Niềm tin tư pháp
‘Tư pháp’ là gì mà để luật sư ‘mất niềm tin’?
Hoài Nguyễn
“Tôi bỏ nghề luật sư từ ngày hôm nay 27-5-2021 vì đã mất hết niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam”.
Luật sư Lê Văn Hòa, thành viên Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Ban Nội chính Trung ương, người tham gia nhiều vụ án oan, án nhạy cảm, một trong các luật sư tham gia phiên toà vụ án Đồng Tâm…, vừa tuyên bố từ bỏ nghề luật sư vì không còn niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam.
Liệu tin tức này có gây sốc cho tân Trưởng Ban Cải cách Tư pháp của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam – ông Nguyễn Xuân Phúc?
Dân chủ là tôn trọng quyền tự do cá nhân, miễn không trái luật. Ở đây ông Lê Văn Hòa với tuyên bố trên tuy có thể dễ dàng bị quy chụp về tư tưởng chính trị, song ông không vi pháp pháp luật.
Trước hết, ‘tư pháp’ là gì mà để luật sư ‘mất niềm tin’?
Có một thực tế, lâu nay, ở thể chế chính trị đơn nguyên của Việt Nam, tư pháp được hiểu theo nghĩa rộng, và theo đó là hàng loạt cách “duy danh định nghĩa” xuất hiện, nên khó có được nhận thức chung về tư pháp và quyền tư pháp trong giới học thuật.
Về lý thuyết trên giảng đường trường luật, quyền tư pháp là một dạng quyền lực nhà nước, được minh định khi quyền lực nhà nước phân chia thành ba quyền độc lập với nhau, bổ trợ cho nhau và kiểm soát lẫn nhau. Đó là các quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp.
Đây là sản phẩm của các cuộc biến đổi thể chế mang tính cách mạng, học thuyết và thực tiễn phân chia quyền lực, cân bằng quyền lực, kiểm soát quyền lực cùng với việc xây dựng nhà nước pháp quyền, ba quyền kể trên đã chứng tỏ sức sống của mình trong thế giới đương đại.
Ở thể chế chính trị Việt Nam, mặc dù lâu nay Đảng tuy không thừa nhận và không tổ chức Nhà nước theo nguyên lý tam quyền phân lập mà đặc trưng là các quyền đối trọng và kiểm soát lẫn nhau, nhưng có thể nói, pháp luật và thực tiễn của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, đặc biệt là Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trước đây, đã tiếp thu nhiều yếu tố hợp lý của thuyết tam quyền.
Đó là cách gọi tên các quyền (và các cơ quan) lập pháp, hành pháp, tư pháp, coi trọng tính độc lập của hoạt động tư pháp, xác định toà án là mắt xích trọng tâm của hệ thống tư pháp cùng với cách phân biệt ngày càng rành mạch giữa các quyền này và phương hướng tăng cường kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp nói riêng.
Là một trong ba trụ cột của quyền lực nhà nước, phân biệt theo chức năng, quyền tư pháp không đồng dạng với hai loại quyền còn lại và luôn giữ một vị thế độc lập, một nhánh quyền lực quan trọng trong các thể chế nhà nước hiện đại, đặc biệt là trong nhà nước pháp quyền.
Trên giảng đường trường luật phổ quát chung, có 10 ngành học phổ biến trong lĩnh vực tư pháp: Tội phạm học (Criminology); Tâm lý học tội phạm (Criminal psychology); Khoa học Pháp y (Forensic science); Tư pháp hình sự (Criminal justice); Hành chính tư pháp (Law enforcement); Dự bị Luật và luật học (Pre-law and legal); Trợ lý luật (paralegal); Khoa học cảnh sát (Police science); Quản giáo (Corrections); Cải tạo (Rehabilitation).
Như vậy, nếu mang kiến thức của 10 ngành học phổ biến đó để luật sư làm căn cứ củng cố cho các vụ án nhận bào chữa như vụ Đồng Tâm, rõ ràng là tư pháp đã bị xâm phạm nghiêm trọng ít nhất là ở các nội dung sau đây: Tâm lý học tội phạm – Khoa học pháp y – Tư pháp hình sự – Khoa học cảnh sát.
Mà đâu chỉ vụ án Đồng Tâm, ở các oan ức như Thủ Thiêm, như Lộc Hưng ở Sài Gòn, cho thấy tư pháp còn bị bức hại thô bạo không kém. Do vậy một khi cảm thấy bế tắc niềm tin thì tuyên bố như luật sư Lê Văn Hòa, thật ra chỉ khó hiểu ở mỗi chi tiết: trước khi là luật sư, ông Lê Văn Hòa từng là một Vụ trưởng của Ban Nội chính Trung ương.
Ông Lê Văn Hòa thừa hiểu ‘tư pháp độc lập’ ở Việt Nam chỉ là hình thức, bởi vì Việt Nam vẫn nhập nhằng “báo cáo án”/ “trao đổi án”; và cấp ủy Đảng có quyền ý kiến về yêu cầu xét xử nặng/ nhẹ…
Ví dụ cho dễ hình dung, báo Tuổi Trẻ hôm 18-3-2021, có bài “Bổ sung một số vụ án vào diện Ban Chỉ đạo trung ương chống tham nhũng chỉ đạo”, theo đó, “Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng trung ương, địa phương đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi đúng kế hoạch”.
Nếu là tư pháp độc lập, thì tư pháp ấy không thể chịu sự chỉ đạo của bất kỳ ‘bề trên’ nào, kể cả với một nơi gọi là “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng” – kiểu như “Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu khẩn trương xét xử 5 vụ án trọng điểm”…
***
Một ví dụ về “niềm tin tư pháp” từ luật sư Ngô Ngọc Trai – “Công lý theo thủ tục”
Hôm rồi xem báo nói về một vụ án giết người bên Nhật Bản, quá trình xét xử đã xảy ra tranh cãi xung quanh việc thu thập chứng chứ là mẫu lông tóc của nghi phạm để giám định ADN.
Phía luật sư bào chữa cho rằng việc thu thập lấy mẫu từ túi rác của gia đình nghi phạm mà không có quyết định khám xét thu giữ vật chứng là không hợp pháp do vậy cần hủy bỏ cáo buộc phạm tội.
Phía công tố lại cho rằng những vật dụng mà gia đình đã bỏ vào túi rác để ở ngoài cửa là đã từ bỏ quyền sở hữu đối với chúng, do vậy việc thu thập lấy mẫu không cần qua thủ tục khám xét thu giữ thì vẫn hợp pháp. Tòa án đã chấp nhận quan điểm của phía công tố.
Tôi thấy thật hay vì những tranh cãi như vậy, cho thấy căn cứ viện dẫn dựa vào thủ tục quy trình tố tụng là một phần rất quan trọng trong việc bào chữa thoát tội của luật sư bên Nhật Bản, cũng do bởi pháp luật bên họ coi trọng về công lý theo thủ tục.
Quá trình làm luật sư tôi luôn tham khảo học hỏi thêm những kiến thức như vậy.
VNTB (28.05.2021)
Luật sư kỳ cựu bỏ nghề vì ‘mất hết niềm tin vào nền tư pháp’
Luật sư Lê Văn Hòa từng tuyên bố bỏ Đảng CSVN trước khi bỏ nghề. Courtesy of Facebook Le Van Hoa
Việc một luật sư từng là giới chức Vụ Nội chính, Văn phòng Trung ương, tuyên bố “bỏ nghề luật sư vì đã mất hết niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam” được cho là cái tát vào nền tư pháp dưới sự chỉ đạo của Đảng CSVN.
Hôm 27/5/2021, công luận rúng động trước tuyên bố “bỏ nghề luật sư từ ngày hôm nay” của Luật sư Lê Văn Hòa, 65 tuổi, ở Hà Nội.
Luật sư Hòa từng làm cựu chuyên viên cao cấp ở Ban Nội chính Trung ương, cựu vụ phó Nội chính, Văn phòng Trung ương.
Luật sư Lê Văn Hòa (bìa phải) và các luật sư bào chữa cho một số bị cáo trong vụ án Đồng Tâm. Courtesy of Facebook Manh Dang
“Mất niềm tin”
Hồi năm 2017, ông Hòa từng gây xôn xao khi tuyên bố bỏ Đảng.
“Do tôi mất niềm tin và để phản đối lãnh đạo Văn phòng Trung ương và Ban Nội chính Trung ương không những vô cảm trước nỗi oan trái của người dân, không tiếp thu kiến nghị của tôi cần phải tổ chức kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn, khắc phục oan sai của vụ án Thái Lương Trí, đặc biệt Ban Nội chính Trung ương còn can thiệp, chỉ đạo án (án bỏ túi) đó là nguyên nhân chính gây nên vụ án oan sai đặc biệt nghiêm trọng này,” đơn của ông Hòa đề gửi Tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng thời điểm đó viết.
Bên dưới bài đăng của Luật sư Hòa, một số Facebooker bày tỏ ý kiến đề nghị ông nghĩ lại, vì nếu ông bỏ nghề thì các vụ án “nhạy cảm” của những người yếu thế sẽ thiếu đi một luật sư tâm huyết, trong khi số luật sư tham gia các vụ án này “chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Phản hồi tuyên bố bỏ nghề của Luật sư Hòa, Facebooker Phạm Minh Vũ bình luận: “Tôi rất cảm phục anh, nhưng muốn nói với anh rằng, từ khi Đảng Cộng sản lãnh đạo tuyệt đối toàn diện đất nước, Việt Nam chưa một lần có hệ thống tư pháp. Tất cả là Đảng pháp cả!”
Luật sư Hòa được ghi nhận từng nhiều lần lên tiếng mạnh mẽ trước các phiên tòa gây rúng động công luận như phiên xử vụ Đồng Tâm.
“Phiên tòa Đồng Tâm vi phạm tố tụng nghiêm trọng thì không hy vọng có bản án khách quan,” vị luật sư được BBC Tiếng Việt dẫn lời hồi tháng 9/2020. Kết quả phiên tòa không ngoài dự báo của giới luật sư khi Hội đồng xét xử tuyên hai án tử hình cho hai con trai ông Lê Đình Kình, người bị bắn chết trong cuộc tấn công võ trang ở Đồng Tâm hôm 9/1/2020.
“Kẻ lội ngược dòng”
Trong một bài đăng trên trang Thông Tin Đức Quốc, Luật sư Lê Văn Hòa chia sẻ: “Kẻ lội ngược dòng” là biệt hiệu mà người ta gán cho tôi, được rỉ tai nhau trong nội bộ Ban Nội chính Trung ương và Văn phòng Trung ương kể từ ngày tôi tuyên bố rời Đảng đầu năm 2017.
Điều này càng được họ làm mạnh khi tôi làm luật sư bào chữa cho một số bị cáo bị xét xử về tội xâm phạm an ninh quốc gia (trong đó có thanh niên Trần Hoàng Phúc và cựu chiến binh Nguyễn Văn Túc, người chửi “Đ** mẹ tòa” tại phiên xử phúc thẩm năm 2017.
Đặc biệt, khi tôi tham gia bào chữa cho một số bị cáo “đầu vụ” trong vụ án Đồng Tâm thì họ coi tôi là kẻ phản bội Đảng thực sự.”
Luật sư Hòa cũng kể lại chuyện đám tang mẹ ông, không có một vòng hoa tang, đến cả một tin nhắn hay cuộc điện thoại chia buồn của bất cứ ai có trách nhiệm trong Ban Nội chính Trung ương, nơi ông từng công tác.
“Nói lên điều này đâu phải tôi ham hố, tự hào gì về nghĩa tình của cơ quan cũ nếu họ gửi phúng một vòng hoa. Bởi không có vòng hoa của họ, lễ tang Mẹ tôi đã nhận được không dưới 40 vòng hoa của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân bạn bè của các thành viên trong gia đình tôi, ngoài ra, riêng tôi đã nhận được hàng ngàn tin nhắn, cuộc gọi điện thoại chia buồn của bạn bè gần xa, kể cả ở nước ngoài. Đó mới là tình người đáng tự hào và trân trọng nhất!,” Luật sư Hòa cho biết.
Có lẽ, vì tôi là “kẻ lội ngược dòng” nên gia đình tôi không được nhận “diễm phúc” chia buồn của Ban Nội chính Trung ương, cho dù tôi đã từng giữ hàm Vụ trưởng của cơ quan này; đặc biệt tôi đã gắn bó với nó suốt 22 năm trước khi nghỉ hưu, và tôi có thể khẳng định: Những kết quả chống tham nhũng, bảo vệ dân oan mà tôi đã làm được trong thời gian tôi công tác tại Ban Nội chính Trung ương thì khó có ai có thể lặp lại được.”
Định Tường
Đất Việt (27.05.2021)
An ninh Hà Nội bắt hụt nhà báo độc lập Lê Dũng Vova
Ông Lê Văn Dũng FB Le Dung Vova
Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội hôm 25 tháng 5 năm 2021 đến nhà ông Lê Văn Dũng (hay còn gọi là Lê Dũng Vova) ở quận Hà Đông để thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, tuy nhiên thời điểm này ông Dũng không có mặt ở nhà.
Theo người thân của ông Dũng, ông bị cáo buộc tội danh “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, vật phẩm, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Bà Bùi Thị Huệ, vợ ông Lê Văn Dũng trưa 26-5 thuật lại vụ việc với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:
“Tầm khoảng 1 giờ 30 chiều, hơn 20 an ninh vào đọc lệnh khám nhà, lệnh khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với anh Lê Văn Dũng theo Điều 117 (Bộ Luật Hình sự).
Mình không được xem phải đứng một khoảng cách xa, không được xem và cũng không được cầm.
Lúc đấy anh Dũng không có ở nhà, hiện tại anh ấy vẫn tạm thời an toàn.
Có lệnh khám nhà và có khám nhà nhưng không thu giữ cái gì liên quan đến anh Dũng, mà chỉ thu giữ một cái laptop và hai cái điện thoại mà tôi đang sử dụng.
Có lập biên bản nhưng do tôi không ký nên họ không đưa lại bất cứ thứ gì.”
Ông Lê Văn Dũng là chủ kênh truyền thông CHTV, chuyên dùng tính năng phát trực tiếp của Facebook để loan tải những tin tức, đặc biệt là ông thường giúp đỡ những người dân oan cất lên tiếng nói trong các chương trình của mình.
Trên tài khoản Facebook của mình vào tối ngày 25-5, ông Dũng cho hay từ tháng một đến giờ ông liên tiếp bị gửi giấy triệu tập để gặp, làm việc về đơn tố giác của Cục an ninh mạng vớ Cơ quan điều tra Hà nội.
Cơ quan an ninh cho rằng ông đã làm ra các clip trên mạng có nội dung xuyên tạc, chống phá nhà nước và có dấu hiệu của tội danh “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước”.
Tuy nhiên đến ngày 10-4-2021, an ninh điều tra Hà Nội quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, do “đến thời hạn giải quyết nhưng cơ quan điều tra chưa nhận được kết quả” giám định các video clip có mặt ông Dũng từ Sở thông tin truyền thông Hà Nội và Viện khoa học hình sự – Bộ Công an.
Ông Lê Văn Dũng khẳng định, 12 đoạn clip mà cơ quan điều tra dùng để tố giác ông thì có hết phân nửa là đã bị cắt ghép và chắp vá.
“Tôi thấy những việc mình đã làm có ích cho mọi người và Đất nước, cần mọi người cùng làm để xã hội tốt lên.
Có thể hôm nay nhiều người chưa nhận ra nhưng tôi tin rồi sẽ có ngày tất cả sẽ nhận ra, việc mình làm là đúng với lương tâm và trách nhiệm của một Công dân.
Nếu có bị bỏ tù vì nói đúng lương tâm thì tôi vẫn nói như thế. Dù biết rằng để nói thật thì sẽ thiệt thòi cho không chỉ riêng mình mà cả gia đình vợ con mình cũng phải chịu những thiệt thòi từ kỳ thị, sự khác biệt về nhận thức.
Không sao cả, mọi chuyện rồi sẽ ổn, chúng ta cần hướng tâm đến cộng đồng vì một ngày mai tốt đẹp hơn.” – ông Dũng khẳng định trên Facebook cá nhân.
Trong bài viết với tiêu đề “Ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động phá hoại bầu cử” của mạng báo Công an nhân dân đăng ngày 25 tháng 5 năm 2021, quy kết ông Lê Văn Dũng là điển hình của “số chống đối trong nước nhằm gây nhiễu loạn, phá hoại cuộc bầu cử ở Việt Nam.
RFA (26.05.2021)
Bác sĩ bất đồng chính kiến Hồ Hải rời Việt Nam đến Mỹ
Bác sĩ Hồ Hải trong một livestream hôm 19/5/2021 tại một thành phố ở Texas. Photo Facebook Ho Thien Co.
Ông Hồ Hải, bác sĩ bất đồng chính kiến, vừa rời Việt Nam đến Mỹ giữa lúc ông vẫn đang chịu hình phạt quản chế sau bốn năm tù giam vì “tuyên truyền chống nhà nước”. Ông nói việc ông ra đi được cả hai chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ “đồng thuận”.
Ông thông báo trên trang blog cá nhân và Facebook rằng ông đến phi trường Dallas, Texas, hôm 10/5.
“Cả 2 chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ cùng đồng thuận chính thức để tôi được ra đi,” ông viết. “Về luật, tôi còn án quản chế của nước CHXHCNVN đến ngày 17 tháng 4 năm 2022, nhưng do nhu cầu vì một thế hệ trẻ tương lai và một nền nông nghiệp sạch cho Việt Nam, buộc lòng tôi phải đi Hoa Kỳ sớm”.
VOA đã liên lạc Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam để tìm hiểu phản ứng của họ về phát biểu của ông Hải, nhưng chưa được phản hồi.
Một người quen của bác sĩ Hồ Hải cho VOA biết bác sĩ Hồ Hải đã đến bang Texas và đang dành thời gian để thu xếp các công việc cần thiết, ổn định cuộc sống mới.
“Con đường phía trước còn lắm nhiêu khê cho một chương trình dài hạn tính bằng thế kỷ cho thế hệ trẻ Việt Nam và cho nông dân Việt,” bác sĩ Hồ Hải chia sẻ trên Facebook.
“Tôi hy vọng mình sẽ đóng góp chút ít tài hèn, trí nhỏ của mình cho công cuộc nâng dân trí, chấn hưng dân khí và lo hậu dân sinh của chí sỹ Phan Chu Trinh đã hằng mơ ước. Chỉ thế thôi,” ông nói thêm.
Bác sĩ Hồ Văn Hải, 57 tuổi, bị bắt vào tháng 11/2016, và bị tuyên án bốn năm tù giam và hai năm quản chế trong một phiên tòa vào tháng 2/2018, với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Khi bác sĩ Hồ Hải bị tuyên án, truyền thông Việt Nam trích cáo trạng cho biết ông “lợi dụng các sự kiện chính trị quan trọng đang và sắp diễn ra năm 2015, đăng nhiều bài viết có nội dung bôi nhọ, xuyên tạc đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước; kêu gọi người dân tham gia biểu tình chống Formosa, tham gia phong trào bất tuân dân sự, tẩy chay bầu cử HĐND các cấp…”
Ông Hồ Văn Hải từng làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy ở thành phố Hồ Chí Minh trước khi hành nghề bác sĩ tại các phòng khám đa khoa.
Trước lúc bị bắt, ông là chủ Facebook Hồ Hải và trang blog “BS Hồ Hải,” được nhiều người biết đến vì đăng tải những bài viết nêu ra mặt trái của chính quyền Việt Nam.
Hiện tại ông viết blog với tên Hồ Hải, Hồ Thiên Cơ, và tham gia trong nhóm tư vấn Sài Gòn Think Tanks với sứ mệnh giúp thanh niên Việt phát triển về giáo dục, khởi nghiệp.
Ông chia sẻ rằng ông đã quyết định chọn Hoa Kỳ là quê hương thứ hai, nhưng sẽ quay về cố hương. Bác sĩ nói trong một livestream phát hôm 19/5:
“Mình đi rồi mình sẽ về, về sớm thôi, để giúp cho thế hệ trẻ, giúp cho nông dân Việt. Còn chuyện chính trị là chuyện to tát lắm, mình không đủ sức đâu! Đó là một quan hệ ràng buộc giữa những thế lực quốc tế và trong nước; những quyền lợi cá nhân và tập thể; nghiệp vĩ của dân tộc và cộng đồng thế giới…Nó đòi hỏi phải có một người lãnh đạo sáng suốt, có hướng đi đúng với dân tộc.”
“Gần bốn năm trong tù mình ngồi để suy nghĩ phải làm gì khi ra tù? Và hôm nay mình cố gắng làm như mình suy nghĩ, hành động tốt nhất để mang lại lợi ích cho người dân.”
Ông tâm sự trên trang Facebook cá nhân: “Tôi yêu Tổ quốc và Dân tộc Việt. Tôi sẽ về và đem đến những gì tốt đẹp đến với quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình trước khi tôi trở về với cát bụi.”
VOA (26.05.2021)
Một bà ở Bắc Giang bị phạt tiền vì post Facebook ‘gạch tên Nguyễn Phú Trọng’
Một bà có danh tính viết tắt là N.T.N. mới đây bị Công An huyện Lục Ngạn, và Sở Thông Tin Truyền Thông tỉnh Bắc Giang xử phạt hành chánh 5 triệu đồng ($216) với cáo buộc “đăng tin sai sự thật về bầu cử lên Facebook.”
Báo Bắc Giang viết: “Tại cơ quan công an, bà N. thừa nhận bản thân sao chép nội dung trên tại một trang fanpage (không nhớ tên) rồi đăng lên trang cá nhân với mục đích câu like, không nhằm mục đích gì khác. Bà N. nhận thức được bài viết có nội dung vi phạm pháp luật nên đã gỡ bài.”
Bài đăng trên Facebook ám chỉ việc gạch bỏ tên ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư CSVN, người cao tuổi nhất ứng cử “đại biểu Quốc Hội.” (Hình chụp qua màn hình)
Tuy báo này không nói rõ nội dung cụ thể bài đăng của bà N. là gì, nhưng ảnh thumbnail đi kèm bản tin ở trang chủ cho thấy đó là một post được lan truyền tại các diễn đàn mạng liên quan ngày bầu cử “đại biểu Quốc Hội” hôm 23 Tháng Năm.
Theo đó, Facebooker Nguyễn Thị Ninh viết: “Tôi vừa đi bầu về! Tôi gạch: 1-Người thứ nhất là người cao tuổi nhất trong năm người! Già rồi nghỉ ngơi cho sướng. Chẳng còn bao năm nữa đi theo Các Mác (Karl Marx), Lênin. 2-Người nhiều bằng cấp nhất! Đây chính là những kẻ tốn cơm dân nuôi nhất vì suốt bao năm đi làm chúng chỉ ăn lương rồi đi học đủ mọi thứ bằng để đáp ứng cho chức vụ này chức vụ kia. Đây cũng chính là kẻ theo chủ nghĩa cơ hội nhất, láu cá nhất. Không phải là người tài thật sự!”
Post Facebook nêu trên được dân mạng cho là ám chỉ trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư CSVN, người cao tuổi nhất ứng cử “đại biểu Quốc Hội.”
Ông Trọng được ghi nhận ứng cử ghế “đại biểu Quốc Hội” tại đơn vị bầu cử số 1 gồm các quận Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Bài đăng trên Facebook ám chỉ việc gạch bỏ tên ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư CSVN, người cao tuổi nhất ứng cử “đại biểu Quốc Hội.” (Hình chụp qua màn hình)
Hiện bài đăng này vẫn có thể truy cập được tại diễn đàn “Góc Nhìn Báo Chí-Công Dân,” với hàng trăm lượt bình luận tỏ ý tán thưởng quan điểm của người viết.
Trong một diễn biến khác, theo báo Hà Nội Mới, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội sẽ “cho ý kiến về báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử” vào ngày 27 Tháng Năm trước khi kết quả được công bố rộng rãi.
Tuy vậy, từ hôm 25 Tháng Năm, blogger Lê Nguyễn Hương Trà đã công bố một số trường hợp ở Sài Gòn được bầu vào hoặc rớt khỏi Quốc Hội, Hội Đồng Nhân Dân.
Blogger này nhận được sự tin tưởng của cộng đồng mạng vì đã từng loan báo danh sách “tứ trụ” cũng như sự thay đổi nhân sự cấp cao khác trước khi truyền thông nhà nước đăng tải. (N.H.K)
Người Việt (26.05.2021)