„Phía Mỹ có vẻ đã sẵn sàng. Vấn đề là lãnh đạo Việt Nam có đặt quyền lợi dân tộc lên trên “ý thức hệ”, trên “tình hữu nghị viển vông” và trên quyền lợi của Đảng cộng sản hay không?“

 

Ls. Lê Quốc Quân

Quốc kỳ khổ rộng của Mỹ và Việt Nam trên hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan khi tàu này đến thăm Đà Nẵng, 26/6/2023.

 

 

Phía Mỹ có vẻ đã sẵn sàng. Vấn đề là lãnh đạo Việt Nam có đặt quyền lợi dân tộc lên trên “ý thức hệ”, trên “tình hữu nghị viển vông” và trên quyền lợi của Đảng cộng sản hay không? Chúng ta hãy cùng chờ xem.

 

Đã có rất nhiều nghiên cứu chi tiết về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, và trong một bài báo nhỏ này không thể nêu hết được. Tuy nhiên, nhân dịp các bên đang thảo luận, và nay có tin tức 2 bên sẽ có ký kết, về việc “nâng cấp quan hệ”, chúng ta có thể điểm qua một số nét xác định “duyên” giữa 2 quốc gia.

 

Những cơ hội bị bỏ lỡ

 

Vào năm 1787, vị tổng thống nổi tiếng thứ 3 của Hoa Kỳ, khi đang làm đại sứ Mỹ tại Pháp đã gặp hoàng tử Cảnh của Việt Nam. Ông đã ngỏ ý ghé thăm để xin giống lúa nước ở Việt Nam đưa về trồng ở trang trại ở Bang Virginia. Tuy nhiên, do thời thế thay đổi, Vua Nguyễn Phúc Cảnh mất sớm nên việc gặp gỡ bang giao đã bị bỏ lỡ.

 

Thương thuyền Frame của Hoa Kỳ là con tàu đầu tiên cập cảng Đà Nẵng vào tháng 5/1803 để rồi sau đó có hàng loạt chuyến thuyền khác đến tìm kiếm và trao đổi hàng hoá nông sản với Việt Nam. Tuy nhiên, nỗ lực ký kết Hiệp định thương mại và bang giao giữa hai nước vào năm 1832 đã không thành công vì chính sách “bế quan toả cảng” của Nhà Nguyễn. Một cơ hội quan trọng nữa đã qua đi.

 

Vào năm 1945, nhờ vào sự nhạy cảm chính trị đặc biệt của mình, Hồ Chí Minh đã trực tiếp sang tận Côn Minh (TQ) trao trả phi công William Shaw cho tướng Clare Chennault, qua đó thiết lập mối quan hê giữa Việt Minh và OSS (tiền thân là CIA). Toán đặc nhiệm “Con Nai” thuộc cơ quan tình báo chiến lược Hoa Kỳ đã ra đời, giúp đỡ Việt Minh rất nhiều, cả vũ khí và thông tin, đặc biệt tình hình chiến tranh và việc Nhật đầu hàng Mỹ, qua đó khởi nghĩa để “cướp chính quyền”.

 

Tiếc rằng sau đó người Mỹ đã thấy chất “cộng sản” trong Việt Minh nên hàng loạt thư và điện mà Hồ Chí Minh gửi cho tổng thống Mỹ Harry Truman đã không được hồi âm. Cơ hội làm bạn đã không còn mà 2 bên trở thành kẻ thù trong cuộc chiến khốc liệt nhất của loài người nửa sau thế kỷ 20.

 

Cấp bậc ngoại giao nào hướng tới ?

 

20 năm sau khi kết thúc chiến tranh, Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hoá quan hệ. Vào năm 2000, Tổng thống Clinton lần đầu tiên thăm Việt Nam từ sau 1975 và 13 năm sau đó, Tổng thống Barack Obama và chủ tịch nước Trương Tấn Sang công bố “Xác lập quan hệ Đối tác toàn diện”. Sau 10 năm là đối tác toàn diện, giờ đây các bên đang bàn về việc “nâng cấp quan hệ” trong chuyến thăm sắp tới của tổng thống Joe Biden.

 

Vậy các cấp bậc quan hệ trong ngoại giao là như thế nào?

 

Trên thế giới, đã có nhiều nghiên cứu bàn về quan hệ ngoại giao giữa các nước, nhưng cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về các khái niệm. Tại Việt Nam, sau gần 20 năm nghiên cứu phát triển, vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng với các nội hàm cụ thể về “Đối tác chiến lược”, “Đối tác toàn diện” và “Đối tác chiến lược toàn diện”. Tất cả các khái niệm này là do 2 phía thảo luận, đặt ra và được hình thành qua sự công bố của các lãnh đạo mà không có một quy chuẩn học thuật giống nhau.

 

Theo tác giả Nguyễn Thị Thìn, Học viện Ngoại giao, thì cho đến tháng 4 năm 2023, Việt Nam đã có quan hệ “Đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện” với 17 quốc gia trên thế giới.

 

Trong đó: Đối tác chiến lược toàn diện với 4 nước là Trung cộng (2008), Nga (2012), Ân Độ (2016) và Hàn Quốc (2022); quan hệ Đối tác Chiến lược với 12 quốc gia. Có quan hệ “đặc biệt” với 3 nước là: Lào, Campuchia và Cuba. Các khái niệm này là do các bên tự xây dựng nội hàm để giải quyết trong quan hệ cụ thể với từng nước.

 

Đối với Trung cộng là 16 chữ vàng: “Láng giềng hữu nghị, Hợp tác toàn diện, Ổn định lâu dài, Hướng tới tương lai” và 4 tốt: “Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt”. Đối với Nga là “Độ tin cậy cao; tiếp xúc cấp cao thường xuyên, hợp tác quốc phòng, an ninh sâu sắc, kinh tế thương mại năng động, toàn diện”; Đối với Hàn Quốc thì: “Trao đổi chính trị cấp cao, thương mại cố đạt 100 tỷ, Đầu tư nhiều và ODA cao, giao lưu nhân dân sâu rộng…”

 

Đối với Mỹ có lẽ là quốc gia cựu thù và có quan hệ “Hợp tác toàn diện” muộn nhất, nhưng Việt Nam thực sự đã được hưởng lợi nhiều nhất từ mối quan hệ này. Về chính trị thường xuyên có các cuộc gặp cấp cao, thậm chí tổng thống Hoa Kỳ đã đón tiếp “tổng bí thư” như một nguyên thủ quốc gia mà rõ ràng chỉ là đảng trưởng của một đảng phái chính trị.

 

Về kinh tế, quốc phòng và an ninh… đều có những hợp tác sâu đậm. Mỹ là nước nhập khẩu nhiều nhất hàng hoá của Việt Nam, đồng thời lên tiếng yêu cầu Trung cộng tôn trọng luật pháp quốc tế chấm dứt các hành động “gây hấn đơn phương” khi tàu 981 xâm phạm lãnh hải của Việt Nam.

 

Tên gọi là quan trọng, nội hàm là rất quan trọng nhưng hành động thực chất mới cực kỳ quan trọng. Có nhiều tên gọi khác nhau mà bản chất giống nhau, có nhiều việc tên gọi giống nhau nhưng nội hàm khác nhau. Có việc cả tên gọi và nội hàm giống nhau nhưng thực chất hành xử lại khác nhau. Ví dụ trong vụ tàu 981, Trung cộng có tên gọi quan hệ ngoại giao cao nhất thì đi gây sự, Nga thì im lặng, trong khi Hoa Kỳ chỉ là “đối tác toàn diện” thì lên tiếng.

 

Điều đáng lưu ý là đối tác chiến lược, mặc dù được thiết lập song phương nhưng nội hàm luôn bao gồm cả những vấn đề đa phương để các bên thể hiện ra giữa “bàn dân thiên hạ” là “tôi đi với người này” nhằm góp phần thể hiện uy tín và tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu.

 

Rõ ràng có được đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ là một điều tốt đẹp cho cả chính quyền và nhân dân Việt Nam.

 

Có sự ngờ vực trong “niềm tin chiến lược”?

 

“Niềm tin chiến lược – Strategic Trust” được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập tại cuộc đối thoại Shangri-la vào năm 2013. Về mặt ngôn ngữ lý thuyết bài phát biểu được đánh giá cao trong đó khẳng định: “Lòng tin cần được nâng niu, vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành”. Tuy nhiên, sử dụng sáo ngữ cũng là một vấn đề của lãnh đạo Việt Nam trong suốt nhiều năm. “Lời” là vô cùng quan trọng nhưng “đưa ra” dễ hơn và sức nặng cũng ít hơn hành động rất rất nhiều.

 

Việt Nam và Mỹ đã thực sự chân thành với nhau chưa?. Nói thẳng ra, về mặt chủ nghĩa lý thuyết thì hai bên hoàn toàn ngược nhau. Mỹ là nước tư bản còn Việt Nam là nước cộng sản. Mỹ đa nguyên, Việt Nam một đảng. Đó là chưa nói đến hàng loạt vấn đề về tổ chức chính quyền, văn hoá và nhân chủng khác nhau.

 

Đồng thời, do những cơ hội bị bỏ lỡ và những uẩn khúc trong quá khứ, như những vết thương chưa lành trong tâm trí của nhiều người. Nhiều lãnh đạo Việt Nam vẫn coi Hoa Kỳ là không đáng tin cậy. Ngược lại người Mỹ cũng rất thận trọng với một quốc gia “cộng sản”, và điều này là hợp lý cả về cảm xúc và lý trí.

 

Nước Mỹ thường phản ứng nhanh và mạnh trong các chuyển động chính trị thế giới nhưng họ ít kiên nhẫn để chờ đợi cho những mục tiêu mờ nhạt, thậm chí cố gắng rút ra nhanh nhất trong bất cứ sự can thiệp nào nếu cảm thấy nó bị sa lầy. Việt Nam thì mềm dẻo và kiên nhẫn hơn trong rất nhiều việc, có nhiều lúc rất “cố đấm ăn xôi”.

 

Có không việc “Bây giờ hoặc không bao giờ”?

 

Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng của Úc, trong cuộc trả lời phỏng vấn với RFA đã cho rằng “việc nâng cấp với quan hệ với Hoa Kỳ: “bây giờ hoặc không bao giờ”. Cho nên, nếu Việt Nam dám quyết định thì đây là thời điểm tốt nhất để ít nhất có 3 mối quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” với cả 3 thành viên thường trực của Liên Hiệp Quốc”.

 

Với vị thế đó “cây tre” có ngả nghiêng thì cũng không thể một kẻ nào dám nhổ bật gốc; Với vị thế đó cô gái xinh đẹp có thể “lả lơi” nhưng cũng không chàng nào đưa ra các tiêu chuẩn về lòng chung thuỷ mà chia tay.

 

Phía Mỹ có vẻ đã sẵn sàng. Vấn đề là lãnh đạo Việt Nam có đặt quyền lợi dân tộc lên trên “ý thức hệ”, trên “tình hữu nghị viển vông” và trên quyền lợi của Đảng cộng sản hay không? Chúng ta hãy cùng chờ xem.

 

Ls. Lê Quốc Quân

 

VOA (21.08.2023)