Theo dõi Nhân quyền kêu gọi Việt Nam điều tra cáo buộc đánh đập TNLT Trịnh Bá Tư

Ông Trịnh Bá Tư (áo trắng) thời điểm bị bắt tháng 6/2020  Báo Quảng Ninh

Theo dõi Nhân quyền kêu gọi Việt Nam điều tra cáo buộc đánh đập TNLT Trịnh Bá Tư

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch- HRW) ngày 22/9 ra thông cáo báo chí thúc giục nhà chức trách Việt Nam mở cuộc điều tra về cáo buộc quản giáo của Trại giam số 6 đánh đập và cùm chân tù nhân lương tâm Trịnh Bá Tư.

Thông cáo của tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York (Hoa Kỳ) được đưa ra hai ngày sau khi ông Trịnh Bá Khiêm đưa tin con trai ông- nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Trịnh Bá Tư bị bức hại vì ông này làm đơn tố cáo trại giam.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW nói trong thông cáo:

“Cần phải có một cuộc điều tra khẩn cấp, minh bạch và công bằng về những cáo buộc nghiêm trọng của ông Trịnh Bá Tư rằng quản giáo đã cùm và đánh ông ta… 

Cách đối xử đó là quá đáng và không thể chấp nhận được, và thủ phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi ngược đãi tù nhân.”

Ông Phil Robertson nói người bất đồng chính kiến đang bị cầm tù ở Việt Nam thường xuyên bị quấy rối, trả thù và đối xử vô nhân đạo, tromg khi đó có rất ít khả năng chính quyền điều tra về các cáo buộc này.

HRW kêu gọi Liên Hiệp quốc và các nhà ngoại giao nước ngoài yêu cầu chính quyền Việt Nam cho phép họ được tiếp cận ông Tư trong trại giam. Thông cáo viết:

“Các nhà ngoại giao nước ngoài và các quan chức Liên Hiệp Quốc nên yêu cầu chính quyền Việt Nam cho phép thăm ông Trịnh Bá Tư, và tiến hành phỏng vấn ông để tìm hiểu sâu vấn đề này.”

Ngày 21/9, bà Đỗ Thị Thu, chị dâu của ông Trịnh Bá Tư, tức là vợ của tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Bộ trưởng công an, và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cùng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An.

Trong đơn, bà Thu đề nghị Bộ Công an và các cơ quan có thẩm quyền điều tra tại sao em chồng bà lại bị tra tấn và cùm chân, đồng thời giải thích rõ cho gia đình biết. Bà Thu nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do lý do gửi đơn:

“Khi biết tin em Tư bị đánh và đang tuyệt thực thì gia đình tôi rất lo lắng cho em Tư. Gia đình tôi không biết được lý do vì sao em bị đánh và bị cùm chân.

Gia đình tôi không biết em còn bị đánh và còn tuyệt thực nữa hay không.”

Như tin đã đưa, trong buổi thăm gặp Trịnh Bá Tư ở Trại giam số 6 ngày 20/9, ông Trịnh Bá Khiêm được con trai báo là bị quản giáo trại giam đánh vào ngày 6/9 sau khi nộp đơn tố cáo cơ sở giam giữ này.

Ngay sau đó, nhà hoạt động 33 tuổi bị đưa đi cùm chân trong phòng biệt giam trong thời gian 10 ngày. Ông tuyệt thực kể từ ngày 6/9 và chưa biết khi nào thì dừng.

Đây là lần thứ hai ông Tư bị công an Việt Nam đánh trong trại giam. Khi bị bắt vào giữa tháng 6 năm 2020, Trịnh Bá Tư bị công an tỉnh Hoà Bình đánh và gây tổn thương thận.

Theo cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải (tức blogger Điếu Cày), người từng bị giam giữ nhiều năm ở nhiều trại giam, cho biết Trại giam số 6 là trại giam hà khắc nhất Việt Nam.

Đầu tháng 8 vừa qua, nhà báo công dân Đỗ Công Đương qua đời trong khi thi hành án tù tám năm tại trại giam này. Trước khi bị bắt, ông Đương hoàn toàn khoẻ mạnh.

RFA (22.09.2022)

 

 

Ghế trống dành cho Phạm Đoan Trang tại Đại hội Văn bút Quốc tế 2022

Tổ chức Văn bút Quốc tế (PEN International) kêu gọi trả tự do cho nhà hoạt động, tác giả Phạm Đoan Trang và sẽ dành một chiếc ghế trống tại kỳ đại hội lần thứ 88 của tổ chức này tại Thụy Điển diễn ra từ ngày 27/9/2022. Photo Facebook Pen International.

Ban tổ chức Đại hội Văn bút Quốc tế lần thứ 88 sẽ dành một chiếc ghế trống vinh danh nhà hoạt động, nhà báo, tác giả Phạm Đoan Trang, người đang thụ án tù 9 năm tại Việt Nam.

Trong kỳ đại hội thường niên sắp diễn ra tại Uppsala, Thụy Điển, từ ngày 27/9 đến 1/10, Văn bút Quốc tế (PEN International) có mời bà Phạm Đoan Trang tham dự, nhưng vì bà đang bị giam cầm nên tổ chức này sắp xếp một chiếc ghế trống, đồng thời tiếp tục vận động để chính quyền Việt Nam phóng thích bà Trang.

“Theo truyền thống của Văn bút Quốc tế, những tác giả không thể trực tiếp tham dự Đại hội thường niên của tổ chức này, vì họ phải ngồi tù vì những hành động bảo vệ quyền tự do ngôn luận, sẽ được vinh danh bởi sự hiện diện của một chiếc ghế trống. Đây là một truyền thống cần thiết cho tổ chức chúng tôi”, bà Sabrina Tucci, Giám đốc Chiến dịch và Truyền thông của Văn bút Quốc tế cho VOA biết qua email.

“Chúng tôi tin rằng việc bỏ tù bà Phạm Đoan Trang là một hành động trả đũa nhằm mục đích bịt miệng và trừng phạt bà vì những việc bà đã làm cho nhân quyền và tự do ngôn luận cũng như nói ra những sự thật gây khó chịu”, đại diện truyền thông của Văn bút Quốc tế cho biết thêm.

PEN International, tổ chức có lịch sử hơn 100 tuổi với hơn 140 trung tâm thành viên trên khắp thế giới, nhắc lại lời kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho bà Phạm Đoan Trang, cùng với tất cả những người “bị giam giữ vô cớ vì lên tiếng ôn hòa” ở Việt Nam.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam để xin ý kiến về lời kêu gọi này, nhưng chưa được phản hồi.

Được biết là một trong những nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng nhất của Việt Nam, bà Phạm Đoan Trang là tác giả của một số cuốn sách, bao gồm Chính trị bình dân, Phản kháng phi bạo lực  Cẩm nang nuôi tù. Bà đồng thời là nhà báo, blogger nhận được nhiều giải thưởng quốc tế do công việc vận động chính sách, bao gồm Giải thưởng Prix Voltaire 2020, Giải thưởng Martin Ennals 2022, giải Tự Do Truyền Thông năm 2022 của chính phủ Anh và Canada, giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế 2022 của Hoa Kỳ, và sắp tới là Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm 2022 của Uỷ ban Bảo vệ Ký giả.

Vào tháng 10/2020, bà Phạm Đoan Trang bị bắt về tội “tuyên truyền chống Nhà nước”, một cáo buộc thường được sử dụng để bỏ tù các nhà văn bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động nhân quyền.

Mặc dù việc giam giữ bà Trang khiến quốc tế lên án, bao gồm cả Nhóm công tác LHQ về Giam giữ Tùy tiện, bà vẫn bị kết án 9 năm tù vào ngày 14/12/2021, và sau đó bà kháng cáo nhưng vẫn bị y án trong một phiên phúc thẩm vào tháng trước.

Vài ngày trước phiên phúc thẩm hôm 25/8/2022, tổ chức Văn bút Hoa Kỳ lên tiếng kêu gọi Việt Nam lập tức hủy bỏ bản án 9 năm tù đối với bà Trang và trả tự do cho bà vô điều kiện.

“Việc bỏ tù oan bà Phạm Đoan Trang với tội danh tuyên truyền chống nhà nước là một ví dụ nữa về việc chính phủ Việt Nam đàn áp các nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền nhằm loại bỏ bất đồng chính kiến và dập tắt tiếng nói của các cuộc tranh luận chính trị”, bà Liesl Gerntholtz, giám đốc của Trung tâm Tự do Viết PEN/Barbey nói trong thông cáo báo chí vào ngày 22/8.

Tôn vinh nữ nhà báo là một cây viết “có tiếng nói hàng đầu trong xã hội dân sự Việt Nam”, tổ chức Văn bút Hoa Kỳ cho rằng với những bài viết về chính trị và nhân quyền được quốc tế công nhận, bà Trang đã trở thành mục tiêu của chính quyền Việt Nam trong nhiều năm, dẫn đến việc bà bị bắt giữ và kết án tù nặng nề.

Trước đó, bà Karin Deutsch Karlekar, Giám đốc Chương trình Tự do Bày tỏ trước Rủi ro thuộc Văn bút Hoa Kỳ cho biết: “Cộng đồng quốc tế đã nói rõ rằng việc giam giữ Phạm Thị Đoan Trang đang diễn ra là không thể chấp nhận được”, và rằng “chính quyền Việt Nam tiếp tục nỗ lực trừng phạt bà là vì hành vi viết lách ôn hòa và vận động nhân quyền của bà”.

Trang Công an Nhân dân (CAND) của Bộ Công an Việt Nam sau đó nói rằng bà Karlekar “đưa ra những luận điệu xuyên tạc, vu cáo trắng trợn tình hình Việt Nam”, cho rằng những lời kêu gọi này là “nhằm cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật của Phạm Thị Đoan Trang và các đối tượng chống đối khác”.

Đại hội năm nay của Văn bút Quốc tế có chủ đề: “Sức mạnh của ngôn từ: Những thách thức trong tương lai đối với quyền tự do ngôn luận”, theo đó sẽ báo động tình trạng quyền tự do ngôn luận đang bị áp lực trên toàn thế giới, đối mặt với một số mối đe dọa mới lẫn cũ.

“Các lực lượng độc tài đang giành được quyền kiểm soát, ngay cả ở những quốc gia được coi là nền dân chủ. Những người theo chủ nghĩa dân tộc và cực đoan đang thách thức các hệ thống chính trị. Các nhà văn và nhà báo đang bị sách nhiễu, bắt bớ và giết hại. Sự kiểm soát và giám sát của chính phủ ngày càng tăng”, tổ chức này nhận định. “Đây là một vấn đề đáng báo động vì chúng ta không thể hành động hoặc thực hành các quyền dân chủ của mình nếu không được tiếp cận thông tin”.

Tổ chức Văn bút Quốc tế được thành lập ở London, Anh, vào năm 1921, nhằm thúc đẩy tình hữu nghị và sự hợp tác trí tuệ giữa các nhà văn trên khắp thế giới. Ngoài ra tổ chức này cũng nhắm các mục tiêu như nhấn mạnh vai trò của văn học trong việc phát triển sự hiểu biết lẫn nhau và hiểu biết văn hóa thế giới, đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, và hành động như là một tiếng nói mạnh mẽ đại diện cho các nhà văn bị sách nhiễu, bị cầm tù.

VOA (22.09.2022)

 

 

Quảng Ngãi: Facebooker Võ Thanh Thời bị bắt với cáo buộc chống Nhà nước

Ông Võ Thanh Thời bị công an bắt ở Quảng Ngãi hôm 22/9/2022  Công An Quảng Ngãi

Ông Võ Thanh Thời, 33 tuổi, ở thôn Phước Bình, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 22/9 bị bắt giam với cáo buộc đăng tải, chia xẻ trên tài khoản Facebook cá nhân nhiều bài viết với nội dung bị cho “Tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Ông Thời bị bắt giữ theo Điều 331, Bộ Luật Hình sự về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Cơ quan Điều tra An ninh thuộc Công an Tỉnh Quảng Ngãi cho truyền thông Nhà nước biết, trong ngày 22/9, cơ quan này đã thi hành lệnh bắt giam và khám xét chỗ ở đối với ông Võ Thanh Thời theo địa chỉ vừa nêu. Lý do được nói để điều tra hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà Nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân”.

Hồ sơ của Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an tỉnh Quảng Ngãi nêu rằng trong thời gian qua, ông Võ Thanh Thời thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng và chia sẻ nhiều bài viết mà nội dung bị cơ quan chức năng Nhà nước Việt Nam quy cho là “Tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Đảng Cộng sản, Nhà nước CHXHCNVN; xúc phạm uy tín, danh dự của ông Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.

Theo ghi nhận của Đài Á Châu Tự do, từ đầu năm 2022 đến nay, công an tại các địa phương trên cả nước đã bắt giữ gần hai chục người với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ…’ hay ‘tuyên truyền, xuyên tạc, chống Nhà nước’.

Những điều khoản về tội ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ…’ và ‘tuyên truyền, xuyên tạc chống Nhà nước’ trong các Bộ Luật Hình sự Việt Nam từ trước đến sau này đều bị các tổ chức theo dõi nhân quyền và các nước dân chủ cho là mơ hồ nhằm bịt miệng tiếng nói đối lập, cần phải bãi bỏ để tuân theo các chuẩn mực trong công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam tham gia ký kết.

RFA (22.09.2022)

 

 

CÔNG AN TỈNH ĐỒNG NAI KHỦNG BỐ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

                                                   Văn Phòng Viện Hóa Đạo

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

KHẨN BÁO:

Thành kính ngưỡng trình:

  • Đức Đệ Lục Tăng Thống
  • Chư Tôn Giáo Phẩm Hội Đồng Lưỡng Viện
  • Hòa Thượng Chủ Tịch Văn Phòng II Viện Hóa Đạo
  • Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN/HK
  • Ban Tổ Chức Đại Hội.

Kính gởi

  • Tổng Vụ Truyền Thông và Phòng Ngoại Vụ VHĐ
  • Chư Thiện Tri Thức và Phật Tử các Giới.

 

Kính thưa Chư Liệt Vị

Theo truyền thống, tháng 10 hằng năm là Đại Hội Thường Niên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại, Hoa Kỳ.

Tuy là Đại Hội Thường Niên nhưng tầm quan trọng của Đại Hội là xiễn dương hoạt động của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trên trường Quốc Tế thay cho Giáo Hội Quê Nhà đang bi tướt quyền tự do dưới chính thể Cộng Sản toàn trị.

Do đó mỗi kỳ Đại Hội đều có Huấn Từ của Viện Tăng Thống và Đạo Từ của Viện Hóa Đạo nhằm cũng cố đường hướng Hoằng Dương Chánh Pháp theo đúng Mục Đích và Tôn Chỉ của Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Để thực hiện Phật Sự quan trọng nầy, ngày 17.9.2022, Viện Hóa Đạo đã cử Huynh Trưởng Quảng Biện Hàn Bửu Chương, Trưởng Phòng Công Cán của Viện Hóa Đạo, cùng Huynh Trưởng Ngô Đình Vân từ Ban Mê Thuột về Nha Trang diện kiến Đức Đệ Lục Tăng Thống xin Ngài ban Huấn Từ. Sau đó 2 Huynh Trưởng vào Biên Hòa, Đồng Nai diện kiến Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Viện Trưởng xin ban Đạo Từ cho Đại Hội.

Hai Huynh Trưởng đến Chùa Ba La Mật lúc 4g30 sáng 18.9.2022, vì hoàn cảnh khó khăn, ít có dịp thăm viếng nên Ngài rất mừng rỡ đón tiếp, tâm tình việc Đạo, việc Đời cùng nhị vị Huynh Trưởng.

Trong lúc Thầy Trò chuẩn bị ghi âm và ghi hình Đạo Từ thì có khoảng gần 10 công an của thành phố Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai hùng hổ vào Chùa yêu cầu 2 Huynh Trưởng xuất trình giấy tờ tùy thân, nếu không xuất trình họ sẽ mời lên Đồn làm việc, không nêu rõ lý do.

Sau đó họ chụp ảnh 2 Huynh Trưởng và chụp cả 2 mặt Căn Cước Công Dân rồi yêu cầu Ngài Viện Trưởng tiễn khách nhưng Ngài không đồng ý nên hai Huynh Trưởng vẫn ở lại với Ngài để tìm cơ hội thực hiện Phật Sự.

Tuy nhiên, nhóm Công An nầy ngồi canh gát nghiêm ngặt Chùa Ba La Mật suốt buổi, và chắc chắn họ sẽ tiếp tục theo dõi nên Ngài Viện Trưởng đành ngậm ngùi tiễn 2 Huynh Trưởng trở lại Ban Mê Thuột, Công An đã đi kèm 2 Huynh Trưởng đến khi hai vị lên xe họ mới rút lui.

Vì sợ hai Huynh Trưởng gặp bất trắc trên đường đi, nên lúc 2g30 sáng ngày 19.9.2022 Ngài điện cho Văn Phòng để hỏi thăm tình hình. Trong cuộc điện đàm Ngài cho biết Công An vẫn bao vây Chùa Ba La Mật và buông nhiều lời hạch xách Ngài. Ngài cũng cho biết trước đó đã có người cầm dao đòi chém Ngài và phá hoại các vật dụng trong phương trượng. Cuối buổi điện đàm Ngài thán rằng: Phật Giáo Việt Nam còn thì Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất còn, Thích Nhật Ban còn. Phật Giáo Việt Nam còn, mà Giáo Hội Quốc Doanh còn thì Thích Nhật Ban “ ÈO ỌT ”. Ngài nhân danh Viện Trưởng Viện Hóa Đạo căn dặn Hội Đồng Lưỡng Viện và Tứ Chúng rằng: Cộng Sản Việt Nam vẫn độc ác chứ không hiền lành đâu, mọi người hãy nhớ điều đó.

Kính bạch và kính thưa Chư Liệt Vị:

Qua những sự việc nêu trên, Văn Phòng Viện Hóa Đạo cẩn báo rằng:

1/. Việc 2 Huynh Trưởng đến Chùa Ba La Mật bị Công An tỉnh Đồng Nai buộc xuất trình giấy tờ rồi chụp bóng hai Huynh Trưởng cùng Căn Cước Công Dân là một hành động cửa quyền mang tính khủng bố, vi phạm điều 68 chương thứ V của Hiến Pháp Nước Cộng Hòa xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam quy định:

“ mọi công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài trở về theo quy định của Pháp Luật ”

2/. Việc Công An bao vây, canh gát, ngăn chận Phật Sự tại Chùa Ba La Mật không những là hành động khủng bố Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Nhật Ban nói riêng mà khủng bố toàn thể Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nói chung vì Ngài là Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, người lãnh đạo và điều hành toàn thể Giáo Hội.

3/. Với những hành động cầm dao đòi chém Ngài, phá hoại các vật dụng sinh hoạt thường nhật của Ngài, dù bất cứ người nào thực hiện thì Công An tỉnh Đồng Nai phải liên đới trách nhiệm khi tính mạng Ngài đang bị đe dọa.

Văn Phòng Viện Hóa Đạo cực lực phản đối Công An Tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần hành xử thô bạo, vi phạm Pháp Luật đối với Trưởng Lão Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo nói riêng và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nói chung.

                      NAM MÔ THƯỜNG TINH TẤN BỒ TÁT MA HA TÁT

Phật lịch 2566

Văn Phòng Viện Hóa Đạo

Tu Viện Long Quang ngày 21 tháng 9 năm 2022

Tồng Thư Ký Viện Hóa Đạo

 

Nguyên Chánh Lê Công Cầu

________________________________________________________

GHI CHÚ QUAN TRỌNG:

1/. Tổng Vụ Truyền Thông và Phòng Ngoại Vụ căn cứ nội dung Khẩn Báo nầy để ra Thông Cáo Báo Chí gởi đến tổ chức Bảo Vệ Tự Do Tôn Giáo Liên Hiệp Quốc, các tổ chức bảo vệ Tự Do Tôn Giáo trên Thế Giới, Ủy Ban Bảo Vệ Tự Do Tôn Giáo của Quốc Hội Hoa Kỳ.

2/. Văn Phòng Viện Hóa Đạo xin đính kèm cuộc điện đàm của Hòa Thượng Viện Trưởng để Phật Tử các Giới tri tường.

3/. Hồ Sơ lưu./.

 

 

Việt Nam tiếp tục bác bỏ cáo buộc của quốc tế về vi phạm nhân quyền

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tại một họp báo ở Hà Nội năm 2019  Reuters

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng vào ngày 22/9 lặp lại bác bỏ của Hà Nội đối với những cáo buộc về vi phạm nhân quyền trong nước.

Bác bỏ mới nhất của bà Lê Thị Thu Hằng được đưa ra ra khi phóng viên nêu câu hỏi liên quan việc một số tổ chức quốc tế lên tiếng cáo buộc Hà Nội vi phạm nhân quyền và kêu gọi không để Việt Nam tham gia vào Hội đồng Nhân quyền mà Hà Nội đang ứng cử.

Bà Lê Thị Thu Hằng cho rằng những cáo buộc như thế của một số tổ chức nước ngoài đối với Việt Nam là “sai sự thật, không khách quan, có định kiến xấu”.

Hôm 14/9, 52 khôi nguyên của Giải Môi trường Goldman đã gửi thư đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, thúc giục tổ chức này từ chối Việt Nam làm thành viên của Hội đồng trong nhiệm kỳ 2023 – 2025.

Các khôi nguyên đến từ 42 quốc gia trong thư gửi Hội đồng Nhân quyền lên án việc bỏ tù các nhà hoạt động môi trường ở Việt Nam trong năm nay với các báo buộc liên quan đến tội danh trốn thuế vốn đã bị quốc tế chỉ trích.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lặp lại chính sách được nói là nhất quán của Hà Nội trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền cơ bản của con người. Theo bà Lê Thị Thu Hằng, điều đó được quy định cụ thể trong Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam.

Những tổ chức xã hội dân sự độc lập và những người công khai cổ xúy cho dân chủ, nhân quyền trong nước cho rằng hoạt động của họ bị giám sát chặt, chẽ, nhiều người trong số họ bị bắt theo những quy chụp mơ hồ; trong khi họ không làm gì vi phạm hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

Trong những phiên xử những  người bị án mà các luật sư bào chữa gọi là án chính trị, lập luận của những người phải ra tòa và luật sư tham gia bào chữa đều không được xem xét trước khi ra phán quyết.

RFA (22.09.2022)

 

 

Gia đình Trịnh Bá Tư kêu cứu khẩn cấp, HRW kêu gọi Việt Nam điều tra cáo buộc đánh đập

Từ trái sang: Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương và bà Cấn Thị Thêu.

Gia đình tù nhân Trịnh Bá Tư vừa gửi thư kêu cứu khẩn cấp đến Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Bộ Công an và các cơ quan khác, yêu cầu cầu điều tra và giải thích về việc nhà hoạt động này bị kỷ luật bằng cách đánh đập, cùm chân 10 ngày.

Trong thư, bà Đỗ Thị Thu, chị dâu của Trịnh Bá Tư, cho biết sự việc được biết đến khi bố chồng bà là ông Trịnh Bá Khiêm đi thăm gặp Trịnh Bá Tư vào đầu tuần này.

Bà Thu kể lại với VOA: “Ngày 20/9/2022 bố em đến trại 6 Nghệ An để thăm em Tư. Khi đến đó thì họ bảo em Tư viết đơn vu cáo thì họ kỷ luật Tư. Khi mà bố em gặp được Tư rồi thì Tư nói bị cúm chân 10 ngày và Tư bị đánh ạ. Em Tư phản đối việc tra tấn đánh đập đấy bằng cách tuyệt thực 14 ngày”.

Bà Thu cho biết thêm rằng sau cuộc gặp, gia đình được trại giam thông báo rằng hai tháng sau mới được thăm gặp lại Trịnh Bá Tư thay vì mỗi tháng thăm gặp như thường lệ. Khi gia đình hỏi nguyên nhân Trịnh Bá Tư bị kỷ luật thì chỉ được cho biết rằng Tư đã viết đơn “vu cáo”.

“Họ không nói gì về việc tại sao Tư lại viết đơn tố cáo này, cũng không giải thích cho gia đình biết tại sao em Tư lại bị đánh, bị kỷ luật 10 ngày cùm chân, ăn, đi vệ sinh tại chỗ hết, và bởi vì gia đình em không được nói chuyện nhiều với Tư thế nên gia em cũng rất lo lắng không biết hiện tại bây giờ thì Tư đã hết tuyệt thực chưa và không biết họ còn đánh đập gì Tư không”, bà Thu nói.

Trịnh Bá Tư, 33 tuổi, là một trong ba thành viên của gia đình hoạt động về đất đai nổi tiếng tại Việt Nam. Ông Tư bị bắt vào ngày 24/6/2020 và bị kết án 8 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Mẹ ông là bà Cấn Thị Thêu, 50 tuổi, và anh trai Trịnh Bá Phương, 37 tuổi, cũng đang thụ án lần lượt 10 năm tù giam, 5 năm quản chế, và 8 năm tù giam, 3 năm quản chế với cáo buộc tương tự, sau khi cả gia đình trở thành cầu nối thông tin độc lập quan trọng từ người dân trong vụ tranh chấp đất đai dẫn đến chết người ở Đồng Tâm.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), hôm 22/9 kêu gọi Việt Nam “Cần có một cuộc điều tra khẩn cấp, minh bạch và công bằng về những cáo buộc nghiêm trọng của Trịnh Bá Tư về việc cai ngục đã cùm chân và đánh ông”. Tuy nhiên, ông Robertson cho rằng có rất ít khả năng các giới chức Việt Nam sẽ có hành động gì về việc này.

“Đáng buồn thay, quấy rối, trả thù và hành hạ là một phần thường xuyên của Việt Nam đối với những người bất đồng chính kiến bị giam giữ”, đại diện của HRW nói.

Ông Robertson kêu gọi các nhà ngoại giao nước ngoài và các quan chức Liên Hiệp Quốc yêu cầu chính quyền Việt Nam cho phép họ đến thăm ông Trịnh Bá Tư, và trực tiếp nói chuyện với ông để tìm hiểu sâu vấn đề này.

VOA (22.09.2022)

 

 

TPHCM: Một YouTuber tố cáo công an xã đánh đập, phá huỷ máy quay

Công an xã Tân Phú Trung và vết thương trên đầu nạn nhân  Trần Đình Sơn

Một YouTuber ở huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh tố cáo công an địa phương đánh đập ông và làm hỏng máy quay phim, công an xã từ chối trả lời vụ việc với phóng viên.

Ông Trần Đình Sơn, 29 tuổi, chủ kênh YouTube Đời thường TV cho biết ông bị một số viên công an xã Tân Phú Trung đánh đập ông hai lần, làm ông đổ máu đầu và nôn ói trong ngày hôm sau.

Lúc 10 giờ sáng ngày thứ hai, ông đến câu cá ở hồ sen tại khu công nghiệp Tân Phú Trung để quay video cho kênh YouTube của mình, hồ sen này là nơi nhiều người dân địa phương vào câu cá, chăn thả trâu bò.

Một bảo vệ của khu công nghiệp ra yêu cầu ông không được câu cá và đôi bên xảy ra cãi cọ, người bảo vệ gọi công an địa phương đến để giải quyết mâu thuẫn.

Một lúc sau thì có ba công an xã đến và yêu cầu ông Sơn rời khỏi hồ câu. Khi bị cự nự, một công an cùng người bảo vệ kia thay nhau đánh đập ông Sơn. Ông kể lại với phóng viên qua điện thoại như sau:

Một công an táng tôi hai ba cái, rồi ôm cho ông bảo vệ đánh tôi. Có ba công an bự con lắm còn tôi thì nhỏ con. Họ đè đầu đánh tôi rồi còn đe doạ nữa.

Người bảo vệ thì vừa đánh vừa la ‘Mày có tao địa chỉ đi tao đến chém chết ba mẹ mày’.”

Vẫn theo tường thuật của chủ kênh youtube mới chỉ có hơn 10 người theo dõi, nhóm công an khống chế đưa ông về trụ sở công an xã Tân Phú Trung rồi bỏ đi, thu giữ các tài sản bao gồm máy quay GoPro 5, hai điện thoại và xe gắn máy.

Một số viên công an khác yêu cầu ông làm bản tường trình sự việc nhưng ông từ chối, nói mình không làm gì sai mà lại bị đánh.

Sau đó, ông này tiếp tục bị đánh liên tiếp bởi từ ba đến bốn viên công an xã không có lý do. Ông nói:

Về đồn công an tôi lại bị đánh nữa, đánh tôi tùm lum ở tay và đầu, họ dùng tay không để đánh tôi. Một công an tên Tài đánh tôi, ông ấy đạp tôi. Một người còn bóp cổ họng tôi, một người có vẻ là sếp đánh cùi chỏ vào mặt tôi.

Sau đó họ còng tay tôi, giật xuống nền nhà rồi kéo tôi vào một phòng bên và bỏ tôi lại đó.”

Ông Sơn gào lên kêu cứu, một phụ nữ nghe thấy tiếng kêu, biết tin và báo cho mẹ của ông, một giáo viên ở địa phương.

Khi bà Nguyễn Thị Tỵ, mẹ ông Sơn đến trụ sở, công an mới tháo còng tay rồi bắt ông Sơn viết bản tường trình với nội dung ông câu trộm cá của khu công nghiệp.

Phía công an nói họ sẽ trả lại các vật dụng nếu ông chịu xoá toàn bộ video quay cảnh ông bị đánh.

Phía công an xã Tân Phú Trung trả lại máy quay GoPro 5 (trị giá 4 triệu đồng) bị bẻ gẫy một số bộ phận và điện thoại di động cho ông, rồi lấy giấy viết giấy biên nhận đã bàn giao thiết bị.

Khi ông Sơn đang viết dở thì họ bỏ đi giải lao, sau một lúc lâu chờ đợi không được, hai mẹ con bỏ về nhà vào lúc khoảng 4 giờ chiều.

Trong video cung cấp cho phóng viên cho thấy, ông Sơn trước trụ sở công an xã chất vấn vì sao làm hỏng máy quay thì một người ở trần, chỉ mặc quần ngắn, đi dép lê bảo: “cũng tại do mình thôi, khi mà cơ quan công an mời về làm việc thì mình không chấp hành.”

Ngày 21/9, phóng viên gọi cho công an xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi để xác minh vụ việc, tuy nhiên người công an trực máy từ chối trả lời qua điện thoại và yêu cầu chúng tôi lên trụ sở để được cung cấp thông tin.

Ông Sơn cho biết thêm, trong cùng ngày 19/9 ông gọi xe ôm để đi bệnh viện khám thương tích thì một nhóm ba công an tới chặn lại không cho đi.

Một người tên Hải đòi lại tờ biên bản đang viết dở, nói rằng nếu không trả thì có thể bị cáo buộc “ăn cắp dữ liệu của nhà nước.

Theo video clip quay tại nhà ông Sơn, người công an mặc sắc phục tên Hải, có thái độ rất trịch thượng, phủ nhận việc tham gia đánh đập ông Sơn.

Ông Sơn cho biết, sức khỏe bị ảnh hưởng sau khi bị đánh, ông phản ánh vụ việc với mong muốn những người đánh đập ông phải xin lỗi và bồi thường cho những tổn thất mà họ gây ra.

Ông Trần Đình Sơn bình thường làm nghề phụ xe, tuy nhiên trong khoảng hai tháng nay ông đi quay những cảnh câu cá giải trí và đăng tải trên kênh youtube của mình, với mong muốn kiếm thêm thu nhập. 

RFA (22.09.2022)