Nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ gởi đơn tố cáo vi phạm của các cơ quan tư pháp TP Sài Gòn
Từ trong trại giam, nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ gởi đơn tố cáo vi phạm của các cơ quan tư pháp TP Sài Gòn. Nhà báo, blogger Nguyễn Tường Thuỵ/RFA edited
Nhà báo, blogger Nguyễn Tường Thuỵ thông báo với thân nhân rằng ông đã gửi hai lá đơn, một là đơn đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm gửi Viện kiểm sát Nhân dân cấp cao (VKSNDCC) tại Tp SÀI GÒN, hai là đơn tố cáo về những vi phạm của các cơ quan tư pháp Tp SÀI GÒN, gửi giám đốc Công an Tp SÀI GÒN.
Thông tin về việc gửi đơn tố cáo và yêu cầu giám đốc thẩm được ông Thuỵ viết trong một lá thư gửi cho vợ của mình là bà Nguyễn Thị Lân, trong chuyến thăm nuôi hôm 22/1/2022.
Hai lá đơn này được ông Thuỵ viết từ trại giam An Phước (tỉnh Bình Dương), vào ngày 14/9/2021.
Đến ngày 19/10/2021, VKNDCC tại thành phố Hồ Chí Minh có gởi lại giấy biên nhận đã nhận đơn và xác định đơn thuộc quyền giải quyết của cơ quan này và báo cho người làm đơn biết.
Ông Thuỵ cho biết nội dung đơn xem xét giám đốc thẩm đề cập đến chín nội dung, trong đó có các nội dung chính là:
– Ngụy tạo vật chứng: Kết luận điều tra viết có thu giữ bộ tài liệu 13 trang liên quan đến vụ án khi khám xét nhà. Tuy nhiên, ông Thuỵ cho biết khi công an khám nhà, cán bộ không thu giữ được bộ hồ sơ nào. Tài liệu đó là do họ tự lên mạng tải về.
– Bản án phản ánh không đúng với diễn biến của phiên tòa: Theo bản án, Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thuỵ khai nhận toàn bộ hành vi, nhưng lại có đoạn Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thuỵ đề nghị trả hồ sơ điều tra lại. Theo ông Thuỵ, đây là hai việc mâu thuẫn nhau, vì đã khai nhận toàn bộ sao lại đề nghị điều tra lại.
Về đơn tố cáo, ông Thuỵ nói Cơ quan An ninh điều tra đã làm sai lệch nội dung các lời khai, nguỵ tạo vật chứng, gán ghép hành vi… Ngoài ra, còn có việc cưỡng bức lấy dấu vân tay, gây thương tật bên bàn tay trái.
Ngày 27/10/2021, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP SÀI GÒN gửi thông báo nói rằng đơn không thuộc quyền giải quyết của cơ quan này.
Bà Lân nói với RFA rằng cuộc thăm gặp diễn ra trong khoảng một tiếng, chủ yếu trao đổi về chuyện gia đình. Nếu đề cập đến việc khiếu nại bản án sẽ bị cán bộ trại giam dừng cuộc nói chuyện ngay.
Sức khoẻ của ông Nguyễn Tường Thuỵ hiện nay không được tốt. Ông thường xuyên bị đau đầu, đau lưng, đi ngoài liên tục nên mất sức, không viết nổi. Bà Lân cho biết
“Về sức khỏe thì bác Thuỵ không khỏe đâu. Bác ấy bây giờ bị bệnh đi ngoài. Bác bảo bây giờ rất là mệt không muốn viết nữa. Xong rồi đau đầu nữa, cứ đau đầu một lúc khỏi xong rồi lại đau đầu. Thế rồi bác còn bị đau lưng, nhưng đợt này cũng đỡ đỡ…”
Ngoài ra, bà Lân còn cho rằng Chính quyền đang làm mọi cách gây áp lực để ông Thuỵ nhận tội. Bà cho biết trước đây ông Thuỵ đã tính trước sẽ có ngày bị bắt, nên đã uỷ quyền cho vợ nhận lương hưu.
Đến nay giấy uỷ quyền đã hết hạn, phải làm giấy khác, nhưng buộc phải điền theo mẫu đơn có sẵn. Trong phần lý do uỷ quyền có nội dung “phạm tội gì”. Ông Thuỵ cho rằng mình không phạm tội nên đã hai lần tự viết giấy uỷ quyền không theo mẫu, nhưng không được chấp nhận. Do đó từ tháng sau, bà Lân không được nhận tiền hưu trí của chồng nữa:
“Bác Thuỵ có lương hưu. Bây giờ phải có giấy ủy quyền thì người ta mới cho lĩnh, nhưng mà giấy ủy quyền nó cứ bắt làm theo mẫu của nó có mục là “phạm tội gì”.
Bác Thuỵ không muốn ghi như thế. Hai lần rồi bác ủy quyền nhưng nó đều không cho, nhưng nếu mình điền vào mục “phạm tội” thì là mình nhận tội à!
Bây giờ không phải thi hành án là mình được yên đâu. Suốt ngày nó cứ gây áp lực để cho mình nhận tội.”
Nhà báo, blogger Nguyễn Tường Thuỵ, năm nay 72 tuổi. Ông bị bắt vào ngày 23/5/2020 và đang chịu mức án 11 năm tù giam về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” trong phiên toà sơ thẩm vào ngày 5/1/2021, cùng với hai người khác thuộc Hội Nhà báo Độc lập là Phạm Chí Dũng và Lê Hữu Minh Tuấn. Ông Nguyễn Tường Thuỵ và Phạm Chí Dũng quyết định không kháng cáo.
RFA (24.01.2022)
Thêm một nhà hoạt động xã hội dân sự bị kết án tù tội ‘trốn thuế’
Nhà hoạt động xã hội dân sự Đặng Đình Bách, người cùng bị bắt giam với nhà báo Mai Phan Lợi hồi tháng 7 năm ngoái vì tội “trốn thuế”, tại phiên toà xét xử ở Hà Nội hôm 24/1. Ông Bách bị kết án 5 năm tù.
Một toà án ở Hà Nội hôm 24/1 kết án ông Đặng Đình Bách, giám đốc một tổ chức phi chính phủ và luật sư bảo vệ quyền môi trường, 5 năm tù về tội “trốn thuế”, chưa đầy 2 tuần sau khi nhà báo Mai Phan Lợi bị tuyên nhiều năm tù cùng tội danh.
Ông Bách và ông Lợi, đều là những thành viên nhóm Tư vấn của Việt Nam về Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), cùng bị bắt giam vào ngày 2/7/2021 và cùng bị truy tố vào tháng 12 cùng năm với cáo buộc “trốn thuế.”
Theo cáo trạng được được đưa ra tại Toà án Nhân dân TP Hà Nội hôm 24/1, ông Bách, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD), bị kết tội là có “liên hệ với các tổ chức nước ngoài, đàm phán nhận các khoản tiền tài trợ để triển khai nhiều chương trình, dự án mà (ông) Bách cho là phù hợp với tôn chỉ, mục đích hoạt động của Trung tâm LPSD.”
Cáo trạng được Vietnam Plus của TTXVN trích dẫn cho biết, Trung tâm LPSD – một tổ chức khoa học công nghệ chuyên nghiên cứu khoa học và triển khai các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực pháp luật và chính sách phát triển bền vững – đã nhận số tiền hơn 10 tỷ đồng từ các tổ chức trong và ngoài nước.
Cáo trạng còn nói rằng Trung tâm LPSD do ông Bách, 44 tuổi, đứng đầu “đã nhiều lần không nộp hồ sơ khai thuế, trốn thuế, bỏ ngoài sổ sách các khoản tiền nhận từ nước ngoài.” Theo VOV, trung tâm của ông Bách bị cáo buộc trốn thuế hơn 1,3 tỷ đồng.
Trước đó hôm 11/1, TAND thành phố Hà Nội cũng xét xử vụ án “trốn thuế” đối với ông Lợi, nguyên chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC), và tuyên 4 năm tù cho cựu phó tổng thư ký toà soạn báo Pháp Luật. Ông Lợi, 51 tuổi, từng là một trong những đại diện xã hội dân sự gặp mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hà Nội hồi tháng 5/2016.
Ông Bách và ông Lợi bị bắt sau khi nộp đơn tham gia Mạng lưới VNGO-EVFTA, một nhóm gồm 7 tổ chức dịch vụ cộng đồng được thành lập để phối hợp các hoạt động liên quan đến EVFTA.
Ngay sau khi hai nhà hoạt động dân sự này bị bắt, Nhóm Tư vấn của EU về EVFTA vào ngày 14/7/2021 đã gửi một bức thư đến Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu phụ trách thương mại, Valdis Dombrovskis, và Phó Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thương mại, Denis Redonnet, nêu quan ngại về việc này. Bức thư nói rằng ông Lợi và ông Bách bị công an bắt giam sau khi nộp đơn xin làm thành viên Nhóm Tư vấn của Việt Nam, được thành lập theo Chương 13 của EVFTA.
Cũng theo lá thư do bà chủ tịch của Nhóm Tư vấn của EU ký tên, ông Lợi và ông Bách đều là thành viên trong Ban Điều hành Mạng lưới VNGO-EVFTA bao gồm 7 tổ chức xã hội dân sự, trong đó có LPSD và MEC, được thành lập vào tháng 11/2020 nhằm phổ biến và thông tin về hiệp định EVFTA cũng như sự cấu thành của xã hội dân sự ở Việt Nam.
Lá thư nhắc tới việc ông Bách là người bảo vệ sinh thái ít được biết tiếng trong giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam vì ông tập trung hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhằm giúp đỡ cộng đồng hiểu biết và bảo vệ các quyền của mình. Trong khi đó ông Lợi là người từng điều hành trang Facebook “Góc nhìn báo chí – công dân” và “Diễn đàn Nhà báo trẻ”, và bị thu hồi thẻ nhà báo vào năm 2016 vì “xúc phạm nghiêm trọng danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam” qua vụ thăm dò ý kiến về lý do máy bay CASA 212 của hải quân Việt Nam mất tích.
Trong lá thư, bà chủ tịch Nhóm Tư vấn EU, Judith Kirton-Darling, kêu gọi Uỷ ban Châu Âu nêu các trường hợp này với quan chức Việt Nam và yêu cầu được giải thích về việc bắt giam ông Bách và ông Lợi.
Trước khi hiệp định EVFTA được Nghị viện EU thông qua, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, bị bắt giam và sau đó bị kết án 15 năm tù. Ông Dũng, cũng là một blogger có tiếng của VOA, từng lên tiếng kêu gọi Liên minh châu Âu đặt điều kiện nhân quyền đối với Việt Nam trước khi ký kết EVFTA.
Trong một phiên toà xét xử riêng biệt hôm 21/1, ông Nguyễn Bảo Tiên, một người phát hành các sách của Nhà Xuất bản Tự do, trong đó có các cuốn sách của nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang, bị kết án 6 năm rưỡi tù với 2 tội danh của Bộ luật Hình sự 2015, trong đó có “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo điều 117.
VOA (24.01.2022)
Giám đốc một tổ chức phi lợi nhuận vì con người và môi trường bị kết án 5 năm tù
Luật sư Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD) vừa bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù về tội “Trốn thuế” theo Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ông Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm LPSD trong một cuộc tập huấn về tác hại của Amiăng với người tộc thiểu số và miền núi, tháng 6/2019. (Ảnh: The Law and Policy of Sustainable Development Research Center/Facebook)
Ngày 24/1, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử phiên sơ thẩm vụ án Trốn thuế với bị cáo Đặng Đình Bách (SN 1978, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Theo cáo trạng do TTXVN dẫn lại, Trung tâm LPSD là tổ chức khoa học công nghệ, chuyên nghiên cứu khoa học và triển khai các đề tài, đề án, dự án thuộc lĩnh vực pháp luật và chính sách phát triển bền vững.
Ông Bách được bổ nhiệm là Giám đốc Trung tâm LPSD từ năm 2013. Trong quá trình hoạt động, ông Bách “liên hệ với các tổ chức nước ngoài, đàm phán nhận các khoản tiền tài trợ để triển khai nhiều chương trình, dự án”, nhưng “khi nhận tài trợ, Trung tâm LPSD không làm thủ tục xin phê duyệt, không được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định”.
Vẫn theo nội dung cáo trạng, từ năm 2016-2020, Trung tâm LPSD đã nhận số tiền hơn 10 tỷ đồng từ các tổ chức trong nước và nước ngoài thanh toán hợp đồng dịch vụ, tài trợ cho Trung tâm. Cơ quan tố tụng xác định ông Bách trốn thuế hơn 1,38 tỷ đồng.
Ngày 2/7/2021, ông Bách bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng để điều tra về tội Trốn thuế.
Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội kết luận bị cáo Bách là Giám đốc Trung tâm, chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Trung tâm, tuyên án 5 năm tù.
Cổng thông tin của Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người vùng Dân tộc thiểu số, Miền núi (HRC) giới thiệu Trung tâm LPSD là một đối tác của HRC, được thành lập theo giấy chứng nhận do Sở Khoa học và Công nghệ TP Hà Nội cấp năm 2007.
Theo HRC, Trung tâm LPSD là một thành viên nòng cốt của Mekong Legal Network (MLN), đóng vai trò tích cực trong Liên minh cứu sông Mekong (Save the Mekong Coalition – StM), Mạng lưới Môi trường Việt Nam (Vietnam Environmental Network – VEN), Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (Vietnam Sustainable Energy Alliance – VSEA), Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN)…
LPSD đặt mục tiêu trở thành một ngân hàng lưu trữ thông tin cũng như trung tâm nghiên cứu về các vụ việc về quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị xâm phạm do các hoạt động phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cùng ngày 2/7/2021, nhà báo Mai Phan Lợi (SN 1971, quê Thái Bình), Chủ tịch Hội đồng sáng lập, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng để điều tra về tội Trốn thuế. Ông Lợi bị cáo buộc trốn thuế gần 2 tỷ đồng đối với gần 20 tỷ đồng tiền tài trợ của các tổ chức mà Trung tâm MEC đã nhận từ năm 2012 đến năm 2021.
Hai ông Đặng Đình Bách và Mai Phan Lợi là thành viên trong Ban Điều hành Mạng lưới VNGO-EVFTA. Mạng lưới này được thành lập vào tháng 11/2020, gồm 7 tổ chức xã hội dân sự, nhằm phổ biến thông tin về Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), sự hình thành các xã hội dân sự Việt Nam.
Tại phiên tòa ngày 11/1/2022, TAND Hà Nội tuyên án 4 năm tù đối với ông Lợi. Nguyên giám đốc Trung tâm MEC – ông Bạch Hùng Dương bị tuyên 2 năm 6 tháng tù.
Trithucvn (25.01.2022)
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh bị đưa đi ‘giám định tâm thần’
Bà Nguyễn Thúy Hạnh, một nhà hoạt động về nhân quyền, dân chủ hóa nổi tiếng tại Việt Nam bị đưa đi “giám định tâm thần” những ngày gần đây.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng bà Nguyễn Thúy Hạnh, thông báo trên trang Facebook cá nhân hôm Thứ Hai, 24 Tháng Giêng như trên. Ông cho hay không phải công an hay nhà cầm quyền hoặc bệnh viện tâm thần thông báo, mà nhờ bệnh nhân tiếp xúc với bà Hạnh đưa tin lại ông mới biết.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh với tấm bảng đòi hỏi dân chủ, nhân quyền. (Hình: FB Nguyễn Thúy Hạnh)
Bà Nguyễn Thúy Hạnh, 59 tuổi, bị bắt ngày 7 Tháng Tư, 2021, sau khi bà nhờ luật sư làm thủ tục đòi số tiền 528 triệu đồng mọi người đóng góp giúp đỡ gia đình ông Lê Đình Kình.
Ông Lê Đỉnh Kình bị công an bắn chết khi tấn công xã Đồng Tâm ngày 9 Tháng Giêng, 2020. Các con và cháu của ông Kình cùng nhiều dân làng, với hơn 30 người, chống lệnh cưỡng chế cướp đất đã bị bắt rồi bị kết án từ tử hình đến các bản án tù nặng nề.
Khi bị bắt, báo chí tuyên truyền của nhà nước nói rằng bà Nguyễn Thúy Hạnh bị quy chụp cho tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống” chế độ theo Điều 117 Luật Hình Sự. Cơ quan Liên Hiệp Quốc cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án chế độ Hà Nội vi phạm Công Ước Quốc Tế về các quyền dân sự và chính trị khi đưa ra điều luật hình sự như vậy để bỏ tù công dân.
“Khi Hạnh bị bí mật đưa đến đó, nhiều bệnh nhân đang chữa trị tại đây đã nhận biết Hạnh, ít nhất là có bốn người, đã dùng điện thoại lén gọi về thông báo cho tui. Sau đó tui nhờ từ nguồn quen biết khác trong bệnh viện xác nhận lại thông tin này,” ông Huỳnh Ngọc Chênh viết trên Facebook.
“Tuy nhiên, vào lúc đó, tui và gia đình Hạnh hoàn toàn không biết Hạnh bị đưa đến bệnh viện để làm gì? Để chữa bệnh hay để giám định y khoa? Không cơ quan chức năng nào chính thức thông báo cho tui cũng như gia đình Hạnh biết về điều đó. Có nghĩa là tình trạng sức khỏe của Hạnh hoàn toàn nằm trong vòng bí mật.”
Bị đưa tới bệnh viện tâm thần để giám định xem bà có thật sự bị bệnh trầm cảm hay không, theo ông Chênh. Tại đây bà bị công an theo canh giữ suốt ngày đêm kể từ khi tới cho đến khi bà bị đưa trả lại nhà giam. Cho tới bây giờ ông Chênh mới biết tin tức thật sự về vợ. Công An CSVN hoàn toàn không cho ông tới thăm gặp hay cho biết thông tin gì về bà mỗi khi ông đi gửi tiền hay quần áo cho bà.
Qua một số bệnh nhân có cảm tình với bà Hạnh kể lại, ông Chênh được biết vợ ông bị đưa tới bệnh viện tâm thần “từ đầu Tháng Mười Hai” và bà Hạnh “được đưa trở lại trại giam cách đây hơn một tuần.” Tức là bà bị giữ tại bệnh viện tâm thần khoảng sáu tuần lễ.
Trước bà Nguyễn Thúy Hạnh, một số nhà tranh đấu nhân quyền khác cũng bị đưa tới bệnh viện tâm thần là các ông Trịnh Bá Phương, Phạm Thành. Riêng ông Lê Anh Hùng đã bị nhốt tại bệnh viện tâm thần suốt một thời gian dài. Không những ông bị cưỡng ép chích thuốc, mà còn bị khóa chân khóa tay nằm trên giường sắt rất tàn nhẫn.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh được mọi người biết đến nhiều nhất trong công việc điều hành quỹ yểm trợ các gia đình tù nhân lương tâm gọi là quỹ “50K.” Bà nhận tiền đóng góp từ mọi người trong và ngoài nước chia sẻ sự khó khăn của các gia đình có thân nhân bị CSVN bắt bỏ tù chỉ vì người ta can đảm đòi hỏi tự do dân chủ, nhân quyền qua các bài viết, thông tin trên mạng xã hội.
Hàng tháng, bà công bố số tiền bà nhận được và bà chia cho những gia đình nào bao nhiêu tiền một cách minh bạch. Bà cũng từng tham dự các cuộc biểu tình chống Trung Quốc bá quyền bành trướng, cướp biển đảo của Việt Nam. Bà là một cái gai rất khó chịu trong mắt đảng CSVN nên đã bị đánh, bị bắt thẩm vấn, đe dọa rất nhiều lần nhưng vẫn can đảm chịu đựng chứ không hề hãi sợ.
Đến nay, bà đã bị giam giữ gần 11 tháng, chưa biết bao giờ bị lôi ra tòa áp đặt một bản án.
Tháng Sáu năm 2021, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế (AI) phát động chiến dịch toàn cầu viết thư đòi hỏi chế độ Hà Nội trả tự do cho bà Nguyễn Thúy Hạnh.
Tổ chức AI nói rằng bà bị cầm tù chỉ vì “thực hành các quyền con người của mình một cách ôn hòa và làm các công việc thiện nguyện.” Chính vì vậy, bà “cần phải được trả tự do ngày lập tức và vô điều kiện.”
Người Việt (24.01.2022)
Sao Tham Nhũng Vẫn Cứ Trơ Trơ!
Trần Văn Chánh
Hôm 20.1.1922 tại phiên họp thứ 21 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tiêu cực, người chủ trì phiên họp đặt câu hỏi: “Vì sao chống tham nhũng mạnh mẽ như thế, xử lý nghiêm nhiều hành vi vi phạm như thế, nhưng tham nhũng tiêu cực vẫn cứ trơ. Sai phạm xảy ra ngay trong quá trình kiểm tra. Liệu có ai là chỗ dựa, có ai chống lưng cho hành vi tham nhũng tiêu cực hay không?”.
Thừa nhận thất bại mà từ lâu ai cũng trông thấy rõ, chỉ có một mình ông có vẻ chưa rõ, lời phát biểu chân thành nêu trên vừa như tỏ vẻ kinh ngạc vừa như có khẩu khí trách oán thở than, nghe sao mà đứt ruột não lòng! Cho thấy người thốt ra có thể rất tận tâm thiện chí với việc “đốt lò” mà ông đã dành rất nhiều thời gian và nỗ lực chỉ đạo liên tục trong nhiều năm, từ lúc còn khỏe cho đến lúc tuổi già sức yếu, như thể muốn hạ nhiều quyết tâm thêm nữa để đạt được mục tiêu cao cả diệt trừ quốc nạn.
Không ít dân chúng bên ngoài mong ông già càng thêm mạnh (lão đương ích tráng) để chăm lo việc nước tới hơi thở cuối cùng.
Ông cũng nói: “Luật [phòng chống tham nhũng tiêu cực] không có chúng ta làm luật, luật là do chúng ta làm chứ!”.
Rồi yêu cầu cần phải có quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, bài bản hơn, hiệu quả hơn, năm mới phải quyết tâm mới, khí thế mới trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực…
Tuy nhiên, những câu phát biểu rất đáng được cảm thông chia sẻ như trên càng cho thấy người phát biểu tuy có thể có nhiệt tâm nhưng lại hiểu biết rất yếu kém về chính trị và bất cận nhân tình về về mặt thực tế đời sống. Chính trị nói ở đây hiểu theo nghĩa một hệ thống tư duy-kiến thức dùng điều khiển quốc gia chứ không phải những thủ thuật/ biện pháp cụ thể chỉ nhằm giải quyết cho những vụ việc cụ thể từng ngày liên tục phát sinh. Nói cách khác, người đứng đầu đất nước ngoài cái tâm còn phải có tầm nhìn sâu rộng, quán xuyến trong mọi vấn đề trị nước, làm cho lòng người tất cả đều quy hướng về mình.
Bất cận nhân tình vì không đi sát với dân, mỗi năm ông chỉ xuất hiện một hai lần trong vài giờ gọi là tiếp xúc cử tri để chủ yếu nghe những lời ca tụng. Lại càng không hiểu tâm lý, âm mưu quỷ kế của các thuộc hạ cận thần đã trở thành lũ âm binh bất trị mà người ta thường mô tả là “đông như một bầy sâu”.
Cũng cho thấy nhân vật quan trọng này có lẽ không hề trang bị cho mình điều kiện đầy đủ để trở thành lãnh tụ chính trị, như đọc thật nhiều sách để am hiểu các vấn đề chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội, vì bận suốt ngày này qua ngày khác chỉ lo hội họp, báo cáo và nghe báo cáo, sửa đổi câu chữ nghị quyết, đưa ra những văn bản quyết định mới, xử lý những vụ việc rắc rối trong tranh chấp nội bộ này khác… Vì thế lời phát biểu hay bài viết đăng báo chỉ đạo của ông thường rất công thức, giáo điều nghe đến buồn cười mà tội nghiệp, quanh đi quẩn lại chỉ vài câu truyện Kiều, lời dạy Hồ Chủ tịch, và nhất là chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị giáo điều hóa theo hướng nặng về đấu tranh giai cấp qua các bậc tiền bối ngoại lai như Stalin, Mao Trạch Đông được Viện Triết học Việt Nam và một số tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương hoặc của Hội đồng Lý luận Trung ương diễn giải.
Muốn chống tham nhũng, ngoài đức khiêm khiết ra, cần phải đọc nhiều, học nhiều, cả đông tây kim cổ, tham khảo cách làm của nhiều nước khác trên thế giới, chứ không thể chỉ bắt chước kiểu “đả hổ diệt ruồi”, hoặc chăm bẵm vào chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vốn phần nhiều đã lạc hậu lắm rồi.
Tôi có dịp đọc qua một luận văn của sinh viên cao học thời trước năm 1975 về đề tài tham nhũng, thấy trích dẫn thư tịch thế giới rất phong phú, nhiều kinh nghiệm và vấn nạn được nêu ra để làm sáng tỏ, nhưng theo chỗ tôi được biết, các nhà chính trị CS của Việt Nam chúng ta ít ai chịu nghiên cứu sâu vấn đề tham nhũng, mà họ chỉ biết sơ sơ năm điều ba chuyện không vượt ra ngoài việc triển khai học tập các bản nghị quyết được xây dựng bởi những kẻ giáo điều thành tật.
Đây là tình trạng yếu kém chung của hầu hết nếu không muốn nói tất cả của các nhà lãnh đạo cao cấp nhất nước. Tuy họ cũng có lập ra những phòng ban chuyên tập hợp sách báo của muôn phương về dịch ra tiếng Việt để nghiên cứu nhưng nghiên cứu không phải để học hỏi cầu tiến bộ mà chỉ để đối phó với những thứ họ cho là luận điệu xuyên tạc của các thế lực tư sản thù địch!
Bi kịch của dân tộc Việt Nam là đang được dẫn dắt bởi một đám mù tịt những kiến thức căn bản về triết học, văn hóa, lịch sử, tâm lý xã hội…, hoặc cũng là những kiến thức cần thiết loại này nhưng đã bị các trường, viện viết ra cho học trong suốt thời kỳ dài tăm tối của chủ nghĩa giáo điều kiểu Mao Chủ tịch.
Điều quan trọng hơn nữa là không ai dám tự do suy nghĩ phát biểu chính kiến trung thực, vì sợ bị đồng chí mình rình rập bắt bẻ về quan điểm lập trường tư tưởng, kể cả đối với những cán bộ lãnh đạo cấp rất cao. Đây là một đại bi kịch của mọi thể chế chính trị CS.
Trong một bài viết hồi hai năm trước, tôi có kể câu chuyện thật về một ông nguyên là Thường trực Ban Bí thư trung ương. Đại khái ông này không hề đọc theo dõi thông tin trên các trang mạng xã hội, mà hằng ngày chỉ đọc báo Nhân Dân và xem chương trình VTV trên tivi thôi. Nghe nói ông cũng có đọc một hai cuốn sách do “bọn tư sản” viết dự báo về tương lai không mấy sáng sủa của thế giới CS, chủ yếu để tìm cách ngăn ngừa không để cho chế độ bị sụp đổ như ở Liên Xô, Đông Âu. Thật là quá kém cỏi, trong thời đại bùng nổ thông tin mà ông kém năng động như vậy thì làm sao đủ kiến thức để điều khiển các cấp dưới và quản lý điều hành xã hội (vốn từng bước thay đổi, diễn biến rất nhanh). Ông là đại thần trong triều, mà quan trí của ông tệ hại như vậy, thử hỏi những kẻ cấp dưới làm việc xung quanh ông lúc ông còn đang cầm quyền thì thế nào? (xem “Hiện trạng dân trí, quan trí và dân khí của người Việt”, Viet-studies, 27.12.2020).
Thật là rầu! Ông lãnh đạo cấp cao này không có tinh thần học hỏi cầu tiến, chỉ ham thích chức quyền một cách thiếu chính danh, thua rất xa các vua quan thời phong kiến! Chỉ thông cảm tí xíu được với ông ở chỗ ông cũng như các vị đồng liêu khác, trong hệ thống chính trị độc tài toàn trị hiện hữu, tối ngày bắt buộc phải lo hội họp, đọc, viết, nghe báo cáo, xử lý thường vụ… đến tối mắt tối mũi, không còn biết trên trời dưới đất còn có ai, có học thuyết mới nào xuất hiện trên trái đất hay không, dân tình hiện đang sống ra sao, bọn quan tham cấp dưới quậy đến cỡ nào… Có nghĩa chắc cú trăm phần trăm các ông không thể có khả năng đưa ra quyết sách điều hành xã hội hữu hiệu và chống được quốc nạn tham nhũng.
Các ông cứ khoe thành tích: Trong năm 2021, đã khởi tố, điều tra 3.725 vụ/ 7.066 bị can (tăng 1.186 vụ/ 2.652 bị can so với năm 2020) về tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó, án tham nhũng, chức vụ đã khởi tố là 390 vụ/ 1.011 bị can. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ sau Phiên họp thứ 19 đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 21 vụ án/ 179 bị cáo, xét xử phúc thẩm 13 vụ án/ 74 bị cáo; khởi tố mới 10 vụ án/ 40 bị can, khởi tố thêm 103 bị can trong 20 vụ án. Điểm nổi bật là, đã khởi tố mới nhiều vụ án lớn, mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (có 10 cán bộ diện Trung ương quản lý – Trong nhiệm kỳ XII, có 19 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự).
Nhưng còn rất nhiều vụ khác chưa bị lộ thì sao? Hơn thế nữa, lộ hay không lộ trong lúc này cũng còn tùy thuộc phần lớn vào tình trạng đấu đá tranh giành chức quyền vạch mặt nhau giữa các phe nhóm chính trị hay nhóm lợi ích đã chia quyền tham nhũng, bởi nếu không có sự tranh chấp này thì người dân bên ngoài khó biết được những vụ tham nhũng lớn, trong khi hệ thống báo chí công khai thì gặp phải rất nhiều sự cấm đoán từ cơ quan điều khiển chung là Ban Tuyên giáo Trung ương, ai mở miệng “nói bậy” rất dễ bị rút phép thông công, thậm chí ngồi tù vì cho là bị “các thế lực thù địch” chủ mưu xúi giục. Còn dạng tham nhũng cò con phổ biến dưới dạng lót tay, phong bì, bồi dưỡng, quà cáp đã trở thành một dạng văn hóa mới của người Việt, làm cho dân khí hèn đi, thì phải đợi thông qua một công cuộc cải tạo văn hóa giáo dục lâu dài trên cái nền dân chủ hóa toàn diện đời sống xã hội mới hi vọng khắc phục được dần dần.
Vì thế chống tham nhũng là rất khó và rất dễ bị lạm dụng để biến thành những cuộc thanh trừng phe phái mạnh được yếu thua gây mất đoàn kết làm cho bộ máy cầm quyền càng trở nên suy yếu đi đến bất lực.
Những điều nói trên cho thấy, như trong thực tế chứng tỏ, nạn tham nhũng càng chống càng tăng về quy mô, tính chất, và biểu hiện dưới những hình thái ngày càng hung hãn, kịch liệt, tinh vi làm cho mọi người chưng hửng nhiều hơn, như chính ông trùm đảng mới đây đã thừa nhận và thở than. Những thứ các ông gọi “nghị quyết đại hội” chẳng qua chỉ là mớ giấy lộn được sửa đi sửa lại chứa đầy những luận điệu cũ rích vô bổ, mà như bậc thầy CS Lênin của các ông đã nói rồi, từ một thế kỷ trước, rằng nếu người ta còn có thể hối lộ được thì người ta cũng không có cái điều kiện tối thiểu để làm chính trị, vì khi đó mọi biện pháp, pháp lệnh, nghị quyết đều sẽ trở thành những tấm giấy lộn và chỉ lơ lửng trên không trung mà thôi (xem Về chủ nghĩa quan liêu, NXB. Sự Thật, Hà Nội).
Dùng một bộ máy mục nát thối ruỗng đến cùng cực để xử lý tình trạng mục nát tức quốc nạn tham nhũng thì về mặt logic là điều không thể, giống như người ta không thể tự nắm tóc để nhấc mình lên khỏi mặt đất, hay như một con bệnh yếu nhớt sắp chết không thể tự mình đứng dậy được, mà phải cần đến một ngoại lực: ngoại lực ở đây là phương hướng chữa trị mới, với liều thuốc mới đủ mạnh để vực dậy con bệnh trong cơn hấp hối.
Điều này cũng có nghĩa, tất cả những giải pháp nửa vời có tính vá víu do nhà cầm quyền đưa ra gần đây, như đã thấy, và như mới bổ sung tại phiên họp thứ 21 nói trên của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tiêu cực, dù có xuất phát từ thiện chí, nhưng bản chất không có gì mới mẻ, và đều chắc chắn không thể đạt được hiệu quả tích cực hay mang lại một niềm hi vọng nào cả vì cơ bản vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn.
Bản thân hệ thống đã thối nát đến cùng cực thì tự nó không thể cải thiện được, chống tham nhũng vì vậy thực chất đã bị lạm dụng và chỉ thành công trong việc thanh trừng phe phái, cho dù người “đốt lò” có thật sự có ý xấu này hay không. Bởi dưới trướng ông còn có cả một lũ gian thần hủ nát câu kết liên thông với nhau mà vụ đại án đại ác Việt Á xảy ra trong những ngày gần đây gây bức xúc dư luận toàn quốc là thêm một thí dụ vô cùng sinh động cụ thể khiến ông phải bùi ngùi xót xa thốt ra câu: sao chống mạnh thế mà chúng vẫn cứ trơ ra không biết hổ thẹn là gì!
Ở một mặt khác cũng cần xét: chống tham nhũng mà vẫn không thu hồi được tài sản tham nhũng, tiền bạc bí mật chẳng biết lọt vào tay ai. Khi được hỏi ý kiến, có đến ¾ đại biểu Quốc hội không đồng ý với phương án thu hồi tài sản tham nhũng, điều này dễ hiểu, vì Quốc hội với chính quyền tham nhũng là cũng một nguồn gốc và bản chất hủ nát như nhau…
Một số công dân tích cực có hiểu biết dám mạnh dạn phê phán chế độ để chống tham nhũng thì rất dễ bị xử “bỏ túi” vào tù, như nhà báo Phạm Đoan Trang, gia đình bà Cấn Thị Thêu…
Suốt năm bàn chuyện chống tham nhũng, chống hoài chống mãi, không có hồi kết, như một bộ phim truyện dài nhiều tập mà người làm phim không cho khán giả biết trước có hết thảy bao nhiêu tập, biến kế hoạch quốc gia tốt đẹp chống tham nhũng to lớn thành một trò hề chính trị với diễn viên là những cán bộ chức quyền trong khi thường dân chỉ được đứng ngoài xem với những cái lắc đầu vô vọng, chán nản!
Khó quá, nhiều người liền nghĩ đến chuyện phải kiểm kê tài sản cán bộ, nhưng việc này cũng lại không khả thi trong hiện thực Việt Nam. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từng phát biểu trước diễn đàn Quốc hội hồi tháng 12.2004: “Khi đề bạt cán bộ thì bắt khai tài sản, nhưng họ rất khôn khi để cho con đứng tên, vợ đứng tên… Thành ra đặt vấn đề thu hồi tài sản bất chính là rất khó”. Phó thanh tra Chính phủ Vũ Phạm Quyết Thắng chắc cũng có kinh nghiệm nhiều về việc này nên mới nói: “Nếu bây giờ kê khai, nhiều công chức đang có sẽ hóa ra không có tài sản, vì họ đã ‘gửi’ cho cháu chắt hết rồi” (dẫn lại của Tạp chí Phát Triển Kinh Tế, số 191, tháng 9.2006).
Thực tế cho thấy cách kê khai tài sản qua nhiều chỉ thị, nghị định đã ban hành không phải là biện pháp cơ bản khả thi trong điều kiện nạn tham nhũng đặc biệt ở Việt Nam như hiện nay, mà sự vô hiệu trên thực tế của Nghị định 130/2020/NĐ-CP kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, đọc nghe rất mê làm ai cũng tin thật, là một thí dụ rất hùng hồn sinh động.
Với những tình trạng được miêu tả như trên, phải thẳng thắn nhận định rằng, nếu vẫn cứ tiếp tục bằng những biện pháp cũ thông thường như học tập nghị quyết, học tập lời dạy của lãnh tụ, phê bình kiểm điểm, thanh tra kiểm tra, cảnh cáo kỷ luật, đình chỉ công tác, thậm chí bắt bớ bỏ tù…, nạn tham nhũng vẫn khó bị đẩy lùi, nếu như cái điều căn bản là toàn bộ hệ thống chính trị-kinh tế do đặc điểm và những khuyết tật bên trong của nó mà tệ nạn tham nhũng phát sinh, không được điều chỉnh một cách đúng mức cần thiết.
Chống tham nhũng cũng khó khăn như chống lại bệnh nghèo khó, nó luôn vướng phải cái vòng luẩn quẩn: muốn làm được việc gì cũng cần phải có một chính phủ lành mạnh, trong khi chính phủ đó đang bị nghiền nát do chính bệnh tham nhũng, và trong số cán bộ lãnh đạo cấp cao ngoài người tốt còn rất ít vẫn có một thành phần khá đông thật ra chẳng muốn cho tình trạng hỗn loạn về các phương diện luật pháp, hành chính sớm được chấm dứt trong chừng mực cho phép là hệ thống chính trị lạc hậu của họ vẫn chưa bị sụp đổ trước khi họ còn có thể lợi dụng kiếm chác được. Một thí dụ cho thấy rất rõ điều này là tình trạng tham nhũng liên quan đất đai xảy ra nặng nhất tại nước ta nhưng luật đất đai sửa đổi lại cứ lần lữa mãi không chịu cho thông qua. Một thí dụ khác nữa đó là luật biểu tình. Số còn lại thì như một bà luật sư nổi tiếng nọ đã từng nói: Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử thì dùng toàn luật rừng!
Muốn chống tham nhũng vì thế phải quyết tâm xoay theo một chiều khác hẳn bằng con đường cải cách hệ thống chính trị theo hướng dân chủ hóa toàn diện đời sống xã hội. Còn cải cách cụ thể như thế nào thì đã có hàng trăm hàng ngàn bậc thức giả trong ngoài nước góp ý rất hay rất đúng rất nhiệt tình rồi, ở đây không cần lặp lại, nhưng đại khái cũng không ra ngoài một số điều cốt lõi như thực hiện quyền ứng cử bầu cử thật sự tự do dân chủ, thể hiện một cách thực chất các quyền về tự do ngôn luận, tự do báo chí, lập hội, biểu tình… như Hiến pháp 2013 đã thừa nhận; sửa đổi một vài điều khoản quan trọng trong hiến pháp liên quan nền tảng tư tưởng chính trị (không coi chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng nữa), về quyền sở hữu đất đai, về kinh tế quốc doanh. Đặc biệt cải cách tư pháp, tôn trọng tính độc lập của tòa án, nâng cao vai trò của luật sư…, để không còn những vụ án xét xử thiếu công bằng, những vụ án oan sai, án “bỏ túi”; tuyệt đối cấm tra tấn, ép cung, mớm cung, như luật pháp đã quy định…
Trước mắt, như tôi đã nhiều lần đề nghị trong một số bài viết gần đây, nên tái thẩm để phóng thích hầu hết các nhà bất đồng chính kiến, vì tiếng nói phê phán của họ nếu gạn đục khơi trong đều thẳng thắn khách quan, có tác dụng đóng góp, đáng được tham khảo trong quá trình thực hiện cải cách chính trị, trên tinh thần coi “kẻ chê ta mà chê đúng là thầy ta; kẻ nịnh ta là thù địch ta”; ở đây kẻ thù địch nội bộ thật sự chính là đám quan tham lại nhũng hủ nát đông như bầy sâu, bọn họ chỉ khéo biết chiều lòng cấp trên và không bao giờ dám nói lên sự thật.
Trước đây có một số ông lớn coi vậy mà thành thật hơn. Như cố Tổng bí thư Đỗ Mười từng nói: “Như hiện nay, xin đi học, hay vào bệnh viện đều phải có… tí phong bì”. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói về hiện tượng thoái hóa của cán bộ nhà nước: “Nếu có phát hiện thì… hi sinh đời bố, củng cố đời con!” (dẫn lại của Tạp chí Phát Triển Kinh Tế, số 191, tháng 9.2006).
Nhưng có lẽ chính cố Thủ tướng Phan Văn Khải mới nói trúng vào trung tâm của vấn đề đang xét: “Rất nhiều lần tôi nói cả hệ thống chính trị chứ không chỉ hệ thống hành chính của chúng ta có vấn đề, cần phải cải cách, chấn chỉnh, nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực, chống cho được tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu…” (Nt).
Ông Đào Đình Bình trước khi rút lui khỏi chức vụ bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng đã thành thật nói lớn lên chân lý này ở trước mặt mọi người tại kỳ họp Quốc hội ngày 15 tháng 6.2006: “Cơ chế hiện nay phải thay đổi. Nếu không thay đổi thì bộ trưởng nào ngồi vào đây cũng sẽ mắc khuyết điểm. Tôi từ chức rồi, nhưng các đồng chí sau tôi chắc chắn cũng khó vượt qua” (Nt).
Ông TS Lê Đăng Doanh thì lại có lối nói thực tế và bình dân dễ hiểu hơn: “Chỉ trừng phạt thôi thì người này đổ, người khác sẽ lên. Cơ chế nếu không thay đổi thì người mới lên sẽ… tệ không kém, thậm chí còn ‘cáo’ hơn anh trước” (Nt).
Một số nhà lãnh đạo tiền bối không lâu trước đây đều đã nhận ra vấn đề. Các giới hữu trách từ bấy đến nay cũng đã bàn nát nước mà lối ra dường như vẫn còn thấp thoáng nằm xa xăm mờ mịt ở tận đâu đâu. Ngặt nỗi, dường như chỉ có nhà lãnh đạo cao nhất nước hiện nay là chưa có tầm nhận thức ngang bằng với cố Thủ tướng Phan Văn Khải gần 20 năm trước về nhu cầu cải cách chính trị, nên ông cứ cố bám lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm ngọn đuốc soi đường cho mọi hành động chính trị, nhưng rất tiếc, cả Mác cả Lênin lẫn cụ Hồ trong bối cảnh lịch sử đương thời cũng chưa có kinh nghiệm gì cụ thể để truyền dạy cho ông bài học, đơn giản chỉ vì thời các cụ đó còn sống và hoạt động chưa có một tình trạng tham nhũng tiêu cực nào quá quắt giống như đất nước Việt Nam của chúng ta hiện nay.
Thiết tưởng, sắp tới đây các tổ chức trong hệ thống chính trị hiện hữu (như Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hội nghề nghiệp…) nên định ra một vài kỳ họp bất thường nào đó để thảo luận chuyên về con đường cải cách chính trị, cho phép mọi người được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến, lấy khẩu hiệu “Sống và hành động theo hiến pháp và pháp luật” làm chủ đề cho những cuộc hội thảo như vậy, nhằm tìm hướng ra thích hợp và thúc đẩy cải cách, thực hiện cuộc cách mạng lần thứ hai trong hòa bình và ổn định.
Ở đoạn đầu bài tôi có chê ông lãnh đạo cao nhất nước hiện nay là chẳng có thì giờ đọc sách nên cũng chẳng có kiến thức gì sâu rộng để điều hành đất nước và chống tham nhũng hiệu quả. Khi thẳng thắn đưa ra nhận xét như vậy, trong thâm tâm tôi chẳng có ý gì chê bai theo kiểu “nói xấu lãnh đạo” để hạ uy tín cá nhân, trái lại tôi còn rất thông cảm và coi ông là trường hợp bi kịch chung của tất cả những cán bộ làm việc trong chế độ CS độc tài toàn trị. Giả định được ở vào địa vị lãnh đạo của ông, nhiều khả năng tôi sẽ còn tệ hơn ông rất nhiều.
Tôi chỉ muốn chứng minh và thưa rằng đường lối chống tham nhũng như ông đang làm chắc chắn sẽ không bao giờ đạt hiệu quả như lòng ông mong muốn, và càng chống ông sẽ càng cảm thấy ê chề đau khổ, như ông đã than trong cuộc họp ngày 20.1 vừa qua, “chống mạnh mẽ như thế, nhưng sao tham nhũng tiêu cực vẫn cứ trơ”, là điều rất cần tránh, đặc biệt trong lúc tuổi già, để còn được hưởng chút an nhàn trước khi từ giã cái cõi đất Việt rất đáng mến yêu nhưng cũng đầy chuyện phức tạp lộn xộn này.
Trong một bài viết gần đây tôi có nói, «Nếu ông vẫn chưa chịu rút lui thì nên tìm cách ở lại chức vụ để chuyển hướng chính trị bằng cách thực thi rộng rãi nền dân chủ trong nước, thả hết những người có chính kiến khác đang bị cầm tù, mở ra một bầu không khí tươi mới tích cực, đẩy lùi đám nịnh thần thối nát đang bu xung quanh, hầu có thể gây lại mối đoàn kết nhất trí cao để vừa xây dựng đất nước, vừa đủ sức đối phó với một thế lực thù địch rất nguy hiểm đã và đang lăm le gây hại cho đất nước chúng ta. Nếu làm được như vậy, nhân dân Việt Nam sẽ muôn đời nhớ ơn ông, coi ông là một vị thánh sống cứu tinh cho toàn thể dân tộc đang lao đao lận đận vì đám đông quan lại gian tà» (xem «Tản mạn chuyện đông tây kim cổ: do một người hay do cả hệ thống chính trị», Viet–studies, 28.12.2021).
Đang có lời đồn đại rằng ông sắp phải rời khỏi chính trường, như vậy rất tốt cho tuổi già và sức khỏe của ông, vợ con và các cháu ông sẽ rất vui mừng. Nếu tin đồn này không xác thực thì cũng không sao, trong trường hợp sự ở lại chức vụ thêm một thời gian ngắn nào đó của ông là nhằm để góp phần cải cách căn bản thể chế chính trị chứ không phải chỉ để «đốt lò» hoặc thanh trừng phe phái vì những lý do vị kỷ.
Trần Văn Chánh
Vietstudies (24.01.2022)
Công an tra tấn, đánh đập tù nhân vẫn phổ biến tại Việt Nam
Công an CSVN tra tấn, đánh đập tù nhân từ khi tạm giam đến khi có án vẫn diễn ra dù chế độ Hà Nội ký vào Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc.
Hôm Thứ Bảy, 22 Tháng Giêng, Facebooker Mai Nguyen Nguyen cho hay trên trang cá nhân là chồng bà, ông Lê Quý Lộc, bị một nhóm 11 công an của nhà tù An Phước, Bình Dương, đánh hội đồng vì “anh muốn cất lên tiếng nói bảo vệ quyền lợi cho tất cả anh em bị giam trong nhà tù cộng sản”.
Nhóm “Hiến Pháp” gồm Ngô Văn Dũng, Lê Quý Lộc, Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và Hồ Đình Cương ra tòa sơ thẩm ở Sài Gòn ngày 31 Tháng Bảy 2020. (Hình: CAND)
Ông Lê Quý Lộc là một trong 4 người thuộc nhóm “Hiến pháp” bị chế độ Hà Nội kết án tù ngày 31 Tháng Bảy 2020 vì đã tự in và phân phát cho mọi người bản “Hiến pháp” của chế độ. Mục đích của họ là giúp công dân hiểu biết các quyền lợi và bổn phận của mình.
Thay vì ca ngợi việc làm tự nguyện vì công ích của họ, nhóm “Hiến pháp” gồm bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh bị kết án 8 năm tù và 3 năm quản chế; hai ông Ngô Văn Dũng và Lê Quý Lộc, mỗi người bị 5 năm tù và 2 năm quản chế; ông Hồ Đinh Cương, bị 4 năm tù rưỡi và 2 năm quản chế.
Phiên tòa phúc thẩm ngày 8 Tháng Giêng 2021 vẫn y án sơ thẩm, bất chất các lời biện hộ xác đáng của các luật sư.
Facebooker Mai Nguyen Nguyen thuật lại lời kể của ông Lê Quý Lộc khi bà đi thăm chồng là “Anh muốn đòi quyền lợi theo đúng luật định của chế độ người bị giam. Họ không giải quyết mà đưa anh sang sống cùng án xã hội và tại đây ngày đầu tiên họ đã lên kế hoạch 11 cán bộ an ninh của trại An Phước đứng đợi sẵn thi nhau đấm đá vào mặt và 2 mắt của anh đến bầm tím, sưng to. Từ hôm ấy anh tuyệt thực 8 ngày.”
Ông Lộc được thuật lời kể rằng thức ăn nhà tù phát cho tù nhân thì “khi sống, khi chín” nên rất khó ăn. Ông ăn không được nên chỉ ăn thức ăn do vợ gửi vào và thức ăn mua ở căng tin. Cuối cuộc thăm gặp, ông “còn cố nói ráng với tôi thêm một câu mà làm tôi rất lo lắng và ám ảnh “ họ có ý định cố giết anh” nên em cố gắng thuê luật sư giúp anh.”
Ngày 7 Tháng Mười Một 2013, CSVN ký “Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác”. Thay mặt chế độ Hà Nội, đại sứ CSVN tại LHQ khoe rằng “Việc ký Công ước thể hiện cam kết mạnh mẽ của CSVN chống lại mọi hành vi tra tấn và đối xử tàn bạo, bảo đảm ngày càng tốt hơn tất cả các quyền cơ bản của con người”, TTXVN tường thuật.
Guồng máy tuyên truyền CSVN đồng loạt đưa tin từ ngày 25 Tháng Tám 2014, Bộ Công An ra lệnh “nghiêm cấm điều tra viên, cán bộ điều tra bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào” khi ban hành thông tư số 28/2014/TT-BCA về “công tác điều tra hình sự” của công an. Tuy nhiên ngay sau đó, hàng năm vẫn có hàng chục người bị công an tra tấn đến chết khi mới bị bắt chỉ một vài giờ hay một vài ngày.
Ngày 25 Tháng năm 2020, tờ Tiền Phong dẫn lời “Thượng Tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên đội trưởng Đội Thanh Tra Pháp Luật Công An thành phố Hà Nội” nhìn nhận chuyện oan sai “hiện tượng này có thật” vì nạn tra tấn ép cung phổ biến gần như được dung dưỡng. Hậu quả là các bản án oan sai, thậm chí dẫn đến cái chết của các nghi can.
Một trong những tử tù đang chờ bị hành hình là Hồ Duy Hải dù tất cả các bằng chứng dùng để kết tội đều bị ngụy tạo. Tòa án CSVN kết án tử hình Hồ Duy Hải chỉ dựa vào lời khai nhận giết hai cô gái tại bưu điện Cầu Voi, Long An, sau các trận đòn ép cung thừa sống thiếu chết mà Hải đã phủ nhận khi bị đưa ra xử án.
Vợ và thân hữu của nhóm “Hiến Pháp” đòi trả tự do cho thân nhân. (Hình: FB Nga Kim)
Mới ngày 12 Tháng Giêng 2022, mạng xã hội tại Việt Nam đưa tin kèm theo hình ảnh ông Nguyễn Trọng Bang bị công an xã và dân quân thôn tra tấn ở ngay trụ sở Ủy Ban Nhân Dân xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, khiến cơ thể bị nhiều vết thương, bầm tím ở vùng đùi, làm dư luận phẫn nộ.
Hai tuần lễ trước đó, tối 29 Tháng Mười Hai 2021, báo Tuổi Trẻ đưa tin ông Nguyễn Văn Khá (55 tuổi, ở xã Nhơn Mỹ) chết tại trụ sở Công An xã Nhơn Mỹ,huyện Chợ Mới tỉnh An Giang, sau khi bị cán bộ “mời” về làm việc vào tối 28 Tháng Mười Hai. Công an đã tra tấn ông ấy cho đến chết dù con trai của ông đã van xin đừng đánh nữa, theo lời vợ ông Khá kể lại.
Tình trạng đánh đập, tra tấn ép cung vẫn tiếp diễn dù chế độ Hà Nội ký tên vào bản Công Ước Quốc Tế Chống Tra Tấn và Đối Xử Vô Nhân Đạo. Tù nhân Lê Quý Lộc bầy tỏ sự lo sợ cho sinh mạng bản thân không phải không có lý do.
Người Việt (23.01.2022)
Việt Nam: Báo chí độc lập được không?
Hiếu Chân
Truyền thông trong nước đưa tin, tại cuộc họp mặt mừng Xuân sáng ngày 19 Tháng Một 2022 vừa qua, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) thành phố Sài Gòn Nguyễn Văn Nên nói với báo chí: “Báo chí phải có tính độc lập, nghĩa là đối kháng với bốn đặc điểm: bầy đàn, khuôn mẫu, ỷ lại, đổ lỗi”. Khi phát biểu như vậy, ông Nên đưa ra một chỉ thị mà báo chí thành phố phải thực hiện hay chỉ là một cách phê bình chỉ để chứng tỏ ông là quan chức có quan tâm tới hiện tình đất nước?
Bốn đặc điểm mà ông Nên yêu cầu phải “đối kháng” chưa hẳn là chỗ yếu chết người của báo chí trong nước nhưng cũng khái quát phần nào thực trạng của cái gọi là báo chí cách mạng (!) Khổ nỗi, những đặc điểm “bầy đàn, khuôn mẫu, ỷ lại, đổ lỗi” đó lại thoát thai từ một nguyên tắc lớn hơn, bao trùm là “sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của ĐCSVN” được ví như “vòng kim cô” trên đầu Tề Thiên Đại Thánh.
Việt Nam có gần 1,000 tờ báo (kể cả báo in, tạp chí, báo mạng, đài phát thanh truyền hình) nhưng như nhiều người đã nói, chỉ có một “tổng biên tập” duy nhất nên tính chất “bầy đàn, khuôn mẫu” là không thể tránh khỏi.
Theo một luật bất thành văn, tất cả những chức vụ phụ trách cơ quan báo chí (tổng biên tập, phó tổng biên tập, trưởng ban trưởng phòng) đều phải là đảng viên lâu năm của ĐCSVN; người ngoài đảng, dù có thực tài, có trình độ, cũng chỉ có thể đảm nhiệm những công việc chuyên môn, giỏi lắm là làm phụ tá, trợ lý, không có quyền quyết định gì cả. Các “quan báo” hàng tuần đều phải họp “giao ban” với ban tuyên giáo của đảng để nghe nhận xét đánh giá về báo chí trong tuần và chỉ đạo những nội dung phải làm trong tuần kế tiếp. Chuyện đó không có gì lạ trong một chế độ mà báo chí truyền thông được coi là một “mặt trận”, người làm báo là “chiến sĩ” trên mặt trận đó; hoạt động dưới sự chỉ huy của đảng từ trung ương xuống địa phương. Trong một cơ chế như vậy, báo chí không có tính “bầy đàn”, “khuôn mẫu” mới là chuyện lạ.
Khi đảng muốn “biểu dương” cái gì thì cả dàn đồng ca báo chí tranh nhau cất cao giọng xem ai ca giỏi nhất, vang nhất. Khi đảng muốn toàn dân tin tưởng bộ xét nghiệm (test-kit) của Công ty Việt Á mà ngoan ngoãn để cho người ta “ngoáy mũi” thì cả “bầy đàn” báo chí xúm vào bốc thơm cái test-kit ấy “đã được Tổ chức Y tế Thế giới phê chuẩn, cho phép sử dụng khẩn cấp”. Có báo “sáng chế” thêm test-kit Việt Á đã được Cơ quan Y tế và Phúc lợi Vương quốc Anh chấp nhận, đặt mua. Bây giờ thì đã lộ ra rằng đó là sản phẩm của Trung Quốc nhập lậu, phẩm chất và độ an toàn rất đáng ngờ và chưa hề được cơ quan khoa học quốc tế nào phê chuẩn thì cả “bầy đàn” báo chí lặng lẽ rút bài, xóa thông tin, không ai làm cái công việc đơn giản nhất là đăng đính chính, cáo lỗi với người đọc.
Ngược lại, khi đảng muốn “đánh” ai thì cả “bầy đàn” báo chí lại vào cuộc tả xung hữu đột, bới móc và bịa đặt đủ kiểu để lập công với đảng. Ai muốn chứng kiến báo chí “đánh hội đồng” thì chỉ cần theo dõi vụ Tịnh thất Bồng Lai, tức Thiền am Bên bờ Vũ trụ, đang bị báo chí kết án những tội trạng khủng khiếp như “lừa đảo”, “loạn luân” dù chưa có cuộc điều tra độc lập nào xác nhận những tội lỗi đó. Các nhà hoạt động xã hội, bất đồng chính kiến khi bị đảng ra lệnh bắt, cũng bị báo chí xúm vào đánh bầm dập mà không có cơ sở hay bằng chứng gì, ngay cả khi người bị đánh là đồng đội, đồng nghiệp một thời, như vụ đánh các cây bút của Hội Nhà báo Độc lập, vụ năm nhà báo của nhóm Báo Sạch hay nhà báo nổi tiếng Phạm Đoan Trang.
Trong những vụ việc vừa kể, dù khen hay đánh, tất cả các tờ báo đều nói cùng một giọng, một khuôn mẫu, không hề có tiếng nói khác. Họ “ỷ lại” nguồn thông tin mà đảng và các cơ quan công quyền của đảng đưa ra, coi đó là sự thật hiển nhiên không cần kiểm chứng mà đưa thẳng lên trang báo, thậm chí không cần gia công “biên tập” để biến ngôn ngữ hành chính thành ngôn ngữ báo chí.
***
Đòi hỏi báo chí phải “độc lập”, ông Bí thư Nên muốn gì? Ông muốn báo chí phải “đối kháng” với bốn đặc điểm kể trên, nhưng chắc hẳn không không dám yêu cầu báo chí phải xa rời cái vòng kim cô của đảng. Mà khi vẫn phải đội cái vòng kim cô, nhất cử nhất động đều bị kiểm soát thì “độc lập” chỉ là một khái niệm xa xỉ, không có trong thực tế. Bởi vậy, phản ứng của nhiều người viết báo trong nước khi nghe ý kiến chỉ đạo của ông Bí thư thành ủy là “cười mỉa”, “cười khinh mạn” và “chúc ông năm mới tiếp tục thành công trong nghề nghiệp mị dân”.
Khách quan mà nói, cùng trong một chế độ nhưng báo chí ở Sài Gòn có nhiều nỗ lực cạnh tranh và cải tiến để thu hút độc giả, tăng số lượng phát hành và doanh thu, nhất là những tờ báo không được chính phủ “bao cấp” về tài chính. Sự năng động của báo chí Sài Gòn so với đồng nghiệp ở miền Bắc có phần do ảnh hưởng nền báo chí tự do của miền Nam trước năm 1975 còn lại, do tính cách phóng khoáng của độc giả miền Nam. Tôi nhớ năm 1997, khi Đặng Tiểu Bình qua đời, báo chí Việt Nam theo chỉ thị của tuyên giáo, đồng loạt đăng bài ngợi ca nhà lãnh đạo cải cách của Trung Quốc là một “trí tuệ siêu việt”, chỉ có một tờ báo dám chỉ mặt đặt tên Đặng Tiểu Bình là người chủ mưu và phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trên tuyến biên giới phía Bắc năm 1979, là một tội đồ của dân tộc Việt. Và đó là một tờ báo uy tín ở Sài Gòn. Nhưng tiếc là những hiện tượng “xé rào” như vậy vẫn rất hiếm hoi.
Nếu ông Bí thư Nên muốn khuyến khích Sài Gòn có một nền báo chí khác biệt chứ không phải là công cụ tuyên truyền thì đó là điều tốt, nhưng e rằng chủ ý ông không phải là như vậy. Là cán bộ lãnh đạo cao cấp của đảng, ông Nên thừa hiểu chừng nào còn có đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối thì không thể có báo chí tự do, độc lập. Vì vậy, “giới truyền thông, một số Facebooker và nhà hoạt động cho rằng đây là lời răn đe của ông Nguyễn Văn Nên hơn là một sự khích lệ”, theo đài RFA.
Trong quá khứ, đã từng có thời ĐCSVN dưới thời ông Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cuối những năm 1980, chủ trương “mở cửa”, “cởi trói”, khuyến khích văn nghệ sĩ “nói thẳng, nói thật”, giống như ông Tổng Bí thư Trường Chinh khởi xướng “trăm hoa đua nở” ở miền Bắc những năm 1956-1958. Nhưng khi văn nghệ, báo chí bắt đầu phơi bày những tệ nạn của xã hội, của chế độ cho công chúng thấy thì đảng lập tức “đóng cửa” và gia tăng đàn áp làm cho một số cây bút nhẹ dạ bị vùi dập, bị ngược đãi.
Con chim bị thương chỉ cần nhìn thấy cung tên đã run sợ. Có lẽ vì kinh nghiệm quá khứ đó mà giới cầm bút trong nước chẳng những không vui với yêu cầu báo chí độc lập của ông Bí thư Sài Gòn mà còn thấy đây có thể là dấu hiệu của những ngày khó khăn gian khổ sắp tới.
Sài Gòn Nhỏ (23.01.2022)