„liệu với chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ là dịp để Việt Nam và Mỹ nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược? Phía Mỹ đã thể hiện ý định này trong chuyến công du vừa rồi của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, nhưng phía Mỹ cũng tỏ ý không muốn thúc ép Việt Nam…“
Thái Hóa Lộc
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dự kiến sẽ có chuyến công du Đông Á trong đó có Việt Nam từ ngày 24 đến 26 tháng 8 năm 2021.Bà trở thành quan chức cấp cao nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden đến thăm Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng kể từ khi Biden lên nắm quyền. Trong bài viết này, chúng tôi muốn chia sẻ ý nghĩa trực tiếp và liên quan đến Việt Nam về chuyến đi này…
Đối với Việt Nam, Hoa Kỳ đã có những mối quan hệ mật thiết trong chiều dài lịch sử của hai nước mỗi khi có một nhân vật là Phó Tổng Thống hay Tổng Thống Hoa Kỳ đến thăm viếng Việt Nam. Kể từ ngày Việt Nam Cộng Hòa được thành lập. Năm lần đầu tiên ngày 12 tháng 5 năm 1961, Lyndon B. Johnson lúc ông còn là Phó Tổng thống Hoa Kỳ. Ông đã gặp ông Ngô Đình Diệm và coi ông Diệm như là một Winston Churchill của Châu Á lúc ấy. Ông hứa Mỹ sẽ có thêm hỗ trợ quân sự để giúp chính quyền ông Diệm chống Cộng Sản Bắc Việt. Về lại Mỹ, ông nhắc lại thuyết domino và cho rằng nếu không giữ được miền Nam Việt Nam có thể Mỹ phải chiến đấu với những người cộng sản ngay tại cửa ngõ của mình. Cũng vì quá lo sợ sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản, sau khi lên làm tổng thống, ông đã cho đưa nhiều quân vào miền Nam.
Trong cuốn Vietnam: A History, tác giả Stanley Karnow cho rằng trong cuộc gặp với ông Johnson, ông Diệm đã không mặn mà với ý tưởng đưa lính Mỹ vào miền Nam vì là người nặng chủ nghĩa dân tộc, ông không muốn sự hiện diện quá đông của quân Mỹ trên đất nước mình.
Sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát ngày 22 tháng 11 năm 1963, ông Johnson lên làm tổng thống. Trước đó ba tuần, ông Ngô Đình Diệm cũng bị giết hại. Sau vụ ám sát này, tình hình ở Miền Nam Việt Nam càng trở nên phức tạp, tồi tệ, cuộc chiến càng trở nên khốc liệt. Số lượng lính Mỹ ở Việt Nam cũng gia tăng nhanh. Vào ngày 25 tháng 10 năm 1966, ông Johnson đã bất ngờ tới căn cứ quân sự Cam Ranh chỉ trong vòng hai tiếng rưỡi để thăm hỏi, cảm ơn và động viên lính Hoa Kỳ. Khi ông Johnson lên làm tổng thống năm 1963, số lính Mỹ ở Việt Nam chỉ có 16.000. Nhưng bốn năm sau con số ấy đã lên hơn 500.000. Tuy vậy, vào giữa mùa thu năm 1967, ông đã biết cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam rất khó thành công. Và chuyến đi này cũng không làm ông thay đổi suy nghĩ đó.
Tiếp theo các đời Phó Tổng Thống và Tổng Thống như Richard Nixon trong cương vị Phó Thổng Thống rồi Tổng Thống, Tổng thống Bill Clinton, Tổng Thống Goerge W. Bush, Tổng Thống Barack Obama, Tổng Thống Donald Trump và sắp tới ngày 24 tháng 8 năm 2021 một vị nữ Phó Tổng Thống đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam liệu có thay đổi được gì trong tình trạng hiện nay của Biển Đông – Thái Bình Dương và Đông Nam Á? Dự kiến, nữ “phó tướng” của Biden sẽ thảo luận với các lãnh đạo Đông Nam Á về những vấn đề an ninh cấp bách trong khu vực, trong đó gồm có những yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Cộng ở Biển Đông. Chuyến công du của bà Harris sẽ tiếp tục củng cố thông điệp của chính quyền Biden đối với thế giới: Nước Mỹ đã trở lại, đồng thời khẳng định chính quyền Biden coi châu Á là một khu vực hết sức quan trọng trên thế giới.
Chuyến công du của bà Harris sẽ tập trung vào bốn vấn đề lớn. Thứ nhất, tại Singapore và Việt Nam, bà Harris sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đề cập và giải thích những mục tiêu chính sách của chính quyền Biden. Một quan chức Tòa Bạch Ốc tiết lộ rằng chuyến thăm của Harris sẽ nhấn mạnh “tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác toàn diện và đối tác chiến lược, vốn là hai thành tố chính trong cách tiếp cận của chính quyền Biden trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại”.
Thứ hai, dự kiến, bà Harris sẽ có các cuộc gặp với giới chức hai nước sở tại, tiếp xúc với lãnh đạo các lĩnh vực tư nhân và xã hội dân sự, trong đó nội dung thảo luận tập trung vào cam kết của Washington đối với nỗ lực thúc đẩy an ninh khu vực, cũng như những quy tắc và luật lệ quốc tế nói chung bao gồm những quy tắc và luật lệ ở Biển Đông. Quan chức này lưu ý, tại các cuộc gặp gỡ và tiếp xúc này, Harris sẽ chia sẻ “tầm nhìn” của Washington về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”.
Thứ ba, Harris sẽ tập trung vào những mối quan hệ đối tác, đặc biệt là đối tác kinh tế giữa Mỹ và các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Thứ tư, chuyến công du này cũng nhằm “bảo vệ những giá trị của Mỹ”. Chia sẻ với báo chí, giới chức Mỹ cho biết Washington coi Singapore và Việt Nam đều là những đối tác quan trọng khi xét về vị trí địa lý, quy mô kinh tế, quan hệ thương mại và những mối quan hệ đối tác an ninh trên các hồ sơ như Biển Đông, nơi Bắc Kinh đặt ra những yêu sách đối với hầu hết vùng biển quốc tế này.
Các quốc gia khác trong khu vực cũng hoan nghênh sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông trong bối cảnh Bắc Kinh quân sự hóa các thực thể nhân tạo đồng thời quân sự hóa cả những đội tàu tuần duyên và tàu đánh cá trên vùng biển này. Một quan chức Nhà Trắng khẳng định trên báo chí: “Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ nước nào thống trị khu vực hoặc “cậy thế cậy quyền” để gây phương hại đến chủ quyền của các nước khác. Phó Tổng thống Mỹ sẽ nhấn mạnh đến tự do hàng hải trên toàn Biển Đông và rằng không một nước nào chèn ép lợi ích của các nước khác…
Chuyến đi của bà Harris diễn ra tiếp theo chuyến công du ba nước Đông Nam Á (Singapore, Việt Nam và Philippines) của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi tuần trước với mong muốn dần thúc đẩy những mối quan hệ an ninh ngày càng sâu sắc hơn với các quốc gia này. Chuyến công du của bà Harris cũng diễn ra sau các cuộc đối thoại căng thẳng tại Thiên Tân, Trung Cộng, giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và các quan chức hàng đầu ngành ngoại giao của nước này.
Theo ghi nhận của nhiều nhà nghiên cứu, mặc dù Tổng thống Biden chưa công du khu vực đáng chú ý kể từ khi lên nắm quyền, song Tòa bạch Ốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Mỹ với khu vực này khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã trở thành hai lãnh đạo thế giới đầu tiên hội đàm trực tiếp với Tổng thống Biden. Bản thân Biden cũng không ngừng khẳng định và đang bị thách thức là liệu dân chủ có thể thắng thế độc tài hay không và những mối quan hệ đối tác trong khu vực đóng vai trò thiết yếu đối với nỗ lực của ông nhằm đối phó với tầm ảnh hưởng gia tăng của Bắc Kinh. Một vấn đề mà giới quan sát đang trông ngóng đó là liệu với chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ là dịp để Việt Nam và Mỹ nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược? Phía Mỹ đã thể hiện ý định này trong chuyến công du vừa rồi của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, nhưng phía Mỹ cũng tỏ ý không muốn thúc ép Việt Nam…
Những áp lực với chính quyền Mỹ trước mỗi chuyến thăm từ giới lãnh đạo từ Tòa Bạch Ốc tới Việt Nam đã là thông lệ với nhiều lý do đằng sau, tuy nhiên ở thời điểm hiện nay, các vấn đề cần được đặt ra một cách thực tế và hợp lý với ưu tiên trình tự ra sao. Nếu như chuyến công du của ông Lloyd Austin nhằm tái khẳng định mối quan hệ quốc phòng giữa Hoa Kỳ với cả ba nước Singapore, Việt Nam, Philippines cũng như cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực, theo như thông cáo ngày 19/7 của người phát ngôn của Bộ Quốc phòng John F. Kirby, thì chuyến thăm tới đây của bà Harris càng chứng minh Việt Nam và ASEAN là một phần thiết yếu trong kiến trúc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Chính quyền Biden – Harris.
Hoa Kỳ đã nhận ra vai trò của Việt Nam đã được nhắc đến trong chiến lược này, với tư cách là đối tác khu vực và quốc tế. Trong bối cảnh ấy, từ phía Việt Nam, liệu quan điểm bất thành văn cho rằng, nếu Việt Nam muốn hoà bình thì phải thần phục Trung Cộng, còn muốn phát triển thì phải quan hệ tốt với Mỹ, liệu có còn hợp thời? Vì hoà bình là điều kiện để phát triển, phát triển mới tạo tiềm lực để giữ vững hoà bình. Hai yếu tố này quan trọng như nhau và tuỳ thuộc lẫn nhau. Chúng ta chưa nói đến chính sách theo Mỹ hay theo Tầu mà nên chỉ chú tâm theo đuổi “chính sách đu dây”.
“Chính sách đu dây” thực chất chỉ là phản ứng tự nhiên của người yếu trước những kẻ mạnh, chẳng phải là một đối sách gì to tát hay cao siêu. Nhìn nước Lào chẳng hạn, trước đây cũng “đu dây” nhưng giờ đây thì thực chất đã ngả hắn về Trung Cộng, chỉ còn vuốt ve Việt Nam để giữ thể diện và hoà khí. Riêng Campuchia thì không cần khéo đến mức như những người Lào “anh em”. Và đấy là sự lựa chọn của các nước ấy!
Hiện nay, bối cảnh quan hệ Việt – Mỹ đang thuận lợi do có sự điều chỉnh chiến lược từ phía Mỹ và đồng minh. Hoa Kỳ muốn thăm dò Việt Nam về khả năng lập quan hệ “đối tác chiến lược” và đã chủ động tạo điều kiện để Việt Nam lựa chọn. Thực ra việc hỗ trợ vacine hay phương tiện tuần tra ở Biển Đông của Hoa Kỳ chỉ mang ý nghĩa trước mắt và ngắn hạn, trong khi Hoa Kỳ đang thúc đẩy Việt Nam và các nước Đông Nam Á phải đưa ra lựa chọn rộng mở hơn. Cái khó bây giờ không chỉ là để đáp lại sự chủ động từ Hoa Kỳ hay giữ ý với Trung Cộng, mà vấn đề là làm sao để đáp ứng được mong mỏi của người dân nữa. Qua đại dịch, người dân Việt Nam càng thấy rõ ai là bạn thật sự của mình lúc khốn khó. Có thể nói, với nhân dân, họ đã có sự lựa chọn của mình rồi…
Trách nhiệm trước mắt quá nặng nề, chúng ta liệu Phó TT Hoa Kỳ Kamala Harris có làm tròn nghĩa vụ giao phó hay không hay chỉ là một chuyến đi ngoại giao lấy lệ như chuyến công du đầu tiên tại Nam Mỹ được đánh giá sự thất bại của Bà.
Thái Hóa Lộc
Nguồn: https://stopexpansionism.org/y-nghia-chuyen-di-viet-nam-cua-pho-tt-kamala-harris-thai-hoa-loc/