Tổ chức Ân xá Quốc tế: Việt Nam phải rút lại, sửa đổi Nghị định 147
Một người dùng TikTok ở Hà Nội, ngày 6/10/2023.
Tổ chức Ân xá Quốc tế vừa kêu gọi chính quyền Việt Nam thu hồi và sửa đổi Nghị định 147 có nội dung yêu cầu người dùng mạng xã hội tại quốc gia cộng sản này phải xác thực bằng số điện thoại hoặc giấy tờ tùy thân.
Ân xá Quốc tế, tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Anh, cảnh báo rằng nghị định này “đe dọa quyền tự do ngôn luận và khuyến khích việc tự kiểm duyệt”, trong khi chính phủ Việt Nam cho rằng văn bản pháp luật này nhằm đảm bảo “an ninh quốc gia”.
Không chỉ yêu cầu người dùng mạng xã hội phải xác thực trên tất cả các nền tảng, Nghị định 147 cũng đòi hỏi các doanh nghiệp viễn thông phải ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ bị xem là bất hợp pháp trong vòng 24 giờ.
Cụ thể, các nhà mạng xã hội phải cung cấp thông tin chi tiết về người dùng Việt Nam cho Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an, cũng như gỡ bỏ nội dung theo yêu cầu của các bộ này.
“Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận trên mạng”, Tổ chức Ân xá Quốc tế nêu ý kiến trong các bài đăng trên trang X và Faceboook hôm 24/12. “Nhà chức trách phải thu hồi và sửa đổi Nghị định 147 mới này, nhắm vào người dùng mạng xã hội và sẽ có hiệu lực vào ngày 25/12”.
Nghị định gây tranh cãi này được ban hành vào ngày 9/11/2024, theo đó người dùng mạng xã hội phải cung cấp thông tin cá nhân cơ bản gồm họ tên, ngày sinh, số điện thoại di động tại Việt Nam hoặc ID (nếu không có số điện thoại). Mạng xã hội phải thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân đã đăng ký.
Ngoài ra, nghị định yêu cầu rằng chỉ các tài khoản mạng xã hội đã được xác thực mới được cung cấp thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Theo các nhóm nhân quyền, nghị định này khiến Việt Nam tiến gần đến mô hình kiểm duyệt của Trung Quốc và áp đặt các hạn chế chơi game đối với trẻ vị thành niên.
Nghị định 147 cũng đưa ra quy định mới về cấp phép và quản lý trang thông tin điện tử, theo đó trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội trong nước phải được cấp phép.
Hôm 10/12, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi chính phủ Việt Nam bãi bỏ nghị định mới “hà khắc” này vì cho rằng nghị định có nội dung gây hại tới quyền tiếp cận thông tin và quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam.
“Nghị định 147 mới ban hành và các điều luật an ninh mạng khác của Việt Nam chẳng bảo vệ được người dân trước các mối lo về an ninh mạng đúng nghĩa mà cũng chẳng thể hiện sự tôn trọng các quyền cơ bản của con người”, bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói trong thông cáo.
“Vì công an Việt Nam coi bất cứ ý kiến phê phán nào đối với Đảng Cộng sản Việt Nam là một vấn đề an ninh quốc gia, nên nghị định này sẽ tạo thêm cho họ một công cụ nữa để đàn áp bất đồng chính kiến”.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về các phát biểu trên của Ân xá Quốc tế và Theo dõi Nhân quyền, nhưng chưa được trả lời.
Truyền thông trong nước ca ngợi rằng nghị định 147 là “bước tiến” trong quản lý không gian mạng và bảo vệ người dùng, giúp nâng cao ý thức và trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội.
Hôm 25/12, hãng tin AFP dẫn lời một số nhà phê bình cho rằng Nghị định 147 sẽ khiến các nhà bất đồng chính kiến ẩn danh bị bắt giữ.
Nhà hoạt động Đặng Thị Huệ, người viết về các vấn đề chính trị và xã hội, nói: “Nghị định 147 sẽ được sử dụng để đàn áp công khai những người có quan điểm khác nhau”.
Cựu tù nhân chính trị Lê Anh Hùng nhận định rằng nghị định này là “dấu hiệu mới nhất về sự xâm phạm các quyền tự do cơ bản… với ranh giới mơ hồ giữa điều gì hợp pháp và điều gì không hợp pháp”.
“Không ai muốn vào tù. Vì vậy, tất nhiên, một số nhà hoạt động sẽ thận trọng hơn và e ngại nghị định này”, cựu tù nhân Lê Anh Hùng ở Hà Nội nhận định.
“Nhiều người hoạt động âm thầm nhưng hiệu quả trong việc thúc đẩy các giá trị nhân quyền phổ quát”, blogger và nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Hoàng Vi ở thành phố Hồ Chí Minh nói với AFP.
Nữ blogger này cho rằng nghị định mới có thể khuyến khích việc tự kiểm duyệt, khiến mọi người tránh bày tỏ quan điểm bất đồng để bảo vệ sự an toàn của họ, điều mà theo bà “sẽ gây hại cho sự phát triển tổng thể của các giá trị dân chủ” ở Việt Nam.
Theo hồ sơ của Tổ chức Ân xá Quốc tế, ít nhất 45 người, bao gồm cả các nhà báo và người bảo vệ nhân quyền, đã bị bắt vì các bài đăng trên mạng xã hội của họ kể từ tháng 4/2023 đến nay.
VOA (27.12.2024)
Nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng đến Mỹ tị nạn chính trị
Bà Hoàng Thị Minh Hồng cùng con trai và chồng chụp ảnh cùng nhau khi đến Mỹ hôm 24/12/2024 Hoàng Thị Minh Hồng cung cấp
Nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng, người được trả tự do trước thời hạn ngay trước chuyến đi Mỹ của Tổng bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm hồi tháng 9, vừa tới Hoa Kỳ theo diện tị nạn chính trị.
Bà Hồng xác nhận với phóng viên RFA thông tin trên và cho biết bà cùng chồng và con trai rời sân bay Tân Sơn Nhất, quá cảnh ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và đến sân bay quốc tế Dulles ở tiểu bang Virginia vào trưa ngày 24/12/2024 (theo giờ miền Đông Hoa Kỳ). Nói về lý do phải đi tị nạn chính trị, bà nói với phóng viên RFA hôm 26/12:
“Tôi mong muốn tiếp tục các công việc môi trường, khí hậu của tôi, và ở Việt Nam tôi thấy rất khó để có thể thực hiện những dự định của mình. Tôi chọn đi Mỹ để vẫn có thể làm những việc mình yêu thích và có thể có những đóng góp tích cực cho xã hội, nhưng ở một nơi an toàn hơn, và có nhiều cơ hội và sự hỗ trợ hơn.”
Bà Hồng là sáng lập viên và giám đốc của Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE), bị bắt ngày 31/5/2023 vì bị cho là chỉ đạo nhân viên không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không thực hiện đầy đủ thủ tục về kế toán, hóa đơn, chứng từ cho khoản thu 69 tỷ đồng từ khoản tài trợ của các tổ chức nước ngoài… và trốn thuế với số tiền 6,7 tỷ đồng.
Trong phiên toà ngày 28/9/2023, Toà án Nhân dân TPHCM đã tuyên mức án ba năm tù giam cùng hình phạt bổ sung 100 triệu đồng đối với bà Hồng.
Bà cho biết có nhận tội và gia đình đã khắc phục hết số tiền theo yêu cầu của toà án.
Bà được Chủ tịch nước ra quyết định đặc xá vào ngày 20/9, sớm 20 tháng so với bản án, cùng thời điểm với ông Trần Huỳnh Duy Thức bị “cưỡng bức đặc xá” từ Trại giam số 6.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam với đề nghị bình luận về trường hợp bà Hồng đi tị nạn chính trị, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Bà Hồng, năm nay 52 tuổi, từng được truyền thông Nhà nước tôn vinh khi vào năm 2015 bà được tổ chức climateheroes.org đưa vào danh sách “Các anh hùng Khí hậu” nhân Hội nghị Liên Hiệp quốc về Biến đổi Khí hậu COP21.
Chính phủ Việt Nam hứng chịu nhiều chỉ trích từ quốc tế sau khi bắt giam bà Hồng cùng năm nhà hoạt động khí hậu khác trong các tổ chức phi chính phủ có đăng ký hợp pháp với Nhà nước là Đặng Đình Bách, Bạch Hồng Dương, Mai Phan Lợi, Nguỵ Thị Khanh và Ngô Thị Tố Nhiên. Hiện chỉ còn ông Bách và bà Nhiên đang phải thi hành án tù.
RFA (26.12.2024)
Đăng bài mạng xã hội phải xác thực số điện thoại: không gian biểu đạt bị bóp nghẹt?
Nguồn hình ảnh,Getty Images/BBC Theo Nghị định 147, người dùng mạng xã hội phải cung cấp thông tin cá nhân cơ bản, gồm họ tên, ngày sinh, số điện thoại di động hoặc mã định danh cá nhân.
Một nghị định mới mở rộng quyền kiểm soát của chính phủ Việt Nam trên không gian mạng làm dấy lên lo ngại về quyền tiếp cận thông tin và tự do biểu đạt.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng có hiệu lực từ ngày hôm nay 25/12.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Right Watch – HRW) cho rằng nghị định này hạn chế quyền tiếp cận thông tin và tự do ngôn luận ở Việt Nam.
Theo bài viết của AFP do báo The Guardian đăng tải lại vào ngày 23/12, một số nhà phê bình cũng có đánh giá tương tự – Nghị định 147 hạn chế tự do biểu đạt.
Theo Nghị định 147, người dùng mạng xã hội phải cung cấp thông tin cá nhân cơ bản, gồm họ tên, ngày sinh, số điện thoại di động hoặc mã định danh cá nhân (nếu không có số điện thoại)… Dựa vào đó, những nền tảng mạng xã hội sẽ xác thực thông tin người dùng. Chỉ những tài khoản đã được xác thực mới được cung cấp và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Điều 23 của nghị định này nêu rằng “những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam có sử dụng dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có tổng số lượt truy cập từ Việt Nam (total visits) thường xuyên trong 01 tháng (số liệu thống kê trung bình trong thời gian 06 tháng liên tục) từ 100.000 lượt trở lên” phải cung cấp lưu trữ thông tin của người dùng và cung cấp thông tin này cho Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Bộ Công an khi được yêu cầu bằng văn bản.
Những nền tảng này cũng phải tạm khóa, gỡ bỏ thông tin vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân không quá 24 giờ khi nhận được yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 147 vào đầu tháng 11 nhằm bảo vệ “an ninh quốc gia”, “trật tự an toàn xã hội”… – những điều mà HRW đánh giá là mơ hồ.
Báo Lao Động trích lời ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, nói rằng các quy định mới của Nghị định 147 sẽ giải quyết được tình trạng “vô danh nên vô trách nhiệm”.
Việc này được cho là sẽ ảnh hưởng tới tính ẩn danh trực tuyến.
Trong báo cáo năm 2024, Freedom House, một tổ chức phi chính phủ ở Mỹ, liệt kê Việt Nam là quốc gia không có tự do internet với 22/100 điểm.
Nghị định ‘tai hại’
HRW đã có bài viết kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ Nghị định 147 với nhan đề “Hãy hủy bỏ các điều luật tai hại về mạng internet”.
Lý do chính khiến tổ chức này chỉ trích Nghị định 147 là sự mơ hồ của những thuật ngữ như “an ninh quốc gia,” “trật tự xã hội,” và ngăn ngừa vi phạm “đạo đức, thuần phong mỹ tục”. Theo họ, chính quyền Việt Nam liên tục sử dụng những mục đích kiểu này để đàn áp bất đồng chính kiến.
Bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc châu Á của HRW, phát biểu trong bài viết:
“Nghị định 147 mới và các luật an ninh mạng khác của Việt Nam không bảo vệ công chúng khỏi bất kỳ mối lo ngại an ninh thực sự nào cũng như không tôn trọng các quyền con người cơ bản.”
“Do công an Việt Nam coi bất kỳ lời chỉ trích nào đối với Đảng Cộng sản Việt Nam là một vấn đề an ninh quốc gia, nghị định này sẽ cung cấp cho họ thêm một công cụ để đàn áp bất đồng chính kiến.”
Theo AFP, một số nhà phê bình cho rằng Nghị định 147 sẽ khiến các nhà bất đồng chính kiến ẩn danh bị bắt giữ.
“Nhiều người hoạt động âm thầm nhưng hiệu quả trong việc thúc đẩy các giá trị nhân quyền phổ quát,” blogger và nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Hoàng Vi nói với AFP.
Theo bà Vi, nghị định mới có thể khuyến khích việc tự kiểm duyệt, khiến mọi người tránh bày tỏ quan điểm bất đồng để bảo vệ an toàn của họ, điều mà theo bà “sẽ gây hại cho sự phát triển tổng thể của các giá trị dân chủ” ở Việt Nam.
Mới đây, ông Đường Văn Thái đã lĩnh án 12 năm tù, ba năm quản chế về tội tuyên truyền chống nhà nước mà bằng chứng chống lại ông là các video phát trên mạng xã hội.
Trước đó, ông Trương Huy San, tức nhà báo Huy Đức, đã bị khởi tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, với bằng chứng bao gồm các bài viết trên mạng xã hội.
Chụp lại hình ảnh,Nhà báo Huy Đức là tác giả bộ sách Bên thắng cuộc
Vấn đề quản lý dữ liệu
Đi đôi với thu thập dữ liệu là phương thức để bảo vệ chúng, đặc biệt là những thông tin quan trọng, nhạy cảm như họ tên, ngày sinh, mã định danh cá nhân… mà Nghị định 147 yêu cầu người dân cung cấp.
Liên quan tới điều này, báo Lao Động trích lời ông Nguyễn Hữu Trung, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần an ninh mạng Cystack, như sau:
“Vấn đề đặt ra là ai sẽ là người nắm trong tay các thông tin xác thực dữ liệu liên quan đến danh tính người dùng, bởi sẽ có bên lưu trữ dữ liệu (mạng xã hội), bên sử dụng dữ liệu, bên xử lý dữ liệu. Dữ liệu khi bị mất mát, bị rò rỉ hay sửa đổi có thể do các bên. Vậy thì việc áp dụng các quy định về pháp luật cần áp dụng cho tất cả các bên.”
Theo ông Trung, trong khi Nghị định 147 giúp đảm bảo pháp luật thống nhất giữa không gian thật và ảo, vẫn còn những rủi ro đi kèm, ví dụ như việc tấn công, hoặc mua lại, tài khoản đã xác thực, cũng như việc sử dụng số điện thoại đã đăng ký dưới tên người khác để “vượt qua” bước xác thực. Ông cho rằng hiện nay các dịch vụ cho thuê số điện thoại ngắn hạn dùng cho mục đích nhận tin nhắn xác thực tài khoản cũng đang rất phổ biến.
Ở Việt Nam, chất lượng bảo vệ dữ liệu vẫn còn nhiều bất cập.
Một bài viết hồi tháng Bảy trên báo An ninh Thủ đô nêu rằng nguy cơ lộ lọt dữ liệu nhạy cảm trên không gian mạng ngày càng cao.
Báo này dẫn lời ông Nguyễn Lê Thành, Phó Tổng Giám đốc Công nghệ thông tin VNG, rằng hầu hết các chiến lược bảo vệ dữ liệu hiện tại đều thất bại. Ông Thành khẳng định không có hệ thống nào là an toàn 100% và đều có thể bị tấn công.
Theo Báo cáo Chỉ số Sẵn sàng An ninh mạng 2024 phát hành vào tháng 3/2024 của Cisco, tập đoàn đa quốc gia của Mỹ về công nghệ truyền thông kỹ thuật, chỉ có 6% các tổ chức và doanh nghiệp ở Việt Nam được xếp vào nhóm “Trưởng thành” – nhóm “sẵn sàng để giải quyết các loại rủi ro về an ninh mạng hiện hữu”.
Cuối tháng 11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Dữ liệu do Bộ Công an xây dựng. Luật này được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động về dữ liệu tại Việt Nam.
Trong đó, Khoản 24, Điều 3 định nghĩa dữ liệu quan trọng là “dữ liệu trong lĩnh vực, nhóm, khu vực có thể gây nguy hiểm trực tiếp đến an ninh quốc gia, hoạt động kinh tế, ổn định xã hội, sức khỏe và an toàn cộng đồng khi bị rò rỉ, giả mạo hoặc phá hủy”.
Những “dữ liệu được phân loại là dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng cần được cung cấp, chuyển giao bên ngoài biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải được cơ quan có thẩm quyền đánh giá và chấp thuận”, theo khoản 2, Điều 22.
Liên quan về luật này, một bức thư có chữ ký của 14 tổ chức thương mại lớn nêu lo ngại rằng các khái niệm về “dữ liệu quan trọng” và “dữ liệu cốt lõi” được định nghĩa quá rộng và không rõ ràng.
Trong bức thư, những tổ chức này bày tỏ sự quan ngại cực kỳ lớn tới quyền thu giữ dữ liệu quá rộng của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội đối với khu vực tư nhân mà không có thủ tục tố tụng rõ ràng.
Họ cho rằng các điều khoản buộc các tổ chức, cá nhân phải cung cấp dữ liệu cho nhà nước khi được yêu cầu trong trường hợp đặc biệt là chưa thực sự rõ ràng khi mà các định nghĩa về “trường hợp đặc biệt” và “lợi ích công cộng” còn khá chung chung.
BBC (26.12.2024)
Các tín đồ PGHH Thuần tuý bị ngăn cản tập trung kỷ niệm 105 năm Đản sanh của Đức Huỳnh Giáo chủ
Một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thuần túy thắp hương kỷ niệm 105 năm ngày Đản sinh của Đức Huỳnh Giáo chủ (25/11 Âm lịch) tại tư gia FB Lê Quang Hiển
Các tín đồ Phật giáo Hòa hảo ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ không theo tổ chức đăng ký với Nhà nước bị ngăn cấm tập trung tổ chức đại lễ kỷ niệm 105 ngày sinh của Đức Huỳnh Phú Sổ vào ngày 25/11 Âm lịch (25/12 Dương lịch).
Từ ngày 23/12, Công an huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang lập chốt ở hai phía con đường dẫn vào trụ sở tạm thời của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý (PGHHT) ở xã Long Giang, để kiểm soát và hạn chế người qua lại.
Trước đó, công an đã đến và yêu cầu miệng không cho tổ chức lễ Đản sanh, cấm dựng lễ dài, và cấm treo băng rôn có dòng chữ “Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý.”
Ông Hà Văn Duy Hồ, hội trưởng PGHHTT tỉnh An Giang, người chịu trách nhiệm tổ chức lễ Đản sanh ở trụ sở của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHHTT, cho biết năm nay huyện Chợ Mới thực hiện việc cấm đoán khắt khe hơn trước.
Ông nói chính quyền đưa an ninh mặc thường phục xuống canh gác gần tư gia của các chức sắc của giáo hội vài ngày trước ngày lễ, theo sát mỗi khi họ đi ra khỏi nhà, và ngăn cản khi họ định đi đến trụ sở của Ban Trị sự Trung ương.
Bản thân ông bị canh gác gắt gao từ ngày 15/12, sớm hơn nhiều so với các năm trước. Ông nói với RFA trong ngày 26/12:
“Cấm tín đồ Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý chúng tôi, không được làm lễ và không được đi đến để dự lễ, như vậy là đã sai phạm với Luật tôn giáo rồi, đã sai phạm với quyền tự do tín ngưỡng của tín đồ Phật giáo Hoà Hảo.”
Phóng viên gọi điện cho Công an huyện Chợ Mới để kiểm chứng thông tin nhưng người trực điện thoại yêu cầu đến trụ sở cơ quan để được lãnh đạo cung cấp thông tin.
Chúng tôi cũng nói chuyện với một tín đồ ở tỉnh Vĩnh Long và một trị sự viên của PGHHTT ở tỉnh Đồng Tháp và họ đều xác nhận bị cơ quan an ninh đóng chốt gần nhà, ngăn cản họ đến An Giang dự lễ.
Trong khi đó, Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo – một tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tổ chức kỷ niệm 105 Đại lễ Đản sanh của Đức Huỳnh Phú Sổ một cách rầm rộ ở chùa An Hòa Tự, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân (An Giang) có sự tham gia của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước.
RFA (26.12.2024)
Những tiếng nói phản biện: Hãy cùng tôi bảo vệ sự thật
Đoàn Bảo Châu
Các bạn chính là “luật sư” của tôi!
Mỗi lần các bạn nhấn like, để lại một nhận xét công bằng hay chia sẻ bài viết, các bạn đã góp phần như những luật sư cất tiếng nói bảo vệ thân chủ trước toà án. Ở Việt Nam, nơi mà hiện tượng “án bỏ túi” diễn ra phổ biến, và luật sư nhiều khi không thể bảo vệ được thân chủ, thì những hành động nhỏ của các bạn trên mạng xã hội lại mang ý nghĩa lớn lao.
Những tiếng nói công bằng ấy có thể giúp lan truyền sự thật, tạo nên giá trị truyền thông, và góp phần thúc đẩy một xã hội công bằng hơn.
Cam Kết Minh Bạch
Tôi tự tin kêu gọi sự ủng hộ của các bạn vì tôi sẽ luôn tuân thủ hai nguyên tắc:
- Trung thực tuyệt đối: Tôi sẽ công khai và chia sẻ toàn bộ tư liệu liên quan đến vụ án, bao gồm 6 clip mà công an Việt Nam đã sử dụng để buộc tội tôi. Các bạn sẽ có cơ hội kiểm chứng từng chi tiết.
- Cuộc sống minh bạch: Tôi là người sống khép kín, chỉ tập trung vào viết sách, luyện và dạy võ, làm phóng viên ảnh và phiên dịch cabin. Tôi không tham gia hội nhóm hay đảng phái. Tôi chỉ lên tiếng như một công dân có trách nhiệm, và tôi không có bất kỳ hoạt động nào chống chính quyền.
Phản Biện Xã Hội – Động Lực Của Tiến Bộ
Một xã hội muốn phát triển cần có không gian cho phản biện. Phản biện không phải là chống đối, mà là cách để tìm ra chân lý. Từ luận án tốt nghiệp cho đến các dự án lớn, không có phản biện thì không có tiến bộ.
Từ thời các triết gia Hy Lạp cổ đại như Socrates, Plato, Aristotle, phản biện đã là công cụ để thúc đẩy sự hiểu biết. Nhưng nếu chính quyền Việt Nam tự nhận mình là “đỉnh cao trí tuệ” và luôn đúng một cách tuyệt đối, tại sao chúng ta lại có một xã hội đầy tham nhũng, đạo đức xuống cấp, và không có đóng góp đáng kể nào cho nhân loại trong các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật?
Chính quyền sợ phản biện vì nó làm lộ ra những yếu kém. Nhưng chính phản biện mới là cách để xây dựng một xã hội công bằng, nơi mọi tiếng nói đều được lắng nghe.
Lời Kêu Gọi
Hiện tại, sinh mạng của tôi đang gặp nguy hiểm. Tôi có thể bị bắt và bịt miệng bất cứ lúc nào. Trong hoàn cảnh này, mỗi hành động của các bạn – một like, một nhận xét công tâm, một lần chia sẻ – đều rất quan trọng. Đó là cách để các bạn không chỉ bảo vệ tôi mà còn bảo vệ giá trị của sự thật và công lý.
Hãy cùng tôi lan toả thông điệp này. Một xã hội tốt đẹp hơn cần sự góp sức của từng người.
Trân trọng cảm ơn!
Đoàn Bảo Châu
Fb Đoàn Bảo Châu (26.12.2024)
Nghị định 147 có hiệu lực: Lo ngại gia tăng đàn áp, tự kiểm duyệt trên mạng xã hội Việt Nam
Kể từ hôm nay, 25/12/2024, một nghị định của chính phủ Việt Nam siết chặt quản lý các mạng xã hội chính thức có hiệu lực. Theo AFP, Nghị định 147 buộc các nền tảng mạng xã hội phải tăng cường kiểm soát danh tính của người sử dụng và có thể bị buộc phải cung cấp cho chính quyền các dữ liệu liên quan đến người sử dụng. Giới nhân quyền lo ngại nghị định này có thể làm gia tăng đàn áp và tình trạng tự kiểm duyệt trên các mạng xã hội Việt Nam.
Ảnh lưu trữ : Blogger Đoàn Khánh Vinh Quang bị đưa đến tòa án tại tỉnh Cần Thơ, Việt Nam ngày 24/09/2018 và bị kết án 27 tháng tù vì đăng lên Facebook nhiều bài viết bị thẩm phán cho là xúc phạm đảng Cộng Sản, chính phủ và kêu gọi biểu tình chống chính phủ. AP – Thanh Sang
Nghị định 147, có tên gọi chính thức là « Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng », dự kiến sẽ có nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam, nơi có khoảng 65 triệu người dùng Facebook, 60 triệu người dùng YouTube và 20 triệu người dùng TikTok, theo số liệu của bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, được AFP dẫn lại.
Nghị định 147 nêu rõ : Chỉ những người dùng mạng xã hội đã xác thực tài khoản bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân mới được đăng tải và chia sẻ thông tin (viết bài, bình luận, livestream) trên các mạng xã hội. Về mặt chính thức, Nghị định 147 được cho là sẽ giúp ngăn chặn và xử lý các hành vi “lừa đảo, phát tán tin tức giả mạo, vi phạm pháp luật…”, cũng như tình trạng « nghiện » trò chơi điện tử trên các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam. Báo chí trong nước dẫn lời ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử của bộ Thông tin và Truyền thông, khẳng định là các quy định mới sẽ giúp giải quyết được tình trạng « vô danh nên vô trách nhiệm ».
Các mạng xã hội có trách nhiệm tạm khóa, gỡ bỏ thông tin « vi phạm » trong vòng 24 giờ khi có yêu cầu từ phía cơ quan quản lý nhà nước, và trong vòng 48 giờ, « kể từ khi nhận được khiếu nại của người sử dụng », liên quan đến những nội dung vi phạm Điều 8 Luật An ninh mạng.
Theo AFP, Nghị định 147, được xây dựng dựa trên luật An ninh mạng năm 2018, đã bị Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và giới bảo vệ quyền tự do internet lên án, cho rằng Việt Nam « bắt chước lối kiểm duyệt hà khắc của Trung Quốc đối với internet ».
Trả lời AFP, blogger và nhà hoạt động nhân quyền tại thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Vi cho biết : « Nhiều người hiện tại đang làm việc lặng lẽ, nhưng hiệu quả trong việc thúc đẩy các giá trị phổ quát về nhân quyền ». Bà cảnh báo nghị định mới « có thể khuyến khích thái độ tự kiểm duyệt, với việc mọi người sẽ tránh bày tỏ quan điểm bất đồng về chính kiến, để bảo vệ an toàn cho bản thân. Thái độ này sẽ gây tổn hại đến sự phát triển chung của các giá trị dân chủ » ở Việt Nam.
Hồi tháng 10/2024, blogger Đường Văn Thái, người có gần 120.000 người theo dõi trên mạng YouTube, nơi ông thường xuyên đưa lên các nội dung chỉ trích chính quyền, đã bị kết án 12 năm tù vì tội « tuyên truyền chống Nhà nước ». Nhà báo độc lập Osin Huy Đức (tên thật Trương Huy San), một tác giả có tài khoản trên mạng Facebook thu hút nhiều chú ý tại Việt Nam với các bài viết chỉ trích tình trạng kiểm duyệt thông tin, nạn tham nhũng, vừa bị bắt ít tháng trước.
Bà Patricia Gossman, phó giám đốc ban châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nhận định với AFP : « Nghị định 147 và các điều luật an ninh mạng khác của Việt Nam không những không bảo vệ được người dân trước những mối lo về an ninh mạng, mà còn không tôn trọng các quyền cơ bản của con người ».
Trong bảng xếp hạng tự do báo chí của tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF, Việt Nam đứng thứ 174/180.
RFI (25.12.2024)
Bà Phạm Thanh Nghiên tố cáo công an Việt Nam đàn áp xuyên quốc gia
Cựu TNLT Phạm Thanh Nghiên lên nhận Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam 2024 thay cho TNLT Đỗ Nam Trung trong buổi lễ trao giải ở Houston ngày 15/12/2024. Ảnh trên mạng
Cựu tù nhân lương tâm (TNLT) Phạm Thanh Nghiên, người cùng gia đình sang tị nạn ở Hoa Kỳ từ tháng 4/2023, tố cáo Công an thành phố Hải Phòng đã sách nhiễu người thân của bà chỉ ít ngày sau khi bà lên sân khấu thay mặt ông Đỗ Nam Trung nhận giải thưởng Nhân quyền Việt Nam năm 2024.
Ông Trung là một trong ba khôi nguyên của giải thưởng do Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trao năm nay ở thành phố Houston, Texas vào ngày 15/12 vừa qua.
Đến ngày 23/12, một công an khu vực phường Đông Hải 1, thành phố Hải Phòng đi kèm với một sĩ quan an ninh đến nhà của gia đình chị ruột của bà đề nghị làm việc về hộ khẩu.
Tuy nhiên, được một lúc cán bộ an ninh lại quay sang hỏi thông tin về bà Nghiên như công việc và địa chỉ ở Mỹ, cũng như cuốn sách ‘Những mảnh đời sau song sắt’ bà viết hồi năm 2017. Bà bày tỏ với RFA hôm 24/12:
“Tôi rất lo lắng cho người thân của tôi, cũng không biết là trong thời gian tới họ sẽ làm gì. Vì ở trong nước phải đối mặt với nhiều rủi ro, nào là sách nhiễu, khủng bố, bắt bớ, bị gây tai nạn thậm chí là bỏ tù hay là gây khó khăn khác cho cuộc sống của mình”.
Sau khi làm việc, công an lập biên bản và yêu cầu người chị ký nhưng không đưa bản sao.
Bà Nghiên cho rằng đây là hình thức đàn áp xuyên quốc gia bằng cách gây áp lực lên người thân để buộc người đấu tranh phải câm lặng trước các bất công và vi phạm nhân quyền ở trong nước.
Bà đoán rằng sự việc xảy ra có thể do bà thường xuyên đưa tin về các vụ vi phạm nhân quyền, cùng các bài viết chỉ trích Tổng Bí thư Tô Lâm không có những cải cách thực sự mà ngược lại đang gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến và đối thủ chính trị.
Bà Nghiên khẳng định vẫn sẽ lên tiếng cho sự thật và sẽ làm những gì cần phải làm, khẳng định các hình thức khủng bố, sách nhiễu từ nhà cầm quyền từng làm nhiều năm nay nhằm tạo áp lực buộc bà phải ngừng các hoạt động tranh đấu cho nhân quyền sẽ thất bại.
Phóng viên gọi điện cho Công an quận An Hải và Công an thành phố Hải Phòng để tìm hiểu về sự việc nhưng người trực điện thoại nói liên lạc với Công an phường Đông Hải 1. Tuy nhiên, phóng viên gọi điện nhiều lần cho công an phường nhưng không có ai nghe máy.
Bà Nghiên từng bị tuyên án 4 năm tù giam với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” hồi năm 2008, cho biết đây là lần thứ hai người thân bà bị sách nhiễu từ khi bà qua Mỹ ngay trước chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Antony Blinken.
Vào giữa tháng 4 năm ngoái, hai chị ruột đến nơi ở trọ của gia đình bà để thu dọn và trả lại căn nhà trọ, công an địa phương sau đó đến hạch sách và lập biên bản vì cho rằng đã giúp đỡ em gái.
Bà Nghiên cũng cho biết vào cuối tháng 5 vừa qua, bà nhận được một tin nhắn điện thoại mời đi dùng bữa vào cuối tuần. Người mời tự giới thiệu tên Trọng, là cán bộ an ninh của Bộ Công an và mới sang Texas du lịch.
Bà từ chối với lý do không quen biết. Sau đó, bà đã báo cáo sự việc cho Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
RFA (24.12.2024)