PHÙNG THỊ AN NA

 04 Tháng 8 2018

 

Nhân sinh quan truyền thống người Việt là mẫu số chung của phép cộng các triết lý nhân sinh của các tộc người Việt Nam, luôn gắn liền với nông nghiệp (lúa nước) và thiết chế làng – xã, được triển khai trong một hệ thống hoàn chỉnh trên mọi chiều kích của các mối quan hệ: lao động – sản xuất, môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội, gia đình, dòng tộc, họ hàng,…Nhân sinh quan người Việt thường gắn bó chặt chẽ với vận mệnh của dân tộc, các triết lý nhân sinh đều giải đáp những vấn nạn mà người Việt gặp phải trên con đường dựng nước và giữ nước. Có thể nói, nhân sinh quan truyền thống Việt Nam chính là những giá trị bản nhiên của t­ư duy người Việt, không hoàn toàn vay m­ượn t­ư t­ưởng của Nho, Phật, Lão. Những giá trị tích cực trong triết lý nhân sinh của cha ông ta là cơ sở cho việc xây dựng lối sống mới cho người Việt Nam hiện nay. Song, bên cạnh đó, những hạn chế từ nhân sinh quan truyền thống cũng trở thành rào cản cho người Việt trên bước đường phát triển và hội nhập. Do vậy, việc xác định rõ những giá trị tích cực, chỉ ra được những yếu tố tiêu cực của nhân sinh quan truyền thống là một việc làm thiết thực nhằm góp phần xây dựng con người Việt Nam hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.

1. Một số giá trị tích cực của nhân sinh quan truyền thống người Việt

Nhìn trên tổng thể xã hội, nhân sinh quan truyền thống của người Việt có nhiều điểm tích cực cần được tiếp tục duy trì và phát huy:

Một làtinh thần hiếu học là một trong những giá trị truyền thống quý báu được hình thành và hun đúc từ dòng chảy lịch sử ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Đó chính là tinh thần quả quyết, tính kiên trì, nhẫn nại và ham học hỏi. Sự hiếu học ấy đã tạo điều kiện sản sinh nhiều bậc anh tài, các trung thần, những anh hùng dân tộc,… góp phần quan trọng cho sự nghiệp giải phóng và kiến thiết nước nhà.

Hơn nữa, hiếu học không phải chỉ để được vinh thân mà hiếu học là để có cơ hội tham gia vào việc nước. Người có học được gọi là “sĩ”, chữ “sĩ” (viết theo Hán tự) được diễn tả như một người đứng bằng chân trên mặt đất, đầu đội trời, dang rộng hai tay, gánh vác việc đời, việc nước. “Làm trai vì nước quên nhà/Nước kia có vẹn thì nhà mới yên”- đấy chính là mục đích của sự học. Như vậy, sự hiếu học của người Việt cũng là sự thể hiện tinh thần yêu nước, tinh thần vì cộng đồng.

Hiếu học còn là biểu tượng của ý chí và khát vọng vươn lên thoát khỏi đói nghèo, thoát khỏi sự kém hiểu biết: “Làm trai cố chí học hành/Lập nên công nghiệp để dành mai sau; Làm người mà được khôn ngoan/Cũng nhờ học tập mọi đường mọi hay/Nghề gì đã có trong tay/Mai sau rồi cũng có ngày ích to”,… Những tấm gương hiếu học thật sự là những con người đáng được tôn vinh và học tập, vì họ là những người dám thực hiện ước mơ của mình.

Hai là, lối sống cần cù, tiết kiệm của người Việt đã được coi là một trong những đức tính điển hình, nói như cố giáo sư Trần Văn Giàu “cần cù đến mức anh hùng tột bậc”1.Từ xưa đến nay, người Việt vẫn coi trọng đức tính cần cù, tiết kiệm, đề cao nó đến độ “cần cù bù thông minh”, “năng nhặt chặt bị”, “tích cốc phòng cơ”, “buôn tầu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”. Lối sống tiết kiệm góp phần ổn định đời sống kinh tế gia đình, xã hội trong điều kiện đất nước còn khó khăn, rèn luyện cách sống biết quý trọng sức lao động, chống lối sống xa hoa, lãng phí theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”, “vung tay quá trán”, “ném tiền qua cửa sổ”,…

Trong những năm gần đây, do điều kiện kinh tế của người dân được cải thiện, thậm chí đồng tiền kiếm được một cách quá nhanh chóng, dễ dàng, dẫn đến xu hướng hưởng thụ, sống gấp, lười lao động, tìm mọi cách để kiếm tiền phục vụ nhu cầu ăn chơi, hưởng thụ, kể cả vi phạm đạo đức và pháp luật. Trầm trọng hơn, hiện tượng tham nhũng, tiêu “tiền chùa” đang trở thành quốc nạn của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Về vấn đề này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận định: Nước ta còn nghèo và kém phát triển, chúng ta lại chưa thực sự thực hiện tốt cần kiệm trong sản xuất, tiết kiệm trong tiêu dùng, dồn vốn cho đầu tư phát triển,2 vì vậy, trong điều kiện hiện nay, chúng ta nhất thiết phải cần kiệm để công nghiệp hóa, phải khắc phục xu hướng chạy theo xã hội tiêu thụ, lối sống xa hoa lãng phí, đó là những nhân tố quyết định sự thành công của chúng ta… (đoạn này thì để mọi người tự phê bình)

Như vậy, lối sống cần cù, tiết kiệm luôn là lối sống truyền thống tích cực cần phát huy trong cả thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay. 

 Ba là, lối sống đề cao tính tập thể, cộng đồng của người Việt có mặt tích cực là coi trọng tình làng nghĩa xóm, đề cao tinh thần đoàn kết, hòa thuận, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, không chấp nhận lối sống hờ hững, vô trách nhiệm. Lối sống cộng đồng này góp phần kìm hãm và hạn chế những biểu hiện của bệnh vô cảm, của sự cạnh tranh một cách ghẻ lạnh trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường hiện nay, đồng thời tạo nên sức mạnh của sự thống nhất cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ý nghĩa của sức mạnh đoàn kết, của tính cộng đồng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát lại trong một nhận định về người Việt Nam như sau: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”3. (Chống Mỹ thì được, chống Trung Cộng chắc không được Đảng hoan nghênh đâu)

Bốn là, trong đời sống tinh thần xã hội, người Việt truyền thống coi trọng chữ “Tình”, đề cao ân nghĩa,… đôi khi, chữ “Tình”đã v­ượt lên trên cả lý lẽ, luật pháp. Hiện nay, khi nền kinh tế thị trường phát triển, đặc biệt, khi chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế, giao thương với các nền kinh tế tư bản, lúc này “Lý” sẽ áp đảo “Tình”. Trong điều kiện đó, truyền thống coi trọng “Tình” có vẻ không còn phù hợp nữa, nhưng chúng ta vẫn cần phải dung hòa,làm cho “Lý” không trở thành thái quá để dẫn đến “vô tình, vô cảm”, thành con người “duy ngã”, ích kỷ; làm cho chữ “Tình” trong thời hiện đại không yếm thế, biến con người thành yếu đuối, nhu nhược, ba phải. Việc thiên về “Lý” hướng đến sự phát triển; còn “Tình”sẽ làm cho sự phát triển diễn ra hài hòa, bền vững. Như vậy, chúng ta vẫn duy trì và giữ gìn được bản sắc và “làm mới, hiện đại hóa” nó cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh.

Thêm nữa, việc coi trọng “Tình”sẽ làm cho việc áp dụng luật pháp uyển chuyển, linh hoạt theo từng địa phương, từng vùng. Luật pháp, dù được xây dựng trên đời sống thực tế, nhưng nó vẫn là “từ ngoài vào, từ trên xuống” áp đặt người dân phải theo, nó vẫn có tính chất lý trí, cứng nhắc, máy móc, không uyển chuyển và nhiều khi không tương thích với những hoàn cảnh riêng của từng người dân, từng địa phương. Do đó, người Việt truyền thống đã điều hòa luật pháp của nhà nước (triều đình) bằng Hương ước, bằng tục lệ của làng để có cuộc sống phong lưu, thoải mái và tự tại hơn. Tục “phép vua thua lệ làng” xưa và nay, không có nghĩa là coi thường kỷ cương, phép nước mà phép nước ấy, luật pháp ấy cần phải uyển chuyển, linh hoạt và phù hợp với tâm lý, lối sống của con người. Có như vậy, luật pháp ấy, chủ trương ấy mới đi vào cuộc sống một cách dễ dàng, khả thi hơn, bằng không, nó sẽ gặp phải sự kháng cự mãnh liệt, rốt cục, sẽ trở thành không khả thi, không đi được vào đời sống xã hội và người dân.

Thiết nghĩ, truyền thống duy tình/trọng tình của người Việt vẫn có những mặt tích cực của nó trong mọi mối quan hệ xã hội, dù xã hội phải vận hành theo hướng duy lý, song vẫn rất cần xem xét đến yếu tố tình cảm để con người và xã hội không trở thành một cỗ máy biết nói, biết tư duy. Và duy “Tình”, duy “Tâm” sẽ là nhân tố cơ bản đánh thức thế giới nội tâm, thế giới vô thức trong mỗi con người để họ không trở nên vô cảm trước tha nhân (cả giới tự nhiên và cuộc sống cộng đồng), không đánh mất nhân tính.

Năm là, trong lịch sử, người Việt vốn rất gắn bó với thiên nhiên, yêu quý, tôn trọng thiên nhiên. Triết lý sống “hài hòa” với giới tự nhiên khiến người Việt trở nên gần gũi, thích nghi với sự biến thiên thất thường của thiên nhiên và duy trì nền nông nghiệp lúa nước khá thịnh vượng, phát triển. Khi người Việt đã biết thích ứng với tự nhiên, chinh phục, cải tạo đến một mức độ nhất định đối với tự nhiên, người Việt trở nên kiên cường hơn, tính cách linh hoạt, lối sống năng động hơn trước những biến đổi của thiên nhiên, biết khắc phục và kìm hãm thiên tai, lựa theo tự nhiên mà sản xuất và mưu sống. 

Lối sống hài hòa với giới tự nhiên cũng tạo cho người Việt truyền thống những đức tính ôn hòa, nhã nhặn, khiêm nhường. Dân tộc Việt được xem là một dân tộc biết lấy khiêm nhu làm hậu thuẫn, thắng mà không kiêu căng, đó là nghệ thuật ôn nhu khôn khéo của nước nhỏ đối với nước lớn, biết làm chiến thuật Tâm công (đánh vào lòng người, không chiến trận mà địch vẫn thua). Lối sống ấy khiến cho cha ông chúng ta qua các triều đại đều rất coi trọng chữ “Hòa” trong kế sách trị quốc và ngoại giao. Trong ba yếu tố Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa,đạo trị quốc, trước hết, phải lấy việc Nhân hòa làm đầu, dân là gốc của nước, có dân tâm, sĩ khí, ắt thay đổi được thời cuộc.

Tất cả những giá trị tích cực trong nhân sinh quan truyền thống của người Việt, cho đến nay, vẫn là những giá trị chung của cộng đồng, làm nên cái gọi là bản sắc văn hóa của dân tộc Việt, người Việt.

Người Việt hiện nay không bằng lòng với cái nghèo, với sự thanh nhàn, an phận, không tự thỏa mãn với lối sống hữu danh vô thực, họ bắt đầu chú trọng đến lợi ích vật chất, biết vươn lên làm giàu, đề cao tính cá nhân, sự tự do,…Hiện nay, từ cách thức lao động sản xuất, cách thức tư duy, cách thức ứng xử, hưởng thụ, thỏa mãn nhu cầu sống của người Việt đã ít nhiều khác xa các thế hệ cha ông ngày trước. Trong đời sống hiện tại, người Việt đang cố gắng khắc phục những biểu hiện của nếp sống cũ: tác phong lề mề, thủ công, trì trệ, làm ăn nhỏ, manh mún,… xây dựng các giá trị mới như trọng lý, trọng khoa học, trọng hiệu quả, đề cao tự do cá nhân (đặc biệt rõ nét trong lối sống của tầng lớp thanh niên thành thị, trí thức, doanh nhân).

Nhân sinh quan mới của con người Việt Nam hiện nay không chỉ là sự kế thừa và phát huy nhân sinh quan truyền thống. Dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, đã hình thành nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, sự tồn tại của chúng trong lối sống hiện đại thể hiện tính liên tục của nhân sinh quan và bản sắc văn hóa của con người Việt Nam. Hơn nữa, trong lối sống của con người Việt Nam mà chúng ta xây dựng để đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập phải là: dân tộc, hiện đại, văn minh. Để làm được điều đó, chúng ta phải biết khơi dậy và phát huy hiệu quả những giá trị tích cực của nhân sinh quan truyền thống như: truyền thống hiếu học, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, trọng tình trọng nghĩa, lối sống cần cù, tiết kiệm,…

2. Một số hạn chế trong nhân sinh quan truyền thống người Việt

Nhân sinh quan truyền thống đã ảnh hưởng đến người Việt, trao truyền cô đọng trong mạch ngầm tư tưởng của chúng ta, thể hiện ra qua nếp sống, qua lối ứng xử, tạo thành cốt cách của người Việt. Nó tồn tại dưới dạng những thói quen, tập quán, những nếp suy nghĩ, những lề thói làm ăn, những cách đối nhân xử thế,… Trong bối cảnh hiện nay, một số triết lý nhân sinh bộc lộ những hạn chế, tính lỗi thời, lạc hậu, trở thành những lực cản, sức ỳ khá nặng nề cho bước phát triển của xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Vì vậy, cuộc đấu tranh để cải tạo, khắc phục và xóa bỏ những mặt hạn chế trong nhân sinh quan của người Việt là yêu cầu quan trọng và cấp bách của quá trình phát triển đất nước.

Truyền thống hiếu học là một đặc trưng của người Việt, là một đức tính tốt của người Việt vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Tuy nhiên, mặt trái của hiếu học là hiếu danh, trọng danh. Đi liền với tính trọng danh là thói háo danh, mua danh: được thể hiện rõ qua nạn bằng giả, bằng thật học giả trong xã hội ta hiện nay mà các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu ra. Trong một xã hội mà sự thăng tiến của mỗi cá nhân gắn liền với độ cao tăng dần của bằng cấp thì “cuộc đua” để có được bằng nọ, chứng chỉ kia là điều tất yếu. Nhiều người giỏi, tài thực sự, nhưng vì không có đủ bằng cấp mà chấp nhận thua thiệt, không đạt được vị trí xứng đáng, không được mọi người thừa nhận. Một số người không học được để lấy bằng thật thì tất yếu phải mua bằng giả. Học để lấy bằng cấp đã trở thành gánh nặng công danh chứ không còn là nhu cầu tri thức.

Hơn nữa, vì chịu ảnh hưởng bởi thứ triết lý nhân sinh “học để làm quan” (với những chuẩn mực về sự dùi mài kinh sử để vượt qua các kỳ thi, đảm bảo cho mình một địa vị xã hội, để hưởng vinh hoa phú quý), nên người Việt học hành thường không đến nơi đến chốn. Ngày nay, vào các thư viện trong các trường đại học hay các thư viện lớn ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy số người đến đọc sách, học tập, nghiên cứu không ít, nhưng theo các cuộc điều tra xã hội học đều cho thấy, số người đến thư viện đọc sách, học tập, nghiên cứu vì say mê khoa học không nhiều, mà họ đến đó đọc sách hay học tập để thi, để hoàn thành một chứng chỉ, hay làm xong một việc nhất định nào đó rồi bỏ đấy. Do đó, khi học tập, nghiên cứu, người Việt nặng về giáo điều, sao chép và thuộc lòng các lý thuyết sẵn có. Với lối học “tầm chương” đó đã trói buộc những sáng kiến của con người, kìm hãm lối suy tư phản biện, dẫn đến thiếu tự tin, không dám vượt bỏ quá khứ.  

Bên cạnh đó, triết lý sống trọng tình nghĩa, duy tình, duy cảm của người Việt lại dẫn đến lối sống dung hòa, xu thời, cam chịu, du di, xuề xòa, nhút nhát, tùy tiện, thiếu triệt để, ý thức pháp luật chưa cao – đây chính là nhược điểm đáng kể đối với việc xây dựng nhân sinh quan mới và tác phong công nghiệp gắn với tư duy duy lý trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Lối sống thiếu triệt để của người Việt bắt nguồn từ triết lý sống duy tình, duy cảm đã góp phần hình thành lối làm ăn tùy tiện, manh mún, không biết lo xa, hạch toán, thiếu khả năng lao động liên kết, thiếu đầu óc tính toán trong kinh doanh, sản xuất, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thiển cận, thực dụng, tính tổ chức, kỷ luật kém,… Lối tư duy và lối sống đó cũng đã hình thành phương thức “ăn xổi, ở thì”, đề cao những lợi ích thiết thực ngay trước mắt chứ ít chú tâm đến những lợi ích chiến lược, lâu dài hay phải làm những gì to tát, lâu bền.

Lối sống du di, xuề xòa của người Việt truyền thống đã tác động không nhỏ đến cuộc sống lao động sản xuất của họ. Với Việt Nam, sản xuất nông nghiệp là sản xuất theo thời vụ (do thời tiết có hai mùa nóng lạnh khác biệt, buộc con người phải sản xuất theo), đã dẫn tới hình thành hiện tượng ngày mùa thì vất vả, đầu tắt mặt tối, còn tháng ba ngày tám thì có nhiều thời gian nghỉ ngơi/nhàn rỗi/nông nhàn. Ở một số vùng có nghề phụ (nghề thủ công), người nông dân dùng thời gian nông nhàn tham gia sản xuất vào các ngành nghề phụ, còn vùng không có nghề thủ công thì người dân coi như rỗi rãi hàng tháng. Do rỗi rãi, không có việc làm thúc giục, đã hình thành ở người Việt tác phong khoan thai, chậm chạp, không tiếc thời gian: “Đi đâu mà vội mà vàng/Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây/Thủng thẳng như chúng anh đây/Chẳng đá nào vấp chẳng dây nào quàng”.Tâm thế quen không tuân thủ chặt chẽ yếu tố thời gian trong lao động sản xuất sẽ là một trở ngại lớn khi người Việt tiếp hợp vào xã hội công nghiệp – cuộc sống đòi hỏi phải khẩn trương, nhanh chóng, kịp thời thì người Việt vẫn mang theo hành trang của nếp sống “giờ cao su”.

Tư duy nặng về kinh nghiệm (Trăm hay không bằng tay quen) đã tạo nên lối sống gia trưởng, lão quyền (người cao tuổi được coi là người có nhiều kinh nghiệm sống hơn cả), dẫn đến tư tưởng “trọng trưởng khinh ấu” của người Việt. Với cách nghĩ và cách làm theo kinh nghiệm thì hoạt động của con người thường hướng về quá khứ, bảo thủ, trì trệ, ngại đổi mới, thường tìm cách phủ nhận năng lực của người đi sau (mặc dù trong thâm tâm biết rằng họ hơn mình).

Và cũng do ảnh hưởng của thứ văn hóa coi trọng tinh thần, khinh chê vật chất (vì cho nó là tầm thường, hạ đẳng) nên người Việt cũng hình thành thói hư danh, ảo tưởng, sĩ diện. Người Việt thường dấu cái nghèo, cái khổ “Tốt danh hơn lành áo; Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp; Một quan tiền công không bằng một đồng tiền thưởng; Ở đời muôn sự của chung/Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi”, không mấy khi người Việt thú thật nỗi cực nhọc, vất vả đã từng phải chịu đựng, dẫn đến kiêu căng.

Ý thức cộng đồng, tính gắn kết, cố kết cộng đồng là một trong những đặc điểm truyền thống nổi bật của người Việt Nam. Song, mặt trái của tính cộng đồng dẫn tới tính cục bộ, kéo bè kéo cánh, ê kíp – đây cũng là một trong những hạn chế khiến người Việt rất khó hòa nhập được với nền kinh tế toàn cầu hóa vì nếu tham gia vào quá trình kinh tế toàn cầu với một đầu óc cục bộ, vì lợi ích của cá nhân, đơn vị, địa phương thì chính người Việt lại tự hại mình và hại lẫn nhau.

Tình trạng níu kéo nhau, không muốn cho người khác hơn mình “Khôn độc không bằng ngốc đàn”, thói ghen ghét, đố kỵ khi thấy người khác hơn mình, tài năng và thành đạt hơn mình,… khiến cho người Việt không tạo ra được một sự hiệp thông thống nhất, dẫn đến việc một người làm thì tốt, ba người làm thì tồi, bảy người làm thì hỏng.

 Như chúng ta đều biết, ý tưởng về sự hòa hợp với thiên nhiên đã trang bị cho người Việt một sự nhận thức về tự nhiên, biết nắm lấy cái bản thể cốt lõi của thiên nhiên mà hành động cho phù hợp với cuộc sống mưu sinh của mình. Người Việt đã vận dụng những tri thức về tự nhiên đó để biết thích ứng với tự nhiên, chinh phục, cải tạo tự nhiên, biết khắc phục và kìm hãm thiên tai,… Song, chính bởi sự gắn bó, thân thiện, hòa mình với thiên nhiên, với trời đất, dẫn đến chỗ người Việt hình thành lối sống lệ thuộc, trông chờ, ỷ lại vào thiên nhiên ưu đãi, nên dễ sinh ra lười biếng lao động và giản lược hóa một cách thực dụng trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách tùy ý, thiếu tôn trọng sự toàn vẹn, tuần hoàn của thiên nhiên, thiếu ý thức trong việc vừa khai thác vừa tái tạo lại nó, dường như trong suốt quá trình sống của mình, người Việt đã quay lưng lại với môi trường sống tự nhiên của chính mình.

Lối sống phụ thuộc vào tự nhiên, trong khi đó tự nhiên, thời tiết thì lại luôn thất thường, đỏng đảnh. Đối diện với sự biến thiên đó, đáng lẽ phải biết tìm cách làm chủ và tự do trước thiên nhiên, thì người Việt lại quá lệ thuộc vào “Trời”, nên trong quá trình sống hay lao động sản xuất, người Việt thường tin vào số phận, may rủi, trông chờ vào thiên nhiên, dẫn đến dễ chán nản, chùn bước khi gặp phải khó khăn. 

Lối lao động, sản xuất chỉ biết dựa trên tri thức kinh nghiệm về thời tiết, về trông mong ở trời đất của người Việt truyền thống khiến cho người Việt hiện nay thiếu ý thức nghiên cứu khoa học trong sản xuất.

Những điểm hạn chế của người Việt đã từngđược người phương Tây nhận xét khi đến giao thương và truyền giáo. Vào thế kỷ XVII, người Anh đã nhận xét: “Một dân chúng hay nài xin quấy rầy vào bậc nhất thế giới. Muốn gặp phải có quà. Tục lệ của xứ này là không đến viếng thăm tay không. Tay không thì giàu nghèo gì đi chăng nữa cũng chẳng đến được bất kỳ bậc quan trên nào. Hàng hóa muốn gì lấy nấy, không trả tiền. Hàng hóa muốn định giá thế nào tùy ý. Trả tiền chậm, khó khăn”4.

Hai tác giả người Pháp là Pier Huard và Maurice Durand nhận xét về hạn chế của tư duy người Việt và giá trị tinh thần của người Việt cổ truyền: “… thiếu công cụ tư duy (từ vựng chính xác, từ vựng kỹ thuật) và các khung ngôn ngữ cần thiết để trình bày các sự việc một cách chính xác, tính thời gian bằng kinh nghiệm, thói quen nói ngược ý, sự thiếu vắng các biểu hiện trìu mến”5.

Nhà nghiên cứu Phan Kế Bính đã chỉ ra những hạn chế trong lối sống, ảnh hưởng từ nhân sinh quan truyền thống của người Việt bao gồm: “tính hồ đồ, ngờ vực, nhút nhát, lười biếng, ghen ghét, khoe khoang, hợm hĩnh, khép nép, câu nệ, sợ đầu sợ đuôi, nghĩ quanh nghĩ quẩn, ham cờ bạc rượu chè, thích sự quấy rầy ăn uống, gió chiều nào che chiều ấy, gian giảo, kiêu ngạo, tham lam, thô tục, hay xóc móc, hay kiện cáo, hay tranh giành, hay nịnh hót người quyền thế, khinh bỉ người hiền lành, hay sinh sự, hay thù hằn, ăn trộm, ăn cướp, anh hùng rơm, vong ân bội nghĩa, phản bạn lừa thầy,…”6.

Tác giả Trần Trọng Kim cũng nêu những thói xấu của người Việt: “…tinh vặt, quỷ quyệt, bài bác, nhạo chế. Tâm địa thì nông nổi, làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang, ưa trang hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Tin ma quỷ, không nhiệt tín tôn giáo nào cả, kiêu ngạo, nói khoác”7.

Đào Duy Anh khi nói về những thói xấu của người Việt cho rằng: “… chậm chạp, nông nổi, không bền chí, hay thất vọng, hay khoe khoang, trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh, thích chơi cờ bạc, nhút nhát, tinh vặt, bài bác chế nhạo”8.

Tháng 11/2007, tòa soạn Tia Sáng đã tổ chức một cuộc tọa đàm về tính cách người Việt, với sự tham dự của một số nhà nghiên cứu, nhà khoa học, văn nghệ sĩ là cộng tác viên của Tạp chí như: Giáo sư Hoàng Tụy, nhà thơ Lê Đạt, nhà văn Nguyên Ngọc, các nhà khoa học, nhà giáo Trần Ngọc Vương, Đỗ Lai Thúy, Phạm Duy Hiển, Phạm Duy Nghĩa, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Quang A,… Theo GS. Hoàng Tụy, qua kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, ông đã nhận thấy một số đặc điểm có tính hạn chế chung của nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam: thiếu khả năng đào sâu trong tư duy, thiếu đầu óc tưởng tượng, thiếu khả năng kiên trì, đi đến cùng trong những tham vọng đạt đến bằng được những thành tựu đỉnh cao – Đó cũng chính là những hạn chế trong tính cách của người Việt nói chung. Từ góc nhìn khác, nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy cho rằng, ẩn sâu trong tâm lý của dân tộc Việt có một thứ tâm lý nguy hiểm của người Việt là tự ảo tưởng về chính mình và khả năng thành công của chính mình. Tâm lý đó thể hiện qua những câu chuyện về những ông Trạng chân đất, những ông Trạng Lợn, Xiển Bột,…

Có tác giả đã nêu lên 10 đặc điểm cơ bản của người Việt Nam (cả ưu điểm và nhược điểm) như sau: Cần cù lao động song dễ thỏa mãn nên tâm lý hưởng thụ còn nặng; Thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động; Khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm); Vừa thực tế, vừa mơ mộng, song lại không có ý thức nâng lên thành lý luận; Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học “đến đầu đến đuôi” nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tự thân của mỗi người Việt Nam (nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện, vì kiếm công ăn việc làm, ít vì chí khí, đam mê); Xởi lởi, chiều khách, song không bền; Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, thích hơn đời); Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn. Còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện; Yêu hòa bình, nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu chiến, hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cục; Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (cùng một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng)9.

Những kết quả nghiên cứu nêu trên khiến chúng ta phải nhìn lại mình, nhất là trong điều kiện hiện nay, nhận thức lại chính mình là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp đổi mới, nhận thức những hạn chế của mình để tìm cách khắc phục, vượt qua, phá bỏ những rào cản, những trở lực, những sức ỳ khá nặng nề cho bước đi lên của đất nước.

Lựa chọn những gì trong nhân sinh quan truyền thống giúp hình thành lối sống, nếp sống mới cho người Việt đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập cần một quá trình và sự sáng suốt không chỉ của một cá nhân, một nhóm xã hội mà của cả cộng đồng. Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực và phát huy những giá trị tích cực của nhân sinh quan truyền thống trong việc hình thành lối sống mới cho người Việt, thiết nghĩ, cần phải có một hệ thống các nhóm giải pháp phù hợp, thực tế và mang tính khả thi.

Tài liệu tham khảo

  1. Đào Duy Anh (1998), Việt Nam văn hóa sử cương,tái bản, Nxb. Đồng Tháp.
  2. Phan Kế Bính (2005), Việt Nam phong tục, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  3.    Nguyễn Trọng Chuẩn, Phạm Văn Đức và Hồ Sĩ Quý (Đồng chủ biên) (2001), Tìm hiểu giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  4.    Nguyễn Trọng Chuẩn, Nguyễn Văn Huyên (Đồng chủ biên) (2002), Giá trị truyền thống trước những thách thức của toàn cầu hóa, Nxb.Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  5.    Nguyễn Tấn Đắc (2005), Văn hóa Đông Nam Á, Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
  6.   Trần Văn Giàu (1980), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  7.   Trần Trọng Kim (2008), Việt Nam sử lược, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
  8.    Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang (Chủ biên) (1994), Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay, Chương trình Khoa học Công nghệ cấpNhà nước KX.07, Đề tài KX07-02, Tập 1 và Tập 2, Hà Nội.
  9.    Nhiều tác giả (2008), Người Việt:  phẩm chất và thói hư – tật xấu, Nxb. Thanh niên, Hà Nội.
  10. Theo Võ Văn Thắng (2005), “Kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong việc xây dựng lối sống ở Việt Nam hiện nay”, Luận án Tiến sĩ Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ ChíMinh, Hà Nội……………………………………..

………………………….

1Trần Văn Giàu (1980), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, Tr. 165.

2Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb.Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tr.63.

3Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Tập 6, Nxb.Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tr.171.

4Nguyễn Tấn Đắc (2005), Văn hóaĐông Nam Á,Nxb.Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh, Tr.260.

5Pier Huard và Maurice Durand (1993), Hiểu biết về Việt Nam,Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, Tr. 135.

6Phan Kế Bính (2005), Việt Nam phong tục, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, Tr. 418.

7Trần Trọng Kim (2008), Việt Nam sử lược, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, Tr. 18.

8Đào Duy Anh (1998), Việt Nam văn hóa sử cương,tái bản, Nxb. Đồng Tháp, Tr. 25.

9Nguyễn Tấn Đắc (2005), Sđd, Tr. 293.

Nguồn: Văn Hóa Nghệ An