Khi một dân tộc đã sống và già đi trong nền văn hoá bày tỏ hỉ nộ ái ố qua câu hò, điệu lý, quen những tình khúc yêu quê hương bằng cụm từ êm như “tiếng ru muôn đời”, thì sẽ khó quen với loại âm nhạc như rap. Nhưng sẽ rất thú vị khi biết được, có một nhóm bạn trẻ gốc Việt thuộc thế hệ Gen Z ở Montreal, Quebec đã chọn rap để kể về câu chuyện đi tìm tự do của thế hệ ông bà, cha mẹ. Họ dùng rap để đi tìm và xây dựng một nền văn hóa Việt của riêng họ. |
Co cụm
Trịnh Quốc Chương là chàng trai của Quebec, anh lớn lên trong gia đình nặng quan điểm “học vị là đơn vị đo lường thành công”. Nhưng từ nhỏ, Chương là cậu bé thiên về nghệ thuật. Chương vẽ, và vẽ rất nhiều. Anh chơi nhiều nhạc cụ. Ngược lại, đối với cha mẹ của Chương, những người từng đổi sống chết để lấy tự do, thì nghệ thuật là chủ đề ngoại lai. Cứ mỗi lần cố gắng vượt lằn ranh để chạm mục đích là một lần anh bị ngăn cản là “đừng bao giờ làm công việc đó.”
Dồn nén. Co cụm. Cố gắng. Cố gắng vừa lòng mọi người. Cố gắng bảo vệ cách sống của mình, Chương là hình ảnh của một thế hệ trẻ Gen Z gốc Việt ở Montreal, Quebec.
“Nói thật lòng, khi ở tuổi trưởng thành, tôi là một đứa trẻ tự ti về gốc người Việt Nam của mình. Ba mẹ tôi nghe nhạc Việt, hát nhạc Việt, nhưng những đứa trẻ như tôi ở đây, hòa nhập vào một môi trường sống mà chúng tôi không hề tự hào là người Việt Nam” – Chương nhớ lại.
Văn hóa Việt đã không thể len vào tư tưởng và nhận thức của họ. Những món ăn Việt nặng mùi nước mắm, những phần cơm cầu kỳ trở nên quái lạ đối với các thanh niên ấy. Chia sẻ này cũng giống với Thảo Vy, sinh năm 1994, là MC chương trình Festival Viet 2022 ở Montreal. Thảo Vy thú thật cô từng nghĩ “không có gì thú vị khi mình là người Việt.” Cô từng ngại ngùng khi đi học phải mang theo phần cơm trưa do mẹ chuẩn bị. Vy thật thà nói: “Em thấy xấu hổ tại sao mẹ lại làm cơm cho em? Em chỉ muốn ăn sandwich như các bạn ‘trắng’ của em thôi”.
Bùng nổ
Một ngày nọ, năm chín tuổi, Chương tình cờ biết đến rap. Hơn mười năm sau, Chương bắt đầu thử viết một bài nhạc rap cho mình. Khi đó, anh đã đủ trưởng thành để biết một cách nghiêm túc là mình muốn gì. Chương trở thành người hát rap và nhà sản xuất nhạc rap.
Trong môn bóng rổ có một vị trí gọi là “water boy/water girl”. Những người này không nằm trong đội ngũ tuyển thủ nhưng có trách nhiệm khá quan trọng, đó là mang nước uống cho người chơi. Rapper Trịnh Quốc Chương đã mượn vị trí đó làm tên biểu diễn – Lil Waterboi (Little Water Boy). Chương chọn tên này vì thấy đó là tính cách của anh – luôn phải phấn đấu để vươn lên, một người có xuất phát điểm thấp, một người ở “cửa dưới”, như cách Chương gọi mình – “underdog.”
Trong thời gian này, nhiều thứ trong anh đã thay đổi. Rap đã cho Chương sức mạnh đi tìm bản năng của mình. Rap cũng giúp Chương nhận ra lòng tự tôn dân tộc đang ngủ quên trong anh mà Chương không biết.
Rap được viết tắt từ Rhythum And Poetry, giai điệu và lời thơ. Hát (đọc) rap đòi hỏi sự kết hợp nhịp nhàng giữa giọng và các câu nói bình dân nhưng hiện đại, có vần. Vì rap là ngôn ngữ của đường phố nên nó gai góc, với mục đích bùng nổ để lan tỏa như thể giành lại những gì của mình.
Trong môi trường làm việc của Chương, có nhiều nhà sản xuất âm nhạc là người Việt. Họ ở “behind the scenes” hỗ trợ cho những nghệ sĩ bản xứ không phải gốc Á. Chương chợt nhận thấy vai trò quan trọng của những người như anh, những người phải được gọi là Nghệ Sĩ Gốc Á. Chương muốn có sự thay đổi. Nói cách khác, anh muốn sự công bằng, muốn nguồn gốc Việt Nam của thế hệ sau được vinh danh và nhìn nhận.
“Tôi là một rapper, nhưng đồng thời tôi cũng là một người sản xuất nhạc rap, viết lời rap, biên tập hình ảnh cho video nhạc. Tôi làm nhiều việc ở vai trò sáng tạo cho rap. Đó là cách tôi thể hiện điều tôi muốn: Một cuộc cách mạng tuổi trẻ, tập hợp nhiều người trẻ đồng hành cùng nhau,” Chương nói với nguồn âm lực kéo dài như đang hát một bản rap.
Cũng như Chương, cô bạn gái rapper Mando có tên Việt nghe rất “hoàng gia” – Trần Đan Phi, dễ thương, vui tính ngồi bên cạnh, cũng phải đấu tranh với gia đình khi cha mẹ muốn cô trở thành “một người có địa vị.” Đan Phi nói: “Cha mẹ em cũng như những gia đình Việt Nam khác thôi, muốn em đi học để có một công việc ổn định; rồi lớn lên có chồng, sinh con, lo cho gia đình. Mẹ nói em là làm sao có thể kiếm ra tiền nuôi sống gia đình, bản thân nếu ca hát như vậy?” Là một rapper nữ đã khó, là một rapper nữ gốc Việt càng khó hơn, nhất là làm sao để vượt qua những định kiến phương Đông vốn ăn sâu vào cách suy nghĩ phổ biến của đa số người Việt. “Mọi người hay nghĩ rằng những gì em đang làm là không bình thường với truyền thống người Việt,” cô gái nhỏ dễ thương tâm sự.
‘Rap là cuộc cách mạng thay đổi thế giới’
Rap có một định nghĩa trân trọng hơn từ Chương:
“Rap là âm nhạc của tuổi trẻ. Rap là cuộc cách mạng chính trị, thay đổi thế giới” – Rapper Lil Waterboi Trịnh Quốc Chương |
“Cuộc cách mạng” mà rapper Quốc Chương nói đến là một quá trình xây dựng đòi hỏi nhiều nỗ lực, không chỉ của Chương mà của một tập thể: đam mê, sáng tạo, can đảm và cả sự hy sinh.
Cuộc cách mạng đó có thể sẽ làm “shock” văn hóa, một chút thôi. Chương muốn nói về một bản rap có tên Du Ma May(tiếng chửi phổ biến mà người Việt thường dùng để thể hiện cảm xúc) do chính anh viết. Nó là bài khá nổi tiếng của Chương và ban nhạc rap Bahay do anh thành lập.
Chương nói, anh hiểu hết tất cả trải nghiệm đau thương về cuộc vượt biển của cha mẹ và cả thời gian dài vật lộn với cuộc sống mới. Nhưng dù có hiểu, Chương cũng không thể xóa được sự cách biệt văn hóa giữa thế hệ trước và thế hệ sau. Ra xã hội, không ít lần thế hệ này phải đối diện với sự kỳ thị chủng tộc chính nơi họ được sinh ra và lớn lên – dù với Chương, Đan Phi, Thảo Vy, và nhiều người đồng trang lứa, tiếng Pháp và tiếng Anh mới là ngôn ngữ chính.
Họ biết mình cần phải chống trả lại điều đó, và rap chính là vũ khí. Họ sử dụng ngôn ngữ rap để giải phóng cảm xúc.“Tôi biết nhiều người Việt cho rằng rap không lịch sự. Nhưng thời điểm đó, nó là cách thể hiện sức mạnh của những người Việt ở Montreal, đặc biệt là cộng đồng trẻ chúng tôi,” Chương nói.
“Tôi không biết California thế nào, nhưng ở Quebec này, mọi người không nói tiếng Việt nhiều với nhau. Nhưng cụm từ mà mọi người đều biết là tiếng lóng đó. Cho nên khi chúng tôi nghe nó, chúng tôi thấy như đó là một cách giải tỏa năng lượng. Chúng tôi cảm thấy tự hào khi đã kết nối được với những người Việt khác có cùng suy nghĩ.”
Bố mẹ tao đi lên từ đấu tranh, họ đến từ chiến tranh
từ trong mương rãnh, họ đến đây và đã từng nghèo khó
xây dựng tất cả lại từ đầu để chúng ta có thể có nhiều hơn
hạ thấp cái tôi và bắt đầu làm việc nhà
gia đình tao đi thẳng ra từ thuyền
tao là con trai của vài người tị nạn
tao đã cho họ hy vọng
lớn lên từ đường King
….
tụi tao là Nammies, tụi tao học tập và làm tốt mọi thứ
Lũ da trắng sẽ cảm nhận được điều đó
Ban nhac rap Bahay của Quốc Chương và Đan Phi hiện được giới trẻ Montreal đón nhận, cả người Canada bản xứ lẫn người Canada gốc Việt. Hơn thế, lần đầu tiên sau tám năm, cha mẹ Chương đã có mặt trong một đêm diễn của anh. Chương nói, anh có thể mơ giải Grammy nhưng sợi dây thâm tình giữa anh và gia đình được nối kết, mẹ của anh hiểu và đón nhận, mới là ý nghĩa lớn lao nhất Chương có được.
Đan Phi thì hãnh diện cho biết, tại những show diễn gần đây của ban nhạc Bahay, mẹ của cô đều đến xem. Vui hơn nữa là bà đã dần cảm nhận được niềm đam mê trong công việc mà cô gái Mando Trần Đan Phi theo đuổi. Trịnh Quốc Chương và thế hệ Gen Z của anh chỉ thêm vào một chút chất liệu để đặc tả văn hóa theo cách riêng của thế hệ Gen Z gốc Việt. Nó không phải là văn hóa từ Việt Nam, không phải từ văn hóa của thế hệ cha mẹ. “Nó là văn hóa Việt Nam theo cách của chúng tôi” – Chương nói.
“Đó là cuộc cách mạng. Đó là sự thay đổi thế giới. Không phải thế sao?” Chương đã có câu trả lời trong câu hỏi của anh. Bên cạnh, cô bạn gái xinh xắn Mando hồn nhiên bảo Chương, “ngay bây giờ, chúng ta hãy rap một ca khúc ngắn đi, rồi mọi người đi ăn bún mắm nha, được không? Em thích ăn bún mắm.”
“Đi ăn bún bò huế đi, hoặc ăn phở,” Quốc Chương trả lời.