„Việt Nam nên chấm dứt tình trạng quấy rối các ứng cử viên độc lập và thực hiện các bước ngay lập tức để thúc đẩy một nền truyền thông tự do, độc lập và đa dạng.”

Article 19, (20.05.2021)

Vũ Quốc Ngữ dịch 

 Việc bắt giữ nhiều ứng cử viên độc lập trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới nhằm trả thù cho các hoạt động truyền thông xã hội của họ, nhấn mạnh sự không khoan dung mà chính phủ Việt Nam dành cho những tiếng nói chỉ trích, tổ chức Article 19 nói. Nhà chức trách Việt Nam nên trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho các ứng viên đang bị giam giữ và thực hiện các bước bảo đảm quyền tự do ngôn luận, kể cả trên mạng, trong mọi vấn đề liên quan đến bầu cử Quốc hội.

Matthew Bugher, Trưởng chương trình châu Á của Article 19, nói “Việc giam giữ những ứng cử viên tự ứng cử chỉ vì đã thảo luận về luật pháp và chính trị của Việt Nam trên mạng xã hội là bằng chứng cho thấy cuộc bầu cử sắp tới sẽ chẳng có gì khác ngoài một trò hề. “Chắc chắn không ai có thể mong đợi một cuộc bầu cử tự do và công bằng ở Việt Nam, nhưng các biện pháp đàn áp khốc liệt của nhà cầm quyền đối với giới bất đồng chính kiến là rất đáng báo động.”

Trước cuộc bầu cử Quốc hội được tổ chức vào ngày 23 tháng 5 năm 2021, nhà chức trách ở Việt Nam đã sách nhiễu và bắt giữ nhiều ứng cử viên độc lập, dường như để trả đũa việc họ sử dụng mạng xã hội để bày tỏ ý kiến về tình hình đất nước và cuộc bầu cử.

Hai ứng cử viên đã bị bắt và bị buộc tội theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự, với tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc phổ biến thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” Một ứng cử viên thứ ba đã bị bắt theo Điều 330 “chống lại người thi hành công vụ.” Người này cũng đang bị điều tra về cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước” theo Điều 331.

Article 19 trước đây đã kêu gọi Việt Nam sửa đổi hoặc bãi bỏ Bộ luật Hình sự để phù hợp với luật nhân quyền quốc tế.

 

Đàn áp tiếng nói độc lập trước cuộc bầu cử

Vào ngày 10 tháng 3 năm 2021, nhà chức trách ở tỉnh Ninh Bình đã bắt giữ ông Trần Quốc Khánh vì đã sử dụng Facebook để “xuyên tạc, bôi nhọ chính quyền, phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa kêu gọi đa nguyên cùng tam quyền phân lập.” Ông bị buộc tội theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Bản cáo trạng của ông Trần Quốc Khánh đề cập cụ thể đến 13 video trên Facebook của ông. Ông Khánh đã đăng nhiều video lên án việc chính phủ coi thường pháp quyền.

Trước khi bị bắt, ông Trần Quốc Khánh đã bày tỏ ý định tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập trong cuộc bầu cử sắp tới. Tuy nhiên, có vẻ như ông không thể chính thức nộp đơn ứng cử trước khi bị giam giữ.

Vài tuần sau, ngày 27 tháng 3 năm 2021, nhà cầm quyền Hà Nội bắt nhà báo độc lập Lê Trọng Hùng theo Điều 117. Việc bắt giữ ông Hùng diễn ra ngay sau khi ông chỉ trích chính phủ trên mạng vì đã ngăn cản các ứng cử viên độc lập tranh cử trong cuộc bầu cử sắp tới. Trong một bài đăng trên Facebook ngày 14 tháng 3, ông Lê Trọng Hùng xác nhận rằng ông đã đăng ký ứng cử viên độc lập.

Ông Lê Trọng Hùng là thành viên của nhóm truyền thông xã hội độc lập Chấn Hưng Nước Việt TV (CHTV). Ông Trần Quốc Khánh đã xuất hiện trong một số chương trình phát sóng của CHTV. CHTV sản xuất các video phát trực tiếp trên Facebook và video trên YouTube về các vấn đề chính trị và xã hội. Nhóm này được nhà hoạt động Vũ Quang Thuận thành lập lần đầu vào năm 2017. Ông Thuận hiện đang thụ án 8 năm tù sau khi bị kết án vào năm 2018 theo Điều 117 [Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999].

Một thành viên CHTV khác, nhà báo độc lập Lê Văn Dũng (nickname Dũng Vova), đã nộp đơn vào tháng 2 năm 2021 làm ứng cử viên trong cuộc bầu cử sắp tới nhưng đơn của ông đã bị từ chối vào tháng 3. Ông cũng đã phải đối mặt với sự sách nhiễu của chính quyền Việt Nam. Gần đây nhất, vào ngày 19 tháng 3, công an Hà Nội đã thẩm vấn ông về một số video trên Facebook. Ông đã được trả tự do sau cuộc thẩm vấn nhưng vẫn có thể có nguy cơ bị bắt.

Vào ngày 14 tháng 4 năm 2021, nhà chức trách đã bắt giữ ông Lê Chí Thành, một người dùng mạng xã hội trở thành ứng cử viên độc lập. Đầu tháng 3, ông Lê Chí Thành thông báo trên trang YouTube của mình rằng ông đang nộp thủ tục tự ứng cử với cơ quan bầu cử ở thành phố Hồ Chí Minh. Lê Chí Thành, cựu sỹ quan công an ở một trại giam, đã bị sathải vào năm 2020 sau khi ông tố cáo hành vi tham nhũng và sai phạm của ban quản lý trại giam. Kể từ đó, ông đã tích cực theo dõi hành vi mãi lộ của cảnh sát giao thông và đăng tải các video về phát hiện của mình lên Facebook và YouTube.

Lê Chí Thành đã bị cáo buộc theo Điều 330 và các nhà chức trách được cho là đang xem xét điều tra về một cáo buộc khác theo Điều 331 về việc ông đăng tải trên Youtube các bài viết của mình. Hai tuần trước khi bị bắt, ông phớt lờ lệnh triệu tập của cảnh sát để trả lời các câu hỏi của Cục An ninh mạng, Bộ Công an.

 

Quyền tự do ngôn luận và bầu cử

Article 19 đã thường xuyên nhấn mạnh rằng việc bảo vệ bầu cử đòi hỏi nhiều hơn là đảm bảo rằng cử tri có quyền tiếp cận lá phiếu. Công dân có quyền được cung cấp thông tin và các ứng cử viên có quyền tự do trao đổi với công chúng.

Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc, khi nghiên cứu về quyền tham gia vào các vấn đề công, đã tuyên bố rằng “việc trao đổi thông tin và ý tưởng tự do về các vấn đề chính trị và công cộng giữa công dân, ứng cử viên và đại diện được bầu là điều cần thiết.”

Tuyên bố chung của Liên Hiệp quốc năm 2020 về Tự do ngôn luận và Bầu cử trong Kỷ nguyên Kỹ thuật số tái khẳng định rằng các nguyên tắc đó tồn tại bình đẳng đối với các phương tiện truyền thông kỹ thuật số và truyền thống, bao gồm cả các nền tảng truyền thông xã hội được sử dụng phổ biến nhất ở Việt Nam.

Tuyên bố cho rằng các quốc gia nên thúc đẩy “phương tiện truyền thông tự do, độc lập và đa dạng” và “quyền truy cập hiệu quả vào Internet và các công nghệ kỹ thuật số khác.” Không nên kiểm duyệt phương tiện truyền thông, bao gồm cả việc chặn các trang web hoặc cắt Internet. “Các nhân vật của công chúng nên cần chịu đựng được mức độ chỉ trích và giám sát cao hơn so với những công dân bình thường.”

Làn sóng đàn áp gần đây của Việt Nam trước thềm bầu cử Quốc hội trái với các nguyên tắc quốc tế về tự do ngôn luận và bầu cử cũng như nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị.

Đối thoại cởi mở và quyền tự do bày tỏ ý kiến phản biện là những yếu tố nền tảng của nền dân chủ và đặc biệt quan trọng trong thời gian bầu cử,” ông Bugher nói. “Việt Nam nên chấm dứt tình trạng quấy rối các ứng cử viên độc lập và thực hiện các bước ngay lập tức để thúc đẩy một nền truyền thông tự do, độc lập và đa dạng.”

Để biết thêm thông tin, đề nghị liên lạc với ông Matthew Bugher, Trưởng Chương trình Châu Á, matthew@article19.org

 

Nguồn: Vietnam: Stop silencing independent voices ahead of election (20.05.2021)

VNTB (22.05.2021)