Giới lập pháp Mỹ vừa đưa ra dự luật mới, nói rằng vấn đề chủ quyền của Tây Tạng vẫn chưa ngã ngũ, trái ngược với quan điểm trước đây của Washington công nhận lãnh thổ này là một phần của Trung cộng, theo bản tin AFP hôm Thứ Năm, 14 Tháng Bảy.
Giữa khi chính phủ Mỹ liên tục cảnh báo về tình trạng phân biệt đối xử của Trung cộng với các sắc dân thiểu số, dự luật mới khẳng định “xung đột giữa Tây Tạng và Trung cộng chưa được giải quyết” và “tình trạng pháp lý của Tây Tạng vẫn đang được luật pháp quốc tế xác định.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma trong buổi lễ cầu nguyện ở chùa Tsugla Khang tại Mcleodganj hôm 25 Tháng Năm, 2022. (Hình: Shailesh Bhatnagar/AFP via Getty Images)
Việc thúc đẩy nghị quyết dành cho Đạo Luật Xung Đột Tây Tạng-Trung cộng (Tibet-China Conflict Act) đồng nghĩa người dân Tây Tạng “có quyền tự quyết theo luật pháp quốc tế“ và đẩy mạnh nỗ lực chống lại “thông tin sai lệch về lịch sử Tây Tạng” của Bắc Kinh.
Đạo luật cần được cả Thượng Viện và Hạ Viện phê chuẩn nhưng trước mắt đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng. Luật được được đưa ra hôm 13 Tháng Bảy, qua bảo trợ của Dân Biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas), thành viên hàng đầu của đảng Cộng Hòa trong Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện, và Dân Biểu Jim McGovern (Dân Chủ-Massachusetts), đồng chủ tịch Ủy Ban Quốc Hội về Trung cộng (Congressional Executive Commission On China).
Hành động này sẽ chống lại việc “viết lại lịch sử” của Bắc Kinh và “bác bỏ lời nói dối rằng chế độ chuyên chế Trung cộng áp đặt lên Tây Tạng là hợp pháp về mặt lịch sử,” ông McCaul nói.
Bộ Ngoại Giao và các đời tổng thống Mỹ kế nhiệm đã nhiều lần tỏ thái độ chấp nhận Tây Tạng là một phần của Trung cộng và không một quốc gia thành viên nào của Liên Hiệp Quốc công nhận lãnh thổ ở vùng Hy Mã Lạp Sơn này là độc lập.
Bắc Kinh đưa quân vào chiếm đóng Tây Tạng năm 1950 và một năm sau đó tuyên bố “giải phóng hòa bình” vùng đất này. Trong nhiều năm, Trung cộng đã tìm cách cô lập Đức Đạt Lai Lạt Ma, người xây dựng phong trào toàn cầu đòi quyền tự chủ và quyền tự do của Tây Tạng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng ngài không đòi quyền độc lập của Tây Tạng, nhưng đây “là một sự thật lịch sử.”
Người Việt (15.07.2022)