„trong thực tế tại Việt Nam nhà cầm quyền Việt Nam đang phải chấp nhận một cuộc chuyển hóa mà cuối cùng dẫn đến một chế độ dân chủ.“

Phan Quang Trọng

(Mạn đàm với Gs. Đoàn Viết Hoạt tại Dallas, TX)

 

Trong cuốn sách có nhan đề The Third Wave: Democratization in the Late Twentieth Century, giáo sư Huntington viết tiến trình dẫn đến dân chủ trong thế kỷ XX thường đi theo ba lộ trình: Thay thế (replacement), Chuyển thể (transplacement), hay Chuyển hóa (transformation). Từ khi còn ở Việt Nam, giáo sư Đoàn Viết Hoạt mặc dù chưa được đọc tác phẩm trên của Gs. Huntington cũng đã có cái nhìn tương tự và theo ông con đường chuyển hóa đến dân chủ là phù hợp và có thể bền vững nhất trong điều kiện Việt Nam. Như vậy chuyển hóa để trở thành một quốc gia dân chủ là gì? và tại sao chuyển hóa là con đường phù hợp và có nhiều cơ hội để thực thi nhất tại VN?

Trong các bài viết ngay từ những ngày cuối thập niên 80s trên Diễn Đàn Dân Chủ sau 12 năm tù đầy, Gs. Hoạt đã nghĩ chuyển hóa phù hợp và khả thi trong điều kiện Việt Nam vì tiến trình đòi hỏi một biến chuyển toàn diện từ nhà cầm quyền cộng sản độc tài đến người dân và có sự đóng góp tích cực từ bên ngoài như cộng đồng hải ngoại, Hoa Kỳ và các nước Tây phương dân chủ, vv. Quá trình đòi hỏi sự thay đổi và tác động của nhiều yếu tố, nhân tố liên quan lên tình hình Việt Nam chứ không chỉ từ một hay hai phía. Như vậy Chuyển hóa là do tương tác và áp lực khách quan của tất cả các yếu tố.

 

Chuyển thể và Chuyển hóa nhìn từ bên ngoài có nhiều nét tương đồng nhưng trong thực tế tại Việt Nam nhà cầm quyền Việt Nam đang phải chấp nhận một cuộc chuyển hóa mà cuối cùng dẫn đến một chế độ dân chủ. Trong khi Chuyển thể là sự tác động của hai lực lượng là nhà cầm quyền độc tài và các tổ chức đấu tranh cho dân chủ đoàn kết thành một khối có sức mạnh và khả năng thương thảo dẫn đến thay đổi. Trong trường hợp Việt Nam khó có xu hướng Chuyển thể vì tương quan lực lượng giữa nhà cầm quyền và các tổ chức tranh đấu quá chênh lệch, không đủ sức mạnh đối trọng với nhà cầm quyền. Phía nhà cầm quyền cũng không bao giờ tự nhiên chấp nhận thương thuyết, thảo luận để đi đến thay đổi với bất kỳ lực lượng nào tranh đấu trực diện với họ.

 

Có nhiều yếu tố đẩy mạnh quá trình chuyển hóa như giới cầm quyền, giới tinh hoa, người dân trong nước, người dân Việt sống tại hải ngoại, các quốc gia ngoại bang có quyền lợi gắn bó với Việt Nam, vv. Tại VN, người dân chiếm đa số nhưng tương quan lực lượng giữa người dân và nhà cầm quyền quá lớn. Người dân tuy đông nhưng đang ở trong thế quá yếu về ý thức chính trị, kiến thức tổ chức, thực quyền, tài lực, lại chia rẽ, và bị giới cầm quyền tước đoạt các phương tiện dân chủ. Vì vậy, phải có những cố gắng để giúp cho người dân nhiều mặt như nâng cao ý thức, giúp họ kỹ năng tổ chức, lãnh đạo, để dần tạo sức mạnh cho các tổ chức của họ, và tránh bị tiêu diệt ngay từ lúc đầu vì thiếu kinh nghiệm đương đầu với độc tài cộng sản. Chế độ độc tài cộng sản khác với các chế độ độc tài khác, thí dụ như ở VN, nhà cầm quyền CSVN có chiều dài hoạt động lâu dài có khi trước cả các tổ chức quốc gia, cán bộ của họ được huấn luyện chuyên nghiệp từ Liên Xô, Trung Cộng, họ có nhiều kinh nghiệm và đặc biệt họ cai trị sắt máu và kiểm soát nghiêm ngặt. Tóm lại, người dân phải được trau dồi nhận thức và kiến thức chính trị tại VN và thế giới và được học những kỹ năng hoạt động để sống còn lâu dài, xây dựng sức mạnh và tranh thủ được số đông.

Một trong những cách để đào tạo tinh thần dân chủ cho người dân là các hoạt động xã hội dân sự. Trong chế độ cộng sản và độc tài người dân phải tăng cường sức mạnh bắt đầu bằng những hoạt động phi chính trị trước. Tại VN, nhiều tổ chức xã hội dân sự bắt đầu ra đời do các thành phần trẻ, hiểu biết cách nhà cầm quyền cộng sản kiểm soát, và biết cách xây dựng các tổ chức dân sự. Các hoạt động ban đầu chú trọng về các mặt xã hội, giáo dục, nghệ thuật, câu lạc bộ thanh niên, vv. Đây là các hoạt động người tranh đấu cho dân chủ nên quan tâm và thúc đẩy, vì nhà cầm quyền độc tài cũng có nhu cầu phát triển nên không thể dập tắt các hoạt động có vỏ bọc phi chính trị. Đây là con đường giúp người dân và xã hội dần ý thức, trang bị các kỹ năng tổ chức, phản biện, dần nhận thức và đòi hỏi các sinh hoạt dân chủ. Một trong những sai lầm là các tổ chức tranh đấu nhảy quá sớm vào đấu trường chính trị khi kinh nghiệm và kỹ năng còn non kém để bị nhà cầm quyền độc tài nhanh chóng tiêu diệt.

 

Đồng bào hải ngoại hay cả các quốc gia dân chủ cần tiếp sức góp phần vào công cuộc vận động chuyển hóa dân chủ cho VN, có nhiều công tác và công thức vận động để chúng ta bên ngoài cùng góp một tay vào quá trình chuyển hóa. Cộng đồng hải ngoại cũng phải chuyển hóa để đoàn kết và nắm bắt cơ hội lúc nhà cầm quyền độc tài buộc phải mở cửa ra với Hoa Kỳ và các nước dân chủ Tây phương để phát triển. Thật ra, nhà cầm quyền CSVN không còn con đường nào khác hơn là đứng gần hơn với Hoa Kỳ, lợi dụng mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng để dần thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Cộng ngày càng siết mạnh hơn. Cộng đồng hải ngoại có ưu thế do có khả năng về mọi mặt để giúp nâng cao ý thức chính trị và khả năng của người dân trong nước. Hỗ trợ, lôi kéo, và thu phục nhân tâm của các em du học sinh trong các công tác xã hội, văn hóa của cộng đồng tỵ nạn. Chính quyền và xã hội Hoa Kỳ mỗi ngày xâm nhập vào VN qua các mặt văn hóa, kinh tế, nghệ thuật, vv. mà nhà cầm quyền CSVN hầu như không thể ngăn chặn. Các hoạt động của cộng đồng VN hải ngoại cũng như chính quyền Hoa Kỳ cần hợp tác và hỗ trợ các sinh hoạt của người dân trong nước để họ ngày càng độc lập với nhà cầm quyền và đảng CSVN.

Nhìn vào tình hình thế giới và Hoa Kỳ hiện nay, nhiều người cho rằng nền dân chủ của Hoa Kỳ đang bị đe dọa, trong khi quốc gia láng giềng với VN là Trung Cộng ngày càng mạnh và hung hãn, và nhất là 2 năm nay tình hình đại dịch Covid đang tàn phá con người và cả kinh tế các quốc gia chậm tiến như VN. Tuy nhiên từ cái nhìn của người nghiên cứu xã hội dân chủ trong nhiều năm qua, Gs. Đoàn Viết Hoạt nghĩ tình hình không bi quan như nhiều người nhận xét. Những sự kiện tiêu cực đang xảy ra cho thấy nước Mỹ cần phải thay đổi và cải tiến hơn. Một xã hội dân chủ không chỉ có đa đảng hoạt động và bầu cử tự do, mà phải làm sao cho người dân ngày càng có tiếng nói và sức mạnh để đóng góp và xây dựng một chính quyền dân chủ, không để một thế lực nào khuynh loát đời sống toàn dân. Hoa Kỳ có các vấn đề còn tồn tại như da mầu hay giúp quan hệ với các nước đang phát triển để họ không bị các nước mạnh uy hiếp. Hoa Kỳ có khả năng giải quyết các nan đề này vì lực lượng dân chủ tại Hoa Kỳ lớn mạnh, kinh nghiệm, và còn phát triển.

Từ năm 2000 trở đi và sau sự sụp đổ của Liên Xô, cộng đồng người Việt hải ngoại đang bước qua một giai đoạn mới. Chúng ta từ một cộng đồng tỵ nạn bước sang thành cộng đồng người Mỹ gốc Việt, nơi chúng ta có thể đóng góp và ảnh hưởng vào các chính sách của Hoa Kỳ. Đặc biệt với liên hệ về ngôn ngữ và văn hóa với VN, cộng đồng hải ngoại có thể đóng góp tích cực hơn nếu biết xử dụng vị thế là công dân Hoa Kỳ. Các sinh hoạt trong cộng đồng của chúng ta cần phải có nhiều người trẻ trong lứa tuổi 30, 40 nhất là trong các lãnh vực ảnh hưởng đến tiến trình chuyển hóa dân chủ cho VN. Các tổ chức cộng đồng, đoàn thể, cần tạo điều kiện để các bạn trẻ tham gia, học hỏi và đóng góp.

Hàng năm cộng đồng hải ngoại là nguồn ngoại tệ trên 10 tỉ Mỹ Kim cho VN, việc này có hai ảnh hưởng. Thứ nhất là hỗ trợ các sinh hoạt của người dân trong nước và thứ hai một cách gián tiếp giúp nhà cầm quyền CS thêm tài lực. Vì vậy, chúng ta phải chú ý làm sao để tiền của chúng ta đổ vào trong nước phải giúp được cho người dân và giới trẻ xây dựng được nội lực, ý thức dân chủ, và khả năng tổ chức.

Cộng đồng hải ngoại cũng phải giúp vận động chính quyền Hoa Kỳ qua các vị dân cử, các tổ chức phi lợi nhuận, dân sự, các công ty, vv. để họ có các chương trình xây dựng sức mạnh cho người dân và giảm bớt khả năng kiểm soát và cai trị của nhà cầm quyền CSVN.

Có thế, tiến trình chuyển hóa dân chủ mới đi nhanh và bền vững hơn cho quê hương Việt Nam trong tương lai không còn nhà cầm quyền cộng sản độc tài cai trị.

 

Phan Quang Trọng

VNTB (20.10.2021)