EU nói phán quyết PCA ở Biển Đông là cột mốc quan trọng, có giá trị pháp lý
Bức ảnh chụp từ trên không năm 2021 cho thấy các tàu Trung cộng vẫn hiện diện ở Đá Julian Felipe ở Biển Tây Phi Luật Tân, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Phi Luật Tân (ảnh: Lực lượng vũ trang Phi Luật Tân).
Nhân dịp kỷ niệm 7 năm phán quyết của tòa trọng tài quốc tế tại The Hague vô hiệu hóa yêu sách của Trung cộng đối với gần như toàn bộ Biển Đông, các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu và đại sứ quán của họ đã ca ngợi phán quyết mang tính bước ngoặt, đồng thời tái khẳng định các quyền hàng hải của Phi Luật Tân.
Ngày 11/7, tờ Philsta cho biết, các nước thành viên EU đã ra tuyên bố gọi phán quyết trọng tài là “một cột mốc quan trọng, có giá trị pháp lý ràng buộc đối với các bên liên quan, và là cơ sở để giải quyết tranh chấp giữa các bên một cách hòa bình”.
Tổng thống Phi Luật Tân khi đó là ông Benigno Aquino III đã đệ trình vụ kiện lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) vào năm 2013 để phản đối cái gọi là yêu sách ‘đường chín đoạn’ của Bắc Kinh.
Cố cựu ngoại trưởng Albert del Rosario đã lãnh đạo Phi Luật Tân đưa vấn đề này ra trước tòa án do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn để xác định các quyền lợi kinh tế trên biển của nước này, thách thức một cách hiệu quả các yêu sách hàng hải của Trung cộng.
EU nhắc lại tầm quan trọng cơ bản của việc duy trì các quyền tự do, quyền và nghĩa vụ được thiết lập trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), đặc biệt là các quyền tự do hàng hải và hàng không.
Khối này cho biết: “EU cam kết bảo đảm các tuyến đường hàng hải rộng mở, tự do và an toàn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế vì lợi ích của tất cả mọi người”.
Trong phán quyết mang tính bước ngoặt ngày 12/7/2016, Tòa án Trọng tài Thường trực cũng tuyên bố rằng, Trung cộng không có yêu sách hợp pháp đối với các khu vực được tòa xác định là một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Phi Luật Tân.
Tuy nhiên, Trung cộng hoàn toàn không tuân theo phán quyết và có những hành động hung hăng và bành trướng hơn. Phi Luật Tân dưới thời chính quyền Duterte như đã chắp thêm cánh cho ông Tập, khi ông Duterte đã gạt phán quyết sang một bên như một phần trong chiến lược xoay trục sang Trung cộng.
ĐKN (12.07.2023)
Mỹ kêu gọi Trung cộng ngừng quấy rối tàu thuyền ở Biển Đông
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller.
Hoa Kỳ kêu gọi Trung cộng “chấm dứt hành vi quấy rối thường xuyên” đối với các tàu thuyền của các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với phán quyết trọng tài năm 2016, mà Trung cộng hôm 12/7 cho biết họ không công nhận, theo Reuters.
Phán quyết do Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague đưa ra 7 năm trước kết luận rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ Biển Đông, nơi hàng hóa vận chuyển bằng đường biển trị giá khoảng 3 nghìn tỷ đôla lưu thông mỗi năm, là vô căn cứ.
Trong một tuyên bố hôm 11/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller nói rằng phán quyết đó là cuối cùng và ràng buộc về mặt pháp lý đối với Phi Luật Tân và Trung cộng, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh “tuân thủ các yêu sách hàng hải của mình theo luật pháp quốc tế”.
Ông cũng kêu gọi Bắc Kinh “chấm dứt hành vi cản trở quyền chủ quyền của các quốc gia trong việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên, đồng thời chấm dứt sự can thiệp của họ đối với quyền tự do hàng hải và hàng không của các quốc gia hoạt động hợp pháp trong khu vực”.
Nhưng Trung cộng – nước có các hành động “hung hăng” ở Biển Đông là đối tượng của hàng trăm phản đối ngoại giao do Phi Luật Tân đệ trình – khẳng định nước này không chấp nhận bất kỳ yêu sách hay hành động nào dựa trên phán quyết đó.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Uông Văn Bân nói trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Với phán quyết của mình, tòa đã vi phạm nguyên tắc được sự đồng ý của nhà nước, vượt quá thẩm quyền xét xử vụ việc và làm sai luật”.
Để đánh dấu ngày phán quyết của trọng tài tròn 7 năm – đã nhận được sự ủng hộ của các quốc gia như Nhật Bản, Vương quốc Anh và Úc – Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân hôm 12/7 đã ra mắt một trang web chuyển tải những “thông tin chính thức” về chiến thắng pháp lý của Manila trước Bắc Kinh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân Theresa Lazaro phát biểu tại một diễn đàn về Biển Đông: “Chúng tôi kiên quyết bác bỏ những nỗ lực cố tình làm giảm hoặc làm suy yếu hiệu lực pháp lý dứt khoát của Phán quyết trong luật pháp quốc tế”. Bà nói thêm: “Đã được đưa ra cuối cùng, phán quyết đó không còn có thể tranh cãi và không thể thỏa hiệp”.
VOA (12.07.2023)
Phi Luật Tân không cấm Barbie vì ‘không phải đường chín đoạn’: Dư luận Việt Nam đọc nhầm bản đồ?
NGUỒN HÌNH ẢNH,MTRCB Chụp lại hình ảnh, Bản đồ thế giới gây tranh cãi trong phim Barbie
Phi Luật Tân hôm 12/7 quyết định không cấm phim Barbie vì phân cảnh trong phim không phản ánh ‘đường chín đoạn’.
Thông cáo từ Ủy ban Thẩm định và Phân loại Phim ảnh và Truyền hình (MTRCB) Phi Luật Tân có nội dung như sau:
“Sau khi đã tiến hành hai phiên thẩm định, thông qua xem xét và tham vấn toàn diện với các cơ quan chính phủ liên quan, bao gồm một chuyên gia về luật pháp tại vùng biển Tây Phi Luật Tân, Ủy ban Thẩm định và Phân loại Phim ảnh và Truyền hình (MTRCB) phân loại phim “Barbie” là Parental Guidance (“PG”), có nghĩa là người xem dưới mười ba (13) tuổi phải có một bậc phụ huynh hoặc người lớn giám sát.”
“Xem xét bối cảnh bức ảnh hoạt hình của nhân vật “Weird Barbie” được mô tả trong phim, Ủy ban Thẩm định thấy thuyết phục rằng cảnh gây tranh cãi không mô tả “đường chín đoạn”. Thay vào đó, bản đồ mô tả lộ trình của cuộc hành trình tưởng tượng của Barbie từ Barbie Land sang “thế giới thực”, nhưng một phần không thể thiếu của câu chuyện.”
MTRCB cho biết đã yêu cầu nhà phân phối Warner Bros làm mờ các đường đứt đoạn gây tranh cãi để tránh những diễn giải sâu xa hơn.
MTRCB khẳng định “đã huy động tất cả các nguồn lực” để đi đến quyết định này, khẳng định trước đây đã “không ngần ngại phạt các nhà làm phim/nhà sản xuất/nhà phân phối nào vì có hình “đường chín đoạn” trong các sản phẩm của họ”.
NGUỒN HÌNH ẢNH,MTRCB Chụp lại hình ảnh, Thông cáo từ Ủy ban Thẩm định và Phân loại Phim ảnh và Truyền hình Phi Luật Tân (MTRCB) liên quan đến phim Barbie vào hôm nay 12/07
Quyết định của MTRCB đã được chuyển đến Thượng nghị sĩ Francis Tolentino, Phó chủ tịch ngoại giao Thượng viện Phi Luật Tân, người trước đó đã tuyên bố nếu ‘đường chín đoạn’ thật sự được mô tả trong phim ‘Barbie’ thì bộ phim phải bị cấm vì vi phạm đến chủ quyền của Phi Luật Tân.
Bộ phim Barbie sẽ được phát hành tại Phi Luật Tân vào ngày 19/07 và khởi chiếu tại Mỹ vào ngày 21/07 tới đây.
MTRCB lưu ý các đường với bản đồ trong phim không có hình chữ U và chỉ có tám đoạn quanh một khối lãnh thổ được đánh dấu là “châu Á” và cho biết thêm Phi Luật Tân, Mã Lai, và Indonesia không được nhìn thấy trên bản đồ gây tranh cãi này.
Ủy ban thẩm định phim của Phi Luật Tân đồng thời cho biết thêm cách thể hiện bản đồ này “tương phản” với hai phim bị cấm trước đó là ‘Abominable’ và ‘Uncharted’.
Việt Nam cũng đã cấm phim ‘Abominable’ (Everest: Người tuyết bé nhỏ) năm 2019 và ‘Uncharted’ (Thợ săn cổ vật) năm 2022 với lý do là có ‘đường lưỡi bò’.
Warner Bros chưa đưa ra tuyên bố chính thức sau quyết định hôm nay của Phi Luật Tân.
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,Hai diễn viên chính trong phim live-action Barbie, Margot Robbie và Ryan Gosling
Dư luận Việt Nam có đọc nhầm bản đồ?
Ngày 06/07, Reuters dẫn tuyên bố từ nhà phát hành phim Barbie, hãng Warner Bros rằng bản đồ trong phim là vô hại.
“Bản đồ trong Barbie Land là nét vẽ bút chì màu như của trẻ con và mang tính giả tưởng từ Barbie Land sang thế giới thực. Hình vẽ này không mang dụng ý đưa ra bất kỳ hình thức tuyên bố nào”, Warner Bros tuyên bố.
Nhà báo James Palmer trong một bài viết trên Foreign Policy ngày 11/07 đề cập về vấn đề những bản đồ không chính xác khi kiểm duyệt:
“Từ các hình ảnh có từ phim Barbie, dường như đây là một sai lầm đơn giản: Ngoài chuyện ‘đường chín đoạn’ được chuyển đến Biển Nhật Bản hoặc Iceland, cơ quan kiểm duyệt của Việt Nam đã sai lầm khi cho rằng một hành trình đầy phép màu của Barbie lại là yêu sách chủ quyền của Trung cộng.”
Viết trên trang Toronto Star hôm 05/07, nhà báo Vinay Menon đặt ra hàng loạt câu hỏi:
“Bản đồ này mang tính giả tưởng, theo hình thức hoạt hình. Lục địa châu Âu ở đâu? New Zealand ở đâu? Những con tàu có cánh buồm đại diện gì? Tại sao có vương miện của một anh hề nằm ngay trên Iceland? Dòng hashtag trôi nổi trên đại dương là gì? Đây có phải là cây thông Giáng sinh không? Tạo sao châu Phi bị biến dạng và tại sao có mặt trời ở gần Tanzania?”
“Ai thiết kế bản đồ này? Đảng Cộng sản Trung cộng có tham gia đưa ý kiến hay không? Hay nam diễn viên Will Ferrel [người thủ vai CEO hãng Mattel] là gián điệp cho Bắc Kinh? Hoặc đây là một ví dụ khác cho thấy Hollywood không để ý đến những chi tiết nhỏ, dẫn đến bùng phát một vấn đề lớn”.
Và ông kết luận, “Barbie lẽ ra nên ở trong Barlie Land. Cô ấy không sẵn sàng bước ra thế giới thực.”
Trước đó, vào ngày 03/07, Việt Nam đã tuyên bố cấm phim Barbie. Cục Điện ảnh Việt Nam cho biết bộ phim điện ảnh Barbie bị cấm vì có chứa thông tin nhạy cảm về ‘đường lưỡi bò”.
Báo chí Việt Nam đưa tin tức Barbie bị cấm nhưng chỉ dẫn lời Cục Điện ảnh, không nêu cụ thể phân cảnh nào trong phim có chứa ‘đường lưỡi bò’.
Sau đó đã có luồng dư luận hoài nghi về tính chính xác trong nét đứt đoạn trên bản đồ mà Việt Nam xem là ‘đường lưỡi bò’ và quyết định cấm.
Và có câu hỏi đặt ra việc cấm chiếu phim Barbie đã gây thiệt hại như thế nào cho các nhà phát hành phim ở Việt Nam như Galaxy, CGV phải gỡ bỏ lịch chiếu chưa đến ba tuần trước ngày công chiếu chính thức là 21/07.
Có ý kiến cho rằng đường đứt đoạn này thực ra bao quanh đảo Greenland và các nước Ireland và Iceland ở Bắc Đại Tây Dương.
Khối hình này nằm thẳng ở phía trên một hình ghi là ‘Africa’ (châu Phi) và tách biệt hình ‘Asia’ (châu Á) ở phía góc phải.
Một tài khoản Facebook Tifosi, thân chính phủ Việt Nam, viết trên Facebook:
“Xem ai tinh mắt nào. Bạn có biến lưỡi bò thành tro thì chúng tôi cũng nhận ra, đừng hòng lừa đảo tinh vi để kiếm tiền nhé.”
Tuy nhiên, sau quyết định của Phi Luật Tân, vấn đề “ai tinh mắt” hơn có lẽ sẽ bị dư luận chất vấn.
Nhà chức trách Việt Nam gần đây liên tiếp đưa ra những động thái trấn áp mạnh tay với ‘đường lưỡi bò’ hay nhấn mạnh đến chủ quyền lãnh hải dường như đã làm gia tăng tinh thần dân tộc trong nước.
Sau Barbie, hôm 04/07, IME Vietnam, công ty tổ chức concert Born Pink đã phải giải trình sau khi nhiều khán giả phát hiện trang chủ website IME có đăng bản đồ hình ảnh ‘đường lưỡi bò’.
Hôm nay 12/07, đúng bảy năm ngày Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration “PCA”) ở The Hague (Hà Lan) ban hành phán quyết cho vụ kiện Biển Đông giữa Trung cộng và Phi Luật Tân.
Tuyên bố của tòa là “không có cơ sở pháp lý” cho việc Trung cộng đòi hỏi “quyền lịch sử” trên những tài nguyên tại các vùng biển nằm trong bản đồ “đường chín đoạn” ở Biển Đông mà Thủ tướng Chu Ân Lai trong tuyên bố ngày 15/8/1951 đã chính thức đưa yêu sách đòi toàn bộ “chủ quyền” Biển Đông, gây tranh chấp với các nước Brunei, Đài Loan, Mã Lai, Phi Luật Tân và Việt Nam.
Bảy năm sau tuyên bố của PCA, Trung cộng vẫn ngày càng thể hiện thái độ xác lập trong vấn đề Biển Đông qua việc xây lắp đảo nhân tạo và cắt cử lực lượng hải quân tuần tra bất chấp sự tuyên bố từ các quốc gia láng giềng có tranh chấp lãnh hải trong khu vực bao gồm Việt Nam.
Đường chín đoạn (Nine-dash line), còn gọi là Đường Chữ U (U-shape line), hoặc Đường Lưỡi Bò là đường ranh giới mà Trung cộng đề ra trên Biển Đông, bao gồm hai quần đảo Paracels và Spratlys mà phía Việt Nam gọi là Hoàng Sa và Trường Sa.
‘Đường chín đoạn’ có khu vực chồng lấn vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Indonesia, Đài Loan và Brunei.
Căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung cộng cũng ngày càng gia tăng liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Mỹ đã tuyên bố không đứng về bên nào trong vấn đề tranh chấp lãnh hải nhưng đã cắt cử tàu chiến và máy bay đến gần các hòn đảo tranh chấp trên Biển Đông, tuyên bố là những hoạt động vì “tự do hàng hải”.
Mới nhất, tàu sân bay USS Ronald Reagan đã có lần cập cảng hiếm hoi Đà Nẵng (25-30/06) sau khi phải hủy bỏ hồi năm ngoái.
Ngày 04/07, Đại tá Raymond M. Powell từ Đại học Stanford nhận định với BBC News Tiếng Việt, “Năng lực hải quân Việt Nam không thể nào sánh được với Trung cộng nhưng việc một tàu sân bay Mỹ cập cảng ở Việt Nam cho thấy có những cách khác để gây ảnh hưởng đến các tham vọng từ Bắc Kinh.”
BBC (12.07.2023)
Bắc Kinh mạnh mẽ phản đối NATO xem Trung cộng là một « thách thức » an ninh
Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO « cố tình bóp méo quan điểm và chính sách của Trung cộng ». Bắc Kinh cảnh báo NATO trước mọi ý đồ mở rộng hoạt động sang châu Á -Thái Bình Dương. Hôm qua 11/07/2023 Bắc Kinh đã bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc của NATO cho rằng Trung cộng đang thách thức những « lợi ích, an ninh và giá trị » của Liên Minh.
Thủ tướng Úc Anthony Albanese (T), tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (G) và thủ tướng Nhật Fumio Kishida dự thượng đỉnh NATO tại Vilnius, Litva, ngày 12/07/2023. REUTERS – YVES HERMAN
Trong ngày họp đầu tiên tại Vilnius, NATO ra thông cáo với lời lẽ cứng rắn nhắm vào Trung cộng khi cho rằng « tham vọng và chính sách hù dọa » của Bắc Kinh là một thách thức. « Cộng Hòa Nhân Dân Trung cộng sử dụng hàng loạt các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường hiện diện trên toàn cầu, phô trương sức mạnh đồng thời vẫn che giấu chiến lược và những ý đồ cũng như tăng cường khả năng quân sự (…). Những chiến dịch không thân thiện của Trung cộng, lời lẽ hung hăng và chiến dịch thông tin sai lệch » nhắm vào các thành viên NATO làm « phương hại đến an ninh » của Liên Minh.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuy không xem Trung cộng là một « đối thủ » của liên minh quân sự, song theo ông, việc Trung cộng từ chối lên án Nga xâm chiếm Ukraina và những hành vi hù dọa Đài Loan hay tăng cường sức mạnh quân sự của Trung cộng, cho thấy quốc gia này « thách thức trật tự thế giới ».
Lập tức đại diện của Trung cộng bên cạnh Liên Âu ra thông cáo đáp trả. Theo Reuters, Bắc Kinh đánh giá thông cáo của NATO liên quan đến Trung cộng « cố tình bóp méo quan điểm và chính sách » của nước này, NATO thậm chí đã tìm cách « bôi nhọ » Bắc Kinh. Do vậy, Trung cộng « mạnh mẽ bác bỏ cũng như phản đối » hành vi đó. Ngoài ra, Trung cộng cực lực « chống đối việc NATO mở rộng hoạt động tại châu Á-Thái Bình Dương » và sẽ « đáp trả đích đáng mọi hành vi đe dọa quyền và quyền lợi chính đáng » của Bắc Kinh.
NATO tăng cường hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hoan nghênh việc NATO và Tokyo đồng thuận về một chương trình đối tác mới. Thỏa thuận được thông qua hôm nay. Hai bên đồng ý mở rộng hợp tác trong một số lĩnh vực, như an ninh mạng. Cùng ngày, thủ tướng Nhật và tổng thống Hàn Quốc họp song phương bên lề thượng đỉnh NATO. Những hoạt động ngoại giao nói trên càng khiến Bắc Kinh phẫn nộ. Tại thượng đỉnh Vilnius, tổng thống Hàn Quốc cam kết đẩy mạnh hợp tác « chia sẻ thông tin quân sự với NATO » đồng thời Seoul hứa giúp Ukraina tăng cường khả năng đối phó với chiến tranh.
Nhật Bản, Hàn Quốc cùng với Úc, New Zealand là bốn quốc gia đại diện cho châu Á-Thái Bình Dương được mời dự thượng đỉnh NATO tại Vilnius 2023.
RFI (12.07.2023)
Thế khó của Việt Nam và Mã Lai khi đối phó với chiến thuật vùng xám của Trung cộng trên Biển Đông
Vị trí của tàu hải cảnh Trung cộng CCG 5901 trong hai ngày 6-7 tháng 7, 2023 khi bật định vị AIS trong lúc xâm nhập bãi Tư Chính trong EEZ của Việt Nam Marine Traffic / RFA
Từ 22/ 6 đến nay, 10/ tháng 7 năm 2023, Trung cộng tiếp tục tung tàu khảo sát và tàu hải cảnh xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông của hai nước Đông Nam Á là Mã Lai và Việt Nam. Đợt xâm nhập này của Trung cộng tiếp nối đợt xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và các nước Phi Luật Tân, Mã Lai và các đảo quốc Nam Thái Bình Dương trong tháng 2, tháng 3, tháng 5 và đầu tháng 6 năm 2023.
Ông Raymond Powell, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Biển Đông ở Đại học Stanford cho biết trên Twitter hôm 22/6 là tàu Haiyang Dizhi Ba Hao được hộ tống bởi hai tàu cảnh sát biển Trung cộng CCG 5202 và 3 tàu dân quân khi xâm nhập và khảo sát EEZ của Mã Lai. Theo ông Powell, Trung cộng sử dụng các cuộc khảo sát như vậy để khẳng định yêu sách chủ quyền của mình, như họ đã làm vào tháng năm tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo ghi nhận của RFA từ dữ liệu AIS, hôm này 10/7, tàu Haiyang Dizhi Ba Hao rời vùng EEZ của Mã Lai, đi ngang qua bãi Tư Chính của Việt Nam rồi tiến về phía căn cứ quân sự Trung cộng ở đá Chữ Thập.
Trong khi đó, hôm 5 và 6 tháng 7, 2023, tàu hải cảnh Trung cộng China Coast Guard (CCG) 5901 (có số hiệu khác là Zhong Guo Hai Jing 3901) bật tín hiệu AIS cho thấy đang hoạt động ở bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Trao đổi với RFA, ông Raymond Powell ở Đại học Stanford nhận xét:
“Bắc Kinh đang gửi một thông điệp rất rõ ràng tới Hà Nội. Trước mỗi cuộc tuần tra này, tàu hải cảnh Trung cộng CCG 5901 chạy trong “bóng tối”, nghĩa là nó không truyền tín hiệu AIS, nhưng đặc biệt nó đã bật tín hiệu trong các cuộc tuần tra này khi đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Thông điệp của Trung cộng rất rõ ràng: tuyên bố quyền tài phán đối với khu vực này, dựa theo yêu sách đường chín đoạn của mình, và họ sẵn sàng thực thi yêu sách đó bằng vũ lực áp đảo.”
Theo dữ liệu RFA ghi nhận từ Marine Traffic, tàu CCG 5901 chỉ bật tín hiệu trong hai ngày đó rồi tắt. RFA đặt câu hỏi với ông Raymond Powell phía Trung cộng nhắm đến mục đích gì khi bật tắt luân phiên tín hiệu AIS. Và liệu chúng ta có thể phán đoán được là trước khi và sau khi bật tín hiệu AIS thì CCG 5901 đã ở đâu hay không? Ông Powell phân tích:
“Các tay chơi sử dụng chiến lược vùng xám như Trung cộng bật AIS khi họ muốn được nhìn thấy và tắt nó đi khi họ không muốn.
Hầu hết các hoạt động gần đây của tàu hải cảnh Trung cộng CCG 5901 đều là “AIS-dark”, tức là tắt tín hiệu AIS để hoạt động trong “bóng tối”, cho thấy họ không muốn con tàu này bị theo dõi từ xa. Tuy nhiên, họ muốn Hà Nội chú ý rằng họ đã tiến hành ba cuộc tuần tra gần đây trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.
Câu hỏi về việc 5901 đã ở đâu cũng là một câu hỏi thú vị. Đơn giản là chúng tôi không biết vì không có bằng chứng. Nó đã tắt AIS vì nó không muốn những hoạt động đó được biết đến. Nó thậm chí có thể đã ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Đơn giản là chúng ta không biết, dù rất tò mò.”
Hoạt động của tàu hải cảnh CCG 5901 trong vùng EEZ của Việt Nam và tàu khảo sát Haiyang Dizhi Ba Hao trong EEZ của Mã Lai diễn ra gần như đồng thời. Điều đáng chú ý là Việt Nam ít nhất có lên tiếng hôm 25/5/2023, yêu cầu Trung cộng rút tàu khảo sát ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Mã Lai chưa lên tiếng gì. Cho đến nay hôm 10/7, khi tàu Haiyang Dizhi Ba Hao rời khỏi EEZ của Mã Lai và đang tiến về căn cứ quân sự đá Chữ Thập thì Mã Lai vẫn im lặng.
Sự im lặng của Mã Lai
Ông Raymond Powell chỉ ra là “Chính phủ Mã Lai rất cố gắng giảm nhẹ các tranh chấp hàng hải với Trung cộng. Họ chỉ nói về vấn đề này khi bị các phóng viên đặt câu hỏi trực tiếp.”
Ngoài ra, ông Powell cho biết theo một khảo sát của Pew Research Center, về mặt tình cảm của công chúng thì công chúng Mã Lai và Singapore bày tỏ thiện cảm với Trung cộng so với Hoa Kỳ là khá cao, hơn hẳn các nước khác, với tỉ lệ lần lượt là 60% (Mã Lai) và 67% (Singapore).
Theo ông Powell, khác với Việt Nam, trước đây Mã Lai thường tìm cách giảm nhẹ xung đột bất kể đường chín đoạn trên Biển Đông của Trung cộng xâm hại EEZ của nước này.
Năm 2011, Thủ tướng Mã Lai khi đó là Mahathir Mohamad từng trả lời tờ báo Asahi của Nhật rằng Trung cộng không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ ai ở Biển Đông. Ông Mahathir nói: “Chúng tôi không thích có người bên ngoài vào thúc giục các nước ASEAN đối đầu với Trung cộng. Đó là điều mà Hoa Kỳ muốn chúng tôi làm. Chúng tôi cho rằng các nước ASEAN có thể tự giải quyết vấn đề này.”
Ngày 26/3/2013, Trung cộng đã tiến hành tập trận trên Biển Đông, ngay cạnh bãi cạn James, trong vùng đặc quyền kinh tế của Mã Lai, cách đường cơ sở của nước này chỉ khoảng 60 hải lý (và cách Trung cộng hơn một ngàn hải lý). Nhưng Mã Lai cũng được cho là họ không quan tâm đến hành vi này của Trung cộng. Đến tháng 8 năm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mã Lai là Hishammuddin Hussein trả lời một cuộc phỏng vấn tại Brunei, bên lề các cuộc gặp giữa bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN với Mỹ, Trung cộng và Nhật Bản rằng: “Bạn có kẻ thù thì không có nghĩa là kẻ thù của bạn là kẻ thù của tôi,” đồng thời nhấn mạnh, “người Trung cộng có thể tuần tra hàng ngày. Nếu ý định của họ không phải là gây chiến” thì điều đó ít đáng lo ngại hơn. “Tôi nghĩ chúng ta có đủ mức độ tin tưởng để không bị lay chuyển bởi chính trị hay cảm xúc hàng ngày.”
Tuy nhiên, những năm gầy đây, Mã Lai bắt đầu có một số động thái mạnh mẽ hơn, khi sự nhân nhượng trước đó không làm cho Trung cộng bớt hung hăng. Tháng 6, 2015, Trung cộng cho tàu xâm nhập vào vùng EEZ của Mã Lai, thậm chí neo đậu tại bãi cạn Luconia do Mã Lai kiểm soát, cách cách đường cơ sở của Mã Lai chỉ hơn 60 hải lý. Lần này, Mã Lai đã gửi công hàm phản đối. Cuối năm 2019, Mã Lai bất ngờ gửi công hàm cho Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hiệp Quốc, tuyên bố về chủ quyền đối 200 hải lý thềm lục địa và EEZ trên Biển Đông. Sau khi Trung cộng gửi công thư phản đối động thái này để duy trì yêu sách đường chín đoạn trên Biển Đông, hàng loạt quốc gia đã gửi công hàm phản đối yêu sách phi pháp của họ. Đến tháng 10 năm 2021, Trung cộng cho tàu hoạt động ngoài khơi bờ biển Sabah và Sarawak của Mã Lai. Lần này, Mã Lai đã thực hiện động thái mạnh là triệu tập Đại sứ Trung cộng để phản đối.
Sơ đồ hoạt động của ủa hai tàu Hai Yang Di Zhi Ba Hao trong EEZ Mã Lai và CCG 5901 (có mã định danh khác là Zhong Guo Hai Jing 3901) trong EEZ Việt Nam từ đầu năm đến nay. Vị trí hình tròn đánh dấu vị trí của tàu Hai Yang Di Zhi Ba Hao hiện nay, đang trên đường hướng về căn cứ quân sự Đá Chữ Thập ở Trường Sa (Ảnh: Marine Traffic/ RFA)
Tuy nhiên, đối với hoạt động khảo sát của tàu trong EEZ từ 22/6 đến nay, 10/7/2023, chưa có thông tin nào về việc Mã Lai đưa ra động thái phản đối Trung cộng. Ông Raymond Powell phân tích rằng lựa chọn của Mã Lai có thể đem lại lợi ích của nước này trong ngắn hạn nhưng sẽ tạo ra hậu quả dài hạn do thuận theo chiến lược vùng xám của Trung cộng. Chiến lược vùng xám là chiến lược không sử dụng chiến tranh để tấn công trực diện mà dùng các sức ép quân sự và phi quân sự để gây sức ép và chiếm đoạt từng bước cho đến khi đạt được chiến thắng cuối cùng:
“Chính phủ Mã Lai tin rằng việc quản lý mối quan hệ của họ với Trung cộng là thông minh, khi họ không công khai các tranh chấp với Trung cộng. Cách tiếp cận này của Mã Lai có một vấn đề là nó lại đóng một vai trò trong chiến lược vùng xám của Bắc Kinh. Chiến lược vùng xám của Trung cộng vốn phụ thuộc vào sự đồng ý bước đầu của các nước láng giềng, để cuối cùng phục tùng quyền kiểm soát tối hậu của Trung cộng đối với toàn bộ yêu sách đường chín đoạn của mình trên Biển Đông.”
“Xâm nhập” hay “tự do hàng hải”?
RFA đặt câu hỏi cho một số chuyên gia về sự im lặng của Mã Lai, trái ngược với động thái lên tiếng phản đối của Việt Nam hôm 25/5/2023, là liệu Mã Lai im lặng có phải vì Trung cộng cũng có quyền “tự do hàng hải” theo Luật biển Quốc tế (UNCLOS) khi cho tàu khảo sát và tàu hải cảnh chạy liên tục trong EEZ của Mã Lai hay Việt Nam. Nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang tại Quỹ Max Planck vì Hòa bình Quốc tế và Pháp quyền, CHLB Đức, và nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học UNSW Canberra, Úc, đều nhận xét rằng Trung cộng đã áp dụng chiến lược vùng xám khi cho tàu xâm nhập vào vùng EEZ của Việt Nam và Mã Lai vừa qua.
Một mặt, nếu chỉ nhìn từ các quy định về tự do hàng hải của UNCLOS thì trừ khi đi vào bên trong nội thủy, tức phía trong đường cơ sở, tàu Trung cộng cũng như tàu bất kì nước nào khác, có quyền qua không gây hại trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác.Chiếu theo Điều 19 của UNCLOS, nếu đi vào trong lãnh hải mà không tiến hành đe dọa hoặc dùng vũ lực, thực hiện các hoạt động quân sự và vi phạm những điều khác được quy định, thì tàu của Trung cộng vẫn hợp pháp.
Còn ở trong vùng đặc quyền kinh tế, theo Điều 58 của UNCLOS, có thể nói tàu Trung cộng cũng được hưởng hưởng quyền tự do hàng hải. Nếu họ tiến hành “nghiên cứu khoa học” trong EEZ của Việt Nam thì cần phải xin phép nhưng họ không tuyên bố mình đang làm nghiên cứu, và rất khó để xác định họ có “nghiên cứu” hay không.
Mặt khác, rõ ràng Trung cộng đang truyền đi thông điệp là họ thực thi quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Như họ đã phản hồi động thái phê phán và yêu cầu rút tàu khảo sát Xiang Yang Hong 10 khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam hồi tháng 5, 2023, Trung cộng khẳng định họ đang thực hiện các họat động chấp pháp bình thường.
Tất nhiên, theo UNCLOS thì các hoạt động của Trung cộng nếu được định danh là “chấp pháp” thì cần được phép của Việt Nam khi hoạt động trong EEZ của nước này.
Trao đổi với RFA, ông Raymond Powell ở Đại học Stanford cũng giải thích những khó khăn khi đối phó với tính chất hai mặt của chiến thuật vùng xám của Trung cộng.
“Chúng ta có thể nói rằng việc Trung cộng cho tàu chạy trong vùng EEZ của nước khác là không phạm pháp. Nhưng khi nói như vậy, chúng ta làm cho hoạt động này của Trung cộng thậm chí còn giống một loại chiến thuật hoạt động vùng xám cổ điển hơn. Trung cộng đang làm điều gì đó vừa không bị định danh là vi phạm pháp luật quốc tế, nhưng vẫn gửi được một thông điệp rõ ràng về quyền tài phán của họ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.”
RFA (10.07.2023)