„Với một tâm hồn cao đẹp lạ thường thì dù phải trả giá đắt biết bao nhiêu người dân Ukraine cũng sẵn sàng chấp nhận để mãi mãi thoát khỏi ách thống trị của những kẻ như Putin.“
Mạc Văn Trang
Yêu nước, hy sinh chống ngoại xâm thì thấy ở nhiều dân tộc và trải nghiệm biết bao cảm xúc ở Việt Nam mình. Nhưng cách mà người Ukraine phản ứng trước cuộc xâm lăng ào ạt, vô cùng tàn bạo, khủng khiếp của quân Nga từ ngày 24/2/2022, có một cái gì đó thật đặc biệt. Cái trạng thái tâm lý xã hội Ukraine đặc biệt ấy hẳn là đề tài vô cùng lớn cho các nhà nghiên cứu Tâm lý- xã hội, Văn học, Nghệ thuật, sử học …Ở đây tôi chỉ xin nêu mấy cảm nhận ban sơ từ quan sát những tấm hình thấy được.
Khi xe tăng, máy bay, tên lửa, lính dù, bộ binh quân Nga ào ạt tấn công vào khắp lãnh thổ Ukraine, rất nhiều người dân bất ngờ, nhưng không thấy cảnh từng dòng người hoảng loạn, dẫm đạp lên nhau chạy thục mạng.
Gia đình Tổng thống, cựu tổng thống và các quan chức không bỏ chạy ra nước ngoài. Họ bình tĩnh cùng quân dân chiến đấu. Những dòng người đàn bà trẻ con di tản khỏi đất nước thì từng đoàn người đàn ông từ nước ngoài trở về bảo vệ đất nước. Không có những lời hô hào, hiệu triệu…, tất cả diễn ra một cách khẩn thiết, tự nhiên, bình tĩnh: Cựu Tổng thống, Hoa hậu, doanh nhân, võ sĩ lừng danh, cầu thủ, diễn viên, ca sĩ, giáo sư, sinh viên, công nhân, viên chức… xếp hàng nhận vũ khí ra chiến trường. Nhiều đôi cưới nhau trước khi ra trận.
Những người dân ở nhiều thành phố, không lo giữ nhà mình, lại kéo nhau ra tìm cách bảo vệ những tượng đài, những công trình văn hoá của thành phố.
Không thấy có phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” và đồng ca những bài hát “diệt quân thù” đầy khí thế, máu lửa, căm thù. Họ hòa nhạc giữa thành phố tan hoang, dưới bom đạn, dưới hầm trú ẩn, trong nhà ga xe điện… Họ đàn hát giữa chiến hào; họ nhảy múa, đàn hát trong hầm trú ẩn cho trẻ em bớt sợ hãi. Đó là những bản nhạc của Mozart, Beethoven, Chopin… và những bài dân ca thân thuộc.
Một cô gái trước khi rời ngôi nhà đổ nát đã mở đàn Piano đàn một bài tình ca rồi mới lặng lẽ từ biệt ngôi nhà thân yêu của mình.
Ở biên giới, nơi tiếp đón những phụ nữ, trẻ em đói, mệt, sợ hãi…, một nghệ sĩ đem đàn Piano ra đàn để làm dịu bớt nỗi đau buồn, căng thẳng, đem lại sự êm dịu cho tâm hồn những người đang đau khổ, sợ hãi.
Giữa chiến tranh ác liệt, những nhân viên sở thú ở thành phố, vẫn lo chăm nuôi các con thú, không rời xa chúng và tìm cách bảo vệ chúng. Một số thú quý hiếm được sơ tán… Nhiều con chó, mèo bị thương, bị lạc chủ được người lạ cứu chữa, chăm sóc.
Quân Nga vừa rút đi, bom đạn vẫn trút xuống thành phố tan hoang, nhưng người dân đã kéo nhau ra dọn dẹp quảng trường và trồng hoa, trước tiên ở nơi công cộng làm đẹp thành phố đã…
Trong tàn phá, đau thương, chết chóc vẫn hài hước! Người ta hỏi người phát ngôn của Bộ Quốc phòng: Tại sao trong lúc đưa tin chiến sự ác liệt, ông vẫn có thể hài hước? – Tôi muốn người dân bớt căng thẳng, sợ hãi, tiếng cười giúp người ta thêm sức mạnh.
Ở Thủ đô Kiev không thấy pano, áp phích, khẩu hiệu “Căm thù”, “Thắng lợi”, “Anh hùng”, “Hy sinh”… lại thấy cái biển quảng cáo hài hước “Ở đây bán xe tăng Nga”…
Khi con người biết hài hước một cách trí tuệ và có nhiều tiếng cười là một cuộc sống tươi trẻ, lạc quan, lành mạnh. Có lẽ với tâm hồn như vậy, người dân Ukraine đã chọn bầu Danh hài Volodymyr Oleksandrovych Zelensky làm Tổng thống của mình.
Hình như văn hào Ph. Đôxtôiepxki nói: Cái Đẹp sẽ cứu rỗi thế giới. Và M.Gorki còn nói thêm: Bẩm sinh con người là một nghệ sĩ. Chỉ có con người, vị chúa tể của muôn loài mới biết coi cái đẹp là phương tiện, là mục đích cũng là nội dung của cuộc sống. Cái đẹp sẽ giúp con người sống sang trọng và tinh tế, cao thượng và trong sáng.
Với một tâm hồn cao đẹp lạ thường thì dù phải trả giá đắt biết bao nhiêu người dân Ukraine cũng sẵn sàng chấp nhận để mãi mãi thoát khỏi ách thống trị của những kẻ như Putin. Cái Đẹp không thể sống chung với Quỷ dữ!
Viva Ukraine!
Mạc Văn Trang (28.06.2022)
Dưới đây là một số hình ảnh sưu tầm trên mạng: