Biển Đông : Bắc Kinh tập trận không quân sẵn sàng trước ”đụng độ bất ngờ”

https://www.datviet.com/wp-content/uploads/2019/12/000_jk0pf-696x393.jpg

Báo Hồng Kông South China Morning Post dẫn lại bản báo cáo, được đăng tải trên nhật báo của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung cộng hôm qua 15/12, theo đó, một cuộc tập trận đặc biệt đã được tiến hành vào giữa tháng 11/2019. Hai đơn vị không quân chiến đấu trên biển thuộc Chiến Khu Miền Nam Trung cộng tham gia vào cuộc tập trận này.

Theo chỉ huy của một trong hai đơn vị tham gia tập trận, thì khác hẳn với cuộc tập trận hồi năm ngoái, đợt tập trận diễn ra vào ban đêm này, đặt các quân nhân vào trạng thái chuẩn bị ”giáp trận ngay từ đầu”, thời gian tập trận ”kéo dài hơn nhiều”. Tình huống này đẩy xa hơn giới hạn tâm lý của các binh sĩ, nâng cao khả năng sẵn sàng. Trong bài tập hồi tháng trước, các quân nhân Trung cộng học cách định dạng hơn 10 loại tín hiệu radar của ”kẻ địch”.

Theo chuyên gia quân sự Trung cộng Zhou Chenming, tại Bắc Kinh, được báo Trung cộng trích lời, loại hình luyện tập này là cần thiết, vì cho phép các binh sĩ sẵn sàng đáp trả trước các tình huống đụng độ gần với chiến tranh thực sự.

South China Sea Strategic Situation Probing Initiative, một trung tâm tư vấn thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết trong năm 2019, Hoa Kỳ đã tiến hành ít nhất 85 cuộc tập trận với các đối tác tại khu vực. Nhờ các cuộc tập trận này, quân đội Mỹ tăng cường được khả năng phối hợp với các nước, củng cố năng lực ngăn chặn đà bành trướng quân sự của Trung cộng. Năm tới, trung tâm tư vấn Đại học Bắc Kinh dự đoán Washington có thể tổ chức nhiều tập trận hơn để đối phó với các mối đe dọa làm bất ổn an ninh khu vực.

Căng thẳng đặc biệt gia tăng tại Biển Đông trong những tháng vừa qua, với việc Trung cộng đưa tàu thăm dò, được tuần duyên hộ tống, vào khu vực thềm lục địa của Việt Nam, suốt ba tháng. Trước các hành động lấn lướt của Trung cộng, Washington lên tiếng tố cáo Bắc Kinh leo thang căng thẳng, ngăn chặn Hà Nội khai thác dầu khí.

Không chỉ Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đầu tháng này cũng thống nhất tập trận không quân chung lần đầu tiên, để đối phó với các đe dọa từ Trung cộng.

RFI (16.12.1019)

Chiến đấu cơ Trung cộng đổi chiến thuật, diễn tập “kiểu mới” trên Biển Đông

Theo thông tin được tờ PLA Daily đăng tải hôm 15/12, một đơn vị của Lực lượng Không Hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu miền Nam của Trung cộng đã hoàn thành một đợt huấn luyện về cảnh báo sớm trên không. Trong đó, đơn vị này đã phát hiện và nhận dạng hơn 10 mục tiêu “thù địch” khi có tín hiệu trên radar. Đáng nói, Bộ Tư lệnh Quân khu miền Nam của quân đội Trung cộng hoạt động chủ yếu trên Biển Đông .

“Khác với nội dung cuộc tập trận cảnh báo sớm hồi năm ngoái, đợt tập trận lần này lớn hơn về quy mô, đặt ra những thử thách mang tính thù địch hơn và chú trọng vào tác chiến ban đêm. Kiểu tập trận này đặt ra những thách thức cho quân nhân và thiết bị, đồng thời tăng cường năng lực chiến đấu trong trường hợp khẩn cấp cho quân đội Trung cộng ”, PLA Daily dẫn lời ông Yan Liang, một quan chức quân đội Trung cộng

Cũng theo PLA Daily, cuộc tập trận diễn ra vào giữa tháng 11 với sự tham gia của hai nhóm chiến đấu cơ. Trong quá trình tập trận, nhóm chiến đấu cơ thứ nhất thực hiện chia sẻ thông tin tình báo cho nhóm thứ hai. Nhóm thứ hai này sau đó tiến hành tìm kiếm và thu thập thông tin về một nhóm các mục tiêu hoạt động trên biển.

Một sĩ quan Trung cộng giấu tên cho hay, không quân Trung cộng đã chuyển từ cách tiếp cận bị động sang chủ động trong quá trình diễn tập.

“Giờ đây, yếu tố khó khăn và thông tin tình báo trở thành nội dung được đưa ra thường xuyên trong các cuộc tập trận. Chúng tôi đã lên kế hoạch chi tiết để tránh những rủi ro và nguy hiểm trong quá trình tập trận”, sĩ quan này nói.

Còn theo ông Zhou Chenming, một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, cuộc tập trận trên Biển Đông vào giữa tháng 11 đánh dấu sự khác biệt so với những đợt diễn tập trước. Bởi trước đây, các chiến đấu cơ Trung cộng được thông báo trước về “đối thủ” và “những nguy hiểm” họ có thể gặp phải.

“Đây là sự thay đổi cần thiết đối với không quân Trung cộng trong quá trình hoàn thiện giai đoạn đầu của quá trình hiện đại hóa quân đội. Theo đó, quân đội Trung cộng cần tăng cường năng lực chiến đấu trong tình huống đối đầu gần với thực tế”, ông Zhou nhận định.

Lâu nay, Trung cộng đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung cộng không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Đáp lại, hải quân Mỹ liên tục điều động tàu thuyền tới “làm nhiệm vụ tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải” ở Biển Đông.

Mới đây, bản báo cáo từ Viện Sáng kiến điều tra tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Đại học Peking, trong khoảng thời gian từ tháng 1 – 11/2019, Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đã tổ chức ít nhất 85 cuộc tập trận chung với nhiều quy mô khác nhau mà chủ yếu trên Biển Đông nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung cộng .

Báo cáo nhấn mạnh, mục đích của Mỹ là tăng cường sự hiện diện trong khu vực cũng như mở rộng năng lực quốc phòng cho các nước đồng minh.

Trong số các cuộc tập trận song phương và đa phương được Mỹ tiến hành ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trong năm nay, Philippines tham gia ít nhất 16 lần, Thái Lan 9 lần và Singapore 6 lần.

Ngoài ra, Mỹ còn mời những đồng minh khác như Nhật Bản, Ấn Độ và Australia tham gia tập trận trên Biển Đông nhằm “lôi kéo ba quốc gia này vào vấn đề ở khu vực”.

Theo Soha (16.12.1019)

Biển Đông : Mỹ- Nhật lên án Bắc Kinh đe dọa an ninh các nước láng giềng

Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ từ Bangkok, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật từ Doha, trước sau vài tiếng đồng hồ, lên án đích danh Bắc Kinh sử dụng sức mạnh vũ khí và các căn cứ quân sự ở Biển Đông để áp chế các quốc gia trong vùng. Đô đốc John Aquillino cho biết không để yên cho Trung cộng thao túng, bộ trưởng Taro Kono cảnh báo những kẻ gieo gió sẽ gặt bão.

https://www.datviet.com/wp-content/uploads/2019/12/esper_kono-696x393.jpg

Trước hết theo AP, trong cuộc họp báo tại Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok hôm 13/12/2019, đô đốc tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương John Aquillino nhận định các hoạt động quân sự của Trung cộng, tranh chấp chủ quyền và xây dựng phi trường, đưa máy bay quân sự ra các đảo đá ở Biển Đông với mục tiêu tối hậu là « bức hiếp và hù dọa các nước trong vùng ». Đô đốc John Aquillino tuyên bố thêm là « Mỹ không muốn tranh hùng với Trung cộng » nhưng « sẽ hợp tác nơi nào hợp tác được và tranh đấu nếu cần phải tranh đấu » để bảo đảm hòa bình cho các quốc gia « chia sẻ những giá trị cùng với Mỹ ».

Vài giờ sau, bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Taro Kono, khi phát biểu tại một cuộc hội thảo về an ninh tại Qatar, cũng cho rằng Trung cộng âm mưu khống chế Biển Đông. Bắc Kinh đơn phương phá hoại nguyên trạng trật tự thế giới, gia tăng võ trang kể cả vũ khí hạt nhân một cách thiếu minh bạch. Theo bộ trưởng quốc phòng Nhật, những kẻ âm mưu bành trướng bằng quân sự phải trả giá.

Trong năm 2019, Hoa Kỳ và các nước đồng minh Châu Á không thụ động. Báo Hồng Kông, China Morning Post, trích dẫn một bản báo cáo thường niên của một nhóm chuyên gia Trung cộng thuộc đại học Bắc Kinh thì trong năm sắp kết thúc, hải quân Mỹ đã tiến hành « 85 cuộc tập trận quân sự » với hầu hết các nước khu vực từ Singapore,Thái Lan, Philippines, Ấn độ, Nhật Bản cho đến Úc. Theo các chuyên gia Trung cộng, các cuộc tập trận này nhằm giúp hải quân Mỹ « có nhiều đồng minh hơn và chuẩn bị tác chiến tốt hơn ».

RFI (15.12.2019)

Dự luật yêu cầu Mỹ đương đầu Trung cộng

Tổng thống Trump trong cuộc gặp với các đồng minh Nato tại London

Tổng thống Trump trong cuộc gặp với các đồng minh Nato tại London

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 13/12 đã thông qua dự luật kêu gọi chính quyền Mỹ phải có sách lược thống nhất đối phó với ‘mối đe dọa của Trung cộng’ trên cơ sở phối hợp với các đồng minh trong khu vực Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và châu Âu.

Trong khi đó, trao đổi với VOA, một nhà quan sát chính trị quốc tế nói rằng sẽ tốt hơn cho Mỹ để can dự và tìm cách thay đổi hành vi của Trung cộng thay vì đối đầu trực diện.

‘Đồng minh rất quan trọng’

Dự luật này có tên gọi ‘Dự luật Hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương 2019’ được Thượng nghị sỹ Cộng hòa Mitt Romney soạn thảo va đệ trình trước Ủy ban với sự đồng bảo trợ của các thượng nghị sỹ Maggie Hassan, Catherine Cortez Masto, Chris Coons (Dân chủ) và Todd Young, Ted Cruz (Cộng hòa).

“Chúng ta đã chậm trễ trong việc xây dựng một chiến lược toàn diện để đối phó với sự hung hăng ngày càng tăng của Trung cộng,” ông Romney phát biểu trong một thông cáo báo chí về dự luật. “Cùng với các đồng minh của chúng ta ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, châu Âu, châu Mỹ và những nơi khác, chúng ta phải xây dựng một sách lược để đối phó với mối đe dọa Trung cộng đặt ra cho tự do của chúng ta ở Mỹ và trên thế giới.”

Sau khi được thông qua trong ủy ban hẹp, ‘Dự luật Romney’ này còn phải được đưa ra toàn thể Thượng viện.

Dự luậtcho rằng Trung cộng ‘đang tiếp tục theo đuổi chương trình hiện đại hóa quân sự để mưu cầu bá chủ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong ngắn hạn và hướng tới hất cẳng Mỹ để làm bá chủ toàn cầu trong tương lai’.

“Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang vận dụng quá trình hiện đại hóa quân đội, các chiến dịch gây ảnh hưởng và các chính sách kinh tế ăn mồi để cưỡng ép các quốc gia láng giềng thiết lập lại trật tự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương theo chiều hướng có lợi cho Trung cộng,” dự luật viết.

Dự luật này cho rằng ‘các đồng minh và đối tác là tối quan trọng trong việc giúp Mỹ cạnh tranh hiệu quả với Trung cộng’.

Do đó, dự luật yêu cầu chính quyền Mỹ phải ‘mở rộng các liên minh quân sự, chính trị và kinh tế với các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, châu Âu và các quốc gia có chung chí hướng’ để cùng nhau ‘xây dưng một sách lược thống nhất để đối phó với Trung cộng’.

Trump làm mất đồng minh?

Trao đổi với VOA từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh kiêm Giáo sư luật bán thời gian tại Đại học Ottawa, chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế, nhận định rằng cách tiếp cận ‘Nước Mỹ trên hết’ của Tổng thống Donald Trump đã ‘gây ra bất mãn ở châu Âu và châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản’ vì ‘Mỹ có vẻ chơi ép các nước khác’.

Ông cho biết ngay Canada vốn là một đồng minh cốt lõi của Mỹ ở Bắc Mỹ ‘cũng có những rạn nứt với Mỹ’.

“Nhưng các nước (đồng minh) cũng cần nhận ra rằng họ cần tăng cường trách nhiệm an ninh của mình,” ông nói và cho rằng trách nhiệm bảo vệ an ninh là ‘vấn đề của toàn thể liên minh chứ không riêng một quốc gia nào’.

Luật sư Khanh cho biết ông có trao đổi với Đại sứ Hàn Quốc ở Canada và được cho biết rằng ‘Seoul mong muốn tiếp tục duy trì quan hệ tốt với Mỹ’ và ‘đang tiếp tục đàm phán để tìm ra giải pháp phù hợp với khả năng của Hàn Quốc cũng như mong muốn của Mỹ’.

Mỹ và Hàn Quốc đang có tranh cãi về chi phí đóng góp để duy trì lính Mỹ trên đất Hàn Quốc. Seoul đã khước từ đòi hỏi của Washington là phải tăng phần đóng góp của mình.

Trả lời câu hỏi về cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau khi Tổng thống Trump bỏ qua hai kỳ họp thượng đỉnh khu vực gần đây nhất, ông Khanh nói dựa trên những gì mà ông trao đổi với các quan chức ngoại giao và quốc phòng Mỹ thì ‘châu Á-Thái Bình Dương vẫn là khu vực quan trọng nhất đối với Mỹ’.

“Các lãnh đạo trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn muốn Mỹ có cam kết chặt chẽ hơn nhưng Mỹ đang trong cuộc chiến thương mại với Trung cộng nên phải đặt lại những ưu tiên. Cộng với bối cảnh sắp bầu cử nên ông Trump có những ưu tiên riêng,” ông Khanh giải thích.

Về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự do mà chính quyền Trump đưa ra, vị luật sư này tỏ vẻ nghi ngờ và cho rằng nước Mỹ nên quay trở lại chiến lược ‘xoay trục’ và ‘tái cân bằng’ dưới thời của cựu Tổng thống Barack Obama.

“Ấn Độ có thể đóng góp được rất nhiều,” ông phân tích về vai trò của Ấn Độ trong chiến lược này. “Ấn Độ có chia sẻ một số quyền lợi với thế giới tự do nhưng họ lại có quan hệ chằng chịt với Nga (đồng minh lâu năm của New Delhi), có quan hệ phức tạp với Trung cộng và có tranh chấp với Pakistan.”

“Trong bối cảnh đó, việc đưa Ấn Độ vào cấu trúc an ninh khu vực thì tôi tin không rằng mọi việc sẽ đi xa được,” ông nói thêm.

Ông cho rằng trong lúc này Mỹ chỉ nên tập trung xây dựng an ninh cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương như dưới thời ông Obama.

“Trong bối cảnh hiện tại, nên tập trung vào khu vực Thái Bình Dương nhiều hơn là mở rộng ra Ấn Độ Dương vì sẽ có thêm nhiều vấn đề phức tạp,” ông giải thích.

“Trong khi đó, đồng minh cũ của Mỹ đủ sức thành lập liên minh và Việt Nam có thể đóng vai trò quyết định trong việc đảm bảo an ninh ở Biển Đông và khu vực châu Á-Thái Bình Dương,” ông nói thêm.

Do đó, ông kêu gọi Mỹ xem xét trở lại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà ông Trump đã rút ra ngay sau khi lên nắm quyền.

Nên can dự với Trung cộng?

Trả lời câu hỏi của VOA là chính sách Trung cộng nào sẽ tốt hơn cho Mỹ: cắt đứt (decoupling) hay can dự (engagement), ông Khanh cho rằng bất cứ cuộc chiến tranh nào dù là nóng hay lạnh với Trung cộng đều để lại hậu quả rất to lớn cho Mỹ.

Cho nên ông cho rằng nếu Mỹ chủ trương cắt đứt để chuyển sang đối đầu với Trung cộng thì ‘không thể nào làm được’.

Ông cũng nói ông tin rằng sự trỗi dậy của Trung cộng sẽ không giống như sự trỗi dậy của Đức và Nhật trước đây (vốn gây ra Chiến tranh Thế giới thứ 2).

“Tôi không tin rằng Trung cộng sẽ phá vỡ những thành tựu mà họ đã đạt được từ khi cải cách mở cửa đến nay,” ông nói. “Với nền văn minh hàng ngàn năm thì họ biết rằng nếu họ muốn lãnh đạo thế giới họ cần phải có cái nhìn tích cực hơn và họ cũng học hỏi được rất nhiều từ cấu trúc mà Mỹ đã xây dựng sau Đệ nhị Thế chiến.”

Nhưng ông cho rằng mềm dẻo với Trung cộng ‘không có nghĩa thấy sai mà không nói’ và ‘phải làm tất cả những gì có thể để Trung cộng thấy rằng họ có lợi khi xây dựng cộng đồng thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng’.

“Không ai phủ nhận Trung cộng sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trên thế giới. Nhưng Trung cộng phải hành xử xứng đáng với vai trò của mình chứ không phải là có thái độ như hiện nay đối với các nước láng giềng,” ông nói thêm.

Cũng theo ông Khanh, việc Mỹ thích nghi với sự trỗi dậy của Trung cộng sẽ ‘không dẫn đến việc Trung cộng đe dọa vị thế và lợi ích của Mỹ’.

“Sức mạnh của Mỹ chính là sức mạnh của tự do chứ không phải dựa trên sự áp chế như Trung cộng,” ông phân tích. “Nếu Trung cộng theo chiều hướng này họ sẽ bị tan vỡ từ bên trong.”

Do đó, ông dự đoán Trung cộng ‘sẽ phải thay đổi để hội nhập cộng đồng thế giới’.

VOA (14.12.2019)

Đại diện Trung cộng: Bắc Kinh coi căng thẳng Biển Đông là vấn đề nhỏ, Hà Nội coi là vấn đề lớn

Hình minh hoạ. Bà Doãn Hải Hồng (giữa) tại cuộc họp báo ở đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội hôm 4/6/2019

Hình minh hoạ. Bà Doãn Hải Hồng (giữa) tại cuộc họp báo ở đại sứ quán Trung cộng ở Hà Nội hôm 4/6/2019  Courtesy of Chinese Embassy

Đại biện lâm thời Trung cộng tại Việt Nam hôm 12/12 nói với các phóng viên báo chí Việt Nam rằng Bắc Kinh và Hà Nội vẫn còn có những khác biệt trong vấn đề Biển Đông; Trung cộng coi đây là vấn đề nhỏ còn Việt Nam lại coi đây là vấn đề lớn.

Theo truyền thông trong nước, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung cộng – Doãn Hải Hồng đã gặp gỡ báo chí ở Hà Nội để thông tin về tình hình quan hệ Việt – Trung cũng như chính sách đối ngoại của Bắc Kinh sau Đại hội Đảng 19.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam về quan hệ hai nước, đặc biệt là những căng thẳng trong vấn đề Biển Đông, bà Doãn Hải Hồng trả lời:

Biển Đông là vấn đề lịch sử để lại. Quan điểm của hai bên có những khác biệt, chẳng hạn Trung cộng đánh giá đây là vấn đề nhỏ nhưng Việt Nam coi là vấn đề lớn. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên quan tâm tới lập trường của nhau để cùng giải quyết”.

Bà Doãn Hải Hồng cũng nói đến cái mà bà gọi là tác động từ bên ngoài ảnh hưởng đến việc Bắc Kinh và Hà Nội giải quyết căng thẳng Biển Đông: “Tôi tin rằng nếu không có tác động từ bên ngoài, chúng ta sẽ có đủ trí tuệ và năng lực để giải quyết vấn đề phù hợp với tình hình khu vực. Những hành động của Trung cộng là thực hiện theo luật pháp quốc tế, không nhằm vào Việt Nam và những quốc gia láng giềng”

Quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đã trở nên căng thẳng trong các tháng qua khi Trung cộng điều hàng chục tàu hải cảnh, dân binh và khảo sát vào vùng biển của Việt Nam, gần Bãi Tư Chính, quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam.

Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển Việt Nam nhưng Bắc Kinh khẳng định đó là vùng nước thuộc chủ quyền của Trung cộng và yêu cầu Hà Nội ngưng các hoạt động tại đây.

Hoa Kỳ thời gian qua cũng đã lên tiếng bênh vực Hà Nội và cáo buộc Bắc Kinh đang bắt nạt các nước khác.

Trung cộng từ trước đến nay vẫn nói rằng Hoa Kỳ đang can thiệp vào chuyện nội bộ của khu vực và làm căng thẳng vấn đề Biển Đông.

Hoa Kỳ nói rằng sự hiện diện của các tàu chiến và máy bay Mỹ ở khu vực Biển Đông là nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không tại vùng biển tranh chấp, đảm bảo duy trì trật tự khu vực theo luật quốc tế.

RFA (14.12.2019)

Mỹ tiếp tục chỉ trích Trung cộng quân sự hóa Biển Đông và tái khẳng định hiện diện ở khu vực

https://www.datviet.com/wp-content/uploads/2019/12/fg.jpeg

Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ tái lên án Trung cộng quân sự hóa Biển Đông và khẳng định Mỹ tiếp tục hiện diện ở khu vực này.

Đô đốc John C. Aquilino, Chỉ huy Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, vào ngày 13 tháng 12, tái khẳng định sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Biển Đông cũng như chỉ trích việc Trung cộng quân sự hóa các đảo nhân tạo xây lên ở đó.

Phát biểu của Đô đốc John C. Aquilino được đưa ra với báo giới tại Bangkok nhân chuyến thăm của ông này đến Thái Lan theo lời mời của đô đốc Luechai Ruddit, Tư lệnh Hải quân Hoàng Gia Thái Lan.

Theo lời của Đô đốc John C. Aquilino thì Hoa Kỳ hoạt động tại khu vực Biển Đông cũng như nhiều quốc gia khác. Suốt 80 năm qua, sự hiện diện của Mỹ tại đó giúp mang lại hòa bình và thịnh vượng cho các nước do đó thật cần thiết để tiếp tục có mặt tại khu vực nơi có tuyến đường hàng hải với lượng hàng hóa thông qua mỗi năm lên đến hơn 3 ngàn tỷ đô la Mỹ.

Đô đốc John C. Aquilino nhắc lại thực tế trong hơn chục năm qua Trung cộng gia tăng qui mô, phạm vi của các lực lượng quân sự, cũng như mở rộng hoạt động trong khu vực. Thực tế này theo Đô đốc John C. Aquilino sẽ còn tiếp tục vì không hề có dấu hiệu nào cho thấy Trung cộng sẽ giảm sức mạnh quân sự tại khu vực này.

Vị đô đốc chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ còn cho rằng những thực thể mà Trung cộng xây dựng lên ở Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế, gây hại cho môi trường biển và dứt khoát có những mục tiêu quân sự, phô diễn sức mạnh để cưỡng bức và ức hiếp những nước trong khu vực.

Đô đốc John C. Aquilino nhắc lại là hãy nhìn những việc Trung cộng làm chứ đừng nghe những gì họ nói. Tại các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh cho lập nên nay đã có những hệ thống phòng không, hệ thống hỏa tiễn chống tàu, thiết bị chặn sóng radar. Gần đây, Trung cộng cho máy bay ném bom đáp xuống những đường băng xây trên đảo nhân tạo.

Tất cả đều cho thấy một mục tiêu duy nhất là quân sự hóa khu vực Biển Đông.

Trung cộng đơn phương vạch ra đường đứt khúc 9 đoạn để tuyên bố chủ quyền đến 90% khu vực Biển Đông. Ngoài Trung cộng và Đài Loan, còn có Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại biển này.

Hoa Kỳ duy trì chiến dịch tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông trong thời gian qua. Hoạt động này của phía Mỹ bị Trung cộng phản đối cho là vi phạm chủ quyền lãnh hải của Hoa Lục.
RFA (14.12.2019)

Biển Đông : Malaysia xin công nhận thềm lục địa mở rộng

media

Ảnh minh họa: Ngư dân trên một vùng Biển Đông gần Malaysia.TED ALJIBE / AFP

Ủy ban về giới hạn thềm lục địa (CLCS) hôm 13/12/2019 thông báo Malaysia đã nộp hồ sơ xin công nhận thềm lục địa mở rộng theo Điều 76 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), liên quan đến ranh giới thềm lục địa nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

Theo Malaysia, đây là bản đệ trình cho phần còn lại của thềm lục địa Malaysia nằm ngoài 200 hải lý ở phía bắc Biển Đông. Malaysia và Việt Nam hôm 06/05/2009 cũng đã cùng đệ trình về phần thềm lục địa của hai nước ở phía nam Biển Đông.

Ủy ban về giới hạn thềm lục địa nói thêm, theo Quy tắc về thủ tục của Ủy ban, sự kiện này sẽ được thông báo cho tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, cũng như các nước đã ký kết Công ước về Luật Biển. Yêu cầu của Malaysia sẽ được ghi vào chương trình nghị sự kỳ họp thứ 53 của Ủy ban tại New York từ ngày 06/07 đến 21/08/2021.

Theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song ở Úc, viết trên mạng Facebook, phần thềm lục địa mở rộng (ECS) mà Malaysia xin công nhận chồng lấn với Việt Nam, và có thể với Philippines, như vậy Việt Nam, Philippines và Trung cộng có thể có phản ứng. Tương tự, theo chuyên gia Greg Poling của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), viết trên mạng Twitter, việc công nhận thềm lục địa mở rộng có thể gây ra sự chồng chéo.

Ủy ban về giới hạn thềm lục địa (CLCS) có chức năng đưa ra các khuyến nghị cho các quốc gia ven biển về thềm lục địa mở rộng, và tư vấn nếu có yêu cầu. Các ranh giới được thiết lập trên cơ sở những khuyến nghị này được chính thức công nhận.

RFI (14.12.2019)

Việt Nam đã có chiến lược riêng ở Biển Đông, quyết không liên minh quân sự

https://cdn1.img.vn.sputniknews.com/images/838/43/8384358.jpg

© AFP 2019 / Linh Pham

Sách Trắng Quốc phòng năm 2019 của Việt Nam khẳng định Hà Nội có chiến lược của riêng mình trên Biển Đông, quyết tâm bảo vệ chủ quyền chống lại sự xâm lược của các thế lực thù địch nước ngoài.

Việt Nam đã có chiến lược cho riêng mình trên Biển Đông

Quốc phòng là mối quan tâm nghiêm túc tại Việt Nam, quốc gia có lịch sử lâu đời phải chiến đấu chống ngoại xâm. Ngày nay, trong bối cảnh môi trường chiến lược và áp lực ngày càng tăng từ một láng giềng Trung cộng đầy hung hăng, Việt Nam cần liên tục đổi mới chính sách quốc phòng của mình để đáp ứng với thời cuộc.

“Việt Nam đã có chiến lược cho riêng mình trên Biển Đông”, là nhận định của TS. Lê Thu Hương từ Viện Chính sách Chiến lược Úc liên quan đến những điểm nổi bật trong Sách Trắng Quốc phòng 2019 của Việt Nam.

Theo vị chuyên gia: “Sách trắng quốc phòng mới của Hà Nội phản ánh nỗi lo ngại về sự xâm lăng và lối hành xử coi thường luật pháp quốc tế của Trung cộng”.

Việt Nam luôn phải đối mặt với những thách thức lớn từ Trung cộng trên Biển Đông, liên quan đến việc Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo và tiến hành hoạt động quân sự hóa ở vùng biển tranh chấp. Trong vài năm qua, Bắc Kinh đã cố can thiệp vào các hoạt động kinh tế của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà Hà Nội tuyên bố chủ quyền, dẫn đến việc Việt Nam phải dừng một số dự án thăm dò dầu khí, điển hình như dự án hợp tác khai thác dầu khí Repsol. Ngoài ra, còn cả những diễn biến căng thẳng gần đây liên quan đến bãi Tư Chính.

Sách Trắng Quốc phòng mô tả Việt Nam là một quốc gia gần biển và vì vậy, đất nước này đặc biệt chú ý đến vấn đề an ninh, an toàn hàng hải, cam kết tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và các hoạt động kinh tế hòa bình theo luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, Sách Trắng cũng nêu rõ: “Việt Nam không chấp nhận hợp tác quốc phòng dưới áp lực hoặc bất kỳ điều kiện cưỡng chế nào”.

Như vậy, Việt Nam từ chối một cách rõ ràng bất kỳ mối quan hệ đối tác bất lợi nào, cũng như khẳng định quyền tự chủ quốc gia trong việc quyết định các mối quan hệ quốc phòng và lợi ích an ninh của mình, trong khi vẫn mở cửa chào đón việc hợp tác thân thiện. Sách Trắng tuyên bố Hà Nội sẵn sàng bảo vệ biên giới của Việt Nam, cả trên bộ và trên biển, bao gồm các cuộc tuần tra và trao đổi chung.

“Lập trường này cũng là một sự phản đối ngầm đối với quan điểm của Trung cộng tại Biển Đông, nước luôn tìm cách “đóng khung” các tranh chấp trong quan hệ song phương, bác bỏ những thỏa thuận đa phương và sự tham gia của các bên thứ ba, như Hoa Kỳ”, TS. Hương phân tích.

Sách trắng Quốc phòng bản mới 2019 lần này cũng chi tiết hơn so với bản cũ, phiên bản 2019 đề cập đến sự leo thang của mối đe dọa ở Biển Đông, cũng như lập trường của Hà Nội với vấn đề này.

Hà Nội tuyên bố rõ ràng ủng hộ ý tưởng “đường qua lại vô hại” (theo UNCLOS, việc tàu bè qua lại trong lãnh hải là vô hại nếu không phương hại đến hòa bình, trật tự hay an ninh của quốc gia duyên hải), phù hợp với nguyên tắc thường xuyên được Hoa Kỳ và các đồng minh trích dẫn khi đề cập đến tự do hoạt động hàng hải, cũng như an ninh và an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Đây là một trong những hình thức ủng hộ mạnh mẽ nhất của Việt Nam, đặc biệt quan trọng khi các bên yêu sách khác ở Đông Nam Á đang ngày càng miễn cưỡng bày tỏ sự ủng hộ như vậy đối với quyền tự do hoạt động hàng hải. Sách Trắng kêu gọi không thực hiện hành động làm phức tạp tình hình hoặc mở rộng tranh chấp, đồng thời tránh quân sự hóa, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Rõ ràng, năng lực quân sự của Trung cộng trong vùng biển tranh chấp là mối quan tâm lớn đối với Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào khác có chung mối lo ngại về vấn đề biển đảo.

Một đoạn đặc biệt đáng chú ý trong Sách Trắng: “Việt Nam chào đón các tàu hải quân, tuần duyên, biên phòng và các tổ chức quốc tế đến cập cảng thăm hoặc dừng chân để sửa chữa, bổ sung hậu cần và tiếp liệu kỹ thuật”. Điều này góp phần bác bỏ một những luận điệu sai trái liên quan đến việc hạn chế các hoạt động chung của Việt Nam các quốc gia trong khu vực hay với các cường quốc bên ngoài. Điều mà Trung cộng đề nghị được đưa vào cơ chế quản lý tranh chấp giữa Bắc Kinh và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN-Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông hiện đang được đàm phán. Yêu sách mà Trung cộng đưa ra là hạn chế tối đa sự tác động của bên thứ ba (các nước bên ngoài) vào vấn đề riêng quan hệ Việt- Trung hay Trung cộng- ASEAN.

Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 cho thấy Hà Nội ngày càng thể hiện rõ lập trường đấu tranh chống lại những yêu sách phi lý của Bắc Kinh liên quan đến các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Sách Trắng thể hiện rõ quan điểm của Hà Nội về các mối đe dọa nghiêm trọng và tuyên bố cam kết hợp tác với tất cả các quốc gia cũng như sẵn sàng mở rộng quan hệ quốc phòng, bất kể có khác biệt chính trị hay chênh lệch kinh tế hay không.

Theo TS. Lê Thu Hương, Sách Trắng Quốc phòng năm 2019 của Việt Nam cũng khẳng định Hà Nội đã có chiến lược của riêng mình trên Biển Đông, quyết tâm bảo vệ chủ quyền và tái khẳng định lịch sử anh hùng chống lại sự xâm lược đối với các thế lực thù địch nước ngoài.

Đây là thông điệp rõ ràng cho những kẻ thù tiềm năng với tham vọng xâm lược hay xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, đồng thời, Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam khẳng định Hà Nội kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và các quyền hàng hải phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế và tuân thủ luật pháp nước ngoài.

Vì sao Việt Nam công bố Sách trắng Quốc phòng vào thời điểm này?

Lý giải về việc vì sao Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định công bố Sách Trắng lúc này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định với tờ VnExpress rằng, các nước trên thế giới có hai loại Sách trắng Quốc phòng, một là công bố thường niên, dưới hình thức chiến lược, chính sách, kế hoạch quốc phòng hàng năm như Mỹ và một số nước khác. Hai là các nước tương đối ổn định, chính sách quốc phòng không thay đổi nhiều thì ra Sách trắng định kỳ 5 năm, 10 năm, hoặc theo vấn đề, sự kiện.

“Việt Nam chưa ấn định cụ thể mấy năm ra Sách trắng Quốc phòng một lần. Khi bối cảnh chiến lược của khu vực, thế giới và của đất nước có những thay đổi tương đối quan trọng; đường lối, chiến lược quốc phòng có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới thì chúng ta ra Sách trắng Quốc phòng”, Tướng Vịnh cho biết.

Đồng thời, vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho hay, thời gian qua, trên cơ sở dự báo, đánh giá tình hình và nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, Đảng, Nhà nước đã ban hành các nghị quyết, chiến lược trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

“Cuối năm 2019, đất nước chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới (2020-2030), là thời điểm chín muồi để công bố Sách trắng Quốc phòng nhằm bạch hoá những vấn đề có thể công khai về Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm rõ thêm vì sao Hà Nội lại quyết định công bố Sách Trắng vào lúc này.

Việt Nam quyết không tham gia liên minh quân sự

Sách Trắng Quốc phòng 2019 khẳng định, Việt Nam tiếp tục theo đuổi chính sách “ba không”, đặc biệt là chủ trương “không tham gia liên minh quân sự”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh lý giải, so với 10 năm trước, Sách Trắng Quốc phòng 2019 có nêu thêm nội dung “không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Đây không phải là quan điểm riêng của Việt Nam mà là xu thế chung của thế giới và là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế mà Việt Nam luôn đề cao trong giải quyết các tranh chấp, khác biệt.

“Chúng ta không tham gia liên minh quân sự vì chủ trương nhất quán của Việt Nam là thêm bạn, bớt thù. Liên minh quân sự nghĩa là anh phải gắn hẳn với một bên, có thể đối đầu với bên khác, tức là chuốc thêm kẻ thù. Việt Nam không đứng về bên nào, chỉ đứng về hòa bình, lẽ phải, công lý, pháp lý quốc tế. Bây giờ, các nước luôn đề cao lợi ích quốc gia – dân tộc, không ai đi bảo vệ thay cho nước khác. Lịch sử chiến tranh của Việt Nam đã khẳng định, chỉ khi có chính nghĩa chúng ta mới giành được thắng lợi, mà muốn có chính nghĩa thì phải giữ cho được độc lập, tự chủ”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định.

Đại diện Bộ Quốc phòng cũng nêu rõ, nhiều người đặt vấn đề “vì sao không liên minh quân sự nếu như đất nước có chiến tranh?” hoặc “có phải Việt Nam tự hạn chế mình trước liên minh chiến tranh xâm lược không?”. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, đây là chiến lược quốc phòng trong thời bình, khi đất nước có nguy cơ chiến tranh thì Đảng, Nhà nước sẽ phải hoạch định những chiến lược phù hợp với tình hình thời chiến.

Tướng Vịnh khẳng định, Việt Nam không liên minh quân sự, nhưng vẫn tăng cường hợp tác quốc phòng với các quốc gia để có được sự ủng hộ của quốc tế, không để bị bao vây, cô lập.

Tướng Vịnh nói về những vũ khí hiện đại do Việt Nam tự sản xuất

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, việc Việt Nam công khai vũ khí hiện đại nhất, hay đã tự sản xuất được nhiều loại trang thiết bị vũ khí được nêu trong Sách Trắng Quốc phòng là bởi, hiện nay trên thế giới, không có thông tin nào là hoàn toàn bí mật. Thêm vào đó, việc mua sắm trang bị của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, phù hợp với mục tiêu hoà bình, tự vệ, không đe doạ nước khác. Khả năng khai thác, làm chủ vũ khí hiện đại của bộ đội ta cũng rất tốt.

Liên quan đến việc Việt Nam không công bố các số liệu Tổng quân số thường trực, lực lượng dự bị động viên, ngân sách quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, quân số, trang bị của quân đội thường thay đổi theo từng năm. Cục Đối ngoại, sẵn sàng cung cấp, công khai cho các tổ chức quốc tế, các quốc gia, báo chí có nhu cầu.

Việt Nam chi tiêu cho ngân sách Quốc phòng như thế nào?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng trao đổi về kế hoạch mua sắm, hiện đại hóa quân đội nhân dân Việt Nam thời gian tới. Theo đó, Việt Nam sẽ căn cứ theo yêu cầu thực tế để lên kế hoạch mua sắm, chi tiêu cho Quốc phòng mỗi năm, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt ngân sách.

Cũng theo vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, hiện quân đội Việt Nam được trang bị 6 tàu ngầm, có đầy đủ các trung đoàn không quân Su-30 MK2, hệ thống tên lửa phòng không, tên lửa bờ đối hải, hệ thống radar, trinh sát kỹ thuật, đơn vị tăng thiết giáp. Đặc biệt, Tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, ở thời bình, Việt Nam chỉ mua vũ khí với một số lượng vừa đủ, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời quân đội tích cực nghiên cứu cải tiến, hiện đại hoá những loại vũ khí, khí tài hiện có.

“Việt Nam cũng dự trữ công nghệ chế tạo một số loại vũ khí, trang bị hiện đại, sẵn sàng sản xuất theo yêu cầu thời chiến. Các tiêu chí mua sắm vũ khí được Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định rất rõ với nguyên tắc chung là đa phương hoá, đa dạng hoá, không lệ thuộc về vũ khí, trang bị vào một quốc gia nào. Việt Nam chọn mua vũ khí có chất lượng tốt, khả năng khai thác, sử dụng phù hợp với đường lối quân sự, chiến lược, chiến thuật của Việt Nam và có giá thành cạnh tranh”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết.

Theo Foreign Policy

Sputnik (16.12.2019)