Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi miền Nam Việt Nam mất vào tay Cộng Sản Quốc Tế trong ngày 30 Tháng Tư, 1975, thời gian tưởng cũng đã đủ chín muồi để phe thua cuộc, tức là Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ cùng với những con người yêu chuộng tự do, dân chủ trên khắp thế giới, bình tâm suy nghĩ kỹ những lỗi lầm mình đã phạm phải trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam vừa rồi.

Một cuộc biểu tình chống chính phủ quân nhân tại miền Nam Việt Nam vào Tháng Tám, 1968, ở Sài Gòn. Trong hình, dân chúng, sinh viên Phật tử và các tu sĩ Phật Giáo biểu tình đòi hòa bình và độc lập trước Dinh Độc Lập. (Hình: Francois Mazure/AFP via Getty Images)

Cuộc chiến dẫn đến hậu quả đau thương cho một dân tộc quá là kém may mắn như dân tộc Việt Nam.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, trong ba kẻ thua cuộc nói trên, trước tiên, xin thử xét xem chính phủ, quân đội và nhân dân miền Nam Việt Nam đã có những lỗi lầm gì dẫn đến mất nước, tạo nên cảnh ngộ “ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông” sau lúc “Trời làm một trận lăng nhăng” như thế.

 

Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa có lỗi gì?

Về phần mình, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã phạm những lỗi lầm đáng kể như sau trong cuộc chiến:

Thứ nhất, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, vì há miệng mắc quai khi tồn tại nhờ viện trợ Mỹ, đã tùy thuộc quá nhiều vào những lời “cố vấn” của người bạn Đồng Minh Mỹ trên cả hai phương diện đối nội và đối ngoại, kể cả sách lược chỉ phòng thủ tại miền Nam chứ không được tấn công ra Bắc; phải hủy bỏ quốc sách Ấp Chiến Lược nửa chừng khi nó chưa có đủ thời gian để đạt kết quả cụ thể; hoặc phải đối xử nhân đạo theo kiểu Mỹ với tù binh Cộng Sản (mặc dù ngược lại thì phía bên kia không hề hành động đúng như thế)…

Cũng vì quá nghe lời Mỹ bắt phải dân chủ hóa đất nước triệt để, các chính quyền Việt Nam Cộng Hoà nối tiếp nhau, dù có bị thế giới quá lý tưởng – vì chưa biết rõ Cộng Sản là gì – gán cho tội “độc tài” hay “quân phiệt,” vẫn để cho dân chúng miền Nam Việt Nam được hưởng rất nhiều tự do, dân chủ giữa lúc đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh tàn khốc.

Trong khi đó, dân chúng tại các lân bang của Việt Nam Cộng Hòa, từ Philippines và Đại Hàn Dân Quốc (Nam Hàn) cho tới Singapore, mặc dù không bị Cộng Sản Quốc Tế vây đánh chí tử, vẫn phải sống với những nền dân chủ hạn chế, kể cả dưới chế độ “độc tài sáng suốt” của Lý Quang Diệu trên đảo quốc Singapore.

Thứ nhì, nội bộ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa khá lủng củng vì những xung đột chính trị, tôn giáo và đảng phái dai dẳng, nhất là giai đoạn từ những năm 1963 đến 1966, với những biến động tai hại cho cuộc chiến đấu tự vệ chống Cộng Sản xâm lược.

Có thể kể đến như cuộc đảo chánh lật đổ và sát hại Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu năm 1963, các cuộc đảo chánh và phản đảo chánh của các tướng lãnh tranh quyền sau cái chết của Ngô Đình Diệm từ 1963 đến 1965, và cuộc Biến Động Miền Trung khi các sư sãi Phật Giáo đưa bàn thờ xuống đường, gây xáo trộn cuộc sống của dân chúng và làm bận tay quân đội để phản đối chính phủ quân nhân do Trung Tướng Nguyển Văn Thiệu và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ lãnh đạo hồi năm 1966.

Tình trạng lộn xộn và xung đột nội bộ kéo dài tại miền Nam Việt Nam như thế đã dẫn đến hậu quả là, vào lúc cao điểm của giai đoạn bất an này, cứ trung bình mỗi tuần Việt Nam Cộng Hòa lại mất đi một quận và mỗi tháng lại mất đi một tỉnh vào tay quân Cộng Sản, gián tiếp biện minh cho sách lược của Hoa Kỳ trực tiếp đưa quân chiến đấu vào miền Nam Việt Nam để cứu vãn tình thế, điều mà chính quyền Ngô Đình Diệm trước đó không muốn chút nào.

Thứ ba, là nạn nạn tham nhũng trong guồng máy hành chính và quân đội tại miền Nam, dù nó chẳng ăn thua gì so với các lân quốc đang hưởng thái bình như Philippines, Thái Lan và các nước từ Á Châu đến Phi Châu và Mỹ Châu La Tinh cùng thời với Việt Nam Cộng Hòa.

Nạn tham nhũng đó tuy không đáng xách dép râu cho các quan chức Cộng Sản đang cai trị Việt Nam bây giờ và không làm cho dân chúng miền Nam Việt Nam mất tin tưởng vào chính nghĩa quốc gia, nhưng lại là cái cớ qúy hơn vàng để cho phe phản chiến và Quốc Hội Mỹ cùng với thế giới thiên tả lấy đó mà dè bỉu chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trong chuỗi lý luận của họ bài bác việc Hoa Kỳ can thiệp và giúp đỡ Miền Nam Tự Do chống quân Cộng Sản.

 

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có lỗi gì?

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, dù bị báo chí truyền thông Mỹ và Tây phương chê bai là yếu kém trong suốt thời gian có chiến tranh nhằm chạy tội cho việc “Đồng Minh tháo chạy” khỏi miền Nam Việt Nam, đã được thế giới, sau cuộc chiến, ca tụng là một đội quân tinh nhuệ và dũng cảm nhất, nhì tại Á Châu, chỉ vì các thành phần chuyên chê bai người khác kiểu đó biết suy nghĩ lại, nhất là sau khi họ có dịp quan sát kỹ khả năng chiến đấu của các đồng minh mới và đắt giá của Hoa Kỳ sau Việt Nam, như các quân đội Afghanistan và Iraq chẳng hạn.

Nhưng nói như thế không có nghĩa là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không phạm phải lỗi lầm nào khiến sức chiến đấu của họ bị giảm sút trong cuộc chiến tranh chống Cộng vừa qua. Sự thật thì quân đội này cũng đã phạm phải hai lỗi lầm đáng kể như sau:

Thứ nhất, tệ nạn lính ma, linh kiểng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, một phần vì chế độ động viên chưa triệt để cho xứng đáng với lệnh “tổng động viên” của chính phủ và phần khác là nạn tham nhũng trong quân đội, đã làm cho số sĩ quan và binh sĩ thực sự chiến đấu trong quân ngũ bị sút giảm đi phần nào, kể cả trong những lúc chiến trường cực kỳ sôi động, như trong cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân (19680 và Mùa Hè Đỏ Lửa (1972).

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (giữa) họp nội các về tình hình chiến sự trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. (Hình: Ennio Iacobucci/AFP via Getty Images)

 

Thứ nhì, vẫn có một số tướng, tá trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thiếu khả năng điều binh, khiển tướng như các chiến sĩ dưới quyền vẫn mong đợi, do bởi việc bổ nhiệm và thuyên chuyển các thành phần này đến các đơn vị chiến đấu không được công bằng và hợp lý.

Thêm vào đó, vì Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thường xuyên lo sợ bị người Mỹ ám hại hoặc đảo chánh bất tử (như cố Tổng Thống Diệm từng bị trước đó) nên ông phải đưa một số tướng lãnh thân cận vào các chức vụ cao, cả cấp quân đoàn lẫn cấp sư đoàn, nhằm tạo một vành đai an toàn cho chính mình, để rồi khi chiến tranh trở nên khốc liệt và cần người chỉ huy tài giỏi thì lại không có, dẫn đến tình trạng phải “thay ngựa giữa dòng” ngay cả trong lúc chiến sự đang sôi động.

 

Dân chúng miền Nam Việt Nam có lỗi gì?

Trong khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, vị “thần hộ mạng” của dân chúng miền Nam Việt Nam, ít có những lỗi lầm trầm trọng như đã nói ngoài sức chiến đấu anh dũng trên chiến trường và chí can trường thà chết vinh hơn sống nhục trong chiến bại thì dân chúng miền Nam Việt Nam lại phạm phải nhiều lỗi lầm, khiến công cuộc chống Cộng và cứu nguy đất nước của Việt Nam Cộng Hòa trở nên thiếu hiệu quả.

Thứ nhất, vì chưa nếm mùi Cộng Sản, dân chúng miền Nam phải nói là rất ngây thơ và nhẹ dạ (dễ nghe theo miệng lưỡi tuyên truyền của Cộng Sản), lại thêm quá nặng tình cảm gia đình (hễ nhà nào có kẻ theo Cộng Sản nằm vùng thì vẫn được thân nhân bao che). Đã thế, họ còn hành động theo khuynh hướng phe phái và tôn giáo nhiều hơn là vì quốc gia, dân tộc, rồi lại còn thiếu can đảm khi phải chống lại chính sách khủng bố của Cộng Sản, dẫn đến tình trạng ban ngày thì ở với phe quốc gia, còn ban đêm thì nuôi ăn và đóng thuế cho các cán bộ Cộng Sản…

Thứ nhì, nhờ được phía Mỹ xúi giục, dân chúng miền Nam Việt Nam, đặc biệt là giới tu sĩ và giới báo chí truyền thông, cứ muốn được tự do quá mức giữa lúc đất nước còn đang lâm cảnh chiến tranh, dẫn đến những cuộc biểu tình chống chính phủ dưới danh nghĩa chống tham nhũng và đòi hỏi tự do báo chí, tiếp tay làm suy yếu sức chiến đấu của quân và dân miền Nam Việt Nam giữa lúc đất nước đang cần phải dốc toàn lực chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Cộng Sản Quốc Tế.

Vì quá tự do, dân chủ nên ngay cả những ca khúc phản chiến có nội dung chỉ trích và mỉa mai cuộc chiến tranh tự vệ chống Cộng Sản xâm lược tại miền Nam Việt Nam vẫn được ra rả hát ca ở các phòng trà, tụ điểm và học đường tại những đô thị của miền Nam. Một số sinh viên, học sinh miền Nam, sau khi được chính phủ chi tiền cho du học ngoại quốc, lại tham gia các phong trào chống Chiến Tranh Việt Nam, đòi quân đội ngưng chiến đấu và người Mỹ chấm dứt viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa, đặng có được hòa bình bằng bất cứ giá nào, tức là rơi ngay vào cái bẫy mà phe Cộng Sản đang giăng ra.

Thứ ba, một số không ít trong dân chúng miền Nam Việt Nam, vì “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ,” vẫn còn thờ ơ với cuộc chiến tranh chống Cộng để giữ nước của đa số quân và dân miền Nam Việt Nam, rồi lại tìm những kẽ hở trong hệ thống luật pháp đầy tính nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa để có thể cứ đứng bên lề mà nhìn cuộc chiến tiếp diễn, miệng véo von ca hát những nhạc phẩm phản chiến, chứ không chịu đóng góp gì cho nỗ lực kháng chiến chống quân Cộng Sản xâm lược cả.

Thứ tư, một bộ phận không nhỏ trong dân chúng miền Nam Việt Nam lại rất tin tưởng vào chủ trương trung lập hóa miền Nam Việt Nam hoặc thành lập chính phủ liên hiệp với Cộng Sản để có ngay hòa bình, chẳng biết đâu đấy chỉ là một giai đoạn tạm bợ trong sách lược của Cộng Sản Quốc Tế nhằm giành hết chính quyền vào tay họ, như cái gương trung lập bọt bèo tại hai quốc gia lân bang của Việt Nam, là Vương Quốc Lào và Vương Quốc Cambodia, từng cho thấy.

Vả lại, nước Pháp, vào thời điểm đó, vẫn muốn quay trở lại Việt Nam sau thời kỳ thực dân khi thấy Mỹ đang lúng túng tìm cách tháo chạy, vì thế họ đã ra sức vận động cho giải pháp trung lập hóa miền Nam Việt Nam, không hề biết là mình đang sa vào cái mưu thần, chước quỷ của phe Cộng Sản.

Thứ năm, cũng giống như đại đa số dân chúng thế giới, nhiều thành phần và nhiều người tại miền Nam Việt Nam, vào thời điểm diễn ra cuộc Chiến Tranh Việt Nam, vẫn mù tịt về chủ nghĩa Cộng Sản và cuộc sống trong chế độ Cộng Sản.

Một bông hồng vàng tưởng nhớ những người Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến Việt Nam tại Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam ở National Mall, Washington, DC. (Hình: Win McNamee/Getty Images)

Qua giọng điệu tuyên truyền của phe Cộng Sản và của Thế Giới Tự Do đầy lòng thương hại cho dân chúng Việt Nam đang khốn khổ vì cuộc chiến tranh kéo dài, ai cũng nghĩ rằng cho dù có hòa bình dưới ách Cộng Sản đi nữa thì cũng vẫn tốt đẹp hơn là cứ phải chiến tranh, chết chóc hoài. Nhưng khi Cộng Sản đã đặt xong ách cai trị lên đầu, lên cổ dân chúng miền Nam Việt Nam thì sự thật lại quá phũ phàng, không ai có thể làm được gì nữa cả.

 

Kết luận: Có Trời mà cũng tại ta…

Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, sư bà Tam Hợp đã rất thâm thúy khi giải thích cuộc đời khổ lụy trần ai của Thúy Kiều bằng câu nói “có Trời mà cũng tại ta.” Cũng vậy, tuy cuộc Chiến Tranh Việt Nam hồi hạ bán thế kỷ trước, rốt cuộc, chỉ là một ván cờ của quốc tế khi các đại cường Nga, Hoa, và Mỹ đã cùng nhau “thế Thiên hành đạo” mà áp đặt kết quả cuộc chiến lên đầu hai nước nhược tiểu Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, một phần trách nhiệm khiến cho Sài Gòn sụp đổ hồi Tháng Tư, 1975, vẫn là do những lỗi lầm của chính phủ, quân đội và dân chúng miền Nam Việt Nam gây ra.

Đã biết tỏ ra “Can Trường Trong Chiến Bại” – như tựa đề của quyển sách viết về lịch sử Hải Quân VNCH và cuộc chiến đấu chống quân Cộng Sản xâm lược tại miền Nam Việt Nam của tác giả Hồ Văn Kỳ Thoại, cựu phó đề đốc Hải Quân VNCH – chúng ta can đảm nhận lấy trách nhiệm của mình về những lỗi lầm đó.

 

Vann Phan

Người Việt (10.07.2021)