Hàng loạt cán bộ Viện Pháp y tâm thần Biên Hòa bị bắt giữ: Có hay không việc tiếp tay chạy án?
NGUỒN HÌNH ẢNH,BBC/GETTY IMAGES
Vụ hàng loạt cán bộ tại Viện pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bị bắt giữ đang gây xôn xao dư luận về việc có hay không sự tiếp tay chạy đại án bằng tấm giấy xác nhận tâm thần.
Tính đến chiều ngày Chủ nhật 16/6 đã có 13 người bị bắt và triệu tập về TP HCM cho việc điều tra bao gồm 11 viên chức và 2 cán bộ đã nghỉ hưu.
Trong số những người bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam (C02) bắt giữ có ông Lê Văn Hùng, viện trưởng, bác sĩ Nguyễn Thành Công, phó viện trưởng, ông Bùi Thế Hùng, cựu viện trưởng, bác sĩ Nguyễn Văn Trọng, trưởng khoa điều trị bắt buộc nhóm nghiện chất và các bác sĩ, điều dưỡng khác.
Những người này bị bắt để điều tra liên quan đến cáo buộc sai phạm liên quan đến kết quả hồ sơ giám định, điều trị các bệnh nhân.
Trước tình hình nhân sự thiếu hụt, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa đã gửi công văn hỏa tốc cho Bộ Y tế Việt Nam về phương án giải quyết. Văn bản có nội dung:
“Hiện nay tình hình rất cấp bách, không còn cán bộ làm việc, Viện báo cáo hỏa tốc và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế để có phương án ổn định nhân lực công tác”, theo tường thuật từ truyền thông trong nước.
Theo báo Người Lao động vào hôm nay 17/6, cơ quan điều tra vẫn tiếp tục làm việc hôm nay tại viện này.
Chứng nhận bệnh tâm thần cho người ‘dính’ đại án?
Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa, trực thuộc Bộ Y tế Việt Nam được thành lập năm 2015.
Chức năng của viện là giám định pháp y tâm thần, quản lý, điều trị người rối loạn tâm thần theo quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của các cơ quan tố tụng.
Đã có những thông tin lan truyền trên mạng xã hội về liệu có khả năng những người không mắc bệnh tâm thần, có dính đến các vụ đại án, đã được Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa chứng nhận bị bệnh để tránh bị pháp luật xử lý?
Báo chí trong nước đưa tin một số trường hợp liên quan đến kết quả giám định của viện này là bà Trần Thị Mỹ Hiền, nguyên Giám đốc Công ty Đất Vàng Hoàng Gia, bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 816 tỉ đồng. Hiện bà Hiền bỏ trốn và đang bị truy nã.
Theo kết quả giám định từ Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, bà Hiền đã “mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”.
Kết quả từ Viện Pháp y tâm thần Trung ương (Hà Nội) cũng cho kết quả tương tự.
Theo báo Tuổi Trẻ, còn có trường hợp bà Tống Thị Bạch Lan bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm và tuyên án tử hình về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” hồi năm 2020.
Cũng vào năm này, Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa kết luận bà Lan: “Tại thời điểm gây án, đương sự bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, hiện nay đương sự mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”.
Sau đó bà Lan được đi chữa trị bệnh bắt buộc và trốn viện.
Hiện không rõ vụ án này sẽ được mở rộng và còn liên quan đến những người nào khác ngoài những người được báo chí trong nước đề cập cho đến nay.
NGUỒN HÌNH ẢNH,MAIKA ELAN/BLOOMBERG/GETTY IMAGES Ảnh Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 5/3/2024
‘Chạy bệnh’
Điều 447 Bộ luật Hình sự 2015 quy định các điều kiện áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh như sau: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án là một trong các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định.
Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015 có nội dung: “Nếu kết quả giám định cho thấy người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần thì Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh mà không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Với những quy định như vậy, việc lách luật,“chạy án” bằng giám định tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự diễn ra phổ biến trong thời gian qua ở Việt Nam, theo báo trong nước.
Trong những năm qua liên tục có những cảnh báo về việc những đối tượng phạm trọng tội lợi dụng những kẽ hở để thoát tội bằng việc bỏ tiền ra mua kết quả giám định tâm thần.
Đã có những bác sĩ tại Việt Nam bị kết án về tội nhận hối lộ liên quan đến kết luận giám định pháp y về bệnh tật giả mạo.
Trong một bài viết trên báo Tuổi Trẻ vào năm 2016, ông Đinh Văn Quế, cựu chánh tòa hình sự Tòa án Nhân dân tối cao đã chất vấn “Tại sao tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế!”.
Cụ thể ông đề cập đến một khái niệm “chạy bệnh” vẫn còn xảy ra đến tận ngày nay:
“Nhiều người cho rằng nên bổ sung cụm từ “chạy bệnh” vào sau các từ: chạy chức, chạy quyền, chạy án, chạy luân chuyển…
Trong đó “chạy bệnh” dễ hơn chạy các thứ khác. Hơn nữa, có ai kiểm tra được tính xác thực của các bệnh án và bản giám định pháp y đâu!
Mặc dù theo quy định của pháp luật thì kết luận pháp y cũng chỉ là một nguồn chứng cứ để cơ quan tiến hành tố tụng tham khảo, có quyền tin hay không tin.
Tuy nhiên, thực tiễn thì dù không tin cơ quan tiến hành tố tụng cũng không dám bác bỏ, bởi lẽ mình không có chuyên môn này.
Cùng lắm là yêu cầu giám định lại, chứ chưa có trường hợp nào cơ quan tiến hành tố tụng thẳng thừng bác bỏ.
Đây cũng là cái “mai rùa” rất cứng và an toàn để những quan tham ẩn nấp!”, ông viết.
BBC (17.06.2024)
Việt Nam tiếp tục đàn áp tự do tôn giáo
Đầu tháng 5/2024, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2023 về Việt Nam. Theo đó, bối cảnh tự do tôn giáo tại Việt Nam không có thay đổi so với năm 2022. [1]
Theo báo cáo này, chính quyền tiếp tục đàn áp các nhóm tôn giáo chưa được công nhận. Nhiều tổ chức trong số đó bị cho là dị giáo hoặc tà đạo.
Ngoài ra, chính quyền cũng đàn áp, bỏ tù nhiều tín đồ theo các nhóm tôn giáo dân tộc thiểu số như Tin Lành người Thượng và người H’Mông, Phật tử Khmer Krom và tín đồ người H’Mông của Dương Văn Mình.
Chính quyền tiếp tục duy trì các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo phái Cao Đài 1997, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Giáo hội Tin lành Việt Nam; đồng thời, gây sức ép buộc các nhóm tôn giáo độc lập tham gia vào các tổ chức này.
Báo cáo đưa ra một số trường hợp sau:
- Sau vụ tấn công vào các trụ sở của chính quyền tại tỉnh Đắk Lắk khiến chín người thiệt mạng, chính quyền đã triển khai lực lượng an ninh và quân đội đến Tây Nguyên để bắt giữ, buộc tội và kết án 100 người dân tộc thiểu số.
- Vào tháng 4, chính quyền ở Tỉnh Kon Tum đã ngăn cản một linh mục Công giáo thực hiện nghi lễ tôn giáo. Vào tháng 8, chính quyền đã ngăn cản hai linh mục Công giáo H’Mông công khai tổ chức các buổi lễ tôn giáo.
- Chính quyền triển khai Đề án số 78 để xóa bỏ đạo Dương Văn Mình. Trong chuyến đi vào tháng 5/2023, Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã xem các video được cho là thể hiện việc chính quyền buộc các thành viên của đạo Dương Văn Mình từ bỏ đức tin của họ.
- Vào tháng 11, chính quyền Việt Nam đã xóa sổ lớp học tiếng Khmer tại một ngôi chùa Phật giáo Khmer Krom, tấn công vị trụ trì và hai tín đồ Phật giáo.
- Vào tháng 12, chính quyền tỉnh An Giang đã cấm Phật tử Hòa Hảo độc lập tổ chức ngày sinh của Đức Huỳnh Phú Sổ.
- Chính quyền cũng tiếp tục đàn áp các phong trào tôn giáo khác như ngăn cản các học viên Pháp Luân Công phổ biến tài liệu tôn giáo, buộc các tín đồ của Hội Thánh Đức Chúa Trời và San Sư Khẻ Tọ từ bỏ đạo.
- Chính quyền cũng bắt buộc các dân tộc thiểu số phải sử dụng tiếng Việt thay vì ngôn ngữ của riêng họ trong nghi lễ tôn giáo và văn học.
Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2023. Ảnh: Chụp màn hình.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho rằng Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2018 của Việt Nam hạn chế quyền tự do tôn giáo và yêu cầu các nhóm tôn giáo phải đăng ký với chính quyền để có thể hoạt động hợp pháp. Tuy nhiên, khi đăng ký, nhiều nhóm tôn giáo gặp khó khăn và phàn nàn rằng chính quyền đã từ chối hoặc bỏ qua đơn đăng ký của họ mà không có lời giải thích.
Báo cáo cũng cho biết hiện có 77 nạn nhân lương tâm tôn giáo, trong đó có 72 người đang bị giam giữ và điều kiện sống của họ đang rất tệ [2]. Một số trường hợp được nhắc tới:
- Vào tháng 5, Nay Y Blang, một thành viên của Giáo hội Tin Lành Tây Nguyên, bị bắt với cáo buộc truyền đạo và tổ chức các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp.
- Vào tháng 7 và tháng 8, chính quyền bắt giữ những người theo đạo Phật giáo Khmer Krom là Danh Minh Quang, Thạch Cương và Tô Hoàng Chương; cả ba người đều bị buộc tội theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.
- Vào tháng 8, chính quyền tỉnh An Giang bắt giữ Nguyễn Hoàng Nam, một tín đồ của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo độc lập, cáo buộc ông này gây rối trật tự công cộng và phá hoại sự đoàn kết tôn giáo và dân tộc.
- Vào tháng 9, chính quyền tỉnh Gia Lai kết án nhà hoạt động tự do tôn giáo Rian Thih tám năm tù vì tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra vài diễn biến tích cực. Đơn cử, vào tháng 9, chính quyền đã trả tự do cho nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Bắc Truyển, người đang thụ án 11 năm tù trong khi bị bệnh. Chính quyền cũng trả tự do cho Phật tử An Dân Đại Đạo Lê Đức Đông, người đã hoàn thành bản án 12 năm tù vào tháng 2.
Trước đó vào tháng 1/2024, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken tiếp tục đưa Việt Nam vào trong Danh sách Theo dõi Đặc biệt (Special Watch List – SWL) của Mỹ về tự do tôn giáo. [3]
Không chỉ Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong tháng 5, Liên minh Châu Âu (EU) cũng công bố báo cáo về tình hình nhân quyền của Việt Nam năm 2023. Báo cáo của EU cũng nhận định chính quyền Việt Nam liên tục sách nhiễu và đàn áp các tín đồ theo các nhóm tôn giáo độc lập. [4]
Như mọi năm, Việt Nam tiếp tục phản bác nội dung trong báo cáo. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định báo cáo năm nay của Mỹ thiếu khách quan. [5]
Bản tin tôn giáo tháng 5/2024
[1] Vietnam 2023 International Religious Freedom. (2024, May 1). U.S. Department of State. https://www.uscirf.gov/sites/default/files/2024-05/2024%20Annual%20Report.pdf
[2] Xem: https://www.uscirf.gov/sites/default/files/Vietnam%20FoRB%20Victims%20List%202023.pdf
[3] Religious Freedom Designations – Press Statement. (2024, January 4). U.S. Department of State. https://www.state.gov/religious-freedom-designations/
[4] EU Annual Report on Human Rights and Democracy in the World, 2023 Country Updates. (2024, May 29). European Union. https://www.eeas.europa.eu/sites/default/files/documents/2024/2023%20EU%20country%20updates%20on%20human%20rights%20and%20democracy_2.pdf
[5] Việt Nam bác bỏ những nhận định không khách quan trong Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2024. (2024, May 9). Báo Nhân Dân. https://web.archive.org/web/20240509133818/https://nhandan.vn/viet-nam-bac-bo-nhung-nhan-dinh-khong-khach-quan-trong-bao-cao-tu-do-ton-giao-quoc-te-nam-2024-post808626.html
Luatkhoa.com (18.06.2024)
An ninh sân bay Tân Sơn Nhất bị cáo buộc hành hung gia đình người Mỹ gốc Việt sau khi từ chối nhập cảnh
Gia đình người Mỹ gốc Việt bị an ninh sân bay hành hung
Các nhân viên an ninh được cho là đã hành hung một gia đình người Mỹ gốc Việt tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh sau khi họ từ chối rời Việt Nam ngay sau khi bị từ chối nhập cảnh.
Nguyễn Thị Bích Hạnh, một cựu giáo viên dạy văn, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) về những thử thách mà cô và các con trải qua khi đến Việt Nam vào ngày 7 tháng 6. Hạnh, người kết hôn với nhà hoạt động tự do ngôn luận Thái Văn Tú và sau đó định cư ở Việt Nam. Hoa Kỳ, được biết đến là nơi giúp sinh viên Việt Nam có được nền giáo dục đa diện và khách quan về các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam. Cô cho biết cô và các con bị đưa đến một căn phòng kín ở sân bay, nơi các nhân viên an ninh thay phiên nhau ngược đãi họ.
Theo ông Hạnh, cảnh sát sân bay yêu cầu họ lên máy bay sang Hàn Quốc để trở về Mỹ sau khi bị từ chối nhập cảnh. Tuy nhiên, bà đã từ chối lệnh này vì một trong những người con trai của bà bị hen suyễn nặng và đang trong tình trạng khẩn cấp và cần được điều trị ngay lập tức. Cơ quan công an Tân Sơn Nhất đã mời bác sĩ nhưng bà Hạnh cho biết bác sĩ không làm gì để chữa trị cho con trai bà. Cuối cùng, Hạnh phải điều trị cho con trai bằng thuốc hen suyễn và máy thở họ mang từ Mỹ sang.
Được biết, các nhân viên an ninh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã nhốt Hạnh và các con trong phòng kín, không được liên lạc với gia đình hoặc bất kỳ ai bên ngoài. Hạnh cho biết, hầu hết các cán bộ thẩm vấn đều mặc thường phục nên cô không biết tên, chức vụ của họ. Sau hai ngày bị giam giữ, công an đã thả họ sau áp lực từ Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh và buộc họ phải lên chuyến bay sang Hàn Quốc. Cựu giáo viên cho biết cô đã về Việt Nam thăm mẹ già 89 tuổi ốm yếu ở tỉnh Nghệ An.
Sau khi phóng viên RFA liên hệ với nhà chức trách sân bay Tân Sơn Nhất để xác minh cáo buộc của Hạnh, một nhân viên an ninh nói qua điện thoại rằng thông tin “không chính xác”. Theo người trả lời cuộc gọi, nếu một người bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam, người đó sẽ bị trục xuất về nước nơi họ đã quá cảnh trước đó trước khi đến đó. Nhân viên sân bay nói thêm rằng nếu tên của người đó nằm trong danh sách những người bất đồng chính kiến, “cơ quan an ninh nhập cư sẽ xem xét nhưng sẽ không có vụ đánh đập hay bắt giữ nào”.
Tạp chí Việt Nam (17.06.2024)
“Tự do, dân chủ” phụ thuộc vào giới hạn của quyền “tự do chính trị”
Lằn ranh của “nói xấu Đảng” và “phê bình Đảng” là có thể phải đối mặt cáo buộc hình sự theo điều 117, hoặc 331.
Hai luật sư Đặng Thị Hàn Ni và Trần Văn Sỹ đang phải thi hành án về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” được quy định tại Điều 331 của Bộ luật hình sự.
Mới đây một luật sư khác cũng vướng vòng lao lý theo điều luật hình sự này là Trần Đình Triển. Ngoài ra vào hơn một năm trước, nếu không được sự can thiệp của quốc tế thì có ít nhất 3 luật sư khác cũng đe dọa lâm cảnh tù tội về điều 331 khi họ thực hiện quyền của luật sư trong bảo vệ thân chủ ở vụ án Tịnh thất Bồng Lai/ Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ.
Sở dĩ chỉ nhắc kể về những luật sư bị cáo buộc gần đây về tội danh theo điều luật hình sự số 331, vì hơn ai hết, với luật sư chuyên hành nghề bào chữa họ sẽ rất hiểu thân phận pháp lý của mình, qua đó biết phải tiết chế ra sao trong ngôn ngữ và thái độ ứng xử của mình với cơ quan công quyền.
Thế nhưng một khi nhà chức trách cảm thấy bị đe dọa về chuyện độc quyền chính trị trước những ý kiến phản biện ôn hòa của vấn đề mà Đảng hay gọi là “phê, tự phê”, thì tùy vào mức độ, liều lượng mà họ cảm nhận từ sự quan tâm tán đồng của công chúng để xử trí vấn đề bằng điều luật 117 ở nhóm “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia”; hoặc điều luật 331 của nhóm “Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính”.
Cụ thể, điều 117 “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo đó thì:
“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Điều 331 “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, có nội dung:
“1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.
Người bị kết tội theo điều luật hình sự 117 thì mất luôn quyền được đặc xá quy định tại Luật đặc xá 2018 (điều 12 “Các trường hợp không được đề nghị đặc xá).
Điểm tương đồng của điều luật hình sự 117 và 331 đều chung yếu tố liên quan đến quyền tự do bày tỏ chính kiến. Nếu bày tỏ phản biện một cách kiên trì với những viện dẫn căn cứ từ các thỏa thuận cam kết của Nhà nước Việt Nam với cộng đồng quốc tế, thì tùy vào khả năng tạo nên sự ảnh hưởng tương tác của số đông công chúng mà người đó sẽ phải đối mặt với điều 117, hoặc giảm nhẹ hơn là ở điều 331.
Ở đây, như nhấn mạnh ngay từ đầu, những nhân vật phải lâm cảnh tù tội về điều 331 đều là các luật sư tố tụng thâm niên. Họ lúc nào cũng hiểu cần phải tự trang bị ra sao, đến mức nào về sự thận trọng trong ngôn từ phản biện. Thế nhưng đúng là “sự thật dễ mất lòng” như nhắc nhở truyền đời của ông bà về cái giá của “trung ngôn” ắt “nghịch nhĩ”.
Cát Tường
VNTB (17.06.2024)
Cách “xử lý” trường hợp ông Thích Minh Tuệ: Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ gì?
Hình ảnh ông Thích Minh Tuệ ít ngày trước khi “biến mất” hôm 3 tháng 6, 2024 (Ảnh minh họa) Citizen photo
Hôm 11 tháng 6, 2024, Dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ Michelle Steel gửi thư kêu gọi Ngoại trưởng Antony Blinken đưa Việt Nam vào danh sách các “Quốc gia Cần Quan tâm Đặc biệt” (CPC) về tự do tôn giáo. Lá thư này tiếp nối yêu cầu của bà Michelle Steel được gửi đi hồi tháng 3, 2024. Tuy nhiên, lá thư lần này có một điểm khác là bà Michelle Steel đã nêu trường hợp khất sĩ Thích Minh Tuệ “biến mất” trong đêm 3 tháng 6, 2024. Bà Dân biểu gọi con đường tu tập của ông Thích Minh Tuệ là thực hành các giá trị “buông xả” và “sự tối giản” của Phật giáo.
Đêm hôm 3 tháng 6, 2024, khi ông Thích Minh Tuệ và 72 khất sỹ khác đang ngủ thì cảnh sát Việt Nam ập vào, tách họ thành nhiều nhóm khác nhau, đưa đi mỗi nơi khác nhau. Ông Thích Minh Tuệ sau đó được đưa về Gia Lai, nơi cha mẹ ông ở, để làm căn cước công dân. Sau đó, người dân lại tiếp tục kéo về Gia Lai để bày tỏ sự kính ngưỡng với ông. Nhưng rồi hôm 14/6/2024, ông Thích Minh Tuệ lại được thông báo “ẩn tu” lần hai, và một số khất sỹ đang trên đường đến Gia Lai tìm ông đã “mất tích”.
Những tiếng nói từ nước Mỹ
Trong đổi với RFA hôm 14 tháng 6, 2024 về trường hợp ông Thích Minh Tuệ, bà Dân biểu Hoa Kỳ Michelle Steel nhấn mạnh rằng “tự do tín ngưỡng là một quyền cơ bản của con người, và Đảng Cộng sản Việt Nam đang học theo các chiến thuật đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc bằng việc đàn áp lạnh lùng các thực hành tôn giáo.” Theo bà Michelle Steel, “cách đối xử đối với ông Thích Minh Tuệ và những người đi theo ông là sai trái và không thể bào chữa. Chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm cho điều đó.”
Trong thư gửi Ngoại trưởng Blinken hôm 11/6 về trường hợp ông Thích Minh Tuệ, bà Dân biểu Michelle Steel nhấn mạnh rằng “Nước Mỹ có nghĩa vụ đạo đức phải đứng lên bảo vệ quyền tự do tôn giáo trên toàn thế giới, và Bộ trưởng Blinken nên huy động toàn bộ quyền lực của Bộ Ngoại giao để đấu tranh chống đàn áp tôn giáo ở Việt Nam.”
Ở Mỹ, Ủy hội Hoa kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) là cơ quan tư vấn cho Ngoại trưởng, Quốc hội, Tổng thống Hoa Kỳ về chính sách đối ngoại liên quan đến tự do tôn giáo quốc tế. Ủy ban đã liên tục khuyến nghị đưa Việt Nam vào danh sách Quốc gia Cần Quan tâm Đặc biệt (CPC) về tự do tôn giáo. Mức độ nghiêm trọng của danh sách này cao hơn danh sách các Quốc gia Cần Theo dõi đặc biệt. Hiện các quốc gia trong danh sách các Quốc gia Cần Quan tâm Đặc biệt gồm Trung Quốc, Cuba, Iran, Bắc Triều Tiên và Nga.
Ở Hoa Kỳ, BPSOS là một chức phi chính phủ thường xuyên tiến hành nghiên cứu và thông tin cho Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) về tình hình tự do tôn giáo ở Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Về vụ việc ông Thích Minh Tuệ đang thu hút sự quan tâm của công chúng Việt Nam gần đây, TS. Nguyễn Đình Thắng, Tổng giám đốc của BPSOS cho RFA biết rằng tổ chức của ông vừa hoàn tất một nghiên cứu cho USCIRF ngay trước khi vụ ông Thích Minh Tuệ xảy ra. Nghiên cứu này nhấn mạnh vào một nhân vật là ông Thích Đức Thiện, người được ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, đưa sang Mỹ vào tháng 10 năm 2023 để vận động Mỹ đưa Việt Nam khỏi Danh sách Các Quốc gia cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo. Việt Nam không muốn việc này ảnh hưởng đến quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” với Mỹ.
- Nguyễn Đình Thắng cho biết chính ông Thích Đức Thiện cũng là người đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam kí văn bản nói ông Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo. Văn bản này gây ra nhiều phản ứng trái chiều trên mạng xã hội ở Việt Nam. TS. Nguyễn Thắng nói tiếp:
“Tôi đã đưa văn bản đó của ông Thích Đức Thiện cho các cơ quan Mỹ mà ông này từng gặp. Ông ta là người vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách ngang nhiên nhất. Tại sao phải được tổ chức giáo hội này cho phép thì mới được coi là tu sĩ. Trong khi tu sĩ đã có từ 2500 năm nay, còn cái tổ chức này mới chỉ ra đời từ 1981. Vì vậy, các cơ quan Hoa Kỳ như Bộ Ngoại giao, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, và bên Liên Hiệp quốc đều nhận ra ngay vấn đề.”
Nếu Việt Nam bị đưa vào danh sách CPC?
Nếu Việt Nam bị đưa vào danh sách các Quốc gia cần Quan ngại Đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) thì theo luật pháp Hoa Kỳ, điều này có khả năng sẽ dẫn đến những trừng phạt về kinh tế. Một số quan chức chính quyền và “quan chức” Giáo hội liên quan cũng có thể bị trừng phạt. Câu hỏi đặt ra là liệu những trừng phạt đó liệu có đủ sức tác động để Việt Nam thay đổi chính sách hay không. Trao đổi với RFA, bà Dân biểu Michelle Steel khẳng định nếu Việt Nam bị liệt Việt Nam vào danh sách Quốc gia Cần Quan ngại Đặc biệt, điều đó “sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng những người vi phạm quyền tự do tôn giáo sẽ bị truy tố và phải chịu trách nhiệm.” Theo bà Michelle Steel, điều đó “sẽ cô lập Chính phủ Việt Nam trên trường quốc tế và gia tăng áp lực buộc họ phải chấm dứt đàn áp tôn giáo.”
Bà Michelle Steel nêu ra hai bước tổng quát về mức độ trừng phạt mà quan chức liên quan đến đàn áp tôn giáo sẽ phải gánh chịu: “Trước hết, các chính sách trừng phạt, răn đe phi kinh tế sẽ được sử dụng một cách hợp lý. Sau khi các biện pháp này được sử dụng hết, các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể sẽ được áp dụng, nếu hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo vẫn tiếp tục diễn ra.”
Trao đổi với RFA, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng phân tích rằng triển vọng đưa Việt Nam vào danh sách các Quốc gia cần Quan ngại Đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) thì rất thấp bởi vì phía hành pháp Mỹ không muốn làm điều đó, trừ khi xảy ra một cuộc đàn áp đẫm máu, như từng xảy ra ở Tây Tạng chẳng hạn. Tuy nhiên, theo TS. Thắng, nếu Việt Nam muốn Mỹ rút tên mình ra khỏi danh sách “Các nước Cần Theo dõi Đặc biệt” (vốn thấp hơn về mức độ so với danh sách “Quốc gia cần Quan ngại Đặc biệt”) thì rất khó vì những bước đi sai lầm của Việt Nam. Cho nên đến cuối năm nay thì khả năng là Việt Nam vẫn nằm trong danh sách này. Ông nói tiếp:
“Nếu vẫn ở trong danh sách này thì có một số hình thức trừng phạt, chế tài từ nhẹ đến nặng. Nhẹ thì có công văn kín, phản đối. Cái đó hoàn toàn vô dụng. Rồi đến công văn phản đối công khai. Rồi từ từ nâng lên là cắt đứt một số trao đổi văn hóa, rồi nâng lên là cắt đứt một số viện trợ. Và mức trừng phạt cao nhất là cấm bên Hành pháp Mỹ cho vay tiền từ một số định chế tài chính do Mỹ kiểm soát. Nhưng phải mất hàng chục năm thì mới đi đến biện pháp chế tài cao nhất đó và phải đi từng bước một.”
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Thắng, luật pháp Hoa Kỳ còn những điều luật khác, dễ dàng đưa đến chế tài quan chức nước ngoài đàn áp tôn giáo ở xứ sở của họ. Có hai biện pháp chế tài: một là cấm nhập cảnh Hoa Kỳ vĩnh viễn; hai là đóng băng tài sản tại Hoa Kỳ. Không chỉ đương sự bị cấm mà bố mẹ, thân nhân cũng bị cấm. Như vậy, biện pháp này rất nặng nề (đối với quan chức liên quan.) TS. Thắng cho biết:
“Chắc chắn là nội trong một tuần tới, sẽ có một công văn rất dài từ Liên Hiệp Quốc, của các báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc, về lĩnh vực tự do tôn giáo và niềm tin, về lĩnh nhân quyền, sẽ được gửi đến Chính phủ Việt Nam.”
Nếu Việt Nam muốn chứng tỏ mình tôn trọng tự do tôn giáo?
Trao đổi với RFA, bà Dân biểu Hoa Kỳ Michelle Steel khẳng định “Chính phủ Việt Nam hết lần này đến lần khác cho thấy họ không tôn trọng các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo.” Ông Thích Minh Tuệ sau khi xuất hiện trên truyền thông nhà nước nói muốn “ẩn tu”, sau đó ông lại xuất hiện, rồi lại “ẩn tu” lần nữa. Bà Dân biểu Michelle Steel trao đổi với RFA rằng những vấn đề đó khiến bà “không khỏi lo lắng cho sự an lành của ngài và những người hành hương cùng ngài.” Bà khẳng định “Việt Nam phải đưa ra câu trả lời rõ ràng về nơi ở của ông và cho phép các quan chức bên ngoài vào gặp gỡ những nạn nhân bị đàn áp tôn giáo này.”
- Nguyễn Đình Thắng cho rằng nếu muốn chứng tỏ mình bảo vệ quyền tự do tôn giáo của người dân trong trường hợp nhà tu hành Thích Minh Tuệ, chính quyền Việt Nam chỉ cần đơn giản thực thi đúng chức trách bảo đảm an ninh mà không can thiệp vào hoạt động của vị khất sĩ, các bạn đồng hành và người dân:
“Phải dẹp đường, phải giữ trật tự, bảo vệ cho mọi người đi, nhắc nhở người dân coi chừng dịch bệnh, không gây rối trật tự, không cản trở bước đi của các thầy.”
Muốn chứng minh mình tôn trọng các quyền tự do tôn giáo cơ bản, theo bà Dân biểu Michelle Steel, Việt Nam “cần đưa ra câu trả lời rõ ràng về những gì đã xảy ra và Thích Minh Tuệ hiện ở đâu”. Mặt khác, “Chính phủ Việt Nam đứng sang một bên và cho phép những người hành hương của ông được tự do tụ tập.” Bà Michelle Steel cũng cảnh báo rằng “Nếu quan chức Việt Nam tiếp tục quản chế và phân biệt đối xử các cá nhân theo đuổi tín ngưỡng tôn giáo thì họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả quốc tế nghiêm trọng.”
RFA (16.06.2024)
Thêm nhiều tổ chức nhân quyền lên án việc bắt giam ông Trương Huy San, Trần Đình Triển
Ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển. Photo Bao Giao Thong
Thêm hàng loạt các tổ chức nhân quyền quốc tế như Article 19, Viện Báo chí Quốc tế, Văn Bút Mỹ, Qũy Nhân quyền bày tỏ “quan ngại” về việc chính quyền Việt Nam bắt giữ blogger-tác giả sách Trương Huy San và luật sư Trần Đình Triển, đồng thời kêu gọi Hà Nội hủy bỏ các cáo buộc đối với hai ông.
“Luật an ninh quốc gia không nên được sử dụng làm vũ khí chống lại quyền tự do ngôn luận. Việt Nam phải hủy bỏ cáo buộc đối với nhà báo Trương Huy San và luật sư Trần Đình Triển”, tổ chức Article 19, vốn chuyên bảo vệ quyền tự do ngôn luận và thông tin trên toàn thế giới có trụ sở Anh Quốc, viết trên trang X hôm 14/6.
Ông San, còn được biết qua bút danh Huy Đức, là một nhà bình luận có tiếng trên mạng xã hội và là người chỉ trích mạnh mẽ đảng cầm quyền Việt Nam. Ông điều hành một trang Facebook cá nhân với hơn 350 nghìn người theo dõi, nơi thường xuyên đăng bài về các vấn đề chính trị, xã hội.
Bà Amy Brouillette, Giám đốc Vận động của Viện Báo chí Quốc tế (IPI), nói trong một thông báo: “IPI kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Trương Huy San và hủy bỏ cáo buộc đối với ông”.
“Việc bắt giữ ông San phản ánh nỗ lực không ngừng nghỉ của chế độ nhằm kiểm duyệt và kiểm soát các phương tiện truyền thông cũng như ngăn chặn bất kỳ báo cáo, chỉ trích nào về các chính sách của chế độ này”, bà Brouillette nhận xét.
Trong khi đó, tổ chức Văn Bút Mỹ (PEN America) có trụ sở ở New York đưa ra tuyên bố: “PEN America kịch liệt lên án việc chính quyền Việt Nam bắt giữ tác giả, nhà báo Trương Huy San”, bà Anh-Thu Võ, giám đốc nghiên cứu và vận động của PEN America đưa ra quan điểm và nói thêm rằng “tự do biểu đạt và bất đồng chính kiến là những thành phần quan trọng của một xã hội lành mạnh, thúc đẩy đối thoại, trách nhiệm và tiến bộ”.
Cùng bị bắt với ông Huy Đức là luật sư Trần Đình Triển, trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân ở Hà Nội, phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, theo thông cáo của Bộ Công an Việt Nam vào tuần trước. Hai ông bị bắt với cùng cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
“Ông Triển bị bắt vì chỉ trích đảng cầm quyền Việt Nam”, Qũy Nhân quyền (HRF) viết trên trang X hôm 12/6.
“Trương Huy San và Trần Đình Triển đã có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, đăng tải các bài viết trên mạng xã hội Facebook xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…” Bộ Công an cho biết trong thông cáo ngày 8/6.
HRF, tổ chức có trụ sở ở New York, Mỹ, bày tỏ: “HRF quan ngại sâu sắc về việc Việt Nam thu hẹp không gian dân sự và suy giảm quyền tự do ngôn luận. HRF khẩn trương kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho hai ông Trương Huy San và Trần Đình Triển”.
Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần áp dụng Điều 331, điều luật mà Văn Bút Mỹ xem là “quá rộng” để “bỏ tù các nhà văn, nhà báo và những người bất đồng chính kiến vì sự biểu đạt trực tuyến của họ”.
Điều luật này đã được sử dụng để “hình sự hóa các hoạt động và biểu đạt ôn hòa, gây ra sự kiểm duyệt trực tiếp và cấm đa dạng hóa quan điểm”, Văn Bút Mỹ nói thêm. Tổ chức này nhận định rằng điều luật đó đứng thứ hai về mức độ áp dụng để bỏ tù các nhà văn Việt Nam, chỉ sau Điều 117 Bộ luật Hình sự, quy định về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về những tuyên bố nêu trên của các tổ chức nhân quyền, nhưng chưa được phản hồi.
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay vẫn bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ vi phạm nhân quyền hay đàn áp tự do ngôn luận, khăng khăng rằng các quyền căn bản của người dân luôn được đảm bảo.
Ngay sau khi chính quyền Việt Nam loan tin việc bắt giam hai ông San và Triển hôm 7/6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền như Phóng viên Không biên giới (RSF), Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CJP), Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã lên tiếng bênh vực hai ông và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho họ.
“Việc tồn tại một cây viết hoặc một người nói lên điều trái ý với nhà cầm quyền trong giai đoạn hiện nay thì đối với nhà cầm quyền thì đó là điều khó chấp nhận, trong khi đối với người khác có thể xem là không bình thường của chế độ do công an trị như hiện nay”, nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh ở Mỹ nhận định với VOA sau khi hai ông San và Triển bị bắt.
Ông Vinh nhận định thêm rằng việc bắt bớ này càng trở nên “đáng báo động” về sự “đàn áp” những tiếng nói phản biện tại Việt Nam, nhất là ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm được thăng chức Chủ tịch nước vào tháng trước.
Theo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2024 của tổ chức Phóng viên Không biên giới, Việt Nam đứng thứ 174 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng, bị liệt vào nhóm nước có chỉ số tự do báo chí thấp nhất.
Việt Nam cũng là quốc gia bắt giam nhà báo tồi tệ thứ năm trên toàn thế giới, với 19 nhà báo bị giam giữ tính đến ngày 1/12/2023, theo cuộc điều tra nhà tù toàn cầu hàng năm mới nhất của tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả.
RFA (15.06.2024)
Quốc tế lo ngại Thái Lan dẫn độ ông Y Quynh Bđăp về Việt Nam
NGUỒN HÌNH ẢNH,NGƯỜI THƯỢNG VÌ CÔNG LÝ Chụp lại hình ảnh,Ông Y Quynh Bđăp (thứ ba, trái qua) cùng các thành viên Tổ chức Người Thượng Vì Công lý
Ông Y Quynh Bđăp, người đồng sáng lập Tổ chức Người Thượng vì Công lý, vừa bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ và đang có nguy cơ bị dẫn độ về Việt Nam, một nguồn tin cho BBC News Tiếng Việt hay.
Ông Y Quynh Bđăp, 32 tuổi, tỵ nạn tại Thái Lan từ năm 2018 và đã được Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn cấp quy chế tị nạn.
Ông bị bắt hôm 11/6 và hiện đang bị giam giữ tại nhà tù Remand ở Bangkok để chờ xét xử xem ông có bị dẫn độ về Việt Nam hay không.
“Y Quynh Bđăp khi đó đang trốn trong một khách sạn nhưng tối đó có tin anh ấy ra ngoài đi mua dép. Vừa ra ngoài thì cảnh sát Thái Lan ập tới bắt,” mục sư A Ga, người sáng lập Hội thánh Tin lành Đấng Christ tại Tây Nguyên hiện đang tỵ nạn tại Mỹ, nói với BBC News Tiếng Việt hôm 14/6.
Ông A Ga cũng cho hay ông Y Quynh Bđăp thường xuyên liên lạc với ông và trước khi bị bắt đã gọi điện nói rằng “tình hình rất nguy hiểm”.
Ông A Ga thuật lại:
“Ông Y Quanh Bđăp vừa có cuộc phỏng vấn với Sở Di trú Canada hôm 4/6 và đang trong thời gian chờ đợi để chính thức đi định cư tại Canada.
“Việc Y Quynh bị bắt không có gì đáng ngạc nhiên vì Y Quynh đã báo trước vấn đề này. Thời gian qua công an đã theo sát và truy lùng anh ấy.
“Hôm 4 và 5/6, Y Quynh báo cho tôi là cảm thấy không ổn vì cảnh sát đã biết nơi ở của anh ấy.
“Sau đó Y Quynh phải tách rời vợ con, nhờ một tổ chức cho trốn vài ngày ở khách sạn.
“Lúc anh ấy ở trong khách sạn thì cảnh sát bao vây bên ngoài.
“Vào ngày thứ Hai vừa rồi (11/6), tôi gọi cho Y Quynh thì không nghe máy. Sau đó nhận được tin Y Quynh đã bị bắt.”
Theo đánh giá của ông A Ga, có khả năng cao là ông Y Quynh sẽ bị dẫn độ về Việt Nam nếu cộng đồng quốc tế không can thiệp mạnh.
Trong video dài 1 phút 30 giây ông Y Quynh được cho là thực hiện trước khi bị bắt mà BBC đang có trong tay, ông nói bản thân và gia đình đang gặp nguy hiểm khi cảnh sát Thái truy lùng.
Ông cũng nói rằng ông mong các tổ chức nhân quyền lên tiếng để gia đình ông được an toàn và tự do.
Vì sao Việt Nam yêu cầu Thái Lan can thiệp?
NGUỒN HÌNH ẢNH,NGƯỜI THƯỢNG VÌ CÔNG LÝ Chụp lại hình ảnh,Một buổi thờ phượng Chúa của người Thượng tại Thái Lan
Chính phủ Việt Nam đã phát lệnh truy nã và yêu cầu chính quyền Thái Lan dẫn độ ông Y Quynh Bđăp với cáo buộc “khủng bố”, liên quan đến vụ nổ súng vào trụ sở công an ở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk hồi tháng 6/2023 khiến 9 người tử vong.
Ông Y Quynh đã bị kết án 10 năm tù vắng mặt vào tháng 1/2024.
Bộ Công an Việt Nam nhận định vụ tấn công này là “đặc biệt nghiêm trọng”, xếp vào dạng “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.
Bộ này cũng nói rằng “vụ tấn công có sự chỉ đạo và tiếp tay của các thế lực thù địch từ nước ngoài”, trong đó, nhóm “Lính Đêga” thực hiện vụ khủng bố.
Theo Bộ Công an Việt Nam, nhóm “Lính Đêga” móc nối với tổ chức Người Thượng vì Công lý để “tuyên truyền, lôi kéo, tuyển mộ thành viên, huấn luyện, tài trợ tiền và chỉ đạo chuẩn bị hoạt động tấn công khủng bố nhằm thành lập ‘nhà nước riêng’ ở Tây Nguyên.”
Bộ Công an xác định Y Quynh Bđăp là “một trong những đối tượng đứng đầu tổ chức này”.
Trong khi đó, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 14/6 ra thông cáo cho hay họ không có thông tin về khả năng Y Quynh Bđăp có liên quan đến vụ nổ súng nói trên, “nhưng đặc biệt quan ngại về sự an toàn của ông và việc ông bị xét xử không công bằng ở Việt Nam”.
Bà Elaine Pearson, Giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, kêu gọi chính phủ Thái Lan “trả tự do và và đảm bảo ông Y Quynh Bđăp không bị tổn hại
“Trao trả nhà hoạt động Việt Nam Y Quynh Bđăp về Việt Nam sẽ khiến ông ấy gặp nguy hiểm nghiêm trọng. Chính quyền Thái Lan nên công nhận tình trạng tị nạn của Y Quynh Bđăp,” bà Elaine Pearson nói.
Theo nhận định của mục sư A Ga, chính quyền Việt Nam cáo buộc ông Y Quynh liên quan đến vụ “khủng bố” ở Đắk Lắk nhưng thực tế là do họ “đang rất lo ngại vì Y Quynh là người sáng lập Tổ chức Người Thượng vì Công lý để bảo vệ nhân quyền cho người Thượng ở Tây Nguyên”.
“Anh Y Quynh đã được đào tạo ở Thái Lan 12 tháng và đã trở thành người thu thập thông tin, viết báo cáo gửi Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế về tình trạng chính quyền Việt Nam bắt bớ, vi phạm tự do tôn giáo.
“Tại Hội nghị Nhân quyền và Dân chủ ở Geneva vừa rồi, biết bao nhiêu bản báo cáo như vậy đã được gửi cho Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân quyền quốc tế.
“Thì đương nhiên chính quyền Việt Nam sẽ nhắm vào ông này và tổ chức của ông để dập tắt.
“Như thế thì không ai còn thông tin về sự vi phạm của chính quyền ở trong nước nữa.
“Do đó họ tìm bằng mọi cách bắt Y Quynh cho bằng được.”
Mục sư A Ga nhận định rằng tình trạng hiện nay của những người Thượng tị nạn ở Thái Lan là rất đáng lo ngại.
Trong thời gian qua đã xảy ra tình trạng chính quyền Việt Nam tới nhà của một số người tị nạn để sách nhiễu, yêu cầu gia đình gọi con em về nước đầu thú thì sẽ được cấp đất, được
khoan hồng. Nếu không chính phủ sẽ sang Thái bắt đưa về Việt Nam, ông A Ga kể lại.
Khả năng Thái Lan dẫn độ người về Việt Nam?
NGUỒN HÌNH ẢNH,NGƯỜI THƯỢNG VÌ CÔNG LÝ Chụp lại hình ảnh,Một hoạt động của các thành viên Tổ chức Người Thượng vì Công lý tại Thái Lan
Theo thông cáo của HRW, Tổ chức Người Thượng vì Công lý đã tìm cách bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do tôn giáo và các quyền khác của người Thượng ở Tây Nguyên Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam từ lâu đã đàn áp những người Thượng theo đạo Thiên Chúa thuộc các giáo hội tại gia độc lập, những người ủng hộ các yêu cầu độc lập hoặc tự trị bất bạo động, và những người phản đối việc chính phủ giao đất Tây Nguyên cho các doanh nghiệp, theo HRW.
Ngày 12/6, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về các nhà bảo vệ nhân quyền, Mary Lawlor, đã bày tỏ quan ngại về việc bắt giữ ông Y Quynh Bđăp và cho rằng việc dẫn độ ông về Việt Nam có nghĩa là Thái Lan “không đủ tư cách để được bầu” vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào cuối năm nay.
Báo cáo gần đây của HRW, “‘Chúng tôi đã nghĩ mình an toàn’: Đàn áp và trục xuất người tị nạn ở Thái Lan,” ghi lại một mô hình đàn áp xuyên quốc gia trong đó chính quyền Thái Lan giúp các chính phủ láng giềng thực hiện các hành động trái pháp luật nhằm vào người tị nạn và người bất đồng chính kiến đang tìm nơi trú ẩn ở Thái Lan.
Đổi lại, chính quyền Thái Lan có thể nhắm mục tiêu vào những người chỉ trích chính phủ Thái Lan sống ở Lào, Việt Nam và Campuchia như một phần của thỏa thuận “trao đổi” người tị nạn và những người bất đồng chính kiến.
Vào tháng 5/2019, ba nhà bất đồng chính kiến Thái Lan – Chucheep Chivasut, Siam Theerawut và Kritsana Thapthai – đã bị chính quyền Việt Nam bắt giữ và sau đó đã “biến mất”.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin nên chấm dứt hành vi ngược đãi của các chính phủ Thái Lan trước đây và đảm bảo rằng Y Quynh Bđăp không bị trả về Việt Nam.
Thái Lan có nghĩa vụ tôn trọng nguyên tắc không trục xuất của luật pháp quốc tế, nghiêm cấm các quốc gia trục xuất bất kỳ ai đến nơi mà họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ thực sự bị đàn áp, tra tấn hoặc bị đe dọa đến tính mạng.
Nguyên tắc này được quy định rõ ràng trong Công ước Chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc mà Thái Lan là thành viên.
Ngoài ra, Đạo luật ngăn chặn tra tấn và cưỡng bức mất tích của Thái Lan, có hiệu lực vào tháng 2/2023, quy định rằng “không tổ chức chính phủ hoặc quan chức nào được trục xuất hoặc dẫn độ một người đến một quốc gia khác nơi có căn cứ đáng kể để tin rằng người đó sẽ có nguy cơ bị tra tấn, đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục hoặc bị mất tích.”
BBC (14.06.2024)