- Nguyên Hạnh – HTD
2 tháng 10, 2022
Hằng năm, vào dịp Tết, thành phố Huế thường tổ chức hội chợ rất lớn, và trường Đồng Khánh cũng có một gian hàng ở trong đó. Vì vậy trường thường có những nỗ lực về văn nghệ và triển lãm để trình diễn trước công chúng. Văn nghệ bán vé gây quỹ thường là những màn chọn lọc từ những cuộc thi đua giữa các đơn vị lớp. Triển lãm thì cũng là những công trình nghệ thuật do học sinh sáng tác dưới sự chỉ dạy của các vị giáo sư hội họa và nữ công.
Năm ấy, tự nhiên tôi được xếp làm giáo sư hướng dẫn một cái lớp quá sức đặc biệt; một cái lớp đã qui tụ rất đông nhân tài về nhiều mặt và đã đạt nhiều thành tích. Về triển lãm nữ công thì lớp đã đoạt một giải về công trình thêu tay bộ khăn bàn ăn, chưa kể về văn nghệ, về báo chí cũng đoạt giải, không thua kém các lớp khác.
Được chủ nhiệm một cái lớp đa tài như vậy, cô giáo hướng dẫn thật quá may mắn! Tuy nhiên, nói hên cũng đúng mà nói xui cũng phải. Vì với ngần ấy hoạt động, ngần ấy thành tích, thầy trò chúng tôi năm đó thật là thở không ra hơi, và ngược lại, mệt cũng lắm mà vui cũng nhiều! Thầy, bạn do những sinh hoạt ngoài việc học hành đã trở nên khắng khít thân nhau hơn, gần gũi hơn.
Bạn cùng lớp càng thương mến nhau hơn, giúp đỡ dìu dắt nhau để có thể vượt qua bài vở hầu dành thì giờ cho những sinh hoạt hiệu đoàn. Giữa thầy trò thì khoảng cách rõ ràng được thu ngắn vô hạn. Thầy cũng hết nghiêm mà trò cũng bớt sợ. Trong những giờ phút sinh hoạt ấy, không còn nỗi ám ảnh của cái bục giảng, cuốn sổ điểm hay con zéro mà thật sự đồng lao cộng tác, chỉ có bình đẳng, chỉ có tiếng cười. Sự gần gũi trong sinh hoạt là mối dây thắt chặt tình bạn, tình thầy trò cho đến mãi về sau.
Nhân dịp về thăm lại trường xưa, tìm gặp lại học trò cũ, thầy trò vẫn khắng khít. Các em đều đã nghỉ hưu, đã là những bà nội, bà ngoại, đối với nhau vẫn còn giữ liên lạc chặt chẽ biểu hiện rất rõ nét về tình đoàn kết thương mến nhau. Đối với tôi, các em vẫn còn quá đậm đà tình cảm, hết sức trìu mến, pha thêm chút nhõng nhẽo còn rơi rớt lại của tuổi thơ dưới mái trường hồng mà từ lâu đã thiếu dịp bộc lộ, bị quên lãng bởi áo cơm.
Những hồi ức trong cuộc họp mặt với lớp tôi hướng dẫn năm xưa, đề tài “chiếc khăn bàn” là niềm cảm xúc sâu đậm nhất. Đó là bộ khăn ăn được trưng bày trong cuộc triển lãm mữ công của trường Đồng Khánh trong hội chợ Tết năm nào! Một cái khăn bàn khổ vừa với sáu khăn ăn, mẫu vẽ do họa sĩ Lê Yên – giáo sư hội họa của trường và đã được bà Bửu Tiếp – giáo sư nữ công hướng dẫn cho một số em thêu tay tập thể.
Hình tượng của mẫu vẽ là một đôi rồng vàng uốn khúc được đơn giản hóa chung quanh trang trí bằng cành lá trúc màu xanh lá cây, tất cả trong một khuôn viên hình chữ nhật thuần màu xanh dương ở chính giữa. Phần khăn chung quanh được trang trí bằng những hoa lá rời nhiều màu, khuôn viên ngoài cũng là bốn cạnh của khăn bàn được viền bằng hàng rào màu xanh đậm. Tôi không có khiếu thẩm mỹ, cũng không có đủ khả năng thẩm giá hội họa cho nên tôi không thấy được là nó có đẹp hay không? Nếu đem so với những bộ khăn bàn thêu tay sản xuất bởi các Dòng Nữ tu thì có lẽ còn nhiều non nớt, vụng dại trong đường kim mũi chỉ, và cũng có hơi loạn xà ngầu về màu sắc. Tuy nhiên, đối với tôi nó vẫn đẹp chi lạ!
Ảnh minh họa
Tôi đã chứng kiến sự hình thành của nó từ lúc bắt đầu còn là một tấm vải. Thật ra là một tấm drap trắng, các học sinh của tôi tình nguyện xông vào, tíu ta tíu tít chen nhau đồ bản vẽ mẫu lên vải. Rồi phân công nhau lên từng phần, họ ngồi bệt giữa nền xi-măng để có đủ chỗ cho mỗi người thêu mỗi góc. Các em đã cặm cụi thêu vào những buổi trưa ở lại trường sau khi những nắm cơm đem theo được ăn vội vã; họ thêu vào những buổi chiều ở nán lại sau khi tan học, ngồi ngoài hành lang làm gắng cho đến tia nắng cuối cùng, cho đến những chuyến đò Thừa Phủ chót. Như thế mà cũng phải hằng vài tháng cho đến khi hoàn thành cái khăn, chỉ vừa ủi kịp ngay trước ngày khai mạc cuộc triển lãm.
Bao nhiêu công sức đã đành mà còn chỉ thêu và vải thì sao? Ngày nay, ở trên xứ Đức này mà nói chuyện bên mình thời đó, có thể không ai nghĩ ra tầm quan trọng vật chất đến như thế nào? Nhưng đối với những học sinh lớp 10 thuở ấy, để chung tiền nhau mua cho được bấy nhiêu chỉ, vải cũng phải bao nhiêu bữa trưa nhịn ăn, bao nhiêu lần cuốc bộ nhịn tiền qua đò, tiền xe buýt. Nếu bán được bộ khăn thì còn khá, mà chắc là bán được vì rất nhiều gia đình khá giả có con học trường Đồng Khánh rất muốn có tác phẩm kỷ niệm của cái trường danh tiếng mà con em họ là một thành phần. Thế nhưng, trong gian hàng triển lãm, cái khăn lại được mang một tấm bìa ghi hai chữ “không bán!”.
Thì ra các tác giả tí hon của lớp đã đồng ý với nhau, triển lãm xong thì để tặng cho cô giáo sư hướng dẫn của mình.
Mỗi lần sực nhớ đến điều này, tôi cảm thấy hơi chột dạ! Tôi không nhớ nổi là hồi đó tôi có nương tay với các em này khi vì bận thêu, bận tập kịch, tập múa mà không làm tròn bài vở, nhất là môn toán hệ số 3 hay không? Cũng không nhớ nổi là tôi có trả lại phí tổn cho các em không, mà có trả thì chắc là các em cũng không nhận. Những lúc nhớ lại như vậy, tôi bỗng ước chi có thể chạy bay về Huế mà đền bồi bằng cách kéo cả bọn cùng đạp xe đi chơi biển Thuận An; đãi các em một chầu bánh canh Nam Phổ và chè đậu ván; một món hàng bình dân từ các O gồng gánh, ngoắc vô bên lề đường và có thể, đứa trên yên xe đạp, đứa ngồi bệt trên nón, bên lề đường!
Các em ơi! Nhớ quá đi thôi!
Đường xưa, mỏi gối cũng về bên nhau!
Tại nhà một em học trò, rồi tại một quán nhỏ bên cung An-Định, chúng tôi cũng làm được những cuộc họp mặt bỏ túi với một nhóm không nhiều của lớp hướng dẫn năm xưa. Dĩ vãng và hiện tại lẫn lộn, thực và mộng đan nhau, nhưng nhất định lần này các em không cho tôi đãi họ. Các em cứ nói “Lúc ni tụi em đỡ lắm”. Làm chi mà đỡ, người thì nhờ con, người thì đã về hưu.
Và chuyện “Chiếc khăn bàn” vẫn là một đề tài được nhắc nhở nhiều nhất. Các em đâu có ngờ qua bao thăng trầm của cuộc sống, chiến tranh, lụt lội, qua bao nhiêu lần di chuyển chỗ ở, bao nhiêu đổi thay của hoàn cảnh sống; chiếc khăn bàn vẫn theo tôi từ ấy cho đến nay tại xứ Đức này và vẫn còn mãi mãi. Nó đã tồn tại qua Tết Mậu Thân, khi gia đình tôi bỏ chạy, nhà cửa bỏ trống bị người ta vào lục lọi, tất cả đồ đạc tan hoang, nhưng tôi không nhớ nổi là bằng cách nào mà cái khăn bàn lại được tồn tại theo tôi cho đến bây giờ?
Trong hoàn cảnh chạy giặc, chỉ quơ vội một ít áo quần cần thiết, chỉ mong sao phải thoát cho khỏi xứ Huế khi Cộng quân tràn về, chạy vào Đà Nẵng. Thế rồi từ Đà Nẵng, tôi không trở về Huế nữa. Phút chốc vĩnh biệt Đồng Khánh, vĩnh biệt Huế và tất cả. Tôi không thể nhớ nổi và không thể hiểu nổi vì sao, trong hoàn cảnh nào mà trong cái mớ gia tài nhỏ bé của một người chạy giặc, chạy đôn đáo vào tận Sài Gòn định cư, cái khăn bàn kia lại cũng còn có mặt?
Rồi đến chuyến di cư lớn nhất trong đời đi định cư ở Đức. Hành lý hạn chế cho cả gia đình bốn người, trong khi còn bao nhiêu sách vở muốn mang theo mà không được. Cả một cuộc đời chắt chiu kỷ niệm, đến giờ phút bứng gốc nhổ rễ, thật mất ăn mất ngủ vì bao nhiêu thứ “bỏ thì thương mà sương thì nặng”.
Vậy mà không hiểu lý do nào, tôi hoàn toàn không nhớ nổi vì sao khi qua đến Đức, tôi bỗng thấy lại cái khăn bàn thêu cũ kỹ, ố vàng và có lủng một lỗ, giữa những đồ thêu mới đẹp hơn! Yếu tố tâm lý nào, yếu tố tình cảm nào đã vô hình điều khiển đôi tay tôi khi sắp vali?
Giữa bao nhiêu vật chất sang trọng xa hoa của cái xứ này, không biết sao lúc nào trải khăn bàn cúng giỗ, tôi thường hay dùng cái khăn ấy, không chọn lựa, không nghĩ suy. Tự nhiên như hơi thở! Cái khăn bàn cứ hiện diện trong những dịp họp mặt ăn uống của gia đình, thậm chí cả ngày Tết cũng trải khăn đó, và tấm hình này đã đến tay một em học trò cũ ở Việt Nam. Các em đã truyền tay nhau xem, lòng rưng rưng cảm động!
Không biết các em nghĩ gì khi thấy sau mấy chục năm trời, sau bao nhiêu cuộc đổi đời, tôi vẫn chưa thay cái khăn bàn cũ kỹ ấy! Phải chăng vì thế mà lần này, khi đưa tôi lên tàu trở về Đức, các em đã nhét vội vào vali làm quà cho tôi một bộ khăn thêu mới. Các em đã chung tiền nhau đi mua và đẹp hơn nhiều.
Nhưng các em ơi! Các em có biết rằng đối với cô không có cái khăn nào đẹp hơn cái khăn cũ ngày xưa! Và nếu các em ngây thơ nghĩ rằng tặng cô một bộ khăn mới để cho cô bỏ cái khăn cũ kia đi thì còn gì đặc biệt để nói giữa chúng mình nữa đây?
Hôm chia tay, vừa lụp chụp vừa cảm động tôi chưa có một lời. Giờ đây nhắc lại lịch sử chiếc khăn bàn qua những dòng chữ này gởi về Việt Nam, là lời giải đáp đối với những người học trò cũ ngây thơ của tôi; các em của lớp hướng dẫn ngày xưa mà nay xấp xỉ 60 tuổi rồi, tôi vẫn còn thấy ngây thơ vô cùng!
Mặc dù vậy, tôi vẫn mang bộ khăn mới qua đây, vẫn sung sướng mang qua để còn khoe với các con, cho các con tôi thêm một lần nữa nhận biết là; mẹ của chúng đã chọn đúng ngành nghề, một cái nghề mà cho không bao nhiêu, nhưng đã nhận lại biết bao ân tình!
Các con ạ! Đó chính là con đường mẹ đã đi, con đường mẹ đã chọn. Là tất cả hành trang của mẹ. Bây giờ và mai sau!