Đặng Xương Hùng

Tiêu đề của bài viết này bắt chiếc hồi ký « Tôi phải sống » của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ. Ban đầu cũng định đặt là Tôi phải viết, nhưng cân nhắc câu chuyện tôi viết dưới đây về Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, không to tát lắm, nên tôi hạ xuống thành tôi nên viết. Mục đích để cho những người hiểu biết nhiều về Công Giáo tham khảo, sau vụ tấn phong « Linh mục » Hồ Hữu Hòa.

Tôi có một kỷ niệm không đẹp, nếu không muốn nói là xấu với Đức Cha Nguyễn Thái Hợp.

Tháng 5/2016, một phái đoàn do Đức Cha dẫn đầu sang Genève, trong một cuộc vận động đấu tranh chống ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra ở miền trung. Ngay trước khi chuẩn bị đón đoàn, chúng tôi đã được cảnh báo Đức Cha là người thân cộng cực kỳ trong thời gian Đức Cha học tại Fribourg – Thụy sĩ (1972-1978).

Tôi, một người từ phía cộng sản chạy sang, đã bênh vực Đức Cha. Tôi đã phân tích cho mọi người rằng một người thân cộng thời kỳ trước đây, đều có thể vỡ lẽ sau khi đã nhận ra bộ mặt của cộng sản.

Tuy nhiên, trên xe đưa đoàn từ sân bay về khách sạn, do ấn tượng không thể phai nhòa, một cựu sinh viên Fribourg cùng thời với Đức Cha, đã tố cáo Đức Cha rất nhiều với những người trên xe, trong đó có 2 Linh mục cùng đoàn.

Tôi được gặp và chào Đức Cha trong vòng hai, ba phút trong sảnh khách sạn nằm trên đường Route de Lausanne-Genève. Tôi không có ấn tượng nhiều về Đức Cha ngoài nhận xét Đức Cha đẹp và hiền từ. Vì đoàn đến khá muộn, nên tôi và anh nữa được cử đi mua bữa tối (đêm) cho đoàn.

Ngày hôm sau, dự kiến tôi sẽ được cùng cả đoàn vào dự buổi gặp với chính giới Thụy sĩ tại Điện Palais Eynard. Nhưng chỉ 20 phút trước cuộc gặp, tôi được thông báo là Đức Cha không muốn sự có mặt của tôi. Tôi vô cùng ngạc nhiên và bất ngờ. Rất nhiều người bất bình. Người đứng ra tổ chức cuộc gặp còn nói Đức Cha là khách, theo sự sắp xếp của chúng tôi, tại sao được quyền ra điều kiện. Tuy nhiên, vì mục đích xa hơn, tôi đã chấp hành mệnh lệnh của tổ chức, ra về cùng một người khác, người này tỏ thái độ tẩy chay cuộc gặp.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, chúng tôi đã phải hủy cuộc gặp của Đức Cha với cộng đồng người Việt vào ngày hôm sau, đề phòng những phản ứng bất lợi cho Đức Cha.

Tôi rất tiếc, không phải là tiếc không được theo đoàn với Đức Cha, mà là tiếc không được vào lại Điện Palais Eynard với tư cách một người chống đối chế độ tại Việt Nam. Năm 2008, tôi đã vào Điện Palais Eynard với tư cách là Lãnh sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Genève.

Với sự nhạy cảm của người đã từng làm cộng sản, tôi đã thổ lộ những nghi ngờ của tôi về sự xâm nhập của an ninh cộng sản vào cộng đồng Công giáo, với những đồng sự của tôi ngay sau sự kiện. Nhưng ngày đó, trọng lượng những phân tích của tôi còn quá nhỏ, thậm chí người ta vẫn còn nghi ngờ « sự nằm vùng » của tôi.

Cho đến tận lúc này, tôi vẫn chưa hiểu lý do gì mà Đức Cha loại tôi ra trong sự kiện đó. Tôi đã từng so sánh hai sự việc: năm 1976, Đức Cha trả hộ chiếu Việt Nam Cộng hòa để đổi lấy hộ chiếu của Việt Nam dân chủ cộng hòa, tức là lấy quốc tịch cộng sản; năm 2013, tôi vứt bỏ thẻ đảng cộng sản để đi với cờ vàng. Tôi muốn dành sự đánh giá phân định cho các bạn độc giả về chuyện này.

Tôi viết lại câu chuyện này sau khi nghe tin tức Đức Cha có ảnh hưởng trong việc tấn phong « Linh mục » Hồ Hữu Hòa.

Đặng Xương Hùng