Bảo Vệ Harvard – Bảo Vệ Tương Lai Của Nền Cộng Hoà Hoa Kỳ
Trong những tháng đầu năm 2025, Trump đã thực hiện một loạt các hành động chưa từng có tấn công vào Đại học Harvard – một trong những biểu tượng của nền giáo dục và tự do học thuật của Hoa Kỳ. Với lý do chống chủ nghĩa bài Do Thái, loại bỏ ảnh hưởng nước ngoài, và chấm dứt các chương trình mà Trump cho là mang “ý thức hệ thức tỉnh” (woke ideology), Trump đã:
• Cấm Harvard tuyển
sinh du học sinh
• Đóng băng hơn 2,2 tỷ đô la từ quỹ tài trợ nghiên cứu liên bang;
• Đe dọa tước bỏ quy chế miễn thuế;
• Yêu cầu trường thực hiện các đợt kiểm tra ý thức hệ và loại bỏ các chương trình đa dạng chủng tộc, công bằng và hòa nhập (DEI).
Những hành động này không đơn giản là tranh cãi về chính sách hay sự phản ứng với các vi phạm cụ thể. Đây là một chiến dịch có hệ thống và có mục tiêu chính trị rõ ràng, không chỉ nhằm vào Harvard, mà vào toàn bộ nền giáo dục đại học của nước Mỹ. Nếu những nỗ lực này thành công, hậu quả sẽ không chỉ dừng lại ở sân trường Harvard – mà sẽ ảnh hưởng đến nền dân chủ, vị thế khoa học, và tương lai của xã hội Hoa Kỳ.
I. Harvard – Biểu tượng của Tự Do Tư Tưởng

Harvard không chỉ là một trường đại học. Trong con mắt thế giới, Harvard là biểu tượng của trí tuệ, sự tự do tư tưởng, nghiên cứu tiên phong, và khả năng lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ. Việc tấn công Harvard không chỉ là nhắm vào một tổ chức – mà là tuyên chiến với một mô hình giáo dục tự do, đa nguyên và có ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội.
Trong kế hoạch được gọi là “Dự Án 2025” (Project 2025) – một tài liệu định hướng được xây dựng bởi Heritage Foundation và nhiều nhóm bảo thủ cực đoan khác – họ đã vạch ra mục tiêu kiểm soát toàn diện các tổ chức công lập, trong đó có các trường đại học, bằng cách:
• Loại bỏ các chương trình và tư tưởng cấp tiến (DEI, xoá bỏ kỳ thị chủng tộc, bình đẳng giới tính);
• Buộc các cơ sở nhận tài trợ công phải tuân theo định hướng tư tưởng bảo thủ;
• Gây áp lực để các tổ chức học thuật sa thải, tái cấu trúc hoặc im lặng trước sự kiểm duyệt chính trị.
Việc sử dụng Harvard như một “tấm gương răn đe” là hành động có tính toán. Nếu trường đại học danh tiếng nhất nước Mỹ bị khuất phục, thì không có nơi nào khác được an toàn khỏi sự can thiệp chính trị của Trump.
II. Những Vi Phạm Hiến Pháp Nghiêm Trọng

Hành động của chính phủ Trump vi phạm nhiều nguyên tắc pháp lý cơ bản:
• Tu chính án thứ Nhất (First Amendment) bảo vệ quyền tự do ngôn luận và lập hội. Việc Trump gây sức ép để Harvard loại bỏ các nhóm du học sinh hoặc điều chỉnh ý thức hệ là vi phạm rõ ràng.
• Quyền được xét xử công bằng (Due Process) bị vi phạm khi Trump ra lệnh cấm tuyển sinh du học sinh mà không cần trường phải điều trần hay đưa ra các bằng chứng minh bạch.
• Học thuyết điều kiện vi hiến (Unconstitutional Conditions Doctrine) cấm chính phủ buộc các tổ chức từ bỏ quyền hiến định để nhận tài trợ. Các yêu sách chính trị trong trao đổi tài chính là không thể chấp nhận trong nền pháp trị.
III. Hệ Lụy Cho Nước Mỹ Nếu Các Cuộc Tấn Công Thành Công
1. Chấm Dứt Tự Do Học Thuật
Nếu Harvard bị ép tuân phục, những tổ chức giáo dục khác sẽ tự kiểm duyệt để bảo vệ sự tài trợ của liên bang. Sự sáng tạo, tư duy phản biện, và các ngành học có khả năng đụng chạm đến quyền lợi của chính quyền sẽ bị dập tắt. Trường Đại học sẽ không còn là nơi tìm kiếm tri thức, mà trở thành nơi thực thi các chính sách của chính phủ giống như ở các nước Cộng sản.
2. Chảy Máu Chất Xám Toàn Diện
Sinh viên và học giả quốc tế – những người từng chọn Mỹ là điểm đến lý tưởng – sẽ tìm đến Canada, Anh, Đức, Úc… Nước Mỹ sẽ mất đi nguồn lực trí tuệ, năng lực sáng tạo, và vị thế dẫn đầu toàn cầu.
3. Giáo Dục Biến Thành Công Cụ Tuyên Truyền, Nhồi Sọ
Giáo trình, tuyển sinh, và hoạt động nghiên cứu sẽ bị kiểm duyệt, định hướng theo tư tưởng chính trị đến từ chính quyền. Các trường học sẽ đào tạo những con cừu chỉ biết ngoan ngoãn nghe lời, mà không dám có tư duy độc lập.
4. Đình Trệ Khoa Học và Công Nghệ
Việc đóng băng tài trợ cho Harvard không chỉ ảnh hưởng đến trường, mà còn ảnh hưởng đến hàng ngàn dự án trong y học, AI, năng lượng, khí hậu. Việc Mỹ chậm tiến so với châu Âu hay Trung Quốc sẽ không còn là nguy cơ – mà là hiện thực.
5. Gia Tăng Chia Rẽ và Cực Đoan Hóa
Tấn công các trường đại học làm sâu sắc thêm chia rẽ văn hóa: nông thôn – thành thị, bảo thủ – tự do, tôn giáo – thế tục. Nền tảng đồng thuận xã hội bị phá vỡ. Bạo lực chính trị, phân cực, và cực đoan hóa sẽ gia tăng.
6. Làm Suy Yếu Chế Độ Dân Chủ
Khi chính quyền có thể tùy tiện trừng phạt bất kỳ tổ chức nào không phục tùng, luật pháp mất đi ý nghĩa. Chế độ Dân chủ không bị xóa bỏ trong một đêm – mà tan rã dần dần qua những hành động như thế này.
IV. Ai Được Hưởng Lợi – Và Ai Bị Tổn Hại?

Hưởng lợi:
• Chính quyền Trump và các nhóm bảo thủ, tận dụng mâu thuẫn văn hóa để củng cố quyền lực;
• Truyền thông cực hữu, biến cuộc chiến học thuật thành công cụ câu view;
• Trường đại học tôn giáo, bảo thủ, ít bị cạnh tranh hơn;
• Các nước khác, thu hút nhân tài rời Mỹ vì bất ổn chính trị.
Tổn hại:
• Toàn xã hội Mỹ, khi hệ sinh thái giáo dục – nghiên cứu – đổi mới bị suy yếu;
• Các thế hệ sinh viên, mất đi cơ hội học tập trong môi trường đa chiều, tự do và khai phóng;
• Các ngành công nghệ, y học, khí hậu, mất nguồn lực đầu tư và chuyên gia.
V. Tại Sao Harvard Phải Được Bảo Vệ?

Harvard không phải là nơi hoàn hảo. Nhưng Harvard là tấm khiên cho tự do học thuật, là biểu tượng của tinh thần phản biện, là cái nôi của đổi mới và khai sáng. Tấn công Harvard là bước đầu trong việc phá vỡ niềm tin vào sự thật, tri thức và vai trò của tư tưởng tự do trong xã hội dân chủ.
VI. Kết luận
Giờ đây, chúng ta cần đứng lên. Không chỉ để bảo vệ một trường đại học, mà để bảo vệ hiến pháp, xã hội dân chủ, quyền tự do ngôn luận và tương lai của xã hội Mỹ.
Nếu chúng ta im lặng hôm nay, ngày mai sẽ không còn ai để lên tiếng. Thật vậy.