28-2-2019
Dù Kim Jong Un tuyên bố, “Nếu không sẵn sàng phi hạt nhân hoá tôi đã chẳng đến đây”. Tôi nghĩ, Trump biết Un dối trá; dù có ký cái gì thì Un cũng không đời nào từ bỏ bửu bối kho tên lửa kế thừa từ Kim bố. Vứt mảnh chai đi thì đâu còn Chí Phèo. Nhưng, Trump muốn đánh đu cuộc chơi này của Un để đi vào lịch sử.
Trump nghĩ, chỉ cần bãi bỏ một phần cấm vận là Un sướng. Không. Un đòi bỏ toàn bộ. Cuộc đàm phán này cho dù ký ở cấp độ đạt được nào thì trên thực tế cũng chỉ Un – chứ không phải Trump – là người chiến thắng. Trước mắt, Un đã xuất hiện trước thiên hạ không phải như một thằng ăn vạ mà như một nhà lãnh đạo được chờ đợi nhất.
Chỉ thương người dân Triều Tiên. Ý thức hệ đã đẩy đất nước này vào một cuộc chiến tranh tốn hàng triệu sinh linh. Ý thức hệ đã chia cắt đất nước, chia lìa nhiều gia đình và cầm tù nửa nước. Ý thức hệ đã từ chỗ là một lý tưởng, đã “tự chuyển hoá, tự chuyển biến rồi suy thoái” thành công cụ quyền lực của một nhóm người, một gia đình.
Un trong mấy năm cầm quyền đã đi những nước cờ bài bản. Khai thác triệt để các công cụ củng cố quyền lực kế thừa từ một gia đình “phong kiến phát xít“. Nếu không tàn bạo như vậy chưa chắc Un đã khuất phục được các triều thần. Sau khi đối nội ổn định, Un cho bắn vài quả tên lửa có khả năng làm cho thế giới lo âu, rồi chủ động bắt tay với Nam Triều và đàm phán với người quyền lực nhất.
Tôi theo dõi rất kỹ cuộc gặp thượng đỉnh này và rất mong có một tuyên bố chung. Tôi không quan tâm giữa Un và Trump ai thắng mà quan tâm tới từng cơ hội cho người dân cả hai miền Triều Tiên. Hãy coi chiếc xe của Un, cấm vận dù có làm khánh kiệt Bắc Triều Tiên, dù có bỏ đói hàng triệu người dân ở đây, lãnh đạo vẫn “cơm no, bò cưỡi”.
Hôm nay là một ngày thật buồn.