„Bất kỳ người nào cũng muốn đọc các bài viết dễ hiểu, chữ nghĩa dùng đúng cách, câu văn gọn gàng tròn ý. Có phải bất cứ người Việt Nam nào mong muốn bảo vệ sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ của mình?“
Lại chuyện ngôn ngữ: ‘Giải mã’ hay ‘Giải thích/Giải độc’?
„Lạ quá, việc Mỹ rút quân và việc ông Mattis từ chức nghe trên các đài truyền hình hay đọc hà rầm trên các báo; có gì bí mật phải che đậy bằng các mã số, ký hiệu mà cần các tác giả phải ‘giải mã’?“
Đỗ Văn Phúc
Những lúc về sau này, chúng tôi đọc thấy nhiều tựa đề các bài bình luận phân tích thời sự thường bắt đầu bằng hai chữ ‘giải mã’. Trên nhiều trang web hay các diễn đàn, thấy có các bài: “Giải mã Mỹ rút quân khỏi Syria” hay “Giải mã việc Đại Tướng James Mattis từ chức”, “MC Quyền Linh giải mã các hiện tượng”, “Giải mã giấc mơ thấy quan tài” vân vân.
Chữ Mã theo Từ điển Tín Đức, trang 330
Lạ quá, việc Mỹ rút quân và việc ông Mattis từ chức nghe trên các đài truyền hình hay đọc hà rầm trên các báo; có gì bí mật phải che đậy bằng các mã số, ký hiệu mà cần các tác giả phải ‘giải mã’?
Chúng tôi không phải là nhà ngôn ngữ học để có thể ngồi đọc hết và phân tích những từ ngữ trong các bài viết. Nhưng “đừng im tiếng, mà phải lên tiếng…”. Bất kỳ người nào cũng muốn đọc các bài viết dễ hiểu, chữ nghĩa dùng đúng cách, câu văn gọn gàng tròn ý. Có phải bất cứ người Việt Nam nào mong muốn bảo vệ sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ của mình?
Từ khi Cộng Sản chiếm hết cả nước, họ đã đem từ miền Bắc vào Nam rất nhiều chữ viết, lời nói tuy cũng là ngôn ngữ Việt, nhưng nghe rất chói tai, khó hiểu. Lý do là những kẻ ngu dốt mà lại sính dùng chữ, họ đã cắt xén, ráp nối, thay chữ, đổi nghĩa rất nhiều từ ngữ mà chúng ta đã dùng một cách đứng đắn tại miền Nam trước 1975. Ngày nay, phương tiện internet đã giúp cho nhiều người tham gia vào việc truyền thông. Nhà văn, nhà báo, nhà thơ nổi lên như nấm dại sau cơn mưa. Tuy nhiên số người viết đúng văn phạm, chính tả lại rất hiếm hoi. Và lại, không thiếu những người ưa dùng chữ đao to búa lớn mà ý nghĩa thì không đi sát với những gì họ muốn diễn đạt. Lại có những ‘nhà văn’ hà tiện các dấu chấm, phẩy… Cả một đoạn văn dài nửa trang giấy không thèm cho một cái dấu để tách biệt các câu, các mệnh đề. Ai đọc thì ráng chịu khó mà hiểu lấy.
Chúng tôi hoạt động trong ngành truyền thông gần 50 năm qua, từ trong nước ra đến hải ngoại; lúc nào cũng tâm niệm phải cố gắng viết cho chính xác vừa ngữ vựng vừa văn phạm. Nhất là Việt ngữ, thứ ngôn ngữ đã thấm sâu vào từng tế bào, từng giọt máu của mình; thứ ngôn ngữ mà tổ tiên truyền lại, được bảo lưu là làm phong phú thêm bởi bao nhiêu thế hệ. Ngôn ngữ có thể theo thời mà biến đổi. Có khi sai nhưng được nhiều người dùng và lâu ngày, mỉa mai thay, nó trở thành đúng!
Cho nên, chúng ta cần chặn cái sai càng sớm càng tốt.
Từ lâu, mỗi lần nhận được từ thân hữu chuyển đến các bài viết; chúng tôi rất trân trọng. Nhưng chúng tôi cũng lại rất khó tính khi tìm thấy trong bài những câu, những chữ mà tác giả đã vô ý thức sử dụng theo kiểu viết sai trái của Việt Cộng. Có khi chỉ đọc thoáng cái tựa đề là thẳng tay bấm nút delete mà không buồn ghé mắt xem vài hàng nội dung ra sao.
Vì sao chữ giải mã trong các bài trên không đúng? Lẽ nào các tác giả có đủ khả năng viết những bài bình luận mà lại không hiểu đúng nghĩa của hai chữ này? Hay là vì họ quá thờ ơ, nghe quen tai sau khi đọc nhiều bài ‘giải mã’ và đã áp dụng một cách vô ý thức vào bài của mình? Tôi đoán có thể tác giả muốn nói đến việc ‘giải độc’ những bản tin do người viết tin bóp méo vì mục tiêu chính trị của người đưa tin. Đúng thế, có nhiều tin làm cho người đọc hiểu sai lạc bản chất vấn đề, nên coi tin đó là đầu độc, phải ‘giải độc’.
Vậy, xin phép trước hết, tìm hiểu ý nghĩa của hai chữ ‘giải mã’.
Chúng tôi tin rằng rất nhiều quý vị từng nghe quen các chữ ‘mã số’, ‘mật mã’. Nguyên từ ‘mã’ là chữ Hán 碼, theo Từ điển Thiều Chửu, có nghĩa “một thứ chữ riêng để biên số cho tiện” http://vietnamtudien.org/thieuchuu/
碼 mã (15n) • 1 : Mã não 碼瑙 đá mã não, rất quý rất đẹp. Cũng viết là 瑪瑙. • 2 : Pháp mã 砝碼 cái cân thiên bình. Có khi viết là 法馬. • 3 : Mã hiệu, một thứ chữ riêng để biên số cho tiện. Như sau này : chữ mã Tàu 〡〢〣〤〥〦〧〨〩十, chữ mã A-lạp-bá 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10, chữ mã La Mã I II II IV V VI VII VIII IX X. |
Từ điển Hán Việt của ông Đào Duy Anh, do nhà xuất bản Minh Tâm ấn hành năm 1951 tại Paris, trang 538 định nghĩa là “dấu để ghi số”
Từ điển của Hội Khai Trí Tín Đức trang 330 cũng có định nghĩa tương tự là “thứ chữ số của người Tàu dùng để biên sổ”.
Còn chữ ‘giải’ đơn giản là mở ra.
Như thế, ‘mã’ trước hết, là những ký hiệu dùng thay cho các chữ. Giải mã là tìm cách mở cái ‘ký hiệu’ ra để đọc các chữ.
Giữa thế kỷ thứ 19 (năm 1836), ông Samuel F.B. Morse đã có sáng kiến soạn ra các ký hiệu bằng dấu hiệu ‘tích, tè’ tức là các dấu chấm (dot .) và dấu ngang (dash -). Mục đích là để chuyển đi những tin tức qua viễn thông bằng các phương tiện mà không thể chuyển các chữ được. Qua dòng điện hay qua ánh đèn pin thì khi bấm nhanh là dấu ‘tích’, giữ lâu gấp ba lần thì đó là dấu ‘tè’. Nếu dùng cờ hiệu, thì đưa 1 tay lên là ‘tích’, dang cả hai tay là ‘tè’. Giữa hai chữ cái (letters) là một khoảng im lặng ngắn bằng dấu ‘tích’; giữa hai chữ (words) thì khoảng cách dài bằng ba dấu ‘tè’. Quý vị nhớ chữ SOS là tín hiệu cấp cứu. Nó được truyền đi bằng ba ‘tích’ (ngưng), ba ‘tè’ (ngưng) rồi ba ‘tích’. (… — …)
Ký hiệu Morse này trở thành vô cùng thông dụng trong hàng hải. Nhưng nó không mang tính chất bảo mật.
Trong quân đội hay tình báo, với mục đích chỉ cho phe bạn nhận hiểu bản tin của mình mà kẻ địch không thể đọc hiểu, trước khi chuyển đi, người ta ‘mã hoá’ (encode, encoding) bản văn bằng cách thay các chữ cái hay con số bằng những chữ khác hay dãy số khác. Những người phe bạn sẽ có một cái khoá (key) để lần mò theo từng ‘mã tự’ hay ‘mã số’ (code) thì mới đọc được. Chính việc dùng khóa để dọc bản văn đã được ‘mã hoá’ này, người ta gọi là ‘giải mã’ (decode, decoding)
Thời Thế Chiến 2, quân đội Đức Quốc Xã đã thành công phần lớn là do các hình thức mã hoá tinh vi mà quân Anh và Mỹ không thể đọc được các lệnh truyền tin của Đức. Trong một trận hải chiến trên Đại Tây Dương, Hải quân Hoa Kỳ đã bắn chìm một chiến hạm Đức (dường như là một tiềm thủy đỉnh) và đã tịch thu được một máy giải mã. Máy này được đưa về đại bản doanh ở London để các nhà tình báo chiến lược và các nhà toán học siêu việt nghiên cứu. Từ đó, đã tìm ra các khoá để giải mã tất cả những thông tin của phe địch.
Một cách mã hóa đơn giản là dùng các chữ ‘Alpha’ thay cho chữ A, Bravo thay cho chữ B, Charlie thay chữ C… X-ray thay chữ X, Yankee thay chữ Y, Zulu thay chữ Z; tương đương với ‘Anh dũng, Bắc bình, Cải cách… Xung phong, Yên Bái, Zulu’ dùng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Ngoài ra còn cách mã hoá khác như khi báo cáo 5 quân nhân tử trận, họ nói là ‘năm im lặng’, 10 người bị thương thì gọi là ‘mười kiến cắn’; Pháo binh thì gọi là phổi bò, xe tăng thì gọi là con cua. Những cách này cũng không có tính cách bảo mật nữa vì quá đơn giản. Về sau, dường như bắt đầu từ khoảng năm 1970, các đơn vị được phát một tập Khoá Đối Chứng dày gồm nhiều trang. Mỗi trang gồm những cột dọc với nhiều hàng chữ cái hay con số gọi là ‘khoá’, và chỉ dùng cho một ngày được ấn định. Qua hôm sau, phải xé bỏ, hủy trang đó đi. Nếu tập này rơi vào tay địch, sẽ có lệnh cấp tốc cho ngưng sử dụng và tập mới được phát ngay. Chỉ có đơn vị trưởng và những người hiệu thính viên mới được biết đến tập sách này mà chúng tôi biết với tên gọi là ‘Khoá Đối Chứng’ (KDC).
Trong ngành computer, người ta dùng các loại ngôn ngữ riêng bằng dãy 8 con số gồm 0 và 1 gọi là binary code. Đó là khi chuyển đi chữ hay số, các chữ hay số đánh trên bàn phím sẽ trở thành các tín hiệu điện đóng hoặc mở (1 hoặc 0). Khi truyền đến máy người nhận, nó sẽ được chuyển lại thành các dòng chữ hay số để đọc. Ngay cả hình ảnh, âm thanh cũng được ‘mã hoá’ bằng binary code trước khi được dòng điện chuyển qua những cái gọi là ‘processors” trong máy computer.
Như thế, khi viết lên tựa để “Giải mã Mỹ rút quân khỏi Syria” hay “Giải mã việc Đại Tướng James Mattis từ chức”, chắc các tác giả có ý muốn nói về sự ‘giải thích’, ‘phân tích’…về các diễn biến trên mà không hề có chút nào ý nghĩa ‘giải mã’.
Ngoài chữ ‘giải mã’, chúng tôi còn thấy nhiều vị dùng chữ ‘huyền thoại’ cũng rất bừa bãi. Hình như các tác giả nghĩ rằng ‘huyền thoại’ có nghĩa như ‘siêu việt’, ‘phi thường’ Quả đúng như thế đấy. Nhiều tác giả viết về vài vị tướng tài, vài biến cố quan trọng, vài trận đánh anh hùng, cũng ghép thành ‘Vị tướng huyền thoại’, rồi ‘Huyền thoại Bình Long’, ‘Tiểu đoàn X đánh một trận huyền thoại’…
Chúng tôi đã bàn đến hai chữ ‘huyền thoại’ trong vài bài viết về ngôn từ Việt Nam (bài “Mặt Trận Ngôn Từ” trong tác phẩm Quê Mẹ Mùa Xuân Chưa Về, trang 311). Xin ân cần nhắc lại một lần nữa và mong các tác giả sẽ tránh dùng sai hai chữ này.
Huyền thoại là gì?
Huyền là mầu nhiệm, huyền hoặc, huyền bí, viễn vông, không có thật, là chuyện truyền kỳ, thần thoại. Ví dụ các truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ trăm trứng, truyện Phù Đồng từ đứa bé vươn vai thành một dũng sĩ mạnh khoẻ, nhảy lên ngựa sắt, nhổ cây tre làm vũ khí…, truyện Sơn Tinh Thủy Tinh… Truyện cổ Hy lạp thì có Ilyad, Odyssey kể về các dũng sĩ Achilles, Hercules…
Những câu chuyện trên hoàn toàn là viển vông, không có sử sách thời đó ghi chép mà chỉ do truyền tụng lại.
Còn các Tướng Đỗ Cao Trí, Tướng Ngô Quang Trưởng là người có thật, khả năng, tài trí, can đảm là có thật, công trận là có thật. Trận An Lộc long trời lỡ đất với sự dũng cảm chiến đấu, hy sinh vô bờ của quân sĩ ta là có thật, xảy ra vào một nơi có thật, vào một thời gian có thật. Báo chí đã ghi lại những tin có thật về họ và các biến cố đó. Những người trên chúng ta thấy được, sờ được thì không thể gán cho là huyền hoặc, chỉ xảy ra trong hoang tưởng.
Chúng ta có cả hơn một tá những chữ rất thông dụng để ca tụng, miêu tả những anh hùng, những chiến công, những biến cố. Tại sao lại không dùng chúng mà lại dùng một chữ hoàn toàn không đúng và nếu xét sâu xa hơn, thì lại có tính cách mỉa mai chăng?
Cũng có thể, người viết muốn ca tụng các nhân vật, các biến cố quá phi thường, vượt ra khỏi sự tưởng tượng của con người. Vậy thì nên viết rằng “Tướng Hưng là một chiến sĩ dũng cảm như trong huyền thoại. Trận An Lộc là một trận chiến cầm cự phi thường như trong huyền thoại.”
Thêm một điều nữa.
Có vị thắc mắc chữ ’hoành tráng’ có phải của Việt Cộng không vì thấy bên Việt Nam sính dung chữ này cho hầu hết các trường hợp. Từ điển Đào Duy Anh có định nghĩa là “quy mô to lớn, rộng rãi”, chỉ về tầm vóc của không gian. Vì thế, chỉ nên dùng cho những công trình, kiến trúc, cảnh quang; mà không nên dùng cho cảnh sắc, lễ hội, tiệc tùng. Đối với ba trường hợp sau, có thể dùng các tĩnh từ huy hoàng, tráng lệ, linh đình, huy hoàng, long trọng, trọng thể, tùy theo danh từ trước nó.
Chúng tôi xin đề nghị các tác giả nên có sẵn trong tủ sách hay trong hard drive của máy tính vài ba cuốn từ điển Việt Nam thời Việt Nam Cộng Hoà trở về trước; và nên bỏ chút thì giờ ra tra cứu một khi gặp những chữ mà mình không chắc hiểu đúng ý nghĩa của nó.
Đỗ Văn Phúc (17.11.2021)
Lại chuyện ngôn ngữ: ‘Giải mã’ hay ‘Giải thích/Giải độc’?
***
Mặt Trận Ngôn Từ (tiếp theo)
„Trong chúng ta, có nhiều vị quá cứng ngắc và nặng về chính trị nên cái gì từ bên VN đều cho là của VC, đều là sai, xấu. Cái gì của phe ta đều đúng và hay.“
„…Nên tránh tranh cãi quá gay go vì dễ đưa đến bất hoà, chụp mũ nhau là VC, là thân cộng khi thấy ai đó sơ suất dùng từ ngữ mới bên Việt Nam.“
Đỗ Văn Phúc
Mới đây, qua vụ “Tượng Đài Chiến Thắng Cổ Thanh Quảng Trị”, có vài vị nêu lên rằng hai chữ “Tượng Đài” là của Việt Cộng; còn VNCH chỉ gọi là “Tượng” thôi. Vị này lý luận rằng hai chữ Tượng Đài không có trong tự điển của Khai Trí, nhưng lại có trong tự điển bên Việt Nam. Thế là vị này cho rằng hai chữ “tượng đài” do Việt Cộng chế ra.
Tôi xin có vài lời góp ý như sau:
Chuyện ngôn ngữ rất nhiêu khê (lại thổ ngữ Bắc, mà nhiều anh Nam Kỳ buộc cho tôi xài chữ VC!) nói hoài không dứt.
Chúng ta không nên quá câu nệ phân biệt từ ngữ Việt Cộng, từ ngữ VNCH…
Tất cả là từ ngữ của dân tộc qua nhiều đời, thăng trầm mà biến đổi, thêm bớt.
Chúng ta thấy do sự tiến hoá trong đời sống xã hội mà có thêm nhiều từ ngữ mới.
Thời VNCH, ngành điện toán còn sơ khai nên từ ngữ về Điện toán có rất ít. Sau 1975, điện toán, điện tử trở thành thông dụng nên nhiều từ ngữ cần dịch ra, Ví dụ: input, output, hardware, software, chip, bit, byte… Người ngoài nước VN quen dùng nguyên ngữ Anh Văn. Trong nước họ phải dịch ra tiếng Việt cho công chúng. Ví dụ: input, output họ dịch là đầu vào, đầu ra… Phần mềm phần cứng,…
Chúng ta nên chấp nhận vì các chữ đó cũng hợp lý, chính xác với nguyên từ. Nếu ai không đồng ý, xin đưa ra những chữ dịch cho hay và đúng nghĩa hơn để lựa chọn!
Nước VN nhỏ bằng 1/3 diện tích của tiểu bang Texas, nhưng có 3 miền chính và hàng chục địa phương nhỏ hơn. Mỗi vùng có thổ âm, thổ ngữ riêng mà người vùng khác hoàn toàn không biết tới.
Ví dụ: cái tô (Nam), cái đọi (trung), cái bát (Bắc). Tía Má (Nam), Bọ Mạ (trung), Thầy U (Bắc)
Ngày trước, miền Nam chỉ biết thổ ngữ miền Bắc qua số dân di cư mà hầu hết tập trung ở vài vùng chứ không phân tán mỏng ra đều. Vì thế, người Nam không biết rất nhiều thổ ngữ Bắc.
Sau 1975, một số thổ ngữ Bắc mà dân Nam chưa hề nghe tới, bị gán cho là từ ngữ VC!
Cũng thế,
Miền Nam sính dùng từ Hán Việt, rồi khi nghe từ Nôm thì la oai oái : “chữ VC”
Phi trường/sân bay, Phi cơ/máy bay, Trực thăng/lên thẳng thì khác nhau cái gì? Có chữ nào sai?
Tại sao cho rằng “máy bay lên thẳng” là chữ Việt Cộng?
Đã chắc gì chữ Hán Việt đúng hơn chữ Nôm?
Chẳng qua nó gọn hơn. Chỉ cần 2 chữ Hán Việt là thay thế cho một dãy chữ Nôm cùng nghĩa.
Ví dụ: Quân Nhu = Đồ trang bị cho quân đội; Chiêu Hồi = Kêu gọi trở về. Trấn Không = Canh giữ vùng trời…
Chẳng qua ít nghe tới thì không thấy hay bằng chữ thường dùng!
Nghe chữ “Thủy Quân Lục Chiến” nghe hay hơn là “Lính thủy đánh bộ”!
Trong chúng ta, có nhiều vị quá cứng ngắc và nặng về chính trị nên cái gì từ bên VN đều cho là của VC, đều là sai, xấu. Cái gì của phe ta đều đúng và hay.
Thế là khá cực đoan.
Thời VNCH, cũng phát sinh ra nhiều từ ngữ kỳ quặc trong dân gian. Nhưng xài lâu, nghe quen thì chấp nhận và nó dần đi vào văn học. Ví dụ: Bỏ đi tám, mút chỉ cà tha, mút mùa Lệ Thủy, Xì tin…
Liệu chúng ta có dùng đúng chữ không? Không đâu.
Ví dụ, người ta sính dùng hai chữ Huyền Thoại cho những sự kiện, những nhân vật nổi tiếng. Họ quên rằng huyền thoại (Myth) là chuyện hoang đường, không có thật trong đời. Ví dụ: huyền thoại Mẹ Âu Cơ đẻ trăm trứng, huyền thoại Phù Đổng Thiên Vương, huyền thoại Nữ Oa… Còn trận An Lộc, Tướng Trí, Tướng Hưng là việc thật, người thật thì sao lại gọi là trận đánh huyền thoại, vị tướng huyền thoại? Nếu nói rằng trận An Lộc long trời lở đất như trong huyền thoại, Tướng Trí can trường tài ba như trong huyền thoại… thì cũng chấp nhận được.
Dĩ nhiên trong dân chúng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và toàn quốc (hay cả nước?) sau này có nhiều cách dùng chữ quá kỳ cục.
Đúng là từ 40 năm qua, nhất là về sau này khi sách vở báo chí, truyền thanh truyền hình hải ngoại thiếu nhân viên chuyên nghiệp thuần túy nên bê nguyên bài vở của VC vào cho đầy chương trình. Và cũng do số người Việt từ trong nước di dân qua ồ ạt, ngôn từ mới bên VN tràn qua nhanh, mang theo những chữ, những câu kỳ lạ, chói tai và cách dung sai be bét.
Điều đáng trách là nhiều người Việt dễ tính, thiếu ý thức… đã sử dụng những ngôn từ này làm cho nó lan xa. Ngay cả nhiều nhà báo, nhà văn có tiếng nhiều lúc cũng vô tình sử dụng nó.
Ví dụ: nhà báo quá cố CTD (còn có bút hiệu HNV) rất nhiều lần dung các chữ “sự cố”, Bác Sĩ NYĐ thì dùng rất nhiều chữ “hội ý” (với nghĩa bàn bạc), “Thống nhất” (với nghĩa đồng ý), “lên phương án” (với nghĩa lập chương trình); nhà văn nữ TMT dùng chữ “cặp đôi” khi nói về một đôi vợ chồng…
Bên Việt Nam ngày nay, có khuynh hướng dùng danh từ như dùng động từ:
Thay vì nói “Tôi có ấn tượng tốt/xấu về anh ấy; Tâm tư tôi luôn hướng về anh; Tôi xem tài tử ấy là thần tượng… Thì họ nói: Tôi “ấn tượng” anh ấy. Tôi rất “tâm tư” chị. Tôi “thần tượng”cô ấy…
Tệ nhất là bên Việt Nam họ dùng sai nghĩa, hay dùng chữ chói tai:
Ký giả A đi “tác nghiệp”, chúng tôi “giao lưu” suốt một buổi…
Đó! Đó mới là những thứ ngôn từ cần phê phán, cần tránh né!
Họ cũng có khuynh hướng xén bới các từ ngữ kép (ví dụ: quản, quyết… thay vì quản lý, quyết định), ghép chữ một cách kỳ quặc (ví dụ: cặp đôi) hay có cách dùng, cách định nghĩa khác với chúng ta (ví dụ: xử lý rau!). Đó là điều mà chúng ta nên tránh.
Trở lại hai chữ Tượng Đài, theo tôi có thể ghép hai chữ Tượng Đài với nhau để chỉ một phức hợp vừa có tượng dựng trên 1 đài cao. Chẳng có gì sai và cũng không chói tai, phi lý, kỳ quặc. Nếu chỉ nói là “tượng” thì chỉ có cái hình người mà thôi. Còn khi hình người đặt trên một cái nền cao, thì phải gọi là gì nếu không là “tượng đài”? Vừa rồi có NT Tô Văn Cấp nhắc hai chữ “Kỳ Đài”, làm chúng ta nhớ thêm các chữ ghép “Khán Đài”, “Lễ Đài”, “Võ Đài” …
Như thế là giải tỏa xong vấn đề hai chữ “Tượng Đài” vì việc ghép hai chữ như thế này là điều từng xảy ra ở VN ngày xưa, không riêng gì VC sau này.
Vị nào có ý kiến dùng chữ nào cho hay, chính xác, xin đưa ra để chúng ta chọn lựa!
Dù sao, cũng nên tránh tranh cãi quá gay go vì dễ đưa đến bất hoà, chụp mũ nhau là VC, là thân cộng khi thấy ai đó sơ suất dùng từ ngữ mới bên VN. Rốt ra rồi ai cũng là VC, và có khi chính người chụp mũ cũng là VC vì sẽ có lúc anh ta không tránh khỏi sơ suất! Chính tôi – dù rất cẩn trọng – cũng đã được bạn bè nhắc nhở một hai lần trong việc dùng chữ.
Đỗ Văn Phúc
Mùa Lễ Tạ Ơn 2021