Mục sư Đinh Diêm chết khi đang thụ án tù 16 năm

Mục sư Đinh Diêm thuộc Hội thánh Tin lành Lutheran Việt Nam – Hoa Kỳ – Photo VTV

Mục sư Đinh Diêm, người đang thụ án tù 16 năm tại Việt Nam vì “âm mưu lật đổ chính quyền”, vừa qua đời hôm 5/1 không rõ lý do, theo tin từ gia đình ông.

Bà Đinh Thị Xa, vợ của ông Đinh Diêm, hôm 6/1 đang từ Nghệ An quay về nhà với tâm trạng đau buồn và thất vọng vì nhà xác bệnh viện Nghệ An không cho mang thi thể ông về nhà mặc cho các thành viên gia đình van xin bằng mọi cách.

“Xin quốc tế và các tổ chức hãy quan tâm lên tiếng cho sự bất công và cách hành xử đối với chồng tôi dẫn đến cái chết như thế này. Đây là một cái chết rất vô lý.

“Tôi không bao giờ chấp nhận và trân trọng xin mọi người quan tâm cho vấn đề nhà tôi bị mất”.

Một ngày trước đó, bà Xa cho VOA biết giám thị trại giam số 6 do Bộ Công an quản lý ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, có gọi cho bà báo rằng họ đã đưa ông Đinh Diêm đi cấp cứu ở bệnh viện Nghệ An. Hay tin, bà Xa liền vội vã đi từ Quảng Ngãi tới Nghệ An để thăm chồng, nhưng chưa đến nơi thì được báo ông đã qua đời.

Bà Xa nói rằng bà rất bức xúc trước sự việc này. “Họ không cho gia đình đem xác về”, bà cho biết rằng cơ quan chức năng đã khám tử thi và làm phẫu thuật thi thể chồng bà. “Họ nói 3 năm sau gia đình có thể đưa hài cốt về chôn ở quê nhà”.

Bộ Công an chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA.

Ông Đinh Diêm, 61 tuổi, một mục sư thuộc Hội Thánh Lutheran Việt Nam – Hoa Kỳ ở Quảng Ngãi, bị công an bắt ngày 5/1/2018 vì bị vu rằng ông tham gia tổ chức ‘Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời’ tại Mỹ do ông Đào Minh Quân đứng đầu.

Ông Diêm có thời gian là thành viên của Hội đồng Liên tôn Việt Nam, một nhóm các tôn giáo độc lập không được chính quyền Việt Nam công nhận. Được biết trước khi bị bắt, ông thường bị công an Quảng Ngãi sách nhiễu, bao vây canh gác quanh nhà, ngăn cản làm việc truyền đạo, và cuối cùng buộc ông phải rút tên khỏi Hội đồng Liên tôn Việt Nam.

Trao đổi với VOA trước đây, mục sư Nguyễn Mạnh Hùng ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết ông Đinh Diêm từng bị chính quyền địa phương gây áp lực không cho gia nhập Hội đồng Liên tôn Việt Nam, một tổ chức bị Hà Nội cho là ‘phản động.’

“Có một thời gian Mục sư Diêm bị ngăn trong cho sinh hoạt trong Hội đồng Liên Tôn nên ông phải rút tên ra. Mục sư Diêm nói bị an ninh ra áp lực quá nên đã rút tên.”

Ông Đinh Diêm gia nhập Hội thánh Tin Lành Lutheran Việt nam – Hoa Kỳ do ông Mục sư Nguyễn Công Chính làm Hội trưởng, nhưng sau khi ông Mục sư Chính vào tù, chính quyền Quãng ngãi được cho là đã lên kế hoạch đàn áp hội thánh này.

Nhận định về án tù 16 năm đối với chồng mình, bà Xa chia sẻ với VOA:

“Một bản án hết sức nặng nề và vô lý. Ông vô tội. Không có chứng cớ nào [được tòa đưa ra] để cáo buộc ông…để rồi ông bị lãnh bản án 16 năm tù.

“Ông là người tin Chúa và nặng lòng với dân tộc, đất nước. Ông thích tự do và không thích độc tài cho nên họ ghét ổng”.

Từ Hoa Kỳ, mục sư Nguyễn Công Chính, chủ tịch Hiệp hội Thông công Tin lành các Dân tộc Việt Nam, thông báo trên Facebook gửi lời chia buồn cùng gia đình mục sư Đinh Diêm và kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng để làm rõ nguyên nhân tử vong của ông.

Đây là trường hợp tù nhân lương tâm tôn giáo, chính trị mới nhất tử vong khi đang thụ án tù tại các trại giam ở Việt Nam.

Trước đó, cũng tại trại giam số 6, Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, tù nhân lương tâm Đỗ Công Đương chết vào tháng 8/2022 trong lúc đang thụ án 8 năm tù với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” và “gây rối trật tự công cộng”. Chính quyền trại giam cũng từ chối cho gia đình mang xác về an táng.

Ông Phan Văn Thu, qua đời vào tháng 11/2022 tại trại giam Gia Trung tỉnh Gia Lai, khi đang thụ án tù chung thân. Tù nhân Đoàn Đình Nam mất trong trại giam Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, vào tháng 10/2019 khi đang thụ án tù 16 năm.

Cả hai ông Thu và Nam đều là thành viên của Ân Đàn Đại Đạo – nhóm tôn giáo không được chính quyền Việt Nam công nhận, nhưng cả hai ông đều được Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đưa vào danh sách nạn nhân của các hành động vì tự do tôn giáo và tín ngưỡng toàn cầu và liên tục vận động để chính quyền Việt Nam phóng thích hai ông.

VOA (06.01.2023)

 

Chuyên gia nhân quyền LHQ yêu cầu Việt Nam giải trình về việc cầm tù 18 nhà hoạt động

Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, một trong 18 người được nêu trong thư Fb Phạm Đoan Trang

Bốn chuyên gia độc lập về nhân quyền của Liên Hiệp quốc đã gửi một thư chung tới Chính phủ Việt Nam yêu cầu giải trình về việc cầm tù 18 nhà hoạt động, người bảo vệ nhân quyền và nhà báo- những người bị đã bị bắt giữ tùy tiện và bị tước quyền tự do khi thực thi quyền tự do ngôn luận.

Thư chung đề ngày 02/11/2022 nhưng mới được công khai gần đây được soạn bởi các chuyên gia độc lập thuộc bốn cơ chế nhân quyền LHQ là Báo cáo viên đặc biệt về tình hình của người bảo vệ nhân quyền, Phó trưởng Nhóm Công tác về bắt giữ tùy tiện, Báo cáo viên đặc biệt về quyền sức khỏe thể chất và tinh thần, và Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn và các hình thức đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác.

Có bốn nhà hoạt động nữ được nêu tên gồm các bà Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thúy Hạnh, Nguyễn Thị Tâm và bà Cấn Thị Thêu, hai con trai của bà Thêu là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư cũng được lưu ý trong thư cùng với hai người bị bắt giữ gần đây nhưng chưa đưa ra xét xử là Nguyễn Lân Thắng và Bùi Tuấn Lâm.

Theo các thông tin mà các cơ chế nhân quyền LHQ nhận được, 18 nhà hoạt động này bị điều tra hoặc đã bị kết án dựa trên hai điều luật mơ hồ.

Cựu sỹ quan công an Lê Chí Thành và nhà báo Trương Châu Hữu Danh bị kết án “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331, 16 người còn lại bị kết án hoặc bắt giữ theo cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự (hoặc Điều 88 của BLHS cũ).

Trong một số trường hợp, họ bị tra tấn và ngược đãi trong thời gian tạm giam trước khi xét xử.

Là một chuyên gia nhân quyền theo dõi chặt chẽ tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong nhiều năm qua, ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nói rằng các chuyên gia nhân quyền LHQ đã đưa ra các thông tin quan trọng và được thu thập một cách cẩn trọng.

Trong tin nhắn gửi tới RFA, ông nói:

Thông tin mà các chuyên gia độc lập này thu thập được đóng một chức năng quan trọng trong việc cố gắng buộc Hà Nội phải chịu trách nhiệm về các hành động vi phạm nhân quyền của họ đối với những người bất đồng chính kiến, đặc biệt chính phủ Việt Nam sẽ cảm thấy buộc phải chính thức phản hồi những cáo buộc này.

Nêu ra những trường hợp cụ thể như 18 cá nhân này, các chuyên gia LHQ cho Hà Nội thấy họ đang bị theo dõi chặt chẽ, và đôi khi điều này sẽ dẫn đến việc những người có tên trong bức thư được đối xử tốt hơn trong trại giam.”

Trong thư dài 22 trang, các chuyên gia nêu ra các cáo buộc đàn áp sách nhiễu 18 nhà hoạt động trước khi bắt giữ họ một cách tuỳ tiện, biệt giam trong thời gian điều tra, và xét xử họ bằng những phiên toà không đảm bảo các nguyên tắc xét xử công bằng.

Họ cũng bày tỏ sự lo ngại về các quy định trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam cho phép tạm đình chỉ các biện pháp bảo vệ cơ bản, đáng chú ý là quyền tiếp cận luật sư và liên hệ với gia đình, trong suốt giai đoạn điều tra, khiến bị cáo phải đối mặt với tình trạng gia tăng nguy cơ bị tra tấn và ngược đãi và làm suy yếu các nguyên tắc xét xử công bằng.

Các chuyên gia LHQ nên tiếp tục yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện tất cả những người bị giam giữ chỉ vì thực hiện các quyền dân sự và chính trị của họ một cách ôn hoà,” ông Phil Robertson nói.

Ông cho biết Việt Nam thường phớt lờ những lời kêu gọi của các tổ chức xã hội dân sự toàn cầu và các nhóm nhân quyền như tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhưng Hà Nội khó phớt lờ LHQ hơn nhiều vì chế độ muốn duy trì ảo tưởng rằng họ coi trọng và quan tâm đến suy nghĩ của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ông nói thêm:

“Điều này đặc biệt quan trọng khi Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ vì điều đó đặt ưu tiên cho Việt Nam trong việc duy trì hình ảnh là một quốc gia thành viên LHQ tuyên bố duy trì và tôn trọng nhân quyền.”

Bốn chuyên gia LHQ bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về những vi phạm rõ ràng có hệ thống của Việt Nam đối với các quyền cơ bản của con người thông qua cáo buộc tùy tiện bắt giữ, giam giữ, xét xử không công bằng và kết án hình sự, liên quan đến việc thực hiện đơn thuần quyền tự do ngôn luận và quan điểm của 18 nhà hoạt động nêu trong thư.

Họ nói nếu các cáo buộc này được xác nhận thì đồng nghĩa Việt Nam vi phạm trắng trợn luật nhân quyền quốc tế, đặc biệt là các điều 9, 14, 19, 25 và 26 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Hà Nội tham gia từ năm 1982.

Nêu ra tình trạng 18 nhà hoạt động bị biệt giam không được gặp luật sư và gia đình trong thời gian điều tra kéo dài hàng năm, các chuyên gia nhắc Việt Nam rằng “quyền tự do không bị giam giữ tùy tiện, không bị tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm khác là những quyền không thể bị hủy bỏ theo luật pháp quốc tế và phải được tôn trọng và bảo vệ trong mọi trường hợp.

Hôm 06/01, bà Đỗ Thị Thu, vợ của tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương nói với phóng viên:

“Tôi thay mặt gia đình cảm ơn sự lên tiếng của các cơ chế nhân quyền LHQ, và hy vọng Chính phủ Việt Nam phản hồi tích cực bằng cách cải thiện điều kiện giam giữ tù nhân lương tâm và dừng việc tra tấn hay đối xử vô nhân đạo với họ cũng như ngừng đàn áp người hoạt động.

Tôi mong mẹ chồng, chồng và em chồng cũng như các tù nhân lương tâm khác được trả tự do.

Tuy nhiên, tôi không hy vọng Nhà nước Việt Nam sẽ thực hiện điều này trong tương lai gần.”

Thư chung nói biệt giam kéo dài hoặc giam giữ ở những nơi bí mật có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tra tấn và các hành vi tàn ác, vô nhân đạo hoặc đối xử tàn tệ hành vi bị cấm theo Điều 7 của ICCPR, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia Công ước Chống Tra tấn (CAT) từ năm 2015.

Bốn chuyên gia kêu gọi Việt Nam xoá bỏ hai điều 117 và 331 của Bộ luật Hình sự vì hai điều luật này đi ngược với quyền tự do ngôn luận và lập hội được quy định theo Điều 9 và 19 của ICCPR.

Bốn chuyên gia nhân quyền LHQ đề nghị Chính phủ Việt Nam cung cấp thông tin bổ sung về các trường hợp mà thư chung nêu ra và phản hồi về các cáo buộc; giải trình việc bắt giữ, giam giữ và kết án 18 cá nhân trong bối cảnh Việt Nam phải tuân thủ các nghĩa vụ theo luật nhân quyền quốc tế.

Họ cũng đề nghị Việt Nam cung cấp thông tin về điều tra các cáo buộc tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo đối với 18 nhà hoạt động.

Cho tới nay, Chính phủ Việt Nam vẫn chưa phản hồi về thư chung của bốn chuyên gia nhân quyền LHQ, theo thông tin của Văn phòng Cao uỷ về Nhân quyền của LHQ khu vực Đông Nam Á. 

Trong nhiều năm qua, nhiều tổ chức nhân quyền trong nước và quốc tế thường xuyên lên án sự vi phạm nhân quyền có hệ thống ở Việt Nam, với việc bắt giữ tuỳ tiện hàng trăm nhà hoạt động rồi kết án họ với những bản án nặng nề trong những phiên toà không công bằng.

Uỷ hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) cũng nhiều lần công bố Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo. Mới đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần theo dõi đặc biệt về đàn áp tự do tôn giáo.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 trong kỳ họp của Đại Hội đồng LHQ giữa tháng 11 năm ngoái. Hà Nội luôn nói không có tù nhân lương tâm mà chỉ giam giữ những người vi phạm pháp luật.

RFA (06.01.2023)

 

 

Chúng tôi là công dân Vườn Rau Lộc Hưng

Chính sách đất đai của nhà cầm quyền cộng sản đã gây nên làn sóng “dân oan” khắp 3 miền đất nước khi nhiều gia đình bị cưỡng chế ra khỏi nhà – đất đang sinh sống, canh tác hợp pháp của mình với giá đền bù rẻ mạt, để nhà cầm quyền giao đất cho các nhà tư bản đỏ, nhóm lợi ích… “đầu tư” gọi là các khu thương mại, nhà cao tầng, phân lô bán nền… Sau đó bán lại với giá gấp hàng trăm, hàng ngàn lần giá đã đền bù. Lợi nhuận từ những phi vụ “giải tỏa” này đã khiến các quan chức và “nhà đầu tư” mờ mắt, bất chấp qui định pháp luật, xem thường quyền lợi người dân.

Hơn 500 căn nhà của bà con đang sinh sống trên khu đất “Vườn Rau Lộc Hưng” thuộc xứ đạo Lộc Hưng, phường 6, Tân Bình, Sài Gòn đã bị nhà cầm quyền tàn phá, san ủi ngay trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Lý do: xây nhà không phép trên “đất công”.

Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn, các Luật sư và bà con đã cung cấp nhiều chứng cứ chứng minh nguồn gốc khu đất nguyên thuộc quyền sở hữu của Giáo hội Công Giáo, giao cho bà con sử dụng từ những năm 1954, sau khi di cư từ Bắc vào Nam, chứ không phải “đất công”. Do nhà cầm quyền có ý định chiếm “khu đất vàng” nằm giáp ranh ba quận 3, quận 10 và Tân Bình này, nên từ những năm 1990 đã không cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho bà con, dù theo chính qui định luật đất đai của nhà cầm quyền, bà con đã sử dụng đất lâu dài, ổn định, có đóng thuế… từ trước năm 1993 thì phải được công nhận QSDĐ. Cũng không có QSDĐ, nên nhà bà con xây dựng trở thành “không phép”. Bất chấp các qui định pháp luật, không có quyết định hợp pháp có hiệu lực nào, nhà cầm quyền địa phương đã ngang nhiên đập phá nhà cửa, chiếm đoạt đât đai.

Hiện tại, bà con mất nhà cửa, bị các lực lương hỗn hợp gọi là “cơ quan chức năng” bao gồm đủ thành phần, trong đó đáng kể là bọn côn đồ, du đãng, nhân dân tự xưng… ngày đêm canh gác. Sử dụng mọi chiêu bài bẩn thỉu: dụ dỗ, đe dọa, chửi bới, lăng mạ… ngăn cản không cho bà con vào khu đất của mình.

Bà con cùng các Luật sư đấu tranh, đòi công bằng, đòi thực thi pháp luật… với biện pháp ban đầu hợp pháp là “yêu cầu lãnh đạo thành phố HCM và quận Tân Bình đối thoại với bà con Vườn Rau Lộc Hưng”.

Bà con Vườn Rau Lộc Hưng khẳng định là CÔNG DÂN Việt Nam với đầy đủ quyền của công dân theo Hiến pháp và luật pháp, chưa có bất kỳ quyết định nào có thẩm quyền, có hiệu lực của bất kỳ cơ quan nào tước bỏ quyền công dân hay xác định công dân vi phạm pháp luật… Thế nhưng, dù có cả văn bản của Ban tiếp Dân trung ương “đề nghị”, nhà cầm quyền lại không dám “đối thoại” với Công Dân Vườn Rau Lộc Hưng.

“Yêu cầu đối thoại” mới chỉ là bước đầu tiên trong công cuộc đấu tranh đòi đất, đòi nhà của các CÔNG DÂN “VƯỜN RAU LỘC HƯNG”.

Vườn rau Lộc Hưng (05.01.2023)

 

 

Uỷ ban Tom Lantos: Trường hợp Phạm Đoan Trang là điển hình về vi phạm tự do báo chí

Nhà báo Phạm Đoan Trang trong một lần trả lời phỏng vấn VOA trước đây.

Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos Hạ viện Hoa Kỳ vừa kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, cho rằng trường hợp của bà Trang là điển hình về vi phạm tự do truyền thông và tự do báo chí trên toàn thế giới.

“Hơn một nửa số trường hợp trong Dự án Bảo vệ tự do (Defending Freedoms Project – DFP) có liên quan đến báo chí, blog và truyền thông. Một trường hợp như vậy là trường hợp của bà Phạm Đoan Trang, người đã bị kết án 9 năm tù vào năm ngoái. Việt Nam phải trả tự do cho bà ấy ngay lập tức và vô điều kiện”, Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos viết trên Twitter hôm 19/12.

DFP là một dự án của Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos Hạ viện Hoa Kỳ được thành lập từ hơn 10 năm qua nhằm để hỗ trợ các tù nhân lương tâm trên khắp thế giới, khuyến khích các thành viên Quốc hội vận động thay mặt cho các tù nhân lương tâm để họ được tự do, đồng thời ràng buộc trách nhiệm giải trình đối với việc đối xử bất công.

Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà báo Phạm Đoan Trang. Photo Twitter Tom Lantos Human Rights Commission.

“Chúng tôi sẽ không ngừng đấu tranh cho tự do của bà Phạm Đoan Trang. Chính phủ Việt Nam đã nhắm mục tiêu và tra tấn bà vì bảo vệ nhân quyền. Cảm ơn Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos và tổ chức Phóng viên Không biên giới Quốc tế (RSF International) và tất cả mọi người đang đấu tranh để trả tự do cho bà ấy và tự do cho tất cả các tù nhân chính trị ở Việt Nam,” Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Ro Khanna, một thành viên của ủy ban, người bảo trợ cho bà Phạm Đoan Trang, viết trên Twitter hôm 22/12.

Cả Dân biểu Khanna và Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos cho biết rằng họ sẽ tiếp tục thúc đẩy việc trả tự do cho bà Trang và bảo vệ quyền tự do biểu đạt phổ quát.

Trước đó, nhờ sự vận động của Dân biểu Khanna, vào ngày 8/8/2022, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos chấp nhận bảo trợ cho nhà báo, tù nhân lương tâm Phạm Đoan Trang, đồng thời các dân biểu Hoa Kỳ yêu cầu Bộ Ngoại Giao và Nhà Trắng gây áp lực nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho bà.

Dân biểu đại diện cho Quận 17 bang California, cho biết trong một thông cáo: “Bà Trang là một người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền và là người thẳng thắn chỉ trích chính phủ Việt Nam”.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và yêu cầu cho ý kiến về những lời kêu gọi này, nhưng chưa được phản hồi.

Nhận định về án tù của bà Trang, từ Houston, Texas, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cho VOA biết trong một cuộc phỏng vấn trước đây:

“Bản án 9 năm tù giam mà TAND Hà Nội đã tuyên chính là đòn thù mà nhà cầm quyền Việt Nam đã dành để đáp trả cho lòng can đảm của Phạm Đoan Trang. Tôi hy vọng rằng sự dấn thân của chị Đoan Trang sẽ tạo ra thay đổi tích cực trong một xã hội đầy sợ hãi, khiếp nhược”.

Tương tự, bà Sabrina Tucci, Giám đốc Chiến dịch và Truyền thông của Văn bút Quốc tế (PEN International) nêu nhận định với VOA: “Chúng tôi tin rằng việc bỏ tù bà Phạm Đoan Trang là một hành động trả đũa nhằm mục đích bịt miệng và trừng phạt bà vì những việc bà đã làm cho nhân quyền và tự do ngôn luận cũng như nói ra những sự thật gây khó chịu”.

Bà Phạm Đoan Trang bị chính quyền Việt Nam bắt giam vào tháng 10/2020 về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”, một cáo buộc thường được sử dụng để bỏ tù các nhà văn bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động nhân quyền. Mặc dù việc giam giữ bà Trang khiến quốc tế lên án, bao gồm cả Nhóm công tác LHQ về Giam giữ Tùy tiện, bà vẫn bị kết án 9 năm tù vào ngày 14/12/2021, và sau đó bà kháng cáo nhưng vẫn bị y án trong một phiên phúc thẩm vào tháng 8/2022.

Ngay sau phiên phúc thẩm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ sự “quan ngại” về bản án 9 năm tù đối với “tác giả và nhà báo Việt Nam nổi tiếng Phạm Đoan Trang”, đồng thời kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà Trang và cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam “thực hiện quyền tự do ngôn luận mà không sợ bị trả thù, phù hợp với các quy định về quyền con người trong hiến pháp Việt Nam, cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam”.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden vào tháng 10/2022 khẳng định rằng việc thúc đẩy nhân quyền là “một yếu tố thiết yếu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và là chìa khóa cho sự cam kết liên tục của chúng tôi với Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam”, và rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục “thảo luận thẳng thắn và dựa trên kết quả” với chính phủ Việt Nam về những vấn đề này.

Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos vào năm 2012 phối hợp với Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) và Tổ chức Ân xá Quốc tế Hoa Kỳ khởi động Dự án Bảo vệ Quyền Tự do (DFP) để hỗ trợ các tù nhân lương tâm trên khắp thế giới. Trong những năm gần đây, liên minh DFP phối hợp thêm với tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), Freedom House, Freedom Now, Scholars At Risk, PEN America và Uỷ ban Nhân quyền Thượng viện Mỹ.

Theo định nghĩa của DFP, tù nhân lương tâm là những người bị cầm tù vì thể hiện ôn hòa niềm tin chính trị, tôn giáo hoặc các niềm tin khác do lương tâm của họ, hoặc vì danh tính của họ, mặc dù họ không sử dụng hoặc ủng hộ bạo lực.

Chính quyền Việt Nam bác bỏ việc giam cầm tù nhân chính trị hay tù nhân lương tâm, và cho rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những người “vi phạm pháp luật”.

Đến nay có 25 tù nhân lương tâm Việt Nam được bảo trợ bởi các dân biểu Hoa Kỳ thông qua dự án DFP và phần lớn đã được chính quyền Việt Nam phóng thích, tuy vẫn còn 6 người chưa được trả tự do bao gồm Phạm Đoan Trang, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Văn Hóa, và hai mục sư Tin lành người dân tộc là Y Pum Bya và Y Yich.

Dẫn thống kê của RSF về số nhà báo bị sách nhiễu trên toàn cầu, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos kêu gọi: “Cuộc đàn áp báo chí đang diễn ra phải được chấm dứt. Năm nay [2022] chứng kiến một số lượng kỷ lục các nhà báo đã bị giam giữ hoặc mất tích. Trong 5 năm qua, số nhà báo bị giam giữ đã tăng hơn 60% và tỷ lệ nhà báo nữ bị giam giữ đã tăng hơn gấp đôi”.

Riêng tại Việt Nam, RSF ghi nhận có 39 nhà báo đang phải ngồi tù trong năm 2022, đứng thứ tư thế giới về số lượng các nhà báo bị chính quyền bỏ tù trong năm qua. Tổ chức này cũng nêu bật trường hợp của bà Phạm Đoan Trang trong số những khuôn mặt nhà báo nữ bị bỏ tù.

Nữ nhà báo người Hà Nội từng được trao giải Tầm ảnh hưởng của RSF hồi năm 2019 hiện bị giam trong một nhà tù ở tỉnh Bình Dương cách nhà 1.000 kilomet, bị RSF xem là một chiêu trò của nhà chức trách để bịt thông tin về tình trạng sức khỏe của tù nhân.

VOA (05.01.2023)

 

 

Việt Nam quay trở lại Hội đồng Nhân quyền LHQ từ ngày 1/1/2023

Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva, ngày 2/3/2022.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2023, Việt Nam lại một lần nữa là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc cho nhiệm kỳ 3 năm giữa lúc các nhà hoạt động và các tổ chức quốc tế tiếp tục lên án thành tích nhân quyền tồi tệ của nước này.

Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) đăng quốc kỳ Việt Nam cùng với quốc kỳ của 46 nước thành viên khác trên Twitter hôm 1/1 và khuyến nghị rằng với tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, các quốc này “có trách nhiệm duy trì các tiêu chuẩn cao về nhân quyền”.

Về phần mình trên cương vị mới, chính quyền Việt Nam nói rằng “Vấn đề đảm bảo và bảo vệ quyền con người là trọng tâm tại Việt Nam”, Thông tấn xã Việt Nam có bài xã luận hôm 2/1, ca ngợi thành tích nhân quyền tại quốc gia cộng sản.

Bài xã luận của TTXVN cho rằng những nỗ lực của Việt Nam nhằm bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trong thời gian vừa qua đã được cộng đồng quốc tế “ghi nhận”.

Việt Nam đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 trong một kỳ bỏ phiếu vào tháng 10/2022. Hội đồng Nhân quyền LHQ là cơ quan liên chính phủ chính trong hệ thống LHQ chịu trách nhiệm giải quyết các tình huống vi phạm nhân quyền trên thế giới.

Từ Đức, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, chia sẻ với VOA hôm 3/1 về các thách thức của Việt Nam trong vai trò mới này.

“Chắc chắn Việt Nam sẽ gặp rất nhiều thách thức từ chính phủ các quốc gia dân chủ văn minh mà họ quan tâm đến tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế thường xuyên theo dõi tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam”.

“Trong nhiệm kỳ 3 năm mới, nếu Việt Nam không tích cực cải thiện tình trạng nhân quyền trong nước thì họ sẽ phải đối diện với những áp lực rất lớn cộng đồng quốc tế”.

Thông điệp của chính quyền Việt Nam cho nhiệm kỳ 3 năm tại Hội đồng Nhân quyền LHQ là “Tôn trọng lẫn nhau, đối thoại và hợp tác, bảo đảm tất cả quyền con người cho tất cả mọi người”.

Đây là lần thứ hai Việt Nam đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ. Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016.

Vài ngày trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu vào tháng 10/2022, hàng loạt các tổ chức nhân quyền quốc tế, trong đó có Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Article 19 và International Commission of Jurists, lên tiếng quan ngại về tình hình nhân quyền ở Việt Nam cũng như thúc giục Hội đồng Nhân quyền LHQ yêu cầu quốc gia Đông Nam Á đạt được những tiến bộ trước khi trở thành một thành viên của hội đồng.

“Việt Nam cần phải ngay lập tức cam kết thực hiện các bước cụ thể để cải thiện hoạt động nhân quyền của mình, bằng cách thả những người bảo vệ nhân quyền bị giam giữ tùy tiện, trong đó có các nhà báo, đảm bảo quyền tự do ngôn luận và lập hội, đồng thời cải thiện hợp tác với các cơ chế nhân quyền quốc tế”, các tổ chức nói trong tuyên bố chung. “Các bước như vậy sẽ là điều cần thiết để Việt Nam trở thành một thành viên đáng tin cậy của Hội đồng”.

Luật sư Đài nhắc lại rằng các diễn biến gần đây như việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng trước đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia trong Danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo và bộ này trừng phạt một cựu quan chức công an Việt Nam là một những biểu hiện cụ thể cho thấy rằng các quốc gia phương Tây luôn quan tâm đến tình hình nhân quyền Việt Nam và sẽ tiếp tục gây áp lực với Hà Nội.

TTXVN hôm 2/1 nói rằng vẫn có những thế lực thù địch nhắm vào Việt Nam hòng “phá hoại” công tác dân chủ, tôn giáo để xuyên tạc tình hình nhân quyền trong nước. Dưới con mắt của TTXVN, một số tổ chức, trong đó có Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF), thường xuyên đưa ra các báo cáo có những bình luận “sai trái, phiến diện và vô căn cứ” về Việt Nam. Họ cáo buộc nước này “hạn chế” tự do tôn giáo hoặc “đàn áp” các tôn giáo.

Liên quan đến việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia trong Danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo, hãng thông tấn của nhà nước Việt Nam nói rằng cáo buộc của phía Mỹ dựa vào những tin tức “không chính xác và thiên vị”.

Trên bình diện quốc tế, các nhà hoạt động nhận định rằng trong nhiệm kỳ 3 năm của 47 quốc gia thành viên Hội Đồng Nhân quyền LHQ 2023-2025 thì có đến 70% nước thành viên không thuộc các quốc gia dân chủ, trong đó có Cuba, Trung cộng, Việt Nam…

Nhà hoạt động, luật sư nhân quyền quốc tế người Canada Hillel Neuer viết trên Twitte hôm 2/1, dẫn thống kê của Freedom House, cho biết “chỉ có 30% thành viên UNHCR năm 2023 đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu của một nền dân chủ”.

VOA (03.01.2023)

 

 

Nhà hoạt động Hoàng Văn Vượng bị bắt

Hoàng Văn Vượng

Trước đó, Hoàng Văn Vượng nhận được một cuộc điện thoại từ công ty nước nơi ông làm trước đây để đến nhận quà. Ông Vượng đi nhận quà từ công ty mà ông có bất đồng dẫn đến ông bỏ việc ở đây, và ông bị bắt sau đó.

Ngày 3/1, nhà chức trách tỉnh Đồng Nai đã tiến hành bắt giữ nhà hoạt động Hoàng Văn Vượng, 45 tuổi và khám nhà ông ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất. Tuy nhiên, gia đình không biết ông bị cáo buộc gì, và phía công an cùng truyền thông nhà nước vẫn im lặng về việc bắt giữ này.

Ông Hoàng Văn Long, anh trai của ông Vượng cho biết, vào khoảng 6 giờ 30 chiều ngày thứ Ba, một nhóm khoảng 10 người, trong đó có ba công an mặc cảnh phục, dẫn ông Vượng về nhà để khám nhà.

“Khoảng 10 người, trong đó có ba áo xanh [công an mặc cảnh phục]. Họ vào nhà bắt cúp điện rồi đọc lệnh khám nhà. Khám xét xong rồi thì họ lập biên bản.

Họ làm ra cỡ sáu tờ biên bản và bên công an yêu cầu tôi ký làm chứng.”

Phía công an có thu giữ một camera, điện thoại và laptop đã hỏng rồi dẫn ông Vượng ra xe.

Ông Long cho biết tuy ông có chứng kiến việc khám nhà và ký vào biên bản nhưng ông vẫn không biết em trai ông bị cáo buộc gì. Phía công an không đưa giấy tờ gì cho gia đình, ông nói.

Theo gia đình, trong suốt quá trình khám nhà, và kể cả lúc công an dẫn ông Vượng đi, ông này không bị khóa tay như trong nhiều trường hợp bắt giữ người bất đồng chính kiến khác.

Ông Hoàng Văn Quốc, em trai của ông Vượng nói rằng trước đó, ông Vượng nhận được một cuộc điện thoại từ công ty nước nơi ông làm trước đây để đến nhận quà. Ông Vượng đi nhận quà từ công ty mà ông có bất đồng dẫn đến ông bỏ việc ở đây, và ông bị bắt sau đó.

Facebook Hoàng Văn Vương ngày 24/11/2022 viết “Đồng chí nào có tuổi đảng nên thành lập công ty bán nước sạch nhưng bán nước bẩn vẫn thu tiền nước sạch. Ngon à nha!11” và “Công ty cấp nước sạch nhưng bán nước bẩn, ai chịu trách nhiệm?”.

Ông Đinh Quang Tuyến, một nhà hoạt động ở thành phố Hồ Chí Minh và thường xuyên giao tiếp với ông Vượng, có nhận xét về người mới bị bắt như sau:

“Tôi quen anh Vượng từ năm 2014. Anh Vượng lên tiếng phản biện từ năm 2011, đã từng bị bắt và bị đánh đập trong những năm 2011-2012.

Anh là người dân bình thường không thuộc tổ chức nào hết, thấy bất công thì lên tiếng. Anh cũng chỉ nói những gì anh ấy nhìn thấy chứng kiến thôi.

Có những cuộc biểu tình anh Vượng có tham gia với tôi hoặc với nhóm hội khác.”

Ông Tuyến cho biết ông Vượng cũng thường xuyên hỗ trợ một số tù nhân lương tâm và người hoạt động gặp hiểm nguy như ông Đinh Văn Hải và bà Hoàng Thị Thu Vang cho dù điều kiện kinh tế của gia đình ông còn khó khăn.

Theo ông Tuyến, ông Vượng không phải là một người có ảnh hưởng lớn trong giới bất đồng chính kiến và cũng ít viết trên Facebook. Do vậy, ông rất bất ngờ khi nghe tin ông Vượng bị bắt.

Trong nhiều năm gần đây, nhà chức trách Việt Nam thường sử dụng hai cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 và “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự để đàn áp giới hoạt động và người bất đồng chính kiến.

Trong năm 2022, nhà chức trách Việt Nam bắt giữ ít nhất 28 nhà hoạt động và Facebooker, 14 trong số này bị cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” và 11 người với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.” Blogger Nguyễn Lân Thắng cùng nhà hoạt động Trần Bang và “thánh rắc hành” Bùi Tuấn Lâm bị bắt với cáo buộc thứ hai.

RFA (04.01.2023)

 

 

Bóc trần sự thật về việc đảng tôn trọng nhân quyền

 

TS Phạm Đình Bá 

Báo Quân đội ngày 12/12/2022 trong chủ đề – Làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” – có bài tựa đề “Kiên định cùng thế giới thúc đẩy và bảo vệ quyền con người” với nhận định là vai trò và uy tín của Việt Nam về thúc đẩy, bảo vệ quyền con người là không thể phủ nhận được và đã được bạn bè và dư luận quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. [1] 

Bài nầy nói rằng bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam nhận định: “Trong số những cam kết của Việt Nam khi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, điều đáng khích lệ là Việt Nam đã ưu tiên thực hiện các cam kết và nghĩa vụ của mình theo các điều ước quốc tế về quyền con người”. [1]

Thực ra báo Quân đội chỉ trích một phần trong một câu của bà Pauline Tamesis, toàn vẹn câu ấy là như sau: “Trong số các cam kết của VN khi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, điều đáng khích lệ là Việt Nam đã ưu tiên thực hiện các cam kết và nghĩa vụ của mình theo các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã phê chuẩn 7 trên 9 điều ước; tăng cường giáo dục về nhân quyền; và giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng nhân quyền, đặc biệt quan tâm đến quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.” [2]

 

Đảng đã làm gì để giúp dân có nhân quyền?

Đầu tiên, đảng dùng cụm từ “quyền con người” thay vì từ “nhân quyền”, để lập lờ về các khái niệm và điều ước quốc tế về nhân quyền, thường là rất khác với khái niệm mà đảng muốn tuyên truyền là “quyền con người”. Để bóc trần sự thật về việc đảng tôn trọng nhân quyền, cần chỉ ra là việc đảng tránh các điều ước quốc tế mà đảng đã phê chuẩn, và làm lẫn lộn người đọc với cách dùng hai cụm từ nầy. 

Người xưa có câu “đục nước béo cò”, đảng ở đây là kẻ cơ hội lợi dụng sự lẫn lộn của người đọc để mong che dấu thành tích về việc đảng bảo vệ nhân quyền. Nhưng sự thật là đâu?

Điều 25 Hiến pháp năm 2013 do đảng làm có ghi 2 câu: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. 

Cách viết hiến pháp kiểu hàng hai nầy tạo nên lầm lẫn mà kẻ tạo cơ hội để đục nước béo cò là đảng, khi đảng cố tình dàn dựng để thủ lợi. Một bên, xã hội dân sự diễn giải câu đầu tiên trong hiến pháp là câu chính và cho rằng họ có các quyền căn bản theo các khái niệm và điều ước quốc tế về nhân quyền. 

Ngược lại, đảng có tầm kiểm soát gắt gao trong quá trình làm luật và vì vậy đảng đạo diễn đủ thứ luật để hạn chế nhân quyền, mặc dù trong hiến pháp có qui định về các quyền ấy để “làm cảnh”.

Các tội danh trong bộ luật hình sự có nghịch lý với hiến pháp thường được đảng dùng để đàn áp nhân quyền là “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”(Điều 79 Luật Hình sự cũ), “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 88 luật hình sự cũ) và “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”(Điều 258 Luật Hình sự cũ). Từ ngày 1/1/2018, các tội danh này được giữ lại nhưng thay đổi số thứ tự và bổ sung thêm sự chế tài trong cả trường hợp “chuẩn bị phạm tội” mà luật hình sự cũ chưa từng quy định. [3]

Dùng các tội danh nầy trong bộ luật hình sự, và sự kiểm soát của đảng trong cách làm việc của tòa án, đảng không từ cơ hội nào để lạm dụng luật pháp và tòa án để đạt được lợi ích mà đảng muốn. Cụ thể, bộ trưởng Bộ Tư pháp thường là Ủy viên Trung ương Đảng. [4] Ban Nội chính Trung ương đảng bám sát tiến độ các vụ án, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc theo yêu cầu, kế hoạch của ban Chỉ đạo. [5]

Về mặt kiểm soát và trấn áp, ngân sách năm 2021 của bộ Công an là 4,19 tỷ đô la Mỹ, gần tương đương với ngân sách bộ Quốc phòng (5,3 tỷ). Năm 2017, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị quân đội VN, xác nhận rằng VN có một đơn vị tác chiến mạng Lực lượng 47 mới gồm 10.000 dư luận viên để chống lại những chỉ trích về đảng và chính phủ trên mạng. [6] 

Một phần ngân quỹ Quốc phòng nêu ra ở trên là để trấn áp và kiểm soát dân. Năm 2017, đảng đã đổi hiến pháp để xác định rõ ràng “bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa” là một trong những nhiệm vụ cốt lõi của quân đội. [7] Bộ Quốc phòng có 450 ngàn người làm việc. Với ngân quỹ tương tự, bộ Công an chắc cũng có cả 300 ngàn người làm việc. Đảng có hơn 5 triệu đảng viên. Thế thì dưới trướng, đảng có thể huy động khoảng 6 triệu người nếu cần để đàn áp nhân quyền, nếu đảng thấy nhân quyền đe dọa “chế độ xã hội chủ nghĩa”. 

Đây là một lực lượng đồ sộ mà mỗi cá nhân phải đối mặt nếu tác nhân ấy thực sự muốn thực hiện những khái niệm và điều ước quốc tế về nhân quyền. Câu hỏi được đặt ra trong cán cân quyền lực như thế giữa thể chế và cá nhân, những tác nhân cho thay đổi có sợ không?

 

Đảng trấn áp nhân quyền như thế nào?

Các anh Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn đang bị giam cầm tổng cộng 47 năm bởi vì họ làm hội Nhà báo Độc Lập và làm báo Việt Nam Thời Báo. [8] Tội ác ở đây là từ đảng cố tình trấn áp quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin.

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, hơn 150 tù nhân chính trị tại Việt Nam hiện đang bị giam giữ chỉ vì thực thi các quyền cơ bản của họ. [9] Các blogger và nhà hoạt động nhân quyền phải đối mặt với sự sách nhiễu, đe dọa, theo dõi và thẩm vấn của công an hàng ngày. Các nhà hoạt động phải đối mặt với thời gian dài bị giam giữ trước khi xét xử, không được tiếp cận với luật sư hoặc gia đình trong một nhà nước công an độc đảng không dung thứ bất cứ bất đồng chính kiến nào.

Nhà báo công dân Đỗ Công Đương, 58 tuổi, chết ngày 2/8/2022 tại Trại giam số 6, tỉnh Nghệ An sau một thời gian dài đau ốm và được cho là không được khám chữa bệnh đầy đủ. [10] Tội ác ở đây là thể chế kiểm soát do đảng lãnh đạo đối xử tàn ác và khốc liệt với dân muốn tường trình cho xã hội những bất công mà xã hội phải gánh chịu bởi độc tài toàn trị. 

Ngày 9/8/2022, gia đình của 27 tù nhân lương tâm đã kêu gọi “các tổ chức nhân quyền quốc tế, đại diện các chính phủ tự do hãy cùng chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền phải tôn trọng quyền con người của các tù nhân lương tâm Việt Nam – được cung cấp nước sạch, thực phẩm an toàn và chăm sóc y tế kịp thời.” [10]

Bà Cấn Thị Thêu, một nông dân mất đất, hiện đang thụ án tù tám năm, từng nói với đài BBC trong lần bà được ra tù cách đây vài năm, rằng nước trong tù rất bẩn, nhà tù mùa hè nóng đến ngất xỉu, mùa đông lạnh cóng, quá khổ sở khiến bà từng đi tiểu ra máu. [10]

Người nhà ông Trần Huỳnh Duy Thức từng nói với đài BBC rằng ông ‘có biểu hiện ngộ độc’ và không dám ăn đồ ăn trại giam. Nhưng khi thấy ông ăn mì gói thì trại giam không chịu cấp nước sôi cho ông để nấu mì… [10]

Để đi đến tận cùng của sự khốn nạn, đảng đưa những tù nhân lương tâm đi thi hành án xa nhà như một hình phạt bổ sung. [11] Mới đây nhất là hai trường hợp ở Hà Nội trong cùng một vụ án, bà Nguyễn Thị Tâm bị chuyển đến Trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai cách nhà gần 1.200 km, còn ông Trịnh Bá Phương bị chuyển đến Trại giam An Điềm ở tỉnh Quảng Nam.

Bà Đỗ Thị Thu, vợ ông Phương cùng bố chồng và em chồng xuất phát từ quê nhà ở tỉnh Hòa Bình vào sáng 25/9/2022 và đến sáng hôm sau mới có mặt ở trại giam để thăm gặp ông Phương. Bà Thu nói “Từ nhà đến Trại An Điềm và quay về hết 29 tiếng. Chi phí cho một người ít nhất là 1 triệu, cả đi lẫn về.” [11]

 

Đảng có thành công trong trấn áp nhân quyền không?

Đinh Thảo nhà hoạt động trẻ khoảng 30 tuổi nói về ước nguyện cô ôm ấp bấy lâu: ”Mục tiêu cuối cùng của tôi là vận động để Việt Nam trở thành một quốc gia tôn trọng nhân quyền, có dân chủ.” [12]

Đinh Thị Thu Thủy, sinh năm 1982, đang chấp hành bản án 7 năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước. Thu Thủy dùng Facebook để lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị. [9]

Trần Hoàng Phúc, sinh năm 1994, sinh viên Đại học Luật TP Sài Gòn và là thành viên của Sáng kiến ​​thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á, bị kết án 6 năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước” vì đăng tài liệu chỉ trích chính quyền Việt Nam. Anh bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội trong những năm gần đây, bao gồm giúp đỡ nạn nhân lũ lụt ở miền Trung Việt Nam và tham gia các hoạt động ủng hộ nhân quyền. [9]

Lê Hữu Minh Tuấn, sinh năm 1989, đang chấp hành bản án 11 năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước. Tuấn tốt nghiệp Đại học Đà Nẵng và từng là sinh viên Đại học Luật Hà Nội. Anh gia nhập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam vào tháng 8 năm 2014. Với bút danh Lê Tuấn, anh đã viết về nhiều chủ đề khác nhau bao gồm nghiên cứu về sự phát triển của xã hội dân sự ở Nga và các cuộc biểu tình dân chủ ở Hồng Kông. [9]

Trong bài “Tuổi 20 và quyền tự do phản kháng theo lương tâm” trên Việt Nam Thời Báo, một cựu tù nhân lương tâm chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy bất công tràn lan trong xã hội ngày hôm nay, bất nhân giữa con người với nhau, bất trung của những vị lãnh đạo đối với đất nước và nhân dân, vì lẽ đó, chúng tôi cần phải lên tiếng.  Trong tâm hồn chúng ta định sẵn một tình yêu mãnh liệt với quê hương, với đồng bào, cho nên chúng tôi đau đáu, thổn thức, lắng lo trước hiểm họa xâm lăng đất nước mà Trung Quốc đã, đang thực hiện. Lên tiếng, phải lên tiếng, đó là mệnh lệnh của hồn thiêng sông núi và mệnh lệnh của lương tâm mình”. [13]

 

Thế thì sự thật về việc đảng tôn trọng nhân quyền là thế nào?

Trở lại bài của báo Quân đội về “Kiên định cùng thế giới thúc đẩy và bảo vệ quyền con người”, bài nầy cho rằng “Xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam qua vỏ bọc “dân chủ, nhân quyền”, bịa đặt về tình hình nhân quyền ở Việt Nam là chiêu bài cố hữu của các thế lực phản động.” và “… với việc trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia chủ động, tích cực hơn vào việc thúc đẩy những sáng kiến, giải pháp nhằm bảo đảm tốt hơn các quyền cơ bản của con người.” [1]

Tôi đọc bài phát biểu của bà Pauline Tamesis về “Nhân phẩm, Tự do và Công lý cho Tất cả” một vài lần. [2] Tôi có thể tin vào nội dung của bài ấy. Bà Tamesis có hơn 20 năm kinh nghiệm về quan hệ quốc tế, điều phối phát triển, quản lý khủng hoảng mà bà đã có được khi nắm giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao tại Liên Hiệp Quốc ở nhiều khu vực. 

Ngược lại, với quá trình làm việc có hệ thống và hèn hạ của đảng trong việc đàn áp nhân quyền trên quê hương, tôi không tin một câu nào trong bài viết của báo Quân đội.

Nhân đây, tôi xin mượn lời từ mẹ của anh Phạm Chí Dũng để thay lời kết cho bài nầy “…Trong tâm trạng của một người mẹ có con bị tù đày “tay đứt ruột xót”, gia đình rất đau buốt, nhất là những ngày năm hết Tết đến, sự thiếu vắng, đoàn tụ gia đình thật tẻ lạnh, xót xa. [14]

 Ts Phạm Đình Bá

_____________

Nguồn:

  1. Báo Quân đội Nhân dân. Kiên định cùng thế giới thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. 12/12/2022; Available from: https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/kien-dinh-cung-the-gioi-thuc-day-va-bao-ve-quyen-con-nguoi-713588.
  2. Pauline Tamesis. Dignity, Freedom and Justice for All. 09/12/2022; Available from:https://vietnam.un.org/en/210743-dignity-freedom-and-justice-all.
  3. BBC. Luật Hình sự VN mới sửa Điều 79, 88 và 258. 04/01/2018; Available from:https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42526567.
  4. Wikipedia. Bộ trưởng Bộ Tư pháp (Việt Nam). 2022; Available from:https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BB%99_tr%C6%B0%E1%BB%9Fng_B%E1%BB%99_T%C6%B0_ph%C3%A1p_(Vi%E1%BB%87t_Nam).
  5. Hoài Nguyễn. VNTB – Việt Nam tuyên bố tiếp tục làm án theo chỉ đạo. 30/12/2022; Available from:https://vietnamthoibao.org/vntb-viet-nam-tuyen-bo-tiep-tuc-lam-an-theo-chi-dao/.
  6. Wikipedia. Censorship in Vietnam. 2022; Available from:https://en.wikipedia.org/wiki/Censorship_in_Vietnam.
  7. Thayer, C.A., Military politics in contemporary Vietnam: political engagement, corporate interests, and professionalism, in The Political Resurgence of the Military in Southeast Asia. 2012, Routledge. p. 63-84.
  8. VOA. VNTB – Nhà báo Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù, 3 năm quản chế. 05/01/2021; Available from:https://vietnamthoibao.org/vntb-nha-bao-pham-chi-dung-bi-ket-an-15-nam-tu-3-nam-quan-che/.
  9. Human Rights Watch. Free Vietnam’s Political Prisoners!2022; Available from: https://www.hrw.org/video-photos/interactive/2022/12/21/free-vietnams-political-prisoners.
  10. BBC. Ông Đỗ Công Đương chết trong tù và lời kêu gọi ‘quyền chữa bệnh’ cho tù nhân. 10/08/2022; Available from:https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-62488326.
  11. RFA, Tù nhân lương tâm bị đưa đi thi hành án xa nhà như một hình phạt bổ sung.27/09/2022.
  12. BBC. Nhà hoạt động Đinh Thảo: Biết là sẽ gặp khó khăn ‘nhưng vẫn phải về’. 15/11/2019; Available from:https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50429803.
  13. Paulus Lê Sơn. VNTB – Tuổi 20 và quyền tự do phản kháng theo lương tâm. 08/07/2017; Available from:https://vietnamthoibao.org/vntb-tuoi-20-va-quyen-tu-do-phan-khang-theo-luong-tam/.
  14. Xuân Minh.https://vietnamthoibao.org/vntb-pham-chi-dung-chong-hay-bao-ve-nha-nuoc-viet-nam/. 26/02/2021; Available from: VNTB – Phạm Chí Dũng chống hay bảo vệ nhà nước Việt Nam?

 

VNTB (05.01.2023)