„Ai cũng có thể trộm hoa, cắt dây điện, đốt kho hàng, tháo bù lon mang bán đồng nát … cả. Riêng giới quan chức thì còn có đủ quyền lực để biển thủ công quỹ, rút ruột công trình, khai thác tài nguyên quốc gia một cách vô tội vạ (và đều “ăn của dân không từ một thứ gì”) từ bấy lâu nay nhưng có ai phiền hà, thắc mắc hay khiếu nại gì đâu? 

Cái nước mình nó thế đấy!“

Tưởng Năng Tiến

Cách đây chưa lâu, có hôm tôi nghe nhà văn Nguyễn Đình Bổn than phiền (“những bồn hoa tết tại Hà Nội chỉ sau một đêm là mất sạch!”) nhưng không lưu tâm gì lắm bởi đây nào có phải là chuyện lạ lùng hay mới mẻ chi đâu. 

Ngay từ hồi cuối thế kỷ trước, cũng đã có người than thở thế rồi: “Một cái gì đó đã phá vỡ lòng tin của con người rằng xã hội luôn luôn cố gắng đem lại sự tốt đẹp cho mình, và chính mình phải có bổn phận phải gìn giữ các công trình xã hội để mình và mọi người cùng hưởng. Người ta thẳng tay cắt dây điện để bán lấy chút tiền, có thể đốt hết một kho hàng hoá để phi tang cho một vật ăn cắp không đáng là bao… con người đối xử với xã hội thô bạo như vậy chỉ vì xã hội đã đối xử với họ tệ quá. (Phạm Xuân ĐàiHà Nội Trong Mắt Tôi. nxb Thế Kỷ: California 1994).

Mà nào có riêng chi Hà Nội. Đâu cũng vậy thôi. Ở những nơi không có dây điện để cắt, hoặc kho hàng để đốt thì thiên hạ tàn phá bất kể thứ gì miễn là kiếm được chút đỉnh lợi lộc hay tiền bạc. 

Ngay đến trẻ con cũng thế. Vnexpress loan tin: “Theo Tổng công ty Đầu tư và Phát triển cao tốc Việt Nam (VEC), tại tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, các bulong, hộp đệm trụ đỡ tôn lượn sóng, tấm đệm liên kết cột tôn lượn sóng bị mất khá nhiều. Ngày 25/4, đơn vị vận hành đã phát hiện 2 cháu nhỏ đang tháo bulong tôn hộ lan dải phân cách giữa tại xã Nam Viêm, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông Đỗ Chí Chung, Chánh văn phòng VEC, cho biết hầu hết các vụ trộm bulong là do trẻ em thực hiện để lấy sắt bán phế liệu. Chủ đầu tư đề nghị địa phương và trường học trên địa bàn tăng cường tuyên truyền đến người dân và học sinh tham gia bảo vệ tài sản quốc gia.”

Lời “đề nghị” (ngây ngô) của ông Chánh Văn Phòng VEC khiến tôi thốt nhớ đến mấy câu thơ viết chưa ráo mực của Bùi Chí Vinh: Tỷ tỷ đô la người ta coi như rác/ Trong khi kinh tế nước nhà đang chống nạng tập đi.

Khi các đồng chí lãnh đạo coi “tỷ tỷ đô la như rác” thì tại sao đám trẻ con (thiếu đói) ở Lào Cai lại phải “tham gia bảo vệ tài sản quốc gia” chớ? Đường lối và chủ trương nhất quán “sở hữu toàn dân” của Đảng đã khiến cho cả nước Việt sống với cái não trạng vô sản (“cha chung không ai khóc”) tự lâu lắm rồi mà.

Ai cũng có thể trộm hoa, cắt dây điện, đốt kho hàng, tháo bù long mang bán đồng nát … cả. Riêng giới quan chức thì còn có đủ quyền lực để biển thủ công quỹ, rút ruột công trình, khai thác tài nguyên quốc gia một cách vô tội vạ (và đều “ăn của dân không từ một thứ gì” ) từ bấy lâu nay nhưng có ai phiền hà, thắc mắc hay khiếu nại gì đâu? 

Cái nước mình nó thế đấy!

Vấn đề (có lẽ) chỉ được dư luận quan tâm, sau khi kết quả của cuộc bỏ phiếu trong phiên họp đặc biệt khẩn cấp của Đại hội đồng LHQ – lần thứ 11 – được công bố thôi. BBC đi tin:

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư 02/03 đã bỏ phiếu áp đảo để lên án Nga về cuộc xâm lược Ukraine và yêu cầu Moscow rút các lực lượng quân sự của họ. Nghị quyết, được sự ủng hộ của 141 trong số 193 thành viên của hội đồng. Nga, và chỉ 4 nước – Bắc Hàn, Syria, Belarus, và Eritrea – bỏ phiếu chống nghị quyết. Ba mươi lăm nước, trong đó có Ấn Độ, Trung cộng, Lào, Việt Nam, bỏ phiếu trắng.”

Bản tin thượng dẫn cũng trích dẫn lời bà Nataliya Zhynkina, Đại Biện Lâm Thời của Đại Sứ Quán Ukrain, bằng tiếng Việt: “Trong số tất cả các thành viên ASEAN chỉ có Việt Nam và Lào đã bỏ phiếu trắng. Việt Nam ơi, quê hương thứ hai của tôi, tôi rất thất vọng.”

Nỗi thất vọng của vị quan chức ngoại giao Ukraine, phần nào, là do bà chưa biết đủ rõ về nội tình của cái “quê hương thứ hai” đấy thôi. Chứ đối với những công dân VN (thứ thiệt) thì dường như chả ai “thất vọng” hay “hy vọng” gì ráo trọi. Họ coi cái cách ứng xử vô liêm sỉ của nhà nước VN hiện hành, chả qua, chỉ là chuyện chẳng đặng đừng:  

T.S Mạc Văn Trang: “Tôi nghĩ rằng chính phủ [Việt Nam] phải xử lý như vậy thôi bởi vì quan hệ Việt Nam – Nga rất sâu sắc, từ truyền thống cho đến hiện nay. Việt Nam và Nga có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, cho nên trong tình huống như thế này thì họ cũng thông cảm và đành phải bỏ phiếu như vậy.”

Nhà báo Dương Quốc Chính : “Trong QĐ, CA thì bất chấp tuổi tác, mình nghĩ cũng phải 99% là cuồng Liên Xô, vì vũ khí, khí tài của họ hầu hết là của Liên Xô và sau này là Nga.”

Sự thực quả đúng là như thế nhưng không phải chỉ có thế đâu. Còn nguyên do khác nữa, cũng hơi tế nhị (và rất không tiện nói ra lời) nhưng ai cũng biết rằng lá phiếu trắng của VN trong hôm 2 tháng 3 vừa qua không chỉ vì sự liên hệ mật thiết với Nga mà còn vì cái tâm lý khiếp nhược nên không dám làm khác ý của Tầu. 

Sự sợ hãi này đã kéo dài triền miên từ nhiều thập niên qua, và mỗi lúc lại một thêm thảm hại – theo như ghi nhận của tác giả Nguyễn Hưng Quốc

Đọc trên các trang mạng hay blog từ trong đến ngoài nước, chúng ta gặp nhan nhản những chữ “hèn”. 

 

Trung cộng ngang nhiên xâm chiếm Trường Sa và Hoàng Sa, chính quyền vẫn cúi đầu và im lặng: Hèn. 

Trong khi khiếp nhược trước Trung cộng, nhà cầm quyền lại mạnh tay đàn áp các thanh niên sinh viên yêu nước xuống đường phản đối chính sách bành trướng của Bắc Kinh: Hèn.

Tàu hải quân của Trung cộng giết và bắt ngư dân Việt Nam đang đánh cá ngay trong lãnh hải Việt Nam mà nhà cầm quyền cũng không dám lên tiếng phản đối, thậm chí, không dám gọi là tàu Trung cộng, chỉ gọi một cách bâng quơ là “tàu lạ”: Hèn.

Nhà báo Ngô Nhân Dụng, trên nhật báo Người Việt ở California, sau khi so sánh với cách hành xử của các nước trong khu vực trong những trường hợp tương tự, đã đi đến kết luận: thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam là “hèn yếu”.

Nhà báo Huy Đức, hiện sống trong nước, trên Osin blog của anh, bày tỏ quan điểm của mình ngay trên nhan đề bài viết “Tàu thì lạ sự hèn hạ thì quen”. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, sống tại Úc nhưng có nhiều quan hệ gần gũi với Việt Nam, nhận định thẳng thừng:“Chưa thấy trong lịch sử Việt Nam, có thời nào mà Việt Nam khiếp nhược như thế.”

Từ ba vị thế khác nhau với những lập trường chính trị có khi khác hẳn nhau, cả Ngô Nhân Dụng, Huy Đức và Nguyễn Văn Tuấn đều có nhận định giống nhau về giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay: Hèn!

 

Hình như chưa bao giờ trí thức Việt Nam, trong và ngoài nước, lại đồng ý với nhau như thế! Hình như mọi người đều đồng thanh: Giới lãnh đạo Việt Nam hèn! Riêng tôi, tôi không ngớt ngạc nhiên: Sao tự dưng họ lại đâm hèn đến vậy?

Chả phải “tự dưng” mà họ đâm ra đổ đốn thế đâu. 

 

Sau hai phần ba thế kỷ cầm quyền, chế độ hiện hành vẫn cứ còn loay hoay với tính chính danh nhưng đã đánh mất đến người dân cuối cùng rồi – kể cả những đứa bé thơ ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng … năm nào! Dân vô tín bất lập. Với hoàn cảnh “lập cập” như hiện cảnh thì ĐCSVN mà không hèn thì mới là chuyện lạ!

Blogger Hoàng Trường (VOA) khuyến cáo: Phải dứt khoát vứt bỏ ngay thói khôn vặt “bỏ phiếu trắng” và thái độ “người ngoài cuộc” như các quan chức ngoại giao đã lựa chọn ở LHQ và các tướng tá quân đội đã thể hiện theo tình thần “chém gió” và “loa phường” của các loại tướng “quảng lạc” trình diễn và rao giảng.

Nói thế (nghe) cũng tội vì nhà nước hiện hành chưa bao giờ có Bộ Ngoại Giao thực sự mà chỉ có Đảng Ngoại Giao thôi. Nay thì đường lối ngoại giao của Đảng cũng không còn nữa. Nó buộc phải tùy thuộc vào chính sách ngoại giao của Đảng Cộng Sản Tầu khá lâu rồi.

Việt Nam rõ ràng là đang ở thế quỳ mà! 

 

Tưởng năng Tiến (19.03.2022)