„Chưa rõ hết văn hoá ngoại giao đặc sắc của ông cha ta như thế nào, nhưng nói rằng tư tưởng HCM về ngoại giao là kết tinh và phát triển những giá trị vô giá đó tích tụ qua các thời đại..thì có vẻ đúng. Ngoại giao VN đã học được nhiều từ kinh nghiệm dân gian.“

 

Hoàng Lan Mộc Châu

 

Qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã vun đắp nên nhiều giá trị văn hiến độc đáo, trong đó có văn hóa ngoại giao đặc sắc.

Sau hội nghị Ngoại Giao lần thứ 31 kết thúc ngày 19/12 vừa qua, nguyên Phó Thủ Tướng Vũ Khắc Khoan có bài viết ca tụng “ văn hoá ngoại giao” với cái nghĩa là minh triết [sic] ứng xử trong mối bang giao với thiên hạ.

Báo Tổ Quốc giới thiệu bài viết của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan về văn hoá ngoại giao Việt Nam. Tiếp nối Hội nghị toàn quốc về văn hóa, Hội nghị toàn quốc triển khai công tác đối ngoại theo tinh thần nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng họp, ông Vũ Khắc Khoan “bỗng nẩy sinh đôi điều suy tư về “văn hóa ngoại giao” với cái nghĩa là minh triết ứng xử của người Việt trong mối bang giao với thiên hạ.” 

Ông Khoan viết: “Qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã vun đắp nên nhiều giá trị văn hiến độc đáo, trong đó có văn hóa ngoại giao đặc sắc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao là sự kết tinh và phát triển những giá trị vô giá được tích tụ qua các thời đại Lý, Trần, Lê, Tây Sơn… huy hoàng”. Chưa rõ hết văn hoá ngoại giao đặc sắc của ông cha ta như thế nào, nhưng nói rằng tư tưởng HCM về ngoại giao là kết tinh và phát triển những giá trị vô giá đó tích tụ qua các thời đại..thì có vẻ đúng. Ngoại giao VN đã học được nhiều từ kinh nghiệm dân gian.

 

Bên cạnh những kết quả ngoại giao của Việt  Nam mà hầu hết là với anh chàng Tầu khổng lồ hiếu chiến, lúc nào cũng xem Việt Nam là chư hầu, có những truyền thuyết kể về sự ma lanh, khôn lỏi, gian trá của người mình. Hồi nhỏ, ai đọc cũng nghĩ tổ tiên ta thông minh, kỳ tài từng phen hạ nhục xứ Tàu, lớn lên nghĩ lại thấy những thủ đoạn gọi là ‘ngoại giao’ đó vừa ngốc nghếch, khôn lỏi..như trò hề. 

Chuyện kể như sứ Tàu ngồi chung thuyền với sứ Việt Nam, lỡ xì hơi, ứng khẩu đọc, “Sấm động Nam Bang”, Sứ Việt Nam bèn vén quần đái qua đầu (?) sứ Tàu, đối lại, “Vũ qua Bắc Hải”, hoặc chuyện sứ Tàu ‘thả dê’ người đàn bà bán quán bằng câu, ‘An nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh” ( nghe cũng khá tao nhã phải không?) bị chị bán quán đối lại, “Bắc quốc đại trượng phu giai do thử đồ xuất” (chị này khiếp thật), và còn hàng chục chuyện khác tương tự như vậy. Ngoại giao Việt Nam Cộng sản có lẽ đã kết tinh và phát triển loại ngoại giao bịa đặt từ những loại ngoại sử này. Đây gọi là nguyên tắc ngoại giao bịa đặt, dựng chuyện.

Dân gian có câu “hèn với giặc, ác với dân”. Nói câu này ra ai ai cũng biết dân nói về đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam XHCN, cũng như khi họ bảo,

“ Đúng như lời TT Thiệu” thì ai cũng hiểu họ nhắc đến câu ông Thiệu nói, “đừng tin những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì họ làm” 

Hiệp định Paris là một minh chứng, chỉ dẫn vài vi phạm ai cũng biết cho thấy CSVN đã ngang nhiên xem ngoại giao chỉ là sự lừa lọc.

Ngay ngày sau khi hiệp định đình chiến có hiệu lực, CSVN đồng loạt tấn công vào các cứ điểm quân sự của VNCH, lấn đất dành dân, tiếp tục cuộc chiến đẫm máu kéo dài đến 1975. Về điều khoản quân đội Mỹ và Bắc Việt phải rút ra khỏi miền Nam Việt Nam, Mỹ tuân thủ rút quân, Lê Duẩn nói trong bộ chính trị: ”Mỹ phải rút ra, quân ta ở lại”, CSVN không những không rút quân mà còn “tranh thủ thời cơ” đưa thêm hàng chục sư đoàn vào ‘giải phóng miền Nam”. Đây gọi là kiểu ngoại giao tráo trở, nuốt lời.

Sau khi reo hò mừng rỡ được Clinton xóa bỏ lệnh cấm vận, đảng cộng sản bắt đầu vuốt ve Mỹ, nịnh bợ đủ điều để có viện trợ Mỹ, họ bảo không nuôi hận thù dân tộc, họ hoà giải với Pháp, Mỹ Nhật, Đại Hàn, nhưng hoàn toàn kỳ thị với các thành phần quân cán chính VNCH. Hàng trăm ngàn người bị bắt đi tù, hàng trăm người bị bắn chết trong tù cải tạo, Họ tấn công cả các thành phần khá giả, giầu có, bỏ tù, bắt đi kinh tế mới, hàng triệu người phải trốn đi bỏ xác dưới biển khơi, trong rừng rậm. CSVN bắn đại bác theo dòng người tỵ nạn khốn khổ này, gọi họ là bọn phản quốc, ôm chân đế quốc, thèm bơ thừa sữa cặn của tư bản. Cho đến lúc cần tiền, cần người họ áp dụng đường lối ngoại giao trở mặt như bánh tráng gọi ‘bọn vong nô, phản quốc’ là khúc ruột ngàn dặm, tha hồ bợ đỡ, vuốt ve. Cũng như vậy, họ trước chửi đế quốc, sau muối mặt xin xỏ từng ‘đồng đô la tanh máu’. Cái gọi là thành quả của nền kinh tế Việt Nam, nếu không có sự giúp đỡ của bọn kẻ thù cũ, có lẽ cũng chỉ tương đương với Bắc Hàn. Kiểu ngoại giao này học từ mấy chị bán bánh tráng và nâng lên thành học thuyết ngoại giao kêu bằng lật mặt.

 

Việt Nam hiện là ‘điểm nhắm’ của các nước về vấn đề nhân quyền. Người ta nói Việt Nam có một rừng luật, nhưng chỉ xài luật rừng. Hiến pháp Việt Nam quy định tự do tôn giáo, ngôn luận, nhưng Việt Nam vẫn là nước vi phạm nhiều nhất hai quyền này. Việt Nam đứng hạng gần chót về tự do báo chí, TBT Nguyễn Phú Trọng bị xếp trong danh sách đồ tể của báo chí, đặc biệt Việt Nam bị thế giới phê phán rất nhiều về vi phạm tự do tôn giáo. Mỗi phiên họp định kỳ của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo Việt Nam đều chống chế đưa nhiều lý do để trì hoãn sửa sai, nhưng chứng nào tật nấy đều không thay đổi, chiến thuật ngoại giao này gọi là ngoại giao ù lỳ, trơ mặt thớt.

Bài viết thêm ý của nguyên Phó Thủ Tướng “Thiết nghĩ, khi tiếp xúc với bạn bè gần xa ở trong nước cũng như khi đi ra nước ngoài, mỗi người chúng ta đều cần phải trở thành những vị “đại sứ” chuyển tải tinh hoa văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa ngoại giao Việt Nam nói riêng tới cộng đồng quốc tế.” Quả thật có nhiều ông đại sứ làm tên tuổi nước Việt Nam được nước ngoài biết đến nhiều hơn, như Đại Sứ Lê Văn Bàng ở Liên Hiệp Quốc bắt trộm sò tại Hog Creek, New York, bị bắt, nói dối là dân thường, không biết đọc biết nói tiếng Anh để trốn tội, kiểu ngoại giao này lấy hứng từ tổ sư Cuội trên cung trăng, gọi tên là Ngoại Giao Cuội.

Chuyện các nhân viên ngoại giao buôn lậu ngà voi, tê giác, hay vi cá mập phơi đầy trên sân thượng toà đại sứ được thế giới ngả đầu gọi bằng cụ là học theo truyền thống các anh chị hắc bạch giang hồ chợ Đồng Xuân. Kiểu này gọi chung bằng ngoại giao kiểu Chợ Búa, hay chi tiết hơn gọi là kiểu dân hành nghề hai ngón chợ Đồng Xuân, thủ đô Hà Nội.

Ông Phó thủ Tướng thành thật tỏ ý, “Tiếc rằng, trong cách ứng xử với bên ngoài có những người chẳng những không “khoe” được cái đẹp mà còn lộ ra những nét chưa đẹp, chưa hay. Nếu không gột sạch những vết mờ ấy thì văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa ngoại giao Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng.”

Hệ thống ‘ngoại giao nhân dân’ cũng được đảng phát triển vô cùng rầm rộ. Hàng chục ngàn người được thoải mái đi du lịch nước ngoài trong đó có không ít người ở lại để cải tạo dân bản địa dần giác ngộ lý tưởng cộng sản. Hàng ngàn ‘thùng nhân’ hy sinh cho lý tưởng của đảng trong xe máy lạnh, hay chết chùm khi xuồng cao su chìm, hàng trăm ‘đại sứ’ sang Anh, Úc ‘trồng cỏ’ góp tàn phá nước dù gọi là bạn, nhưng thật ra vẫn là thù. Hơn thế nữa, hàng năm ta còn đưa hàng chục ngàn đại sứ lao động ra nước ngoài kêu bằng xuất khẩu lao động góp phần đem tiền cho quê hương, phát triển kinh tế nước bạn, nhiều đại sứ xâm nhập từng gia đình làm osin, chịu nhục, gây cảm tình của dân bản xứ với đảng, nhà nước ta. Nhiều người trong số đại sứ XKLĐ này bị bỏ đói, lạnh, hành hạ họ đến chết, hy sinh vì đảng. Kiểu ngoại giao này kêu bằng khổ nhục kế, hay chịu đấm ăn xôi. Các ‘đại sứ ‘chịu đấm cho đảng có xôi lạp xưởng ăn.

 

Còn nhiều thủ đoạn ngoại giao của đảng ta cho đến nay giúp nước ta nở mày nở mặt trên trường quốc tế được rút ra từ những tinh hoa, kinh nghiệm dân gian của dân tộc như thế, giúp đảng ta đưa dân tộc lên đài quang vinh, sánh vai cùng bạn bè năm châu như bác Hồ hằng mong ước.

 

 

VNTB (22.12.2021)