Facebook nói đang điều tra lý do ‘bò dát vàng’ bị chặn
Công ty sở hữu Facebook hôm thứ Ba cho biết họ đã bỏ chặn hashtag (thẻ) ‘#saltbae’ cho biệt danh đầu bếp nổi tiếng Nusret Gokce, sau khi phát hiện hashtag này bị chặn trên toàn cầu, sau khi một video trực tuyến cho thấy Gokce đút một miếng bò bít tết nạm vàng cho một quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam tại London, Reuters đưa tin ngày 9/11.
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Đầu bếp Nusret Gökçe tức Salt Bae, đi lên từ quán thịt nướng ở quê nhà Thổ Nhĩ Kỳ
“Chúng tôi đã bỏ chặn hashtag này trên Facebook và chúng tôi đang điều tra lý do tại sao lại xảy ra việc này,” một người phát ngôn của Meta, công ty điều hành Facebook nói với Reuters, đồng thời xác nhận rằng hashtag này đã bị chặn đối với tất cả người dùng Facebook trên toàn cầu chứ không chỉ bị chặn ở Việt Nam.
Hiện hashtag này có vẻ đã được dùng trở lại không gặp vấn đề trên trang Facebook.
Bài tường thuật của James Pearson, Trưởng văn phòng hãng tin Reuters tại Hà Nội cho biết không rõ tại sao hashtag từng bị chặn và người phát ngôn của Meta từ chối bình luận về lý do có thể xảy ra.
“Trong khi nó [‘#saltbae’] bị chặn, việc tìm kiếm hastag cho kết quả thông báo rằng có việc vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”.
“Trong một cuộc điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ vào đầu năm nay, CEO của Meta là Mark Zuckerberg cho biết trí tuệ nhân tạo đóng một vai trò quan trọng trong việc “kiểm duyệt nội dung”, chịu trách nhiệm gỡ bỏ hơn 90% nội dung được coi là vi phạm các qui định của Facebook” bài tường thuật mà Reuters cho biết.
Đoạn video, khởi đầu được đăng trên tài khoản TikTok chính thức của đầu bếp Gokce và sau đó bị xóa, cho thấy Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Tô Lâm, được đầu bếp nổi tiếng Gokce đút một miếng bít tết nạm vàng tại nhà hàng của Gokce ở London.
Mặc dù không ai rõ giá bữa ăn là bao nhiêu, nhưng báo chí tiếng Anh nói một phần bít tết như vậy được cho là có giá lên tới 1.450 bảng Anh (1.960 USD).
Hiện chưa rõ ai trả tiền cho bữa ăn gây chú ý nhiều của dư luận.
NGUỒN HÌNH ẢNH,TIKTOK Chụp lại hình ảnh, Video chiếu cảnh ông Tô Lâm trong nhà hàng gây tranh cãi trong dư luận
Trong bài tường thuật của Reuters, James Pearson cho biết đã liên lạc với Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam để lấy bình luận phục vụ cho bài viết nhưng không nhận được phản hồi.
Người dùng TikTok Việt Nam nói với Reuters rằng các bản sao của video kể trên sau khi được tải lên mạng xã hội Tiktok đã bị xóa vì vi phạm “tiêu chuẩn cộng đồng”,.
TikTok và anh Gokce từ chối bình luận trong khi Facebook từ chối bình luận về việc liệu chính phủ Việt Nam có yêu cầu xóa video hay không, theo Reuters.
Cho tới hôm 9/11, báo chí nhà nước và chính phủ Việt Nam không nói gì về video này.
Còn trên mặt báo tiếng Anh, câu chuyện vẫn đang được nhiều trang tin tường thuật.
Hürriyet Daily News của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9/11 đăng bài với tựa “Salt Bae’s treat for Vietnamese minister stirs anger in Asian country”.
Báo Independent của Anh ngày 8/11 thì chạy tít “Vietnamese minister fed £1,450 gold-plated steak after laying flowers at Karl Marx’s grave”.
BBC (09.11.2021)
Nhân quyền: Làm sao để có và để không bị mất?
Phạm Phú Khải
Biểu tình ở Thái Lan đòi thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức. Hình minh họa.
Trong gần hai tháng qua, luật sư Trần Kiều Ngọc đã cùng một số nhà hoạt động trong nước tổ chức khóa học kéo dài 6 tuần về nhân quyền. Nói là 6 tuần nhưng thật ra mỗi tuần chỉ học thảo một lần vào ngày Chủ Nhật, và mỗi lần dài khoảng 2 tiếng rưỡi thôi. Khóa học này đã chia sẻ các nguyên tắc, giá trị và triết lý đằng sau học thuyết nhân quyền cùng các học viên trong và ngoài Việt Nam. Ngoài lý thuyết bàn về nội dung của bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát (UDHR), Công ước về Quyền Trẻ em (CRC), Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), khóa học cũng trình bày những kỹ năng cần thiết và các phương thức vận động và đóng góp thiết thực để đề cao, bảo vệ và cải thiện nhân quyền tại Việt Nam. Cụ thể là dùng những báo cáo, bản tin, thông cáo và bình luận của các tổ chức nhân quyền hàng đầu thế giới để phân tích và học hỏi, như Amnesty International (AI) và Human Rights Watch (HRW), và đối chiếu với trường hợp tại Việt Nam.
Điều tích cực là trong số các học viên tham dự thì có khoảng 10 học viên, hoặc hơn, đều rất trẻ; có bạn còn đang 15, 16 tuổi, học trung học. Ngoài ra, mỗi buổi học đều có một vài nhà hoạt động uy tín trong và ngoài nước tham dự và chia sẻ góc nhìn của mình về nhân quyền. Một số nhà hoạt động Việt Nam có kiến thức khá vững vàn, và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, nên chia sẻ được nhiều điều quý giá với mọi tham dự viên.
Chúng tôi đã tham dự khóa học này đầy đủ. Trong tất cả mọi thành phần tham dự, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến giới trẻ. Tương lai của Việt Nam có thăng trầm hay thành bại ra sao, có những thay đổi lớn lao và tích cực, hay nhỏ bé và tiêu cực ra sao, đều do tư duy của giới trẻ Việt Nam hiện nay và mai sau. Nếu người trẻ Việt Nam có thể trang bị cho mình một tinh thần tương thân tương ái, nghĩa là có viễn kiến vì phúc lợi chung, chứ không phải chỉ cho cá nhân, gia đình, hay phe nhóm mình, thì lịch sử trước sau gì cũng khang trang.
Nếu có thể tóm tắt các bài học trong 6 tuần qua, thì xin được chia sẻ như sau.
Một, toàn bộ học thuyết nhân quyền nên được xem như là điểm chuẩn (benchmark), để mọi con người của mọi quốc gia có thể dùng làm chuẩn mực hầu thúc đẩy các quyền con người. Các giá trị về tự do, bình đẳng, công bằng, công lý, cũng như các quyền dân sự và chính trị v.v… đều mang tính tương đối, đều phải được ràng buộc bởi hiến pháp và pháp luật của quốc gia, để tránh bị lợi dụng hay lạm dụng, dù đó là từ phía người dân hay chính quyền. Ngoài ra, các quyền và tự do của con người có mối quan hệ mật thiết đến các nhu cầu căn bản nhất, như nhu cầu sinh lý, an toàn và thương yêu; bậc cao hơn là sự ghi nhận, kính trọng, lòng tôn trọng và tự trọng, và các quyền tự do căn bản. Không có những điều này thì một người khó thể nào thực hiện mong muốn của mình để được tự do thật sự.
Hai, không thể học hay hành về nhân quyền nếu không có lòng tự trọng. Chính vì thế mà ở các nước văn minh, khi lòng tự trọng của con người càng cao, càng hiểu sâu về quyền con người của chính mình và, của người khác, thì sự tôn trọng nhân quyền cũng cao lên.
Nhưng làm sao để có được lòng tự trọng? Đây là câu hỏi rất khó. Nó như con gà và trái trứng vậy. Có nhân quyền trước thì sẽ có được lòng tự trọng, hay có lòng tự trọng sẽ đưa đến nhân quyền?
Muốn có lòng tự trọng thì phải có sự tự tin. Tin rằng chính mình, không ai khác, mới quyết định được vận mệnh, tương lai, cuộc sống của mình. Ngoài ra cần phải có sự thương yêu, cảm thông, hỗ trợ v.v… từ người khác, nhất là từ gia đình. Không có các yếu tố này, mà còn bị vùi dập, bị đối xử tồi tệ từ trong gia đình, đến nhà trường, và xã hội rộng mở, v.v… thì khó một ai có thể có sự tự tin, để có lòng tự trọng, để rồi sau đó biết tôn trọng người khác, nhất là các quyền căn bản của người khác.
Khi nói đến điều này, thì chúng ta cần hiểu rằng tôn trọng nhân quyền đối với một người khác có nghĩa là thật sự xem người đó có đủ quyền và tự do giống như mình, bất kể màu da, sắc tộc, tôn giáo, phái tính, tuổi tác v.v… Tinh thần tôn trọng đích thực là như thế, dù người đó nhỏ tuổi hơn mình, con cháu mình, hiểu biết kém hơn mình, nghèo hơn mình, hay nói chung mọi thứ đều thua kém mình. Đó mới là tôn trọng đích thực. Chứ không phải chỉ tôn trọng khi người đó ở vai vế lớn hơn mình, như cha mẹ, anh chị, thầy cô, ông này bà kia, giàu có quyền lực hơn mình v.v…
Ba, mọi điều trên sẽ vô nghĩa nếu chỉ dừng lại ở thông tin hay kiến thức. Chỉ qua thực hành thì chúng ta mới cảm nhận được các giá trị đích thực này, cũng như các giới hạn của nó. Khi có niềm tin, khi thực sự tin tưởng, chúng ta phải tìm cách áp dụng vào đời sống, vào thực tế. Nhân quyền là bao hàm gần như mọi thứ liên quan đến đời sống của chúng ta. Một số người di dân khắp nơi, trước đây cũng như sau này, không biết rằng bạo hành gia đình là vi phạm nhân quyền, với phụ nữ hay với trẻ em, tại Úc hay các nền dân chủ pháp quyền khác. Họ ngạc nhiên sau khi bị xét xử vì vi phạm. Sống đây một thời gian, họ từ từ quen và hiểu ra, và cũng thay đổi dần cung cách hành xử trước đây. Bao nhiêu các vấn đề mang tính cá nhân cũng đều là nhân quyền, hay chính trị (the personal is political), không chỉ riêng nữ quyền.
Qua khóa học này, một số bạn trẻ cho biết các em hồi trước đến nay không nghĩ nhân quyền rộng như thế. Không nghĩ rằng giáo dục gia đình, kể cả dạy dỗ, trừng phạt, đều liên quan đến nhân quyền, nhất là quyền trẻ em. Môi trường sống như không khí, thức ăn, chỗ ở, nước uống, hay biến đổi khí hậu v.v… đều liên quan trực tiếp đến đời sống con người, đến quyền làm người của tất cả chúng ta. Do đó, khóa học đề nghị nhu cầu mở rộng hoạt động nhân quyền lên toàn diện đời sống, từ người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ, phái tính/LGBTI, cho đến các quyền lao động, công đoàn, nghiệp đoàn v.v… Nếu chỉ tập trung vào quyền dân sự và chính trị thì không gian hoạt động là giới hạn, kém hiệu quả, và khả năng vận động nhiều thành phần khác nhau trong xã hội tham gia vào việc bảo vệ và phát huy nhân quyền sẽ bị giới hạn.
Bốn, khóa học này chia sẻ quan niệm rằng quyền trẻ em là nền tảng của xã hội. Tương lai của đất nước có thay đổi hay không, đến mức độ nào, theo chiều hướng nào, v.v… là do ý thức và tư duy được hình thành từ các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Nếu không đầu tư vào, nếu không tôn trọng các quyền căn bản của trẻ em, ngay từ trong gia đình và nhà trường, thì đừng mong họ sẽ có lòng tự trọng, và đừng mong sau này họ sẽ tôn trọng quyền và tự do của người khác.
Năm, khóa học đề cao nhu cầu ghi chép hồ sơ, dữ liệu như một công việc quan trọng hàng đầu. Không có dữ liệu thì không thể nói chuyện hay thuyết phục được ai cả, ngay cả khi được quan tâm và hỗ trợ. Sự thật không thể đến từ cửa miệng thôi. Cho nên mọi người cần tập thói quen ghi chép mọi thứ có thể, nếu an toàn, và làm việc cũng như giải quyết vấn đề dựa trên dữ liệu và lý luận. Hãy luôn quan niệm rằng nếu không ghi lại thì coi như chuyện đó không xảy ra. Ngàn năm bia miệng chỉ có giá trị thời xưa, chứ thời nay thì phải có bằng chứng hẳn hoi trong mọi việc mình làm.
Phải thú thật rằng khi nhìn thấy một số bạn trẻ tham gia vào khóa học này, chúng tôi cũng lấy làm vui mừng và lạc quan. Có bạn tham gia thảo luận nhóm, trình bày đề tài mình được giao phó, và trả lời các câu hỏi từ người khác. Tuy nhiên, trong diễn đàn thảo luận và trong khóa học, chúng tôi vẫn thấy sự rụt rè vẫn còn nhiều. Nhất là khi đặt câu hỏi.
Các em đã được nhắc nhở lên tiếng trong diễn đàn, và mạnh dạn phát biểu những gì mình suy nghĩ trong buổi học. Đặc biệt quan trọng nhất là chúng tôi mong các em hiểu được rằng khi hỏi thì đó chính là quyền căn bản nhất. Có thể các em không quen, nên ngại hỏi. Điều này tuy có thể hiểu được, nhưng chính các em phải vượt qua được nỗi sợ này, thì mới tiến bước vững vàng. Bởi vì nếu lỡ chúng ta có hỏi câu hỏi vớ vẩn thì cũng không sao cả. Đó cũng là cơ hội để chúng ta học từ cái sai, cái dở, hay lỗi lầm của mình. Lấy thí dụ, một trong những kỹ năng quan trọng nhất của người làm truyền thông là biết đặt câu hỏi. Nhưng không phải tự nhiên họ biết đặt câu hỏi thật đúng hoặc hay, mà phải qua quá trình luyện tập và học hỏi không ngừng. Không ai thành công mà không thất bại; và người thành công lớn thường là người từng thất bại lớn.
Quyền trẻ em được công bố rất sớm vào năm 1924, có tên gọi là Tuyên ngôn Geneva; rồi được tuyên dương trong Tuyên ngôn Nhân quyền phổ quát (điều 25, 26) năm 1948; rồi được Hội đồng Liên Hiệp Quốc chấp thuận năm 1959; trong ICCPR (điều 23, 24); trong Công ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR, điều 10). Nhưng mãi đến cuối tháng 11 năm 1989 mới chính thức được Đại Hội đồng LHQ thông qua, và có hiệu nghiệm vào ngày 2 tháng 9 năm 1990. Việt Nam đã ký vào phần lớn các công ước nhân quyền quốc tế, kể cả CRC, nhưng không cam kết thi hành nó. Ký nhưng không kết là vậy. Trông đợi họ tôn trọng và thực thi thì là điều không thực tế.
Nhân quyền không thể được ban phát từ phía chính quyền. Nếu có thể ban phát, thì cũng có thể bị tước đi. Vấn đề chính nằm ở niềm tin, hiểu biết và quyết tâm dành giữ, phát huy và cải thiện không ngừng để sự đối xử giữa con người với nhau ngày một văn minh hơn, và để chính quyền không can thiệp quá nhiều vào quyền lợi và tự do của người dân.
Đến khi nào người dân Việt Nam, nhất là giới trẻ, có tư duy và niềm tin này, và quyết tâm thực hiện nó, thì lúc đó không ai có thể lấy đi mất vì họ đã thực sự sở hữu nhân quyền.
Phạm Phú Khải, viết chung cùng luật sư Trần Kiều Ngọc.
Úc châu, 03/11/2021
VOA (09.11.2021)
HRW kêu gọi trả tự do cho những nhà bất đồng chính kiến nhân Đối thoại Nhân quyền Việt- Mỹ
Những người bị Chính phủ VN bắt giữ trong năm 2021 vì lên tiếng ôn hoà về nhân quyền Photo: RFA
Chính phủ Hoa Kỳ cần sử dụng vòng đối thoại nhân quyền sắp đến để thúc ép Việt Nam trả tự do cho những tiếng nói bất đồng đang bị giam giữ và có những cải thiện về nhân quyền.
Đó là kêu gọi mà tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch (HWW) đưa ra trong thông cáo báo chí phát đi ngày 8/11, chỉ một ngày trước vòng đối thoại nhân quyền song phương Việt-Mỹ lần thứ 25 sẽ khởi sự ở Washington DC vào ngày 9/11.
Theo HRW, hoạt động đối thoại nhân quyền song phương là vô cùng quan trọng, nhưng đó không phải là cơ hội duy nhất về nhân quyền.
Tổ chức này thống kê hiện Chính phủ Việt Nam đang giam tù ít nhất 145 người chỉ vị họ thực hành các quyền căn bản một cách ôn hòa. Riêng trong năm nay, cơ quan chức năng Việt Nam đã kết án và giam tù ít nhất 31 người. Hầu hết những người này chỉ bày tỏ ý kiến trên mạng, mà đó là những quan điểm trái với phía chính phủ.
Cũng trong năm 2021, Công an Việt Nam bắt giữ ít nhất 26 người khác, trong đó có một nhà vận động nhân quyền là bà Nguyễn Thúy Hạnh. Những người này bị bắt với những cáo buộc ngụy tạo, có động cơ chính trị như tuyên truyền chống Nhà nước hay lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW, ông Phil Robertson, được dẫn lời rằng: ‘Việt Nam chà đạp nhân quyền khi bắt giữ những nhà hoạt động với những cáo buộc ngụy tạo rồi thẩm vấn khắc nghiệt họ suốt nhiều tháng trời mà không có luật sư bào chữa.’
Hồi năm ngoái, sau vòng đối thoại nhân quyền Việt- Mỹ chỉ ít giờ, lực lượng chức năng Việt Nam tiến hành bắt giữ nhà báo độc lập/nhà hoạt động Phạm Đoan Trang. Bà là một trong những blogger tích cực viết và là một nhà hoạt động nhân quyền có ảnh hưởng tại Việt Nam.
HRW cho rằng Hoa Kỳ cần đặt quan ngại về nhân quyền vào trọng tâm trong mọi mối quan hệ với Việt Nam chứ không chỉ hạn chế trong vòng đối thoại song phương thường niên.
RFA (08.11.2021)
Vợ nhà báo công dân Lê Trọng Hùng viết thư cầu cứu quốc tế
Ông Lê Trọng Hùng là người chủ trương phổ biến các quyển sách Hiến Pháp RFA edited
Hôm 8 tháng 11, vợ của nhà báo công dân Lê Trọng Hùng là bà Đỗ Lê Na gửi một bức thư đến các tổ chức nhân quyền quốc tế và các đại sứ quán, nhằm kêu cứu về trường hợp của chồng bà.
Trong thư, bà kêu cầu cộng đồng quốc tế sử dụng các biện pháp cần thiết để yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Hùng, người bị bắt giữ sau khi tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 15 ở Hà Nội.
Ngoài ra, bà cũng kêu gọi Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ), Hội đồng Nhân quyền LHQ, các tố chức phi chính phủ và các Tòa đại sứ nước ngoài tại Hà Nội cử người tới giám sát phiên tòa sơ thẩm một khi phiên tòa diễn ra.
Trả lời phỏng vấn của RFA, bà Đỗ Lê Na cho biết việc gửi thư cho các tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài là “quyền lên tiếng để chống lại áp bức bất công”, và hy vọng hành động của mình sẽ truyền cảm hứng cho các gia đình của tù nhân chính trị khác. Bà Na nói qua điện thoại như sau:
“Tôi gửi cho họ, thứ nhất vì họ là các cơ quan có chức năng bảo vệ nhân quyền, thứ hai nữa là tôi mong muốn vụ việc của gia đình mình sẽ được nhiều người quan tâm đến.
Và thông qua cái việc quan tấm đến đó thì tôi cũng muốn cho người dân ở trong nước, đặc biệt là những gia đình đấu tranh, một số gia đình thì cũng còn e ngại trong việc người thân của mình bị bắt bớ, có những gia đình không dám thẳng thắn lên tiếng, thì tôi muốn qua cái câu chuyện của gia đình mình để cho mọi người biết rằng là cái quyền lên tiếng để chống lại áp bức bất công – đó là quyền của mỗi người, và nếu chúng ta làm đúng thì chúng ta sẽ không có gì phải sợ hãi họ cả.”
Bà Đỗ Lê Na và chồng là ông Lê Trọng Hùng. Ảnh: FB Tử Đinh Hương
Hôm 5 tháng 11, luật sư bào chữa và gia đình được tiếp cận với cáo trạng do Viện Kiểm sát nhân dân Hà Nội ban hành. Theo đó, nhà báo công dân này bị truy tố theo Khoản 1 của Điều 117 của Bộ Luật Hình Sự, với cáo buộc tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
Điểm đáng chú ý nữa trong bản cáo trạng này là phía cơ quan tố tụng đã sử dụng bốn video được đăng tải trên trang Facebook cá nhân của ông Hùng để làm bằng chứng buộc tội.
Các video trên bàn về các vấn đề như thành lập toà án bảo hiến, vụ việc ở xã Đồng Tâm, tranh cử Đại biểu Quốc hội, hay vai trò của nền tư pháp.
Về việc này, bà Đỗ Lê Na cho biết:
“Yêu cầu cái nhóm thẩm định các video của chồng tôi và kết luận rằng những video đó là có ý định chống phá Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo gì đó thì hãy ra trước toà để đối chất với luật sư và chồng tôi. Như thế thì mới thể hiện được cái sự công khai, cái sự công bằng và cái tính nghiêm minh của pháp luật.”
Hiện phiên toà xét xử ông Hùng vẫn chưa được lên lịch. Tuy nhiên, với việc bị truy tố theo Khoản 1 Điều 117 của Bộ luật Hình sự thì nhà báo công dân này sẽ phải đối diện với mức án tù từ năm đến 12 năm.
Ông Lê Trọng Hùng, sinh năm 1979, là một cựu giáo viên và là một trong những người sáng lập “đài truyền hình CHTV”, chuyên phát trực tiếp các bài phân tích tình hình chính trị xã hội trên mạng xã hội Facebook và YouTube.
Ông đồng thời là một trong hai người ra ứng cử Đại biểu Quốc hội ở Hà Nội bị bắt giữ, trước cuộc bầu cử bị chỉ trích là không minh bạch không lâu.
Tuy nhiên, báo điện tử Đảng Cộng sản sau đó có bài viết phủ nhận điều này và cho rằng hai ông Trần Quốc Khánh và Lê Trọng Hùng bị khởi tố và bắt tạm giam vì “đã có những hình vi vi phạm pháp luật”, chứ không phải do phổ biến Hiến pháp hay tự ra ứng cử Đại biểu Quốc hội.
RFA (08.11.2021)
CSVN hoãn xử Phạm Đoan Trang để tránh ‘kẹt’ cho Phạm Minh Chính
Bà Phạm Đoan Trang với đàn và sách “Chính trị bình dân”. (Hình: FB Phạm Đoan Trang)
CSVN hoãn xử bà Phạm Đoan Trang và mẹ con bà Cấn Thị Thêu nhiều phần chỉ vì muốn tránh kẹt cho chuyến đi Âu châu của ông thủ tướng Phạm Minh Chính vào đầu Tháng Mười Một này.
Facebooker Phạm Thị Hoài nhìn thấy điều này là nguyên nhân đã thúc đẩy hai vụ án chính trị nổi bật trong năm nay phải đình lại không phải như cái lý do được tòa án của chế độ nêu ra là kiểm sát viên tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 cần “cách ly”.
Phiên tòa xử mẹ con bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương và bà dân oan Dương Nội Nguyễn Thị Tâm dự trù ngày 3 Tháng 11 và xử bà Phạm Đoan Trang vào ngày 4 Tháng Mười Một. Tất cả đều bị vu cho tội “Tuyên truyền chống nhà nước” độc tài và cực kỳ tham nhũng tại Việt Nam.
“Lịch phiên tòa xét xử Phạm Đoan Trang hôm nay bị hoãn. Dễ hiểu. Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đang công du châu Âu; những thỏa thuận hàng chục tỷ với Anh và Pháp đang được ký kết; một học xá của Đại học Oxford lừng danh sắp được gắn một cái tên Việt nặng trên trăm triệu; vắc-xin cũng sắp về ào ạt. Một phiên tòa ô danh đúng thời điểm này bày lên bữa tiệc tỉ đô thì quả thật quá chướng.”
Bà Phạm Thị Hoài bình luận trên trang Facebook cá nhân. Bà là nhà văn, nhà báo với các bài phân tích thời sự sắc sảo được rất nhiều người theo dõi.
Bà Hoài bình luận thêm rằng “Không chỉ cho phía Việt Nam. Tiền thì tanh, nên phương Tây dân chủ thường vẩy chút nước hoa nhân quyền khi làm ăn với các quốc gia độc tài. Mùi thơm của nhân quyền bay ngay khi chữ ký trên các hợp đồng tiền tấn chưa khô mực. Nhưng cụng ly với người đứng đầu một chính quyền trước khi thì vẫn dễ hơn ngay sau khi chính quyền ấy bỏ tù một phụ nữ vì tội viết những tác phẩm trái ý mình. Xét cho cùng, số phận Phạm Đoan Trang thì liên quan gì đến nước Anh nước Pháp.”
Bản thông báo của tòa án CSVN nói các kiểm sát viên (tức những kẻ đóng vai buộc tội trong phiên tòa CSVN) tại các phiên tòa nói trên “trong quá trình công tác có tiếp xúc gần” với người nhiễm dịch nên “phải tự cách ly để phòng chống dịch COVID-19”. Phiên tòa bị đình hoãn không biết khi nào sẽ diễn ra.
Bản thông báo hoãn phiên tòa được gửi cho gia đình cá “bị cáo” nói trên vào ngày 26 Tháng Mười tức chỉ 3 ngày trước khi ông Phạm Minh Chính cầm đầu một phái đoàn hùng hậu đi tới hai nước Anh và Pháp rồi về nước vào ngày 6 Tháng Mười Một. Chặng đầu là ông Chính dự hội nghị thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu thế giới, phần sau là vận động đầu tư, viện trợ từ hai quốc gia vừa kể.
Nếu phiên tòa xử mẹ con bà Cấn Thị Thêu và nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang diễn ra khi ông Chính và phái đoàn vẫn còn ở Âu châu, ông ta có thể bị các chính phủ Tây phương chỉ trích về vi phạm nhân quyền. Hoãn xử thì sẽ tránh né được chỉ trích trong khi mình đang cầu cạnh họ đầu tư, xin giúp đỡ hay tài trợ.
Bà Phạm Đoan Trang với đàn và sách “Chính trị bình dân”. (Hình: FB Phạm Đoan Trang)
CSVN hoãn xử bà Phạm Đoan Trang và mẹ con bà Cấn Thị Thêu nhiều phần chỉ vì muốn tránh kẹt cho chuyến đi Âu châu của ông thủ tướng Phạm Minh Chính vào đầu Tháng Mười Một này.
Facebooker Phạm Thị Hoài nhìn thấy điều này là nguyên nhân đã thúc đẩy hai vụ án chính trị nổi bật trong năm nay phải đình lại không phải như cái lý do được tòa án của chế độ nêu ra là kiểm sát viên tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 cần “cách ly”.
Phiên tòa xử mẹ con bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương và bà dân oan Dương Nội Nguyễn Thị Tâm dự trù ngày 3 Tháng 11 và xử bà Phạm Đoan Trang vào ngày 4 Tháng Mười Một. Tất cả đều bị vu cho tội “Tuyên truyền chống nhà nước” độc tài và cực kỳ tham nhũng tại Việt Nam.
“Lịch phiên tòa xét xử Phạm Đoan Trang hôm nay bị hoãn. Dễ hiểu. Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đang công du châu Âu; những thỏa thuận hàng chục tỷ với Anh và Pháp đang được ký kết; một học xá của Đại học Oxford lừng danh sắp được gắn một cái tên Việt nặng trên trăm triệu; vắc-xin cũng sắp về ào ạt. Một phiên tòa ô danh đúng thời điểm này bày lên bữa tiệc tỉ đô thì quả thật quá chướng.”
Bà Phạm Thị Hoài bình luận trên trang Facebook cá nhân. Bà là nhà văn, nhà báo với các bài phân tích thời sự sắc sảo được rất nhiều người theo dõi.
Bà Hoài bình luận thêm rằng “Không chỉ cho phía Việt Nam. Tiền thì tanh, nên phương Tây dân chủ thường vẩy chút nước hoa nhân quyền khi làm ăn với các quốc gia độc tài. Mùi thơm của nhân quyền bay ngay khi chữ ký trên các hợp đồng tiền tấn chưa khô mực. Nhưng cụng ly với người đứng đầu một chính quyền trước khi thì vẫn dễ hơn ngay sau khi chính quyền ấy bỏ tù một phụ nữ vì tội viết những tác phẩm trái ý mình. Xét cho cùng, số phận Phạm Đoan Trang thì liên quan gì đến nước Anh nước Pháp.”
Bản thông báo của tòa án CSVN nói các kiểm sát viên (tức những kẻ đóng vai buộc tội trong phiên tòa CSVN) tại các phiên tòa nói trên “trong quá trình công tác có tiếp xúc gần” với người nhiễm dịch nên “phải tự cách ly để phòng chống dịch COVID-19”. Phiên tòa bị đình hoãn không biết khi nào sẽ diễn ra.
Bản thông báo hoãn phiên tòa được gửi cho gia đình cá “bị cáo” nói trên vào ngày 26 Tháng Mười tức chỉ 3 ngày trước khi ông Phạm Minh Chính cầm đầu một phái đoàn hùng hậu đi tới hai nước Anh và Pháp rồi về nước vào ngày 6 Tháng Mười Một. Chặng đầu là ông Chính dự hội nghị thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu thế giới, phần sau là vận động đầu tư, viện trợ từ hai quốc gia vừa kể.
Nếu phiên tòa xử mẹ con bà Cấn Thị Thêu và nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang diễn ra khi ông Chính và phái đoàn vẫn còn ở Âu châu, ông ta có thể bị các chính phủ Tây phương chỉ trích về vi phạm nhân quyền. Hoãn xử thì sẽ tránh né được chỉ trích trong khi mình đang cầu cạnh họ đầu tư, xin giúp đỡ hay tài trợ.
Ba mẹ con bà Cấn Thị Thêu (phải), Trịnh Bá Phương (giữa) và Trịnh Bá Tư (trái). (Hình: FB Thu Đỗ)
Nhất là trường hợp bà Phạm Đoan Trang, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã ra phán quyết đòi hỏi CSVN trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho bà.
Mới ngày 29 Tháng Mười, một số báo cáo viên của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nói rằng “Bà Phạm Đoan Trang chỉ là nạn nhân của nhà cầm quyền khi họ dùng các cáo buộc mơ hồ về tuyên truyền (chống nhà nước) để kết tội các nhà văn, nhà báo và các người bảo vệ nhân quyền, hình sự hóa quyền tự do phát biểu nhằm chia sẻ thông tin.”
CSVN luôn luôn nhậy cảm đối với những lời chỉ trích của dư luận quốc tế. Họ luôn luôn phủ nhận không có “tù chính trị” hay “tù nhân lương tâm” tại Việt Nam mà chỉ có những người bị bỏ tù vì vi phạm pháp luật của Việt Nam.
Tuy nhiên báo cáo viên nhân quyền và chống bắt người tùy tiện cho hay các điều luật hình sự CSVN trái với Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Hà Nội đã ký tên, cam kết tuân hành.
Người Việt (08.11.2021)
Human Rights Watch thúc giục Mỹ áp lực CSVN thả tù nhân lương tâm
Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch, HRW) thúc giục chính phủ Mỹ phải tạo áp lực và đòi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm đang bị cầm tù tại Việt Nam.
Hôm Thứ Ba, 9 Tháng Mười Một, chính phủ Mỹ và nhà cầm quyền CSVN sẽ có cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 25 tại Washington, DC. Cuộc đối thoại nhằm mục đích thúc đẩy CSVN cải thiện tình trạng nhân quyền tồi tệ xưa nay bị quốc tế lên án.
20 người trong số hơn 260 tù lương tâm tại Việt Nam. (Hình: HRW)
“Chính phủ Hoa Kỳ nên áp lực CSVN có các hành động cải thiện nhân quyền có thể chứng minh được, bắt đầu bằng việc trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho các nhà vận động cho các quyền tự do căn bản.”
Bản tin của tổ chức HRW dẫn lời phát biểu của ông Phil Robertson, phó giám đốc Á Châu Vụ nói rằng: “CSVN chà đạp nhân quyền khi bắt giam người ta dựa vào những cáo buộc ngụy tạo. Khi người ta bị giam giữ thì bị bức cung hàng tháng trời mà không hề được cho gặp luật sư.”
Tổ chức HRW đòi hỏi chính phủ Mỹ phải đặt các quan ngại nhân quyền vào trung tâm những giao tiếp giữa hai nước thay vì coi nhẹ, chỉ đề cập mỗi năm một lần khi có cuộc đối thoại đã được sắp đặt sẵn.
Tổ chức này nêu ra sự việc chỉ ít giờ sau khi diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền giữa hai nước kỳ thứ 24 năm ngoái thì ngày 7 Tháng Mười, 2020, công an đã bắt nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang ở Sài Gòn. Bà Đoan Trang là một trong những blogger viết phản biện xã hội nhiều nhất và là nhà vận động nhân quyền nhiều ảnh hưởng.
HRW cáo buộc rằng chế độ Hà Nội siết chặt các quyền tự do căn bản và các quyền tự do chính trị gồm cả quyền tự do biểu đạt, phát biểu, tự do thông tin, tự do hội họp và lập hội, quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Tại Việt Nam không hề có tự do báo chí và các cơ quan truyền thông độc lập. Nhà cầm quyền cũng không cho phép thành lập các chính đảng hay các tổ chức bảo vệ nhân quyền, đồng thời lèo lái các tổ chức tôn giáo.
Tất cả những ai lên tiếng công khai đả kích nhà cầm quyền hay các lãnh đạo chóp bu CSVN trên mạng xã hội đều bị sách nhiễu, dọa nạt, canh chừng, cản trở đi lại, đánh đập và bắt giữ. Sau khi bị bắt, người ta bị ép cung, bị giam giữ rất nhiều ngày tháng mà không được gặp luật sư hay gia đình. Các phiên tòa xử họ đều bị kiểm soát chặt chẽ, còn bản án thì đều rất nặng.
HRW kể lại một số vụ việc như phiên tòa hồi đầu năm 2021 xử các bloggers nổi tiếng đứng đầu Hội Nhà Báo Độc Lập là Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, với các bản án từ 11 năm đến 15 năm tù. Hồi Tháng Năm, bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư, hai dân oan trở thành người đấu tranh nhân quyền, bị kết án mỗi người tám năm tù. Trần Huỳnh Duy Thức bị kết án 16 năm tù từ năm 2009 nay vẫn ngồi tù dù đã viện dẫn luật lệ của chế độ để đòi lại tự do nhưng vẫn bị lờ đi.
“Cầm tù những blogger và nhà báo công dân suốt nhiều năm, chế độ Hà Nội đã chứng tỏ họ hoàn toàn không tôn trọng quyền tự do thông tin.” Ông Robertson phát biểu. “Hoa Kỳ hãy nên áp lực CSVN chấm dứt áp dụng luật hình sự đối với những người chỉ sử dụng quyền tự do biểu đạt.”
Tổ chức HRW cáo buộc rằng Luật Tố Tụng Hình Sự CSVN trái ngược với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế khi quy định những ai “vi phạm an ninh quốc gia” đều bị bắt giữ và bị cấm không cho gặp luật sư cho tới khi cuộc điều tra hoàn tất. Điều này có nghĩa là trong thực tế, bất cứ ai bị vu cho các tội vi phạm những điều luận liên quan đến “an ninh quốc gia” đều bị giam giữ không hề được tư vấn về pháp lý thời gian dài bao lâu đều tùy ý muốn của nhà cầm quyền.
Ông Lê Trọng Hùng, một người tự ứng cử làm “đại biểu Quốc Hội” bị CSVN bắt cuối Tháng Ba, 2021, vì đả kích chế độ Hà Nội. (Hình: FB Hùng Gàn Lê)
Ông Robertson kêu gọi Hoa Kỳ thúc giục CSVN bãi bỏ các điều luật tố tụng hình sự cho phép giam giữ vô hạn định mà không cho gặp luật sư. Điều đó làm suy yếu quy trình tố tụng, đồng thời dẫn đến các sự lạm dụng quyền hành, đi ngược lại quyền lợi của người bị bắt giam.
Theo Tổ Chức Bảo Vệ Người Bảo Vệ Nhân Quyền Việt Nam, tính đến giữa Tháng Chín, 2021, CSVN đang giam giữ tại các trại tù trên cả nước 263 tù lương tâm. Từ đó đến nay, khoảng một chục người nữa đã bị bắt giam hay bị kết án tù.
Ngày 26 Tháng Mười vừa qua Tổ Chức HRW và 27 tổ chức bảo vệ nhân quyền khác đã cùng lên tiếng đòi CSVN trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang cũng như hàng trăm tù lương tâm khác. Bản tuyên bố chung lập lại những lời lên án từng được lập đi lập lại suốt bao năm qua là, những người tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam chỉ thi hành các quyền tự do căn bản ghi trên bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng như Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà CSVN đã ký cam kết tuân hành nhưng làm ngược lại.
Mấy năm trước, một nhà ngoại giao Mỹ than thở sau một cuộc đối thoại nhân quyền giữa Mỹ và CSVN là “đối thoại giữa hai người điếc.”
Người Việt (08.11.2021)