(Viết để tưởng niệm nhạc sĩ Phạm Đình Chương và ngẫm về biến cố 30-4-1975)

Nguyễn Bảo Hưng

Ta thường nghe nói mỗi ca sĩ đều có dăm ba bài ca tủ, còn nhạc sĩ nào cũng có ít nhất một bản nhạc để đời. Tôi không phải là ca sĩ, mà cũng chẳng phải là nhạc sĩ ; vậy mà tôi cũng có một bài ca tủ, một bản nhạc để đời. Mới nghe, đã thấy muốn tức cười ; nhưng với tôi, nói dzậy mà lại đúng là dzậy đó. Số là tôi không đến nỗi thuộc loại đàn gảy tai trâu cho lắm, nên cũng thích nghe nhạc như mọi người. Và bởi cũng biết nghe nhạc như ai, nên tôi mới chọn cho tôi một bài ca tủ, một bản nhạc để đời. Thôi thì nói gần nói xa chẳng qua nói thật, cái bài ca tủ, cái bản nhạc đề đời tôi chọn, ấy là bản Xóm đêm của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, với lời ca dưới đây mà tôi mong là đúng với nguyên bản :

Đường về canh thâu

Đêm khuya ngõ sâu như không màu

Qua phên vênh có bao mái đầu

Hắt hiu vàng ánh điện câu.

Đường dài không bóng

Xa nghe tiếng ai ru mơ màng

Mưa rơi rơi xóa lối đi mòn

Có đôi lòng vững chờ mong.

Ai chia tay ai đầu xóm vắng im lìm

Ai rung lên tia mắt ngàn câu êm đềm

Mong sao cho duyên nghèo mai nắng gieo thềm

Đẹp kiếp sống thêm.

Màn đêm tịch liêu

Nghe ai thoáng ru câu mến trìu

Nghe không gian tiếng yêu thương nhiều

Hứa cho đời thôi đìu hiu..

Đêm tha hương ai vọng trông

Đêm cô liêu chinh phụ mong

Đêm bao canh mưa âm thầm

Theo gió về khua cơn mộng

Hẹn mai ánh xuân nồng.

Cho nên đêm còn dậy hương

Để dìu bước chân ai trên đường

Để nhìn xóm khuya không buồn

Vì người biết mang tình thương.

Nhạc sĩ Phạm đình Chương

Hãy khoan bàn về thể điệu tác giả chọn để diễn tả ý nhạc vội. Chỉ cần nhìn hình thức lời ca được phân đoạn như trên, ta đã có thể coi Xóm đêm là một bài thơ. Mà quả đúng là một bài thơ, theo tôi. Không chỉ do nhịp điệu và vần điệu của mỗi khổ, mà mỗi ca từ đều được Phạm Đình Chương chọn lọc cân nhắc để truyền đạt một ý nghĩa đặc biệt, khiến ta có thể sánh toàn bộ ca từ của ông với một bài thơ biểu tượng hàm súc ý vị.

Ngay trong câu mở đầu Đường về canh thâu, hai chữ canh thâu đã gợi cho ta ý nghĩ, qua thành ngữ « thức suốt canh thâu », cái xóm đó chắc phải thuộc một vùng xa xôi hẻo lánh. Thực tế, sự cách xa đó không phải do cách biệt bởi quãng đường dài, mà do sự khác biệt lớn lao giữa hai thế giới, giữa hai khung cảnh sống : một bên là chốn phồn hoa ánh đèn rực rỡ, một bên là xóm nghèo với những con hẻm tăm tối (ngõ sâu như không màu), nơi sống âm thầm những con người thuộc thành phần vô tên tuổi (bao mái đầu) bên trong những mái tranh xiêu vẹo (phên vênh). Cũng trong câu hai này, ta cần để ý là Phạm Đình Chương đã không viết ngõ tối hay ngõ vắng là những từ rõ nghĩa khiến trí tưởng tượng của ta ít còn đường dụng võ. Từ sâu, trái lại, không chỉ bao hàm ý vắng tối, mà còn gây cho ta cảm giác về một cái gì đó bí ẩn, đe dọa (hang sâu, vực thẳm), khiến kẻ phàm tục đi ngang vội chùn bước, không muốn dấn thân vào một chốn được coi là đe dọa hiểm nghèo. Mà cho dù không cảm thấy có gì đe dọa chăng nữa, thì hai chữ hắt hiu trong các thành ngữ văn chương quen thuộc như « nắng vàng hiu hắt », « nỗi buồn hiu hắt » hay «xóm làng hiu hắt »… cũng đủ gợi lên trong ta cảnh sống âm thầm, tẻ nhạt của một nơi chốn lạc lõng khuất nẻo, chẳng có có gì lôi cuốn, hấp dẫn đáng để ta ghé lại thăm. Nhưng với Phạm Đình chương lại khác. Chính cái màu vàng hiu hắt của ánh điện câu vàng vọt ấy đã níu kéo bước chân ông, bởi vì nơi đây ông không chỉ tìm thấy những con người, mà còn là những tấm lòng.

Thế nhưng, dường như đó lại không phải là cảm nhận của giới tự cho nghe nhạc sành điệu ngày nay, đặc biệt thành phần con cháu mấy ông bà tân đại gia hay viên chức của quyền ở Việt Nam. Chả thế mà trong một youtube được phổ biến trên mạng, có lần tôi được nghe một bà MC, để giới thiệu bản Xóm đêm(1), đã bày tỏ lòng trắc ẩn trước cảnh một cụ già tối tối ngồi co ro trong manh chiếu rách tại một khu xóm nghèo, và kêu gọi mọi người đi ngang hãy nhủ lòng thương tới bố thí cho ông già . Điệu nghệ hơn, trong một youtube khác, là cảnh một ông ca sĩ trẻ trung chắc phải là con cháu gia, ăn vận như ông hoàng trổ tài diễn tả bản Xóm đêm trong một khung cảnh hoành tráng bên chiếc xe kéo nạm bạc bóng loáng đặt giữa một tòa lâu đài lộng lẫy như trong truyện huyễn hoặc Ngàn lẻ một đêm vậy(2). Giới thiệu hay diễn tả bản nhạc theo phong cách ấy, chắc chỉ dành cho những thành phần có thói quen vừa nghe nhạc vừa liếc mắt đọc mục nhắn tin trên smartphone loại xịn, và cho rằng chỉ cần lắc lư cái đầu theo nhịp tắc xình, tắc xình của giai điệu Rumba quyến rũ là đủ chứng tỏ ta đây dân sành điệu. Họ đâu thắc mắc về hai chữ « điện câu » trong câu hắt hiu vàng ánh điện câutác giả viết với dụng ý gì. Hoặc giả có thắc mắc, họ cũng chỉ nhún vai nghĩ thầm điện câu hay điện soi cũng thế thôi. Chẳng qua là do ca sĩ hát sai lời, hoặc do sơ ý của người viết nhạc mà ra. Tôi cho rằng một thái độ nghe nhạc hời hợt kiểu đó, chẳng khác gì muốn biến bản nhạc mang giai điệu rumba của Phạm Đình Chương thành một thứ nhạc sến, bắt nhạc sĩ tài hoa của chúng ta phải đội mồ sống dậy để phân bua rằng ông không hề nuôi ý đồ sáng tác bản nhạc trong tinh thần đó. Thực ra, cái đem lại đồng tiền bát gạo, cái khiến bản Xóm đêm có nên cơm cháo gì khiến người yêu nhạc muốn lắng nghe để thưởng thức như là một tác phẩm có giá trị văn hóa nghệ thuật hay không là nằm trong ba chữ ánh điện câu, chứ không phải bằng biểu lộ thái độ kênh kiệu hay bày tỏ trắc ẩn ấy. Tại sao vậy ?

Học giả Pháp Ernest Renan, trong cuốn L’Avenir de la science, có viết một câu vẫn thường được dùng làm đề luận văn cho ban tú tài Pháp : « La vraie admiration est historique » (Sự tán thưởng đích thực có nội dung lịch sử). Với tôi, có lẽ chưa bao giờ câu nói để đời này lại thích hợp với trường hợp bản Xóm đêm cho bằng. Bởi vì có đặt bản nhạc trong bối cảnh lịch sử nó được cho ra đời, ta mấy thấy mấy chữ hắt hiu vàng ánh điện câu Phạm Đình Chương dùng rất tinh xảo, là có chủ đích rõ rệt. Và có nắm được dụng ý này, ta mới thưởng thức được hết cái tinh hoa nghệ thuật trong ý nhạc lời thơ của bản Xóm đêm.

Xóm đêm, nếu tôi nhớ không lầm, được ra đời khỏng 1956 hay 1957 gì đó, nghĩa là chỉ vài ba năm sau Hiệp Định Genève 1954, Hiệp Định dẫn đến biến cố hơn một triệu người dân rời miền Bắc đến sinh sống tại miền Nam. Do dân số gia tăng đột ngột, nhất là các khu ngoại ô quanh Sài Gòn, khiến nhu cầu về điện cũng gia tăng. Hồi đó Đập Đa Nhim nhằm cung cấp năng lượng cho một công trình biến điện mới còn đang giai đoạn xây cất. Nhà máy điện Sài Gòn, khi đó, không đủ khả năng cung cấp điện cho mọi người. Tại các khu xóm lao động ngoại ô, chỉ những dân cư ngụ lâu đời mới có công tơ điện mà thôi. Còn dân di cư mới tới hầu như phải như phải sống ngập chìm trong tăm tối. Trước cảnh ngộ đó, chủ các căn hộ được cấp công tơ điện, để tỏ tình tương thân tương trợ, đã đồng tình cho các gia đình mới đến được dùng giây điện móc vào công tơ của mình để san sẻ ánh sáng, cho dù ánh đèn của họ có bị vàng vọt yếu ớt theo. Đó chính là ý nghĩa của câu « Hắt hiu vàng ánh điện câu », và Phạm Đình Chương đã sử dụng hai chữ « điện câu » với chủ ý rõ rệt.

Giả dụ có ai đó đem thay thế chữ câu bằng chữ soi để đổi câu nhạc của Phạm Đình Chương thành « hắt hiu vàng ánh điện soi », và đắc ý cho rằng sửa như vậy mới thích hợp giúp cho lời ca được sáng nghĩa hơn. Anh ta đâu có hiểu rằng từ « soi » được dùng để thay thế áy dã khiến hình tượng « hắt hiu vàng » lại được hiểu theo nghĩa một ánh sáng le lói, èo uột nói lên một cảnh sống thấp kén nghèo hèn. Hình ảnh gợi lên, do đó, sẽ đem lại cho người nghe cảm giác bản nhạc của Phạm Đình Chương chỉ để mô tả kiếp sống cơ cực lầm than của một khu xóm nghèo hèn tăm tối. Cảm giác này đã hoàn toàn phản lại tinh thần và quan niệm sáng tác của tác giả. Cảm xúc của ta, do đó, cũng bị hướng theo một hướng thưởng ngoạn khác. Để đánh tan mọi ngộ nhận, ta hãy đọc lại cái tựa bản nhạc. Nếu chỉ muốn bày tỏ nỗi thương cảm xót xa trước cảnh sống khổ cực lầm than của người dân nghèo trong một khu xóm tăm tối, tác giả hẳn phải đặt cho bản nhạc cái tên Xóm nghèo chứ .Vậy tại sao lại Xóm đêmmà không phải Xóm nghèo ?

Giờ ta hãy lắng nghe lời nhạc. Ngay mấy câu mở đầu đã cho ta cảm giác đang đi lạc vào một khu xóm tồi tàn với những mái tranh xiêu vẹo (phên vênh), nơi đó sống lầm lũi những thân phận bọt bèo không ai màng ngó tới (có bao mái đầu). Nhưng với Phạm Đình Chương lại khác. Bằng cảm nhận tinh tế của một nghệ sĩ tài hoa, ông không chỉ thấy cái nghèo hèn do ánh vàng hiu hắt. Trái lại, qua anh điện èo uột le lói đó, ông lại nhìn ra hào quang nhân bản của một thế giới chan chứa tình người (đoạn chót). Cái hào quang nhân bản ấy được tỏa ra từ âm vang của tiếng ru trìu mến, khiến Phạm Đình Chương cảm thấy bước chân như bị cuốn hút vào cái ngõ sâu như không màu ấy. Càng đi vào sâu, ông thấy đời sống nơi đây không phải là một bãi sình lầy hôi hám khiến kẻ phàm tục chỉ chực tìm đường lảng tránh. Trái lại, ông cảm thấy nơi đây đêm còn dậy hương vì là một đầm sen quí với những bông sen tinh khiết đang tỏa ngát hương thơm. Con người nơi đây sống thầm lặng, nhưng tình cảm đằm thắm (Ai rung lên tia mắt ngàn câu êm đềm). Và chung thủy : Cảnh vật có thay đổi (Mua rơi rơi xóa lối đi mòn), nhưng lòng người không có đổi thay (Có đôi lòng vững chờ mong). Một vài ca sĩ khi hát, không biết do vô tình hay hữu ý, đã đổi chữ vững ra thành vẫn. Tôi cho đây là một sửa đổi đáng tiếc ; bởi vì « vững » và « vẫn » không đồng nghĩa trong bản nhạc này. « Vẫn » nói lên sự chờ mong mòn mỏi như là một nỗ lực để làm tròn nghĩa vụ ; còn « vững », trái lại, biểu lộ sự trung kiên, một tấm lòng son sắt. Nếu chịu khó lắng nghe mỗi lời ca của Xóm đêm, ta sẽ thấy mỗi từ ngữ Phạm Đình Chương sử dụng đều được chọn lọc với dụng ý chuyển tải một nội dung thông điệp ý nghĩa. Và bản nhạc của ông cần được xếp vào loại tình ca để ca ngợi một khung cảnh nghèo nàn với những con người sống lam lũ nhưng lương thiện, ăn ở với nhau có tình có nghĩa. Tuy thuộc loại tình ca, nhưng thay vì giai điệu Slow hay Valse lente là những giai điệu dành cho loại nhạc này, Phạm Đình Chương lại chọn nhịp điệu dập dìu ấm áp của thể điệu Rumba như muốn mượn những nốt nhạc nhịp nhàng quyến rũ cuốn hút bước chân ta đi sâu vào cái Xóm đêm ấy, để được nghe không gian có tiếng yêu thương nhiều, để được gặp những người biết mang tình thương.

Trên đây là những cảm nhận của riêng tôi về bản Xóm đêm. Cảm nhận có thể chủ quan, nhưng bởi nó gắn liền với một kỷ niệm tôi muốn nhớ mãi : Kỷ niệm về cái thời tôi mới đặt chân tới miền Nam sau khi Hiệp Định Genève được ký kết.

Hồi đó, gia đình tôi phải tới tạm trú nhà một bà con xa tại Xóm Chiếu thuộc khu Khánh Hội, bên kia sông Sài Gòn. Tuy không xa thủ đô là bao, chỉ cách một cây cầu ngắn, nhưng Khánh Hội thời đó là một xóm lao động nghèo với những mái tranh lụp xụp và một góc chợ lèo tèo dăm ba quán tranh xiêu vẹo mang tên Chợ Xóm Chiếu. Lúc đó, tôi còn là một thiếu niên đang lo chuẩn bị thi bằng Trung học đệ nhất cấp Pháp (BEPC) và hàng ngày phải đi qua góc chợ này. Một bữa, đi học về ngang qua chợ, tôi thấy một chị bán trái cây khoảng ba mươi tuổi bày bán một thúng chất đày măng cụt, bên trên có trưng một trái bổ ngang phô bày những múi đày đặn trắng nõn nổi bật trên màu vỏ nâu thẫm. Măng cụt là thứ trái cây tôi vốn ưa thích, lại găp lúc chị đang trò chuyện với một bà khách, tôi tò mò đứng ngó. Chờ khách đi rồi, tôi mới rụt rè lại hỏi giá và xin mua một chục. Chi vui vẻ chọn một hơi mười sáu trái to nhất, đẹp nhất túm lại rồi trao cho tôi. Tôi vội đảy ra và nói : « Tôi chỉ đủ tiền mua một chục thôi, đâu có nhiều thế này. » Chị nhoẻn miệng cười, hiền hậu nhìn tôi rồi nhỏ nhẹ đáp bằng một giọng ngọt ngào ấm áp, cái giọng nói tôi vẫn muốn coi là món quà đặc sản của người dân miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long : « Em ở ngoải mới dzô nên chưa biết đó. Một chục trong Nam không chi có mười như ngoài Bắc dâu. Gọi một chục, nhưng thường là mười hai, mười ba, mười lăm có khi còn nhiều hơn nữa. Chị bán một chục mười bốn, nhưng biết em thích thứ trái cây này nên thêm hai trái làm quà cho em đó. » Tôi lẽn bẽn cầm túi trái cây chị trao, chỉ biết lí nhí hai tiếng cám ơn, rồi vội quay đi. Chưa bao giờ tôi lại hân hoan phấn khởi bằng lúc đó. Không, tôi không đang phải sống tha phương cầu thực. Tôi vẫn ở trên quê hương tôi đấy chứ. Tôi chỉ đặt chân tới một vùng đất mới, với những con người chưa quen biết, nhưng không hề xa lạ. Những con người nhân hậu, niềm nở tiếp nhận tôi trong tình thương ruột thịt, nghĩa đồng bào. Đôi tay nặng chĩu, một bên cặp sách một bên túi trái cây, tôi hân hoan bước đi bằng những bước chân sáo tung tăng của cậu học trò hớn hở trong buổi khai trường. Một khung trời rạng rỡ, một tương lai hứa hẹn đang vẫy chào tôi.

Ôi, Việt Nam quê hương tôi !

Ôi ! Việt Nam, con người, đát nước tôi là thế đó !

Đã lâu rồi, tôi không trở về thăm Việt Nam. Tính từ lần chót vào năm 2008 đến nay, dễ cũng đã trên mười năm rồi.

Mười năm nước chảy qua cầu…

Mười năm để mưa rơi rơi, xóa (bao) lối đi mòn…

Mười năm để mưa rơi rơi, nhưng vẫn còn những cõi lòng vững chờ mong ?

Tuy đã trên mười năm không về thăm Việt Nam, nhưng qua lời của những quen thuật lại, và qua hình ảnh truyền hình, đặc biệt là trên hai kênh VTV4 và NetViet, tôi được biết Việt Nam nay đã thay đổi nhiều, đặc biệt là về mặt phát triển và hiện đại hóa. Mức sống người dân trong nước, nói chung được nâng cao và cải thiện nhiều. Những khu xóm tồi tàn ngoại biên các đô thị lớn, như khu Xóm Chiếu trước đây, đang lần lượt biến mất. Thay vào đó là những khu biệt thự xa hoa hoành tráng như Phú Mỹ Hưng (Quận 4 SG) hoặc những tòa cao ốc, như Vinahomes Central Park mới đây, đua nhau mọc lên như nấm. Đây là nơi tọa lạc dành riêng cho một giai tầng xã hội có tiền của, có thế lực như muốn sống tách biệt với thế giới chung quanh. Không biết có phải vì lý do an ninh, hay vì muốn bắt chước lối sống của mấy tay đại tư bản hoặc mấy siêu sao màn bạc Holywood, họ cũng biến mấy nơi cư ngụ xa hoa này thành những vùng cấm địa an toàn, ra vào có nhân viên bảo vệ canh gác. Không chỉ sống tách biệt quần chúng bằng hàng rào an ninh, họ còn muốn nói lên sự khác biệt của mình bằng những trò chơi ngông kiểu Mỹ. Tôi nghe nói một vài nhân vật, bỗng dưng gây được tài sản kếch xù (không biết do móc ngoặc hay tham nhũng), để chứng tỏ thành công ắt phải là thành nhân của mình (theo tam đại luận), họ cho trưng bày trong phòng khách, trong phòng ngủ bộ sa lông hay cái giường ngủ giáp vàng lấp lánh khiến thiên hạ nhìn vào, ai cũng lắc đầu lè lưỡi. Trớ trêu thay và cũng báo hại thay, cái trò thích chơi ngông này, nghe đâu lại do một số ông bà Việt kiều đầu têu, đặc biệt là Việt kiều tại Mỹ. Sau ngày được đặt chân tới bển, một số người bỗng mắc bệnh ưa nổ, mỗi lần về thăm cố hương lại đem cái tước vị không biết hư hay thiệt, hoặc cái vỏ giàu sang của mình ra khoe để làm le với bà con lối xóm. Và do thói quen thường xuyên đi về, dần dà họ đổ bệnh ấy cho một số bà con trong nước. Bởi vậy hiện tượng những khu biệt thự xa hoa lộng lẫy, những tòa nhà cao tầng ngày một mọc lên như nấm, cũng như hiện tượng các tước vị tiến sĩ, phó tiến sĩ ngày càng thây xuất hiện chẳng khác nào loại rau muống độc xanh thẫm ngày càng mọc lan tràn trên những vũng lầy ô nhiễm do chất thải kỹ nghệ. Dẫu sao cũng phải nhìn nhận Việt Nam ngày nay đã có những bước tiến đáng kể về mặt cải thiện đời sống vật chất, chứ không như ở cái thời còn phải « vác dép râu đi vào vũ trụ. »

Tiếc thay, những thực hiện đáng kể về mặt công trình xây cất ấy chỉ mới nói lên được sự bắt kịp đà tiến hóa về mặt văn minh kỹ thuật, nhưng dường như không đóng góp được nhiều cho việc cải thiện đời sống tâm linh đem lại cho xã hội một khuôn mặt nhân bản thực sự tiến bô. Bên cạnh những kiến trúc cầu cống vĩ đại, những khu biệt thự xa hoa hoành tráng, những tòa nhà chọc trời ngạo nghễ, vẫn còn dấu vết của đời sống nhược tiểu với những khu phố nghèo nàn chật chột, những con hẻm tăm tối, người dân sống chen chúc trong những khu nhà ổ chuột như bất cứ thành phố nhược tiểu nào trên thế giới (3).

Nhưng không chỉ có biểu hiện nhược tiểu về điều kiện sinh sống, mà còn cả về mặt tinh thần nữa. Của cải càng đổ vào nhiều, càng khiến người ta mỗi lúc một thêm đánh mất lời khuyên « Đói cho sạch, rách cho thơm » hay « Giấy rách phải giữ lấy lề » vốn là những lời khuyên bảo đạo đức truyền thống ông cha ta để lại. Thay vào đó, câu « Phú quí vi tiên » đã được chọn làm phương châm sống đẻ người ta đua nhau lấy việc lấy việc phô trương của cải hay quyền thế làm thước đo giá trị con người. Bởi vậy không chỉ có hiện tượng du khách than phiền bị chặt chém hay mua phải hàng đểu, đổ đểu; đôi khi còn xảy ra trường hợp bị ngộ độc dẫn đến tử vong do ăn phải đồ hư thối, nhưng người bán đã dùng hóa chất tảy rửa biến thành đồ ngon lành để đánh lừa thực khách. Biểu hiện cho sự xuống cấp của đời sống này là sự xuống cấp trong sinh hoạt văn hóa, mà tiêu biểu là ngôn ngữ sử dụng trong đời sống hàng ngày.

Có lẽ chưa bao giờ tiếng Việt lại được sử dụng kỳ quặc, dị hợm tràn lan nhiều như ở Việt Nam hiện nay. Kỳ quặc, dị hợm không phải do bản thân các từ ngữ đó, mà do cách thức người ta sử dụng. Tiếng Việt, như chúng ta đều biết, thuộc loại ngôn ngữ đơn âm, nhưng lại gồm các từ được kết hợp bởi nhiều âm khác nhau đem lại cho nó một khả năng diễn tả phong phú, đa dạng với nhiều âm hưởng, màu sắc khác nhau. Thay vì suy nghĩ tìm hiểu, chọn từ cho đúng để diễn tả cụ thể, chính xác, người ta lại bắt chước nhau đua đòi khoe chữ để che đậy sự lười biếng hay dốt nát của mình. Thấy chữ nào hay, mới lạ hoặc uyên bác là nhắm mắt sử dụng bừa bãi khiến chúng trở nên dị hợm, kỳ quặc. Giả dụ để mô tả một cô gái có thân hình đẹp. Tùy theo vóc dáng, ta có nhiều hình thức diễn tả để gợi trong tâm trí người đọc, người nghe hình ảnh cô gái đó :

  • « Cô ta có thân hình mỏng manh sương khói », nếu là một cô gái tấm thân ẻo lả, yếu đuối.
  • « Cô ta thân hình mềm mại như cành tơ liễu rủ », nếu là cô gái có vóc dáng nhẹ nhàng thanh tú.
  • « Cô ta có một thân hình cân đối quyến rũ », để chỉ một cô gái có những đường nét phát triển hài hòa.
  • « Cô ta có một thân hình nảy nở khêu gợi », để chỉ một cô gái có dường vòng số một, số ba rất ư là bắt mắt.

Một vài thí dụ trên đủ cho thấy tiếng Việt phong phú chừng nào để mô tả hay diễn đạt.Nhưng thay vì chịu khó quan sát và tìm chữ nghĩa để diễn tả chính xác giúp cho người đọc, người nghe hình dung được các nét đặc sắc của người đẹp, người phát biểu lại phang một câu búa tạ để hù thiên hạ về sự hiểu biết uyên bác hoặc ra đều ta đây con nhà có ăn học tử tế : « Cô ta sở hữu một ngoại hình hoành tráng thuộc loại siêu khủng ». Trước một câu văn đao to búa lớn đầy chữ nghĩa hoành tráng (?) như vậy, ông nội tôi có sống lại, sau khi rít trọn một bao thuốc lào, ông cụ chắc cũng lắc đầu thở dài, không biết xoay sở cách nào để giúp tôi hình dung cô gái xấu, đẹp, hay béo, gầy ra sao cả. Bởi vậy mấy bậc học giả ưa sổ nho, thích xì ra những câu văn thuộc loại này, càng đính kèm tên mình nhiều bằng cấp, nhiều tước vị chừng nào, thì lại càng để lòi cái đuôi trình độ văn hóa học (chứ không phải thất học) của họ ra chừng đó.

Đã lâu rồi tôi không còn là một công dân Việt. Trên danh nghĩa. Cũng đã lâu rồi tôi trở thành công dân một xứ sở văn minh tiên tiến cho phép tôi được hưởng một cuộc sống tương đối đày đủ về mặt tiện nghi vật chất, thoải mái về mặt tinh thần, đặc biệt là về quyền tự do ăn nói. Nhưng không vì thế tôi cảm thấy hết còn là con người Việt Nam. Trái lại là đằng khác. Càng sống xa cách Việt Nam bao nhiêu, tôi càng luyến nhớ và cảm thấy gắn bó với mảnh đất mảnh mai mang hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương ấy, nơi tôi đã sinh ra và trưởng thành, nơi tôi đã trải qua không ít biến cố thăng trầm, để lại trong tôi biết bao nỗi niềm, vui có buồn có nhưng với tôi nay đều là những kỷ niệm đẹp.(4) Bởi vậy tôi cảm thấy buồn, nếu không muốn nói là đau lòng mỗi khi thấy bất cứ ai lên tiếng thóa mạ đất nước Việt, xỉ nhục người dân Việt. Lịch sử thế giới cho thấy đất nước nào, quốc gia nào cũng đều trải qua nhiều triều đại, nhiều thể chế, nhiều chính quyền khác nhau. Nhưng mọi triều đại, mọi thể chế, mọi chính quyền, dù tốt đẹp hay thối nát, rồi cũng qua đi. Chỉ riêng những đất nước và những con người vẫn sống bám rễ trên mảnh đất mà họ gọi là tổ quốc ấy, là vẫn tồn tại. Bởi vậy tôi vẫn luôn luôn tin tưởng một ngày mai tương lai sáng lạn sẽ đến với Việt Nam. Tương lai sáng lạn, không phải chỉ bằng những công trình kiến trúc, những khu biệt thự lộng lẫy với đồ nội thất xa hoa choáng ngợp, những tòa cao tầng hoành tráng mọc lên như nấm. Bên trên mấy thứ đó, điều tôi mong muốn hơn hết cho Việt Nam, đó là cái ngày của « Mùa xuân đầu tiên » theo tựa bản nhạc chúc thư của Văn Cao. Gọi là bản nhạc chúc thư vì Văn Cao đã viết ra bản nhạc này vào cuối đời để nói lên niềm ước mơ về một « Mùa xuân đầu tiên » mà ông hằng mong được trở thành hiện thực. Đó là cái mùa xuân để :

Từ đấy người biết quê người,

Từ đấy người biết thương người,

Từ đấy người biết yêu người…

Trên đây là bản trần tình hay đúng ra là bản tự kiểm cho biết vì sao tôi đã chọn Xóm đêm làm bài ca tủ cho tôi, làm bản nhạc để đời cho nhạc sĩ tài hoa Phạm Đình Chương. Bằng lời khai báo thành khẩn này, tôi mong quý vị độc giả xa gần thông cảm mà tha cho cái tội đã nuôi ý đồ chọn một bản nhạc vàng mô tả cái đẹp của một khung cảnh sống nghèo nàn và ca ngợi cái sang trong nếp sống bần hàn làm bài ca tủ.

Có được hưởng chính sách khoan hồng thông cảm của quí vị, tôi mới dám nghe lại bản Xóm đêm để, mỗi lần giai điệu vọng lên, tôi lại có cơ hội làm cuộc hành trình đi tìm thời gian đã mất và được bồi hồi sống lại những cảm xúc đẹp của một thời huy hoàng vang bóng. Cái thời tôi còn là một cậu học trò bé bỏng được đến tá túc tại một khu xóm lao động nghèo ngoại ô Sài Gòn với một góc chợ lèo tèo dăm ba quán tranh xiêu vẹo. Nhưng ở đó, tôi đã được nghe không gian có tiếng yêu thương nhiều. Nhưng ở đó, tôi đã được gặp những người biết mang tình thương.

Than ôi, thời oanh liệt (ấy) nay còn đâu ! (Lời thơ Thế Lữ)

Nguyễn Bảo Hưng

(Đọc lại và viết xong ngày 2-5-2019)

—————————————– ——————-

(1) – Hồng Ngọc « Xóm đêm) trên HTV 9 (Youtube)

(2) – Mạnh Đồng « Xóm đêm) (Youtube)

(3) – Thành phố Ma giữa lòng Sài Gòn hoa lệ (Youtube)

– Mả lạng, khu ổ chuột trên đất vàng thành phố HCM (Youtube) (4) – Mời coi bài « Dấn bước thăng trầm » của người viết đã được một số diễn đàn hải ngoại đăng tải.