Ngoại trưởng Mỹ thăm tu viện tại Hà Nội: “Một thông điệp mạnh ủng hộ tự do tôn giáo”
Ngoại trưởng Blinken thăm tu viện của Dòng Thánh Phaolô thành Chartres tại Hà Nội vào sáng 15/4 REUTERS
Trong lịch trình dày đặc và khá kín của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken thăm Việt Nam với chuyến thăm ba ngày (14-16/4/2023), ngay trong ngày thứ Bảy, 15 tháng Tư, theo thông báo chính thức từ Bộ Ngoại giao Mỹ, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ sẽ đến thăm một cơ sở tôn giáo tại Hà Nội.
Các bức ảnh của phóng viên hãng tin Reuters đăng tải trong sáng 15/4 cho thấy, Ngoại trưởng Blinken và Đại sứ Marc Knapper đến thăm Nhà thờ tu viện Sainte Marie tại số 37 Hai Bà Trưng Phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Chuyến thăm này theo lịch dày đặc và bận rộn của phái đoàn Mỹ và xếp hàng thứ ba, sau khi trước đó, Ngoại trưởng Blinken có cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vào lúc 8:15 sáng và dự lễ động thổ Tòa đại sứ mới của Hoa Kỳ ở Hà Nội vào lúc 9:25 sáng cùng ngày.
Vẫn theo lịch làm việc và kế hoạch của đoàn Mỹ, chuyến thăm tu viện St. Paul de Chartres của dòng các nữ tu Công giáo tại Hà Nội thậm chí còn diễn ra trước cả bữa trưa trao đổi làm việc (working lunch) giữa Ngoại trưởng Blinken với người đồng cấp, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Bùi Thanh Sơn.
“Một thông điệp mạnh ủng hộ tự do tôn giáo”
Từ Hà Nội, một giáo dân Công giáo, ông Josephe N.V.T., người xin được giới hạn trong giới thiệu danh tính, đưa ra cảm tưởng của mình, ông nói:
“Tu viện này có từ xưa, sau này còn lại bên cạnh Bệnh viện St. Paul Hà Nội.
“Nếu ở Sài Gòn thì tu viện tương tự nằm ở đường Tôn đức Thắng, thuộc phường Bến Nghé, ở Quận nhất.
“Như vậy là ông Ngoại trưởng có thể sẽ đến thăm một trong hai cơ sở của dòng nữ tu và chọn tại Hà Nội.
“Thực ra vì Bệnh viện St. Paul đã lấy hết cơ sở ở 72, phố Nguyễn Thái Học rồi, nên tu viện chuyển về Dòng Mến Thánh giá ở 31 Nhà Chung, Hà Nội
“Tôi cho rằng đây là một hành động có tính chất biểu trưng, gửi thông điệp mạnh về việc ủng hộ tự do tôn giáo.
“Bởi vì tu viện này thuộc dòng nữ tu và trước đặt xây cất ở Bệnh viện St. Paul Hà Nội bây giờ, nhưng nhà nước đã lấy hết đất, nên phải chuyển về Dòng Mến Thánh giá như đã nói.
“Hiện vẫn chưa đòi lại được vì Nhà nước sử dụng cho Bệnh viện cho mục đích công ích.
Tu viện St. Paul de Chartres của dòng các nữ tu Công giáo tại Hà Nội được xây dựng trong thời Pháp thuộc tại Việt Nam vào năm 1883.
Theo một tường trình trên mạng công giáo quốc tế liên quan dòng Nữ tu toàn cầu, trong một cao điểm đấu tranh đòi lại đất đai và tài sản của giáo hội và dòng tu, các nữ tu thuộc tu viện St. Paul de Chatres hồi năm 2016 đã tiến hành nhiều hoạt động khiếu nại, thắp nến cầu nguyện, hiệp thương đòi giải quyết tranh chấp, chấm dứt các vi phạm tài sản của dòng và đã có kiến nghị tới các cấp, sở, ban ngành của chính quyền tại Hà Nội.
Theo nguồn này, vào ngày 26/8/2016, các nữ tu Thánh Paul de Chartres và những người ủng hộ giáo dân đã yêu cầu các quan chức Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trả lời về khiếu nại của họ về việc ai kiểm soát các khu đất lịch sử của tu viện của họ ở thủ đô Việt Nam.
Ngày 28/8 cùng năm, hơn một chục nữ tu, giáo dân đã có đơn gửi tới Ủy ban Nhân dân quận sở tại, Thành phố Hà Nội và cơ quan công an TP Hà Nội. Họ cũng đã gửi kiến nghị tới các lãnh đạo chính phủ, nhà nước Việt Nam khi đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các cơ quan nhà nước khác.
Và trong một cuộc phản đối mạnh mẽ nhất, khoảng 50 nữ tu và giáo dân Công giáo đã tuần hành ôn hòa dưới ánh nến vào sáng sớm ngày 25/7/2016 tới địa điểm tranh chấp gần tu viện của họ, nơi nhóm tuần hành cùng cầu nguyện và hát thánh ca.
Sau đó, đoàn tuần hành đến trụ sở Ủy ban Nhân dân Quận, yêu cầu các quan chức quận sở tại đưa cho họ một biên bản cuộc gặp trước đó giữa hai bên. Trong cuộc họp đó, 30 nữ tu, trong đó có cả những người già ngồi xe lăn, và giáo dân đã yêu cầu chính quyền Quận đình chỉ việc xây dựng trên đất của họ.
Vẫn theo nguồn từ truyền thông Dòng Nữ tu toàn cầu nói trên, thì đến ngày 28/7, UBND Thành phố Hà Nội đã phải ra lệnh đình chỉ việc xây dựng công trình và yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường giải quyết khiếu nại của nữ tu theo pháp luật.
Ông Blinken gặp sơ Bề trên Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Hà Nội – Nữ tu Saint-Jean de Marie Trần Thị Anh. Ảnh: Reuters
“Chỗ nào lấy rồi thì khó đòi lại”
Ông Joseph N.V.T, nói thêm: “Mấy năm trước xảy ra vụ tranh chấp ở khu vực Bệnh viện Việt Nam – Cuba thuộc chỗ dòng Sainte Marie.
“Nhà thờ tu viện Sainte Marie thì nằm ở số 37 trên đường Hai Bà Trưng, Hà Nội, thì đã bị chiếm và xâm phạm trái phép, việc đó làm hư hỏng nghiêm trọng công trình tu viện, và với giáo dân và dòng tu, giáo hội, thì đã gây ra sự vị phạm pháp luật và xúc phạm tình cảm tôn giáo của người dân và giáo dân Việt Nam.
“Bây giờ họ (chính quyền) cởi mở hơn bằng cách cho cải tạo hoặc xây mới một số Nhà thờ ở một số nơi. Nhưng chỗ nào họ lấy rồi thì khó đòi lại được.
“Và Vatican cũng có giúp đỡ, tài trợ cho Giáo hội ở Việt Nam,” ông Joseph N.V.T chia sẻ.
Theo một số tổ chức theo dõi nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam, tại Việt Nam đến nay xảy ra ít nhất hàng chục, hàng trăm vụ khiếu kiện lớn nhỏ trong đó các giáo hội thuộc các tôn giáo và cộng đồng tín ngưỡng khác nhau vẫn liên tục có đơn từ, khiếu nại đòi nhà nước, chính quyền các cấp giải quyết, trao trả lại đất đai, tài sản của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, mà trong số đó đa số các chủ thể khiếu nại đều có các giấy tờ, chứng từ, chứng nhận có giá trị và bằng chứng, làm rõ về chủ quyền của bên khiếu nại và đòi đất đai, tài sản của các nhà thờ, dòng tu, các nhà chùa và các cơ sở tín ngưỡng, thờ tự trong cả ba miền.
Tuy nhiên, việc giải quyết vẫn diễn ra vẫn theo các đánh giá này là còn chậm, thậm chí rất chậm và trong nhiều trường hợp còn chưa thỏa đáng, và chỉ giải quyết với số lượng chưa đáng kể, với nơi được “giải quyết”, thì đa số trường hợp chỉ được giải quyết một phần, hoặc những giải pháp thay thế, đền bù, nếu có hy hữu xảy ra, có thể không tương ứng với giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo và kể cả về mặt giá cả thực tế về đất đai, bất động sản v.v… trên thị trường.
Trong khi đó, vẫn theo các tổ chức theo dõi nhân quyền, trong đó có quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng quốc tế và khu vực, vẫn có nhiều phản ánh từ khắp cả nước ở Việt Nam về việc nhiều cơ sở tôn giáo tín ngưỡng bị xâm phạm, hoặc đe dọa xâm phạm đối về mặt hoạt động và tài sản, đất đai, trong số đó các nơi nào mà việc thành lập, hoạt động, dù trong quá khứ từ trước, hay gần đây, mà nhà nước, chính quyền cho là chưa, hay không được công nhận chính thức, có thể bị yêu cầu chấm dứt hoạt động, với các cơ sở có thể bị xóa bỏ, tịch thu, thu lại, xung công, nhiều trường hợp có liên quan tới bắt bớ, trấn áp đã được đưa tin.
“Rõ ràng là một biểu tượng của tự do tôn giáo”
Tuy nhiên, nhà nước và chính quyền Việt Nam và các cơ quan báo chí, truyền thông của nhà nước và đảng Cộng sản Việt Nam, luôn khẳng định và tuyên bố nhà nước và chính quyền luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và cả quyền tự do không tín ngưỡng, không tôn giáo của công dân.
Họ cho rằng các tranh chấp diễn ra, nếu có chỉ là dân sự và các trường hợp nếu có xảy ra các vụ bắt giữ, xét xử, đều do các cá nhân, chủ thể là các đối tượng vi phạm pháp luật của nhà nước, trong đó có pháp luật hình sự; và nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và tuân thủ nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế mà nhà nước Việt Nam đã ký kết như một thành viên, trong đó có các văn bản, điều ước, hiệp định quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc liên quan các quyền con người, trong đó có các quyền về tự do tín ngưỡng, tôn giáo bên cạnh các quyền công dân khác trong xã hội dân sự và xã hội truyền thống.
Truyền thông chính thống của Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam cũng đưa tin cho hay chính quyền đã thường xuyên có các cuộc đối thoại “cởi mở”, “xây dựng”, “công khai” với các tổ chức quốc tế, khu vực, nước ngoài, quan tâm đến các vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, có nhiều cuộc đối thoại với các cộng đồng trong nước, trong đó có các giáo hội, giáo dân, Phật tử, tín đồ v.v… để đáp ứng các quyền liên quan. Riêng về quan hệ với một số tôn giáo quốc tế, nhà nước cũng đã có lộ trình thiết lập các trao đổi và bang giao chính thức mang tính xây dựng.
Trở lại chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến tu việnSt. Paul de Chartres, dòng tu nữ, hôm 15/4/2023, một nhà quan sát chính trị và xã hội Việt Nam từ trong nước, cũng xin được không tiết lộ danh tính, cùng ngày đưa ra bình luận:
“Có 2 cơ sở ở Hà Nội mà ông Ngoại trưởng và đoàn Mỹ có thể lựa chọn lấy một để đến thăm thuộc tu viện Thánh Paul the Sartres.
“Nếu tiện hơn thì sẽ là cơ sở ở khu trục đường Nguyễn Thái Học – Trần Phú, cạnh đó vẫn có một khoảnh lớn không ai đụng tới và Vẫn đầy nữ tu sỹ.
“Rõ ràng việc lựa chọn tu viện này để thăm viếng là một biểu tượng của tự do tôn giáo, trong lúc riêng về Công giáo, nhà nước Việt Nam đang chuẩn bị lập quan hệ chính thức ở cấp đại sứ với Vatican,” nhà quan sát nêu quan điểm riêng của mình từ Hà Nội.
Quốc Phương
RFA (15.04.2023)
Thái Văn Đường bị mật vụ CSVN bắt cóc ở Bangkok, đã dẫn giải về Hà Nội
Ông Thái Văn Đường
Hai ngày trước, ông Thái Văn Đường viết trên kênh YouTube: “Tối ngày chửi Mỹ, nhưng ai cũng giấc mơ Mỹ.” Ông Đường liệt kê rằng cựu Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ Tướng Phạm Minh Chính, Chủ Tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ đều có điểm chung là “có con học ở Mỹ, có nhà ở Mỹ.”
“Thái Văn Đường vừa bị mật vụ Việt Nam bắt cóc tại Bangkok, Thái Lan, đưa về Việt Nam lúc 4 giờ 52 phút chiều Thứ Năm, 13 Tháng Tư.”
Nhà báo Lê Trung Khoa của trang Thời Báo tại Đức, đưa tin này trên trang cá nhân và viết thêm “tin đang kiểm chứng.”
Ông Thái Văn Đường được biết là người đưa tin trên YouTube, Facebook về chính trường, đấu đá phe phái trong nội bộ đảng CSVN trong lúc ông này đang tị nạn tại Thái Lan.
Theo ông Khoa, một “người quen” của ông Đường, từ Việt Nam sang, đã hẹn Thái Văn Đường tới đón ở phi trường Suvarnabhumi, Bangkok, sau đó thì người bạn này “mất tích.”
Ông Lê Trung Khoa cho biết thêm, vài giờ trước khi bị mật vụ Việt Nam “bắt cóc,” ông Đường vừa tham gia một cuộc phỏng vấn với văn phòng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) tại Bangkok. Cuộc phỏng vấn được cho là một bước để chuẩn bị cho ông đi tị nạn ở một nước thứ ba.
Sáng 15 Tháng Tư, nhật báo Người Việt đã thử liên lạc với ông Thái Văn Đường qua ứng dụng Viber mà ông công khai trên kênh YouTube thì không thấy ai bắt máy.
Một blogger là nguồn tin của Người Việt, đề nghị ẩn danh, xác nhận về vụ bắt Thái Văn Đường.
Bản tin gần nhất trên kênh YouTube Thái Văn Đường được đăng tải 16 giờ trước, ghi: “Dự kiến 18 giờ 50 tối nay [14 Tháng Tư], Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ hạ cánh tại phi trường Nội Bài, có thể thêm một TNLT [tù nhân lương tâm] sẽ được rước qua bển [Mỹ].”
Hai ngày trước, ông Thái Văn Đường viết trên kênh YouTube: “Tối ngày chửi Mỹ, nhưng ai cũng giấc mơ Mỹ.”
Ông Đường liệt kê rằng cựu Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ Tướng Phạm Minh Chính, Chủ Tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ đều có điểm chung là “có con học ở Mỹ, có nhà ở Mỹ.”
Ngoài ra, theo ông Đường, các quan chức khác như ông Nguyễn Trọng Nghĩa (trưởng ban Tuyên Giáo Trung Ương) và ông Lê Quốc Minh (tổng biên tập báo Nhân Dân) cũng có chung đặc điểm nêu trên.
Vụ “mất tích” của ông Thái Văn Đường khiến công luận nhớ lại vụ mật vụ Việt Nam bắt cóc blogger, nhà báo tự do Trương Duy Nhất vào Tháng Giêng, 2019, tại trung tâm mua sắm Future Park ở ngoại ô Bangkok. Vụ bắt xảy ra sau khi ông qua Bangkok xin tị nạn chính trị.
Sau hai tháng không có tin tức, ông Trương Duy Nhất xuất hiện trong trạng thái bị giam tại trại giam T16, Hà Nội.
Tiếp đó, ông Nhất bị Tòa Án Hà Nội kết án 10 năm tù sau phiên tòa hồi năm 2020.
Theo Người Việt (15.04.2023)
Mỹ lên án Việt Nam bỏ tù ông Nguyễn Lân Thắng chỉ vài giờ trước chuyến thăm của Blinken
Ông Nguyễn Lân Thắng xem trang Facebook mang tên mình trong bức ảnh chụp năm 2013 REUTERS
Vài giờ trước chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, Hoa Kỳ hôm thứ năm lên án việc Việt Nam bỏ tù blogger Nguyễn Lân Thắng và nói rằng quan hệ chỉ có thể phát huy hết tiềm năng nếu Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền.
Một tòa án Hà Nội hôm thứ 13/4 kết án ông Nguyễn Lân Thắng, blogger của Đài Á Châu Tự Do sáu năm tù vì bị cáo buộc có các hoạt động chống nhà nước, một vụ án làm dấy lên quan ngại quốc tế về cách đối xử của chính quyền cộng sản Việt Nam đối với những người bất đồng chính kiến.
Hãng tin Reuters dẫn lời một phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Mỹ nói:
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức và bãi bỏ mọi cáo buộc đối với Nguyễn Lân Thắng và những cá nhân khác đang bị giam giữ vì thực hiện ôn hòa và thúc đẩy nhân quyền.
Trước chuyến thăm Hà Nội của ngài Ngoại trưởng, thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng – Việt Nam là một đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và mối quan hệ đối tác đó chỉ có thể phát huy hết tiềm năng nếu chính phủ Việt Nam thực hiện các bước phối hợp để đáp ứng các nghĩa vụ và cam kết của mình theo các quy định luật pháp quốc tế và cải thiện thành tích nhân quyền của mình,” người phát ngôn nói thêm.
Ngày 14/4, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken bắt đầu chuyến viếng thăm Hà Nội trong nỗ lực nâng cấp quan hệ song phương với Việt Nam và nhân quyền là một trong những chủ đề dự kiến được đề cập đến trong cuộc gặp của ông với người đồng cấp Bùi Thanh Sơn và ban lãnh đạo của Việt Nam.
Ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao ở Đông Nam Á của tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) cho rằng, Nhà nước Việt Nam không nên coi các nhà báo độc lập như kẻ thù. Thông cáo của CPJ khẳng định:
“Bản án nặng nề dành cho nhà báo Nguyễn Lân Thắng là một sự xúc phạm và phải được đảo ngược ngay lập tức và vô điều kiện.”
Theo tổ chức bảo vệ các nhà báo quốc tế có trụ sở ở New York (Hoa Kỳ), quốc gia độc đảng này là một trong số nhà tù lớn nhất thế giới đối với nhà báo. Theo thống kê của CPJ, hiện Việt Nam đang giam giữ ít nhất 22 nhà báo sau song sắt.
Tổ chức Những người Bảo vệ Tuyến đầu (Front Line Defenders- FLD) có trụ sở ở Dublin (Ireland) cho rằng vụ án của ông Nguyễn Lân Thắng đầy rẫy những sai sót về thủ tục tố tụng, và ông bị bắt vì cáo buộc theo Điều 117 vốn bị cơ quan nhân quyền Liên Hiệp quốc coi là không tương thích với luật nhân quyền quốc tế và các cam kết quốc tế của Việt Nam về nhân quyền.
Ông Conor Fortune, người đứng đầu bộ phận truyền thông của FLD nói trong email gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 13/4:
“Việc kết án nhà báo, nhà bảo vệ nhân quyền Nguyễn Lân Thắng với tội danh bịa đặt ‘tuyên truyền’ là sai sót tư pháp quá rõ ràng. Bản án này phải được hủy bỏ trong phiên phúc thẩm, và mọi cáo buộc chống lại ông phải được xoá bỏ.”
Nhắc lại việc blogger của RFA bị biệt giam hơn bảy tháng và bị xử kín cho dù có nhiều tổ chức quốc tế kêu gọi một phiên toà công khai và công bằng, ông Corner nói:
“Trường hợp của Nguyễn Lân Thắng phản ánh một thực tế đáng buồn về cuộc đàn áp đang diễn ra mà nhiều nhà báo và người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam phải đối mặt vì những lời chỉ trích của họ đối với các chính sách của chính phủ.”
Bà Amanda Bennett, giám đốc của cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ (USAGM) ngày 13/4, cho hay gần một thập kỷ qua, Nguyễn Lân Thắng đã chia sẻ những góc nhìn kịp thời và dự đoán về tự do, dân chủ, nhân quyền với thính giả Việt Nam của Đài Á Châu Tự Do.
“Việc kết án Nguyễn Lân Thắng ở Việt Nam giáng thêm một đòn vào tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Việt Nam…
Tôi tham gia vào những tiếng nói quốc tế lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do ngay lập tức cho Nguyễn Lân Thắng,” bà Bennett đồng thời cho biết “Báo chí không phải là một tội ác!”
Ông Nguyễn Lân Thắng là người thứ sáu của cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ bị bắt giam tại Việt Nam hiện nay, trong đó có bốn cộng tác viên của Đài Á Châu Tự Do và hai cộng tác viên của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) gồm: Lê Anh Hùng và Phạm Chí Dũng.
Hai ngày sau phiên toà, Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) ra thông cáo báo chí lên án bản án và kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Nguyễn Lân Thắng. Tổ chức có trụ sở ở Brussel (Bỉ) nói trong thông cáo:
“Việc tiếp tục sử dụng tùy tiện các cáo buộc chống nhà nước theo Bộ luật Hình sự Việt Nam để bịt miệng báo chí độc lập và phản biện là không thể chấp nhận được và đặt ra những hạn chế nghiêm trọng đối với tự do báo chí và tự do ngôn luận.”
Sau phiên toà, nhà báo Lê Bích Vượng, vợ của blogger Nguyễn Lân Thắng gửi thư ngỏ cảm ơn các luật sư bào chữa, các tổ chức quốc tế, các cơ quan báo chí, bạn bè và giới hoạt động đã lên tiếng và đồng hành cùng gia đình bà trong vụ án của ông Thắng.
Tin tưởng về sự đúng đắn trong các hoạt động của chồng vì quyền con người và một tương lai tươi sáng của dân tộc, bà nói:
“Cái giá của tự do và công bằng chưa bao giờ rẻ. Tất cả mọi người đều được an toàn chỉ khi cùng lên tiếng đấu tranh chống bất công và khi đó xã hội chúng ta mới trở thành một xã hội văn minh. Chúng tôi hi vọng các bạn sẽ tiếp tục đồng hành cùng anh Thắng trên chặng đường có lẽ sẽ rất dài này, và cùng nhau chiến thắng!”
Ông Nguyễn Lân Thắng là nhà hoạt động thứ hai bị kết án kể từ đầu năm nay. Cuối tháng trước, nhà hoạt động Trương Văn Dũng cũng bị TAND Hà Nội kết án sáu năm tù với cùng tội danh.
RFA (15.04.2023)
Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên đến Mỹ trước chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Blinken
Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên. Photo: Facebook Phạm Thanh Nghiên.
Bà Phạm Thanh Nghiên, cựu tù nhân và là nhà văn bất đồng chính kiến Việt Nam, cùng gia đình đã đến thành phố Houston, bang Texas, vào tối ngày 13/4 để tị nạn chính trị, theo báo Người Việt và các nhà hoạt động nhân quyền.
Một nhà hoạt động nhân quyền không nêu tên ở Tp. Hồ Chí Minh xác nhận với VOA hôm 14/4 rằng gia đình bà Nghiên đã đến thành phố Houston.
Bà Phạm Thanh Nghiên đến Mỹ tị nạn vài giờ trước chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trường Hoa Kỳ Antony Blinken.
Ông Blinken dự kiến đến thăm Hà Nội từ ngày 14 đến 16 tháng 4, trong đó ông sẽ dự lễ động thổ xây dựng tòa đại sứ mới và gặp gỡ giới lãnh đạo Việt Nam, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ nêu vấn đề nhân quyền tại Hà Nội.
Từ Đức, Luật sư Nguyễn Văn Đài nêu nhận định với VOA về việc nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên đế Mỹ tị nạn:
“Hoa Kỳ luôn luôn gây áp lực đối với phía Việt Nam trong vấn đề cải thiện nhân quyền. Trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, phía Việt Nam có một chỉ dấu nhỏ nhỏ, đó là cho phép gia đình chị Phạm Thanh Nghiên được tới Hoa Kỳ tị nạn chính trị.
“Đây là một tiến trình rất nhiều năm. Tôi biết gia đình chị Phạm Thanh Nghiên đã làm thủ tục xin tị nạn chính trị cách đây ít nhất là hơn 3 năm. Về phía chị Nghiên thì thủ tục dễ dàng, nhưng chồng của chị là anh Huỳnh Anh Tú, do vấn đề không có hộ khẩu nên phía Việt Nam gây khó khăn rất nhiều năm”.
“Sau nhiều năm đàm phán, gây áp lực trong vấn đề ngoại giao thì phía Việt Nam mới chấp nhận cho gia đình chị đi”, Luật sư Đài cho biết.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, yêu cầu bình luận việc bà Nghiên và gia đình đến Mỹ, nhưng chưa được phản hồi.
Ông Huỳnh Anh Tú, chồng bà Nghiên, cũng là một cựu tù chính trị, mãn án 14 năm tù hồi năm 2013.
Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên, 46 tuổi, từng thụ án bốn năm tù với cáo buộc “Tuyên truyền chống phá nhà nước,” theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự.
Ra tù, bà viết cuốn hồi ký “Những mảnh đời sau song sắt”. Bà nhận được giải Văn Việt năm 2021 cho tác phẩm này, sau khi hồi ký được tủ sách Tiếng Quê Hương xuất bản tại Mỹ vào 11/2017, và được nhà xuất bản Tự Do ấn hành và tái bản nhiều lần ở Việt Nam, mặc dù bị cấm lưu hành.
Trước đó, bà được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao Giải thưởng Hellman/Hammett dành cho các nhà văn bị đàn áp chính trị.
Vào hồi tháng 9/2008, bà Phạm Thanh Nghiên bị bắt trong khi bà đang tọa kháng tại gia, phản đối Trung Quốc xâm lấn chủ quyền của Việt Nam.
VOA (14.04.2023)
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng bị tuyên 6 năm tù về tội ‘chống nhà nước’ sau phiên xử kín
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng tại một diễn đàn dành cho những người bảo vệ nhân quyền ở Ireland. Ông Thắng bị một tòa án ở Hà Nội xử kín và kết án 6 năm tù tội “tuyên truyền chống nhà nước.”
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, người thường tự gọi mình là “Ông Ké”, bị một tòa án Việt Nam tuyên phạt 6 năm tù cho tội danh “chống phá nhà nước” trong một phiên xử kín ở Hà Nội mà trước đó ông yêu cầu được xét xử công khai.
Phiên tòa xét xử ông Thắng, người cũng là một blogger nổi tiếng từng cộng tác với Đài Á châu Tự do và nhiều lần trả lời phỏng vấn với đài VOA, đều có trụ sở ở Mỹ, đã diễn ra bất chấp những lời kêu gọi từ các tổ chức nhân quyền quốc tế trước đó yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông, người mà họ cho là đáng được hoan nghênh thay vì đối mặt với nhiều năm tù.
Luật sư Lê Đình Việt, một trong 4 luật sư bào chữa cho ông Thắng tại phiên tòa hôm 12/4 cho VOA biết Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt ông Thắng 6 năm tù và 2 năm quản chế về tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, một điều luật mà giới đấu tranh cho dân chủ và các tổ chức nhân quyền lên án là “mơ hồ”.
LS Việt cũng cho biết rằng tòa tuyên án chỉ sau khoảng 5 tiếng đồng hồ trong phiên xử kín mà vị luật sư này nói là không được phép chia sẻ những gì đã diễn ra tại đó.
Vị luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay ông cùng các luật sư bào chữa và ông Thắng đã kiến nghị xét xử công khai vì cho rằng phiên tòa “không thuộc trường hợp phải xử kín theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự”. Tuy nhiên, tòa vẫn quyết định xử kín mà không đưa ra lời giải thích, theo LS Việt.
Gia đình ông Thắng, người được biết tiếng ở Việt Nam trong dòng họ Nguyễn Lân với những người con đều là giáo sư và tiến sĩ, không được tham dự phiên tòa với tư cách người thân, theo LS Việt. Tuy nhiên, vẫn LS Việt thuật lại rằng bà Lê Bích Vượng, vợ ông Thắng, được phép tham dự do tòa triệu tập với “tư cách tố tụng theo quy định của pháp luật”.
Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân sau phiên tòa, bà Vượng cho biết mức án 6 năm tù, 2 năm quản chế khiến bà “choáng váng đến mức khó có thể định hình được điều đang xảy ra với anh Thắng, tôi và gia đình” bởi bà “hy vọng nhiều hơn về sự tự do cho những việc làm mang ý nghĩa tích cực và tốt đẹp mà chồng tôi đã và đang làm”. Nhưng bà thấy được an ủi vì “được nhìn thấy chồng sau gần 10 tháng xa cách”.
Ông Thắng, người thường lên tiếng phản biện về các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội ở Việt Nam, bị bắt vào tháng 7 năm ngoái với cáo buộc kể trên theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Đây cũng là cáo buộc mà chính quyền Việt Nam dùng để kết án tù nhà báo bất đồng chính kiến nổi danh nhất trong nước là Phạm Đoan Trang, người đang thụ án 9 năm tù tại quốc gia Đông Nam Á chỉ có Đảng Cộng sản được nắm toàn quyền lãnh đạo đất nước.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội, được truyền thông do nhà nước Việt Nam quản lý đăng tải, nói rằng ông Thắng, 48 tuổi, “trực tiếp tham gia trả lời phỏng vấn các trang mạng, đăng tải lên Internet nhiều video có nội dung tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Cáo trạng, được Hà Nội Mới và Tuổi Trẻ dẫn lại, nói rằng ông Thắng, đăng tải và “tàng trữ” các tài liệu có nội dung “tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân” hay “tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”.
Trước ngày xét xử, Luật sư Lê Văn Luân, một trong những người bào chữa cho ông Thắng, nói với VOA rằng ông Thắng cho rằng ông vô tội. Bà Vượng cũng nói với VOA rằng chồng bà vô tội và rằng ông Thắng phủ nhận việc “tàng trữ các tài liệu chống nhà nước”. Theo bà Vượng, việc ông Thắng trả lời phỏng vấn các đài nước ngoài, trong đó có VOA, “không vi phạm pháp luật” và “không chống nhà nước”.
Được biết, ông Thắng bắt đầu hoạt động từ đầu thập niên 2000 qua việc tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Theo HRW, tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Mỹ và đã lên tiếng kêu gọi trả tự do cho ông, ông Thắng phản ứng lại với động thái trấn áp thẳng tay nhằm vào các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh bằng cách “mở rộng phạm vi hoạt động sang các lĩnh vực khác như bênh vực dân oan, chống cướp bóc đất đai, bảo vệ tự do tôn giáo, bảo vệ quyền con người, phổ biến pháp luật…”
Cáo trạng của Viện Kiểm sát còn cho rằng ông Thắng “vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm cá nhân”, theo Hà Nội Mới và Tuổi Trẻ. Cùng ngày, các trang tin “Chống phản động” trên mạng xã hội của Lực lượng 47 do Nhà nước hậu thuẫn cho rằng ông Thắng đã “xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Trong những đăng tải trên mạng xã hội trước đây, ông Thắng, lấy tên Nguyễn Lân Ké, nhại theo tên thân mật “Ông Ké” của Hồ Chí Minh, đưa ra những đăng tải mang tính châm chọc về người được xem là “lãnh tụ vĩ đại” ở Việt Nam. Ông Thắng, cũng là thành viên sáng lập Đội bóng No-U FC giờ đã ngừng hoạt động, công khai ủng hộ việc hoạt động ôn hòa và từng nói rằng ông mong muốn đấu tranh “vì một thế hệ trẻ Việt Nam ngày mai: hiểu biết, tôn trọng, không cuồng tín, không bạo lực”.
Trong bức thư gửi đến TAND TP Hà Nội trước phiên tòa, bố mẹ ông Thắng, giáo sư Nguyễn Lân Tráng và tiến sĩ Trần Thảo Nguyên, nói rằng con trai họ “học được rằng nếu lãnh đạo có sai phạm thì phải lên tiếng, để rồi cùng sửa sai trước khi quá muộn màng”. Hai vị phụ huynh thuộc tầng lớp trí thức còn viết rằng con trai mình “đã lên tiếng, mạnh mẽ và quyết liệt bày tỏ thái độ với những biểu hiện tiêu cực và bất cập ở khắp nơi trên đất nước” và “chỉ đang sống như một công dân yêu nước có trách nhiệm với xã hội”.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc ban Á châu của HRW, cho rằng bản án nhiều năm tù mà nhà cầm quyền vừa tuyên cho ông Thắng là “hoàn toàn thái quá và không thể chấp nhận được”. Trong một đăng tải trên Twitter hôm 12/4, ông Robertson nói rằng bản án “một lần nữa cho thấy nhân quyền không được tôn trọng, không có công lý ở Việt Nam”.
Cùng ngày, Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) đưa ra một thông cáo chỉ trích việc chính quyền Việt Nam kết án ông Thắng và kêu gọi họ “hủy bỏ bản án” cũng như trả tự do “ngay lập tức và vô điều kiện” cho blogger này. Tổ chức chuyên cổ vũ cho công lý và nhân quyền có trụ sở ở Geneva, Thụy Sỹ, cho rằng việc truy tố ông Thắng dựa trên những “cáo buộc ngụy tạo nhằm trả thù việc thực hiện quyền tự do ngôn luận và công việc hợp pháp của ông với tư cách là một nhà báo.”
Theo LS Việt, “việc cáo buộc một số người khi họ có những phát ngôn hoặc tham gia vào những hoạt động xã hội” với tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 “là một vấn đề không phù hợp với các nguyên tắc chung của pháp luật, trong đó có hiến pháp, bộ luật hình sự và công ước quốc tế về các quyền chính trị dân sự mà Việt Nam tham gia vào năm 1982”.
Ông Việt cho biết các luật sư đã và đang tiếp tục kiến nghị loại bỏ điều luật mà ông cũng cho là “mơ hồ” vì, theo họ, bất kỳ ai khi có những phát ngôn, dù chỉ là những quan điểm cá nhân hoặc đôi khi là những quan điểm mang tính đóng góp cũng “rất dễ bị xử lý theo điều 117”.
Luật sư Việt nói rằng chưa biết gia đình ông Thắng có kháng cáo bản án này hay không.
VOA (12.04.2023)
Một bản án rất ‘nặng nề’ mà dư luận quốc tế cần ‘lên án’
Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng trước khi bị bắt vào tháng 7 năm 2022 FB Nguyễn Lân Thắng
Bản án 6 năm tù giam và 2 năm quản chế mà nhà cầm quyền Việt Nam tại phiên tòa xét xử kín cấp sơ thẩm ở Hà Nội đã tuyên với blogger, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động dân sự ôn hòa, là một bản án “rất nặng nề” mà dư luận quốc tế, những quốc gia tự nhận đứng hàng đầu về tự do, dân chủ và nhân quyền trên thế giới, cần phải hết sức “lên án”, theo một nhà quan sát và phân tích thời sự chính trị và xã hội dân sự từ Hà Nội.
Hôm thứ Tư, 12/04/2023, ngay sau khi Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm cáo buộc ông Nguyễn Lân Thắng đã vi phạm điều 117 Bộ Luật hình sự của nhà nước CHXHCN Việt Nam với tội danh “tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phản biện xã hội (IDS – đã tự giải thể), đưa ra bình luận:
“Tất cả những cáo buộc mà người ta nêu ra thì cũng như những cáo buộc người ta từng đưa ra từ trước đây mà thôi và một mức án tuyên là sáu năm tù giam và hai năm quản chế là một mức tương tự như của những người khác phạm tội danh như thế, đấy là một bản án rất, rất là nặng nề.”
Hệ lụy thế nào sau bản án nặng nề này?
Đánh giá về hậu quả có thể gây ra và hệ lụy của bản án vừa được tuyên này với nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, người sinh ra trong một gia đình trí thức, khoa bảng, có nhiều người đã đang phục vụ trên các cương vị quan trọng khác nhau cho chế độ, TSKH Nguyễn Quang A nói:
“Tôi nghĩ nó cũng giống như những bản án tương tự như thế, thậm chí còn nặng hơn trong khoảng một vài năm vừa qua, mà có rất là nhiều, thì chắc chắn nó sẽ làm cho dư luận quốc tế thấy tình hình nhân quyền xấu đi một cách khủng khiếp.
“Và chắc chắn người ta nghĩ nó cũng sẽ làm cho nhiều người lo sợ, rồi có thể phong trào dân sự cũng sẽ yếu đi, như là tất cả những cuộc đàn áp sẽ làm ra những cuộc thăng trầm của xã hội dân sự và không gian dân sự bị thu hẹp một cách rất rõ rệt”
Đánh giá về cách thức phiên tòa sơ thẩm xét xử kỹ sư Nguyễn Lân Thắng được tiến hành, mà trong đó có việc tòa quyết định xét xử kín, nhiều báo cáo loan tin về các vụ canh giữ, hạn chế, phong tỏa với giới hoạt động, các nhà bất đồng tiếp cận theo dõi, và thành viên gia đình, thân nhân bị hạn chế ngặt nghèo đến tham dự phiên tòa, TSKH Nguyễn Quang A nói:
“Cái đấy cũng không có gì là lạ, vì tất cả những cuộc xử trong ba bốn năm trở lại đây thì dù có được nói là công khai, nhiều cuộc cũng chẳng cho ai vào cả, và thậm chí gia đình cũng không được vào.
“Chị Lê Bích Vượng, vợ anh Thắng được vào là với tư cách ‘người liên quan’, chứ không phải là ‘người nhà’. Người nhà chưa bao giờ được vào cả. Và điều mà tôi không bao giờ có thể hiểu được là tại sao cuộc này lại là cuộc xử kín?”
Thông điệp gì cho chính quyền và với công luận quốc tế?
Nhân vụ xét xử này với kỹ sư Lân Thắng, TSKH Nguyễn Quang A, người có nhiều năm chủ biên các công trình nghiên cứu, khảo cứu, dịch thuật về xã hội dân sự và cải cách thể chế ở Việt Nam, cũng đưa ra một vài điều được xem là thông điệp của ông với nhà nước, chính quyền cộng sản Việt Nam, cũng như với cộng đồng và giới quan sát, hậu thuẫn dân chủ, nhân quyền quốc tế.
Ông nói: “Tôi chỉ muốn nói với chính quyền Việt Nam rằng vì lợi ích của chính họ và vì lợi ích của dân tộc, thì không thể bỏ tù những người tử tế như vậy được.
“Còn đối với các nước mà gọi là dân chủ, hay mà tự nhận mình là dân chủ, nhưng mà thực sự cũng sa sút rất là nhiều về dân chủ trong một thập niên vừa qua, tôi nghĩ và muốn nói rằng họ hãy hành động làm sao cho hiệu quả.
“Và tôi nghĩ dư luận quốc tế phải rất là lên án những bản án như thế này, nhất là đối với Việt Nam, một thành viên của Hội đồng nhân quyền vừa mới được bầu vào,” nhà quan sát chính trị và xã hội dân sự Việt Nam đưa ra bình luận trên quan điểm riêng của ông từ Hà Nội.
Được biết, theo cáo trạng, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, một cộng tác viên thường xuyên từ trước của RFA Tiếng Việt, bị bắt vì được cho là “tàng trữ” một số sách vở, tài liệu có nội dung “chống nhà nước,” tham gia và xuất hiện trên nhiều thảo luận của truyền thông quốc tế có sử dụng tiếng Việt, cụ thể là dự nhiều cuộc thảo luận bàn tròn của BBC với nội dung bị cáo buộc là “chống phá”, “bôi xấu” nhà nước Việt Nam, bên cạnh việc đăng tải hơn một chục “video” có nội dung được cho là “xuyên tạc” chế độ của nhà nước cộng sản Việt Nam.
Phiên xử kín đối với ông Nguyễn Lân Thắng diễn ra trong bối cảnh ngay trước đó đã có nhiều tổ chức giám sát nhân quyền, dân chủ quốc tế lên án việc bắt giữ ông, bày tỏ quan ngại về việc xét xử không công khai và yêu cầu chính quyền Việt Nam trao trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện với ông, cùng lúc cũng có một số thống kê, tài liệu từ tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế cho thấy chiều hướng rõ ràng về gia tăng bắt bớ, trấn áp với giới hoạt động dân chủ và nhân quyền ở quốc gia Đông Nam Á này.
Về bối cảnh quan hệ quốc tế và bang giao Mỹ – Việt, phiên tòa cũng diễn ra ngay trước thềm một chuyến thăm chính thức của ngoại trưởng Hoa Kỳ, Antony Blinken, người theo dự kiến sẽ viếng thăm Việt Nam vào cuối tuần này, nhân tròn mười năm hai quốc gia cựu thù thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2013-2023).
Quốc Phương
RFA (12.04.2023)
Cao Bằng ép tín đồ Dương Văn Mình bỏ đạo, thờ Hồ Chí Minh
Bàn thờ của một gia đình theo đạo Dương Văn Mình trước và sau khi bị phá ngày 2/8/2022 ở Nà Héng, Nam Quang, Bảo Lâm, Cao Bằng
“Hiện nay chính quyền Việt Nam đang tiến hành chiến dịch xóa bỏ đạo Dương Văn Mình, một đạo đặc biệt của người dân tộc H’mong, tập trung ở bốn tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, và Tuyên Quang,” một nhà quan sát cho hay.
Các tín đồ của tín ngưỡng Dương Văn Mình ở xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng cho biết rằng vào ngày 5/4/2023, chính quyền địa phương cử 15 cán bộ xã vào xóm Nà Héng để phá bàn thờ và ép những người dân tộc H’mong theo đạo Dương Văn Mình ký vào giấy cam kết bỏ đạo.
Các tín đồ cho biết đoàn chính quyền đã chặn đường 7 tín đồ và ép họ ký vào bản cam kết bỏ đạo. Khi họ từ chối ký thì chính quyền được cho là đã khống chế chân tay để bôi mực và ấn vân tay của họ vào các tờ giấy cam kết này.
Các nạn nhân bao gồm ông Lý Văn Chi, ông Hoàng Văn Chạ, ông Mã Văn Chầu, ông Mã Văn Sùng, ông Đào Văn Sử và bà Đào Thị Pè.
Ông Lý Văn Chi thuật lại sự việc xảy ra hôm 5/4:
“…Cán bộ xã bảo dừng xe, ký cam kết…nhưng chúng tôi không nhất trí….Họ ép buộc ký…”
Ông Hoàng Văn Thành, một người đại diện và đồng thời là người thông dịch cho ông Chi do ông không rành tiếng Kinh, nói:
“Hôm đấy ông Chi đi chợ khoảng 9 giờ sáng hơn thì gia đình điện cho ông Chi bảo rằng về nhà đi vì có đoàn chính quyền đến nhà tháo dỡ phông bàn thờ. Ông Chi liền quay từ chợ về cách nhà 300m thì ông Chi gặp đoàn chính quyền, họ dừng xe ông. Họ nói ‘yêu cầu anh từ nay không treo cái phông kia nữa. Chúng tôi có bản cam kết để anh tự nguyện ký bỏ đạo, tín ngưỡng đó và không tin theo nữa. Nếu anh không nhất trí thì chúng tôi sẽ bắt buộc anh ký’”.
“Ông Chi không ký và bảo rằng ‘đó là con đường hợp với tôi’. Đoàn chính quyền cầm tay và kéo ông Chi điểm chỉ ký vào tờ cam kết. Ông Chi không chịu, ông làm rách tờ 1 thì chính quyền ép ký vào tờ 2. Sau khi kéo tay ông Chi điểm chỉ xong thì đoàn chính quyền đi về, không nói gì nữa”.
Ông Hoàng Văn Chạ, một nạn nhân khác cũng bị ép bỏ đạo, nói với VOA:
“Có một anh cầm tay trái tôi vặn về đằng sau, sau đó 5 người cầm tay của tôi điểm chỉ. Có anh trưởng công an xã đi từ bên phải bóp vào sườn của tôi”.
Khi được hỏi về việc bị chính quyền chặn đường và ép ký bỏ đạo, ông Chạ nói: “Tôi nghĩ chính quyền làm như thế là không đúng pháp luật. Ép người dân như vậy là quá đáng đối với người dân… Làm như vậy sẽ làm cho bà con hoang mang”.
Ông Chạ nói về đạo Dương Văn Mình: “Đó là một điều tốt. Khi chúng tôi lớn lên, cha mẹ chúng tôi đã theo. Chúng tôi thấy điều đó là đúng với phong tục của người H’mong và không có gì sai pháp luật. Điều đó rất tốt đối với bản thân tôi và với người H’mong theo Dương Văn Mình”.
Hồi tháng 3/2023, chính quyền huyện Bảo Lâm tổ chức một hội nghị “tổng kết cao điểm 100 ngày đấu tranh xóa bỏ “tổ chức bất hợp pháp” Dương Văn Mình, ca ngợi thành tích về việc “kiềm chế, kéo giảm sâu và dần thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của tín ngưỡng này trên địa bàn huyện”.
“Đến nay, trên địa bàn huyện không còn ‘nhà đòn’ và ‘tấm phông trắng’; 100% điểm, nhóm không tổ chức ‘Tết chung’; có 11.091/13.108 hộ đã ký cam kết (đạt 86,4%)”, đài truyền hình Cao Bằng cho biết trong một bản tin hôm 11/3.
Truyền thông địa phương cho biết đây là nỗ lực của các cấp chính quyền do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo về “đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình trên địa bàn tỉnh”.
Từ Đức, ông Vũ Quốc Dụng, Giám Đốc Điều Hành của tổ chức nhân quyền VETO!, nhận định:
“Hiện nay chính quyền Việt Nam đang tiến hành chiến dịch xóa bỏ đạo Dương Văn Mình, một đạo đặc biệt của người dân tộc H’mong, tập trung ở bốn tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, và Tuyên Quang”.
“Chính quyền Việt Nam gọi đạo Dương Văn Mình là một tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Ban đầu Việt Nam gọi họ là tổ chức tôn giáo bất hợp pháp, nhưng dần dần họ bỏ chữ ‘tôn giáo’ đi để tránh việc bị cho là đàn áp tôn giáo”.
Chiến dịch xóa bỏ đạo Dương Văn Mình bắt đầu từ tháng 12/2021 khi ông Dương Văn Mình, người sáng lập, bị chết do bệnh ung thư. Nhân dịp đó, chính quyền ra tay đàn áp.
“Chiến dịch xóa bỏ này dùng các biện pháp như hăm dọa, bắt giữ, kết án tù, phá nhà bảo quản đồ tang lễ, phá các bàn thờ, bắt ký giấy cam kết bỏ đạo, cấm không được tập trung cầu nguyện vào ngày Chủ Nhật, phá các đám tang…”
Theo VOA (12.04.2023)
Ls. Lê Quốc Quân: Nếu tuyên có án, nghĩa là Chính quyền Việt Nam coi phản biện xã hội ôn hoà cũng là hành vi chống nhà nước.
Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng bị kết án 6 năm tù và 2 năm quản chế.
Ngay lúc này toà án Hà Nội đang xét xử Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng theo truy tố của VKS về Điều 117 BLHS, tôi có một số bình luận ngoài lề như sau:
- Theo điều 117 thì người nào có các hành vi như: làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung: “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”; “bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân” hoặc “gây chiến tranh tâm lý” thì bị truy tố. Yếu tố quan trọng ở đây là có mục đích “Chống nhà nước”.
- Nguyễn Lân Thắng hoạt động chủ yếu là bảo vệ chủ quyền biển đảo, tham gia biểu tình và chụp ảnh cho các hoạt động phản đối Trung Quốc xâm lấn ở Biển Đông, làm từ thiện vùng cao, bảo vệ cây xanh và đứng về phía bị hại trong vụ Formosa xả thải ở Miền Trung. Đó không thể là chống nhà nước mà là chống những cái xấu, cái chưa hoàn thiện của Nhà nước.
- Nhà nước là một thiết chế chính trị hình thành qua dòng lịch sử, nhưng Nhà nước không rõ hình hài, không sờ nắm được. Nhà nước không thể bị chống nếu không có những hành động cụ thể nhằm tấn công vật lý, thay đổi trật tự hoặc lật đổ sự thống trị của nó. Nguyễn Lân Thắng, như bao nhiều khác, đang làm cho thiết chế đó hoàn thiện hơn, vững mạnh hơn bằng chính việc chỉ ra những khiếm khuyết của nó.
- Nếu tuyên có án, nghĩa là Chính quyền Việt Nam coi phản biện xã hội ôn hoà cũng là hành vi chống nhà nước. Nhà nước coi các hoạt động nói những điểm yếu của mình là làm giảm uy tín, giảm sức mạnh của mình thì có nghĩa là nhà nước yếu, nhà nước không đủ sức mạnh và chính nghĩa trước sự phản biện của một cá nhân.
- Có thể anh Nguyễn Lân Thắng bị trả thù vì một số dòng trạng thái châm biếm lãnh tụ nhưng xin nhớ luật pháp Việt Nam không có một điều luật hình sự nào đề cập đến tội xúc phạm lãnh tụ cả. Hiến pháp quy định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và khái niệm lãnh tụ cũng chưa được minh định trong luật. Việc xúc phạm nhân phẩm, danh dự và uy tín của người khác đã quy định tại điều 155 BLHS về tội “làm nhục người khác”. Nếu như “Bác Hồ” bị Thắng làm nhục thì với tư cách là người bị hại, Bác hoặc người đại diện hợp pháp của “Bác” phải có đơn tố giác về hành vi của Lân Thắng.
- Tôi nghĩ nếu khoẻ mạnh không ai ngại bị chê là ốm yếu cả. Tâm lý trả thù do tự ti này là rất nguy hiểm. Đặc biệt khi nó không còn là sự trả thù của một cá nhân, một tập thể mà của cả một nhà nước. Đây là lúc hết sức báo động về tính chính đáng và sức mạnh của Nhà nước. Một, mười, một trăm hay một ngàn Nguyễn Lân Thắng cũng không thể “gây hoang mang dư luận” hoặc làm “suy yếu chính quyền” nếu như chính quyền đó hoàn toàn vững vàng và đáng tin cậy với dân chúng. Sự cai trị bằng vũ lực và đàn áp các tiếng nói đối lập chỉ phơi bày sự yếu đuối và cực đoan mà thôi.
- Trong khi hàng loạt khái niệm về dung hợp (inclusive) đang được đưa vào trong xã hội Việt Nam về mặt kinh tế và xã hội, thì chính quyền vẫn kiên quyết loại trừ (exclusive) những tiếng nói không đồng thuận mới mình. Các tiếng nói đối lập bị bỏ tù gần đây và trường hợp của Nguyễn Lân Thắng hôm nay là một bằng chứng hiển nhiên về sự loại trừ có hệ thống nhằm khẳng định tính độc tôn, độc tài của đảng. Điều này chỉ làm cho Nhà nước Việt Nam ngày càng yếu đuối với nhân dân mình và cô đơn trước các quốc gia trên thế giới.
- Cuối cùng, theo tôi thì bản án của Nguyễn Lân Thắng càng cao, tính trả thù với cá nhân càng lớn nhưng tính chính đáng của chính quyền càng suy giảm; Bản án càng cao thì càng làm nhiều người bất bình và xô đẩy người khác lên tiếng phản biện chứ không làm tắt đi tiếng nói của lương tâm.
https://www.facebook.com/vietnamsolutions (12.04.2023)
Công an Long An lại triệu tập LS Đặng Đình Mạnh, HRW nói “công lý đã chết ở Việt Nam
Công an tỉnh Long An tiếp tục triệu tập luật sư Đặng Đình Mạnh (lần hai) để làm việc về tin báo tội phạm của Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an).
Bộ Công an cho rằng một số luật sư trợ giúp pháp lý cho Tịnh thất Bồng lai/Thiền am bên bờ vũ trụ có dấu hiệu vi phạm Điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Theo bản sao mà RFA nhận được, giấy triệu tập luật sư Đặng Đình Mạnh lần thứ hai đề ngày 07/4 yêu cầu vị luật sư của Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh phải có mặt tại Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Công an tỉnh Long An vào ngày 12/4. Trước đó, hôm 6/3, luật sư Mạnh đã nhận được giấy triệu tập của Công an tỉnh, yêu cầu ông đến làm việc vào ngày 21/3.
Một luật sư khác (không muốn nêu tên vì lý do an toàn) trong nhóm luật sư bào chữa cho sáu thành viên Tịnh thất Bồng lai/Thiền am bên bờ vũ trụ nói không chỉ một mình luật sư Mạnh bị triệu tập lần hai liên quan đến tố cáo “Lợi dụng quyền tự do dân chủ”. Vị luật sư này không nêu tên cụ thể những người bị triệu tập lần hai như luật sư Mạnh. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (trong nhóm năm luật sư) thì luật sư Phúc xác nhận ông chưa nhận được văn bản như vậy.
Phóng viên gọi điện cho Điều tra viên Hoàng Hưng, người được Công an Long An giao thụ lý vụ việc trên nhưng người này không nghe máy.
Bình luận về việc Công an Long An tiếp tục triệu tập luật sư Đặng Đình Mạnh, ông Phil Robertson nói qua tin nhắn với Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 10/4:
“Điều 331 là một ví dụ ngớ ngẩn và trắng trợn nhất về việc Việt Nam cố ý vi phạm các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của mình theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, nhưng xét đến mức độ đàn áp của Chính phủ, không có gì ngạc nhiên khi các nhà chức trách sử dụng điều khoản này để vi phạm một quyền khác, đó là quyền được đại diện pháp lý và được xét xử độc lập và công bằng.
Hà Nội đáng bị lên án toàn cầu vì đã sách nhiễu số ít luật sư bào chữa còn lại trong nước tham gia trong các vụ án nhân quyền, nhưng thực sự điều này cho thấy nền tư pháp Việt Nam đã trở thành một trò hề hoàn toàn và tuyệt đối.
Việc đàn áp này cho thấy rõ ràng rằng công lý đã chết ở Việt Nam dưới chế độ độc đảng đàn áp nhân quyền hiện nay.”
Ông cho rằng sự đàn áp nhân quyền cực độ ở Việt Nam đang kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động, và các quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nên bắt đầu khởi động bằng việc soạn thảo một nghị quyết lên án những vi phạm nhân quyền có hệ thống và phổ biến của Việt Nam.
Vào đầu tháng trước, Công an Long An đã gửi giấy triệu tập lần thứ nhất cho cả năm luật sư trong nhóm. Tuy nhiên, chỉ có hai luật sư Trịnh Vĩnh Phúc và Ngô Thị Hoàng Anh đến Công an Long An làm việc. Đến thời điểm này, theo ghi nhận của RFA, không bên nào tiết lội nội dung của buổi làm việc trên.
Luật sư Đào Kim Lân không đến làm việc theo giấy triệu tập nhưng trước đó (28/2) ông có đơn kêu cứu khẩn cấp và đơn khiếu nại gởi đến các cơ quan trung ương của Việt Nam, trong đó có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bộ trưởng Công an, Văn phòng Chính phủ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Cục An ninh mạng.
Trong đơn, luật sư Lân bày tỏ băn khoăn về tính khách quan của việc giao cho Công an Long An xem xét vụ việc vì trước đó ông và bốn đồng nghiệp đã viết đơn tố cáo Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân, và Toà án Nhân dân tỉnh Long An có nhiều vi phạm trong quá trình tố tụng của vụ án.
Ông cũng cho rằng ông đang cư trú và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh nơi ông đăng tải thông tin về vụ án Tịnh thất Bồng lai lên Facebook và Youtube, do vậy, nếu cần, thì Công an thành phố Hồ Chí Minh mới là cơ quan có thẩm quyền xem xét liệu ông có vi phạm Điều 331 hay không.
Một tuần sau, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Bộ Công an trả lời đơn của luật sư Lân. Tuy nhiên, Thanh tra Bộ Công an đã gửi lại văn bản này cho nhà chức trách tỉnh Long An để xử lý.
Một luật sư trong nhóm nói trong điều kiện ẩn danh rằng việc các cơ quan trung ương không phản hồi kịp thời đơn khiếu nại của luật sư Lân thể hiện sự thờ ơ với các sai phạm của các cơ quan tố tụng và không bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, đi ngược lại với tiêu chí cải cách tư pháp hiện nay, đặc biệt trong trường hợp luật sư tố cáo vi phạm tố tụng nghiêm trọng, liên hoàn và có tính hệ thống của một địa phương.
Một luật sư khác (cũng không muốn nêu danh tính vì lý do an toàn) cũng cho biết ông nghi ngờ về tính khách quan trong việc giao cho Công an Long An xem xét, vì việc này sẽ cho phép nhà chức trách tỉnh Long An “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Trong khi đó, lẽ ra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phải là cơ quan xử lý vụ việc thì mới bảo đảm tính khách quan.
Liên quan việc này, luật sư Hà Huy Sơn từ Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nói với RFA rằng việc Bộ Công an giao cho công an tỉnh Long An xem xét về dấu hiệu vi phạm Điều 331 của nhóm năm luật sư là hoàn toàn phù hợp với luật pháp Việt Nam.
Năm luật sư Đặng Đình Mạnh, Đào Kim Lân, Nguyễn Văn Miếng, Trịnh Vĩnh Phúc và Ngô Thị Hoàng Anh tham gia bào chữa cho sáu thành viên của Tịnh thất Bồng lai khi họ bị cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ.” Công an huyện Đức Hoà và Hoà thượng Thích Nhật Từ là bên nguyên đơn trong vụ án mà sáu thành viên của cơ sở tu tại gia này bị kết tội tổng cộng 23 năm sáu tháng tù giam.
Trong quá trình bào chữa, nhóm luật sư của Tịnh Thất Bồng Lai đã sử dụng kênh YouTube Nhật ký Luật sư để đăng tải các thông tin liên quan đến vụ án, coi đây là phát ngôn của nhóm. Hiện kênh này đã không còn được tìm thấy trên YouTube.
Giữa tháng trước, Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) có thư ngỏ gửi hai Bộ Tư pháp và Công an Việt Nam lên án cuộc điều tra hình sự đối với luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh và kêu gọi Việt Nam ngưng điều tra hình sự đối với ông và những luật sư khác với mục đích gây phương hại đến hoạt động và quyền tự do biểu đạt của họ; có biện pháp hủy bỏ hay sửa đổi thực sự Điều 331 cho thương thích với luật nhân quyền quốc tế; và có mọi biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm việc thực thi một cách tự do nghề luật sư mà không phải lo sợ bị trả thù, bị hạn chế, gồm những sách nhiễu trong quá trình tư pháp
RFA (12.04.2023)