nhân ngày 19.06, ngày Quân Lực VNCH, chúng tôi muốn nói lên lời ngưỡng mộ, kính phục và tri ân những người lính chân chính của Quân Lực VNCH, những người luôn đặt Tổ Quốc và Dân Tộc lên trên cả mạng sống của mình, các anh dù đã gởi thân trên các chiến trường trong cuộc chiến, hay đã bỏ xác trong các trại tù cải tạo hay đang sống ở bất cứ nơi đâu, chúng tôi cảm ơn các anh, những người lính VNCH anh dũng, bất khuất.

Việt Linh

 

Hôm nay là một ngày vô cùng đặc biệt đối với tất cả những người Việt tự do đang sống trên khắp thế giới, đặc biệt là những cựu quân nhân đã từng phục vụ trong Quân Lực VNCH trước năm 1975, Việt Linh xin  mời tất cả quý khán thính giả cùng tưởng nhớ về ngày Quân Lực VNCH 19.06, nếu tính đúng chính xác từ ngày lễ Quân Lực đầu tiên là vào ngày 19.06.1965 với Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương trong một buổi lễ ra mắt được tổ chức long trọng ở Thủ Ðô Sài Gòn, đã tuyên thệ trung thành với Tổ Quốc, nhận trách nhiệm lèo lái quốc gia và làm thành phần tiền phương của quân dân Việt Nam Cộng Hòa để bảo vệ đất nước.

Kể từ giờ phút lịch sử đó, QLVNCH vinh dự gánh vác thêm trọng trách nặng nề hơn đối với quốc gia, dân tộc… Người Lính VNCH ngoài trách nhiệm Bảo Quốc-An Dân, họ còn phải chèo chống con thuyền Quốc Gia trong cơn bão lửa chiến tranh trên dòng sông lịch sử. Từ thời điểm đó, ngày 19.6 đã được xem là một dấu mốc lịch sử, một chương mới của cuộc chiến đấu chống khối cộng sản quốc tế của quân dân Miền Nam, mà Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là thành phần nòng cốt gồng gánh trách nhiệm lãnh đạo đất nước, xây dựng nền độc lập, tự do và dân chủ, ngày 19.06 hàng năm đều có những cuộc diễn binh của tất cả các đơn vị và quân binh chủng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, để biểu dương sức mạnh và ý chí quật khởi của dân tộc Việt Nam chống xâm lược cộng sản từ phương Bắc.

 

Trải qua bao thăng trầm của đất nước, hình ảnh của người lính VNCH  đã thay đổi ít nhiều qua thời cuộc, nhưng trách nhiệm không hề thay đổi.

Những thanh niên trẻ tuổi lũ lượt bước vào quân trường, sau một thời gian thụ huấn, với lời tuyên thệ Vị Quốc Vong Thân, đã khoác lên người bộ đồ trận, lưng mang ba lô, bước ra sa trường, từ giờ phút đó, những người lính trẻ đã thực sự trở thành những người lính. Họ bắt đầu làm quen với gian khổ và tiếng súng trên bốn vùng chiến thuật, với những chiếc nón sắt tròn như mang cả nửa vầng trăng trên đầu, tay ôm súng đi khắp mọi miền đất nước để canh giữ cho quê nhà được bình yên.

Từ những năm 1960, kẻ thù phương Bắc, với xe tăng súng cối, với chủ thuyết ngoại lai đã bắt đầu Nam tiến, từ đó, những người lính của miền Nam tự do đã phải luôn có mặt khắp các chiến trường để chận bước  quân thù, họ đã đem cả cuộc đời, thân thể và mạng sống ra để bảo vệ hai chữ Tự Do cho Miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến tang thương và vô nghĩa kéo dài hơn 20 năm bởi tham vọng nhuộm đỏ cả dải đất quê  hương mang hình chữ S của bọn CSBV vô thần.

Hơn hai mươi năm dài của cuộc chiến tương tàn Nam Bắc, hơn 7.300 ngày, những người lính trẻ đã phải luôn đối diện với quân thù và lửa đạn khắp bốn vùng chiến thuật, sinh mạng của họ ngày ngày song hành cùng những đường bay của đạn pháo chiến tranh, hai mươi năm dài, những người lính hầu như luôn thiếu ngủ trong tiếng đại bác vang trời thâu đêm.

Hơn hai mươi năm chiến tranh, những người lính trẻ có được bao nhiêu ngày ngủ ngon giấc, bình yên trên những chiếc giường êm ấm, trong tiếng quạt trưa hè của những người vợ, của những bà mẹ.

Những người lính trẻ ra chiến trường để đối diện với quân thù, có những người đã ngã xuống trên những vùng đất xa lạ, không một người thân, không một lời trăng trối và những hoài bão còn dở dang, có những người lính đã nằm xuống trên khắp bốn vùng chiến thuật ở miền Nam, miền Đông, miền Trung từ Ðồng Xoài, Bình Giã đến Tống Lê Chân, Bình Long, An Lộc, họ ngã xuống để giữ mảnh đất miền Nam yêu thương được yên ấm tự do.

Những người lính đã nằm xuống ở miền Nam Việt Nam, để lại máu và xương họ trên đồng ruộng hay trên những mảnh đất khô cằn hay khắp các nẻo đường quê hương, tất cả những sự trả giá cao cả này đều vì quyết tâm gìn giữ chính nghĩa tự do và yên bình cho quê hương, cho sự bình yên của những người cha, người mẹ, người vợ, các trẻ nhỏ được sống ấm êm, hạnh phúc ở hậu phương.

 

Nói đến những người lính thì không thể không nói đến những thành phần vinh thân phì gia, sống xa hoa phè phỡn ở hậu phương, kiếm tiền trên xương máu những người lính và những người dân thấp cổ bé miệng, họ chỉ lo làm an, kiếm tiền và hưởng thụ vì vòng đai của hậu phương đã có những người lính luôn ngày đêm chống giặc và giữ gìn an toàn cho những người ở hậu phương, trong số này có những kẻ chỉ biết sống trên sự lợi dụng tính mạng của những người lính, vì họ biết chắc rằng, những người lính sẽ không bao giờ buông súng nơi chiến trường, sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và sẵn sàng ngã xuống vì quê hương, đất nước, những người lính dù biết cuộc đời luôn có những bất công, bạc đãi, phũ phàng, họ vẫn tiếp tục ra các chiến trường để được sống những cuộc đời hiên ngang, chiến đấu oai hùng giữa muôn ngàn hiểm nguy, xem cái  chết tợ lông hồng.

Những người lính VNCH vẫn tiếp tục ngã xuống, hy sinh tính mạng để ngăn bước quân thù. Có thể nói, chưa có quân đội của một quốc gia nào mang phận đời nghiệt ngã, bi thương nhưng oai hùng, bất khuất như những người lính của miền Nam Việt Nam?

Những người lính VNCH phải chiến đấu trong cô đơn, thiếu thốn, khó khăn cùng cực, vừa phải ngăn giặc cộng ở chiến trường, vừa phải đối phó với lũ đâm lén sau lưng chiến sĩ của bạn bè đồng minh và sự bạc bẽo, hờ hững từ những kẻ sống vinh thân phì gia ở hậu phương.

 

Hậu phương và tiền tuyến là hai vùng đất đối kháng nhau, một nơi luôn dối diện cùng lửa đạn và quân thù và cái chết hàng ngày và một nơi luôn được sống trong ấm êm, hạnh phúc, tình người được dành cho những người lính chỉ là những trang tiểu thuyết, những dòng văn chương phù phiếm, những hình ảnh người lính kiểng trong bộ quân phục thẳng tắp, còn nguyên nếp gấp, sạch sẽ, trên sân khấu, trên màn ảnh bên cạnh những cô gái đẹp như nữ minh tinh, má đỏ môi hồng, chung tình với những người lính qua những bài ca tình ái, anh tiền tuyến em hậu phương.

Chỉ có những người vợ lính, những người làm quần quật lo cho cha mẹ già, con thơ trong khi chồng đi trận miền xa thì mới hiểu được đời sống thực sự của những người lính là gian khổ, nguy hiểm như thế nào.

Những người vợ lính thật bình dị, mộc mạc, chân phương, họ phải đóng cả hai vai, cha và mẹ cho những đứa con thơ còn nhỏ dại, sống vất vả, tằn tiện để đủ lo trong ngoài với đồng lương của một người lính. Nhưng họ đã không than vãn, trách móc chỉ vì muốn những người lính được  yên tâm cầm chắc tay súng trên chiến trường. Chẳng mấy biết được những người vợ lính luôn sống trong lo âu từng ngày, sẽ thắt cả tim gan khi thấy một người lính lạ nào đó cùng đơn vị, về gặp người thân để báo hung tin có chồng tử trận. Sau ngày tang thương mất nước, cũng những người vợ lính này, đã phải quần quật kiếm sống, lo cho con và gói ghém, chắt chiu để đi thăm chồng trong các trại tù cải tạo từ Nam ra Bắc, họ chính là những chứng nhân sống qua một cuộc đổi đời không mong muốn.

 

Lịch sử đã sang trang, thế sự đã xoay vần, cả thế giới chia sẻ với những người chiến thắng về sự thống nhất trên toàn cõi đất nước Việt Nam với lá cờ đỏ màu máu của những người Cộng Sản, bắt đầu cho những trang sử mới tang thương, chết chóc và tồi tệ nhất trong lịch sử của nước Việt Nam.

Nhưng cũng chính vào ngày 30.04.1975, những cán binh cộng sản nâng ly chúc mừng nhau đã đưa miền Nam đến chỗ diệt vong thì chính thức đã có thêm 26 triệu tù nhân nói giọng miền Nam bị nhốt vào cái nhà tù lớn mang hình chữ S, những tiếng Chiến Thắng và Hòa Bình chỉ tồn tại trong lịch sử của những người miền Bắc, nhưng đối với chúng ta, những người dân từng sống ở miền Nam trước năm 1975, chúng ta cần khẳng định một cách mạnh mẽ, nếu đọ sức tay đôi với vũ khí cân xứng, quân đội VNCH không hề thua và cộng sản không hề thắng, trong trận chiến đấu cuối cùng những ngày tháng 4, chúng ta không hề công nhận chiến thắng của bọn quỷ đỏ và chúng ta cũng không hề có được hòa bình đúng nghĩa sau ngày tang thương, mất nước 30.04.1975.

 

Mất nước, tan nhà, người miền Nam bỏ nước ra đi khắp bốn phương trời vì không chấp nhận sống chung với những kẻ tàn ác, máu lạnh, vô văn hóa, không tình người, những người lính VNCH, với những người đã gởi thân trên các chiến trường trong cuộc chiến tương tàn, vô nghĩa, lớp vượt thoát thành công, đến được các xứ sở tự do, lớp còn kẹt lại nơi quê nhà, lại tiếp tục bị trù dập, khinh rẻ, bị đày đọa trên chính mảnh đất mà họ đã từng chiến đấu để gìn giữ, nhưng đối với chúng tôi, các bác, các chú, các anh vẫn là những người lính oai hùng, sa cơ thất thế nhưng luôn giữ gìn khí tiết của người lính, hình ảnh của họ vẫn luôn trong trái tim của tất cả người dân miền Nam Việt Nam.

Những người lính trong Quân Lực VNCH, đã chấp nhận cuộc sống gian khổ, thiếu thốn trong thời chiến lại phải miễn cưỡng chấp nhận cả số phận tàn nhẫn, bạc bẽo trong thời bình giả tạo. Nhưng, dù các anh đã vượt thoát đến được bến bờ tự do hay còn bị kẹt lại trên quê hương, thì hình ảnh các anh vẫn luôn sống mãi trong tâm thức của những người dân Miền Nam Việt Nam, ngoại trừ, những kẻ cơ hội mượn bộ đồ lính để tiến thân, mua quan bán chức, đã may mắn vượt thoát được đến những xứ sở tự do, lại có những hành vi tồi bại, mang tiếng đến cộng đồng người Việt, lợi dụng bộ quân phục của người lính để đi biểu tình ủng hộ một tên trốn lính nói dối chuyên nghiệp, phân biệt chủng tộc, miệt thị đồng hương thì những người dân miền Nam Việt Nam, trong đó có bản thân Việt Linh, sẽ không tha thứ cho những hành động bán rẻ nhân cách và phẩm cách của người lính VNCH chân chính.

Những người lính cũ, mà nay ai nấy đều đã lớn tuổi, sức tàn lực kiệt, có người phải lê lết kiếm sống và hành nghề bán vé số trên quê hương, nhưng họ vẫn giành được sự yêu thương trong ngấm ngầm hay công khai từ những người dân miền Nam, còn những người lính được may mắn vượt thoát, giờ nhởn nhơ xuống đường múa cờ múa quạt, cầm cờ ủng hộ một tên tệ hại thỉ chỉ nhận được sự khinh rẻ, phỉ nhổ và xem thường vì đã làm ô danh bộ quân phục của người lính VNCH.

 

Ngày Quân Lực VNCH, 19.6 là ngày đánh dấu sự hồi sinh của QLVNCH và của niềm tin chính nghĩa quốc gia, là cuộc đọ sức gay go giữa cái Thiện và cái Ác, 56 năm đã trôi qua, những vết thương cũ vẫn chưa hề lành và chắc sẽ không thể nào lành được trong những tháng ngày còn lại của những người lính già xa xứ đang sống khắp nơi trên thế giới, và nghiệt ngã hơn, cay đắng và tủi nhục, xót xa nhiều hơn với những người lính già còn đang sống trên quê hương, đối với những người lính chân chính đúng nghĩa, dù nay đã lớn tuổi, vẫn không thể nào quên ba điều tâm niệm: Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm, vẫn còn khí chất oai hùng và tinh thần Vị Quốc Vong Thân, nên hôm nay, nhân ngày 19.06, ngày Quân Lực VNCH, chúng tôi muốn nói lên lời ngưỡng mộ, kính phục và tri ân những người lính chân chính của Quân Lực VNCH, những người luôn đặt Tổ Quốc và Dân Tộc lên trên cả mạng sống của mình, các anh dù đã gởi thân trên các chiến trường trong cuộc chiến, hay đã bỏ xác trong các trại tù cải tạo hay đang sống ở bất cứ nơi đâu, chúng tôi cảm ơn các anh, những người lính VNCH anh dũng, bất khuất.

Việt Linh