„Nếu đất nước tôi làm điều ác, tôi phải phản đối. Nhưng phần lớn người Nga vẫn đang sống trong tinh thần ở thời Trung cổ, coi đất nước mình như một bộ lạc bị kẻ thù bao vây. Ngày nay, đa số dân chúng ủng hộ cuộc chiến ở Ukraina dưới danh nghĩa bảo vệ nền văn hóa Nga mà phương Tây muốn xóa bỏ. Làm thế nào để giải thích được cho những người này rằng, trên thực tế, họ là những kẻ phát xít?“
Mikhail Shishkin
Nhà văn Mikhail Shishkin
Một nửa nước Việt Nam (miền Bắc) đã từng nhận được hỗ trợ hào phóng của Liên Xô (nay thường được đồng nhất với Liên bang Nga) để đánh nhau với một nửa còn lại (miền Nam) khi đó được Mỹ và đồng minh nỗ lực bảo vệ. Đó là ván cờ địa chính trị của hai phe đối chọi nhau về ý thức hệ và qua đó là sự tranh giành bá quyền khu vực, trên cơ sở đó củng cố địa vị toàn cầu, giống như một ván cờ vây. Sự ngẫu nhiên về lịch sử này đã dẫn đến hệ quả là một nửa dân Việt Nam bỗng dưng có cảm tình – một số thậm chí sâu đậm – với Liên Xô và Nga (trước năm 1945 thì có lẽ 98% người Việt Nam không biết nước Nga ở đâu). Một nửa số dân này sau năm 1975 cố gắng áp đặt tình yêu nước Nga lên cả miền Nam, và dường như có thu được một chút kết quả. Đối với họ, nước Nga là tốt lành, nhân hậu, và đã trợ giúp VÔ ĐIỀU KIỆN cho cuộc chiến tranh của miền Bắc, rồi sau đó lại giúp xây dựng đất nước sau chiến tranh. Họ thường không nhìn ra rằng chính nước Nga đã hài lòng vì Miền Bắc đã phục vụ VÔ ĐIỀU KIỆN kế hoạch của phe Cộng sản lúc ấy. Cũng hệt như cha ông họ 100 năm trước chưa bao giờ hiểu địa chính trị thế giới trong khi nỗ lực một cách tuyệt vọng để mua sắm súng thần công.
Dù thế nào, có nhiều người Việt hiện giờ yêu nước Nga là có thật. Nhưng nước Nga là gì? Người Nga là ai? Căn tính của họ ra sao? Ngoài bánh mì muối, nồi áp suất, học bổng và vài bức tranh về mùa thu rơi rớt phong cách Tân cổ điển trong giai đoạn chuyển sang chủ nghĩa Hiện thực mà chưa bao giờ đạt tới giai đoạn Ấn tượng, thì người Việt Nam hiểu gì về người Nga và quá khứ đau khổ cùng tương lai vô định của đất nước này?
Dưới đây là một bài dài để hiểu thêm về nước Nga và bi kịch định mệnh của nó. Nên kiên nhẫn đọc để không bị định kiến hoặc truyền thông thân Nga thời hiện đại thao túng bạn. Vì căn tính của dân Nga không đến từ hư vô, cũng không hề xuất hiện gần đây, như nhiều người vẫn nghĩ một cách đơn giản. Tất cả đều có nguồn gốc xa xưa từ khi lập quốc, và hẳn là chính những trí thức Nga là người hiểu hơn ai hết căn tính của dân tộc mình.
Tri thức là đắt đỏ. Và bạn cần trả giá xứng đáng thông qua sự kiên nhẫn của mình để có sự hiểu biết.
(Nguyễn Đức Thành)
*****
NGƯỜI NGA NÓI VỀ NƯỚC NGA : “ĐẾ QUỐC NGA SẼ TAN RÃ, và THỜI KỲ HẬU PUTIN SẼ ĐẦY BẠO LỰC”
(Tại sao Nga nhiều lần lỡ hẹn với nền dân chủ? )
Văn sĩ Mikhail Shishkin, 62 tuổi, sống tại Thuỵ Sĩ, được nhiều người coi là một nhà văn Nga lớn đương đại, vừa có bài trả lời phỏng vấn tuần báo Pháp.
Lạc quan cho Ukraina, tin tưởng Ukraina chiến thắng, nhưng ông rất bi quan về tương lai dân chủ của đất nước mình. Trong bài phỏng vấn mang tựa đề “ĐẾ QUỐC NGA SẼ TAN RÃ, và THỜI KỲ HẬU PUTIN SẼ ĐẦY BẠO LỰC”, ông vạch ra các nguồn cội của tương lai đen tối này.
Có thể tóm gọn trong 5 thông điệp sau :
1/ Tinh thần dối trá phổ biến từ thượng đỉnh quyền lực đến toàn xã hội.
2/ Chế độ Kim tự tháp từ thời Mông Cổ và Cuộc “nội chiến” giữa ‘‘Hai nước Nga” kéo dài hơn hai thế kỷ nay.
3/ ĐA SỐ NGƯỜI NGA KHÔNG Ý THỨC VỀ TỘI ÁC mà họ ĐỒNG LOÃ ….
4/ ĐA SỐ NGƯỜI NGA CÓ HỌC, TỬ TẾ PHẢI LƯU VONG.
5/ Sự tiếp tay tội lỗi của nhiều nền dân chủ phương Tây đối với chế độ Putin.
Cuộc phỏng vấn Mikhail Shishkin được thực hiện nhân dịp ra mắt cuốn tiểu luận mới của ông tại Pháp (dịch từ nguyên bản tiếng Đức) : “Chiến tranh hay Hoà bình. Suy ngẫm về thế giới Nga”. Mikhail Shishkin từng đoạt nhiều giải thưởng văn học danh giá nhất của Nga (Giải Booker Nga, Giải Bolchaïa Kniga).
SAU ĐÂY LÀ PHẦN CHUYỂN DỊCH BÀI PHỎNG VẤN
PHẦN 1: DỐI TRÁ PHỔ BIẾN – KIM TỰ THÁP thời MÔNG CỔ và cuộc “NỘI CHIẾN giữa HAI NƯỚC NGA”
1 / DỐI TRÁ PHỔ BIẾN TOÀN XÃ HỘI
L’Express: Để hiểu nước Nga, trước tiên theo ông phải nhận ra sự dối trá đã phổ biến như thế nào trong lịch sử và xã hội Nga. “ ‘Sự thật Nga’ là một lời nói dối vô tận”, ông đã viết. Có thật vậy không ?
Mikhail Shishkin: Trong lịch sử Nga, nói dối là cách duy nhất để tồn tại. Khi tôi còn trẻ, dưới chế độ cộng sản, dối trá có mặt khắp nơi. Nhà nước đánh lừa người dân, và người dân cũng đánh lừa nhà nước. Những kẻ nắm quyền lực sợ hãi chính người dân của mình, điều đó đã khiến họ nói dối. Dân chúng cũng tham gia vào sự dối trá này, bởi vì chính họ sợ hãi giới nắm quyền. Các áp phích tuyên bố với người dân rằng Liên Xô là “bức tường thành của hòa bình” và trong thời gian này, xe tăng Liên Xô đã can thiệp khắp nơi trên thế giới. Đó là lý do tại sao nhà văn Solzhenitsyn, khi muốn tiêu diệt chế độ, đã công bố lời kêu gọi nổi tiếng “không sống giả dối”.
Hiện nay, không chỉ Putin, những người xung quanh ông, mà cả những công dân bình thường, vẫn tiếp tục vòng luẩn quẩn dối trá này. Ở phương Tây, mọi người không hiểu làm thế nào mà một nhà lãnh đạo có thể nói dối công dân của mình một cách vô liêm sỉ như vậy, chẳng hạn như đảm bảo vào năm 2014 rằng không có binh lính Nga nào ở bán đảo Crimée. Nhưng, với người Nga, điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Theo quan điểm của họ, đánh lừa kẻ thù không phải là một cái tội, mà là một đức tính quân tử chân chính. Và khi, ở đất nước của mình, Putin nói dối, mọi người đều biết rằng ông ta nói dối, và bản thân ông ta biết rằng mọi người đều biết điều đó, nhưng các cử tri của ông ta chấp nhận những điều bịa đặt của ông ta.
Trong một thế giới dân chủ, lời nói là quan trọng. Ở châu Âu, cuộc Cải cách Tin lành đã tạo ra một sự thay đổi cơ bản: những gì được nói ra phải được thực hiện nghiêm túc và được coi là ràng buộc. Đó là niềm tin đặt vào lời nói. Nếu một chính trị gia ở phương Tây nói dối trắng trợn, anh ta sẽ bị thua trong cuộc bầu cử lần sau. Ở đất nước các bạn, bị kết tội nói dối có thể khiến bạn mất cả sự nghiệp. Chúng ta có thể tưởng tượng điều gì xảy ra khi tổng thống Mỹ hay thủ tướng Đức đưa quân đội để tiến hành một cuộc can thiệp vũ trang, trước khi phủ nhận sự hiện diện của binh lính của họ? Cử tri của họ sẽ không tha thứ cho họ. Nhưng ở Nga, một nhà lãnh đạo phải nói dối.
2/ CHẾ ĐỘ KIM TỰ THÁP từ thời MÔNG CỔ và cuộc NỘI CHIẾN giữa HAI NƯỚC NGA
L’Exprese: Theo ông, về cơ bản đã không có gì thay đổi về mặt tổ chức chính trị kể từ khi các lãnh thổ của Nga nằm dưới sự thống trị của “Kim Trướng Hãn Quốc Mông Cổ” vào thế kỷ 13…
Mikhail Shishkin: Hãy nhìn vào hệ thống chính trị của nước Nga đương đại. Nó giống hệt như một ngàn năm trước, vận thành theo kiểu Kim tự tháp! Dưới thời Đế chế Mông Cổ, các Đại Hãn (tức các thủ lĩnh Mông Cổ, như Thành Cát Tư Hãn) coi các quốc gia và dân tộc bị nô dịch là tài sản của mình. Luật cơ bản là luật của kẻ mạnh nhất, luật của bạo lực và quyền lực. Sau đó, có các Sa hoàng cai trị một xứ sở gồm những người nông nô không có quyền. Còn ở nước Nga ngày nay, vẫn không thể có tài sản tư nhân được bảo đảm, một quan niệm cơ bản trong các xã hội phương Tây. Bạn chỉ có thể có quyền sở hữu thứ gì đó, nếu bạn trung thành với quyền lực. Chúng ta đã thấy điều gì xảy ra với những nhà tài phiệt như Mikhail Khodorkovsky: một ngày bạn có mọi thứ, nhưng ngày hôm sau bạn có thể ở trong tù. Không có hệ thống pháp luật mạnh mẽ hoặc tư pháp độc lập. Mọi thứ đều thuộc về kẻ mạnh nhất. Chỉ có lòng trung thành cá nhân đối với nhóm các ‘‘bạn bè’’ của Putin, và với chính Putin. Trong hệ thống này, chiến lược sinh tồn tốt nhất là giữ im lặng. Nhà văn Pushkin đã trình bày nó một cách xuất sắc trong câu cuối cùng trong vở bi kịch của mình, Boris Godunov: ‘‘Toàn thể nhân dân giữ im lặng.’’
Than ôi, tất cả các nỗ lực để phá hủy hệ thống vận hành kiểu Kim tự tháp này đã thất bại. Bạn biết là chúng tôi đã có một cuộc nội chiến ở Nga đã diễn ra hơn hai thế kỷ. Vào thế kỷ 18, những người từ phương Tây đã đến Nga, vì Peter Đại đế đã lập nên vương quốc của mình. Ông làm điều này không phải để đất nước của mình thích nghi với văn hóa phương Tây và ‘‘Âu hóa’’ nó, mà vì ông muốn hiện đại hóa quân đội của mình để chuẩn bị các cuộc chiến tranh chống lại phương Tây và tận dụng các công nghệ quân sự hiện đại nhất của phương Tây. Vì dân tộc của những người nông nô không có khả năng đổi mới, Peter Đại đế đã kêu gọi công nhân nhập cư. Và những người đàn ông này đã mang theo những ý tưởng cho đến lúc đó chưa được biết đến ở Nga: tự do, cộng hòa, nghị viện, nhân quyền, phẩm giá cá nhân… Một bộ phận người Nga đi theo những ý tưởng này, bắt đầu mơ về một trật tự xã hội dân chủ. Nỗ lực cách mạng đầu tiên là cuộc nổi dậy, được gọi là cuộc Khởi nghĩa tháng Chạp năm 1825.
Kể từ đó, có hai dân tộc chia sẻ cùng một lãnh thổ ở Nga. Họ đều là người Nga và nói cùng một ngôn ngữ, nhưng về mặt tinh thần thì hoàn toàn trái ngược nhau. Thiểu số là ‘‘người Nga gốc Âu’’, mà tôi là một thành phần, thấm đẫm văn hóa châu Âu, những ý tưởng về tự do và niềm tin rằng Nga phải thuộc về nền văn minh nhân loại nói chung. Đối với thiểu số này, tất cả lịch sử nước Nga chỉ là một vũng máu mà đất nước phải được giải thoát khỏi đó, để hướng tới một trật tự xã hội tự do của châu Âu. Nhưng bên kia, đa số vẫn giữ một quan niệm truyền thống về thế giới không thay đổi trong nhiều thế kỷ. Đó là chúng ta là một ốc đảo thiêng liêng, bao quanh là một đại dương toàn là kẻ thù, và chỉ có Sa hoàng cư trú trong Điện Kremlin mới có khả năng cứu chúng ta, giữ gìn trật tự ở Nga bằng bàn tay sắt. Đã hai lần, trong cuộc nội chiến này, chúng ta đã tin tưởng vào thắng lợi của các tư tưởng dân chủ. Vào tháng 2/1917, khi cách mạng tuyên bố đưa nước Nga trở thành nước dân chủ nhất thế giới, xóa bỏ mọi đặc quyền giai cấp, trao quyền bầu cử cho phụ nữ, bảo đảm quyền tự do tư tưởng và tôn giáo. Và sau đó, vào những năm 1990, sau sự sụp đổ của đế chế Xô Viết. Nhưng rút cục chúng tôi đã thua!
L’Express: Vì sao ?
Mikhail Shishkin: Bởi vì, đối với hầu hết người Nga, những năm 1990 đó chẳng là gì cả ngoài sự hỗn loạn và vô chính phủ. Chế độ độc tài đã có thể được khôi phục vì yêu cầu trật tự từ phía người dân. Và, đối với nhiều người Nga, trật tự này chỉ có thể được thực hiện thông qua một chế độ độc tài. Năm 1991, sau cuộc đảo chính thất bại chống lại Gorbachev, tôi vẫn tràn đầy hy vọng. Tôi tin rằng, cuối cùng, chúng ta sẽ trở thành một nước cộng hòa tự do và dân chủ. Nhưng chúng tôi đã không có bất cứ một tiến trình phi Stalin hóa nào, không có ‘‘phiên tòa Nuremberg’’ nào xét xử các quan chức của Đảng Cộng Sản. Bạn có thể tưởng tượng rằng vào năm 1945, để phụ vụ cho mục tiêu phi quốc xã hoá nước Đức, người ta đã đưa các cựu lãnh đạo của đảng Quốc xã hoặc Gestapo lên nắm quyền hay không? Dĩ nhiên là không. Tuy nhiên, đây là điều đã xảy ra ở đối với nước Nga trong những năm 1990. Để xây dựng một xã hội dân chủ, người ta đã đưa các cựu quan chức Đảng Cộng sản, quan chức chế độ Xô Viết và người của cơ quan an ninh KGB lên nắm quyền. Điều này chỉ có thể dẫn đến thất bại.
Khi đó Boris Yeltsin hiểu rằng người Nga đang đòi quyền lực mạnh mẽ để lập lại trật tự. Ông muốn trở thành một Sa hoàng mới. Nhưng cách duy nhất để hợp pháp hóa bản thân với tư cách là Sa hoàng không phải thông qua một cuộc bầu cử, mà thông qua các chiến thắng quân sự. Stalin có thể giết hàng triệu người Nga vì ông ta đã lãnh đạo đất nước giành chiến thắng trong Thế chiến thứ hai. Gorbachev nổi tiếng ở phương Tây, nhưng bị coi thường ở quê nhà, bị coi là một nhà lãnh đạo yếu kém, là người đã thua trong cuộc chiến ở Afghanistan và Chiến tranh Lạnh chống lại phương Tây. Do đó, Yeltsin muốn thể hiện uy quyền của mình bằng cuộc chiến đầu tiên ở Chechnya vào năm 1994. Bộ trưởng Quốc Phòng của ông ta, Pavel Grachev, thậm chí đã hứa với ông sẽ hạ gục Grozny trong vòng chưa đầy hai giờ. Nhưng đó là một đòn giáng cho Nga. Kết quả là Yeltsin trở nên rất không được ưa chuộng.
Sa hoàng tiếp theo chỉ có thể hợp pháp hóa quyền lực của mình bằng một chiến thắng. Putin cần một cuộc chiến ngay khi đến Điện Kremlin. Năm 1999, một làn sóng khủng bố nhằm vào một số chung cư chỉ là cái cớ cho sự bùng nổ của cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ hai, đây là một cuộc diệt chủng thực sự. Một năm trước đó, không ai biết Putin cả. Nhưng sau đó, ông ta đã được xem như vị cứu tinh của nước Nga. Sau đó, vào năm 2014, ông đã tổ chức sáp nhập bán đảo Crimée trước sự hài lòng của người dân. Và, vào năm 2022, các tướng lĩnh của ông ta đã hứa với ông ta sẽ hạ gục Kiev trong ba ngày. Nhưng chúng tôi biết điều gì đã xảy ra… Trong mắt người Nga và đặc biệt là những người dân tộc chủ nghĩa, Putin ngày càng bị coi là kẻ thua cuộc.
***
PHẦN 2 : HAI MẢNG KHUYẾT LỚN của xã hội NGA : Ý thức về tội lỗi (về các hành động tội ác của chính quyền) và năng lực xây dựng dân chủ.
3/ Đa số NGƯỜI NGA KHÔNG Ý THỨC VỀ TỘI ÁC mà họ ĐỒNG LOÃ ….
L’Express: Ông nghĩ gì về tương lai của chế độ Putin?
Mikhail Shishkin: Đối với tôi, không còn nghi ngờ gì nữa, chiến tranh sẽ tiếp tục chừng nào Putin còn ở điện Kremlin. Ngay khi ông ta không còn đó – hoặc chết, hoặc mất tích, chúng tôi không biết kịch bản nào sẽ xảy ra – các tướng lĩnh sẽ chấm dứt chiến tranh. Đó sẽ là một chiến thắng cho Ukraina, và cho tất cả những ai, giống như tôi, ủng hộ Ukraina chống lại chế độ Putin. Tôi rất lạc quan cho Ukraina. Viện trợ phương Tây sẽ giúp xây dựng lại những gì mà quân đội Nga đã phá hủy. Và người Ukraina sẽ xây một bức tường lớn ở biên giới của họ với Nga. Mặt khác, tôi bi quan hơn nhiều về những gì sẽ xảy ra đằng sau bức tường này…
L’Express: Dường như ông không tin vào một tiến trình chuyển đổi dân chủ trong thời kỳ hậu Putin…
Mikhail Shishkin: Kasimir Malevitch – là người, với tất cả tầm nhìn xa trông rộng mà một nghệ sĩ có thể có – đã vẽ một hình vuông màu đen vào năm 1915, biểu tượng đại diện cho tương lai của đất nước mình. Sau đó là nội chiến và ‘‘gulag’’ (hệ thống trại tập trung thời Staline). Nước Nga đã thực sự trở thành một hình vuông màu đen. Tương lai có vẻ ảm đạm đối với tôi ngày hôm nay. Sẽ lại có một cuộc tranh giành quyền lực. Liên bang Nga, đế chế lớn đa sắc tộc cuối cùng của châu Âu, sẽ tiếp tục tan rã, nhưng tôi không tin vào việc nền dân chủ có thể thắng thế. Để có được điều đó, cần phải có một ý thức về tội lỗi dân tộc, được khơi dậy bởi cuộc chiến này ở Ukraina. Nhưng tôi không tưởng tượng vị Sa hoàng mới của Nga kế vị Putin sẽ quỳ gối ở Kiev, Kharkiv hay Mariupol, như thủ tướng Đức Willy Brandt đã làm ở Varsava. Người Nga có thể sẽ nói: ‘‘Ồ, chúng tôi không biết, chúng tôi đang nghĩ đến việc giải phóng những người anh em Ukraina của mình khỏi Đức Quốc xã NATO!” Nếu họ làm vậy, sẽ chỉ có thể dẫn đến một Putin khác. Ai ở Nga sẽ phán xét những người chịu trách nhiệm về cuộc chiến này? Để nước Đức có thể chuyển từ chế độ Quốc xã sang chế độ dân chủ, toàn bộ bộ máy nhà nước của Đức Quốc xã phải bị phá hủy, và toà án quân sự Mỹ phải xét xử các chức sắc của chế độ. Tại Nga, nhiều người đã trở thành tội phạm chiến tranh, khi công khai ủng hộ cuộc xâm lược này. Ai sẽ bỏ tù họ? Ai sẽ tổ chức bầu cử tự do?
Một nền dân chủ cần một lượng đủ lớn những công dân hiểu biết cách thức hoạt động của nó và thế nào là một Nhà nước pháp quyền. Tôi đã ở Matxcơva vào năm 2011, trong biến cố gọi là cuộc cách mạng ‘‘trắng’’ hay cách mạng ‘‘tuyết’’. Được nhìn thấy một nước Nga khác, một nước Nga dân chủ, trên đường phố là một trải nghiệm tuyệt vời.
Tôi thấy hàng trăm ngàn người, trẻ và đẹp, không muốn sống trong một chế độ độc tài, mà giống như ở Pháp hoặc Thụy Sĩ. Chúng tôi đã biểu tình một cách hòa bình. Nhưng phản kháng ôn hòa không có cơ hội nào chống lại được bạo lực và đàn áp của một chế độ độc tài. Điều gì đã xảy ra kể từ đó? Những thanh niên Nga ấy đã bỏ nước ra đi.
Trong khi chế độ Xô Viết trước đây giam cầm người dân của mình sau hàng rào dây thép gai, ông chỉ ra rằng chế độ của Putin, ngược lại, rất mừng khi để những người chống lại quyền lực của mình ra đi…
Liên Xô thời trẻ của tôi là một nhà tù. Chúng tôi là nô lệ của một đế chế, và đế chế cần chúng tôi. Nhưng chế độ tội phạm hiện nay dựa trên việc bán dầu khí ra nước ngoài. Người dân không có ích gì cho chế độ. Cựu tổng thống Dmitry Medvedev đã nói rõ ràng: ‘‘Nếu bạn không hài lòng với chúng tôi, hãy đi đi!” Biên giới luôn rộng mở. Trong những năm Putin cầm quyền, hàng triệu người đã rời nước Nga theo cách này. Số người ra đi đủ để lập đầy một xứ sở khác! Đây hầu hết là những người đã hoàn tất giáo dục đại học. Chế độ này không chỉ tước đoạt của cải dưới lòng đất của Nga, mà trước hết là nhân lực của đất nước, vốn phải là khoản đầu tư chủ yếu cho tương lai. Việc chảy máu chất xám này làm suy yếu đất nước, nhưng nó củng cố chế độ độc tài. Bởi vì những người không may mắn phải ra đi này đại diện cho lực lượng quan trọng cần thiết cho một nền dân chủ.
4/ ĐA SỐ NGƯỜI NGA CÓ HỌC, TỬ TẾ PHẢI LƯU VONG
Có phải quá trình suy giảm dân số của Nga hiện đang tăng tốc? Ông nói rằng, vào cuối thế kỷ 19, Dmitri Mendeleïev, một nhà hóa học nổi tiếng, người cũng quan tâm đến nhân khẩu học, đã dự đoán rằng vào năm 1950, dân số của Đế quốc Nga sẽ phải lên đến từ 450 đến 500 triệu người. Trên thực tế, chỉ là 180 triệu, vì Mendeleïev đã không tính đến lịch sử đẫm máu xảy ra sau đó…
Ngày nay, giống người đang bị đe dọa hơn bao giờ hết ở Nga. Chính thức thì là chỉ có hơn 140 triệu dân. Nhưng liệu chúng ta có thể tin những con số này? Cách đây vài năm, một phụ nữ làm việc tại một văn phòng đăng ký khai sinh đã viết một bài báo nói rằng trên thực tế, dân số Nga thấp hơn nhiều. Kể từ đó, cô ấy đã mất tích. Không ai thực sự biết dân số Nga đang ở đâu. Điều chắc chắn là giới thượng lưu Nga – kỹ sư, nhà khoa học, nhà khoa học máy tính, doanh nhân, nghệ sĩ – đã rời bỏ đất nước hàng loạt. Vì bây giờ muốn tồn tại thì phải ngân nga những bài ca yêu nước, hoặc im lặng hoặc lưu vong.
Những gì đã xảy ra ở Donbass từ năm 2014, tại các ‘’nước cộng hòa’’ tự xưng Luhansk và Donetsk, có lẽ đã báo trước cho tương lai của đất nước. Trong trường hợp không có quyền lực nhà nước, thì chỉ còn lại sự thống trị của (súng trường) Kalashnikov và bạo lực. Các nhóm mafia trong khu vực tranh giành quyền lực và áp đặt một trật tự của giới giang hồ thảo khấu. Điều tương tự cũng có thể xảy ra trên khắp nước Nga trong trường hợp xảy ra cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái đối địch trong thời kỳ hậu Putin, với cuộc chiến giữa các băng đảng để giành quyền kiểm soát dầu khí, hàng hóa, nhà máy.
L’Express: Ông nói rằng sự sụp đổ của Liên bang Nga là không thể tránh khỏi. Tại sao ?
Mikhail Shishkin: Trên thực tế, vùng Siberia đã thuộc về Trung Quốc. Hàng triệu hecta đã được bán cho các công ty Trung Quốc thuê trong 99 năm. Toàn bộ các phần của một thành phố như Irkutsk, trên hồ Baikal, thuộc sở hữu của người Trung Quốc. Ở các trường học ở Siberia, trẻ em học tiếng Trung Quốc. Do chính sách một con, nam giới ở Trung Quốc nhiều hơn nữ giới. Siberia là một lối thoát cho tình trạng nhân mãn thừa nam giới này.
Trong thời kỳ hậu Putin, Chechnya và các nước cộng hòa phía bắc Kavkaz khác sẽ ly khai. Sau đó sẽ đến lượt Tatarstan, Bashkiria hoặc Sakha.
****
PHẦN 3: Tâm lý “Trung Cổ” của dân Nga và hậu thuẫn “phương Tây” cho chế độ Putin
5/ NGƯỜI NGA : LO CHO MẠNG SỐNG CÁ NHÂN hay CUỒNG TÍN CHẾT VÌ CHẾ ĐỘ ?
L’Express: Ông rõ ràng là rất bi quan cho đất nước mình…
Mikhail Shishkin: Thật đau lòng khi thấy người dân đang phải khổ đau như thế nào ở Nga. Nhưng, khi tôi thấy rằng những người này ủng hộ Putin và cuộc chiến ở Ukraina, tôi mất hết lòng trắc ẩn. Một năm trước, người phương Tây không thể hiểu tại sao người Nga không xuống đường hàng loạt để phản đối cuộc xâm lược này. Chỉ một số ít đã làm như vậy. Hôm nay họ ở đâu? Trong nhà tù. Vì vậy, người ta từng cho rằng người Nga sợ hãi, rằng họ quá sợ hãi để lên tiếng, rằng đó là chiến lược sinh tồn giống như từng xảy ra dưới chế độ độc tài của Liên Xô. Nhưng sau đó, vào tháng 9 năm ngoái, khi Putin tuyên bố động viên quân, hàng trăm ngàn người đã ngoan ngoãn ra mặt trận để giết hại người Ukraina và để bị giết. Rõ ràng, điều này không còn liên quan gì đến chuyện im lặng để được sống nữa.
Làm thế nào để giải thích rằng là người Nga đa số ủng hộ cuộc chiến này? Tôi có thể lấy ví dụ về cha tôi. Năm 18 tuổi, ông tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai để bảo vệ quê hương thân yêu của mình chống lại Đức Quốc xã. Nhưng trên thực tế, ông đã bảo vệ chế độ Stalin, chế độ đã giết chính cha ông bằng cách đưa đi vào trại lao động khổ sai. Cho đến khi qua đời vào những năm 1990, cha tôi vẫn tin rằng ông và các đồng đội của ông là những anh hùng, vì họ đã giải phóng Đông Âu khỏi chủ nghĩa phát xít. Ông ấy không thể hiểu rằng ông chỉ mang đến một kiểu chế độ toàn trị khác. Nhưng, trong mắt ông, chính người Nga không thể nào là phát xít. Thật không thể hình dung nổi.
Chúng ta trở lại cái hố sâu về văn minh này giữa hai nước Nga. Một thiểu số đã đi du lịch, đọc, lướt Internet và cảm thấy mình thuộc về nền văn minh nhân loại của thế kỷ 21. Điều đó có nghĩa là cá nhân mỗi người có trách nhiệm coi điều gì là đúng hay sai. Nếu đất nước tôi làm điều ác, tôi phải phản đối. Nhưng phần lớn người Nga vẫn đang sống trong tinh thần ở thời Trung cổ, coi đất nước mình như một bộ lạc bị kẻ thù bao vây. Ngày nay, đa số dân chúng ủng hộ cuộc chiến ở Ukraina dưới danh nghĩa bảo vệ nền văn hóa Nga mà phương Tây muốn xóa bỏ. Làm thế nào để giải thích được cho những người này rằng, trên thực tế, họ là những kẻ phát xít? Họ sẽ không tin bạn đâu. Họ sẽ thích tin tưởng vào truyền hình Nga hơn, nơi giới thiệu về họ như những anh hùng bảo vệ quê hương. Than ôi, nước Nga phải trải qua một sự sỉ nhục và một thất bại quân sự ở Ukraina để những người này có thể tự nhủ: ‘‘Có lẽ là chúng ta đã sai?” Chỉ có một sự thất bại hoàn toàn của chế độ Putin mới có thể giúp ích trong việc này.
6/ CÁC NỀN DÂN CHỦ PHƯƠNG TÂY TIẾP TAY CHO PUTIN
L’Express: Tuy nhiên, tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tuyên bố rằng không nên ‘‘làm nhục’’ nước Nga …
Mikhail Shishkin:Macron và các chính trị gia khác ở châu Âu cần hiểu rằng phải sửa chữa những sai lầm mà người phương Tây phạm phải trong những năm 1990 và 2000. Chính là nhờ các nền dân chủ phương Tây mà chế độ tội phạm này mới có thể hình thành. Vào những năm 1990, người Nga đã cởi mở với nền dân chủ. Họ không biết đó là gì, nhưng họ đã xem phim Mỹ và mức sống vượt xa mức sống của họ. Đối với họ, đó là một loạt hứa hẹn, với những chiếc xe hơi lớn của Mỹ, McDonald và các cuộc bầu cử tự do. Phương Tây lẽ ra đã có thể giúp đỡ nền dân chủ non trẻ này bằng cách làm gương, cho thấy nhà nước pháp quyền là gì. Nhưng các nền dân chủ phương Tây lại thích chào đón tiền bẩn từ Nga hơn. Tôi từng làm phiên dịch, tôi thấy cỗ máy rửa tiền tội phạm hoạt động như thế nào ở khắp nơi, ở Thụy Sĩ, ở Luân Đôn, ở Pháp… Ai cũng biết đó là tiền của tội phạm. Kết quả là chúng tôi đã cho người Nga thấy rằng nếu bạn có nhiều tiền, thì luật pháp không còn giá trị nữa. Những người đồng bào của tôi lúc đó tự nhủ: ‘‘À, dân chủ là thế!” Do đó mà một chế độ tội phạm đã có thể phát triển ở Matxcơva.
Ngày nay, các nhà lãnh đạo phương Tây phải sửa sai điều này. Bằng cách cung cấp tất cả các loại vũ khí có thể, họ phải giúp người Ukraina tiêu diệt chế độ Putin, mà chính họ đã giúp đỡ từ lâu, giống như (thủ tướng Đức) Gerhard Schröder. Tổng thống Macron không nên nghĩ là không đến việc làm nhục nước Nga, ông ấy phải nghĩ nhiều hơn nữa về việc các nền dân chủ phương Tây đã làm nhục các giá trị của chính họ như thế nào, khi ủng hộ Putin và chế độ của ông ta./.
Nguyễn Đức Thành
Nguồn: https://www.facebook.com/ndt.felix/posts/pfbid02trhHZow9dJb3H47GW7x4nUv7GXoePngT4WqYz8nF