„dường như rõ ràng đang có một sự thay đổi tư duy ở nhiều nơi trên thế giới, làm thay đổi tư tưởng cơ bản của các chính phủ về quốc phòng. Quan niệm rằng một quốc gia có thể được bảo vệ khi không đứng về phe nào và không có kẻ thù có vẻ lỗi thời và nguy hiểm.“
Frida Ghitis
Biên dịch: Đoàn Thị Hằng Ni, Hiệu đính: Nguyễn Trịnh Đôn
Thủ tướng Đức trong chuyến thăm Iprin (Ukraina) đã phát biểu: “Giống như Bucha, Irpin từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự tàn khốc không thể tưởng tượng nổi của cuộc chiến tranh gây ra bởi Nga, của bạo lực vô nghĩa. Sự tàn phá tàn bạo ở thành phố này là một đài tưởng niệm – cuộc chiến này phải kết thúc.” Ảnh: Chính phủ Đức/Jesco Denzel
Vào ngày 03/6/2022, Hội nghị liên bang (Bundestag) tức hạ nghị viện của Đức đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu lịch sử để sửa đổi hiến pháp của đất nước nhằm cho phép mở rộng mạnh mẽ quy mô lực lượng quân sự. Kết quả kiểm phiếu với 567 phiếu thuận, 96 phiếu chống, và 20 phiếu trắng là một dấu hiệu nữa cho thấy khi Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm lược Ukraina, ông ấy không chỉ làm thay đổi cấu trúc của an ninh toàn cầu, mà đôi khi còn cả những ý niệm căn bản, lâu đời về quốc phòng.
Đối với trường hợp của Đức, một trong những tác động đáng kể nhất từ hành động xâm lược của Nga là đòn giáng mạnh vào quan niệm về chủ nghĩa hòa bình vốn đã định hướng cho các chính sách quốc phòng của nước này kể từ Thế chiến thứ hai. Và Đức không phải là quốc gia duy nhất xem xét lại quan điểm quốc phòng; nhiều quốc gia hiện đang gạt bỏ sự ưu tiên lâu đời là tự bảo vệ đất nước bằng cách không đứng về phe nào trong các cuộc xung đột.
Sự sửa đổi hiến pháp này của Đức sẽ cho phép thành lập một quỹ trị giá 100 tỷ euro nhằm tăng cường sức mạnh quân sự. Ý tưởng này ban đầu được đề xuất bởi Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người mà vào ngày 27/2 – ba ngày sau khi xe tăng Nga lao vào Ukraina – đã đứng trước Hạ viện để chỉ trích mạnh mẽ Putin trong một bài phát biểu chấm dứt lập trường vốn vô cùng kềm chế của Đức về xung đột vũ trang.
Scholz đề nghị rằng Đức sẽ tạo ra một khoản chi tiêu quân sự trị giá 100 tỷ euro; nâng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP, một tiêu chuẩn của NATO mà Đức chưa đáp ứng được mặc dù đã được nhiều đời Tổng thống Hoa Kỳ thúc đẩy; và cung cấp vũ khí cho Ukraina. Tuy việc thực thi điểm cuối trong 3 nội dung trên còn chưa nhất quán, rõ ràng rằng Đức hiện coi sức mạnh quân sự là thành phần quan trọng trong an ninh quốc gia, sau nhiều thập kỷ e ngại nó do những hành động thảm khốc của nước này trong thế kỷ 20.
Và Đức không đơn độc. Nhật Bản, nước có chính sách quốc phòng cũng do vai trò của mình trong Thế chiến thứ hai định hình, cũng đang chứng kiến một sự thay đổi đáng kể. Hiến pháp năm 1946 của Nhật Bản tuyên bố rằng “nhân dân Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ (gây) chiến tranh như một quyền chủ quyền của dân tộc,” nhưng các chính trị gia cánh hữu từ lâu đã thách thức cam kết chống quân sự hóa của hiến pháp vốn có một phần được chính phủ Hoa Kỳ soạn thảo. Và giờ đây, động lực tăng cường sức mạnh quân sự lại đến từ chính các chính trị gia trước đây là người theo trường phái bồ câu, bao gồm cả Thủ tướng Kishida Fumio.
Trong chuyến thăm tới London vào tháng trước, Kishida đã ký một thỏa thuận an ninh song phương với Thủ tướng Anh Boris Johnson, cảnh báo rằng “Đông Á ngày mai có thể là Ukraina hôm nay”. “Cuộc xâm lược của Nga không chỉ là vấn đề liên quan đến Châu Âu” Kishida nói. Nhật Bản lo lắng về các động thái ngày càng gây hấn của Trung Quốc ở Thái Bình Dương và các hành động khiêu khích hạt nhân khó lường của Triều Tiên.
Cũng như Scholtz, Kishida nhậm chức không lâu trước khi Nga xâm lược, và dường như đang từ bỏ quan điểm ôn hòa của mình để ủng hộ việc nâng chi tiêu quân sự, cũng giống như nhiều người dân nước ông. Trong một cuộc thăm dò gần đây của tờ báo Nhật Bản Asahi Shimbun, có tới 64% người được hỏi cho biết họ muốn thấy các biện pháp phòng thủ được củng cố, một tỷ lệ cao chưa từng thấy, trong khi chỉ 10% phản đối. Theo đó, vào cuối tháng 5, Kishida đã hứa sẽ “tăng đáng kể” ngân sách quốc phòng của Nhật Bản trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Tokyo.
Rồi sau đó là Phần Lan và Thụy Điển, cả hai đều từ bỏ chính sách “không liên kết chiến lược”, hay chính xác hơn là sự liên minh một cách tinh tế, kéo dài hàng thập kỷ nhằm xin gia nhập NATO, cũng do hậu quả trực tiếp của cuộc chiến ở Ukraina. Các cuộc thăm dò cũng cho thấy đa số người dân ở cả hai nước đều ủng hộ việc gia nhập liên minh, một sự thay đổi so với vài tháng trước, khi các đảng chính trị lớn ở cả hai nước vẫn phản đối động thái này.
Việc thay đổi này đối với Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thụy Điển rất đáng chú ý. Mặc dù là đảng lớn nhất của đất nước và có lịch sử lâu dài đề cao chính sách trung lập, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đã tuyên bố vào tháng 5 rằng hiện đảng ủng hộ tư cách thành viên NATO mà không đưa ra biện bạch gì cho lập trường trước đây cũng như sự thay đổi đột ngột hiện nay. “Rõ ràng rằng sự tự do nằm ngoài các liên minh đã rất có lợi cho Thụy Điển lâu nay,” Andersson nói, “nhưng chúng tôi kết luận rằng chính sách này không còn có lợi trong tương lai.” Nói cách khác, không phải Thụy Điển mà chính Nga đã thay đổi.
Ngay cả quốc gia không liên kết nhất thế giới — quốc gia có cái tên rất thường được dùng làm ẩn dụ cho sự trung lập — hiện đang xem xét lại triết lý quốc phòng hàng trăm năm qua. Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ đang chính thức xem xét lại lập trường quốc phòng của quốc gia này theo tình hình cuộc chiến ở Ukraina, với một khả năng liên kết đất nước gần gũi hơn với NATO và các cường quốc quân sự phương Tây khác. Tuy chưa đưa ra thay đổi chính sách chính thức nào, nhưng Paelvi Pulli, người đứng đầu bộ phận chính sách an ninh của Bộ Quốc phòng, nói với Reuters rằng Bộ đang soạn báo cáo cho chính phủ về các lựa chọn an ninh của đất nước.
Rất ít nhà quan sát kỳ vọng Thụy Sĩ sẽ tiến xa như Phần Lan và Thụy Điển, tìm cách gia nhập NATO, nhưng nước này có những lựa chọn khác bao gồm tăng cường hợp tác và tham gia vào các cuộc tập trận quân sự của liên minh. Pulli lưu ý rằng tính trung lập không phải bản thân nó là mục đích mà chỉ là một phương tiện để bảo đảm an ninh tối đa. Về mặt chiến lược, lợi thế của chính sách trung lập hiện đang bị nghi ngờ, bởi động thái của Nga.
Các quốc gia khác cũng đang dỡ bỏ dần các các biện pháp tự hạn chế hợp tác quân sự với các đồng minh của họ. Đầu tháng 6, Đan Mạch đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc có nên tham gia chính sách phòng thủ chung của Liên hiệp Châu Âu (EU) hay không. Trong nhiều thập kỷ, Đan Mạch đã từ chối tham gia vào chính sách này cũng như nhiều mặt khác của tiến trình hội nhập EU. Tuy nhiên, tuyệt đại đa số cử tri Đan Mạch ủng hộ kế hoạch hợp tác chặt chẽ hơn trong các vấn đề quốc phòng, với 67% tán thành cuộc trưng cầu dân ý. Khi kết quả được đưa ra, Thủ tướng Mette Frederiksen tuyên bố, “Đêm nay, Đan Mạch đã gửi một thông điệp rất quan trọng đến các đồng minh của chúng tôi ở Châu Âu và NATO – và đến cả Putin.”
Không phải tất cả các quốc gia phương Tây đều từ bỏ chính sách trung lập. Đáng chú ý, Áo vẫn giữ tình trạng trung lập, nhưng Ngoại trưởng Alexander Schallenberg gần như phải thanh minh cho thực tế đó. Phát biểu với đài truyền hình Đức Deutschlandfunk vào tháng 5, Schallenberg lưu ý rằng “Tình hình đối với chúng tôi có một chút khác” so với Phần Lan và Thụy Điển, nhấn mạnh thực tế là Áo nhận được 80% khí đốt tự nhiên từ Nga.
Tuy nhiên, dường như rõ ràng đang có một sự thay đổi tư duy ở nhiều nơi trên thế giới, làm thay đổi tư tưởng cơ bản của các chính phủ về quốc phòng. Quan niệm rằng một quốc gia có thể được bảo vệ khi không đứng về phe nào và không có kẻ thù có vẻ lỗi thời và nguy hiểm. Như vậy, chủ nghĩa trung lập và thậm chí cả chủ nghĩa hòa bình cũng thành nạn nhân trong cuộc chiến của Putin ở Ukraina.
Frida Ghitis ( World Politics Review, 09.06.2022)
Frida Ghitis là một nhà báo chuyên mục các vấn đề thế giới và là người thường xuyên đóng góp cho CNN và The Washington Post và xuất hiện trên World Politics Review vào thứ Năm hàng tuần. Bạn có thể theo dõi tác giả trên Twitter tại @fridaghitis.
Bản gốc bài viết: Putin’s War of Aggression Has Dimmed the Appeal of Neutrality.
Đoàn Thị Hằng Ni và TS. Nguyễn Trịnh Đôn lần lượt là cộng tác viên và thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.