„Với bộ phim này chúng tôi sẽ trình bày sự thật và thế hệ người Việt Nam trẻ sau này sẽ hãnh diện về những gì bố mẹ và ông bà của mình đã phải làm. Tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng là những người thế hệ trẻ cần phải biết sự thật và hãnh diện về nó „. Đạo diễn Fred Koster

Một cảnh trong phim “Chiến tranh Việt Nam Dưới Cái Nhìn Của Chúng Tôi”Photo: RFA

Bộ phim The Vietnam War được trình chiếu hồi tháng 9 năm 2017 đã gây nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng bộ phim không phản ảnh đầy đủ những tiếng nói đã tham gia trong cuộc chiến Việt Nam. Do vậy, ông Nam Phạm và một số thân hữu đã thực hiện một cuốn phim khác mang tên The Vietnam War Through Our Eyes (Chiến tranh Việt Nam Dưới Cái Nhìn Của Chúng Tôi). Vừa qua, đoàn làm phim đã đến Paris để phỏng vấn thêm một số nhân vật cho phim. Ông Nam Phạm, người khởi xướng dự án này, cho biết lý do tại sao ông và các thân hữu quyết định phải thực hiện cuốn phim này :

Thế giới Tây Phương vẫn còn có cái nhìn rất là sai lạc về cuộc chiến Việt Nam và nhất là vai trò của người Việt Nam ở miền Nam của chúng ta. Từ sự hy sinh anh dũng của quân lực Việt Nam Cộng hòa đến những thành quả của chính phủ Việt Nam Cộng hòa cho đến ngay cả nguyên nhân của cuộc chiến là do sư xâm lăng của đảng cộng sản

Qua sự giới thiệu của các cựu quân nhân Hoa Kỳ, ông Nam Phạm đã mời được đạo diễn Fred Koster tham gia. Chiến tranh Việt Nam là một câu chuyện với rất nhiều mảng tối chưa bao giờ được ghi lại với tất cả những sự trung thực nhất. Nó thường được nhìn bằng mặc cảm của bên thua cuộc hay sự tự hào của kẻ chiến thắng.


Đạo diễn Koster muốn trả lại sự thật cho lịch sử qua lời kể của các nhân chứng trong cuốn phim này, ông nói :

« Câu chuyện của người dân miền Nam là một trong những câu chuyện vĩ đại nhất của Thế Kỷ 20 mà chưa được kể lại. Lịch sử của người miền Nam Việt Nam đã bị trình bày sai lạc và không chân thật. Là một người làm phim, tôi rất hào hứng muốn kể câu chuyện bởi vì nó chưa bao giờ được kể lại. Nó giống như một điều bí ẩn »

Fred Koster là đạo diễn của cuốn phim nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam Ride The Thunder (Cỡi Ngọn Sóng). Cuốn phim nói về tình huynh đệ chi binh của trung tá VNCH Lê Bá Bình và Đại uý Hoa Kỳ John Ripley. Theo ông, phim Ride The Thunder chỉ nói 1 phần sự thật, cuốn phim The Vietnam War Through Our Eyes (Chiến tranh Việt Nam Dưới Cái Nhìn Của Chúng Tôi) sẽ nói lên nhiều sự thật hơn nữa :

« Bộ phim kế tiếp này, tôi nghĩ sẽ làm nhiều người ngạc nhiên vì chính những người miền Nam sẽ biết thêm về lịch sử mà họ không biết. Có rất nhiều cơ quan truyền thông đã kể cho chúng ta rất nhiều điều dối trá đến nỗi chúng ta bắt đầu tin vào đó. Với bộ phim này chúng tôi sẽ trình bày sự thật và thế hệ người Việt Nam trẻ sau này sẽ hãnh diện về những gì bố mẹ và ông bà của mình đã phải làm. Tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng là những người thế hệ trẻ cần phải biết sự thật và hãnh diện về nó ».

Nhiều người cho rằng, bộ phim The Vietnam War của đạo diễn Ken Burn và Lynn Novic đã không phản ảnh được những tiếng nói từ nhiều phía, nó thiếu hẳn tiếng nói của phe tham chiến miền Nam là phía quân đội Việt Nam Cộng hòa. Phân tích của tác giả Lâm Vĩnh Thế trên trang namkyluctinh.org cho thấy cuốn phim The Vietnam War phỏng vấn 51 người Mỹ (64%), 20 người Việt thuộc phe tham chiến từ miền Bắc (25,3%) và chỉ có 8 người Việt thuộc phe tham chiến miền Nam (10,1%)

Nhà báo Huy Đức (blogger Osin) người cố vấn cho phim này và cũng là người đã được phỏng vấn trong phim The Vietnam War, nhận xét về phim the Vietnam War như sau : « … quy gần như mọi tội lỗi cho Washington, đánh giá cao chiến binh của miền Bắc và có lúc, tỏ thái độ xem thường lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa…”

Phim “Chiến tranh Việt Nam Dưới Cái Nhìn Của Chúng Tôi” Photo: RFA

Trong khi đó, ông Nam Phạm cho biết, cuốn phim The Vietnam War Through Our Eyes (Chiến tranh Việt Nam Dưới Cái Nhìn Của Chúng Tôi) sẽ có tiếng nói của những cựu quân nhân VNCH, của những người đi từ miền Bắc Cộng sản, của những phụ nữ đã là nạn nhân của chế độ.v.v… Cuốn phim, theo ông Nam, gồm có 4 mục tiêu chính mà ông gọi là « Bốn trả »

« Mục đích căn bản chúng tôi tạm dùng là 4 trả : Thứ nhất là trả lại sự thật cho lịch sử, thứ nhì là trả lại danh dự cho người lính VNCH, thứ ba là trả lại sự công bằng cho chính phủ VNCH và thứ tư là trả lại niềm tự hào về Cha Ông cho con em của chúng ta. Thành thử ra, tất cả những người mà chúng tôi tiếp xúc, những nhân chứng sống, cộng thêm những tài liệu lịch sử để mình nói lên được 4 điều đó »

Cuốn phim The Vietnam War Through Our Eyes (Chiến tranh Việt Nam Dưới Cái Nhìn Của Chúng Tôi) dài 2 tiếng, được thực hiện trong vòng 2 năm với một ngân khoản khá khiêm tốn (khoảng 250.000 mỹ kim) trong khi đó, bộ phim The Vietnam War của Ken Burn và Lynn Novic được thực hiện trong vòng 10 năm với một ngân khoảng dồi dào là 30 triệu mỹ kim, bộ phim dài 18 tiếng được chiếu làm 10 tập, nhưng nhà văn Nguyễn Quang Lập (blogger Bọ Lập) đã phê bình cuộn phim dài 10 tập mà không nói lên được điều gì mới thì chưa đạt yêu cầu. Và đó cũng là lý do để đạo diễn Koster quyết tâm bổ túc vào phần khiếm khuyết ấy, ông nói :

« Ken Burns có 18 tiếng để kể câu chuyện về người Việt Nam và chiến tranh Việt Nam. Ông ta có 18 tiếng mà ông ta không tìm được một giây để nói về nỗi thống khổ của thuyền nhân và 400,000 người bỏ mạng ở trên biển cả. Ông ta không nói về người tị nạn hoặc ông ta không nói về trại cải tạo. Nên nhớ là ông ta có 18 tiếng để làm việc này mà ông ta đã không làm. Đồng thời ông ta cũng không nói gì về quân đội của miền Nam, những chiến thắng mà họ đạt được và những thử thách mà họ phải đối phó. Tôi muốn nhiều người thế hệ trẻ miền Nam Việt Nam biết rằng trong thời gian đầu của cuộc chiến, Mỹ đã không cung cấp cho quân đội miền Nam những vũ khí hiện đại. Họ đã đưa những vũ khí cũ kỹ. Như vậy trong thời gian đầu quân đội miền Nam đã chiến đấu với những vũ khí cũ kỹ trong khi Việt Cộng và bộ đội miền Bắc xử dụng vũ khí hiện đại. Và đó là một trong những điều mà tôi muốn thế hệ trẻ biết về những việc làm anh hùng của bố mẹ họ. »

Nghĩ về chiến tranh Việt Nam, điều người Tây Phương nghĩ đến đầu tiên là những thây người ngã xuống trong tiếng máy bay trực thăng, là cô bé bị phỏng cháy Kim Phúc, là những cuộc biểu tình phản chiến.v.v. và người Mỹ thì mang nặng một mặc cảm với 58.000 lính Mỹ đã hy sinh. Trung tá Thuỷ quân Lục Hiến Hoa Kỳ, Richard Botkin, tác giả và cũng là nhà sản xuất Ride The Thunder làm cuộn phim đó với mong muốn « trả sự thật lại cho lịch sử » và « thay đổi nhận thức và ký ức sai lạc của người Mỹ về chiến tranh Việt Nam ».

Liệu cuốn phim The Vietnam War Through Our Eyes (Chiến tranh Việt Nam Dưới Cái Nhìn Của Chúng Tôi) có thay đổi được cái nhìn của Tây phương về chiến tranh Việt Nam ? Đạo diễn Fred Koster chia sẻ :

« Tôi nghĩ rằng chúng ta không thể thay đổi được bi kịch của chiến tranh Việt Nam, nhưng chúng ta có thể thay đổi được một bi kịch đó là việc lịch sử đã ghi nhận lại chiến tranh Việt Nam như thế nào. Đối với tôi, tôi có nhiều đau xót cho những người dân miền Nam và tôi muốn làm tất cả những gì có thể để kể câu chuyện. Tôi nghĩ rằng khi thế giới, người Mỹ biết được sự thật, họ sẽ đón nhận câu chuyện của người miền Nam và hiểu được những gì mà bạn đã phải trải qua. Một trong những chuyện mà không có trong các sách lịch sử và trong phim ảnh là câu chuyện của thuyền nhân, họ phải chịu khổ như thế nào, người tị nạn và các trai tù cải tạo. Trong những phim ảnh chính thống ở Mỹ không có những câu chuyện này. Không may,  trong những sách lịch sử không được nhắc đến hoặc nếu có thì chỉ rất vắn tắt. Với bộ phim này, chúng tôi sẽ vinh danh những người này bằng cách kể lại câu chuyện của họ. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những điều to lớn mà chúng ta có thể làm được cho những người đã phải chịu khổ hoặc chết là tưởng nhớ đến họ và nói lên sự thật »

Cuốn phim được dự định trình chiếu vào mùa thu năm nay, phim cũng sẽ được làm thành DVD để đưa vào các trường trung và đại học như một tài liệu giáo khoa để giới trẻ có thể tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam một cách đúng đắn.

Nếu Ken Burn và Lynn Novick cho biết trong cuộc phim The Vietnam War những người trả lời phỏng vấn sẽ kể lại câu chuyện của họ, thì ông Nam Phạm và đạo diễn Fred Koster cũng mong muốn mọi người đến xem cuốn phim The Vietnam War Through Our Eyes (Chiến tranh Việt Nam Dưới Cái Nhìn Của Chúng Tôi) để nghe câu chuyện của những người đã không có cơ hội có mặt trong cuốn phim của Ken và Lynn. Ông Nam Phạm hy vọng :

« Chúng tôi hy vọng qua cuốn phim này, chúng ta sẽ giúp cho những người cựu quân nhân Việt Nam được nói lên tiếng nói của họ, để cho họ biết rằng sự hy sinh của họ không bị quên lãng và con cháu của họ và ngay cả chúng ta rất là mang ơn sự hy sinh của họ. Nếu mà không có sự hy sinh của những người lính đó thì đã không có ngày hôm nay của chúng ta »

Tường An (RFA, 08.08.2019)

Vorschau für YouTube-Video “Phim “Chiến tranh Việt Nam Dưới Cái Nhìn Của Chúng Tôi” và những câu chuyện chưa kể” ansehen