Đoàn nghị sĩ EU ‘thất vọng’ vì Việt Nam chưa cải thiện nhân quyền như cam kết trong EVFTA

Đoàn nghị sĩ Tiểu ban Nhân quyền Nghị viện EU thăm Việt Nam, từ ngày 4/4 đến 6/4, 2023. Photo Twitter Giorgio Aliberti .

 

Các thành viên của Nghị viện châu Âu vừa nêu lên những quan ngại về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội từ ngày 4/4 đến ngày 6/4, sau hơn hai năm Việt Nam thực thị Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-EU (EVFTA).

Trong thông cáo báo chí hôm 6/4, phái đoàn gồm 6 nghị viên Liên hiệp Châu Âu (EU) ghi nhận những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong cuộc chiến chống đói nghèo và bất bình đẳng, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam, nhưng đồng thời bày tỏ “quan ngại sâu sắc về tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ ở Việt Nam”.

Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti hôm 7/4 viết trên Twitter: “Phái đoàn quan trọng của Tiểu ban Nhân quyền Quốc hội châu Âu tới Việt Nam để thảo luận về cách thức phát triển hơn nữa sự hợp tác của chúng ta về các vấn đề nhân quyền và đảm bảo thực hiện đầy đủ các cam kết”.

Thông cáo của các nghị viên EU đặc biệt quan ngại về không gian dành cho xã hội dân sự bị thu hẹp, việc lạm dụng “các quy định mơ hồ” của bộ luật hình sự để đàn áp những tiếng nói phản biện, sách nhiễu các nhà hoạt động, đàn áp về quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là trong không gian trên mạng, và quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.

Các nghị viên nhấn mạnh niềm tin mạnh mẽ của họ rằng quyền tự do của các cá nhân là nền tảng cho sự thịnh vượng chung, và rằng các tổ chức xã hội dân sự độc lập và mạnh mẽ là rất quan trọng để vượt qua các thách thức cả ở Việt Nam và trên toàn thế giới.

“Phái đoàn tái xác nhận đề nghị của EU về tăng cường hợp tác với Việt Nam để cải thiện tình hình nhân quyền ở nước này”, thông cáo viết.

Phái đoàn cũng kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm ở Việt Nam, bao gồm cả lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ, các nhà báo và các nhà hoạt động môi trường. Ngoài ra, liên quan vấn đề này, phái đoàn nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo quyền được xét xử công bằng cho họ.

“Họ nhấn mạnh rằng là một phần quan trọng của thỏa thuận này, Việt Nam đã cam kết cải thiện tình hình nhân quyền và nhấn mạnh sự thất vọng của họ vì điều đó vẫn chưa được thực hiện”, thông cáo viết.

 

Các nghĩa vụ của EVFTA, có hiệu lực từ tháng 8/2020, cũng bao gồm việc phê chuẩn và thực hiện các công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Các thành viên phái đoàn lưu ý rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam có kế hoạch trình Quốc hội phê chuẩn công ước 87 của ILO trong năm 2023.

Phái đoàn đã nhắc lại quan điểm phản đối chính của EU đối với hình phạt tử hình và kêu gọi hoãn thi hành án tử hình như là bước đầu tiên dẫn đến việc cuối cùng là bãi bỏ hình phạt tử hình ở Việt Nam.

Các thành viên của phái đoàn cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng buôn bán người, lao động cưỡng bức và luật pháp hiện hành hạn chế quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, vẫn theo thông cáo của Quốc hội EU.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị cho ý kiến về các phát biểu trên của phái đoàn nhân quyền nghị viên EU, nhưng chưa được phản hồi.

Tại Việt Nam, đoàn đã có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (NAFAC) cùng với đại diện lãnh đạo Ủy ban Tư pháp và Xã hội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, Viện trưởng và các thành viên Viện Nhân quyền, Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản, cũng như các tổ chức phi chính phủ.

Từ Đức, ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc Điều hành của tổ chức nhân quyền VETO! Mạng lưới Những người Bảo vệ Nhân quyền, nêu nhận định với VOA về sự quan tâm của phái đoàn EU về tình hình nhân quyền Việt Nam:

“Sau khi ký Hiệp định thương mại EVFTA phía EU hoàn toàn thất vọng. Thí dụ, người có nhiều đóng góp ý kiến cho Quốc hội EU là ông Phạm Chí Dũng, bị kết án 15 năm tù, cũng như vẫn chưa có người nào trong danh sách 11 tù nhân chính trị mà Uỷ ban Thương mại Quốc tế của Quốc hội EU trao cho Việt Nam năm 2019 được thả”.

“Các tổ chức ở Việt Nam muốn thúc đẩy cho việc đối thoại các định chế xã hội dân sự của hai bên bị bắt và bị kết án tù, các tổ chức lo về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cũng bị đàn áp nặng nề…”

“Danh sách về những thiếu sót thì rất là dài… cho nên việc Tiểu ban Nhân quyền Quốc hội Âu châu đến Việt Nam lần này là rất cần thiết”.

 

Từ Anh Quốc, ông Sơn Trần, Phó Giám đốc Hội bảo vệ Người Lao động Việt Nam, chia sẻ với VOA ý kiến đề xuất liên quan đến quyền của người lao động:

“Chúng tôi đề nghị rằng ILO nên tư vấn và tạo áp lực để chính phủ Việt Nam ban hành các văn bản cho phép công nhân được thành lập những nghiệp đoàn độc lập, không lệ thuộc vào chính phủ. Chúng tôi cũng đề nghị Quốc hội Âu châu nên kêu gọi Việt Nam thả những nhà bất đồng chính kiến mà họ hoạt động cho môi trường, họ hoạt động cho việc tuân thủ Hiệp định EVFTA giữa EU và Việt Nam”.

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, cho rằng nước này tôn trọng các quyền căn bản của con người, chỉ bắt giam và xét xử “những ai vi phạm pháp luật”.

Hồi cuối tháng 3/2023, bà Phạm Thu Hằng, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với báo giới: “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước… Tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trong thực tiễn”.

Phái đoàn nghị sĩ EU đến Việt Nam do Dân biểu người Đức Udo Bullmann, Trưởng ban Nhân quyền, dẫn đầu. Các dân biểu khác bao gồm Isabel Wiseler-Lima (Luxembourg), Cheorghe-Vlad Nistor (Rumania) và Leopoldo Lopez Gil (Tây Ban Nha), Nacho Sanchez Amor (Tây Ban Nha), Isabel Santos (Bồ Đào Nha), và Urmas Paet (Estonia).

Nghị sĩ Bullmann viết trên Twitter hôm 6/4: “Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi chính phủ Việt Nam dọn đường cho các quyền tự do công dân mà họ đã cam kết và trở thành tiếng nói tiến bộ toàn cầu mà chúng tôi mong muốn”.

 

VOA (07.03.2023)

 

 

 

 

Đoàn Dân biểu Quốc hội Châu Âu thăm Việt Nam, chỉ trích tình trạng nhân quyền tồi tệ

 

Phái đoàn Dân biểu Quốc hội Châu Âu thăm Việt Nam từ ngày 4 đến 6 tháng 4 năm 2023 RFA

 

Từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 4, một phái đoàn Dân biểu Quốc hội Châu Âu thuộc Phân ban Nhân quyền viếng thăm Việt Nam, do Dân biểu người Đức Udo Bullmann, Trưởng ban Nhân quyền dẫn đầu. Trong Phái đoàn có các Dân biểu Isabel Wiseler-Lima (Luxembourg), Cheorghe-Vlad Nistor (Rumania) và Leopoldo Lopez Gil (Tây Ban Nha) thuộc Đảng Bình dân Châu Âu; Nacho Sanchez Amor (Tây Ban Nha) va Isabel Santos (Bồ Đào Nha) thuộc Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ tại Quốc hội Châu Âu; và Urmas Paet (Estonia), thuộc Đảng Renew tại Châu Âu.

 

Mục tiêu chuyến viếng thăm là điều tra tình trạng nhân quyền tại Việt Nam và đánh giá tác động đến nhân quyền của Hiệp định Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam (EVFTA), đã có hiệu lực gần ba năm qua, từ ngày 1 tháng 8 năm 2020.

 

Kết thúc chuyến viếng thăm vào chiều thứ năm (6/4/2023), Phái đoàn Quốc hội Châu Âu đã mở cuộc họp báo ở Hà Nội để nói lên “sự quan ngại sâu sắc trước tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ” tại Việt Nam. Họ chỉ trích những vi phạm nhân quyền trên các lĩnh vực xã hội và chính trị, “đặc biệt là không gian tự do của xã hội dân sự bị thu hẹp, các điều luật mơ hồ trong Bộ luật Hình sự được sử dụng để dập tắt mọi tiếng nói bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động xã hội dân sự bị sách nhiễu, tự do ngôn luận bị bóp nghẹt, đặc biệt là ngôn luận trực tuyến, và quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng bị hạn chế”. Phái đoàn còn kêu gọi Việt Nam trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm, kể cả những lãnh tụ các tổ chức phi chinh phủ (NGO), nhà báo và nhà hoạt động bảo vệ môi sinh.

 

Trước khi rời Hà nội, Dân biểu Quốc hội Châu Âu Nacho Sanchez Amor đã dành cuộc phỏng vấn đặc biệt cho Đài Á Châu Tự do qua đường dây viễn liên về chuyến viếng thăm Việt Nam nói trên.

 

Ỷ Lan Xin chào Dân biểu Sanchez Amor. Ông là người Tây Ban Nha, thuộc Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ tại Quốc hội Châu Âu. Trước hết, xin ông cho biết mục tiêu của chuyến viếng thăm này ?

Nacho Sanchez Amor: Chuyến viếng thăm là của Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu. Nhiệm vụ của chúng tôi không liên quan trực tiếp đến các vấn đề chính trị, mà liên quan rất nhiều đến thương mại. Trong Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có một chương dành riêng cho các điều kiện dân chủ. Chúng tôi quyết định đến đây để xem xét tình trạng cải thiện như thế nào, và đánh giá những cam kết của chính quyền Việt Nam khi ký kết Hiệp định EVFTA được tôn trọng đến mức nào ?

 

Ỷ Lan : Xin ông vui lòng cho biết cảm tưởng về chuyến viếng thăm này ?

Nacho Sanchez Amor : Cảm tưởng của chúng tôi là Việt Nam đang có những tiến bộ kinh tế rất đáng kể. Nhưng xét về khía cạnh nhân quyền, tình hình trước và sau khi EVFTA được ký kết hoàn toàn giống nhau không có tiến bộ, không có cải thiện về nhân quyền, không có tự do ngôn luận. Các tổ chức phi chính phủ gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều hành các hoạt động của họ. Vì vậy, mặc dù chúng tôi xét thấy các khía cạnh thương mại của hiệp định đang hoạt động tương đối tốt, chúng tôi rất, rất thất vọng vì không có tiến triển nào liên quan đến việc tôn trọng nhân quyền và cải cách dân chủ. Chúng tôi không thấy bất kỳ sự cởi mở hay thiện chí nào của chính quyền Việt Nam trong việc tôn trọng những điều họ cam kết khi ký kết EVFTA.

Dân biểu Quốc hội Châu Âu Nacho Sanchez Amor

 

Ỷ Lan : Ngoài những cuộc gặp gỡ với các cơ quan Chính phủ, phái đoàn có tiếp xúc với những nhà hoạt động xã hội dân sự không?

Nacho Sanchez Amor : Chắc bà sẽ hiểu lý do vì sao tôi không thể tiết lộ tên tuổi của những nhà hoạt động xã hội dân sự mà chúng tôi được gặp trong chuyến viếng thăm Việt Nam này. Về phía chính quyền, chúng tôi đã gặp Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao và nhiều viên chức trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, Quốc hội, Ban Tôn giáo Chính phủ, Viện Nghiên cứu Nhân quyền và Bộ Công an. Chúng tôi đã gặp gỡ giới ngoại giao tại Hà Nội, cũng như các phóng viên báo chí quốc tế, không phải để phỏng vấn mà để hiểu thêm về tình hình trong nước. Và đương nhiên chúng tôi đã gặp các đại diện xã hội dân sự. Nhưng như tôi đã nói, tôi không muốn tiết lộ tên của họ.

 

Ỷ Lan Phái đoàn có nêu các trường hợp tù nhân lương tâm bị giam giữ với nhà cầm quyền Việt Nam không? Ông có thăm được tù nhân chính trị nào ở Hà Nội?

Nacho Sanchez Amor : Vâng, chúng tôi đã đích thân đệ trình danh sách các tù nhân lương tâm cho tất cả các cơ quan có thẩm quyền liên quan, và yêu cầu phải trả tự do cho họ. Rất tiếc chúng tôi không được phép thăm tù nhân lương tâm trong tù.

 

Ỷ Lan Ông có nghĩ rằng chuyến viếng thăm này đã giúp các Dân biểu Quốc Hội Châu Âu có hình ảnh rõ hơn về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam ?

Nacho Sanchez Amor : Vâng, tôi nghĩ chúng tôi đã có hình ảnh chính xác hơn. Có một số lĩnh vực mà chúng tôi có thể làm việc chung với chính quyền. Việt Nam có thiện chí giải quyết vấn đề lao động trẻ em và nạn buôn người, vâng, điều đó rõ ràng. Nhưng các khía cạnh khác, như tình hình nhân quyền nói chung, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, không gian thu hẹp của xã hội dân sự – rõ ràng chính quyền không có thiện chí nào để thúc đẩy cải cách chính trị. Đây là lý do vì sao chúng tôi rất thất vọng. Bởi vì những cải cách về chính trị và nhân quyền là một phần không thể thiếu của Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam mà cả hai chúng ta [các quốc gia] đều cam kết. Chúng tôi đã khẳng định mạnh mẽ với Việt Nam là phải thực hiện cam kết phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao Động Quốc tế (ILO) liên quan đến việc thành lập các công đoàn độc lập. Nhưng cho đến nay chúng tôi chưa thấy Việt Nam có bất kỳ nỗ lực nào để thực hiện những cam kết này.

 

Ỷ Lan : Như vậy, sau chuyến viếng thăm này, phái đoàn sẽ mang thông điệp gì cho Quốc Hội Châu Âu ?

Nacho Sanchez Amor : Chúng tôi sẽ nói với Quốc Hội Châu Âu rằng Việt Nam hứa rõ ràng sẽ thực hiện các cải cách về dân chủ được nêu trong Hiệp định Thương mại EVFTA. Nhưng sau khi Hiệp định được ký kết, Việt Nam chẳng thực hiện sự cải cách chính trị nào, thậm chí không có sự cởi mở nhỏ nhất liên quan đến các hoạt động của xã hội dân sự. Đây là điều thật đáng thất vọng và nên là bài học cho Quốc Hội Châu Âu, nơi có quyền bật đèn xanh cuối cùng để thông qua các hiệp định thương mại. Chúng ta phải thực thi thiết lập những cơ chế thực thi để đảm bảo đôi bên phải thực hiện đầy đủ những cam kết nêu trong các hiệp định thương mại.

 

Ỷ Lan : Xin cảm ơn Dân biểu Quốc Hội Châu Âu Sanchez Amor đã dành cuộc phỏng vấn này cho Đài Á Châu Tự Do. Chúc ông và phái đoàn thượng lộ bình an !

 

Ỷ Lan

RFA (06.04.2023)

 

 

 

Chính quyền buộc tháo dỡ chùa Thiên Quang; nhà ngoại giao Đức đến thăm

Bà Tina Spicher, Phó Tổng Lãnh Sự Đức tại thành phố Hồ Chí Minh thăm Chùa Thiên Quang, ngày 5/4/2023. Facebook Chua Thien Quang.

 

Chính quyền huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa quyết định yêu cầu trụ trì chùa Thiên Quang phải tháo dỡ những công trình tồn tại nhiều năm qua, tuy nhiên sư trụ trì này nói với VOA rằng nếu ông chịu đi theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam được nhà nước hậu thuẫn thì ngôi chùa của ông có thể được tồn tại.

Chùa Thiên Quang, tọa lạc tại xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, là một cơ sở tôn giáo độc lập được hình thành từ năm 2000, là nơi sinh hoạt cho tăng chúng và đạo tràng ở khu vực này. Từ khi các tu sĩ ở đây quyết định đi theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, một giáo hội không được chính quyền Việt Nam công nhận, họ được cho là bị “đưa vào tầm ngắm” của chính quyền địa phương.

Thích Thiên Thuận, sáng lập chùa Thiên Quang, cho VOA biết về quyết định tháo dỡ của chính quyền:

“Qua quá trình sinh hoạt cũng gặp rất nhiều khó khăn. Những công trình được xây dựng từ năm 2000, sau đó là 2006, và 2018. Bây giờ họ ra quyết định đòi tháo dỡ hết những công trình đã xây dựng”.

“Đứng trước tình cảnh này nhà chùa rất bàng hoàng”, vị trụ trì chùa cho biết.

Ông cho biết thêm rằng chính quyền các cấp từ xã, huyện, tỉnh đã đến vận động các chư tăng ở chùa đi theo và chịu sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng các chư tăng đã từ chối, nói rằng họ muốn sinh hoạt tôn giáo độc lập.

 

 

Đại đức Thích Thiên Thuận cho biết nếu ông thuận theo yêu cầu của chính quyền thì họ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ông và nhà chùa, cũng như ông sẽ được “yên ổn”.

Ông cho biết chính quyền hôm 28/3 một lần nữa đến vận động:

“Họ từ phòng Tài nguyên, Ban Tôn giáo, Chính quyền, Mặt trận…gồm có 7 người xuống đây làm việc, và nội dung cũng loanh quanh như vậy.

“Tôi trình bày với họ rằng sở dĩ chùa Thiên Quang xây dựng trên đất nông nghiệp hay đất cây lâu năm do chúng tôi từ năm 2000 đã xin tạm trú, thường trú nhưng quý vị đã từ chối và cho đến bây giờ vẫn chưa được thường trú ở ngôi chùa của mình.

“Các loại giấy tờ về đất đai để xin làm hợp pháp, họ cũng từ chối và họ chưa bao giờ ký cho nhà chùa một tờ giấy nào cả.

“Nhưng vì nhu cầu sinh hoạt tâm linh, tôn giáo ở đây rất lớn, nên nhà chùa có làm những công trình cấp 4 như nhà gỗ, tiền chế bằng sắt, vách trống… không kiên cố đến nỗi vi phạm pháp luật”.

Hôm 17/3, chính quyền huyện Xuyên Mộc phát đi thông báo về việc “đề nghị di dời tài sản, hiện vật ra khỏi công trình” này, bao gồm cả tượng Phật và không gian thờ tự, trong vòng 20 ngày.

Hôm 5/4, bà Tina Spicher, Phó Tổng Lãnh Sự Cộng Hoà Liên Bang Đức tại thành phố Hồ Chí Minh, đến thăm ngôi chùa này và gặp gỡ các chư tăng ở đây, theo trang Facebook của Chùa Thiên Quang.

Nhà ngoại giao Đức này “đến để thăm hỏi, chia sẻ cũng như thể hiện sự quan tâm đến hiện trạng của nhà chùa trước những quyết định cưỡng chế từ phía chính quyền”, trang này viết, đăng kèm theo các hình ảnh của bà Spicher.

VOA đã email Tổng Lãnh sự quán Đức để tìm hiểu thêm về chuyến thăm này, nhưng chưa được phản hồi ngay.

Trước đó, vào cuối năm 2021, giới ngoại giao phương Tây, bao gồm Đức và Mỹ, đã đến thăm chùa, sau khi cơ sở này nhận được quyết định tương tự của chính quyền ký vào ngày 5/11/2021, trong đó nêu lý do tháo dỡ là vì “dự án làm kênh thủy lợi”. Sau đó, hai cơ quan ngoại giao của Đức và Mỹ đã gửi công hàm đến chính quyền tỉnh bày tỏ sự quan tâm của họ đối với ngôi chùa này, và đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam tôn trọng quyền tự do tôn giáo.

Vị sư trụ trì nói với VOA rằng dự án kênh mương này chưa bao giờ được triển khai và nay không nghe chính quyền nhắc đến nữa.

Các cấp chính quyền ở Xuyên Mộc, UBND tỉnh và Ban Tôn giáo tỉnh không trả lời ngay kêu cầu bình luận của VOA.

Hòa thượng Thích Vĩnh Phước, thuộc Tăng Đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nói với VOA rằng chính quyền ép tháo dỡ chùa Thiên Quang vì người sáng lập chùa này đi theo giáo hội không do nhà nước quản lý.

“Nhà nước trước đây bày ra việc làm con mương để cưỡng chế việc xây dựng của chùa Thiên Quang. Bây giờ lại bày ra việc “đất nông nghiệp”, “đất trồng cây lâu năm” bị biến thành khu vực nhà ở [phi nông nghiệp].

“Cốt lõi ở đây là thể chế: nhà nước Cộng sản Việt Nam muốn tất cả các tôn giáo nằm trong sự quản lý của họ. Với Phật giáo thì phải đưa vào và nằm trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và nếu những vị thầy nào, những ngôi chùa nào không nằm trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam – thường được gọi là Giáo hội Quốc doanh – đều bị trấn áp và bị cô lập, cho dù mình có xin gì đi nữa, làm đơn xin cho đúng nguyên tắc pháp lý thì họ cũng không giải quyết”.

 

Trong các báo cáo về tự do tôn giáo ở Việt Nam gần đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết “Chính quyền cấp tỉnh và địa phương tiếp tục các dự án phát triển kinh tế – xã hội và đòi hỏi phải thu hồi quyền sử dụng đất và phá dỡ tài sản của các tổ chức tôn giáo hoặc các cá nhân trên cả nước”.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn thông tin một tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Hoa Kỳ, cho biết rằng chính quyền tiếp tục sách nhiễu các cộng đồng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất với nỗ lực tịch thu các đền chùa, cơ sở của họ và buộc các thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam được chính quyền công nhận.

Báo cáo năm 2021 của Bộ Ngoại giao Mỹ viết: “Đại sứ Hoa Kỳ, Đại biện và các viên chức đại sứ quán và tổng lãnh sự quán tiếp tục hối thúc chính quyền cho phép tất cả các nhóm tôn giáo hoạt động một cách tự do, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các hội thánh Tin lành và Công giáo tư gia, và các nhóm Cao Đài và Hòa Hảo độc lập”.

Vào tháng 12/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt vì vi phạm tự do tôn giáo. Hà Nội nói rằng hành động này của Washington là “dựa trên những đánh giá thiếu khách quan cũng như các thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam”. Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân”.

 

VOA (06.04.2023)

 

 

 

HRW: Việt Nam muốn chặn tài trợ quốc tế đến các tổ chức xã hội dân sự

Nhà hoạt động Đặng Đình Bách trong một buổi thuyết trình Fb Trần Phương Thảo

 

Chính phủ Việt Nam muốn ngăn chặn sự trợ giúp quốc tế dành cho xã hội dân sự trong nước khi kết án lãnh đạo một tổ chức xã hội dân sự (XHDS) với tội danh nguỵ tạo “trốn thuế,” tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói trong bình luận về phản hồi của Hà Nội về việc bắt giữ và bỏ tù nhà hoạt động này.

Trong văn bản đề ngày 17/3 gửi Thủ tục đặc biệt (Special Procedures) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva phản hồi văn bản chất vấn hồi tháng 2/2022 của năm Báo cáo viên đặc biệt về việc bắt giữ tùy tiện hai nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy và Đặng Đình Bách.

 

Hà Nội yêu cầu LHQ xem xét các thông tin “thiếu tính xây dựng”

Đại diện chính phủ khẳng định với quốc tế việc kết án ông Bách, Giám đốc tổ chức phi chính phủ mang tên Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD), về tội danh “trốn thuế” là đúng luật.

Họ cũng nói, những cáo buộc ông Bách bị bắt vì thực hiện quyền tự do ngôn luận và hoạt động nhân quyền là vô căn cứ, sai sự thật, là suy diễn tiêu cực, định kiến về tình hình nhân quyền Việt Nam. Hà Nội yêu cầu cơ quan nhân quyền LHQ xem xét các thông tin bị cho là “thiếu tính xây dựng” trong trường hợp của ông Bách.

Trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 06/4, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW nói:

Bằng việc kết tội Đặng Đình Bách, nhà cầm quyền Việt Nam muốn hạn chế quyền nhận hỗ trợ nước ngoài của các nhóm xã hội dân sự.

Chính phủ Việt Nam không muốn xã hội dân sự hoạt động và muốn tất cả tiền nước ngoài được gửi trực tiếp đến các cơ quan của đảng và chính phủ.”

Ông cho rằng thay vì bức hại các nhà hoạt động môi trường bằng cáo buộc nguỵ tạo, Chính phủ Việt Nam nên truy quét nạn tham nhũng nghiêm trọng ở các bộ và doanh nghiệp nhà nước vì tệ nạn này đã làm giàu các cán bộ cấp cao của Đảng và làm nghèo người dân.

Trong văn bản trả lời của Việt Nam được cơ quan nhân quyền LHQ công bố gần đây, Hà Nội nói việc bắt giữ và kết tội ông Bách đều tuân thủ các thủ tục tố tụng.

Trong khi ông Bách đã và đang phản đối việc bị kết tội với bản án năm năm tù, Chính phủ Việt Nam lại nói ông và luật sư bào chữa không có ý kiến hoặc khiếu nại gì về quá trình bắt, truy tố và tạm giam.

Ông Bách, người đang thụ án tù tại Trại giam số 6 (Nghệ An), có kế hoạch tuyệt thực từ cuối tháng 7 tới để đòi được trả tự do. Từ giữa tháng 3, ông chỉ ăn một bữa thay vì ba bữa mỗi ngày.

Việt Nam nói lĩnh vực hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững không thuộc đối tượng được miễn thuế và trong quá trình nhận tài trợ từ nước ngoài, ông Bách không làm thủ tục xét duyệt; quy trình tiếp nhận tài trợ từ nước ngoài không được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hà Nội còn cáo buộc ông Bách đã trực tiếp yêu cầu nhân viên của mình không nộp hồ sơ thuế, trốn thuế và để ngoài sổ sách các khoản tiền nhận từ nước ngoài.

 

Việt Nam trả lời lòng vòng về trường hợp Huỳnh Thục Vy

Trong phản hồi về cáo buộc bỏ tù nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy chỉ vì bà thực hiện quyền biểu đạt bằng cách xịt sơn lên quốc kỳ, Chính phủ Việt Nam nói bà Vy đã vi phạm nhiều lần lệnh quản chế trong thời gian tại ngoại để nuôi con nhỏ.

Bà Huỳnh Thục Vy. Facebook Huỳnh Thục Vy

 

Tuy nhiên, theo ông Phil Robertson, Việt Nam không tập trung vào nội dung chất vấn chính của Thủ tục đặc biệt LHQ mà đi vào tiểu tiết. Đại diện HRW nói: 

Việt Nam bỏ qua vấn đề vấn đề cốt lõi trong trường hợp của Huỳnh Thục Vy, đó là việc cô bị bắt và bỏ tù vì thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.  

Không ai phải đối mặt với cáo buộc hình sự, chưa kể đến án tù, chỉ vì làm xấu một biểu tượng của nhà nước, chẳng hạn như một lá cờ.”

Bà Vy, 38 tuổi, bị kết án hai năm chín tháng tù giam năm 2018 với hành vi xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng để phản đối chính phủ. Bà được hoãn thi hành án tù hai lần do đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 12/2021 bà bị buộc thi hành án tù sớm khi con thứ hai vẫn chưa đủ 36 tháng tuổi như luật pháp quy định và hiện đang bị giam ở Trại giam Gia Trung (Gia Lai).

Phía Việt Nam bác bỏ cáo buộc bỏ tù bà Vy vì bà thực hành quyền tự do biểu đạt.

Cả bà Vy và ông Bách được nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế xếp vào dạng tù nhân chính trị hoặc tù nhân lương tâm, và kêu gọi Việt Nam trả tự do cho họ cùng với những tù nhân khác bị giam giữ chỉ vì hoạt động nhân quyền hoặc thực thi quyền con người một cách ôn hoà.

Theo HRW, Việt Nam hiện đang giam giữ 160 tù nhân chính trị. Việt Nam luôn khẳng định không có tù nhân lương tâm hoặc tù nhân chính trị, và chỉ giam giữ những người vi phạm pháp luật.

 

RFA (06.04.2023)

 

 

 

Australia cần nêu vấn đề vi phạm nhân quyền trong chuyến thăm Việt Nam

Toàn quyền David Hurley cần đặt ưu tiên cao về nhân quyền trong chương trình

 

Toàn quyền Australia David Hurley sẽ thăm Hà Nội vào tuần này để kỷ niệm 50 nămthiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Australia và Việt Nam.

Ông Hurley cần nêu các mối quan ngại nghiêm trọng về nhân quyền trong các dịp công khai và các cuộc gặp riêng với giới lãnh đạo Việt Nam. Một việc thiết yếu ông cần làm là thảo luận về tình trạng của hơn 160 người đang bị giam giữ vì đã ôn hòa thực thi các quyền cơ bản của mình.

Ông Hurley cần kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích tất cả các tù nhân chính trị, và đưa ra yêu cầu đặc biệt về việc phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện đối với công dân Australia Châu Văn Khảm nay đã 73 tuổi, cùng với các nhà hoạt động nổi tiếng như Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng, Hoàng Đức Bình, Lê Đình Lượng, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Cấn Thị Thêu.

Ông Hurley cũng cần kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt hạn chế quyền tự do đi lại đối với các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền. Năm ngoái, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố bản phúc trình chi tiết, “Nhốt chúng tôi ở trong nhà,” ghi chép cụ thể nhiều cách thức chính quyền Việt Nam thường xuyên vi phạm quyền tự do nói trên.

Chính quyền Việt Nam cũng áp chế các hoạt động tôn giáo, vi phạm quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của các tổ chức tôn giáo độc lập không cam chịu đi theo đường lối của chính quyền. Ông Hurley cần kêu gọi chính quyền cho phép các tổ chức tôn giáo được tự do tiến hành các hoạt động tôn giáo của mình mà không bị chính quyền can thiệp.

Do trùng hợp về thời gian, chuyến thăm của ông Hurley có thể được coi là một sự khởi động ở cấp cao hướng tới cuộc Đối thoại Nhân quyền Australia – Việt Nam lần thứ 18 vào cuối tháng Tư. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã liên tục kêu gọi chính phủ Australia sử dụng các cuộc đối thoại để gây sức ép yêu cầu phải có các chỉ dấu rõ ràng, cụ thể và có thể kiểm chứng để đạt được tiến bộ trong các lĩnh vực này và đặt ra các hậu quả chế tài đối với quan hệ song phương nếu các vi phạm đó vẫn không được giải quyết.

Tuy nhiên, điều cần thiết là phải nêu các vấn đề nhân quyền trong tất cả các cuộc hội họp với chính quyền Việt Nam, không phải chỉ trong phạm vi các cuộc đối thoại định kỳ theo lịch trình.

 

Daniela Gavshon

 

______________

Nguồn:

https://www.hrw.org/vi/news/2023/04/03/australia-should-raise-abuses-during-vietnam-visit

VNTB (06.04.2023)

 

 

 

 

Toàn quyền Úc gặp tứ trụ Việt Nam, hy vọng gì về vấn đề nhân quyền và xã hội dân sự?

 

Trước chuyến đi của Toàn quyền Úc, ông David Hurley tới Việt Nam, một số tổ chức dân sự của người Việt ở Úc đã nêu quan ngại về các vấn đề liên quan tới nhân quyền.

 

Ông Đoàn Việt Trung, đại diện VOICE Australia nói với BBC hôm 5/4 rằng tổ chức của ông cùng khoảng 10 nhóm khác đã gặp gỡ với đại diện chính phủ Úc trước chuyến thăm kéo dài từ 03 đến 06/04 của ông Hurley.

“VOICE Australia chúng tôi nhấn mạnh về điều kiện giam giữ các tù nhân lương tâm, về các tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền trong các hiệp ước thương mại giữa Úc và Việt Nam.”

Theo truyền thông Việt Nam đưa tin, ông David Hurley đã gặp gỡ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người có quyền lực chính trị nhất Đảng Cộng sản cũng như được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp đón.

 

Vấn đề gì được bàn thảo?

Theo dõi sát sao tình hình Việt Nam, ông Việt Trung nhìn nhận chính quyền sẽ tiếp tục đàn áp mạnh tay với phong trào dân chủ. Vì vậy, trong buổi làm việc với đại diện chính phủ Úc, tổ chức của ông nêu ba điểm quan trọng:

“Về vấn đề về tù nhân lương tâm, chúng tôi nói đến điều kiện ở trong các nhà tù vì đó là một phần của nhân quyền. Để biết về điều kiện làm việc, điều kiện sinh sống trong tù thì họ có thể nói chuyện trực tiếp với tù nhân, với thân nhân của họ, hoặc những người từng bị bỏ tù thay vì chỉ đọc thông tin trên mạng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề cập Việt Nam không phải chỉ có hơn 160 tù nhân lương tâm trong danh sách của Human Rights Watch mà còn có rất nhiều người bị bắt vì dám lên tiếng mà thế giới không biết đến.”

Vấn đề về đối xử tù nhân chính trị đã được nhiều tổ chức dân sự, nhân quyền nêu quan ngại trước đó. Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) từng lên tiếng về trường hợp của ông Đỗ Công Đương, 58 tuổi, chết ngày 2/8/2022 tại Trại giam số 6, tỉnh Nghệ An. Ông qua đời sau một thời gian dài đau ốm và được cho là không được khám chữa bệnh đầy đủ.

Ngày 9/8/2022 gia đình của 27 tù nhân lương tâm đã có thư ngỏ gửi các tổ chức quốc tế và chính quyền Việt Nam, kêu gọi khám chữa bệnh cho các tù nhân lương tâm.

Đối với tình hình xã hội dân sự, VOICE Australia nhắc đến những tổ chức không được chính phủ Việt Nam cấp phép và đề xuất những khoản tài trợ cho các tổ chức này:

“Chúng tôi khuyến khích họ mở rộng liên lạc với mọi thành phần trong xã hội dân sự vì những tổ chức không được cấp phép có khi là tiếng nói thực sự của người dân. Bên cạnh đó, việc cấp những khoản tài trợ cho các tổ chức nhỏ cũng quan trọng. Chúng tôi hiểu tâm lý của chính phủ Úc là không muốn ra mặt tài trợ cho những nhóm không được cấp phép vì sẽ làm mất lòng Hà Nội nhưng vẫn có cách khác. Ví dụ như chương trình di trú ở Úc, có một loại chương trình đặc biệt mà khi nộp đơn, người ta không thông qua Bộ Di trú mà là tổ chức tư nhân được giấy phép của chính quyền.

“Vì vậy, nếu có các chương trình mà các tổ chức xã hội dân sự có thể nộp đơn và xét duyệt bởi các tổ chức đó thay vì chính quyền Úc,” ông Trung đề đạt.

“Vì các hiệp ước thương mại đòi hỏi phải có, nên nhà nước Việt Nam đang soạn thảo Chương trình Hành động Quốc gia về ảnh hưởng lên nhân quyền và môi trường của các công ty. Chúng tôi lưu ý chính quyền Úc nên chú ý đến tiến trình soạn thảo, vì nó liên quan đến cuộc trao đổi về nhân quyền Úc Việt, và liên quan đến các công ty Úc hoạt động ở Việt Nam, cũng như vì Úc và Việt Nam là hai nước thành viên của CPTPP,” ông Trung nói với BBC từ Úc.

Ông Trung cũng nhìn nhận, trong nước Úc cũng có nhiều luồng ý kiến về vấn đề Việt Nam. Các doanh nghiệp hưởng lợi từ các hiệp ước thương mại thì họ không muốn chính phủ Úc lên tiếng quá mạnh mẽ về các vấn đề nhân quyền trong khi các tổ chức xã hội dân sự thì muốn ngược lại.

“Thái độ của chính phủ Úc khá nhẹ nhàng, mềm mỏng đối với những chế độ đàn áp như Việt Nam. Vì vậy, những kiến nghị trên chưa chắc đã được đáp ứng hay mang được kết quả tốt nhưng nếu chúng tôi không làm gì thì chắc chắn kết quả là không tốt. Giữa lựa chọn lên tiếng và không làm gì thì chúng tôi chọn lên tiếng,” ông Trung lý giải.

Bên cạnh VOICE Australia, một tổ chức khác của người Việt cũng đề cập đến những vấn đề nhân quyền tương tự.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Toàn quyền Úc David Hurley cùng phu nhân, Linda Hurley và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và phu nhân trước cuộc hội đàm hôm nay tại Hà Nội

 

Nhân quyền bị lu mờ

Theo báo chí Việt Nam, chuyến thăm của Toàn quyền Úc được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước đang tích cực kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao (1973 – 2023).

Tuy nhiên, nội dung trong các cuộc hội kiến giữa ông Hurley và tứ trụ Việt Nam, báo chí ở Việt Nam không hề đề cập đến các từ khóa “nhân quyền”, “tù nhân lương tâm” hay “xã hội dân sự”.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhận xét cuộc gặp tạo “xung lực” mới cho quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Úc cũng được bàn thảo nhưng chờ “thời gian phù hợp”.

TBT Nguyễn Phú Trọng khi tiếp đón ông Hurley thì nhấn mạnh Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác. Ông Trọng cũng đề nghị hai bên đẩy mạnh quan hệ chính trị.

Chủ tịch Quốc hội, ông Vương Đình Huệ nhắc đến niềm tin chính trị giữa hai nước là cơ sở quan trọng để thúc đẩy quan hệ phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, cũng như thúc đẩy hợp tác trên kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và giao lưu nhân dân.

Còn Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các doanh nghiệp, quỹ đầu tư lớn của Úc sang VN đầu tư trong các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, hạ tầng, viễn thông, tài chính – ngân hàng, giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số, khai khoáng, hàng không, du lịch…

Một số nhà quan sát nhận định với BBC rằng Hà Nội ngày càng mạnh tay đối với các vấn đề nhân quyền, nhất là sau chuyến thăm của ông Trọng đến Bắc Kinh hồi tháng 11/2022.

“Việt Nam ngày càng có xu hướng ngả về phía Trung Quốc trong ách đàn áp phong trào dân chủ trong nước. Tuyên bố chung của Việt Nam-Trung Quốc trong chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng khi Tập Cận Bình cầm quyền tiếp tục nhiệm kỳ ba đã thể hiện điều đó. Đây là lần đầu tiên hai nước cộng sản đề cập chống “chính trị hóa” nhân quyền trong tuyên bố chung.

“Hiện tại, chính quyền Hà Nội bắt đầu nhắm tới cả những luật sư nhân quyền – những người có giấy phép hành nghề như ông Đặng Đình Mạnh và các luật sư trong vụ Tịnh Thất Bồng Lai,” một nhà hoạt động giấu tên chia sẻ với BBC.

Thực tế, không ít người cho rằng việc phản đối chính trị hóa nhân quyền là bàn cờ mà Trung Quốc sửa soạn trong tương lai, với trật tự thế giới hiện hành sẽ bị bóp méo để song hành với lợi ích của Trung Quốc.

Tuyên bố chung của Việt Nam và Trung Quốc đề cập tới việc chống cách mạng màu, chống diễn biến hòa bình và chính trị hóa nhân quyền cũng được cho là một trong những bước tính toán của Trung Quốc kéo Việt Nam vào guồng xoay mới đó.

 

Ông Đoàn Việt Trung nhắc lại thời điểm khi diễn ra đàm phán việc gia nhập Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam, Mỹ đã nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa vấn đề tự do chính trị và nhân quyền.

Từ khi có việc đàm phán về TPP, một số nhà hoạt động xã hội Việt Nam cũng cho rằng TPP sẽ thúc đẩy nhân quyền, vì có các điều khoản về quyền của người lao động và thành lập nghiệp đoàn độc lập.

Cho tới năm 2017, Mỹ rút khỏi TPP thì chính quyền Việt Nam “tăng cường bắt bớ”, theo ông Đoàn Việt Trung.

“Chúng ta thấy khi Việt Nam e ngại sẽ mất quyền lợi trong các hiệp ước thương mại thì họ nhẹ tay với giới bất đồng chính kiến, nhưng khi mọi chuyện đã rồi thì họ tăng cường sách nhiễu. Như vậy, trong các hiệp ước thương mại giữa Việt Nam và các nước khác, vẫn có thể gây áp lực lên Việt Nam, quan trọng là phía Úc có muốn điều đó không,” đại diện VOICE Australia kết luận.

Đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 18 giữa Việt Nam và Úc sẽ diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng Tư.

Theo báo cáo của HRW, hiện có hơn 170 nhà hoạt động Việt Nam bị bắt giữ và sách nhiễu.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Các tù nhân chính trị ở Việt Nam (từ trái sang phải, hàng trên): Đỗ Nam Trung (10 năm tù), Cấn Thị Thêu (8 năm tù), Trịnh Bá Tư (8 năm tù), Lê Trọng Hùng (5 năm tù), Trịnh Bá Phương (10 năm tù); (từ trái sang phải, hàng dưới) Nguyễn Thị Tâm (6 năm tù), Phạm Đoan Trang (9 năm tù), Lê Văn Dũng (5 năm tù), Bùi Văn Thuận (8 năm tù)

 

Trước thềm chuyến công du của ông David Hurley, Human Rights Watch kêu gọi ông Hurley đề cập đến chính quyền Việt Nam về vấn đề vi phạm tự do tôn giáo, và cho phép các tổ chức tôn giáo tự do tiến hành các hoạt động của mình mà không bị can thiệp.

“Điều rất quan trọng là ông Hurley nên thảo luận về số phận của hơn 160 người đang bị bỏ tù vì thực thi quyền căn bản của mình một cách ôn hòa. Ông Hurley nên hối thúc chính phủ Việt Nam thả tự do tất cả các tù nhân chính trị.”

“Ông Hurley nên kêu gọi thả ngay lập tức và vô điều kiện Châu Văn Khảm, công dân Úc, 73 tuổi và các nhà hoạt động nổi bật khác như Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng, Hoàng Đức Bình, Lê Đình Lượng, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Cấn Thị Thêu,” theo HRW.

 

Úc và hai miền VN

Theo báo Nhân Dân, “Toàn quyền Australia là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong năm 2023.”

Đây là sự kiện diễn ra trong năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Australia (1973-2023), “chuyến thăm khẳng định sự coi trọng và mong muốn của hai nước làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Australia” trang báo của ĐCS VN cho biết.

Điều các báo VN hiện nay không nói rõ là Úc, giống như nhiều quốc gia dân chủ Phương Tây, quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với VNDCCH sau Hiệp định Paris năm 1973.

Cùng lúc, Canberra vẫn giữ Đại sứ quán ở Sài Gòn, thủ đô VNCH, thể hiện thái độ công nhận “hai nước VN”.

Cuối tháng 2/1973, thủ tướng Úc Gough Whitlam (đảng Lao Động) công bố tại Canberra quyết định lập quan hệ ngoại giao với VNDCCH, quốc gia cộng sản phía Bắc, nhưng vẫn là đồng minh quân sự của VNCH ở Nam Việt Nam.

Úc đã từng gửi 8000 quân tham chiến cùng Hoa Kỳ ở Nam VN, với số quân nhân Úc thiệt mạng là chừng 500.

Tuy thế, ông Whitlam đã ra lệnh ngưng viện trợ quân sự cho VNCH trong động thái “xoay chiều”. Chính phủ của ông cũng công nhận Đông Đức và CHND Trung Hoa, bỏ quan hệ ngoại giao với Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan).

Ngày 13/12/1975, đảng Lao Động thất cử, Gough Whitlam mất chức thủ tướng, nhưng tiếp tục giữ chức thủ lãnh đối lập và vẫn giữ đường lối cứng rắn hầu ngăn cản người Việt tị nạn được đến Úc định cư.

Ông Gough Whitlam lợi dụng việc thuyền nhân từ Việt Nam đến thẳng Úc để mở chiến dịch tranh cử, chống lại chính phủ của thủ tướng Malcolm Fraser.

Ngày 21/7/1979, Hội nghị quốc tế về người tị nạn được triệu tập tại Geneva với 66 quốc gia tham dự để tìm ra những giải pháp cho người tị nạn Đông Dương.

Sau đó, chính phủ Fraser đồng ý Úc sẽ nhận thêm mỗi năm hằng chục ngàn người tị nạn.

NGUỒN HÌNH ẢNH,NGUYỄN NHÂN Chụp lại hình ảnh, Ba vị chủ tịch Cộng Đồng dự tang lễ Thủ tướng Malcolm Fraser là ông Nguyễn Thế Phong, ông Nguyễn Văn Bon và bà Nguyễn Phượng Vỹ

 

Đồng thời tiến hành thương lượng với chính quyền ở VN để những người tị nạn được bảo lãnh gia đình còn kẹt lại ở Việt Nam sang Úc định cư.

Cộng đồng gốc Việt tại Úc được cho là hội nhập tốt và họ từng bày tỏ lòng biết ơn với ông Fraser.

 

BBC (06.04.2023)

 

 

 

Front Line Defenders: Nhà hoạt động Đỗ Công Đương bị giết trong năm 2022

Ông Đỗ Công Đương trong một bài nói chuyện về sai phạm đất đai trước khi bị bắt năm 2018 Ảnh chụp màn hình video

 

Tổ chức nhân quyền Những người Bảo vệ tuyến đầu (Front Line Defenders- FLD) đưa nhà báo công dân Đỗ Công Đương của Việt Nam vào danh sách 401 người hoạt động nhân quyền trên thế giới bị giết trong năm 2022.

Ông Đỗ Công Đương chết không rõ nguyên nhân trong Trại giam số 6 (Nghệ An) đầu tháng 8 năm ngoái trong khi đang thi hành án tù tám năm, thi thể của ông không được giao cho gia đình mai táng mà phải chôn luôn ngay trong nghĩa trang của trại.

Tổ chức quốc tế có trụ sở tại Dublin, Ireland ghi tên ông Đương trong phần tưởng nhớ các nhà hoạt động nhân quyền bỏ mạng trong báo cáo về tình hình nhân quyền của thế giới năm vừa qua mang tựa đề Global Analysis 2022 công bố ngày 04/4.

Ông Đương, sinh năm 1964, hoàn toàn khoẻ mạnh trước khi bị bắt giữ năm 2018 về cáo buộc “chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ.” Ông là một trong số nhiều tù nhân lương tâm chết trong thời gian thi hành án tù trong vài năm gần đây. Những người khác được ghi nhận là cựu giáo chức Đào Quang Thực, mục sư Đinh Diêm, ông Phan Văn Thu và Đoàn Đình Nam.

 

Việt Nam phải cải thiện điều kiện giam giữ tù nhân lương tâm

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải (tức Hải Điếu cày), người từng bị giam giữ ở hơn 10 trại giam ở Việt Nam bao gồm cả Trại giam Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Trại giam số 6 nơi xảy ra cái chết của nhiều tù nhân lương tâm, nói điều kiện chăm sóc y tế kém và hình thức đối xử tàn bạo đối với tù nhân lương tâm là nguyên nhân gây ra những cái chết trên.

Từ California, ông Hải cho rằng, chính quyền Việt Nam cần cải thiện điều kiện giam giữ và chăm sóc y tế đối với tù nhân lương tâm để bảo vệ tính mạng của họ. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua điện thoại ngày 5/4:

Giam giữ tù nhân chính trị như mọi tù nhân hình sự khác. Những người mắc bệnh hiểm nghèo cần được phép giữ một cơ số thuốc nhất định để phòng trường hợp đột quỵ hoặc bệnh trở nặng thì họ có thuốc uống.

Cái thứ ba là phải cải thiện đường dây liên lạc giữa khu giam giữ tù chính trị với bộ phận chăm sóc y tế. Khi người tù có bệnh nặng phải đưa đi chữa trị.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài, người từng có hai lần bị cầm tù vì hoạt động dân chủ và nhân quyền, cho biết Chính phủ Việt Nam có chính sách không chỉ tước đoạt tự do của tù nhân lương tâm mà còn áp dụng mọi biện pháp để tước đoạt sức khoẻ của họ.

Để mà ngăn chặn chính sách độc ác này của Nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam, chúng ta cần sự phối hợp của các chính phủ và các tổ chức quốc tế, phải lên án mạnh mẽ chính sách vô nhân đạo của chính quyền cộng sản Việt Nam đối với các tù nhân lương tâm.

Đồng thời, gia đình các tù nhân lương tâm phải thường xuyên thăm hỏi và đưa tin về tình trạng đàn áp trong tù đối với người thân của mình.”

Phóng viên đã gọi điện cho Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị bình luận về báo cáo của Những người Bảo vệ tuyến đầu nhưng không có ai nghe máy. Chúng tôi có gửi email cho cơ quan này nhưng chưa nhận được phản hồi.

 

Bỏ tù người hoạt động nhân quyền

Trong báo cáo công bố vào thứ ba, Những người Bảo vệ tuyến đầu nói trong năm 2022, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đàn áp người hoạt động nhân quyền, bắt giữ và tiếp tục cầm tù dài hạn nhiều người đấu tranh cho quyền con người bên cạnh việc sử dụng công cụ luật pháp để kiểm soát quyền truy cập thông tin và ngăn chặn quyền tự do ngôn luận trực tuyến.

Việt Nam và nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác ở Châu Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Pakistan, Philippines, và Sri Lanka sử dụng luật an ninh quốc gia và chống khủng bố như công cụ để hình sự hóa, bức hại và bỏ tù những người bảo vệ nhân quyền.

Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã sử dụng luật pháp và các biện pháp đàn áp khác để nhắm mục tiêu vào người bảo vệ nhân quyền, bao gồm bắt giữ và giam giữ tùy tiện, sách nhiễu, giám sát và hạn chế quyền tự do đi lại của nhiều nhà hoạt động.

Những người Bảo vệ tuyến đầu cũng nhắc lại trường hợp nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng đã bị bắt giữ với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự với mức án có thể lên đến 20 năm tù giam.

Tổ chức này nói Hà Nội vi phạm quy trình tố tụng và quyền được xét xử công bằng của ông Nguyễn Lân Thắng khi biệt giam ông trong thời gian dài mà không được gặp luật sư và người thân trong khi sức khỏe của ông xấu đi.

Những người Bảo vệ tuyến đầu đưa ra trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức như một minh chứng về việc Nhà nước Việt Nam tiếp tục giam giữ người hoạt động với án tù dài hạn. Ông Thức, 57 tuổi, đang thụ án tù năm thứ 15 về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” chỉ vì các hoạt động nhằm cổ suý nhân quyền và dân chủ.

 

Sử dụng công cụ luật pháp để hạn chế quyền tự do thông tin

Phúc trình của Những người Bảo vệ tuyến đầu nói, việc đe dọa và giám sát kỹ thuật số phổ biến trong khu vực châu Á, ngoài ra các chủ thể nhà nước và phi nhà nước sử dụng giám sát kỹ thuật số như một phương tiện để kiểm soát và trừng phạt những người bất đồng chính kiến.

Nhiều chính phủ đã tìm cách tăng phạm vi và năng lực giám sát của họ thông qua một loạt các sửa đổi luật ở Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Trong nỗ lực lâu dài nhằm kiểm soát quyền truy cập thông tin và ngăn chặn quyền tự do ngôn luận trực tuyến, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 53 điều chỉnh Luật An ninh mạng 2018. Theo quy định mới, các công ty công nghệ bị yêu cầu lưu trữ dữ liệu người dùng trong thời gian tối thiểu 24 tháng và bàn giao dữ liệu cá nhân cho chính phủ nếu có yêu cầu.

Báo cáo dài 88 trang nói những điều khoản như vậy gây rủi ro nghiêm trọng cho các nhà hoạt động và người bảo vệ nhân quyền, đồng thời làm tăng nguy cơ các công ty công nghệ thông đồng lạm dụng chống lại họ.

 

Vi phạm quyền không bị trục xuất của người tị nạn

Những người Bảo vệ tuyến đầu nói trong năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã vi phạm quyền không bị trục xuất của người tị nạn trong trường hợp ông Đổng Quảng Bình (Dong Guangping), một nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc.

Ông Đổng Quảng Bình, 65 tuổi, bị chính quyền Trung Quốc bỏ tù ba lần vì các hoạt động đòi hỏi nhân quyền và dân chủ ở trong nước, trong đó có việc vận động tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.

Ông được cho là bị lực lượng an ninh Việt Nam bắt giữ vào cuối tháng 8/2022 sau gần ba năm lánh nạn ở Hà Nội để chờ được định cư ở Canada như một người tị nạn và đoàn tụ với gia đình ở đó.

Tháng trước, trong công văn phản hồi chất vấn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) về ông Đổng Quảng Bình, Hà Nội nói không có thông tin gì liên quan đến việc ông Đổng Quảng Bình có mặt tại Việt Nam.

Những người Bảo vệ tuyến đầu cho rằng ông đã bị cưỡng chế trục xuất về Trung Quốc, hoặc sắp có nguy cơ bị trục xuất như vậy. Bằng việc trục xuất ông về Hoa Lục, Việt Nam đã vi phạm nghĩa vụ không được từ chối người tị nạn, một quy định nghiêm cấm việc đưa bất kỳ người nào trở lại một quốc gia nơi họ thực sự có nguy cơ bị vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Hành động trên của Hà Nội cũng là biểu hiện của việc tham gia đàn áp xuyên quốc gia đối với người hoạt động nhân quyền, Những người Bảo vệ tuyến đầu nói. 

 

HRW nói Việt Nam đang giam giữ 160 tù nhân chính trị

Ngày 03/4, trong thông cáo báo chí, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói hơn 160 tù nhân chính trị đang giam giữ ở Việt Nam chỉ vì thực hành các quyền cơ bản.

Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York (Hoa Kỳ) nói blogger và nhà hoạt động nhân quyền phải đối mặt với sự sách nhiễu, đe dọa, theo dõi và thẩm vấn của công an hàng ngày.

Nhà nước cảnh sát không dung thứ bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động phải đối mặt với thời gian dài bị giam giữ trước khi xét xử, không được tiếp cận với luật sư hoặc gia đình, HRW nói.

HRW cũng kêu gọi các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế hành động để buộc Hà Nội chấm dứt cuộc đàn áp có hệ thống đối với những người chỉ trích ôn hòa và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị cầm tù chỉ vì đã thực hiện các quyền của họ một cách ôn hòa.

 

RFA (05.04.2023)

 

 

 

Chính phủ Việt Nam phản hồi một thư chất vấn của LHQ sau gần hai năm tiếp nhận

Trang đầu bức thư của Phái đoàn Thường trực nước CHXHCN Việt Nam tại Geneva trả lời Bộ phận Thủ tục Đặc biệt của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc .

 

Gần hai năm sau kể từ khi nhóm chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc gửi văn thư chất vấn về 9 nhà hoạt động bị sách nhiễu, giam cầm, chính quyền Việt Nam mới có phản hồi, nhưng cho rằng những người này “vi phạm pháp luật”.

Vào ngày 24/3 vừa qua, Phái đoàn Thường trực nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva đã trả lời thư của Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) được gởi đi vào tháng 11/2021 về những cáo buộc liên quan đến hàng loạt vụ bắt giữ, bị cáo buộc giam giữ tùy tiện, và truy tố trước pháp luật với 9 nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, Nguyễn Văn Nghiêm, Lê Văn Dũng, Đinh Thị Thu Thủy, Đỗ Nam Trung, Đinh Văn Hải, Chung Hoàng Chương, Lê Trọng Hùng, Trần Quốc Khánh, và Lê Chí Thành.

Việt Nam có 60 ngày để trả lời. Nếu đình trệ, thì lá thư và bất kỳ phản hồi nào nhận được từ Chính phủ Việt Nam sẽ được công khai thông qua trang web báo cáo thông tin liên lạc và chúng cũng sẽ được cung cấp trong báo cáo thường kỳ để trình lên Hội đồng Nhân quyền. Nhưng phải đến gần 2 năm sau, Việt Nam mới hồi đáp.

Trả lời OHCHR về việc bắt giữ 9 nhà hoạt động nhân quyền, phía Việt Nam cho rằng đều đã được Viện kiểm sát nhân dân các cấp “phê chuẩn”. Mọi quyết định tố tụng hình sự đều phải được Viện kiểm sát nhân dân phê chuẩn thì mới có hiệu lực pháp luật và được thi hành và hoàn toàn phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Điều 9, Khoản 3 của ICCPR “Bất kỳ ai bị bắt hoặc bị giam giữ vì tội hình sự sẽ được nhanh chóng đưa ra trước một thẩm phán hoặc viên chức khác được ủy quyền theo luật để thực thi quyền tư pháp và có quyền được xét xử trong vòng một thời gian hợp lý hoặc để phát hành”. Việt Nam cho rằng tất cả đều vi phạm pháp luật Việt Nam, các hành vi vi phạm đã được chứng minh với đầy đủ chứng cứ tại một phiên tòa công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của Luật tố tụng hình sự.

 

Trong số những nhà hoạt động nhân quyền mà OHCHR đã liên tiếng có ông Chung Hoàng Chương. Ông bị Tòa án Nhân dân Quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ kết án một năm rưỡi tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

Ông Chương bị bắt vào ngày 12/1/2020, được cho là vì các bài đăng về việc công an bị cáo buộc sử dụng vũ lực quá mức ở xã Đồng Tâm vào ngày 9/1/2020 mà ông đã đăng trên mạng xã hội. Trước khi bị bắt, ông cũng đã đăng những ý kiến chỉ trích trên mạng xã hội về vai trò bị cáo buộc của Chính phủ trong thảm họa môi trường Formosa. Ông Chương được trả tự do vào ngày 11/6/ 2021 sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

Trao đổi với VOA hôm 30/3 vừa qua, ông Chương cho biết khi trở về ông đã thay đổi chỗ ở và có nhiều áp lực trong cuộc sống. Vợ của ông Chương buôn bán trái cây còn ông buôn bán sim điện thoại.

“Công việc của tôi lúc trước là buôn bán sim điện thoại thì thấy tình hình bây giờ chắc khó khăn, sức mua không còn như lúc xưa nữa,” Ông Chương nói. “Thành ra bây giờ chỉ ở nhà tiếp bà xã thôi. Còn nhà thì cho thuê để kiếm thêm chút thu nhập để lo cho mấy đứa con đi học.”

Trả lời OHCHR, bên phía Việt Nam cho rằng ông Chương đã đăng tổng cộng là 35 bài viết với những nội dung “sai lệch, xuyên tạc chính sách của đảng cộng sản Việt Nam và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Ngoài ra, chính quyền còn chỉ trích ông Chương đã “xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự, nhân phẩm của một số tổ chức, cá nhân, lực lượng công an, nhất là các công an đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.

Ông Chương cho biết rằng khi ông đăng những bài viết của mình lên Facebook, ông vẫn có nhận thức về những cái cần phải tránh để không vướng mắc đến những vấn đề liên quan đến pháp lý.

“Nhưng mà hiện tại tôi suy nghĩ là tại vì tôi nói lên sự thật, nói lên những điều mà chính quyền không có thích nghe, hoặc không muốn cho nhiều người biết,” Ông Chương nói. “Khi tôi nói lên và thêm những bài viết, tôi hay đả kích, châm biếm thì thành ra là có tội rồi.”

Ông Chương nói thêm khi ông nói lên tiếng nói là ông đặt vai trò mình lên người dân. Ông chỉ nói lên tiếng nói phản biện để xây dựng đóng góp. Ông không hề có âm mưu lật đổ chính quyền vì ông cho rằng vai trò của ông “nhỏ bé” nên ông không có nghĩ xa xôi như vậy. Ông chỉ biết cất lên tiếng nói của người dân còn chính quyền có lắng nghe hay tiếp thu thì là chuyện khác.

Ông giải thích những bài viết ông đăng xung quanh vấn đề ở Đồng Tâm là nguyên nhân chính để chính quyền bắt khẩn cấp ông.

“Khi làm việc với cơ quan điều tra thì tôi cũng có giải thích nhưng họ không có nghe,” Ông Chương nói. “Đến khi họ buộc tội thì chịu thôi.”

Phía Việt Nam có nói rằng, trong quá trình điều tra và làm việc, ông Chương đã từ chối mời luật sư bào chữa. Ông Chương giải thích với đài VOA rằng khi làm việc với cơ quan điều tra, ông có trình bày về những bài viết của mình và việc có luật sư cũng không có thay đổi được gì nhiều.

“Cho nên lúc đó tôi không có yêu cầu có luật sư,” Ông Chương nói. “Nhưng sau này tôi mới nhận ra là có luật sư vẫn tốt hơn. Trong thời gian điều tra không có giao tiếp với gia đình thì luật sư sẽ làm một cái cầu nối để thông tin qua lại giữa tôi với gia đình thì cả hai bên đều đỡ lo lắng hơn.”

Ông Lê Chí Thành, một trong những nhà hoạt động nhân quyền được nhắc tới trong bức thư, hiện đang bị giam giữ tại Việt Nam. Trước khi bị bắt, ông Thành từng là cán bộ công an làm việc tại trại giam nhưng bị sa thải vì ông đã tố cáo những hành vi tham nhũng và sai trái của ban quan lý trại giam. Ông cũng có một kênh YouTube mà ở đó ông đăng các video liên quan đến vấn đề tham nhũng trong lực lượng an ninh công cộng, nhưng ông đã bị sa thải vào năm 2020 sau khi tố cáo cáo buộc tham nhũng và sai trái của ban quản lý nhà tù.

Vào ngày 20/3/2021, xe ô tô của ông Thành bị cảnh sát giao thông thành phố Thủ Đức chặn lại và khám xét. Ông bị cáo buộc “không có giấy đăng ký ô tô và lái xe sai làn đường”. Khi công an cưỡng chế tạm giữ xe, ông Thành đã ghi lại quá trình và đối chất về thẩm quyền của công an đối với hành động này. Được biết ông không dùng đến bất kỳ hình thức bạo lực nào, nhưng bên phía Việt Nam nói rằng trong quá trình giải quyết, ông Thành nhiều lần “có hành vi và lời nói cản trở lực lượng chức năng làm việc”, kích động nhiều đối tượng không liên quan tập trung cản trở lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, gây mất an ninh trật tự, ùn tắc giao thông. Sau đó ông Thành bị Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức tuyên phạt 02 năm tù giam về tội “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 Bộ luật Hình sự.

 

Trao đổi với đài VOA hôm 31/3, bà Lê Thị Phú, mẹ của ông Thành, cho biết ông Thành đi đúng làn đường của mình và không có hành vi chống người thi hành công vụ.

“Khi bắt xe thì con tôi ngồi cầm một cái điện thoại quay trực tiếp,” Bà Phú nói. “Họ đòi cẩu xe đi. Nếu có giấy tờ thì con tôi cho nhưng không có giấy tờ thì con tôi không cho cẩu xe đi.”

Vào ngày 22/06/2022, ông Thành tiếp tục bị Tòa án nhân dân huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, tuyên phạt 03 năm tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền hợp pháp và lợi ích của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự với các cáo buộc của VKSND tỉnh Bình Thuận, từ tháng 7 đến tháng 10/2020, rằng ông Thành đã sử dụng tài khoản Facebook “Lê Chí Thành” để đăng tải các video, bài viết “có nội dung sai sự thật, xâm phạm lợi ích hợp pháp của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp” của Công an, chức danh Thứ trưởng Bộ Công an và cá nhân ông Lê Bá Thuỵ, Giám thị Trại tạm giam Thủ Đức.

“Con tôi tố cáo một Giám thị Trại giam Z30D Lê Bá Thuỵ về tội tham nhũng,” Bà Phú nói. “Thì theo lời kêu gọi của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng có nói ai biết thì tố giác. Đáng lẽ ông phải bảo vệ quyền bí mật nhưng cuối cùng không bảo vệ quyền hợp pháp cho con tôi.”

OHCHR cáo buộc Việt Nam đã tra tấn và ngược đãi ông Thành trong khi bị tạm giam trước khi xét xử, để ông bị thương ở tay và chân. Nhưng Việt Nam đã phủ nhận việc đó trong bức thư trả lời. Họ nói rằng ông Thành đã “tự gây thương tích” và có thái độ thù địch, xúc phạm danh dự của cán bộ quản giáo trong thời gian bị tạm giữ.

Bà Phú khẳng định là ông Thành có bị đánh trong lúc bị tạm giam trong 7 ngày đến độ không đi lại được.

“Đánh mà không đi được, không lết được lúc ra toà,” Bà Phú nói. “Phải có hai người công an dìu đi.”

VOA đã liên lạc với Trại giam Z30D để xin ý kiến nhưng không có ai trả lời. Ngoài ra, VOA đã liên lạc đến bộ Ngoại giao Việt Nam để hỏi ý kiến nhưng cũng không có phản hồi.

Cũng trong bức thư, bên phía Việt Nam cho rằng họ khuyến khích công dân thực hiện “quyền tự do ngôn luận” để đóng góp ý kiến, phản biện về chính sách của nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền này cần tuân thủ các quy định của pháp luật, trên tinh thần xây dựng, thiện chí, góp ý chỉ ra những thiếu sót, qua đó góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Các hành vi vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ, lợi dụng danh nghĩa phản biện Chính phủ và bảo vệ quyền con người để tung tin thất thiệt, cố ý xuyên tạc, dùng ngôn từ kích động thù địch, kích động chia rẽ, chia rẽ các mối quan hệ chính trong xã hội nhằm lật đổ chính quyền đều bị nghiêm cấm.

 

Huy Nguyễn

VOA (05.04.2023) 

 

 

 

Ông Võ Văn Thưởng đề nghị Úc xử lý những người chống phá Việt Nam từ nước ngoài

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và Toàn quyền Australia David Hurley tại Hà Nội hôm 4/4/2023 AFP

 

Việt Nam và Australia đồng ý sẽ trao đổi về việc nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện vào thời gian thích hợp.

Thông tin vừa nêu được đưa ra tại cuộc hội đàm ngày 4/4 giữa Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và Toàn quyền Australia David Hurley đang có chuyến công du Việt Nam.

Hai phía cho rằng còn nhiều dư địa, tiềm năng hợp tác để có thể nâng cấp quan hệ lên.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn phát biểu của nguyên thủ hai nước về sự hài lòng đối với phát triển trong mối quan hệ song phương trong 50 năm qua.

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng được dẫn yêu cầu đối với Toàn quyền Australia David Hurley rằng Canberra nên kiểm soát, xử lý các cá nhân, tổ chức khủng bố có thể sử dụng lãnh thổ Australia để tiến hành các hoạt động bị cho “chống phá Việt Nam”.

Ngay trong ngày đầu chuyến công du Việt Nam của Toàn quyền Australia David Hurley, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Human Rights Watch (HRW) tại Australia ra thông cáo kêu gọi Toàn quyền David Hurley phải nêu ra với giới lãnh đạo Việt Nam các quan ngại về những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, cả công khai lẫn trong các cuộc gặp riêng.

Theo bà Daniela Gavshon-Giám đốc HRW Australia,  việc thảo luận tình cảnh của hơn 160 người bị bỏ tù chỉ vì ôn hòa thực thi các quyền con người cơ bản là thật thiết yếu.

Toàn quyền David Hurley cần phải thúc giục Chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả những tù chính trị. Ông phải có kêu gọi đặc biệt về việc trả tự do ngay và vô điều kiện đối với công dân Úc gốc Việt 73 tuổi Châu Văn Khảm, cùng các nhà hoạt động có tiếng khác như Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng, Hoàng Đức Bình, Lê Đình Lượng, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Cấn Thị Thêu.

Chuyến công du Việt Nam của Toàn quyền David Hurley diễn ra trước vòng Đối thoại Nhân quyền Việt – Australia lần thứ 18 sẽ được tiến hành ở Hà Nội vào cuối tháng tư này.

 

RFA (04.04.2023)

 

 

 

 HRW kêu gọi Toàn quyền Australia nêu vấn đề nhân quyền với lãnh đạo Việt Nam

HRW kêu gọi Toàn quyền Australia nêu vấn đề nhân quyền trong chuyến công du Việt Nam.

 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền vừa kêu gọi Toàn quyền Australia David Hurley nêu vấn đề nhân quyền với giới lãnh đạo Hà Nội trong chuyến công du của ông tới Việt Nam.

Toàn quyền Australia David Hurley, người đang có chuyến thăm Hà Nội trong tuần này, “nên nêu lên một cách công khai và cả riêng tư một số quan ngại nghiêm trọng về nhân quyền với giới lãnh đạo Việt Nam” trước thềm đối thoại Nhân quyền Australia -Việt Nam lần thứ 18 vào cuối tháng 4 này, Giám đốc HRW Australia Daniela Gavshon cho biết trong một thông báo.

“Điều quan trọng là ông ấy phải thảo luận về số phận của hơn 160 người đang bị giam cầm vì thực hiện các quyền cơ bản của họ một cách ôn hòa”, bà Gavshon cho biết trong một thông báo vào ngày 3/4.

“Ông Hurley nên kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Châu Văn Khảm, công dân Australia, 73 tuổi và các nhà hoạt động nổi bật khác như Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng, Hoàng Đức Bình, Lê Đình Lượng, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Cấn Thị Thêu”.

HRW cũng nhấn mạnh Toàn quyền Australia nên kêu gọi chính phủ Việt Nam chấm dứt các lệnh hạn chế về quyền tự do đi lại, áp đặt lên những nhà hoạt động và những người bảo vệ nhân quyền ở nước này, đề cập đến báo cáo mang tên “Locked Inside Our Home” vào tháng 02/2022, theo đó nêu các chiêu thức mà chính quyền Việt Nam sử dụng để hạn chế quyền đi lại của các nhà hoạt động.

“Ông Hurley nên hối thúc chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị. Ông cũng nên kêu gọi chính phủ chấm dứt những hạn chế đối với quyền tự do đi lại áp đặt đối với các nhà hoạt động và người bảo vệ nhân quyền”, bà viết trên Twitter. “Và ông ấy nên kêu gọi chính quyền cho phép các tổ chức tôn giáo tự do tiến hành hoạt động tôn giáo của họ mà không bị can thiệp”.

HRW kêu gọi chính phủ Australia sử dụng các cuộc đối thoại để thúc đẩy đạt được “những bước tiến rõ ràng, cụ thể và có thể đo lường được” trong các lĩnh vực trên, đồng thời đề ra “những hậu quả trong mối quan hệ song phương” nếu những vi phạm nghiêm trọng từ phía Việt Nam không được giải quyết.

Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Australia tại Hà Nội chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA về lời kêu gọi của HRW.

Toàn quyền Hurley có cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hà Nội hôm 4/4, truyền thông nhà nước loan tin. Dự kiến ông cũng sẽ có cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong chuyến thăm từ ngày 3/4 đến ngày 6/4, Toàn quyền Hurley và Phu nhân cũng sẽ tham dự các sự kiện tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tôn vinh quan hệ thương mại, văn hóa và giao lưu nhân dân giữa hai nước nhân dịp Canberra và Hà Nội kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

 

VOA (04.04.2023)