Cựu luật sư bị tuyên án 12 tháng tù với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ”

Bà Phan Thị Hương Thuỷ, Công An Nhân Dân

 

Cựu luật sư thuộc Đoàn luật sư Hà Nội là bà Phan Thị Hương Thuỷ vừa bị Toà án Nhân dân TP Hà Nội vào ngày 7/7 tuyên án 12 tháng tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, bà Thuỷ còn bị tuyên phải bồi thường cho người liên quan là ông Nguyễn Văn Chiến chín triệu đồng; đồng thời chịu mức án phí 200.000 đồng.

Theo truyền thông Nhà nước, phiên xử diễn ra với sự vắng mặt cả hai nhân vật quan trọng nhất, bị cáo Phan Thị Hương Thủy cũng như bị hại – luật sư Nguyễn Văn Chiến, nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội.

Bà Thuỷ (sinh năm 1959) bị khởi tố vào ngày 19/9/2022 với cáo buộc có hành vi đăng tải trên không gian mạng Internet ba bài viết được cho là có nội dung xúc phạm uy tín cá nhân, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Văn Chiến (nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam).

Ông Chiến (nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Ủy viên Ủy ban tư pháp Quốc hội khóa XIV) vào cuối tháng 10/2020 đã gửi đơn đến Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) đề nghị làm rõ việc bà Phan Thị Hương Thủy, sử dụng tài khoản Facebook “Huong Thuy Phan” để đăng bài viết có nội dung xuyên tạc, xúc phạm ông.

Cơ quan chức năng xác định, từ 15/9/2020 – 2/10/2020, bà Thủy đã sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook “Huong Thuy Phan” đăng tải tám bài viết liên quan đến ông Chiến.

Viện Kiểm sát cho biết kết luận giám định của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội là ba trong số tám bài viết này của bà Thuỷ có nội dung đả kích, nói xấu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân ông Chiến.

Bà Thuỷ trả lời RFA sau khi có quyết định khởi tố vào năm ngoái rằng bà đã tố cáo ông Chiến không có bằng đại học nên bị ông Chiến cho là xúc phạm danh dự. Bà Thuỷ đồng thời khẳng định, bản thân không xúc phạm ông Chiến và mục đích chỉ là chống tham nhũng, đồng thời muốn người ra ứng cử vào Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội khoá X phải có đủ tiêu chuẩn quy định, trong đó có bằng đại học luật. 

Tuy nhiên, tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định hành vi phạm tội của bà Phan Thị Hương Thủy đã xâm phạm quyền tự do dân chủ, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí….bị cáo là người hiểu biết pháp luật song sau khi phạm tội chưa thể hiện rõ sự ăn năn. Do đó, cần xử phạt bị cáo hình phạt nghiêm khắc để răn đe.

 

RFA (07.07.2023)

 

 

 

HRW: Bao biện việc giam giữ 39 nhà hoạt động, Việt Nam nên bị loại khỏi HĐNQ của LHQ

Bạn bè đến thăm ông Lê Anh Hùng (áo xanh, thứ ba, bên trái) ngày 5/7/2023. Photo Facebook Đặng Bích Phượng.

 

Blogger Lê Anh Hùng, cộng tác viên của VOA, hôm 5/7 mãn án tù 5 năm vì bị cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Ông Hùng nói với VOA rằng ông bị chính quyền “cưỡng bức” điều trị tâm thần một cách “lén lút” mà không có sự đồng ý của ông, và họ cũng không thông báo cho gia đình và luật sư.

Nhà báo độc lập Lê Anh Hùng bị bắt vào ngày 5/7/2018 với cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước…” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Nhưng mãi đến ngày 30/8/2022, ông mới được đưa ra xét xử, sau hai lần nhập viện tâm thần với thời gian điều trị hơn ba năm.

Ông Hùng nói với VOA ngay sau khi từ trại giam Ba Sao ở Hà Nam về nhà ở Hà Nội ngày 5/7.

“Ngay sau khi tôi bị bắt một thời gian ngắn họ cưỡng bức tôi đưa đi giám định tâm thần, giám định tâm thần hai lần. Việc đưa đi giám định họ cũng lén lút, không thông báo cho luật sư và gia đình tôi”.

Ông Hùng cho biết ông và gia đình phản đối việc ông bị cưỡng bức điều trị tâm thần, cho rằng đó là hành vi “đầu độc” người chưa được xét xử khi bị giam giữ ở trại Hỏa Lò ở Hà Nội:

“Việc họ cưỡng bức tôi đi giám định và cưỡng bức điều trị bắt buộc… tôi, gia đình và bạn bè và dư luận đều phản đối việc đó. Đã làm đơn này nọ nhưng đều không có tác dụng gì cả. Tôi vẫn bị cưỡng bức điều trị bắt buộc. Tôi phản đối dùng thuốc vì tiêm thuốc tâm thần rất độc hại vào người.

“Suốt thời gian hơn ba năm tôi sống trong tình cảnh bị đầu độc như thế”.

 

 Ông Hùng nêu nhận định về lý do ông bị bắt và quy trình tố tụng trong vụ án của ông:

“Việc tôi bị bắt xuất phát từ hành vi ngày 23/5/2018 khi tôi treo biểu ngữ có nội dung tố cáo ông Hoàng Trung Hải, lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy Hà Nội, phạm tội gián điệp, theo Điều 110 BLHS, và tố cáo ông Nguyễn Phú Trọng, phạm tội phản quốc, theo Điều 108 BLHS…Nhưng họ không cho tôi cơ hội đưa ra bằng chứng, lý lẽ để bảo vệ lời tố cáo của mình, họ lại khởi tố vụ án và bắt tạm giam tôi ngay”.

“Đó là sự vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng”, ông Hùng nhấn mạnh.

“Sau khi bị kết án ngày 30/8/2022, tôi có viết đơn đề nghị xem xét lại vụ án của tôi theo tình tự giám đốc thẩm. Đơn đã gửi ngày 25/2, cho đến nay đã hơn 4 tháng mà họ chưa trả lời tôi. Đây là sự vi phạm rất trắng trợn”.

“Bản án 5 năm tù của tôi, tôi nghĩ khi dấn thân vào con đường này thì tôi nhận thức rằng việc bị bắt bớ tù đày là một phần của cuộc đấu tranh này, nên tôi cũng không bất ngờ và đã sẵn sàng cho việc đấy”.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, Công an thành phố Hà Nội, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội và đề nghị họ cho ý kiến về các phát biểu của ông Hùng, nhưng chưa được phản hồi.

Nhà hoạt động Nguyễn Vũ Bình, một người bạn của ông Hùng ở Hà Nội, chia sẻ ý kiến cá nhân của ông với VOA: “Tôi cũng như nhiều bạn bè của Hùng, rất vui mừng vì Hùng đã được trả tự do, kết thúc giai đoạn tù đày, nhất là giai đoạn trong bệnh viện Pháp Y tâm thần trung ương. Một người bình thường ở trong bệnh viện tâm thần hơn 3 năm, bị tiêm và uống thuốc tâm thần là điều ít ai tưởng tượng nổi. Hùng đã vượt qua, có thể nói là địa ngục trần gian để trở về với gia đình và bạn bè”.

Ông Hùng là một blogger khá nổi tiếng vì lên tiếng chỉ trích chính quyền Việt Nam và từng là cộng tác viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA).

“Chúng tôi rất vui vì ông Lê Anh Hùng đã được trả tự do,” một phát ngôn viên của VOA cho biết vào cuối ngày 5/7. “Chúng tôi rất mong được liên lạc với ông ấy.”

Trong một tuyên bố trước đây, Cơ quan Truyền thông Toàn cầu (USAGM), cơ quan chủ quản của VOA, kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho các cộng tác viên của các đơn vị truyền thông trực thuộc, trong đó có ông Hùng, gọi đây là hành động nhằm bịt miệng những tiếng nói chỉ trích chính phủ.

“Việc bắt bớ nhằm bịt miệng những tiếng nói chỉ trích là điều đáng phê phán, và điều đó cần phải thay đổi ngược lại. Cuộc trấn áp tự do ngôn luận trên diện rộng ở Việt Nam là một cuộc tấn công trắng trợn vào quyền con người của công dân Việt Nam và tự do báo chí”, thông cáo của USAGM viết.

Ngoài blogger Lê Anh Hùng, còn có blogger Phạm Chí Dũng, một cộng tác viên khác của VOA, cũng bị chính quyền Việt Nam giam cầm. Các cộng tác viên khác của USAGM đang bị chính quyền giam cầm bao gồm blogger Nguyễn Văn Hoá, blogger Nguyễn Tường Thuỵ, blogger Trương Duy Nhất, là những người cộng tác với Đài Á châu Tự do (RFA), cơ quan truyền thông trực thuộc USAGM.

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ các cáo buộc vi phạm tự do báo chí, hay đàn áp tự do ngôn luận, cho rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.

 

VOA (06.07.2023)

 

 

 

 

Blogger Lê Anh Hùng mãn án 5 năm sau khi bị giam trong bệnh viện tâm thần, nhà tù

Blogger VOA Lê Anh Hùng FB Le Anh Hung

 

Sau năm năm bị giam giữ và bị ép buộc điều trị tâm thần, ông Lê Anh Hùng mãn án vào ngày 5/7/2023.

Bị bắt từ tháng 7 năm 2018 dưới cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, blogger 50 tuổi này đã phải trải qua quá trình giam giữ khắc nghiệt, ngay cả khi so sánh với những người tù chính trị khác.

Trong tổng cộng 5 năm bị giam cầm, thì có đến hơn ba năm ông Lê Anh Hùng bị giam hãm và bị ép buộc điều trị tâm thần ở một cơ sở của nhà nước. Khoảng thời gian còn lại thì ông phải trải qua hai nhà tù có tiếng hà khắc gồm trại giam Hỏa Lò và trại Ba Sao ở Hà Nam. Đây là những nơi chuyên giam giữ tù chính trị ở phía bắc.

Ông này cũng phải trải qua quá trình giam giữ không xét xử dài đến bốn năm, tức bị tước đoạt tự do khi chưa bị tòa kết tội, một kỉ lục trong giới tù chính trị.

Nhưng điều đặc biệt nhất đối với trường hợp của nhà hoạt động dân chủ này, đó là mặc dù ông bị cơ sở điều trị tâm thần xác định “mất khả năng nhận thức trong khi phạm tội”, điều đáng lý ra phải buộc nhà nước trả tự do cho ông, nhưng trái lại, ông Lê Anh Hùng đã bị tòa án tuyên 5 năm tù giam hồi ngày 30 tháng 8 năm 2022.

Ở Việt Nam, việc quan chức nhà nước phạm tội nhưng sau đó không bị bắt vì có giấy giám định tâm thần đã trở thành hiện tượng được biết đến rộng rãi. Tuy nhiên, trong trường hợp của ông Lê Anh Hùng, thì tiêu chuẩn đó lại không được áp dụng.

Phiên tòa xét xử ông này cũng đặc biệt không kém, được diễn ra dưới hình thức xử kín. Không một ai ngoài ông Lê Anh Hùng được phép xuất hiện tại tòa, thậm chí gia đình cũng không được thông báo. Một điều mà các tù chính trị khác hiếm khi phải trải qua trong những năm gần đây.

Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do trong ngày đầu sau khi mãn án, ông Lê Anh Hùng cho biết cảm nghĩ của mình:

“Thì được tự do sau 5 năm ở trong nhà tù Cộng sản tôi tất nhiên cũng cảm thấy vui thôi, nhưng mà trở về với xã hội thấy bây giờ tình hình bầu không khí sinh hoạt dân chủ ngột ngạt hơn, biết bao nhiêu người đã bị bắt thì tôi cũng lấy làm buồn. Trong cái niềm vui riêng của mình nhưng cũng có nỗi buồn chung cho bầu không khí sinh hoạt chính trị của đất nước.”

Nói về khoảng thời gian bị ép buộc điều trị tâm thần, ông Lê Anh Hùng cho biết đã bị cưỡng chế tiêm và uống thuốc mà không biết nguồn gốc cũng như tác dụng, khiến cho sức khỏe của ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Tôi vào đấy thì tôi phản đối việc uống thuốc nhưng họ trói tôi lại rồi tiêm thuốc độc tâm thần vào người tôi, tôi không thể chống cự lại họ được. Sau thì họ ép buộc tôi phải uống thuốc tâm thần, nếu mà tôi không uống thì họ lại trói rồi tiêm thuốc cho tôi. Thì tôi buộc phải uống. Uống thuốc vào thì ai cũng có thể hình dung ra, thuốc tâm thần thì vô cùng có hại cho sức khỏe thần kinh, trí não của con người.”

Ông cho biết thêm là đã liên tục phải chịu đựng sự hành hạ về mặt sức khỏe sau mỗi lần uống thuốc như buồn nôn, chóng mặt, ảo giác, mất ngủ, suy kiệt thể lực, và “lờ đờ như người bị tâm thần”. Trong hơn ba năm bị ép buộc điều trị tại bệnh viện tâm thần, ông Hùng cho biết ngày nào ông cũng phải uống thuốc.

Dù phải trải qua 5 năm tù đày cho những bài viết và phát ngôn của mình về tình hình chính trị, xã hội ở Việt Nam. Nhưng ông Lê Anh Hùng cho biết mình chấp nhận đó như một điều bình thường. Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra thất vọng khi tình hình ở trong nước ngày càng trở nên xấu hơn.

“Việc chúng tôi lên tiếng đấu tranh cho một Việt Nam tốt đẹp hơn thì có rất nhiều người đã làm. Tôi chỉ là một trong số rất nhiều người đó thôi. Khi mà chúng tôi dấn thân vào con đường này thì chúng tôi sẵn sàng chấp nhận chuyện tù đày. Tôi chỉ buồn rằng sau thời gian mà tôi chịu tù đày như vậy, khi trở về thì tình hình nhân quyền, dân chủ ở trong nước có vẻ như càng ngột ngạt hơn.”

Trước khi bị bắt, ông Lê Anh Hùng từng làm đơn tố cáo ông Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng vào thời điểm đó, tội buôn lậu và làm gián điệp cho Trung Quốc, và đương kim Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng tội “phản quốc”. Ông Lê Anh Hùng cũng chỉ trích kịch liệt Bí thư Thành ủy Hà Nội lúc bấy giờ là ông Phạm Quang Nghị.

 

RFA (05.07.2023)

 

 

 

 

Việt Nam: Hai tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ra tù với sức khỏe ‘suy kiệt’

Chụp lại hình ảnh, Các tín đồ của Đạo Tràng Út Trung (thuộc Phật giáo Hòa Hảo)

 

Hai cha con ông Bùi Văn Trung và Bùi Văn Thâm của Đạo Tràng Út Trung (thuộc Phật giáo Hòa Hảo), vừa được trả tự do sau sáu năm tù với tội danh “Gây rối trật tự công cộng” và “Chống người thi hành công vụ”, nhưng ông Trung về nhà với sức khỏe suy kiệt.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt từ An Giang, anh Thiện Tâm, một người con của ông Trung (62 tuổi) cho hay sức khỏe của ông Trung suy giảm trầm trọng trong trại giam.

Trước khi được trả về nhà, ông Trung trải qua một ca mổ cấp cứu khối ung thư đại tràng tại Bệnh viện Chợ Rẫy hôm 12/6.

 

“Cha tôi ung thư đại tràng giai đoạn hai, răng rụng, mắt gần như mù. Trại giam tắc trách, họ phát hiện trễ, ban đầu họ chẩn đoán rối loạn tiêu hóa nhẹ và đau bao tử, chỉ kê thuốc giảm đau. Chỉ đến khi cha đi vệ sinh ra máu trại mới đưa ông đi bệnh viện, chữa trị sơ sài rồi đưa về trại lại.

“Khi bệnh viện chẩn đoán khối u đại tràng họ giấu không nói cho cha và gia đình biết, nếu biết mà phẫu thuật gấp thì không đến nỗi như hiện nay.

Chụp lại hình ảnh, Ông Bùi Văn Trung

 

“Đến khi bệnh cha ngày càng nặng, họ cho đến bệnh viện Bình Phước, nhưng tại đây không đủ phương tiện điều trị. Gia đình phải đấu tranh kịch liệt mới đưa được cha đến bệnh viện Chợ Rẫy.

“Tại đây cha tôi được phẫu thuật khi khối u bằng quả cam sành. Bác sỹ nói quá trễ. Hiện sau phẫu thuật sức khỏe cha tạm ổn định.”

Ông Thiện Tâm phê phán điều ông cho là “cách đối xử của trại giam với các bệnh nhân bệnh nặng”.

Dân biểu QH Liên bang Đức nay đã nghỉ hưu, ông Martin Patzelt, người từng bảo trợ và giúp đỡ trường hợp của cha con ông Trung khi cả hai còn ngồi tù, nói với BBC rằng ông biết về tình trạng bệnh tật của ông Trung và cũng biết rằng nhà tù đã giấu, không nói cho ông Trung biết tình trạng bệnh của mình.

“Tôi đã nghe nói về căn bệnh mà người ta đã không nói cho tù nhân Trung biết. Nhờ nỗ lực cao độ của gia đình và NGO hỗ trợ mà chúng ta mới biết được chẩn đoán thực sự về bệnh của ông và đấu tranh để ông được điều trị chuyên khoa.

Đã có không ít trường hợp gia đình các tù nhân tôn giáo và chính trị phản ánh về điều kiện tồi tệ trong các trại giam của Việt Nam.

 

Một số tù nhân thậm chí mắc bệnh nặng và chết trong tù, như trường hợp ông Phan Văn Thu, người sáng lập Ân Đàn Đại Đạo – không được nhà nước Việt Nam công nhận- qua đời năm 2022 trong trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai.

Hay tù nhân lương tâm Đỗ Công Đương, chết tại Trại giam số 6, tỉnh Nghệ An năm 2022 sau một thời gian dài đau ốm và được cho là không được khám chữa bệnh đầy đủ.

“Ở đây một lần nữa, rõ ràng những người có niềm tin chính trị, tôn giáo phi chính thống hoặc người sắc tộc thiểu số bị xem là có giá trị thấp hơn trong mắt của các nhà cầm quyền chính trị và do đó không cần được chăm sóc y tế thích hợp. Người ta có thể nói một cách cay độc rằng nếu những người này chết sớm hơn, chế độ sẽ bớt đi một gánh nặng,” ông Martin Patzelt bình luận.

 

Về Đạo Tràng Út Trung

Ông Bùi Văn Trung là chủ Đạo Tràng Út Trung ở ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Hai cha con ông Trung nằm trong số sáu người của Đạo Tràng Út Trung ra tòa hôm 9/2/2018 tại huyện An Phú, tỉnh An Giang và bị tuyên án tổng cộng 22 năm tù, 2 năm án treo.

Thời điểm năm 2017, Báo An Giang dẫn nội dung cáo trạng, theo đó nói chiều tối 19/4/2017, có ba người điều khiển xe máy không đồng ý xuất trình giấy tờ xe theo yêu cầu của “tổ công tác tuần tra”.

Báo này tường thuật rằng một số người, trong đó có ông Trung, dù không tham gia giao thông nhưng đã kéo đến hô “Đả đảo cộng sản đàn áp tôn giáo”, dẫn đến việc “nhiều người khác hô theo, làm mất trật tự”.

Trước khi diễn ra phiên xử, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở tại New York thời đó đã kêu gọi giới chức “hoãn xử sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo” và cần điều tra xem liệu vụ việc có phải do “nguyên nhân kỳ thị hay đàn áp tôn giáo không”.

Đây không phải lần đầu hai cha con Trung đi tù. Trước đó ông Trung từng bị tù bốn năm vì tội “Chống người thi hành công vụ” và ông Thâm bị tù hai năm rưỡi trong một vụ việc khác mà một số tín đồ Hòa Hảo cho rằng bị “đàn áp”.

Tuy là một tôn giáo được chính phủ Việt Nam công nhận và có khoảng 2 triệu tín đồ khắp cả nước nhưng có những trường hợp chính quyền Việt Nam áp đặt các biện pháp kiểm soát với những nhánh của Phật Giáo Hòa Hảo nằm ngoài tầm kiểm soát, trong đó có Đạo Tràng Út Trung.

Gia đình ông Trung cho biết các hoạt động chính của Đạo Tràng Út Trung là niệm Phật, thuyết giảng, trao đổi giáo lý. Kể từ khi ông không chịu gia nhập Giáo hội Phật Giáo Hoà Hảo mà nhà nước công nhận, việc sinh hoạt tôn giáo của Đạo tràng Út Trung đã bắt đầu gặp trở ngại, theo các nguồn tin của giới vận động tự do tôn giáo ở VN.

 

‘Chỉ mong được yên ổn tu hành’

Ông Bùi Văn Thâm, 36 tuổi, ra tù cùng thời điểm với cha mình, nói với BBC rằng hiện sức khỏe và tinh thần của ông ‘tốt’.

Chụp lại hình ảnh, Ông Bùi Văn Thâm

 

Ông Thâm cũng kể lại quá trình sống trong tù mà theo ông là bị đàn áp, gây khó khăn rất nhiều.

Ông nhắc lại lần bị chuyển trại giam và bị bỏ đói từ sáng đến chiều mới được cho vào phòng giam ăn cơm.

Tiếp đó là lần ông bị đưa vào phòng làm việc của cán bộ trại giam, bị cùm chân và cho ăn uống, tiểu tiện tại chỗ.

Ông Thâm nói ông đã từng tuyệt thực nhiều lần để phản đối trại giam, tuyên bố mình vô tội. Lần tuyệt thực lâu nhất của ông là 21 ngày.

Ông nói trong suốt thời gian tù ông không nhận tội và không nhận mình là phạm nhân.

“Tôi thấy con đường mình đang đi là đúng đắn, dù khó khăn đến mấy tôi vẫn kiên trì và quyết tâm đi đến cùng.

“Mong các tổ chức bên ngoài có tiếng nói để chính quyền họ làm đúng quy định của pháp luật chứ đừng mượn pháp luật để đàn áp tôn giáo.”

“Tôi chỉ mong được yên ổn tu hành, niệm Phật, tổ chức các buổi lễ tại nhà theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ mong muốn đơn giản như vậy.”

 

Đàn áp tôn giáo?

Bình luận về vụ việc xảy ra với các tín đồ của Đạo Tràng Út Trung, ông Martin Patzelt nói:

“Cuộc đàn áp không chỉ đối với những người chỉ trích về mặt chính trị mà, qua trường hợp của ông Thâm và ông Trung, cho thấy có một sự sợ hãi lớn của những nhà cầm quyền độc tài đối với những người có suy nghĩ khác biệt, trong trường hợp này là những người theo đạo Phật. Tất cả những người không tuân theo học thuyết của nhà nước cộng sản dường như bị xem là một mối đe dọa đối với những người cầm quyền.”

Ông Martin Patzelt nhìn nhận rằng những người có suy nghĩ khác biệt dường như là “một mối đe dọa đối với mọi chế độ độc tài”.

Ông nói rằng những ai đi chệch khỏi tiêu chí của nhà nước đều bị “cải tạo” hoặc bị vô hại hóa bằng hình phạt, tra tấn hay thậm chí là tử hình. Làm như vậy, theo ông, là “cướp đi tiềm năng phát triển quý giá của chính họ.”

“Chỉ có tư duy tự do mới có thể tạo ra sự đổi mới, động lực, sự phát triển và sự tối ưu hóa chất lượng cuộc sống cần thiết. Đó là lý do tại sao sự phát triển về khoa học, văn hóa và xã hội bị trì trệ trong các chế độ độc tài. Bằng chứng là khi xem bản đồ chính trị của trái đất (chúng ta sẽ thấy) các nền dân chủ tự do vượt trội hơn nhiều các chế độ độc tài từ thành tích kinh tế, tiêu chuẩn xã hội, tiềm năng phát triển cho đến thực tiễn giải quyết xung đột.”

Trong báo cáo năm 2023, Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) đã khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách ‘các quốc gia đặc biệt đáng quan ngại’.

USCIRF báo cáo rằng chính phủ Việt Nam tăng cường kiểm soát và đàn áp các nhóm tôn giáo, đặc biệt là những nhóm hoạt động độc lập, không đăng ký với chính quyền. Các hình thức bức hại bao gồm quấy rối, đe dọa bỏ tù, phạt tiền và ép buộc phải từ bỏ hoặc rời bỏ các giáo phái tôn giáo của họ.

Ngày 2/12/2022, Mỹ đưa Việt Nam vào ‘Danh sách Theo dõi Đặc biệt’ (Special Watch List) về vấn đề tự do tôn giáo, cùng với Algeria, Cộng hòa Trung Phi, và Comoros.

Đây là mức độ nghiêm trọng thứ hai sau ‘Danh sách Quan ngại Đặc biệt’ (Countries of Particular Concern).

Đầu tháng 6/2023, vụ dân nổ súng vào hai đồn công an ở Đắk Lắk khiến ít nhất chín người thiệt mạng, trong đó có sáu cán bộ, được cho là do các áp bức của chính quyền về đất đai và tôn giáo đối với người Thượng.

Năm 2022 nóng với vụ giới chức bắt giữ và xét xử bốn người của Tịnh Thất Bồng Lai – một tổ chức tôn giáo độc lập.

12/2021, 56 tín đồ đạo Dương Văn Mình của người dân tộc thiểu số H’mông bị bắt.

9/2021, ba chức sắc đạo Cao Đài độc lập bị bắt

Báo cáo của Mỹcũng cho hay hàng chục tín đồ chức sắc của các nhóm tôn giáo khác tại Việt Nam đã bị thẩm vấn trong chỉ riêng năm 2019.

 

BBC (03.07.2023)

 

 

 

 

Tự do tôn giáo – ‘con ngựa thành Troy’ về tư tưởng và nỗi sợ của đảng CSVN

 

Công an huyện Krông Ana, tỉnh Đak Lak bị tố cáo bắt cóc Tín đồ Tin Lành Tây Nguyên hồi tháng 12/2022 FB Người Thượng vì Công lý

 

“Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo với khoảng 26,5 triệu tín đồ, chủ yếu là Phật giáo và Công giáo, cũng như các tín ngưỡng đa dạng, phong phú, tôn giáo giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội – chính trị của Việt Nam và Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.” Phát biểu này do Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đưa ra trong cuộc tiếp Đại sứ Jean Christophe Peaucelle, Cố vấn Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao Pháp về các vấn đề tôn giáo; hôm 04/7.

Hai nhà quan sát về tự do tôn giáo và nhân quyền Việt Nam từ Pháp, ông Paramita Thành Đỗ, từ Đại học Phật giáo Linh Sơn Paris, và ông Menras André Marcel, cựu giáo chức, nhà làm phim tài liệu, đã chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do ý kiến bình luận về phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.

 

Ông Thành Đỗ: Thật ra, những điều bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam phát biểu khi tiếp ông Jean Christophe Peaucelle, cố vấn Bộ trưởng Âu châu về vấn đề Tôn giáo hôm 03/07/23 tại Hà nội rằng ” Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền tự do Tôn giáo và tín ngưỡng ” theo tôi là không sai, nhưng hình như bà ấy chưa nói trọn vẹn và tôi xin giải thích ngay.

Câu trả lời của bà Thứ trưởng muốn được xem như trọn vẹn có thể phải nói rõ thêm là “Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền tự do Tôn giáo và tín ngưỡng theo định hướng xã hội chủ nghĩa“, nghĩa là tự do trong khuôn khổ được ấn định thông qua sự quản lý của các Ủy ban Tôn giáo của đảng, chính phủ, và đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc, một trong ba chân kiềng của chế độ là Đảng, Nhà nước và khối đoàn thể chính trị – xã hội nối dài – mà đây là Mặt trận Tổ quốc trong lĩnh vực liên quan này.

 

Ông Menras André Marcel: Tôi cho rằng chế độ cộng sản ở Việt Nam còn xa mới gọi là tạo điều kiện để cho tự do tôn giáo và tín ngưỡng được thực thi mà không có hạn chế. Trải nghiệm cá nhân của tôi là những cuộc gặp gỡ ở vùng Tây Nguyên ở Việt Nam với những người dân Việt Nam là cư dân sắc tộc bản địa ở đó, đấy là những người có tín ngưỡng liên hệ với môi trường sống về mặt địa lý của họ, đặc biệt là với rừng, và họ đã bị bắt nạt bởi những cuộc tấn công văn hóa, kinh tế, chính trị, những hạn chế, bó buộc của công an, mà cuối cùng đã gây ra sự bùng nổ bạo lực ở những vùng đó, và tôi cũng gặp những người là giáo dân Công giáo Việt Nam, cá nhân tôi không phải là người theo Công giáo, nhưng tôi có những người bạn Công giáo, chẳng hạn như ở giáo phận tỉnh Hà Tĩnh, tôi đã được gặp Giám Mục Phalo Nguyễn Thái Hợp, Ngài đã giải thích với tôi rằng tất nhiên là có sự ‘tự do’ hành lễ, thờ phụng, nhưng tất cả những hoạt động ấy đều bị kiểm soát, theo dõi như những gì là nguy cơ có thể thoát khỏi sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền, và nhà nước, Đảng Cộng sản ở Việt Nam do đó không hề có sự khoan dung, mà họ chỉ muốn độc quyền về tư tưởng và niềm tin. Do đó, không hề có việc tạo điều kiện thuận lợi thực sự cho tự do tôn giáo và tín ngưỡng được thực hành.

Người dân đi lễ tại chùa Cầu Đông ở Hà Nội hôm 26/5/2021 (minh họa). AFP

Tôn giáo nào giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội – chính trị VN?

 

RFACũng vị Thứ trưởng Ngoại giao của Việt Nam tại buổi tiếp Đặc sứ, cố vấn của Chính phủ Pháp, được truyền thông Việt Nam trích lời, khẳng định “tôn giáo giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội – chính trị của Việt Nam”, theo quý vị, tôn giáo nào ở Việt Nam có vai trò ‘quan trọng’ đó?

 

Ông Thành Đỗ: Theo tôi, trung thành và theo sát các phương cách đối phó với tôn giáo của Trung Quốc, Việt Nam cũng vậy, họ muốn quy hoạch, quản trị các hệ Tôn giáo truyền thống như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin lành, Hồi giáo (hay đạo Islam), Đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo…, những ai từ chối sự can thiệp thô bạo của đảng cộng sản thì sẽ gặp các khó khăn với các quan chức địa phương và đôi khi còn bị vây hãm, khủng bố tinh thần, vật chất bởi cả những thế lực ‘xã hội đen’ mà nhà nước đứng nhìn không can thiệp như trường hợp ở Tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng xảy ra với cố Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh.

Mặt khác, các tổ chức tôn giáo được Nhà nước cưng chiều và cho phép thường thấy họ có các hoạt động đi lệch hướng các hoạt động tôn giáo truyền thống với mục đích là hạ thấp giá trị tôn giáo trong xã hội Việt Nam như truyền bá mê tín tệ hại, biến chùa chiền, nhà thờ thành các cơ sở kinh tài, Trung tâm du lịch tâm linh, kinh doanh cơ sở thờ phượng thu lợi cho quan chức địa phương.

 

Ông Menras André Marcel: Để nêu nhận định về vấn đề này trong vài câu thì thật là khó, nhưng tôi thấy rằng các tôn giáo, như là Phật giáo, Công giáo, Tin lành v.v…, là đối tượng trong cuộc chiến nhằm tranh giành ảnh hưởng chính trị, bởi vì các chính quyền độc tài cho rằng tự do tôn giáo, tín ngưỡng là một hành vi mà có thể thoát ra khỏi sự kiểm soát của chính quyền, và sự tự do ấy là một thứ quyền lực của các cá nhân và của các tôn giáo, cho nên người ta tìm mọi cách để kiểm soát. Thế nên đặc biệt như trường hợp của Việt Nam, chính quyền rất e ngại, không thích nguy cơ đó, và họ làm đủ mọi cách để kiểm soát, đồng thời đảng và chính quyền cộng sản cũng nỗ lực để có mặt khắp nơi trong các tổ chức tôn giáo, từ Phật giáo cho đến Công giáo v.v…

Nhưng họ dường như cho rằng Công giáo nguy hiểm hơn Phật giáo, nơi mà dường như họ có ít được hơn sự kiểm soát về mặt chính trị. Song mặt khác, tôi biết có những cán bộ, thậm chí những quan chức Cộng sản trung, cao có những niềm tin, tín ngưỡng mà họ tin vào những thế lực siêu nhiên, những thầy ngoại cảm, mà trong khía cạnh nào đó có thể bị một số người coi là ‘mê tín’, tin rằng những lực lượng siêu phàm ấy có thể giúp cho họ và gia đình của họ có thể tìm lại được hài cốt mất tích của những thành viên gia đình là liệt sỹ thuộc bên của chính quyền cộng sản mà đã thiệt mạng trong chiến tranh. Như thế, ngay với nhiều quan chức, cán bộ cộng sản, tín ngưỡng, tôn giáo vẫn là một thế giới linh thiêng, đầy tính chất cá nhân, mà khó ai có thể thoát khỏi, do đó đàn áp tự do tôn giáo, tín ngưỡng cũng có nghĩa là việc cố gắng cắt bỏ một phần tinh thần mà không thể tách rời của cá nhân trong xã hội, cộng đồng, đấy sẽ là một cuộc chiến bất khả chiến thắng, và Đảng Cộng sản theo tôi sẽ không bao giờ có thể xóa bỏ được trong đầu óc, tâm trí của mọi người tinh thần tự do tôn giáo và tín ngưỡng.

 

Đã có tự do tôn giáo, tín ngưỡng thực sự hay chưa?

 

RFA: Theo quý vị ở Việt Nam đã có tự do tôn giáo, tín ngưỡng thực sự chưa? Có việc bắt bớ, tù đầy với những người thực hành tôn giáo, tín ngưỡng, giáo sỹ, nhà tu hành, tín đồ v.v… hay không? Hay đó chỉ là những người ‘vi phạm pháp luật hình sự’ thông thường, mà không có gì liên quan tới (quyền) tự do tôn giáo, tín ngưỡng?

 

Ông Thành Đỗ: Nếu nhìn theo hướng nhìn của Trung Quốc thì Việt Nam đã có tự do tôn giáo, một thứ tự do có định hướng, với các nhà chùa, nhà thờ được phép tổ chức lễ hội vui vẻ, ngay cả các hoạt động như chiêu hồn, cầu vong, Đạo Hồ Chí Minh ‘nhảy múa’, hoàn toàn ‘tự do’, các chức sắc sư sãi ‘quốc doanh’ được ra nước ngoài nhằm thực hiện nghị quyết 36 của đảng để thâu tóm các cơ sở tôn giáo của cộng đồng người Việt hải ngoại về tay đảng cộng sản.

Nhưng nếu chúng ta nhìn tự do tôn giáo theo nghĩa chính danh, nghĩa được hiểu theo Phương Tây là tự do không có định hướng và không bị nhà nước can thiệp thì Việt Nam là một nước mà tự do tín ngưỡng đang bị chà đạp thô bạo.

Chính quyền của đảng cộng sản loại bỏ, bỏ tù, bức hại cho những ai không theo họ, các chức sắc “cứng đầu” của mọi Tôn giáo đều có người vào tù nhiều năm. Đó chính là điều mà các tổ chức bảo vệ quyền tự do Tôn giáo muốn nói đến mà nhà nước Việt Nam không muốn nghe.

 

Ông Menras André Marcel: Ngay tại Hà Tĩnh, tôi đã gặp gỡ rất nhiều gia đình nạn nhân của những thảm họa do phát triển công nghiệp với những quy mô quá đáng, gây ra những thảm họa như là thảm họa môi trường biển Formosa, tôi đã gặp gỡ nhiều thành viên gia đình, bạn bè của họ, và nhiều người bị theo dõi, bị hành hung, bị bắt giữ là những giáo dân Công giáo, nhiều người cho tôi biết rằng ngoài nguyên nhân những nạn nhân này và bè bạn của họ đấu tranh, họ chụp hình, họ đưa lên mạng, họ biểu tình v.v…, thì còn có một lý do, mà nhiều người cho rằng đó là họ là những thành viên của những cộng đồng Công giáo, một yếu tố mà có thể chính quyền của đảng cộng sản Việt Nam cảm thấy nguy hiểm vì hàm chứa những nguy cơ mà có thể thoát khỏi sự kiểm soát của chính quyền.

 

RFA: Quý vị đánh giá thế nào về sự theo dõi của Pháp nói riêng, và EU, phương Tây nói chung, về vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, tác động đó nếu có thế nào, và có gì cần lưu ý, bổ sung, tăng cường hay không như một khuyến nghị thêm?

 

Ông Thành Đỗ: Phương Tây nói chung, Pháp nói riêng cũng biết rõ là chính phủ cộng sản Việt Nam, xưa nay, trước các câu hỏi về ba lãnh vực như: tự do tín ngưỡng, nhân quyền và tự do báo chí thì họ (chính quyền) đều lấp liếm, họ tránh né các câu hỏi trực tiếp và câu trả lời muôn đời vẫn là mỗi nước có đặc thù văn hóa, hoàn cảnh xã hội nên không thể dùng tiêu chuẩn Phương Tây để đánh giá các thành tựu của chính quyền cộng sản Việt Nam về các giá trị phổ quát này. Thế nhưng họ vẫn kiên trì, vẫn tạo áp lực và chỉ mong sao nhà cầm quyền Việt Nam dè dặt hơn, nương tay hơn như thể ‘vuốt mặt thì phải nể mũi’, chứ họ không mong gì Việt Nam có thay đổi hướng tiếp cận mang tính dân chủ khi Trung Quốc chưa thể khá hơn về phương diện này. Học trò Việt Nam không được phép qua mặt ông thầy Trung Quốc, theo góc nhìn của tôi.

Ảnh minh họa: một số hình ảnh về sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam năm 2022. RFA edited

‘Con ngựa thành Troy’ về tư tưởng và nội sợ của chính quyền

 

Ông Menras André Marcel: Lịch sử, đặc biệt là lịch sử của Việt Nam, dạy chúng ta rằng tôn giáo thường đi trước và là cái cớ cho sự xuất hiện của súng ống. Các cường quốc nước ngoài đã sử dụng nó để mở rộng sự thống trị của họ. Và tôi hiểu chế độ cộng sản hiện nay sợ rằng tôn giáo sẽ can thiệp vào chế độ độc tài của nó như “con ngựa thành Troy” của một tư tưởng khác. Theo tôi, cần phải làm sao lưu ý với chính quyền Việt Nam rằng vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng không thể là một cái cớ để nhà nước, chính quyền can thiệp vào những vấn đề nội tâm của người dân, trái lại phải tạo điều kiện cho những người dân, những cá nhân được thực hành tôn giáo, tín ngưỡng của họ trong sự tự do, và vấn đề tự do này phải không được tách rời khỏi các quyền của con người, quyền dân sự, và tôi mong muốn vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng đó, khi chúng ta (phương Tây) đề cập, phải là thành tố hữu cơ, không tách rời của nhân quyền hơn là tự do tôn giáo tách biệt.

 

RFA: Có ý kiến nói rằng Phật giáo dường như đang trở thành một tôn giáo được ưa thích của chính quyền và đảng cộng sản tại Việt Nam, hay ít ra là với một bộ phận quan chức của chính quyền các cấp, có người còn đề cập từ ‘Quốc giáo’ của nhà nước VN, quý vị nghĩ gì về điều này, nếu điều đó là có cơ sở?

 

Ông Thành Đỗ: Những hiện tượng đầu tư vào các cơ sở tôn giáo thường được các quan chức chính quyền xem như sân sau của họ, nên ta thấy sự thất sủng của ông này bà kia kéo theo khó khăn của các sư thầy ‘quốc doanh’ của bên Phật giáo tại Việt nam. Ví dụ như sự ra đi hay thôi chức của một vài quan chức cấp cao trong ban lãnh đạo đảng, nhà nước được cho là kéo theo các khó khăn về ‘thuế vụ’ và sự ‘rắc rối của sư thầy Thích Thái Trúc Minh ở chùa Ba Vàng, người được coi là ‘sân sau’ của một vài đương, cựu quan chức đảng, nhà nước, chính quyền cấp cao.

Đã có sự quản lý các cơ sở thờ phượng như một cơ sở kinh doanh mà sự kết nối với quan chức gốc to như một lá chắn cho sự tồn vong của cơ sở tôn giáo. Người dân cũng biết nhưng vì nhu cầu tâm linh, họ chọn giải pháp mũ ni che tai, không dám ăn nói để tránh phiền toái với các quan chức ở địa phương.

 

Ông Menras André Marcel: Còn tôi đã bị sốc bởi những nhà tu hành Phật giáo ở Việt Nam thuộc các giáo hội, giáo đoàn được nhà nước thừa nhận, những người rất giàu sang, phú quý, có cuộc sống ‘tu hành’ hoàn toàn khác biệt so với tinh thần và đời sống của Đức Phật trước kia. Tôi cũng bị sốc vô cùng bởi những chùa chiền to lớn của nhiều ‘nhà tu hành’ thuộc giáo hội được nhà nước thừa nhận đó, những công trình tôn giáo chùa chiền đó của họ tốn hàng triệu, hàng chục triệu đô-la hay hơn thế để xây dựng, so với đời sống nghèo nàn, thống khổ của bao nhiêu người dân ở trong cộng đồng, xã hội, và ở ngay các vùng miền đó, thì một trời, một vực, và đã có biết bao nhiêu là trung tâm ‘Phật giáo’ như thế đã phát triển như những đại công ty kinh doanh tôn giáo, tín ngưỡng, kể cả lữ hành, du lịch quy mô siêu lớn để kiếm những khoản kinh phí, cúng dường… vô cùng quy mô để mà họ chi phí nội bộ với nhau… Do đó tôi không có bất cứ một sự kính trọng nào đối với những ‘tập đoàn’ tôn giáo mà được chính quyền thừa nhận đó như là những thế lực đầy ảnh hưởng về mặt kinh tế, chính trị trong xã hội và trong đất nước ở Việt Nam.

 

Trên đây là ý kiến của hai nhà quan sát tự do tôn giáo và nhân quyền Việt Nam từ Pháp, chia sẻ với RFA Tiếng Việt trên quan điểm riêng. Ông Thành Đỗ là nhà nghiên cứu và giảng dạy độc lập, Trưởng ban nghiên cứu Phật học của đại học Phật giáo Linh Sơn tại Paris trong hơn 15 năm. Còn ông Menras André Marcel, người Pháp có song tịch Pháp – Việt, và còn được biết đến với tên trong tiếng Việt là Hồ Cương Quyết, là một nhà quan sát dân chủ, nhân quyền, xã hội dân sự và tôn giáo Việt Nam, ông là cựu giáo chức thuộc Bộ Giáo dục Pháp và là một nhà làm phim tài liệu độc lập.

 

Quốc Phương

 

Tham khảo: (*) https://baoquocte.vn/thu-truong-ngoai-giao-le-thi-thu-hang-tiep-dai-su-co-van-bo-truong-chau-au-va-ngoai-giao-phap-ve-cac-van-de-ton-giao-233274.html

 

 RFA (05.07.2023)