằng những trích dẫn đó “không có nghĩa tôi cho đó là chân lý”. Đây là một kinh nghiệm chung cho những người tranh luận.

Đồng thời dẫn ra dưới đây (cuối bài) tất cả những bài viết, bình luận của tôi liên quan “hiện tượng Trump”, để trả lời cho thắc mắc của tác giả, rằng bài tâm sự của tôi với anh đã “không đề cập điều cơ bản, là phân tích chính sách của Trump và những hậu quả của nó, mà chỉ tập trung vào nhân vật Trump…“; đọc trong đó, sẽ được thỏa mãn phần nào.

Cũng lưu ý thêm, qua các bài bình luận của tôi, đều có kết hợp đăng lại nhiều bài viết đa chiều về “hiện tượng Trump”. Đây là cách làm đã được duy trì của trang blog Ba Sàm cũ ngay từ ngày đầu cho tới khi tôi đi tù (2007-2014).

(Cũng như bài trước, bài này tôi đăng lên cả Blog và FB Ba Sàm, và chia sẻ tới FB của anh André).

[19-12-2020]

Ba Sàm

 

 

 

Nguồn: Trao đổi quanh chuyện “Yêu Trump” và “Ghét Trump” (Boxitvn)