Huzi

Bào Đồng / Hồ Như Ý dịch

15-4-2019

Triệu Tử Dương. Ảnh: internet

Cựu Ủy viên Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thư ký chính trị Ban thường trực Bộ chính trị Trung ương Trung Quốc.

Triệu Tử Dương để lại một bộ băng ghi âm. Đây là di ngôn của ông ấy.

Di ngôn của Triệu Tử Dương thuộc về toàn thể người dân Trung Quốc. Công khai những di ngôn này với thế giới qua hình thức văn tự là chủ trương của tôi, sự tình do tôi chủ trì, tôi chịu trách nhiệm chính trị đối với việc này.

Giá trị về hồi ký ghi âm của Triệu Tử Dương hãy để cho dư luận đánh giá. Nội dung của nó liên quan đến một giai đoạn lịch sử vẫn đang tiếp tục gây ảnh hưởng đến vận mệnh của người dân Trung Quốc hiện tại. Chủ đề của giai đoạn lịch sử này là cải cách. Ở Trung Quốc Đại Lục hiện tại, giai đoạn lịch sử này bị phong tỏa và bẻ cong. Bàn về bối cảnh của giai đoạn lịch sử này, có thể hữu ích cho độc giả trẻ tuổi khi đọc cuốn sách này.

Tại sao Trung Quốc nhất định phải tiến hành cải cách

Từ sau khi cách mạng Tân Hợi[1]diễn ra, mặc dù liên tiếp gặp phải khó khăn, Trung Quốc vẫn là dần dần tiến lên theo con đường hiện đại hóa. Sự xâm lược của chủ nghãi quân phiệt Nhật Bản đối với Trung Quốc mặc dù đã ngăn trở quá trình này, nhưng không cách nào thay đổi được phương hướng.

Sau khi nội chiến Trung Quốc kết thúc năm 1949, quốc gia này đã có được thời cơ mới.

Vốn là, làm thế nào từng bước xây dựng có trật tự, làm thế nào thực hiện hiện đại hóa, có cần thiết hay không xây dựng chủ nghĩa xã hội đều là thuộc về phạm vi có thể thảo luận, có thể tranh luận. Chỉ cần thật sự làm theo “Cương lĩnh chung” được định ra tại Hội nghị toàn thể lần thứ nhất Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc ngày 29 tháng 9 năm 1949, thực sự thực hiện chủ trương “bầu cử phổ thông đầu phiếu” và “người cày có ruộng”, thì đã tốt rồi. Nếu thực sự đem giải quyết hai vấn đề này rồi, những vấn đề khác của xã hội Trung Quốc sẽ không khó giải quyết.

Toàn diện đảo ngược phương hướng phát triển của Trung Quốc, là hai phong trào mang tên “Cải tạo chủ nghĩa xã hội” từ năm 1953-1958 và “Phản hữu phái” năm 1957. Hai phong trào này bổ sung cho nhau hình thành. Phong trào trước là nhằm vào chế độ sở hữu, mô phỏng theo mô hình của chương 11, chương 12 trong “Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô”, quyết định thông qua tập thể hóa, quốc hữu hóa, kế hoạch hóa nhằm đạt tới mục đích tiêu diệt chế độ tư hữu và kinh tế thị trường. Phong trào sau là Đảng Cộng sản Trung Quốc căn cứ vào ý chí của Mao Trạch Đông, được chỉ huy bởi Đặng Tiểu Bình, khi đó là Tổ trưởng Tiểu tổ lãnh đạo chống hữu phái của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Phong trào này lựa chọn từ trong số 5 triệu phần tử trí thức, chọn ra 550 nghìn người đánh thành “phần tử hữu phái”. Hai phong trào này là bước ngoặt trong lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mở ra con đường đi ngược lại với dân chủ và pháp chế.

Bước lên con đường được tự xưng là “chủ nghĩa xã hội” này, chính là tiêu diệt thị trường, tiêu diệt “người cày có ruộng”, cũng là tiêu diệt tự do, đồng thời cũng hủy hoại, đoạn tuyệt đi rất nhiều truyền thống tốt đẹp của dân tộc Trung Hoa vốn đã được đời đời truyền lại. Đối với xây dựng xã hội, thứ “chủ nghĩa xã hội” này làm mất đi những điều tốt đẹp, chỉ có thể đem người dân Trung Quốc duy trì ở một trạng thái “một số ít người chết đói, đại đa số người đói nhưng không chết”. Ở trong thời đại Mao Trạch Đông, có được hộ khẩu thành phố, mới có thể được bảo đảm dựa vào thân phận để tiêu dùng, ví dụ như người dân Bắc Kinh và Thượng Hải, hạn mức phân phối dựa theo đầu người lớn nhất là mỗi ngày gần 1 cân lương (500gram), khoảng 3 ngày mới có thể ăn được 1 lạng thịt, mỗi năm có thể mua được số vải để làm một bộ quần áo; đối với những nông dân ở nông thôn vốn chiếm tới 80% dân số, bao gồm cả những thanh niên trí thức bị ép buộc “tự nguyện” đi về nông thôn, đảng và nhà nước không thể giúp gì hơn, mọi người chỉ có thể “tự lực cánh sinh”, tự sinh tự diệt.

“Chủ nghĩa xã hội” của thời đại Mao Trạch Đông không những làm cho người Trung Quốc nghèo đói, hơn nữa còn đi ngược lại với giấc mơ thực hiện hiện đại hoá trong hơn 100 năm qua của người dân Trung Quốc, càng ngày càng cách xa.

Đằng sau Mao Trạch Đông, người vốn được ông ta chỉ định kế thừa chức vụ Chủ tịch đảng là Hoa Quốc Phong đã không thể không thừa nhận một sự thực ” Nền kinh tế quốc dân Trung Quốc đang đứng bên bờ sụp đổ”. Từ bấy lâu nay, quốc gia mà không phải là quốc gia, đây chính là bối cảnh để Trung Quốc không thể không tiến hành cải cách.

Trong đơn thuốc mà Đảng bốc ra để trị bệnh cứu Trung Quốc lúc đó không có cải cách

Lối thoát ở đâu? Cựu cảnh vệ thiết thân của Mao, Phó chủ tịch đảng Uông Đông Hưng nói, phàm là những quyết định của Mao chủ tịch, cần phải được chấp hành vĩnh viễn, trước sau không sót. Chủ tịch đảng Hoa Quố Phong cũng nói theo giống như thế.

Trong nội bộ đảng cộng sản lúc đo, người có uy tín cao nhất về chủ quản kinh tế, là Trần Vân. Ông ta gia nhập vào Bộ chính trị từ những năm 1930, sớm hơn 20 năm so với Đặng Tiểu Bình. Trần Vân bắt đầu công tác quản lý kinh tế ở Diên An. Trước khi Mao phát động “Đại nhảy vọt”, Trần Vân chính là Phó thủ tướng thứ nhất Quốc vụ viện, quản lý toàn bộ công tác kinh tế ở Trung Quốc. Mao chê ông ta quá mức cầu thị, học hỏi, kêu ông ta đứng sang một bên. Mao tuyên bố đem bản thân là chủ soái, phong cho Đặng Tiểu Bình làm phó soái, ra sức luyện gang thép, kết quả là gây ra đại họa. Hiện tại Mao chết rồi, Trần Vân đưa ra đơn thuốc để trị bệnh cho nền kinh tế Trung Quốc là “điều chỉnh”, sửa sai những thiếu sót mất cân đối.

Đây là kết tinh những kinh nghiệm thực tiễn của Trần Vân. “Đại nhảy vọt” đã làm chết đói hàng mấy chục triệu nông dân, năm 1962 chính là dựa vào chính sách “điều chỉnh” chỉ tiêu sản xuất lương thực, luyện thép của Trần Vân thì mới có thể vãn hồi được một phần tàn cục. Trần Vân phản đối mệnh lệnh chỉ huy bừa bãi của đảng, nhưng ông ta không hề phản đối sự lãnh đạo của đảng. Từ việc độc tài độc đảng lãnh đạo về chính trị, đến kinh tế kế hoạch hóa toàn bộ về kinh tế, mọi thứ từ dầu gạo bông đi từ sản xuất đến tiêu thụ đều theo phương án kế hoạch thống nhất, Trần Vân không những không phản đối, hơn nữa còn vất vả suy tư để xây dựng thành một chế độ. Nếu sửa đổi toàn bộ những di sản của Mao, chính là thay đổi đi công lao bản thân của Trần Vân.

Phân tích về Trần Vân không thể làm đơn giản hóa. Ông ta bảo vệ chế độ sở hữu nhà nước, nhưng không bảo vệ công xã nhân dân; ông ta thích kinh tế kế hoạch, nhưng không thích những chỉ tiêu không thiết thực; ông ta chủ trương lấy chính phủ làm chủ, nhưng cho phép để trị trường làm phục trợ (“tập thể lớn, tự do nhỏ”); ông ta cho rằng tự do kinh tế cần phải giống như “một con chim” được nhốt trong lồng, nhưng phản đối bắt con chim đó giữ trong tay; ông ta tin tưởng đối với lão đại ca Liên Xô, không tin tưởng đối với chủ nghĩa đế quốc Phương Tây; trong thời đại “tự lực cánh sinh”, “không ăn lương thực nhập khẩu” đó, ông ta dám đứng ra làm bảo lãnh, dùng một câu nói “tôi nghe Mao chủ tịch nói qua, lương thực là có thể nhập khẩu”, đem “lương thực nhập khẩu” sửa đổi tính chất chủ nghĩa xét lại, lấy lại tính hợp lý của tư tưởng Mao Trạch Đông cho phù hợp với nhu cầu; Ông ta bảo vệ sự lãnh đạo nhất nguyên hóa của đảng cộng sản, nhưng lại không thích thú với việc phá hỏng điều lệ đảng của Mao Trạch Đông. Những điều này, trong hồi ký của Triệu Tử Dương đều có nhắ đến, trả lại một công đạo cho lịch sử.

Một vị nguyên lão hết sức có uy tín danh vọng khác, đó là Đặng Tiểu Bình. Đặng là người thân tín bên cạnh Mao. Bởi vì Mao chỉ định Lưu Thiếu Kỳ là người kế nhiệm duy nhất, do đó Đặng mới trở thành trợ thủ cho Lưu trong thời kỳ trước Cách mạng văn hóa. Vào thời kỳ đầu Cách mạng văn hóa, quần chúng không hiểu rõ thế cục đã đem Đặng và Lưu xem là cùng một phe nhóm, nhưng trong thâm tâm thì Mao biết rõ, do vậy đã không hạ tử thủ với Đặng giống như xuống tay đối với Lưu. Trong những năm cuối đời Mao có ý đồ thanh toán Chu Ân Lai, Đặng lại đi cùng một chỗ với Chu, lần này thì mới mất đi sự tin tưởng của Mao đối với bản thân. Trong Cách mạng văn hóa Đặng lại một lần nữa bị thất sủng, “càng bị đánh càng nổi bật” không phải phải là để châm biếm mà là nâng cao hình ảnh của ông ta trong lòng mọi người. Cũng có thể, Đặng Tiểu Bình đủ sức trở thành nhân vật lãnh đạo dẫn đầu cải cách trong thể chế Mao Trạch Đông.

Nhưng mà với phương thuốc mà Đặng Tiểu Bình bốc ra lúc đó, cũng không phải là cải cách, mà là “chỉnh đốn”. Chỉnh đốn, chính là chỉnh đón xí nghiệp, chính đốn đội ngũ lãnh đạo, rút bỏ những cán bộ không phục tùng lãnh đạo, dùng bàn tay sắt để áp đặt các quy định của đảng và kỷ luật tổ chức, hoàn thành và vượt mức các kế hoạch quốc gia với chủ trương bàn tay sắt. Nói một cách đơn giản, không phải là xóa bỏ mà là tăng cường hóa thể chế kiểu Mao. Chỉnh đốn là thế mạnh của Đặng Tiểu Bình. Trong thời kỳ sau của Cách mạng văn hóa, Mao chủ tịch kêu “Tứ nhân bang” nắm bắt cách mạng, kêu Đặng Tiểu Bình nắm bắt sản xuất, Đặng lúc đó tuy không hiểu về kinh tế, nhưng ông ta dùng thủ đoạn “chỉnh đốn”, mạnh mẽ đem sản xuất kéo trở lên.

Sở trường của Đặng là khôn ranh, tháo vát. Ông ta không hồ đồ, không viển vông. Trong thâm tâm ông ta sớm hiểu rõ, kinh tế kế hoạch của chủ nghĩa xã hội có thể không cách nào cứu vãn được sự sụp đổ của nền kinh tế, cũng có thể cần phải chuyển hướng sang kinh tế thị trường thì mới được cứu. Nhưng bản thân ông ta không thể mạo hiểm đội chiếc mũ “làm loạn kinh tế”, càng không thể đội chiếc mũ “phản chủ nghĩa xã hội” được. Dù sao, kinh tế không phải là sở trường của ông ta, ông ta là người làm chính trị, cần phải đứng vững chân về mặt chính trị. Tháng 3 năm 1979, ông ta có một bài phát biểu về sau được ghi vào sử sách “Kiên định bốn nguyên tắc cơ bản”: Kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, chuyên chính giai cấp vô sản, đảng cộng sản lãnh đạo, tư tưởng Mao Mác Lê. Đây là đường lối chính trị của ông ta. Một năm sau, ông ta với khí phách của lãnh tụ toàn đảng, phát biểu một cương lĩnh chính trị bao trùm cả thập niên 1980 mang tên “Tình thế và nhiệm vụ trước mắt”. Đặng chỉ điểm giang sơn, nói về tình hình quốc tế, nói về Đài Loan, trọng điểm là nói về xây dựng hiện đại hóa. Hiện đại hóa như thế nào? Đọc một chút bài viết thao thao bất tuyệt dài 34 trang trong tập hai của “Tuyển tập bài viết Đặng Tiểu Bình” thì nhìn thấy rõ rồi. Bài thuốc của Đặng bốc gồm 4 vị sau: thứ nhất là nhanh nhiều tốt và tiết kiệm; thứ hai là an định đoàn kết; thứ ba là gian khổ phấn đấu; thứ tư là vừa hồng vừa chuyên. Đối mặt với một bãi đổ nát được Mao Trạch Đông để lại sau khi chết, Đặng Tiểu Bình cố hết sức mình, ông ta tăng cường sức lãnh đạo, cổ vũ sĩ khí mọi người, nhưng cho đến táng 1 năm 1980, trong cương lĩnh về thập niên 1980 của ông ta không hề có cải cách thể chế.

Về sau lịch sử đã chứng minh, cải cách chính là sửa đổi đi thể chế của Mao Trạch Đông. Không cải cách thì chỉ có thể lăn lộn đánh đấu ở bên trong thể chế của Mao, không cải cách thì chỉ có một con đường chết. Nhưng vào thời điểm đó thì những lãnh đạo của đảng, từ Hoa Quốc Phong, Uông Đông Hưng cho đến Trần Vân, Đặng Tiểu Bình thì trong đơn thuốc mà họ đưa ra, không hề có cải cách.

Tứ Xuyên tìm kiếm con đường cải cách

Tìm kiếm con đường cải cách thể chế, cải cách như thế nào là điều rất quan trọng. Càng quan trọng hơn là, cải cách cái gì.

Nhưng vào thời điểm đó, bao gồm cả Đặng Tiểu Bình và Trần Vân, cũng không ai có thể nói được cái gì gọi là “cải cách thể chế”. Trước khi Tứ Xuyên bắt đầu thí điểm cải cách thể chế kinh tế, trong số các lãnh đạo Trung ương không có người nào có thể nói rõ ràng (hoặc là không nguyện ý nói rõ ràng) “cải cách thể chế” cần phải cải cách những gì, nói đi nói lại, không có gì ngoài “tập trung hay là phân tán”, “phân tán hay là tập trung”. Ở đây có vấn đề về sự mạo hiểm.

Nhưng mà, Tứ Xuyên đã nghĩ rõ ràng rồi. Không những đã nói, hơn nữa còn bắt tay vào làm, bắt đầu làm một cách ổn định, vững chắc. Năm 1976, Tứ Xuyên bắt đầu chính sách nới lỏng. Bắt đầu từ năm 1978, bắt đầu từ lĩnh vực chính sách đã mở rộng sang lĩnh vực thể chế, tiến hành thí điểm cải cách thể chế kinh tế thành thị nông thôn. Nội dung cải cách thể chế kinh tế nông thôn, là mở rộng quyền tự chủ của nông dân; Nội dung cải cách thể chế kinh tế thành thị, là mở rộng quyền tự chủ của xí nghiệp. “Quyền tự chủ”, không gây chú ý mạnh mẽ như “quyền lãnh đạo”, “quyền sở hữu”, “quyền ra kế hoạch”, nhưng cũng không hề yếu đuối trừu tượng như là “tính tích cực”. Anh muốn có “tính tích cực”, đưa cho anh mấy đồng tiền thưởng, thì có thể đem anh sai phái được rồi. Anh nói “quyền sở hữu”, “quyền định ra kế hoạch” thì những người nhà nghề sẽ nói rằng anh là kẻ đi ngược lại với thế giới mất. Lẽ nào anh không hiểu được rằng “quyền sở hữu” chỉ mang họ “công/ công hữu”, “quyền ra kế hoạch” chỉ mang họ “quốc/ quốc gia”, “quyền lãnh đạo” chỉ mang họ “đảng” thôi ư? Nhưng mà “quyền tự chủ” thì lại không cứng không mềm, rõ ràng, ổn định, nếu bắt tay từ chỗ này, có thể giải phẫu càng thêm sâu, cũng có thể phòng thủ được vững vàng. Đặt ra “quyền tự chủ của nông dân” và”quyền tự chủ của xí nghiệp”, có một tiền đề hiển nhiên, đó là đem “nông dân” và “xí nghiệp” (mà không còn là “đảng” và “nhà nước”) xem là chủ thể của kinh tế nông thôn và thành thị. Đây cũng chính là tiền đề của kinh tế thị trường. Mở rộng quyền tự chủ của “nông dân” và “xí nghiệp”, cùng với thu hẹp quyền can dự của “đảng” và “chính phủ”, đều là đồng nghĩa trăm phần trăm với nhau.

Năm 1978, tỉnh ủy Tứ Xuyên dưới sự chủ trì của Bí thư thứ nhất Triệu Tử Dương, đưa ra quyết sách tiến hành thí điểm cải cách với nội dung mở rộng quyền tự chủ. Đây là bước tiến mang tính thực chất đầu tiên đưa cải cách vào trong đời sống kinh tế, cũng là điểm khởi đầu đưa Triệu Tử Dương bước lên con đường cải cách. Bản thân là nhà cải cách, sự mệnh của Triệu chính là thúc đẩy sự nhượng bộ của đảng và nhà nước trước nông dân và xí nghiệp, nói một cách thẳng thắn hơn, chính là thúc đẩy sự nhượng bộ của “các nhân tố hành chính mang tính cưỡng ép nằm ngoài lĩnh vực kinh tế” trước “chủ thể kinh tế”. Ở thời điểm đó, Hồ Diệu Bang trong thực tiễn xét lại các vụ án oan đã sáng tạo ra một loạt các cụm từ như “án oan sai, án giả, thì Triệu Tử Dương với thực tiễn nhượng bộ ở trên cũng tạo ra một loạt các cụm từ “cởi trói, phân cấp quyền lực, nhượng bộ lợi ích, làm sống lại”…đây đều là những khái niệm mang tính lịch sử làm cho người ta suy ngẫm, hồi tưởng.

Tứ Xuyên là tỉnh có nhân khẩu lớn nấht Trung Quốc, Xuyên Bắc, Xuyên Nam, Xuyên Đông, Xuyên Tây, bao gồm cả thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay là Trùng Khánh, bao gồm cả toàn bộ tỉnh Tây Khang[2]thời Trung Hoa Dân Quốc[3], dân số toàn quốc lúc đó là hơn 1 tỉ người, Tứ Xuyên có khoảng 100 triệu dân. Tứ Xuyên với lịch sử hơn hai nghìn năm, sớm đã được mệnh danh là vùng đất giàu cơm cá. Vào thập niên 1960, sau khi Mao Trạch Đông đem nơi đây xem là trung tâm xây dựng của chiến lược phòng tuyến thứ ba, biến Tứ Xuyên trở thành địa phương với một loạt nghành công nghiệp quân sự mũi nhọn. Trong thời kỳ Đại nhảy vọt, Bí thư thứ nhất tỉnh ủy Tứ Xuyên chính là làm việc dựa theo ánh mắt của Mao Trạch Đông, không để ý tới sống chết của người dân. Trong số từ 30-40 triệu người chết đói trong nạn đói lớn trên toàn quốc từ năm 1959-1961, Tứ Xuyên đã chết mất hơn 10 triệu người. Chế độ của Mao đã làm hại cả Tứ Xuyên. Sau khi mở rộng quyền tự chủ cho nông dân và xí nghiệp thì Tứ Xuyên thu được cuộc sống mới. Đương nhiên đây không phải là công lao cứu vãn trời đất của một cá nhân lãnh đạo, nhưng chắc chắn nó ngưng tụ tâm huyết của người lãnh đạo. Câu dân ca “Muốn có gạo ăn, tìm Tử Dương” đã vượt qua ranh giới của Tứ Xuyên, truyền đến Bắc Kinh.

Hoạt động cải cách kinh tế ổn định, nổi bật của Bí thư thứ nhất tỉnh ủy Tứ Xuyên Triệu Tử Dương, cùng với việc Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang tiến hành bình xét án oan sai trên quy mô lớn, trở thành hai điểm sáng được bàn tán ở khắp mọi ngõ ngách trên toàn quốc vào thời điểm đó.

Tiến vào thời kỳ cải cách

Năm 1978 và 1979, Hồ Diệu Bang, Triệu Tử dương lần lượt được bầu vào Bộ chính trị. Tháng 2 năm 1980, hai người cùng lúc được bầu vào Ban thường vụ Bộ chính trị, Hồ giữ chức Tổng bí thư, Triêu giữ chức Tổ trưởng Tiểu tổ Tài chính kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng (thường trực) Quốc vụ viện, Thủ tướng.

Giai đoạn này chính là bước vào thời kỳ cải cách trong hồi ký của Triệu Tử Dương. So sánh với những cải cách kinh tế trên quy mô toàn quốc mà ông ta chủ trì, những cải cách ở Tứ Xuyên chỉ là thử nghiệm nhỏ với con dao mổ bò mà thôi.

Cải cách thể chế, cải cách như thế nào, ai có thể nói được rõ ràng? Những người có thể nói một cách rõ ràng vấn đề, từ thập niên 1950 trở đi đã bị mang ra đấu tố sạch rồi. Bởi vì Mao Trạch Đông đã dùng khoảng thời gian hàng chục năm, dồn hết mọi công sức tâm trí vào những cuộc “đấu tranh giai cấp” nối tiếp nhau với mục tiêu là phá hủy kinh tế thị trường, bồi dưỡng lên một lớp lại một lớp cán bộ và học giả đắc lực để thảo phạt thị trường, tiến hành gieo rắc vào trong tâm trí người dân sự sợ hãi và thù hận đối với kinh tế thị trường.

Hiện tại sau quãng thời gian 30 năm, cuối cùng người ta cũng tỉnh ngộ lại: Cải cách ở Trung Quốc, chính là xóa bỏ đi chế độ của Mao Trạch Đông. Nhưng ở Trung Quốc Đại Lục, lại có một chuyện kì quái, đó là chỉ cho phép nói về cải cách, không cho phép xóa bỏ Mao. Cải cách cần được ca tụng, xóa bỏ Mao cần phải bị thảo phạt. Ngày hôm nay sau 30 năm cũng lại như vậy, vào 30 năm trước nếu có người đề xuất cần xóa bỏ thể chế Mao, chắc chắn sẽ gặp phải vận mệnh y hệt như nữ giáo viên Trương Chí Tân và nữ sinh viên Lâm Chiêu, cải cách chắc chắn sẽ bị bóp chết từ ngay trong trứng nước.

Con đường phủ định thể chế kinh tế của Mao Trạch Đông, cũng có nghĩa là về mặt kinh tế cần từng bước từng bước loại bỏ học thuyết của Mao. Năm 1978 là “quyền tự chủ”. Ba năm sau, tháng 11 năm 1981, Triệu Tử Dương đưa ra một góc nhìn mới: “hiệu suất kinh tế”. Ông ta lấy ví dụ về thành tích tăng trưởng kinh tế trong 28 năm từ 1950 đến 1980: tổng sản lượng sản xuất công nông nghiệp tăng 8.1 lần, thu nhập quốc dân tăng 4.2 lần, tài sản công nghiệp cố định tăng 26 lần. Vậy thì, mức tiêu thụ bình quân đầu người toàn quốc thì sao? một lần! Đi suốt 28 năm theo cách làm cũ, hiệu suất kinh tế là như vậy như vậy, từ nay về sau không đi con đường mới thì có được không? Lại đi qua 3 năm, năm 1984, khái niệm “kinh tế thương phẩm” dưới nỗ lực thúc đẩy vất vả của Triệu Tử Dương và những người khác, cuối cùng cũng đứng được một cách vững vàng ở Trung Quốc, cuối cùng cũng trở thành hợp pháp! “kinh tế thương phẩm” là một khái niệm được cho phép sử dụng hợp pháp dưới tình hình chính trị lúc đó, trên thực tế là từ thay thế cho “kinh tế thị trường”.

Đây chính là toàn bộ quá trình liên quan đến cải cách, những vất vả cùng sự tìm tòi ở bên trong nó, sự khác biệt và hợp tác, đều được trình bày trong cuốn sách này, đây là nguồn sử liệu tôi sâu sắc và đáng tin cậy nhất mà tôi được xem cho đến ngày nay.

Bất đồng giữa Triệu và Đặng về việc định vị mối quan hệ giữa đảng và nhân dân

Năm 1989, giữa Đặng Tiểu Bình và Triệu Tử Dương xảy ra xung đột chính diện.

Cái chết của Hồ Diệu Bang dẫn tới phong trào sinh viên nổ ra. Đặng chủ trương điều động lực lượng quân đội trấn áp; Triệu chủ trương tìm kiếm cách giải quyết dựa trên quỹ đạo của dân chủ và pháp chế. Những vấn đề được người dân quan tâm nhất là vấn đề tham nhũng và vấn đề dân chủ, tiến hành đi sâu cải cách kinh tế đồng thời khởi động cải cách thể chế chính trị sẽ thu hút được sự chú ý của toàn xã hội đối với vấn đề cải cách.

Kết cục là mọi người đã nhìn thây: Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đặng Tiểu Bình đưa ra phán quyết rằng Tổng bí thư Triệu Tử Dương phạm tội “chia rẽ đảng” và “ủng hộ động loạn”; Các nguyên lão quyết định đưa Giang Trạch Dân thay thế triệu. Sau khi Giang lên cầm quyền, đem Triệu trở thành tù nhân của quốc gia giam giữ suốt đời, hơn nữa xóa bỏ mọi tin tức liên quan đến Triệu trên sách, báo chí, tin tức.

Giữa Đặng Tiểu Bình và Triệu Tử Dương không hền tồn tại cái gì ân oán cá nhân. Tháng 4 năm 1980 Triệu đến Bắc Kinh công tác, cho đến tháng 4 năm 1989 trước khi phong trào sinh viên nổ ra, Đặng Tiểu Bình vẫn là rất vừa lòng với công tác của Triệu Tử Dương, không phải là vừa lòng bình thường, mà là rất rất hài lòng.

Ban đầu thì Đặng Tiểu Bình không bày tỏ thái độ đối với cải cách kinh tế, bởi vì vào lúc đó không có nắm chắc, sợ sẽ xảy ra rối loạn, không tốt để thu thập cục diện. Bản thân là một người làm chính trị, đây là điều rất bình thường. Cho tới sau khi nhìn thấy thành quả thực tế ở Tứ Xuyên, Đặng Tiểu Bính bắt đầu yên tâm. Nhìn thấy Triệu sau khi tới Trung ương công tác tiếp tục giữ được ổn định, với đường lối cải cách bình ổn và phát triển để thúc đẩy hai thành phần kinh tế trong và ngoài kế hoạch tiếp tục tăng trưởng, Đặng càng yên tâm hơn. Có thể nói, Đặng là người nhất mực ủng hộ những kế hoạch và thực thi về cải cách kinh tế của Triệu Tử Dương, ủng hộ mạnh mẽ không bảo lưu đối với Triệu. Đối với sự ủng hộ của Đặng, Triệu cũng hết sức vui mừng. Hai người có được sự hợp tác rất tốt đẹp.

Vấn đề hoàn toàn phát sinh từ sự khác biệt về phán đoán tính chất và các quyết sách được đưa ra đối với phong trào sinh viên 1989. Triệu cho rằng, sinh viên tưởng niệm Hồ Diệu Bang là hợp pháp, bình thường. Đặng nói, đây là động loạn phản đảng phản chủ nghĩa xã hội. Triệu nói, sinh viên đưa ra yêu cầu, phản đối tham nhũng, yêu cầu dân chủ, việc này cần thông qua quỹ đạo dân chủ và pháp chế, thông qua đối thoại hiệp thương giữa các thành phần trong xã hội, từ đó tìm ra phương án giải quyết, tiến thêm một bước thúc đẩy cải cách. Đặng nói, không thể nhượng bộ trước sinh viên, cần phải điều động quân đội, thủ đô cần phải được giới nghiêm. Đây là tranh luận đã nổ ra tại cuộc họp Ban thường vụ Bộ chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào chiều ngày 17 tháng 5. Ban thường vụ Bộ chính trị có 5 người. Triệu Tử Dương và Hồ Khải Lập có ý kiến giống nhau; Lý Bằng và Diêu Y Lâm là có ý kiến khác; Kiều Thạch trung lập. Dưới tình hình như vậy, Đặng Tiểu Bình lại nói, ông ta đồng ý với quyết định của “đa số trong Ban thường vụ Bộ chính trị – chính là như vậy, Đặng Tiểu Bình tự mình ra quyết định.

Đại hội 13 thông qua quy định “Quy tắc hội nghị Ban thường vụ Bộ chính trị”, trong đó nói rằng khi gặp phải chia rẽ về một vấn đề quan trọng, Ban thường vụ Bộ chính trị cần báo cáo cho Bộ chính trị, để Bộ chính trị hoặc hội nghị Trung ương đưa ra quyết định. (Vào thời điểm đó Ủy viên Bộ chính trị có 17 người, 14 người ở Bắc Kinh, tuy có 3 người đang ở bên ngoài, trong thời gian ngắn cũng có thể đến kịp.) Đặng Tiểu Bình cũng cho rằng, ông ta không phải là Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị, không cần phải tuân thủ quy tắc của Ban thường vụ Bộ chính trị; có thể, ông ta cho rằng, vấn đề này không quá quan trọng, ông ta có quyền quyết định, sau sự việc sẽ thông báo một tiếng cho Bộ chính trị xác nhận là được; có thể, trong thâm tâm ông ta, căn bản không có khái niệm “quy tắc”.

Hiến pháp Trung Quốc quy định, tất cả mọi quyền lực của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa thuộc về người dân. Có thể Đặng Tiểu Bình cho rằng, không cần thiết đưa yêu cầu lên các cơ cấu thường trực của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tiến hành biểu quyết, loại trình tự này quá mức rắc rối, vô lý, hiệu suất thấp, không làm được việc. Có thể, ông ta căn bản cho rằng, Hiến pháp Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa không được đặt ra để áp dụng cho “người lãnh đạo hạt nhật của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Hiến pháp quy định Quốc vụ viện có quyền quyết định giới nhiêm, nhưng trong 3 ngày từ 17 tháng 5 khi Ban thường vụ Bộ chính trị quyết định giới nghiêm đến ngày 19 tháng 5 thực hiện lệnh giới nghiêm, Quốc vụ viện có hay không mở cuộc họp toàn thể hoặc cuộc họp Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc? Kiểm tra thì sẽ biết ngay thôi. Tôi đã kiểm tra qua, không có.

Chính là như vậy, đã diễn ra sự việc hàng trăm nghìn binh lính tiến vào thủ đô Bắc Kinh, dùng xe tăng và súng trường tiến công chĩa vào người dân và sinh viên tiến hành thảm sát “Lục Tứ”. Những binh lính quốc phòng được dùng để đối phó với những người dân thường đưa đơn thỉnh nguyện hòa bình lên đảng và chính phủ. Bi kịch khủng khiếp đã xảy ra, tiếp đó là một cuộc bức hại thanh lọc trên quy mô toàn quốc đối với toàn đảng toàn quân toàn dân. Ổn định nghiền ép tất cả, nó nghiền ép cải cách, nghiền ép pháp luật, nghiền ép lương tâm, nghiền ép người chủ quốc gia, nghiền ép không biết bao nhiêu người dân đã nhà tan người chết.

Bản thân là một công dân, Triệu Tử Dương đã bị giam giữ trái phép bởi Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong suốt 15 năm, cho đến khi ông qua đời ở tuổi 85, thì nhà cải cách này mới thoát khỏi bị giam cầm, “tự do” rồi.

Có người nói, Tổng bí thư muốn chia rẽ đảng, trong khi đó Chủ tịch Quân ủy Trung ương lại muón cứu đảng. Căn cứ vào quan sát của tôi, hai người bọn họ đều là những người trung thành với Đảng Cộng sản, đều đem vận mệnh của bản thân gắn liền với đảng, đều muốn đem đảng này xây dựng tốt lên. Khác biệt nằm ở chỗ, Tổng bí thư cho rằng, đảng cần phải thuận theo dân ý, cần phải phục tùng ý muốn của người dân; Chủ tịch Quân ủy Trung ương cho rằng, đảng không bao giờ được thể hiện sự yếu đuối trước người dân, ý muốn của người dân cần phải chịu sự lãnh đạo của đảng. Xuất hiện ý kiến khác nhau, đối với những chính đảng khác đều là chuyện bình thường, nhưng đối với một chính đảng như Đảng Cộng sản vốn dựa vào nòng súng để đi lên, nó luôn là dựa vào mệnh lệnh của tổng chỉ huy để loại trừ mọi ý kiến khác biệt. Do vậy, trong lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đối với nhân dân, đối với đồng chí, thì những cuộc tranh đấu tàn khốc, trấn áp vô tình đã trở thành chuyện cơm bữa.

“Lục Tứ” mở ra một cục diện mới khi toàn dân bị khóa mõm

Tôi không biết rõ số lượng bao nhiêu đồng bào đã ngã xuống dưới xe tăng và họng súng trường tấn công. Trung Quốc mỗi năm đều tổ chức thảo luận về số lượng người Trung Quốc bị giết khi Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, nhưng chưa bao giờ thảo luận qua về số lượng người Trung Quốc bị giết bởi chính quân đội của đất nước mình. Chính quyền đã từng công bố tin tức “ở quảng trường Thiên An Môn không hề có một người chết”, điều này rất cơ trí, nhưng rất không thành thật. Gia đình tôi khi đó ở trong khu gọi là “tòa nhà dành cho các bộ trưởng”, chính là đã có người ở trong nhà bị đầu đạn từ bên ngoài bay vào nhà gây ra chết người. Nghe nói rằng toàn thế giới đều xem được tường thuật trực tiếp cảnh quân đội tiến hành thảm sát đồ thành ở Kinh. Ở thời điểm đó tôi đã ở trong nhà gian, không nhìn thấy được, nhưng mà tôi tin rằng, những cảnh quay đó, là tác phẩm của bản thân Đặng Tiểu Bình, không thể là có người nước ngoài nào đó “yêu ma hóa Trung Quốc”.

Sau khi xảy ra sự kiện đẫm máu Lục Tứ, chính quyền lại phát động cuộc thanh trừng, bố ráp trên quy mô toàn quốc, tôi không biết rõ ràng kết quả của cuộc thanh trừng, tìm kiếm này. Số lượng những người bởi vì đồng tình với phong trào sinh viên, do đó phản đối sử dụng quân đội trấn áp người dân mà bị trừng phạt, căn cứ vào kinh nghiệm trước đây, có lẽ phải vượt qua nhiều so với số lượng thương vong trực tiếp. Nhưng đến cung là có bao nhiêu người, thì đây là bí mật quốc gia, không được phép hỏi thăm, không được phép “phát tán”.

Có bao nhiêu người không còn nhà để về, hoặc là có bao nhiêu người tan nát gia đình? Bao nhiêu người bị khai trừ công việc, vĩnh viễn không được tuyển dụng lại, không kế sinh nhai? Có bao nhiêu người mất tích? bao nhiêu người bị đi lao động cải tạo, bị xét xử? Ai biết được con số này?

Trung ương Đảng đã đặt ra tiền lệ dùng vũ lực trấn áp công dân. Hai mươi năm qua, các thế hệ lãnh đạo tiếp tục lên nắm quyền, đều làm theo như là tuyên thệ, đưa ra những lời tán thưởng dành cho hành động trấn áp. Ở trên làm thì ở dưới học theo, từ cấp tỉnh, thành phố, huyện, hương, thôn đều tạo ra không biết bao nhiêu sự kiện tiểu Thiên An Môn trấn áp người dân? Có người nói, một năm có 365 ngày thì gần như mỗi ngày đều có. Có thể lắm chứ. Trong số vô vàn những cuộc đàn áp quy mô nhỏ hơn Thiên An Môn đó, có bao nhiêu người bị hại? Lại có bao nhiêu được xếp là “bí mật quốc gia”? Chính quyền không nói, cũng không cho phép truyền thông Trung Quốc lên tiếng nói cho người dân Trung Quốc được biết.

Có người nói, bạo lực trấn áp đã tạo ra phồn vinh. Tôi chỉ biết, là cải cách kinh tế đưa tới phồn vinh. Là nhân dân, dùng kinh tế thị trường phá vỡ dây xích của Mao Trachj Đông trói buộc họ, từ đó tạo nên phồn vinh. Bây giờ có người tổng kết, nói rằng phồn vinh là sản vật của trấn áp. Đối mặt với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tôi không biết được bọn họ có hay không đã chuẩn bị giới thiệu kinh nghiệm trấn áp, nhằm cứu rỗi kinh tế thế giới.

Có người vui mừng khi Trung Quốc đã có bước nhảy vọt âm thầm trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ. Tôi tin tưởng rằng điều này là thật sự. Dưới vó ngựa của Hốt Tất Liệt[4] thì Trung Quốc đã sớm là thiên đường của sự phồn hoa dưới cái nhìn của Marco Polo[5]. Trong những năm 20 của thế kỷ 20 dưới sự thống trị của chính phủ quân phiệt Bắc Dương[6], căn cứ vào tư liệu của phóng viên thời đó là Trâu Thao Phấn[7]tiên sinh cung cấp, Trung Quốc vốn là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, luôn lớn hơn cả Nhật Bản và Đức, chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Anh Quốc. Bởi vì vào lúc đó Anh Quốc có rất nhiều thuộc địa trên khắp thế giới, nếu như tính theo diện tích lãnh thổ mà nói, rất có khả năng, Trung Quốc dưới thời chính phủ Bắc Dương có khả năng xếp hạng kinh tế không thua kém so với chính quyền Trung Quốc hiện nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chí ít cũng chưa bị đánh cướp bởi thuyết nhất nguyên.

Lục Tứ đã mở ra một cực diện mới với việc toàn dân bị khóa mõm. Sau chuyến tuần du phương Nam của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc lại âm thầm đề xuất lại cải cách kinh tế, một lần nữa phân phối tài phú. Ai là kẻ hưởng lợi nhiều nhất trong thời đại im lặng này? Tôi không biết. Tôi chỉ biết rằng, toàn bộ những người dân bị ép buộc phải im lặng, bị khóa mõm đều là những nạn nhân bị bức hại của trận thảm sát, đồ thành Lục Tứ. Ngay cả những người vào thời điểm đó chưa được sinh ra, thì sau khi sinh ra họ vẫn tiếp tục phải im lặng, hơn nữa trong tình trạng bất giác, phải cung cung kính kính, lễ bái quyền lực, đương nhiên càng là những nạn nhân oan ức ô tội.

Nguồn: Tiếng Dân

_____

[1] Cách mạng Tân Hợi ( từ ngày 10 tháng 10 năm 1911 đến 12 tháng 2 năm 1912) là cuộc cách mạng dân chủ tư sản, do những trí thức cấp tiến lãnh đạo, đã lật đổ triều đại Mãn Thanh, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại lâu đời ở Trung Quốc, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển, có ảnh hưởng nhất định đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở một số nước Châu Á.

[2] Tây Khang 西康省 là một tỉnh không còn tồn tại của Trung Hoa Dân Quốc. Tỉnh bao gồm hầu hết khu vực Kham của Tây Tạng. Khu vực này cũng là nơi cư trú của một thiểu số nhỏ những người thuộc sắc tộc Mông Cổ. Tây Khang, trước đó được gọi là Xuyên Biên (川邊), là một “Đặc khu hành chính” của Trung Hoa Dân Quốc cho đến trước năm 1939, khi nó chính thức trở thành một tỉnh. Tỉnh lị của Tây Khang là Khang Định từ năm 1939 đến 1951, và Nhã An từ 1951 đến 1955. (biên tập)

[3] Trung Hoa Dân Quốc là nhà nước thống trị Trung Quốc từ năm 1912 đến năm 1949. Năm 1911, Cách mạng Tân Hợi bùng phát khiến triều Mãn Thanh sụp đổ. Ngày 1 tháng 1 năm 1912, Tôn Trung Sơn thành lập Chính phủ lâm thời tại Nam Kinh, tuyên bố kiến lập Trung Hoa Dân Quốc. Năm 1949, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc dưới quyền Trung Quốc Quốc Dân Đảng bị lực lượng vũ trang của Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh bại trong nội chiến, do đó để mất sự thống trị với Trung Quốc đại lục. Ngày 1 tháng 10 cùng năm, Đảng Cộng sản Trung Quốc kiến lập Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Bắc Kinh, chính thức nắm giữ quyền thống trị đối với Trung Quốc đại lục, đến tháng 12 cùng năm thì Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc dời đến Đài Bắc, tiếp tục duy trì thống trị đối với khu vực Đài Loan.

[4] Hốt Tất Liệt (1215 – 1294), là Đại khả hãn thứ năm của Đế quốc Mông Cổ, đồng thời là người sáng lập ra triều đại nhà Nguyên trong lịch sử Trung Quốc.Năm 1260, Hốt Tất Liệt đã trở thành Đại hãn của đế quốc Mông Cổ sau khi anh trai ông là Đại hãn Mông Kha chết năm trước đó, mặc dù em trai ông là A Lý Bất Ca (Ariq Böke) cũng tự xưng là đại hãn tại kinh đô của đế quốc Mông Cổ vào thời điểm đó là Karakorum. Năm 1271, Hốt Tất Liệt thành lập nhà Nguyên, vào thời gian đó kiểm soát các khu vực ngày nay thuộc Mông Cổ, Hoa Bắc, phần lớn miền tây Trung Quốc và các khu vực cận kề, và ông có địa vị của một Hoàng đế Trung Hoa. Năm 1279, quân đội nhà Nguyên cuối cùng đã đánh bại Nam Tống và như thế Hốt Tất Liệt đã trở thành hoàng đế Trung Hoa một cách đầy đủ. Miếu hiệu của ông là Nguyên Thế Tổ (元世祖).Dưới sự lãnh đạo của ông, đế quốc Mông Cổ đã đạt đỉnh điểm của sự hưng thịnh. Ông đã dời đô từ Hoa Lâm về Đại Đô tức Bắc Kinh ngày nay.

[5] Marco Polo (1254 – 1324) là một thương gia và nhà thám hiểm gốc Venice. Trong số các nhà thám hiểm, ông, cùng cha (Niccolò) và chú (Maffeo), là những người châu Âu đầu tiên đến Trung Quốc bằng Con đường tơ lụa cũng như đến thăm vị khả hãn Mông Cổ Hốt Tất Liệt. Những cuộc du hành của ông đã được ghi lại trong Marco Polo du ký)

[6] Chính phủ Bắc Kinh Trung Hoa Dân Quốc北洋政府: Là chỉ chính phủ trung ương đặt thủ đô tại Bắc Kinh trong thời kỳ đầu kiến quốc Trung Hoa Dân Quốc, do nhân sĩ Bắc Dương phái nắm quyền nên được gọi là Chính phủ Bắc Dương. Sau Cách mạng Tân Hợi bùng phát năm 1911, Chính phủ Bắc Dương là chính quyền đầu tiên được quốc tế thừa nhận kế thừa pháp thống Trung Quốc, đánh dấu Trung Hoa Dân Quốc chính thức xuất hiện. Ngày 6 tháng 10 năm 1913, Viên Thế Khải qua bầu cử trở thành đại tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc, đánh dấu Chính phủ Bắc Dương chính thức thành lập, tiếp nối Chính phủ Lâm thời Trung Hoa Dân Quốc.Chính phủ Bắc Dương là một chính phủ khá dân chủ trong lịch sử Trung Quốc, cũng có cống hiến quan trọng cho duy trì chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Dưới quyền chính phủ Bắc Dương, vào năm 1917 Trung Quốc gia nhập phe Hiệp Ước trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, đồng thời trong năm 1919 lấy thân phận “nước chiến thắng” tham dự Hội nghị hòa bình Paris, song do Phong trào Ngũ Tứ kháng nghị nên không ký vào Hòa ước Versailles. Năm 1928, sau khi Chiến tranh Bắc phạt kết thúc, Chính phủ Bắc Dương chính thức bị Chính phủ Quốc dân thay thế.

[7] Trâu Thao Phấn (1895-1944): Quê ở Vĩnh An tỉnh Phúc Kiến. Là một nhà báo, nhà hoạt động xuất bản. Người sáng lập Tam Liên Thư Điếm.