Thư chung kêu gọi TT Biden nêu vấn đề ngôn ngữ hận thù nhắm vào các nhóm tôn giáo khi tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính
Hàng chục tổ chức và cá nhân vừa ký thư chung gửi đến Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden kêu gọi Nhà Trắng nêu lên các quan ngại về việc chính phủ Việt Nam “chủ trương bách hại các tôn giáo không chấp nhận bị chính phủ kiểm soát.” Động thái này diễn ra trước thềm Hội nghị Thượng Đỉnh Hoa Kỳ – ASEAN, khi Tổng thống Biden dự kiến có cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vào giữa tháng 5.
Thư chung được soạn thảo vào cuối tháng 3, và tính đến sáng ngày 19/4 có 40 tổ chức và 34 cá nhân, chủ yếu ở Hoa Kỳ, Thái Lan, Việt Nam… ký tên và sẽ được gửi đến Nhà Trắng và các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 5/5, ban soạn thảo cho VOA biết.
Bức thư lên án sự can thiệp có chủ ý của chính quyền Việt Nam vào các hoạt động tôn giáo: “Nhà Nước đã chỉ đạo và hỗ trợ chương trình tuyên truyền dùng những ngôn từ kích động sự thù địch và bạo lực nhắm vào các nhà lãnh đạo tôn giáo và giáo dân, dẫn đến những hậu quả tai hại và đáng lo ngại”.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành của tổ chức BPSOS có trụ sở ở bang Virginia, Mỹ, một trong những tổ chức khởi xướng và ký vào thư chung, chia sẻ với VOA:
“Mục đích của thư chung này là để báo động cho chính phủ Hoa Kỳ, đặc biệt là Hành pháp của Tổng thống Biden về một hiện tượng mà chúng tôi theo dõi từ ba năm nay với thông điệp kích động hận thù và bạo lực nhắm vào các cộng đồng tôn giáo độc lập với chính quyền.
“Ví dụ như Hội Cờ Đỏ tấn công các linh mục, giáo dân công giáo, và sau này họ cũng bắt đầu tấn công vào các tôn giáo khác; hoặc các tín đồ của chi phái Cao Đài 1997 (chi phái do nhà nước dựng lên) có những lời phỉ báng nhắm vào những tín đồ, chức sắc, chức việc của chi phái Cao Đài gốc 1926.”
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.
Tiến sĩ Thắng nêu thêm dẫn chứng:
“Vào đầu năm nay xảy ra khá nhiều bạo lực nhắm vào các tín đồ Cao Đài 1926 với sự hiện diện của công an và chính quyền địa phương nhưng họ không hề can thiệp. Có những thư yêu cầu khởi tố thì chính quyền dẹp đi.
“Vụ sát hại linh mục Trần Ngọc Thanh ở Kon Tum tôi cho rằng cũng bị ảnh hưởng bởi những lời kêu gọi kích động hận thù và bạo lực tràn lan ở xã hội Việt Nam hiện nay.”
Bức thư được viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh có đoạn viết: “Các nhóm thuộc “Hội Cờ Đỏ” được tổ chức, điều động trong việc dùng phương tiện truyền thông xã hội để vu khống các Linh mục Công giáo, gọi các vị này là “quạ đen”, “phản quốc”, “linh mục chó săn”, “con hươu Công giáo”, “kẻ buôn nến” và “cực đoan, quỷ quyệt,” trong số các tên gọi xấu xa khác”.
Bức thư cho biết người trong Hội Cờ Đỏ đã dán nhãn lên các nhà sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là “những thế lực xấu” đã “xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam”.
“Người trong Hội Cờ Đỏ ở tỉnh Đắk Lắk kêu gọi chính quyền “loại bỏ Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên ra khỏi cuộc sống của dân làng,” bức thư cho biết.
Ngoài ra, bức thư cho biết chính phủ Việt Nam chưa truy tố thành viên nào của Hội Cờ Đỏ.
VOA đã liên lạc Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị các cơ quan này cho ý kiến về bức thư chung, nhưng chưa được phản hồi.
Theo thông cáo của Nhà Trắng, Hội Nghị Thượng Đỉnh Hoa Kỳ – ASEAN dự kiến diễn ra trong các ngày 12 và 13 tháng 5, và Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự sự kiện này, theo lời mời của Tổng thống Biden.
Từ Thái Lan, ông Y Quynh Bdap, sáng lập viên của tổ chức Montagnards Stand For Justice (MSFJ), nêu lý do tổ chức của ông ký tên vào thư chung:
“Chúng tôi ký vào lá thư này để các tổ chức quốc tế và chính phủ Hoa Kỳ để họ lên tiếng về việc đối xử của chính phủ Việt Nam đối với các tôn giáo mà chính quyền không thừa nhận ở Tây Nguyên.
“Các tổ chức tôn giáo độc lập ở Tây Nguyên hầu như bị nghiêm cấm trong việc sinh hoạt tôn giáo. Đài ANTV và các trang báo của Bộ Công an có bài “Xóa bỏ Tin lành Đấng Christ” chứng tỏ rằng chính quyền Việt Nam không tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
“Chúng tôi đề nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ nên duy trì cơ sở dữ liệu về ngôn ngữ kích động, hận thù trong các báo cáo và đề nghị chính phủ Việt Nam phải giải thích và giải quyết mỗi vụ; cũng như xác định và đánh giá tác động của ngôn ngữ kích động, hận thù đối với các cộng đồng tôn giáo người Thượng ở Tây Nguyên để chính phủ Việt Nam có thể thay đổi.”
Thư chung gửi Tổng thống Joe Biden. Screenshot on April 19 2022. Photo: vnforb.org.
Bức thư nêu nhận định rằng các thông điệp cổ võ cho hận thù và bạo lực “đã nhanh chóng lan tỏa trên khắp xã hội Việt Nam”.
Chỉ trong 12 tháng qua, các tổ chức nhân quyền đã ghi nhận khoảng một trăm tin nhắn trên Facebook và Google nhắm vào các nhà lãnh đạo tôn giáo và giáo dân của các hội thánh Cơ Đốc Giáo người Thượng, bức thư cho biết.
“Chính phủ Hoa Kỳ có cơ hội để nêu sự quan tâm của mình trực tiếp với giới lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là Thủ tướng Phạm Minh Chính và phái đoàn cấp cao của Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ – ASEAN”, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nêu kỳ vọng.
“Chúng tôi kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần thay đổi cách nhìn, cách nghiên cứu và lý giải tình trạng ở Việt Nam hiện nay.
“Cũng nằm trong chính sách chung là để kiểm soát, khống chế các tổ chức tôn giáo độc lập với chính quyền, họ chuyển hướng từ việc dùng bạo lực trực tiếp sang việc khuyến kích và bao che cho các thành phần ngoài chính quyền, ví dụ như Hội Cờ Đỏ…Đó là một kế hoạch “ném đá giấu tay” của nhà nước Việt Nam,” ông Thắng cho biết thêm.
Các tổ chức ký tên cho rằng chính quyền Việt Nam không tuân thủ Điều 20, khoản 2 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), theo đó “mọi chủ trương gây hận thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo để kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, sự thù địch, hoặc bạo lực đều phải bị nghiêm cấm”.
Bức thư gửi Tổng thống Biden có đoạn: “Trước xu hướng đáng lo ngại này, chúng tôi đề nghị Ngài trao đổi trực tiếp với Thủ tướng Phạm Minh Chính của Việt Nam và kêu gọi chính phủ của ông ấy tuân thủ đầy đủ Điều 18 của ICCPR, trong đó đảm bảo quyền tự do tôn giáo hoặc niềm tin, cũng như quy định của Điều 20 rằng việc kích động bạo lực bị pháp luật nghiêm cấm”.
VOA (20.04.2022)
Việt Nam chuẩn bị luật xóa nội dung ‘bất hợp pháp’ trong vòng 24h
Việt Nam đang chuẩn bị các quy định mới. Yêu cầu các công ty truyền thông xã hội gỡ bỏ nội dung mà họ cho là bất hợp pháp trong vòng 24 giờ. Ba người có hiểu biết trực tiếp về vấn đề này cho biết.
Các dự kiến sửa đổi luật hiện hành sẽ củng cố Việt Nam, thị trường trị giá 1 tỷ USD của Facebook, trở thành một trong những chế độ nghiêm ngặt nhất thế giới đối với các công ty truyền thông xã hội và sẽ củng cố bàn tay của Đảng Cộng sản cầm quyền khi đảng này trấn áp hoạt động “chống nhà nước”.
Khung thời gian 24 giờ để gỡ bỏ “nội dung và dịch vụ bất hợp pháp” sẽ không có thời gian gia hạn, trong khi các “video trực tiếp bất hợp pháp” đang hoạt động phải bị chặn trong vòng ba giờ, một người cho biết. Họ nói thêm rằng các công ty không đáp ứng thời hạn có thể thấy nền tảng của công ty đó bị cấm trong nước.
VietBF (20.04.2022)
Làm gì để báo cáo chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền?
Nếu bị bắt giữ, quấy nhiễu, theo dõi, canh cửa, ngăn cấm không cho đi lại, ngăn cấm làm việc, xúi bẩy người khác, hàng xóm có hành vi kỳ thị … nên báo cáo lên các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền
Hôm 19 tháng 4, một lần nữa, trên các trang mạng xã hội, những người đấu tranh cho tự do dân chủ, nhân quyền, thậm chí ngay cả vợ, chồng của những tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong tù, lại nổ ra những lời than phiền, trách mắng, oán ghét, thậm chí chửi rủa nặng lời những người của chính quyền đưa đến canh cửa nhà họ. Họ hỏi nhau, “Hôm nay là ngày gì mà nhà tôi bị canh cửa?” Sự sách nhiễu của nhà cầm quyền VN đối với những người này đã có từ lâu, lập đi lập lại nhiều lần. Những người bị quấy rầy nên có hành động gì để chính quyền phải chấm dứt sách nhiễu?
Những người hoạt động bênh vực cho tự do dân chủ, nhân quyền hay bảo vệ lãnh thổ, chống xâm lược Trung Quốc bị công an đến nhà canh cửa, theo dõi, ngăn cản đi lại như một người tù giam lỏng làm mọi người rất khó chịu bị mất công việc những ngày hôm đó, phải bỏ việc cần làm, lỡ công, lỡ việc, bỏ khám bệnh, có người thân nhân mất cũng không được cho đi viếng.. Mỗi đợt canh gác, theo dõi kéo dài ít nhất là 2 ngày, nhiều có thể đến một tuần vì những lý do khác nhau. Khi có phiên tòa xử người bất đồng chính kiến hay khi một giới chức phụ trách về nhân quyền, tự do tôn giáo hay quan chức cao cấp các quốc gia khác đến thăm, làm việc.
Hành động của chính quyền Việt Nam thể hiện tính man rợ, không tôn trọng nhân quyền, xem thường người dân, xem người dân như kẻ thù.
Chính quyền cũng đối xử không ra gì, không coi trọng nhân phẩm của những người công an mặc thường phục, hoặc mặc quần áo, đeo băng tay ‘bảo vệ dân phố’ được phái đến canh cửa người dân. Nhiều người bị canh cửa vốn nhẫn nhịn, hiền lành không phản ứng, nhiều người khác la mắng bâng quơ, nhưng nhiều người bị đàn áp quá mức chịu đựng lên tiếng chửi rủa. Những người canh cửa bị chửi rủa hoặc cúi gằm mặt chịu đựng, hoặc lí nhí, “Chúng cháu bị bắt phải làm thế vì nồi cơm thôi ạ!” Vì nồi cơm, vì bị cấp trên chỉ định, họ phải chịu đựng nhục nhã rất đáng thương.
Có nhiều công an đàn áp, xô đẩy người bị canh giữ, bắt trở lại nhà, bị cả hàng xóm túm lại chửi bới hết sức ê mặt. Facebooker có tên Tử Đinh Hương viết rất nhã nhặn, “Cố ý canh nhà, rồi cố ý tung ra một thông tin mập mờ khó kiểm chứng như thế, xem ra màn kịch này của nhà cầm quyền diễn cũng quá khó hiểu rồi!? Song, dù ẩn ý của hành động này có khó hiểu mức nào đi nữa thì có một điều Tử Đinh Hương chắc chắn rằng: Người dân Việt Nam chúng ta đóng thuế để duy trì hoạt động của nhà nước sẽ không bao giờ hy vọng bộ máy nhà nước ấy lại dùng tiền thuế của mình vào những việc vô bổ như thế này. Vì thế, mong các người hãy có tự trọng!…”
Chính quyền Việt Nam nên xem lại việc này. Chính phủ có thể không cần đến danh dự của đảng bị nhân dân khinh thường, phỉ báng, nhưng với thuộc hạ của mình, để họ bị người dân khinh bỉ, nhân phẩm họ bị hạ thấp khi họ phải tuân theo lệnh làm những chuyện mất lòng dân, phi lý, phi pháp, phi nhân, mà không phải ý muốn của họ, thì chính phủ vô cùng đáng trách. Tình trạng đẩy nhân viên của mình chịu nhục vì những chuyện thế này càng kéo dài, những nhục nhã chính phủ ngày phải gánh thêm càng nhiều, tính bất nhân với ngay cả thuộc hạ của mình của chính phủ càng rõ ràng.
Việc bắt giữ, theo dõi, không chế, cấm cản đi lại, quấy phá người hoạt động đấu tranh cho tự do tôn giáo, nhân quyền và môi trường, ngay cả với người chống Trung Quốc xâm lấn lãnh hải, lãnh thổ xảy ra rất tùy tiện ở Việt Nam đánh động lương tri con người trên toàn thế giới. Các tổ chức bênh vực nhân quyền, các bộ ngoại giao các quốc gia như Đức, Anh, Pháp, Mỹ.., Liên hiệp Âu Châu và Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc rất quan tâm và đã từng can thiệp với chính phủ VN về các trường hợp này. Tuy nhiên để thúc đẩy sự giúp đỡ, theo dõi có hiệu quả, cụ thể hơn, nhanh chóng và cập nhật cần đến sự cộng tác của gia đình người bị hại.
Nếu gia đình của những nhà hoạt động bị chính phủ VN bắt giữ, hoặc bị quấy nhiễu, theo dõi, canh cửa, ngăn cấm không cho đi lại, ngăn cấm làm việc, xúi bẩy người khác, hàng xóm có hành vi kỳ thị v..v nên báo cáo lên các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền, các tổ chức này sẽ dễ dàng liên lạc với gia đình để cập nhật nhận tin tường tận, chính xác liên quan nạn nhân, thay vì họ phải nhận thông tin của chính phủ hay báo chí VN, thường bị bóp méo vấn, bất lợi về nạn nhân.
Quý vị có thể gửi thẳng đơn,báo cáo thân nhân bị bắt giữ, hay bị chính phủ VN đàn áp, sách nhiễu theo mẫu đơn dưới đây về (bằng email, Fax hay thư viết tay)
- Thông tin cá nhân:
- Họ:
- Tên:
- Giới tính:
- Ngày sinh hoặc tuổi
- Quốc tịch: Việt Nam
- (a) Giấy tờtuỳ thân: CMND, v.v.
(b) Cấp bởi:
(c) Ngày cấp:
(d) Số:
- Nơi cưtrú (address of usual residence):
- Bịtheo dõi, quấy nhiễu làm phiền, cấm di lại.hay bịbắt.
- Ngày bịtheo dõi hay bắt.
- Nơi bịtheo dõi, quấy nhiễu… Xã, huyện, tỉnh/Tp.
- Lực lượng tiến hành theo dõi, hay Không rõ vì lực lượng bắt giữmặc thường phục.
- Lực lượng canh gác nhà có đưa lệnh theo dõi hay không
- Lý do:
lll. Miêu tả quá trình theo dõi, quấy phá, bắt giữ
(Thí dụ Khoảng 10 giờ ngày 7 tháng 4 năm 2030, ông La Thi Minh bị lực lượng mặc thường phục khoảng 10 người bao vây gia đình ..)
- Nêu lý do mà ông/bà cho rằng việc theo dõi,bắt giữlà độc đoán
Tên tuổi và địa chỉ bưu điện, email của người cung cấp thông tin
Tên nạn nhân hay người đại diện làm đơn.
Địa chỉ: (Ví dụ 2000 Hai Bà Trưng, Q. Tân Bình, TP HCM, Vietnam)
Địa chỉ Email: 2222@gmail.com
Ngày: 19/6/2030 Ký tên
Có thể gửi thư về:
1/Special Rapporteur on freedom of religion or belief
c/o Office of the High Commissioner for Human Rights
United Nations at Geneva
8-14 avenue de la Paix
CH-1211 Geneva 10
Switzerland
Hay:
Fax: (+41) 22 917 90 06
Hay:
E-mail: freedomofreligion@ohchr.org or urgent-action@ohchr.org
2/ Hoặc về các tổ chức NGO tranh đấu cho nhân quyền trên thế giới. Đơn từ của quý vị sẽ được các tổ chức này chuyến đến Ủy Ban Nhân Quyền LHQ và các tổ chức quốc tế khác.
Gửi e-mail về
BPSOS .org humarigh@gmail.com
Hay về
End Torture VN endtorturevn@gmail.com
Đơn từ khiếu nại gửi qua các tổ chức NGO, ví dụ BPSOS, được các tổ chức này dịch ra tiếng Anh, hay Pháp..
Thu Thu
VNTB (20.04.2022)
Tiền Giang: Năm người bị kết án tội lật đổ chính quyền
Hình minh hoạ: Việt kiều Mỹ Jame Han – người bị toà án Việt Nam kết án tù về tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, có liên quan tới tổ chức Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời hồi tháng 8/2018 AFP
Toà án Nhân dân tỉnh Tiền Giang hôm 19/4 kết án tù năm người với cáo buộc tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 109 Bộ Luật Hình sự. Báo Tuổi Trẻ loan tin này vào cùng ngày.
Như vậy, chỉ trong hai ngày 18 và 19/4, có tổng cộng 17 người bị kết án tội “Hoạt động nhằm lật độ chính quyền”. Tất cả đều bị cáo buộc có liên quan đến Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời do ông Đào Minh Quân cầm đầu có trụ sở ở Mỹ. Đây là tổ chức chính trị đối lập của người Việt bị Chính phủ Việt Nam xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Cụ thể, những người bị kết án tại Tiền Giang gồm: Nguyễn Thị Rành (69 tuổi) – 16 năm tù, Nguyễn Hoàng Phương (52 tuổi, ngụ SÀI GÒN) – 14 năm tù, Nguyễn Thị Chính (67 tuổi) – tám năm tù, Nguyễn Anh Hùng (72 tuổi) – sáu năm tù, Văng Bá Cảnh (74 tuổi, cùng ngụ Tiền Giang) – năm năm tù .
Báo Tuổi Trẻ trích thông tin từ cáo trạng cho biết, từ năm 2018 đến khi bị phát hiện vào tháng 4 năm 2021, tại xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, các bị cáo này đã có hành vi gia nhập tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”.
Các bị cáo đã tham gia bầu ông Đào Minh Quân (70 tuổi, quốc tịch Hoa Kỳ) làm tổng thống “đệ tam Việt Nam Cộng hòa”, may cờ, khăn choàng chuẩn bị đón Quân về nước. Ngoài ra các bị cáo tham gia họp tuyên truyền, chống phá Nhà nước với mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Trong các năm gần đây, những toà án của Việt Nam liên tục xét xử những người dân bị cáo buộc có liên hệ với tổ chức của ông Đào Minh Quân mà Chính phủ Việt Nam coi là phản động. Tổ chức này bị Chính phủ Việt Nam cáo buộc chỉ đạo đặt bom ở TP Biên Hoà hồi năm 2017.
Đài Á Châu Tự Do đã nhiều lần tìm cách liên hệ với tổ chức Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời để lấy phản hồi về những cáo buộc này nhưng không nhận được trả lời.
Hồi năm 2017, bà Lisa Phạm – người bị Chính phủ Việt Nam cáo buộc có liên quan đến tổ chức này – đã trả lời điện thoại RFA và bác bỏ những cáo buộc tham gia vận động người Việt trong nước tham gia khủng bố.
RFA (19.04.2022)
Siêu sao bóng rổ Mỹ dùng giày để chỉ trích CSVN về nhân quyền
Ít nhất hàng ngàn Facebooker ở Việt Nam đang để lại bình luận bên dưới bài và hình đăng trên trang cá nhân của cầu thủ Enes Kanter Freedom, 29 tuổi, ngôi sao bóng rổ đội Boston Celtics, khi anh dùng hình vẽ những chiếc giày thể thao trên đó viết thông điệp chỉ trích CSVN vi phạm nhân quyền.
Cầu thủ Enes Kanter chính thức đổi họ “Freedom” vào ngày 30 Tháng Mười Một năm ngoái, khi anh tuyên thệ trở thành công dân Mỹ.
Thông điệp kêu gọi nhân quyền cho Việt Nam trên chiếc giày. (Hình: Facebook Enes Kanter)
Trong bài đăng hôm 14 Tháng Tư, cầu thủ người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ viết: “Hàng trăm nhà báo và nhà bảo vệ nhân quyền đang gặp rủi ro, bị sách nhiễu, hoặc bị đàn áp ở Việt Nam. Nơi này không có quyền tự do biểu đạt, không tự do ngôn luận và cũng không tự do báo chí. Ủng hộ nhân quyền cho Việt Nam. Nguyễn Phú Trọng và đảng CSVN phải chịu trách nhiệm!”
Freedom đăng kèm năm tấm hình những chiếc giày thể hiện thông điệp kêu gọi nhân quyền cho Việt Nam.
Enes Kanter Freedom trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn AFP tại Văn Phòng Liên Hiệp Quốc ở Geneva hôm 5 Tháng Tư, 2022. (Hình: Fabrice Coffrini/AFP qua Getty Images)
Trong đó có tấm hình vẽ một người đang bị công an bịt miệng, bên cạnh là một chiếc laptop bị trói bằng dây xích. Một bức hình khác vẽ hình bản đồ Việt Nam đang bị khóa bằng một chiếc còng số 8.
Một bức vẽ cảnh gợi nhớ hình ảnh ông Tô Lâm, bộ trưởng Công An CSVN, đang ăn thịt bò dát vàng của “Thánh Rắc Muối.”
Đáng chú ý là một tấm hình trong số đó ghi dòng chữ: “Chỉ có thể giam cầm được thể xác chứ không cưỡng bức nỗi [nổi] tư tưởng.”
Nhân quyền ở Việt Nam bị khóa bằng một chiếc còng số 8. (Hình: Facebook Enes Kanter)
Ở phần bình luận dưới tấm hình này, Facebooker “Thị Tấm” ghi: “Chúng tôi không đồng ý bạn sử dụng hình ảnh tà áo dài Việt Nam cao quý để in lên chiếc giày, một thứ dùng để đeo vào chân và đạp dưới đất như thế. Bạn đòi nhân quyền cho chúng tôi mà lại phỉ báng văn hóa bản địa như thế sao? Chúng tôi yêu đảng Cộng Sản Việt Nam, yêu nền hòa bình mà đảng CSVN mang lại cho đất nước này nên chúng tôi không cần bạn khóc thuê đâu. Bạn chỉ là một con ếch trong cái giếng nhỏ mà thôi!”
Nhiều Facebooker khác thi nhau bắt lỗi chính tả “nỗi” thay vì “nổi” và cảm thán: “Đi đòi nhân quyền thuê mà còn sai chính tả viết cho bố mày đọc à?”
Nhiều bình luận gay gắt bằng tiếng Việt và tiếng Anh cho thấy những Facebooker này thuộc giới “dư luận viên,” có phản ứng tương tự mỗi khi Facebook Đại Sứ Quán Mỹ hay Đại Sứ Quán Anh ở Việt Nam đăng bài chỉ trích Hà Nội vi phạm nhân quyền.
Chiếc giày ghi dòng chữ “Chỉ có thể giam cầm được thể xác chứ không cưỡng bức nỗi [nổi] tư tưởng.” (Hình: Facebook Enes Kanter)
Trước khi đăng bài chỉ trích nhà cầm quyền CSVN về nhân quyền, Freedom từng đăng tải nhiều bức ảnh đôi giày thi đấu của mình với thông điệp ủng hộ nền độc lập và dân chủ của Đài Loan, tương tự việc anh đã làm khi lên tiếng bảo vệ Tân Cương cũng như những dân tộc thiểu số khác bị Trung Quốc bách hại.
Hồi Tháng Giêng, Freedom nói anh sẵn lòng nhận lời mời thăm Trung Quốc với điều kiện anh được tận mắt nhìn thấy một “Trung Quốc thật” thay vì “được tô hồng,” theo CNN.
Bức tranh gợi nhớ hình ảnh ông Tô Lâm, bộ trưởng công an CSVN, đang ăn thịt bò dát vàng. (Hình: Facebook Enes Kanter)
Trước đó, trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Yao Ming, cựu ngôi sao bóng rổ Trung Quốc từng chơi ở Giải Bóng Rổ Nhà Nghề Mỹ (NBA) và nay là chủ tịch Hiệp Hội Bóng Rổ Trung Quốc (CBA), nói: “Nếu có cơ hội tôi sẽ mời anh ấy [Enes Kanter Freedom] đến thăm Trung Quốc… Lúc đó anh ấy sẽ hiểu rõ hơn về đất nước chúng tôi.”
“Tôi muốn nói với Yao Ming rằng tôi muốn được đến thăm Trung Quốc để tận mắt chứng kiến tất cả bằng chính đôi mắt của tôi. Trong chuyến đi đó, tôi muốn hỏi Yao Ming rằng tôi có được vào thăm những trại lao động đó không?,” Freedom nói với CNN.
“Tôi không cần một bài diễn thuyết về Trung Quốc, tôi không cần những lời lẽ tô hồng. Tôi thật sự muốn nhìn thấy những gì đang diễn ra và cho thế giới thấy những điều đó. Vâng, có như vậy tôi mới chấp nhận lời mời kia,” Freedom nói thêm.
Thông điệp kêu gọi nhân quyền cho Việt Nam trên chiếc giày. (Hình: Facebook Enes Kanter)
Trước đó, hồi Tháng Mười Một, 2021, Freedom được bà Thái Anh Văn, tổng thống Đài Loan, gửi lời cảm ơn vì anh có hành động ủng hộ đảo quốc này độc lập, theo báo điện tử “nextshark.com.”
“Cảm ơn Enes bênh vực Đài Loan. Chúng tôi luôn luôn bảo vệ sự tự do và nền dân chủ của Đài Loan dù khó khăn. Sự ủng hộ của anh và những người bạn khắp thế giới giúp chúng tôi mạnh mẽ hơn,” bà Thái phát biểu trong một đoạn video đăng trên Twitter.
Người Việt (18.04.2022)
Bắt các lãnh đạo cấp cao tham nhũng trước hội nghị Trung ương 5 có thể hiện quyết tâm của Đảng?
Hình minh hoạ: Công nhân dựng biển cổ động cho Đại hội 13 Đảng Cộng sản VN ở Hà Nội hôm 12/1/2021 Reuters
Hàng loạt viên chức cấp cao cùng nhiều tướng tá quân đội Việt Nam bị khởi tố và bị bắt tạm giam về tội tham nhũng, nhận hối lộ… thu hút sự quan tâm của công chúng và giới quan sát.
Có hai mặt trong một vấn đề, và cũng phải nói rằng trong bộ máy cầm quyền không phải ai cũng xấu hết, là nhận định của ông Lê Thân, Nhóm Nhân sĩ Trí thức Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, tổ chức chuyên có những kiến nghị xây dựng đối với chính phủ:
“Thế thì chuyện ông Tô Văn Dũng (Thứ trưởng Ngoại giao) lợi dụng cái khó khăn, bức xúc, sống chết của người dân Việt Nam ở ngoài cần vê quê hương, chèn ép người ta để lấy tiền thì cái đó vô nhân đạo quá. Chuyện nó công khai quá rồi thì bây giờ giá nào cũng phải làm thôi. Trước đây tôi vẫn nghĩ nó chỉ tới Cục Lãnh Sự thôi, nhưng giờ lên đến Thứ trưởng rồi. Một Thứ trưởng mà ăn cái kiểu đó thì thôi.”
“Về vấn đề Cảnh sát biển, tức vừa rồi hai ông trung tướng, ba ông thiếu tướng rồi mấy ông cấp tá nữa…thực chất cũng là tham nhũng mà không chừng có vụ án kinh tế nữa. Một lực lượng bảo vệ vùng biển mà tham nhũng kiểu đó thì thôi, làm sao mà bảo vệ được đất nước, nhất là trong tình hình hiện nay”.
Ông Lê Thân cho rằng Việt Nam nhận thấy nếu để tham nhũng hoành hành đó là nguy cơ nên cần có quyết tâm làm sạch bộ máy Nhà nước. Chuyện đã trắng trợn quá mà không xử là không được, ông Lê Thân nhấn mạnh:
“Nhưng cái thứ hai là thể hiện quyết tâm lấy lại lòng tin cho nhân dân. Còn cứ tiếp tục đà tham nhũng này thì người dân nào tin nữa. Mà dân đã không tin thì chính quyền mất, chuyện đó là chuyện tất yếu”.
Những tin liên tục dạo gần đây về việc khởi tố, bắt tạm giam, cách chức thứ trưởng hoặc tướng, tá… tuy có vẻ rầm rộ nhưng không gây ngạc nhiên cho lắm, là lời của cựu binh, nhà báo tự do Võ Văn Tạo, một tiếng nói phản biện trong nước:
“Đây là những tin chấn động nhưng vì chúng ta biết mấy năm trở lại đây công cuộc chống tham nhũng dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đẩy mạnh. Số cán bộ cao cấp bên dân sự từ Chủ tịch, Phó Chủ tịch, rồi Bí thư Tỉnh ủy trở lên Thứ trưởng, Bộ trưởng…rất là nhiều. Thậm chí lên đến cả Ủy viên Bộ Chính Trị như ông Đinh La Thăng chẳng hạn.”
“Nói gì thì nói đây cũng thể hiện một trong những quyết tâm của ông Nguyễn Phú Trọng bởi vì tình hình tham nhũng trong bộ máy đã quá nặng nề. Ông cho rằng nếu không quyết liệt ngăn chặn thì sự tồn vong của lãnh đạo độc quyền coi như sẽ không còn nữa. Ông lo là lo cái đấy”.
Đáng tiếc là dân không hoàn toàn tin tưởng vào thiện chí làm sạch chính quyền của lãnh đạo Đảng. Người dân, vẫn theo nhà báo Võ Văn Tạo, nghĩ rằng đây chỉ là chuyện đấu đá nội bộ và tranh giành quyền lực giữa các nhóm lợi ích trong Đảng:
“Trên cộng đồng mạng thì một số người bình luận rằng đây là cuộc chiến phe phái. Họ thấy có những trường hợp, cũng là đảng viên cao cấp, mà có người bị xử lý và có người lại không bị xử lý. Đơn cử như trường hợp trước đây là bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chẳng hạn. Trong thời gian bà làm bộ trưởng thì rất nhiều yếu kém tệ hại như vụ trẻ chết vì vắc-xin ngừa bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hoặc là việc buôn bán thuốc chữa ung thư giả của công ty PharmaVietnam trong đó có em chồng của bà Tiến là phó giám đốc đối ngoại. Rốt cuộc chỉ có ông thứ trưởng Cao Minh Quang, và Thứ trưởng gần đây là ông Trần Quốc Cường đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn bà Kim Tiến không bị gì cả, chỉ có cảnh cáo rồi về hưu thôi”.
“Cá nhân tôi không bênh vực ông Nguyễn Phú Trọng. Ý của ông chống tham nhũng là thật, chỉ có điều nó đủ mạnh hay không và mạnh tay như thế có góp phần ngăn chặn được đà tham những hay không… thì tôi cho là chưa chắc đã có hiệu quả.”
“Không có sự kiểm soát về quyền lực, không được cạnh tranh về chính trị, cũng không có tự do báo chí, tự do ngôn luận vân vân thì làm sao mà giảm thiểu được tình trạng tham nhũng. Đấy là cái gốc của vấn đề”.
Tại sao những vụ tham nhũng, kỷ luật quan tham các cấp lại rộ lên lúc này, trước khi Hội Nghị Trung Ương 5 sẽ diễn ra tháng 5/2022 này, là vấn đề một Facebooker, từng có thời gian làm việc trong cơ quan công quyền Nhà nước, nêu ra với RFA khi được hỏi.
Tạm thời không muốn nêu tên vì lý do an toàn, Facebooker cũng là nhà quan sát thời cuộc dẫn giải:
“Vụ việc Cảnh sát biển này có từ lâu rồi, từ 5 – 7 tháng trước rồi. Không chỉ chuyện tham ô mà cả thông tin về chuyện buôn lậu dầu, thậm chí là chở cát chở đất ngoài Biển Đông… Có tin đến độ như thế. Đấy là riêng chuyện Cảnh sát biển, nhưng bây giờ lại rộ lên hàng loạt nào là vụ FLC rồi Tân Hoàng Minh rồi vụ Việt Á mà triệu chứng là còn chập chờn kéo dài.”
“Bên cạnh đó thì còn có thông tin rằng ông Nguyễn Phú Trọng gần như sẽ thông qua phương án mới, tức là các địa phương các tỉnh cũng được lập Ban Chỉ Đạo phòng chống tham nhũng. Cái này rất đặc biệt vì trước đó mấy hôm ông Nguyễn Phú Trọng đã họp bàn với ‘những lãnh đạo chủ chốt’. Tin họp với ‘những lãnh đạo chủ chốt’ được báo Tuổi Trẻ đưa lên, trong đó có bàn về việc lập Ban Chỉ Đạo phòng chống tham nhũng tại các địa phương. Cái này giúp đưa bàn tay của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuống tất cả các tỉnh. Có thể ông Trọng muốn quán triệt trước vấn đề để khi đưa ra thì không bị phản đối chăng”.
Điều này cho thấy, vẫn lời Facebooker giấu tên, có vẻ như ông Nguyễn Phú Trọng muốn đẩy mạnh hơn công cuộc chống tham nhũng đang gặp khó khăn, nhưng mặt khác còn cho thấy chừng như đang có sự tranh giành hay củng cố quyền lực trước Hội nghị Trung ương vào tháng năm tới đây:
“Hiện đã và đang có đồn đãi về cuộc chạy đua của ba hay bốn ông hoặc ít nhất hai, ba ông vào vị trí của ông Trọng. Ví dụ ông Chính vào được thì ai sẽ là Thủ tướng, ông Phúc vào được thì ai sẽ là Chủ tịch vân vân…Vấn đề nẩy sinh là tất cả những vị chạy đua vào những ghế ấy sẽ có những động thái quảng bá cho mình và ngược lại tác động đến đối thủ. Thế thì tất cả những vụ bắt giữ kỷ luật tham nhũng cấp cao vừa rồi đều có liên quan đến ông này ông kia và đều có những đồn đãi rằng ông này dính vụ này và ông kia dính vụ khác. Sự việc tế nhị và phúc tạp trên chính trường là vậy”.
Facebooker giấu tên ở Hà Nội chia sẻ với RFA rằng chừng nào công cuộc phòng chống tham nhũng còn thiếu một chuẩn mực pháp quyền công minh, còn thiếu sự giám sát của công luận thì chừng đó tham nhũng hối lộ vẫn tồn tại và làm át đi mọi nỗ lực tương đối hiệu quả trước giờ.
RFA (19.04.2022)
Việt Nam kết án nặng 12 người bị cáo buộc tham gia hoạt động ‘lật đổ chính quyền’
Phiên toà xét xử 12 người tham gia tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” diễn ra tại Sài Gòn vào ngày 18/4/2022.
Một toà án tại Việt Nam hôm 18/4 đưa ra xét xử và tuyên phạt án tù từ 3-13 năm đối với 12 người bị cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” khi tham gia vào một tổ chức có trụ sở ở California, Hoa Kỳ.
12 cá nhân bị cáo buộc nhận tiền của tổ chức có tên là “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” do ông Đào Minh Quân ở Hoa Kỳ đứng đầu để tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam, thực hiện các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền tại nhiều khu vực, bao gồm Sài Gòn, Đồng Nai, An Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên và Kon Tum.
Báo chí Việt Nam dẫn cáo trạng toà án cho biết 12 thành viên trên đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo người khác tham gia vào tổ chức, thực hiện “trưng cầu dân ý” để bầu cho ông Đào Minh Quân làm “Tổng thống Đệ tam Việt Nam Cộng hòa”.
Tại SÀI GÒN, bà Trần Thị Ngọc Xuân bị cáo buộc chủ động tham gia vào tổ chức, sau đó bà thường xuyên dùng mạng xã hội Facebook phát trực tiếp các nội dung kêu gọi người dân tham gia tổ chức và thực hiện “trưng cầu dân ý”.
Cáo trạng nói trong thời gian tham gia tổ chức, bà Xuân được các thành viên tổ chức gửi tặng 1 chiếc điện thoại di động, 300 USD, 400 đô la Canada, 3 triệu đồng.
Tương tự, các thành viên khác ở Đồng Nai, An Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên và Kon Tum cũng bị cáo buộc có hành vi phạm tội tương tự, bao gồm cả việc tham gia làm cờ vàng ba sọc đỏ với nhiều kích thước khác nhau, in, phát tán các tài liệu như “Hiến pháp lâm thời”, “Hiến pháp Đệ tam Việt Nam Cộng hòa”, “Sơ lược tiểu sử Thủ tướng Đào Minh Quân”… để phổ biến cho nhiều người biết đến tổ chức và thực hiện “trưng cầu dân ý”.
Cáo trạng nói hành vi của các bị cáo “gây mất uy tín của Đảng, nhà nước; gây ra tâm lý hoang mang, dao động trong quần chúng nhân dân”.
Trong số 12 người bị đưa ra xét xử, 9 người bị xét xử theo khoản 1 Điều 109 Bộ Luật Hình sự 2015 với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình; 3 người bị truy tố theo khoản 2 Điều 109, với khung hình phạt từ 5 – 12 năm tù.
Hội đồng Xét xử đã kết thúc phiên toà vào chiều 18/4, sớm hơn dự kiến là ngày 19/4, và đưa ra các mức án tù từ 3-13 năm đối với các bị cáo.
Theo đó, bà Trần Thị Ngọc Xuân, 53 tuổi, bị tuyên 13 năm tù; Nguyễn Thanh Xoan (50 tuổi) 12 năm tù; Nguyễn Thị Kim Phượng, Lương Thị Thu Hiền, Y Hon Ênuôl, Y Phương Ding Riêh, Nguyễn Minh Quang, Hồ Thị Xuân Hương, Lê Ngọc Thành, Y Tũp Knul, Phạm Hổ và Trần Văn Long bị tuyên các mức án từ 3 – 11 năm tù.
Ngoài ra, 12 bị cáo còn bị phạt bổ sung 2 – 3 năm quản chế.
Việt Nam liệt kê tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” và các tổ chức chính trị đối lập khác ở hải ngoại là “tổ chức khủng bố”. Trả lời VOA tiếng Việt năm 2018, ông Đào Minh Quân đã bác bỏ cáo buộc này.
VOA (18.04.2022)
Bà thợ may ở Sài Gòn bị phạt 13 năm tù với cáo buộc ‘lật đổ’
Giới luật sư nói bà thợ may không phải là thành viên chủ chốt, không phải là người “lãnh đạo” nhóm 12 người, nhưng bản cáo trạng đã xếp bà đứng đầu danh sách với cáo buộc “hoạt động tích cực”, nên tòa phạt 13 năm tù.
Tin cho hay, bà Trần Thị Ngọc Xuân, 53 tuổi, bị tòa án ở SÀI GÒN phạt 13 năm tù với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 109 Bộ luật Hình sự CSVN 2015.
11 người còn lại trong nhóm bị phạt từ 3 đến 12 năm tù.
Báo đảng dẫn cáo buộc nhóm này là các thành viên của tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” do ông Đào Minh Quân cầm đầu, thành lập tại Mỹ vào năm 1990.
Báo Tuổi Trẻ dẫn hồ sơ do Bộ Công an CSVN cung cấp, quy chụp bà Xuân “chủ động tham gia tổ chức và được cấp bí số riêng, tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức, lôi kéo sáu người tham gia, tự làm cờ và khăn quàng cổ màu cờ vàng ba sọc đỏ để mang theo chào đón khi Đào Minh Quân về nước…”
Tuy vậy, theo Luật sư Nguyễn Văn Miếng, bà Xuân không phải là thành viên chủ chốt, không phải là người “lãnh đạo” nhóm 12 người, nhưng bản cáo trạng dài 42 trang của Viện Kiểm sát đã xếp bà đứng đầu danh sách với cáo buộc “hoạt động tích cực” cho tổ chức.
Bên cạnh đó, Luật sư Miếng cho hay: “Phiên tòa không triệu tập giám định viên, Người làm chứng, không có vật chứng.
Không có người phiên dịch cho ba bị cáo người đồng bào thuộc các sắc tộc Ê đê và M’Nông. Theo Điều 29 Bộ luật Tố tụng Hình Sự, ”người tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trường hợp này phải có phiên dịch.”
Chín vụ án được khởi tố riêng lẻ tại các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, An Giang (2 vụ), Đồng Nai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Kon Tum, Đắk Nông và Phú Yên từ tháng 3 đến tháng 8/2020 đã được nhập lại thành một vụ “đại án” vì chung các hành vi như: Đăng ký, tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia Tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, thực hiện “Trưng cầu dân ý”, phát hành, tuyên truyền các tài liệu “Hiến ước lâm thời”, “Hiến pháp Đệ III Cộng hòa” và “Sơ lược tiểu sử Thủ Tướng Đào Minh Quân”.
Đất Việt (18.04.2022)