“Nếu chúng ta thất bại trong việc xác định sự thật đằng sau vụ án xảy ra trong tầng lớp đặc quyền, chúng ta sẽ không thể đại diện cho tiếng nói của một xã hội công minh”.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hồi năm 2019 đã lên tiếng khẳng định về trách nhiệm của giới cầm quyền trước xã hội và mục tiêu mà tầng lớp đó tồn tại. Không phải tiền bạc, càng không phải quyền lực, đại diện cho tiếng nói của công chúng, đưa ra chính nghĩa, giúp cho xã hội trở nên công minh mới là ý nghĩa mà giới chức này tồn tại.

 

Tại Việt Nam, năm 2020, những sự kiện chấn động liên tiếp xảy ra trong lòng xã hội. Phớt lờ những cảnh báo khốc liệt từ tự nhiên, rất nhiều vấn nạn trong xã hội không được giải quyết. Xã hội dường như tiếp tục đình trệ với những phát ngôn ngụy biện hay lảng tránh trách nhiệm của nhiều người ở vị trí lãnh đạo. Bên cạnh những tuyên bố của quan chức, lại có lời trăn trối của một thường dân…

 

  1. “Nhiều trường hợp để bảo vệ được cán bộ thì phải… làm trái luật!”

Tại phiên thảo luận tại tổ chiều 10/11/2020, góp ý về các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, đại biểu quốc hội – thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Hà Nội nói: “Nhiều trường hợp để bảo vệ được cán bộ thì phải… làm trái luật”.

Ông Hải cho biết ông được Ban tổ chức Trung ương mời tham gia xây dựng chỉ thị về việc bảo vệ cán bộ đảng viên, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp để bảo vệ được cán bộ thì phải… làm trái luật, theo ông Hải. 

“Khi cán bộ đổi mới sáng tạo, làm được thì khen, không làm được thì quy trách nhiệm rất nặng nề, trong khi đó cái không thành công đó có thể do khách quan đem lại như do tình hình kinh tế thế giới, diễn biến, nhiều vấn đề ảnh hưởng yêu cầu mục tiêu…”, ông Hải nói. 

Phát ngôn của một vị tướng của ngành công an khiến công luận đặt ra câu hỏi: Vì sao cán bộ, đảng viên lại cần được bảo vệ? Vì sao cán bộ, đảng viên làm sai lại điều chỉnh luật? Vậy phải chăng pháp luật đang áp dụng cho cán bộ, đảng viên phải chăng khác với pháp luật đang được áp dụng cho người dân?

 

  1. “Người ta sơ suất nên vứt con dao ấy đi”

Ngày 15/6, tại phiên Quốc hội thảo luận về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao đã dành phần lớn thời gian trong bài phát biểu của mình để nói về vụ án Hồ Duy Hải. Phần trình bày này được cho là diễn ra “sau rất nhiều tranh luận của các đại biểu Quốc hội trong và ngoài ngành tòa án về vụ án Hồ Duy Hải suốt hai ngày thảo luận”.

Trong phần trình bày được nói là muốn trả lời câu hỏi bị cáo Hồ Duy Hải “có phạm tội hay không”, và vụ án “có oan sai hay không”, ông Bình chủ yếu diễn giải trình tự và bằng chứng gây án của Hồ Duy Hải (!). Tuy nhiên, đối với chứng cứ quan trọng nhất, con dao gây án, ông Bình nói: “Người ta sơ suất nên vứt con dao ấy đi”.

“Việc mua dao, thớt, vật tương tự là để nhận diện xem có đúng có dao ở hiện trường và sử dụng làm hung khí hay không…”, người đứng đầu ngành tòa án phát ngôn.

Ngoài việc lặp lại rất nhiều những điều dư luận đã biết về vụ án, phần trình bày của ông Bình chỉ có ý nghĩa tái khẳng định về cách xử án và kết tội “trọng cung hơn trọng chứng” ở Việt Nam.

 

  1. “Nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ!”

Ông Lương Hữu Phước, sau 3 năm kêu oan đã tự tử (uống thuốc sâu và nhảy lầu), chết trong sân Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước, hôm 29/5 sau khi tòa tuyên y án. Dòng cuối cùng ông Phước viết trên trang Facebook cá nhân: “Nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ!”. Dùng cái chết uất ức để đánh động lương tri, vụ việc ông Phước tự tử tại tòa đã gây rúng động dư luận Việt Nam.

Luật sư Luân Lê viết: “Sẽ còn bao nhiêu phận người chết để thức tỉnh lương tri nền tư pháp?… Chỉ khi nào Thẩm phán được độc lập thật sự và họ có quyền phán xét bằng sự chính trực và lương tâm không bị can thiệp thô bạo thì mới có nhen nhóm hy vọng.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh viết: “Đau xót, nhưng tiếc nuối cho ông Lương Hữu Phước khi nghĩ rằng cái chết của mình sẽ đủ “làm thức tỉnh nền tư pháp”.

Nhà báo Đào Tuấn viết: “Cũng như trong vụ Hồ Duy Hải, vụ này có tới 11 điểm sai sót trong tố tụng. Sai đến mức án sơ thẩm từng bị tuyên hủy để điều tra lại. Nhưng rồi vẫn án tù 3 năm”… “Khi phải quyên sinh, không tiếc ngay cả mạng sống thì có nghĩa là người ta chẳng còn tin gì, chẳng còn gì mà bấu víu vào cuộc đời này nữa rồi.” 

 

4&5. “Từ điển còn hiệu đính huống hồ sách giáo khoa” và “Cháu tôi rất hào hứng khi học sách giáo khoa mới”

Hai phát ngôn trên lần lượt của Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, xung quanh những sai phạm tối cơ bản trong bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 vừa được xuất bản.

Là một trong 5 bộ SGK lớp 1 do Bộ GD-ĐT phê duyệt biên soạn, đưa vào dạy học, chưa đầy một tháng sau khai giảng, SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều của NXB Đại học Sư Phạm TP.HCM bị dư luận chỉ trích dữ dội vì ngôn từ không phù hợp, nội dung không có tính giáo dục, thậm chí, phản giáo dục khi các câu chuyện khơi gợi sự lừa lọc, mưu mẹo, dối trá… Nhiều câu chuyện được viết kiểu phóng tác khác xa ý nghĩa của bài thơ/truyện ngụ ngôn nguyên gốc của tác giả nước ngoài. Công chúng bộc lộ sự thất vọng tới nhức nhối về nền giáo dục thể hiện từ trong bộ sách giáo khoa lớp 1.

Vậy nhưng, bên hành lang Quốc hội ngày 9/11, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh vẫn cho hay bộ sách trên không có vấn đề gì. “Khi học sách Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều, cháu nội tôi rất vui, rất hào hứng. Việc ghép âm, ghép vần, cháu học rất nhanh. Mẹ cháu cũng không phải kèm cặp gì cả”, bà Minh nói.

Người ký đưa bộ sách vào sử dụng – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong chuyến công tác ngày 28/11, tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) nói từ điển còn hiệu đính, huống hồ SGK; không chỉ Cánh Diều mà các bộ sách khác cũng có “sạn”.

Thật vậy, 4 bộ sách còn lại của NXB Giáo dục Việt Nam sau đó cũng được công bố xin chỉnh sửa.

 

  1. “Rừng tự nhiên không thể phục hồi vì Mỹ rải thảm hóa chất”

Giữa lúc lũ lụt và sạt lở xảy ra hàng loạt ở miền Trung, được cho là một phần hệ quả của việc phá rừng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường trong buổi thảo luận tại hội trường Quốc hội hôm 3/11, cho biết rằng diện tích rừng ở Việt Nam đã tăng từ 9 triệu ha lên 14,6 triệu ha và có hệ số che phủ rừng gần 42%.

 

“Đây là sự cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị và toàn dân vì năm 1990 Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng, lúc đó hệ số che phủ chỉ 27%”, ông Cường nói. Ngoài ra, theo ông Cường, trong 30 năm, “rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Mỹ đã rải 77 triệu lít thuốc hóa học, hủy hoại 2 triệu ha rừng miền Trung”.

Phát ngôn trên được đưa ra giữa Quốc hội, dù trước đó chỉ 1 ngày, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) nêu rõ trên thực tế, rừng tự nhiên ngày càng bị xâm hại. “Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công trong lõi rừng hay thủy điện ‘cóc’ tiếp tục được duy trì hoạt động, thậm chí được cấp phép mới”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, bão lụt, sạt lở ngày càng để lại hậu quả nặng nề, năm nay hơn năm khác. Nếu không thay đổi, nhận thấy những sai lầm trong quá khứ thì “thảm họa sẽ xảy ra bất cứ lúc nào”. 

 

  1. “Rừng tự nhiên tăng 1,3 triệu ha nhưng 35% là rừng nghèo kiệt”

Vẫn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường ngày 5/11 có phát ngôn mới về rừng. Ông Cường cho hay trong 30 năm qua, tỉ lệ rừng tự nhiên tăng từ 9 triệu ha lên 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, như vậy so với cách đây 30 năm diện tích rừng tự nhiên đã tăng 1,3 triệu ha.

“Tuy nhiên, chất lượng rừng tự nhiên chưa được tốt, trong 10,3 triệu ha rừng tự nhiên thì chỉ có 15% là rừng giàu về trữ lượng, 50% là rừng trung bình và 35% là rừng nghèo kiệt”, ông Cường nói. “Đây là thực tế chúng ta phải có trách nhiệm”.

Tranh luận lại, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Đoàn Gia Lai) nói: “Đó đều là rừng tự nhiên. Làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại tăng lên như Bộ trưởng nói”, và cho rằng “nghe Bộ trưởng phát biểu thực sự là thấy sai sai”.

Theo đại biểu, ít nhất là trong nhiệm kỳ Quốc hội này, mỗi một kỳ họp liên tục được nghe những dự án, công trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, vậy làm sao diện tích rừng tự nhiên có thể tăng lên được.

Thực tế, ngay sau phần phát biểu “phải có trách nhiệm” về rừng, ông Cường trình bày và đề nghị Quốc hội thông qua hai dự án: Dự án hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An) và Dự án hồ chứa nước sông Than (Ninh Thuận). Tổng diện tích rừng lấy vào hai dự án xấp xỉ 1.563 ha, bao gồm rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp.

Ông Cường từng nổi tiếng với hàng loạt phát ngôn: “Trên thế giới có 7 tỷ người, chỉ cần mỗi người ăn 1 ký tôm thì Việt Nam sẽ xuất khẩu được 7 triệu tấn” (2017), “Thừa thịt lợn vì nuôi quá nhiều, dân lại ăn ít” (2017), tới năm 2020 lại nói: “Không có lý gì mà giờ chúng ta cứ tập trung ăn thịt lợn… lợn quá đắt thì chuyển sang ăn thịt gà”…

 

  1. “Giá điện không tăng, EVN có thể phải đi vay để trả tiền mua điện từ bên ngoài”

Nhận định do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra trong báo cáo dựa trên phân tích doanh thu của EVN từ 2015-2019. Báo cáo do Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA) công bố, rằng EVN đã giảm vai trò phát điện (do nguồn vốn eo hẹp) mà chuyển khâu này cho các nhà đầu tư độc lập (nhà máy nhiệt điện than).

Do phải tăng mua điện từ các nhà máy điện độc lập (IPP) bên ngoài, chi phí mua điện của EVN sẽ tăng 70,5% trong giai đoạn dự báo, lên 335,3 nghìn tỷ đồng (14,4 tỷ USD) và chiếm 60,1% chi phí hoạt động của EVN. “Nếu giá điện tăng không đủ nhanh thì tập đoàn sẽ phải đi vay nợ để chi trả cho các khoản thanh toán IPP ngày một lớn,” báo cáo viết.

Giá điện đã tăng 8,36% từ ngày 20/3/2019, mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT), tăng so với mức giá điều chỉnh vào năm 2017 là 143,79 đồng/kWh. Hè 2020, nhiều gia đình được gửi hóa đơn tiền điện tăng gấp 2-3 lần tháng trước, có nhà có hóa đơn tiền điện tăng 14 lần, 30 lần.

 

  1. “Chúng ta nên tôn trọng lời đại biểu Quốc là do gia đình bảo lãnh”

Họp báo (ngày 1/9) về việc đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc bị lộ chuyện hai quốc tịch, đã có quốc tịch Síp từ năm 2018, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng không nên suy diễn từ đâu mà đại biểu Phạm Phú Quốc có 2,5 triệu USD để mua quốc tịch Síp, và nên tôn trọng lời ông Quốc là do gia đình bảo lãnh, không nên đưa vấn đề đi xa quá.

“Chúng ta nên tôn trọng lời thú thật là do gia đình bảo lãnh chứ không nên suy diễn, có bước đi quá đà tìm hiểu số tiền này từ đâu ra”.

“Tôi nghĩ đến thời điểm này chúng ta nên tôn trọng đại biểu Phạm Phú Quốc vì ông có báo cáo chính thức trước công luận, tổ chức Đảng tại sao có quốc tịch thứ hai”.

 

Ông Khuê cũng cho biết hàng năm, các tổ chức Đảng đều yêu cầu cán bộ công chức phải thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản. Tuy nhiên, vấn đề này gặp không ít khó khăn trong việc quản lý tài sản tiền tệ, đá quý hoặc mở tài khoản ở các nơi. Hiện không đủ điều kiện, không đủ thông tin để đánh giá về tài sản của đại biểu Quốc.

Phản biện lại những phát ngôn trên, luật sư Luân Lê cho hay: “Nhân dân chẳng lẽ không còn cái quyền cơ bản với một đại biểu quốc hội (dân biểu) đang đại diện cho chính mình, dù đó chỉ là mặt hình thức? […]

Ông ta [đại biểu Phạm Phú Quốc] đã đi quá xa với số tiền khổng lồ không rõ nguồn gốc, trong khi vị này lại khuyên nhủ nhân dân đừng nên đi quá xa một vấn đề nghiêm trọng.

Bảo sao tham nhũng chẳng những không giảm mà còn thách thức cả chính phủ như đã từng thừa nhận chính nó không thể chống được tham nhũng”.

 

  1. “Văn hóa từ chức là có, tôi xin trả lời thẳng câu này”

Chiều 6/11, khi tranh luận với Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà về phát triển thuỷ điện, đại biểu Ksor H’Bơ Khắp (đoàn Gia Lai) đã đặt câu hỏi với Thủ tướng – ông Nguyễn Xuân Phúc: “Việc phát triển phá rừng đúng quy trình thông qua các dự án thì phải chỉ mặt, điểm tên cá nhân, tổ chức nào hay cứ bảo do Quốc hội bấm nút là được? và Thủ tướng có ủng hộ văn hóa từ chức không? Công tác cán bộ của ta nên đưa văn hóa này vào chưa?”.

Tới sáng 10/11, khi phát biểu tổng kết lại 2,5 ngày chất vấn trong kỳ họp, ông Phúc nói luật đã quy định, với cán bộ lãnh đạo chủ chốt chủ động xin thôi khi thấy bản thân còn hạn chế về năng lực, uy tín. Song để có văn hóa từ chức, thì cần phát huy tinh thần nêu gương…

“Văn hoá từ chức là có và đã có luật. Tôi xin trả lời thẳng câu này”, ông Phúc nói.

Văn hóa từ chức có luật nhưng có được thực hiện hay không, thì phần trả lời của Thủ tướng Chính phủ lại chưa có câu này. Theo một thống kê do Cổng thanh tra Chính phủ vừa đưa ra, chỉ riêng tham nhũng trong các tổ chức, do cá nhân, từ năm 2013 đến nay, khối thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700.000 tỷ đồng, hơn 20.000 ha đất; hơn 14.000 tập thể, nhiều cá nhân bị kiến nghị xử lý trách nhiệm. Gần 700 vụ việc chuyển sang cơ quan điều tra, bình quân 63 vụ/năm.

Nếu văn hóa từ chức là có, vậy nên hiểu ra sao với những con số nêu trên? Khi chỉ tính riêng con số tài chính, cứ mỗi năm cán bộ công chức làm “bốc hơi” hơn 63.636 tỷ đồng, tương đương tiền xây 10.101 ngôi trường tiểu học như ngôi trường tiểu học Tân Lân (Long An) vừa hoàn thành.

 

Nguyễn Quân

Trithucvn (31.12.2020)