Giao Chỉ, San Jose.

Lời nói đầu: Anh em cao niên từ xa vẫn hỏi tôi. Bác biết gì về chuyện xây dựng tượng đài Quảng Trị tại Nam CA. Trả lời rằng tuy không biết nhiều nhưng cũng biết đủ để tìm thấy cây đắng nở hoa. Khi cuộc tranh chấp gần bế tắc thì các bạn ở San Jose đến hỏi tôi. Viet Museum có thể dành một chỗ cho tượng đá yên nghỉ không. Tôi trả lời. Con người không toàn hảo nhưng ai cũng có linh hồn. Tượng đá cũng không thể toàn hảo, nhưng tượng đá có linh hồn. Viet Museum là nơi hội tụ của linh hồn trăm ngàn thuyền nhân và trăm ngàn tử sĩ. Đây chính là ngôi đền thánh của chiến tranh Việt Nam. Cửa đền luôn rộng mở. Xin các bạn đem Quảng Trị về San Jose. Câu chuyện bắt đầu như thế và sẽ chấm dứt cũng như thế. Không thắc mắc mà cũng chẳng oán thù. Đừng quên là San Jose có công viên toàn cờ trắng tưởng niệm chiến tranh.

Chuyện kể từ đầu:

 Cá nhân tôi cũng không biết nhiều về các bạn dân cử miền Nam CA. Chỉ nghe nói thành phố nhỏ bé với Exit Little Sài Gòn có 5 ghế nghị viên mà thế hệ tương lai của Việt Nam đã ngồi 4 ghế. Tin mừng chưa bao lâu thì lại có chuyện cử tri sẽ tổ chức truất phế tất cả. Các bạn dân cử miền Nam lên xin miền Bắc cứu viện. Tôi cũng đến dự ngày vận động gây quỹ và nói được một câu gây tình thân hữu. Giao Chỉ nói rằng, chúng ta đã mất Hoàng Sa rồi lại mất cả Trường Sa. Hãy vùng lên đừng để mất cả Bol Sa. Từ đó mối thân tình được lưu ý. Nhưng rồi sáng kiến của anh em về việc xây dựng một tượng đài vinh danh trận Quảng Trị đã trở thành vấn nạn cộng đồng. Chuyện nhỏ thành lớn chuyện. Thật đáng tiếc. Khóa Cương Quyết Đà Lạt 54. Cá nhân tôi là đại tá giám đốc Path Finder làm việc tại bộ Tổng Tham Mưu nên liên hệ rất nhiều với cố vấn Mỹ. Thường bay trực thăng đến các mặt trận. Gặp các bạn cùng khóa trên khắp 4 vùng chiến thuật. Năm 1954 Bắc Kỳ động viên có 300 thanh niên vào khóa tư phụ Thủ Đức. Bay từ Hà Nội vào Sài Gòn theo khóa Cương Quyết số 2 nhưng giờ chót quân xa chở chúng tôi lên học trường hiện dịch Đà Lạt. Khóa chúng tôi có danh hiệu Cương Quyết Đà Lạt 1974. Sinh viên sỹ quan học khóa Cương quyết chính tại Thủ Đức đã vào trường là ông Ngô Quang Trưởng.

 

Mùa hè 72 ở hỏa tuyến: Mười tám năm sau, mùa hè 1972 Bắc Quân tấn công miền Hỏa tuyến chiếm gần hết Quảng Trị làm rung động đất Huế. Có ông thượng sĩ tiểu khu Thừa Thiên đạp xe quanh chợ Đông Ba nói rằng. Bà con không phải chạy. Trưởng hắn từ trong Nam bay ra rồi. Thực vậy. Cương Quyết Thủ Đức Ngô Quang Trưởng từ Cần Thơ bay lên Sài Gòn. Cùng ông Hinh, thủ khoa khóa 1 Nam Định ghé dinh độc lập rồi bay ra Đà Nẵng. Trực thăng bốc ra Huế, ông Trưởng đến ngay phòng tuyến sông Mỹ Chánh gặp đại tá TQLC Phạm Văn Chung. Tướng Trưởng kéo Chung ra một góc hỏi nhỏ. Giữ được không. Hai người cùng ngó về phía trước. Bên tay trái là Đại Lộ Kinh Hoàng, xa xa phía bên phải là Cổ thành Quảng Trị hiện trong tay Bắc Quân. 

 

Quay về phia ông tư lệnh, Phạm văn Chung lữ đoàn trưởng 369 trả lời. Thưa trung tướng, tôi giữ được. Hiện nay đường tiếp tế của địch quá dài nên đã yếu rồi. Chắc chắn tôi chặn đuờng của địch đánh Huế. Anh SVSQ khóa Cương Quyết Đà Lạt 54 nguyên thuộc trung đội 24 nói quả quyết với ông tư lệnh quân khu. Nhưng ta phải phản công ngay. Anh bạn cùng khóa với tôi đã kể lại câu chuyện bên bờ sông Mỹ Chánh. Bây giờ ông SVSQ Cương Quyết Thủ Đức Ngô Quang Trưởng và SVSQ Cương Quyết Đà Lạt đều không còn nữa. Nhưng ngay sau đó trận phản công bắt đầu. Từ phòng tuyến Mỹ Chánh lữ đoàn 2 nhẩy dù đi cánh trái do đại tá Trần Quốc Lịch chỉ huy. Anh Lịch là SVSQ khóa Cương Quyết trung đội 21. Lữ đoàn phó cũng là bạn cùng khóa. Trung tá Ngô Lê Tĩnh với 53 huy chương và 4 chiến thương. Anh Tĩnh là người nhiều huy chương nhất của gia đình mũ đỏ. 

 

Cánh quân tay mặt đi phía biển do SVSQ trung đội 22 chỉ huy. Bây giờ anh là đại tá TQLC Ngô Văn Định lữ đoàn trưởng 258. Với 5 lần bị thương, 22 lần tuyên dương có cả đệ tam bảo quốc, Anh là người có nhiều chiến công nhất của binh chủng mũ xanh. Nhận lệnh chỉ huy lữ đoàn 258 bao gồm 5 tiểu đoàn TQLC và 1 tiểu đoàn pháo 105 tổng cộng 5 ngàn chiến binh. Lữ đoàn phó là trung tá Đỗ đình Vượng cùng khóa Cương Quyết. Hai cánh quân cùng tiến về Cổ Thành bên sông Thạch Hãn. Thật là sự trùng hợp kỳ lạ trong một chiến dịch đã có đến 3 tư lệnh lữ đoàn và 2 phụ tá cùng khóa tham dự. Nhưng Phạm văn Chung không còn nữa. Ngày nay chuẩn tướng Trần Quốc Lịch cũng đã ra đi. Cả khóa 300 chiến hữu 10 phần chết 7 còn 3. Hiện chỉ còn đại tá Ngô Văn Định và chúng tôi cư ngụ tại San Jose. Một anh bạn học sinh tiểu học từ Nam Định đã chỉ huy lữ đoàn Thiết Giáp chia làm 4 đơn vị đem chiến xa yểm trợ cho Dù và TQLC khi đánh trận Cổ Thành. Ngày nay đại tá thiết giáp Hà Mai Việt ở TX vẫn còn lận đận đi biếu sách Tâm Hồn Cao Thượng để báo hiếu cho thân phụ.

 

Giọt nước mắt mùa Thu.

Dù rằng chúng tôi hoan nghênh và chào đón Tượng Đài trên đất Việt Museum nhưng thủ tục giấy tờ và kiểm soát kỹ thuật kiến trúc vẫn phải thi hành và thời gian là trở ngại chính. Kiến trúc sư của dự án cho biết chỉ nguyên lấy hẹn với chuyên viên thành phố cũng phải chờ 2 tuần. Nhà ngoại giao số một của chúng tôi phải bỏ việc chính tại dược phòng để đi lo ngày đêm cho việc phụ. Trong danh sách thành phần góp sức quan trọng có tên Ms. Hoàng Mộng Thu cả 2 phía. Nhân danh trưởng đoàn Lam Sơn cô Thu đã đích thân xây tường tưởng niệm 30 tháng tư tại Museum . Lần này cô lại cầm bản vẽ đi gõ cửa tại San Jose City. Các nhân vật thẩm quyền đã đưa câu hỏi không thể tranh cãi. Hồ sơ này đã thực hiện hơn 6 tháng và không hoàn tất ở một thành phố nhỏ bé miền Nam, làm sao bà lại nói rằng chúng tôi là đại đô thị trên triệu dân ở San Jose phải chấp thuận ngay trong một tuần. Bà phải biết rằng cái ông đại tá già ở Việt Museum đã tung hoành phá lệ hơn 10 năm tại đây. Chuyện như vậy thử hỏi nhà ngoại giao số 1 của chúng ta đã hòa giải ra sao? Nước Mắt Mùa Thu rửa sạch mọi khó khăn. Trước bàn hội nghị cô Thu giải thích trong nước mắt chan hòa. Cô khóc cho Thuyền nhân. Cô khóc cho Tử sĩ. Cô khóc cho thân phận và có khóc cho hồ sơ tượng đài Quảng Trị. Các ông bà Mỹ khó tính bỗng hoảng hồn xuống nước dỗ dành người phụ nữ Việt Nam đi tìm đất cho Linh Hồn Tượng Đá. Và ngày hôm sau thư từ thượng viện CA gửi đến. Điện thoại từ văn phòng giám sát quận hạt gọi qua. Tel hỏi thăm kết quả từ nghị viên số 7 trực tiếp nhắc nhở. Nước mắt mùa Thu của con cháu bà Triệu Ẩu ướt đẫm hồ sơ tượng đài Quảng Trị.

 

Nhà Thầu bắt đầu chuẩn bị đưa máy đào khởi công.

 

Đâu là mây trời Cam Lộ.

Trong phái đoàn Việt Museum xuống miền Nam ký nhận hồ sơ Quảng Trị có bác Nguyễn Đức Cường hiện là chủ tịch hội đồng quản trị cơ quan IRCC. Xin nhắc qua về nhân vật quan trọng của chúng tôi. Ông Cường là thanh niên Bắc Kỳ di Cư 54 được học bổng du học Hoa Kỳ. Đầu thập niên 70 thành tài về nước gặp lúc tổng động viên. Phần lớn các nhà chuyên môn bằng cấp Hoa Kỳ đều lên Quang Trung làm tạp dịch để chờ vào Thủ Đức tòng quân. Nội các của thủ tướng Trần Thiện Khiêm cần cải tổ nhân sự với các nhà khoa bảng tốt nghiệp từ Hoa Kỳ. Quý vị có học vị chuyên môn từ đại học Mỹ đang lao động cắt cỏ hàng rào trại lính bỗng được mời ra giúp nước. Tưởng rằng tương lai sẽ trở thành chuẩn úy Thủ Đức đi khắp 4 vùng chiến thuật nào ngờ được về lại Sài Gòn học việc để lãnh chức tổng trưởng kinh tế. Đó là phần số bác Nguyễn Đức Cường vào đầu thập niên 70.

 

Nhưng hoàn cảnh bác Phan Quang Tuệ có kỷ niềm đau thương hơn với tượng đài Quảng Trị. Lần này xuống chứng kiến lễ bàn giao Linh Hồn Tượng Đá với tư cách chủ tịch hội đồng tư vấn của Việt Museum, ông Tuệ vốn đã là thẩm phán tòa di trú liên bang tại San Francisco. Một chức vụ do tổng thống Hoa Kỳ bổ nhiệm. Hơn 40 năm trước ông Tuệ là trung úy Thủ Đức ngành tư pháp đang phục vụ tại Tối Cao Pháp viện. Mặt trận hỏa tuyến bùng nổ dữ dội. Hai bên đang quần thảo khắp vùng Đông Hà, Triệu Phong và Cam Lộ. Bác Sĩ Phan Quang Đán, Quốc Vụ Khanh của chính phủ đang lo cho dân ty nạn đã gọi điện cho trung úy Tuệ. Ông kêu con trai ra ngay miền Trung. Người con út là phi công khu trục đã gãy cánh và mất xác tại chiến trường Cam Lộ. Đây là người em trai duy nhất của ông Tuệ. Cam Lộ là chỗ nào. Trên bản đồ Việt Nam, nếu ta kẻ một đường dọc và một đường ngang chính giữa. Giao điểm của 2 đường kẻ chính là Cam Lộ. Đó là lý do chúng tôi mời ông bà thẩm pháp xuôi Nam để đón linh hồn tượng đá Quảng Trị về San Jose. Dưới trời Bolsa sẽ có người nhớ về mây trời Cam Lộ.

 

Tại Sao lại là Việt Museum.

Viện bảo tàng của chúng tôi có tên dài và đầy đủ là Viện Bảo tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa. Ước mong thành lập Museum đã có trên 30 năm. Thực sự có duyên may vào được khu vườn lịch sử San Jose từ năm 2006. Năm nay 2021 ngôi nhà Victoria thêm đất và khu vườn công sản trị giá 4 triệu Mỹ Kim. Các tác phẩm và di sản hiện có đã lên đến 6 triệu mỹ kim bao gồm 100 danh hiệu gần như vô giá. Những danh họa sơn dầu về thuyền nhân và chiến tranh. Di sản của ông Thiệu do bà Thiệu trao tặng. Ngôi sao đầu tiên của tướng Lương Xuân Việt. Những bộ quân phục của hải lục không quân VNCH. Di sản đem theo của đại tướng Viên. Quà tặng của tướng Westermoreland gửi ông Viên. Gạt tàn thuốc lá của tướng tuẫn tiết Lê Văn Hưng. Đôi nạng gỗ của Việt Dzũng. 4 cây súng trường của Nga Tàu Mỹ và Pháp trao vào tay thanh niên Việt 2 miền trong cuộc chiến 21 năm. Các bức tượng đài vô giá. Ba bộ huy chương VNCH mỗi bộ 120 chiếc trị giá tổng hợp 200 ngàn mỹ kim. Hai con thuyền Cà Mau vượt biển đi suôi và con thuyền Hải Nhuận từ Huế đi ngược. Cả hai đến bến tự do và nằm cạnh nhau tại Museum Thuyền nhân. Ngay cửa Museum có tấm bảng ghi lại ý nghĩa của viện bảo tàng đầu tiên và duy nhất của người Việt trên thế giới. Với tro tàn lịch sử. Ta xây dựng bảo tàng. Đem quá khứ huy hoàng, gửi tương lai vĩnh cửu (We build the Museum of the future from the Ashes of the Historical Past) Tất cả học sinh Silicon Valley cả ngàn em đều phải đi Field Trip hàng năm tại đây.

 

Và chính ở viện bảo tàng này đã có hàng trăm ngàn linh hồn thuyền nhân đi mà không đến, có hàng trăm ngàn tử sĩ hy sinh cho chúng ta được sống. Thưa quý vị chính tại nơi đây chúng tôi sẽ hân hoan chào đón linh hồn tượng đá Quảng Trị từ miền Nam California. Đây chính là quá khứ huy hoàng gửi tương lai vĩnh cửu. Chúng tôi không tranh luận mà cũng chẳng hận thù. Chỉ yên lặng đón chào bằng nước mắt mùa Thu.( Đại tá Giao Chỉ, Vũ Văn Lộc)

 

Sau đây là thông báo chính thức của cơ quan IRCC/Viet Museum

 

Thông báo đặc biệt của cơ quan IRCC/VietMuseum

 

3017 Oakbridge Dr San Jose CA 95121 –  408 316 8393 giaochi 12@gmail.com vietmuseums@gmail.com

 

Cơ quan xin hân hạnh thông báo. 

Được sự thỏa hiệp của History Park và thnh phố San Jose, cơ quan IRCC/ Viet Museum chúng tôi sẽ chính thức tiếp nhận tượng đài “Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị” do Uỷ Ban Xây Dựng Tượng Đài thuộc tổ chức “Quang Tri Victory Foundation” thực hiện vào ngày 18 tháng 9-2021 tại thành phố Westminster. Sau lễ tiếp nhận, tượng đài sẽ được đưa về an vị bên cạnh “Bức Tường Tưởng Niệm” các vị đã tuẫn tiết ngày 30/4/1975. Trong khuôn viên Việt Museum thuộc Công Viên Lịch Sử -History Park, San Jose. Đây là một di sản vô giá do Quang Tri Victory Foundation thực hiện với sự cộng tác của các thành phần tình nguyện trong cộng động Việt Nam 2 miền Nam Bắc California và sự ủng hộ của đồng hương khắp nơi. Việt Museum là viện Bảo Tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa đầu tiên và duy nhất trên thế giới được thành lập trên phần đất vinh danh lịch sử San Jose là nơi có số lượng người Việt đông đảo nhất cư ngụ ngoài Việt Nam. Đây là những lý do mà tổ chức Quang Tri Victory Foundation đã quyết định dành cho Việt Museum được vinh dự tiếp nhận tượng đài Quảng Trị. Chúng tôi xin vui mừng loan báo tin rất quan trọng và gửi lời chân thành cảm ơn Uỷ Ban Xây Dựng Tượng Đài. Sau khi tượng đài được an vị tại Việt Museum chúng tôi sẽ hợp tác tổ chức lễ khánh thành trọng thế với sự tham dự của các cấp dân cử cùng toàn thể đồng hương Việt Nam tại Bắc Cali và khắp nơi.

 

Ký tên:

 

Vũ Văn Lộc 

Giám đốc cơ quan IRCC/Viet Museum,

Nguyên đại tá thuộc bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH,

 

Nhân chứng ủy nhiệm 1

Nguyễn Đức Cường

Chủ tịch hội đồng quản trị IRCC/Viet Museum.

Nguyên Tổng trưởng Kinh tế Đệ nhị Cộng Hòa.

 

Nhân chứng ủy nhiệm 2 

Phan Quang Tuệ, Chủ tịch hội đồng Tư vấn IRCC/ Viet Museum, 

 Nguyên chánh thẩm tòa án di dân liên bang tại San Francisco

 

Giao Chi San Jose.   giaochi12@gmail.com  (408) 316 8393