15-4-2019
Suốt từ trưa hôm qua dân mạng hết sức xôn xao về chuyện xuất huyết não của ông Tổng. Tối đến VTV đưa tin rất chuẩn ám chỉ ông vẫn rất khoẻ. Sáng hôm sau (15-4) không một báo chính thống nào có tin về chuyện này trừ một số bài chỉ trích bọn phản động, thế lực thù địch xuyên tạc vẫn theo cách hệt như cũ. Các trang mạng vẫn tiếp tục đưa tin, phân tích. Báo chính thống thêm một trận thua lấm lưng nữa trong nhiều trận thua như vậy (từ tin đồn đại về sức khoẻ ông Bá Thanh, Trần Đại Quang cho đến rất rất nhiều sự kiện khác mà “tin đồn” trên mạng sau này tỏ ra đúng và những lời cải chính, biện bạch khi đó của báo chính thống trở thành hết sức lố bịch.
Mấy ngày qua giới báo chí cũng xôn xao về Quy hoạch Báo chí vừa được Thủ tướng ký thông qua: i) sợ mất việc làm của nhiều phóng viên và ii) bóp nghẹt báo chí (nỗi lo i) là có; ii) thì quá vớ vẩn).
Có thể thấy:
1) Đa số nhân dân đã mất niềm tin vào các báo chính thống nữa (cả một số tờ anh chị một thời rất có uy tín);
2) Nhưng chưa có tờ báo của dân nào (mà thường được gọi là báo lề trái) có đủ uy tín để bạn đọc đói thông tin có thể tin cậy hoàn toàn và bỏ tiền ra đặt hay tin tưởng cao trong một những cơn lũ thông tin (thật có, giả có) khắp trên mạng.
3) Dù ai cũng có thể trở thành chủ báo, chủ đài phát thanh và đài TV trên mạng và không ít blogger có sức mạnh (thí dụ có vài trăm ngàn người theo dõi) hơn cả một tờ báo truyền thống (với vài ngàn bản in và vài chục ngàn người theo dõi), nhưng các báo chuyên nghiệp với thông tin kịp thời, khách quan và bình luận sâu sắc VẪN CÓ KHẢ NĂNG SỐNG VÀ PHÁT ĐẠT trong biển cả thông tin ngày nay. Đơn giản chúng đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân và tạo được UY TÍN với bạn đọc.
Vì thế trong tuyệt vọng người ta phải sắp xếp lại báo chí loại 1) là điều dễ hiểu, chúng không phải là báo theo đúng nghĩa mà là các tổ chức TUYÊN TRUYỀN của đảng nắm quyền và chúng ta khỏi cần bàn cãi quá nhiều, trừ việc phát huy kỹ năng báo chí thật (nếu có) của các phóng viên hiện có và công ăn việc làm của họ.
Chúng ta nên tập trung sức lo cho sự hình thành của NỀN BÁO CHÍ CHUYÊN NGHIỆP, TRUNG THỰC của quốc gia, một nhiệm vụ VÔ CÙNG QUAN TRỌNG và RẤT KHÓ.
Để xây dựng một nền báo chí nêu ở điểm 2) như vậy cần rất nhiều nhà KHỞI NGHIỆP BÁO CHÍ.
Đã có những người tiên phong như vậy: Bauxitevietnam đã có lịch sử 10 năm; Việt Nam Thời Báo sắp 5 tuổi, Luật Khoa Tạp Chí đang rất có uy tín và đang tuyển người làm với mức lương 700-1.000 USD/tháng; First News của anh Phước đã tập hợp nhiều nhà báo kỳ cựu và đã ra một tờ nghiêm túc nhưng bị đóng lại (tôi nghĩ có thể phục hồi lại sớm),… và nhiều blog cá nhân có uy tín khác.
Rất nên ủng hộ các sáng kiến kiểu này và thử nghiệm để xây dựng một số báo có uy tín (chỉ bằng cách đưa tin kịp thời, thông tin khách quan, không kích động hận thù, phỉ báng cá nhân và có những bình luận sâu sắc).
Có 3 khó khăn chính:
a) ĐCSVN sẽ tìm mọi cách cản trở;
b) thiếu người;
c) thiếu ngân quỹ để trả lương và nhuận bút.
Theo tôi chỉ có khó khăn a) là có thật, nhưng Hiến pháp quy định chúng ta có quyền làm báo và những kẻ cản chúng ta là kẻ phạm pháp. “Quyền ta ta cứ làm” phải là khẩu hiệu, chiến lược và chiến thuật của chúng ta. Nếu tờ báo làm một cách chuyên nghiệp thật, đáp ứng cầu thật của nhân dân, thì phải dấn thân làm thôi.
Khó khăn b) thì nhờ ơn QUY HOẠCH của chính phủ sẽ có một nguồn nhân lực mới từ các báo chính thống; họ vẫn có thể làm cho báo chính thống mà vẫn có thể viết cho báo chúng ta.
Khó khăn c) thực sự là dễ giải quyết nhất. Cần các nhà KHỞI NGHIỆP BÁO CHÍ là vậy.