Tin từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn cho biết, Phái đoàn Việt Nam, khoảng 60 thành viên, sẽ có nghị trình sinh hoạt phong phú tại Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, tổ chức ngày 28-30 tháng 6 tại thủ đô Hoa Kỳ.

“Chúng tôi vừa muốn tác động tối đa đến khoảng 1,000 người tham gia hội nghị vừa tạo cơ hội để các thành phần người Việt kết nối chặt chẽ với quốc tế,”

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, cho biết.

Nhiều người Việt Nam sẽ là nhân chứng và tường trình về vấn đề bách hại tôn giáo trong nước. Đặc biệt phía các nhóm thiểu số cũng có phần trình bày trong Hội thảo về sự bách hại tôn giáo đối với người Tây Nguyên và người Hmong theo Đạo Tin Lành. Tham luận đoàn bao gồm Mục Sư A Ga, đại diện Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ; anh Y Phic H’dok, đại diện tổ chức Người Thượng vì Công Lý; Ông Hoàng Văn Pá, Hội Thánh Tin Lành Bụi Tre Đắk Nông; và em Hoàng Văn Phanh, thành viên thiếu niên của hội thánh này. Cả 4 người đều từng tị nạn ở Thái Lan cách đây không lâu.

Mục tiêu của đoàn Việt Nam tại hội nghị thượng đỉnh này là vận động các quốc gia Phương Tây nhận định cư những người tị nạn đang chờ mòn mỏi ở Thái Lan – phần lớn họ là nạn nhân của sự bách hại vì lý do tôn giáo. Nhiều người đang tị nạn hoặc từng tị nạn ở Thái Lan tham gia phái đoàn người Việt và sẽ phát biểu tại các sự kiện kể trên: Mục Sư A Ga, anh Y Phic H’dok, cô H’biap Krong, Mục Sư Vàng Chí Mình, Ông Hoàng Văn Pá và con trai là em Hoàng Văn Phanh… Ông Hoàng Văn Pá là em ruột của Thầy Truyền Đạo Hoàng Văn Ngài, đã bị đánh đến chết trong đồn công an năm 2013.

Đây là hội nghị thượng đỉnh lần 2 về tự do tôn giáo quốc tế. Lần đầu, hội nghị được tổ chức vào tháng 7 năm ngoái cũng ở thủ đô Hoa Kỳ với gần một nghìn người tham gia; họ đến từ rất nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và cựu Ngoại Trưởng Mike Pompeo cũng tham gia phát biểu. BPSOS với sự dẫn dắt của tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, là một đối tác tổ chức hội nghị và tôi ở trong Ban Chỉ Đạo của hội nghị, đặc trách bộ phận Chiến Dịch Toàn Cầu cho các Tù Nhân Lương Tâm Tôn Giáo.

Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua luật tự do tôn giáo quốc tế năm 1998, và trong thời gian dài Hoa Kỳ đơn phương lên tiếng bảo vệ tự do tôn giáo toàn cầu. Nên Hội nghị này được khởi xướng cách đây 12 năm, nhằm qua hình thức các bàn tròn đa tôn giáo, quy tụ các cá nhân và tổ chức chuyên đấu tranh cho tự do tôn giáo. Bên cạnh đó, còn tập hợp của các nghị sĩ ở nhiều quốc gia, quy tụ các nhà làm chính sách cùng các chính quyền quan tâm đến tự do tôn giáo, mà lúc này đã là một liên minh gồm 36 quốc gia.

Người Thượng theo đạo Tin Lành trên đường trốn sang Thái Lan. (Ảnh: HRW)

Hà Nội lâu nay vẫn tìm cách ngăn chặn tất cả những nhân chứng đến từ Việt Nam để trình bày với các vụ đàn áp, tôn giáo. Một trường hợp cụ thể là Mục Sư Tin Lành Tây Nguyên A Đảo, một cựu tù nhân lương tâm tôn giáo. Ông nhân lời mời và chuẩn bị đi sớm để tham gia hội nghị nhưng không chỉ bị chặn ở phi trường mà còn bị câu lưu 2 ngày để khảo tra và sau đó bị cấm cung ở nhà, ngày nào cũng có công an đến nhà canh chừng để không liên lạc được với ai. Tuy nhiên, ngay cả những vụ ngăn chặn như vậy cũng là một chứng cứ để trình lên với. LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và cả quốc tế.

Được biết từ sự kiện này, Ban tổ chức hội nghị thượng đỉnh đã lên tiếng và Dân Biểu Glenn Grothman, người đỡ đầu Mục Sư A Đảo khi còn trong tù trước đây, cũng đã lên tiếng trực tiếp Bộ Ngoại giao CSVN.

Hội nghị thượng đỉnh ngày 28-30 Tháng Sáu là sự kiện quan trọng bậc nhất trên thế giới về quyền tự do tôn giáo hay niềm tin với sự tham gia phát biểu của lãnh đạo nhiều tôn giáo, giới chức chính quyền đến từ nhiều quốc gia, và thành phần chủ lực của các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Y Nguyên

Sài Gòn Nhỏ (07.06.2022)