„Truyền-đơn giấy chỉ có tác-dụng nhỏ, rất hạn-chế trong khu-vực được rải xuống hoặc được chuyền tay nhau, rất giới-hạn. 

Truyền-đơn người, với qui- mô rộng lớn hơn, nhất là với sự tiếp tay rất tích-cực của những hãng truyền-thông lớn trên thế-giới ra rả quảng-bá liên-tục cả thập-niên từ 1975, đã lan rộng và gây ảnh-hưởng rất lớn, nếu không nói là lớn nhất trong công việc chống Cộng-sản toàn-cầu. „

 Lê Xuân Cảnh

Nhân Memorial Day là ngày nước Mỹ tưởng-niệm các chiến-sĩ đã chết khi phục-vụ cho đất nước Hoa-kỳ, chúng ta không quên tưởng-niệm gần ba trăm ngàn thuyền-nhân Việt Nam đã bỏ xác ngoài biển Đông khi phục-vụ cho đất nước Hoa-kỳ.  

Sẽ có người đặt câu hỏi:

Thuyền-nhân Việt tử-nạn trên đường vượt-biên thì có dính dáng gì đến việc phục-vụ cho đất nước Hoa-kỳ?  

Dưới đây là câu trả lời rất chủ-quan của chúng tôi:  

Thuyền-nhân Việt tử-nạn trên đường vượt-biên đã phục-vụ cho quốc-gia lãnh-đạo thế-giới tự-do là Hoa-kỳ trong việc chống lại sự bành-trướng của chủ-nghĩa Cộng-sản trên toàn-cầu.  

“Những cái chết tức-tưởi của thuyền-nhân Việt trên đường trốn chạy Cộng-sản là thông-điệp mạnh-mẽ nhất được gửi đi khắp nơi để cho loài người trên trái đất này nhìn thấy Cộng-sản là gì mà anh em cùng một dòng máu, anh em cùng một màu da, anh em cùng một ngôn-ngữ, anh em cùng một quê-hương, anh em cùng một lòng yêu quí sự thống-nhất đất nước và độc-lập xứ sở của dân-tộc mình đã không sống với nhau được, đã phải bỏ nước ra đi bằng mọi giá, chỉ vì người anh em bên kia của mình là người Cộng-sản không giống ai. Ít nhất là trong hơn một thập-niên sau biến-cố 30 tháng Tư năm 1975.”

“Giữa anh em trong một nước với nhau mà còn không sống với nhau được, vậy thì ngụy-thuyết Cộng-sản với chủ-trương sống đại-đồng giữa các quốc-gia là một điều khôi-hài, hoang-tưởng.”

LXC 

 

Truyền-đơn giấy chỉ có tác-dụng nhỏ, rất hạn-chế trong khu-vực được rải xuống hoặc được chuyền tay nhau, rất giới-hạn. 

Truyền-đơn người, với qui- mô rộng lớn hơn, nhất là với sự tiếp tay rất tích-cực của những hãng truyền-thông lớn trên thế-giới ra rả quảng-bá liên-tục cả thập-niên từ 1975, đã lan rộng và gây ảnh-hưởng rất lớn, nếu không nói là lớn nhất trong công việc chống Cộng-sản toàn-cầu. 

Hình-ảnh những chiếc ghe đánh cá nhỏ bé như chiếc lá chòng-chành chất chồng cả trăm người nhét chật hơn cá hộp chịu đựng bão tố khắc-nghiệt trên đại-dương mênh mông, tin-tức về những người vượt-biên được kể lại qua các cuộc phỏng-vấn thuyền-nhân người Việt còn sống sót của Cao-ủy Tị-nạn Liên-hiệp-quốc nói về việc người gần chết rình chia nhau ăn thịt người sắp chết, về việc hải-tặc cướp bóc hãm-hiếp thuyền-nhân, rõ ràng là những truyền-đơn người này có tác-dụng mạnh mẽ cho thấy Việt-nam là một bằng-chứng hùng-hồn nhất về sự thất-bại về lâu về dài của chủ-thuyết Cộng-sản, dù cho họ có chiến-thắng về mặt quân-sự. 

Những cái chết của gần ba trăm ngàn người Việt liều mạng trốn chạy Cộng-sản kia đã ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, thập-niên qua thập-niên, gây nhức nhối con tim loài người, đánh động lương-tri nhân-loại, trong số đó có lương-tri của một người Cộng-sản thức-thời, Tổng-bí-thư Mikhail Gorbachev của Nga, người đã bắt tay Tổng-thống Ronald Reagan của Mỹ, và cả hai  phối-hợp nhịp nhàng với Pope John Paul ll của Vatican đã cùng nhau dựt sập bức tường ô-nhục Berlin và dẫn đến sự sụp-đổ hoàn-toàn của toàn-bộ khối Cộng-sản Đông-âu.

Gần ba trăm ngàn xác chết của thuyền-nhân Việt bị tử-nạn trên đường trốn chạy Cộng-sản này là những TRUYỀN-ĐƠN NGƯỜI đã cảnh-tỉnh và giúp những người còn mơ ngủ hiểu rõ Cộng-sản là gì, từ đó giúp chống lại chủ-nghĩa Cộng-sản một cách hữu-hiệu nhất.  

 

TỰ-PHÁT HAY DO TÍNH TOÁN?

Hơn một triệu rưỡi người Việt vượt-biên trong đó gần ba trăm ngàn thuyền-nhân đã chết tức tưởi ngoài biển Đông vào thập-niên 80 đã là những truyền-đơn người sống động nhất vạch rõ cái xấu xa của Cộng-sản cần phải tránh xa và cái tốt đẹp của thế-giới tự-do cần phải tìm đến bằng mọi giá, ngay cả việc có thể phải đổi cả mạng sống của mình.  

Câu hỏi được đặt ra:

Đây là loại truyền-đơn người tự-phát, hay đây là sản-phẩm của người Mỹ trong cuộc chiến-tranh ý-thức-hệ? 

Nhiều người cho rằng chính người Mỹ khi rút quân ra khỏi chiến-trường VN, tạm-thời chấp-nhận thua cuộc về mặt quân-sự đã âm-mưu cài dùng người Việt chống Cộng-sản ở lại để dấy động một phong-trào vượt-biên, chịu khổ sở chết chóc trên biển Đông để thế-giới tự-do có phương-tiện tuyên-truyền chống Cộng-sản.  

Hãy nghe vị đại-sứ Mỹ cuối cùng tại VN trước biến-cố 30 tháng Tư, 1975, Graham Martin nói trong “Tears Before The Rain”, một tập sử-liệu về sự sụp đổ của miền Nam Vietnam được thu-thập qua những cuộc phỏng-vấn các nhân-vật có liên-hệ đến cuộc chiến thực-hiện bởi Larry Engelmann, một giáo-sư sử-học tại San Jose State University, California. Sách được dịch bởi Nguyễn Bá Trạc và xuất-bản năm 1990 (cùng năm với sự qua đời của Graham Martin.)  

“Tại vì bấy giờ ở đấy có một việc không một ai biết ngoại-trừ tôi và Wolf Lehmann, phụ-tá của tôi. 

Việc ấy là chuyện đi lại của Brezhnev và Kissinger với Hà Nội. Và theo Leonid Brezhnev, Hà Nội đã đồng-ý ấn-định thời-hạn cho chúng tôi rút: Hạn chót là ngày 3 tháng 5. Đó là một thỏa-thuận.” 

Vậy thì vì sao vị đại-sứ này đã rời Saigon vào sáng sớm ngày 30 tháng Tư, theo lệnh của Tổng-thống Mỹ lúc bấy giờ là Gerald Ford, bỏ lại gần 400 quân cán chính người Việt và Nam-Hàn  đã ở bên trong tòa đại-sứ cả ngày hôm trước  mà mạng sống sẽ bị đe dọa một khi Cộng quân vào đến Saigon ? 

Ngay cả việc thế-giới tự-do lơ là trong việc cứu vớt người vượt-biên ngoài biển cả khi các tàu buôn lớn bỏ chạy luôn không cứu vớt thuyền-nhân, ngay cả việc thế-giới tự-do làm ngơ để cho hải-tặc Thái-lan hoành-hành tại vịnh Thái-lan, tất cả những lơ-là đó không phải là không có mục-đích. 

Rõ ràng càng gây hiểm nguy cực-kỳ cho thuyền-nhân trong việc vượt biển bao nhiêu, người Mỹ càng cho cả thế-giới nhìn thấy rõ hơn bấy nhiêu là Cộng-sản là con quái-vật gì mà dân cùng một nước không thể sống chung được, phải trốn chạy, dù biết nguy-hiểm đến chết người vẫn cứ bỏ đi.  

Thái-lan là đệ-tử ruột của Mỹ, nếu Mỹ muốn bóp mũi bọn hải-tặc mà đa-số là lính biên-phòng và dân đánh cá Thái, chỉ cần  một cú phone từ đàn anh Mỹ. 

Nhưng dẹp bỏ hải-tặc để làm gì trong khi duy-trì nó có lợi cho việc tuyên-truyền chống Cộng-sản hơn. 

Phải chăng Boat People cũng là Best Propaganda ? BP.  

Hơn một thập-niên sau đó người Mỹ đã gặt hái được một thắng-lợi chính-trị vĩ-đại khi chủ-nghĩa Cộng-sản bị khai-tử tại liên-bang Sô-viết và các nước chư-hầu Đông-âu.  

Không tốn một viên đạn!

Không tốn một giọt máu. 

Chỉ có sự hy-sinh của gần ba trăm ngàn người Việt chúng ta trên biển Đông.   

Và gần sáu chục ngàn lính Mỹ chết trước đó trong cuộc chiến với Bắc-việt tại Việt Nam mà chúng ta tưởng-niệm hôm nay.  

Thuyết âm-mưu này có thật hay không? 

Hay chỉ là một sự diễn-biến trùng-hợp tự-nhiên. 

Xin quí anh chị vui lòng bỏ vài phút cùng chúng tôi, một truyền-đơn người may mắn không bỏ mạng trên con đường trốn chạy Cộng-sản, cùng ngược dòng lịch-sử trở lại Saigon ngày 29 tháng Tư năm 1975.  

 

MỘT ÂM-MƯU CỦA MỸ?

HAY CHỈ LÀ MỘT CUỘC DI-TẢN TỒI? 

Sáu giờ ba mươi sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975, tôi

vào được bên trong sân sau của toà đại-sứ Mỹ tại Saigon.  

Dân chúng muốn di-tản đã phá cổng ùa vào khi toàn-bộ lính Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ có nhiệm-vụ bảo-vệ tòa đại-sứ đã rút hết vào bên trong toà nhà chính kiên-cố, chuẩn-bị chờ trực-thăng đưa ra hạm-đội Mỹ đang neo ngoài khơi biển Vũng Tàu. 

Tôi đứng lạc-lõng cạnh hồ bơi, nước mắt ràn rụa. 

Nhìn những hộp giấy đựng thức ăn dở, muỗng nĩa nhựa chai lon vứt bừa bãi tung toé trên hồ bơi, tôi biết chúng là một trong những thành-phần đang sống trong thành-phố Saigon không muốn di-tản. Chúng sẽ ở lại với Cộng-sản và những người bị kẹt lại như chúng tôi.  

Khi cánh cửa bên hông tòa đại-sứ mở ra, hàng trăm người, đàn ông thì complet cà-vạt đàng-hoàng tay xách samsonite, đàn bà thì váy đầm váy điết đẹp đẽ nách mang ví bóp hợp thời-trang, ngay cả con nít quần áo cũng rất chỉnh-tề, úa ra sân và lục-tục bỏ ra cổng trước phía đường Thống Nhất, hốt-hoảng lo kiếm đường về nhà hoặc vội-vã chạy ra bến Bạch Đằng kiếm đường thoát thân bằng cách leo lên những tàu buôn dân-sự đang neo tại đó. Một số đã đi được vào giờ phút chót bằng con đường này. 

Không ai buồn nhìn lại toà nhà kiên-cố mình đã sống chết trong đó cả ngày mà không được Mỹ bốc đi. 

Họ là những người có tên trong danh-sách cần phải được di-tản vì mạng sống sẽ bị đe dọa nếu ở lại. 

Chiếc cổng trước mở toang, chả bù với trước đó vài giờ, quân-cảnh và lính Thuỷ-quân lục-chiến Mỹ súng ống đầy đủ, nhất là lựu đạn thì đeo đầy người đang phải đối-phó với hàng ngàn người Việt bên ngoài cổng đang chen lấn xô đẩy nhau cố trình giấy tờ vào phút chót để được cho vào bên trong toà đại-sứ với hy-vọng được di-tản vào giờ chót bằng trực-thăng ra đệ Thất hạm-đội Mỹ đang neo tại ngoài khơi Vũng Tàu, mất khoảng ba mươi phút bay.  

Tôi đã đứng chen lấn với đám đông người ngay trước cổng sắt của toà đại-sứ Mỹ này từ tối hôm trước, chỉ mong tìm cách lọt vào bên trong sân lúc đó đang lốn nhốn đầy ngập người. Tôi không biết có được cho vào không vì trong người chỉ có cái căn-cước có hình và một cái bùa rất tồi là cái business card có tên mình và logo của Vietnamese American Asociation (VAA). Tôi có cơ-hội cộng-tác với Phòng Văn-hoá của hội để phụ-trách một lớp dạy đàn Tây-ban-cầm cổ-điển tại đây. 

Trước đó, tại điểm hẹn do VAA thông-báo cho các nhân-viên của hội tập-họp lại để được đón đi di-tản, chúng tôi chờ mãi chả thấy bóng dáng một chiếc trực-thăng nào đỗ xuống. 

Có khi nào những chiếc trực-thăng này đã đi đón những người ba Tàu giàu có đã đóng vàng hoặc dollars để được đi? Hay thật ra cũng chẳng có máy bay trực-thăng nào ráo.  

Ban giám-đốc của VAA đã ra đi và nhân-viên của VAA tụ-họp lại với nhau tại những địa-điểm tập-trung coi như    giả nay đầy những tiếng chửi thề thật

Chúng tôi chửi Mỹ bằng tiếng mẹ đẻ là tiếng “Đan Mạch” cho nên cả bọn nghe với nhau thật đầy đủ, thấm-thía, không sót một chữ. Toàn là những nhân-viên làm việc tại phòng VĂN-HÓA nên nghe nhau chửi thề rất là thú-vị. Phải nói là VAA đã tuyển chọn lầm người vào làm công việc văn-hóa cho hội.

Các ông họa-sĩ chửi nhiều nhất, nhất là các ông có mang theo những bức tranh quí giá của mình vẽ, tưởng sẽ có dịp được triển-lãm ở Mỹ nay mai !?

 

WHO CARES?

Suốt đêm 29 rạng 30 đứng bên ngoài hàng rào của toà đại-sứ Mỹ trên đường Thống-nhất nghe tiếng rì rầm của những chuyến trực-thăng đến và đi trên nóc toà đại-sứ Mỹ lúc bấy giờ đang rực sáng do lửa cháy mà theo Wikipedia (Operation Frequent Wind) là do nhân-viên toà đại-sứ vừa đốt hủy tài-liệu mật và năm triệu dollars Mỹ vừa để hướng-dẫn trực-thăng thấy đường đáp xuống. Tài-liệu mật bị đốt thì có lý. Năm triệu dollars thì chắc bị đốt trên báo-cáo cho đúng nguyên-tắc. Cũng theo tài-liệu này thì cứ cách 10 phút lại có một chiếc trực-thăng đáp xuống để bốc người đi. 

Bắc-việt đã thỏa-thuận không can-thiệp vào việc di-tản cho đến ngày 3 tháng Năm, chỉ mong sao Mỹ và chúng ta rút nhanh để họ sớm vào Saigonmột cách êm-ái. Cuộc pháo-kích vào phi-trường Tân Sơn Nhất  ngày 28 và 29 có lẽ đã không xảy ra nếu trước đó không có việc ba chiếc phản-lực-cơ nặng ký F-5 bay qua Thái-lan, trái với thỏa-ước là Mỹ phải để lại toàn-bộ các máy bay chiến-đấu cho VC.   

Đến 7:35 sáng thì việc di-tản tại toà đại-sứ Mỹ chấm dứt. Một TQLC Mỹ từ trên nóc nhà toà đại-sứ vứt một quả lựu đạn cay xuống hồ bơi và chiếc trực-thăng cuối cùng rời nóc toà đại-sứ, bỏ lại bên dưới hàng trăm người đã ở bên trong toà đại-sứ suốt cả ngày hôm qua. 

Chắc chắn những người này sẽ là những người tiền-phong dấy động việc tìm đường vượt-biên, và không biết ai trong bọn họ sẽ là truyền-đơn người còn sống sót sau cuộc vượt biển. 

 

THÂN-PHẬN CỦA CON DÂN MỘT NƯỚC NHƯỢC-TIỂU.  

Bây giờ nhìn lại, sau gần nửa thế-kỷ, ngoài gần ba trăm ngàn đồng-bào của chúng ta đã phải bỏ mình trên đường vượt-biên, phần còn lại trong chúng ta đã may mắn đến được bến bờ tự-do, không còn là công-dân của một nước nhược-tiểu mà số-phận luôn bị định-đoạt bởi các cường-quốc trên thế-giới nữa.    

Dù là một âm-mưu chính-trị tinh-vi có tính-toán của người Mỹ dùng thuyền-nhân Việt làm truyền-đơn sống chống Cộng-sản, dùng Boat People như một Best Propaganda để tuyên-truyền ngăn cản sự bành-trướng của chủ-nghĩa Cộng-sản; hay chỉ là một cuộc di-tản quân-sự tồi dẫn đến một phong-trào vượt biên trốn chạy Cộng-sản

thi đối với người Việt tị-nạn chúng ta, rõ ràng đây là một sự-kiện lịch-sử có tính Tiền Hung Hậu Kiết.

Trong cái rủi có cái may. 

Không có cuộc đổi đời này, làm sao ngày nay chúng ta thấy được có những người cha người mẹ trước đây vốn gốc nông-dân hay làm nghề chài lưới ở VN, nay hành-nghề cắt cỏ hay làm Nail tại Mỹ nuôi dạy con thành bác-sĩ, kỹ-sư, dược-sĩ, chuyên-viên giỏi không thua kém bất-kỳ sắc dân nào trên thế-giới.  

 

KẾT. 

Việc bỏ nước ra đi, chấp-nhận cái chết, chấp-nhận bị cướp bóc hãm hiếp đã nói lên cho cả thế-giới, ngay cả thế-giới Cộng-sản, thấy là Cộng-sản là cái gì mà cùng một màu da cùng một dòng máu mà con người ta vẫn không sống với người anh em của mình được. 

Tác-dụng của những cái chết ngoài biển Đông của hàng trăm ngàn người Việt hy-sinh ngoài biển cả phải chăng là tác-dụng tuyên-truyền mạnh nhất, hữu-hiệu nhất cho công việc chống Cộng trên toàn thế-giới. 

Và chúng ta không là truyền-đơn người là gì? 

Nay chúng ta là Mỹ GIẤY, là Úc GIẤY, là Pháp GIẤY,  là Bỉ GIẤY, là Đức GIẤY, là Ý GIẤY, là  Hoà-lan GIẤY, là Anh GIẤY, là  Canada GIẤY, là vv….và ….vv….

 

Nhưng chúng ta là những truyền-đơn NGƯỜI THẬT  hãy còn sống, không vô-tri vô-giác như giấy.  

Chúng ta luôn nhớ đến gần ba trăm ngàn đồng-bào của chúng ta, những truyền-đơn NGƯỜI đã vĩnh-viễn ra đi, những chiến-sĩ chống Cộng hữu-hiệu nhất trên hành-tinh này là những người xứng-đáng cho chúng ta tưởng nhớ, không những trong ngày lễ Memorial Day, mà còn trong những ngày nào chúng ta còn sống. 

Truyền-đơn người sống còn đây,

Khóc truyền-đơn người chết thây không mồ,

Biển khơi sóng biếc nhấp nhô,

Hồn người năm cũ bây giờ nơi đâu ?

 

Lê Xuân Cảnh. 

(Memorial Day, 05/31/2021.)