Nhà bất đồng: phiên tòa chuyến bay giải cứu là ‘diễn cho dân xem’
Các quan chức ở Bộ Ngoại giao ra tòa trong vụ án ‘chuyến bay giải cứu’
Mặc dù các bản án trong phiên tòa chuyến bay giải cứu là ‘nặng nề’ và ‘có tính răn đe’ nhưng nó ‘nằm trong tính toán’ của chính quyền để xoa dịu sự phẫn nộ của người dân và về lâu dài nó ‘không có tác dụng gì nhiều’ để chống tham nhũng, một nhà bất đồng từ Hà Nội nói với VOA.
Sau ba tuần xét xử, Tòa án Hà Nội hôm 28/7 đã tuyên tổng cộng bốn án chung thân trong tổng số 54 bị cáo, trong đó có ba án chung thân cao hơn mức đề nghị của Viện Kiểm sát vốn chỉ ở mức từ 12-13 cho đến 19-20 năm tù.
Ba trong bốn án chung thân dành cho các quan chức ăn hối lộ nhiều nhất để cấp phép các chuyến bay giải cứu, bao gồm bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Phạm Trung Kiên, Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế; và Vũ Anh Tuấn, cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.
Riêng mức án chung thân của bị cáo Phạm Trung Kiên là đã được giảm nhẹ hơn mức đề nghị trước đó của Viện Kiểm sát là tử hình. Mặc dù là người nhận số tiền hối lộ nhiều nhất trong vụ án với 42,6 tỷ đồng nhưng bị cáo Kiên và gia đình đã nộp lại 42 tỷ đồng trước giờ tuyên án.
Án chung thân còn lại dành cho bị cáo Hoàng Văn Hưng, Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, về tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ do liên quan đến chạy án
Quan chức cấp cao nhất bị xử trong vụ án Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng bị tuyên án 16 năm tù cho tội ‘Nhận hối lộ’ trong khi mức án đề nghị cho ông chỉ là 12-13 năm tù. Các bị cáo còn lại trong nhóm ‘Nhận hối lộ’ nhận mức án từ 3 năm cho đến 7 năm tù.
Sở dĩ tòa tuyên án nặng cho các ông, bà này là vì họ ‘nhận số tiền hối lộ đặc biệt lớn, gây nhức nhối trong xã hội, mất niềm tin trong nhân dân nên cần áp dụng mức hình phạt cao hơn đề nghị mới đủ sức răn đe’, tờ Người Lao Động dẫn bản án được tuyên tại tòa cho biết.
Phiên tòa được đưa báo chí trong nước đưa tin rộng rãi, rầm rộ và cụ thể đến từng chi tiết tranh tụng và đã nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận – điều hiếm khi xảy ra trong hệ thống truyền thông vốn bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ.
‘Vở diễn được đạo diễn trước’
Trao đổi với VOA, ông Nguyễn Quang A, một nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội, nhận định rằng các bản án được tuyên là ‘nghiêm khắc’.
“Bản án như thế khá là nặng. Chắc chắn nó có tính răn đe trong thời gian trước mắt. Nhưng về dài hạn, sự răn đe không có tác dụng bởi vì chuyện tham nhũng hối lộ xuất phát từ những đặc tính cố hữu của hệ thống,” ông A phân tích.
Cho nên, ông cho rằng chừng nào Việt Nam chưa giải quyết rốt ráo những căn nguyên gây ra tham nhũng như lương công chức thấp, không có báo chí tự do, không có xã hội dân sự lành mạnh và không có một nền tư pháp độc lập thì ‘dù có xử cả trăm, cả nghìn vụ như thế thì vẫn sẽ phát sinh tham nhũng’.
“Bản thân phiên tòa đã cho thấy ngành tư pháp không phải độc lập mà phải tuân theo lệnh của đảng,” ông chỉ ra.
Theo đánh giá của ông từ việc viện kiểm sát truy tố, tranh tụng ở tòa cho đến thẩm phán đi đến tuyên án ‘đều là một vở diễn’ mà ông cũng như những người dân khác ‘đều là khán giả đang xem’.
“Đây là một vụ án điểm nên nhận được sự chỉ đạo rất kỹ lưỡng, sát sao của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nên có sự phối hợp với nhau từ công án đến công tố và tòa án,” ông giải thích.
Ông dẫn ra những nguyên tắc như ‘suy đoán vô tội’ hay ‘trọng chứng hơn trọng cung’ mà ông cho rằng ‘đã không được thể hiện’ trong phiên tòa này.
“Tòa án chưa kết tội thì các thẩm phán phải lắng nghe, dựa theo những bằng chứng không thể chối cãi thì mới kết tội được,” ông nói. “Đằng này, chưa gì mà tòa đã gọi các bị cáo là ngoan cố, xảo trá và các thẩm phán không để ý gì lắm đến chuyện tranh tụng tại tòa.”
Khi được hỏi nếu được xử theo chỉ đạo với án bỏ túi có sẵn thì liệu có xảy ra oan, sai với các bị cáo hay không, ông A nói những người ăn hối lộ và đưa hối lộ ‘dứt khoát phải bị trừng trị’.
“Đây là vở diễn đã được định rồi và nó bộc lộ những sự thật thối nát của bộ máy công quyền: trong hoàn cảnh rất là khó khăn của người dân mà họ còn xả thịt người dân ra để kiếm chác.”
‘Thành công tuyên truyền’
Tuy nhiên, nhà bất đồng này cho rằng về mặt tuyên truyền thì đây là một ‘phiên tòa rất thành công’ đối với Đảng Cộng sản.
“Vụ án này được một cái ưu điểm hơn những vụ án khác, nhất là các vụ án đối với các nhà hoạt động, đó là họ cho báo chí đưa tin rất là rầm rộ. Người dân có thể theo dõi các pha rất gay cấn xảy ra trong tòa án,” ông chỉ ra.
Ông nói mục đích của chính quyền khi làm như vậy là để ‘trấn an, xoa dịu sự phẫn nộ của người dân’.
“Họ là bậc thầy về tuyên truyền. Tất cả báo chí đều được bật đèn xanh để đưa tin để người dân thấy là họ kiên quyết thế nào, minh bạch ra sao và trừng trị nghiêm minh thế nào,” ông A giải thích. “Tuyệt đại bộ phận người dân sẽ thấy như thấy là rất công khai, minh bạch, thỏa đáng.”
Khi được hỏi về nguy cơ ‘tự vạch trần’ cho thiên hạ thấy sự thối nát của các quan chức chính quyền khi cho công khai phiên tòa như vậy, ông A nói ‘chính quyền đã có sự tính toán rất kỹ được, mất’. “Mặc dù người dân nghe những chuyện đó họ thấy bất bình nhưng cách xử lý như vậy lại lấy lại niềm tin cho họ,” ông phân tích.
“Sau khi có phán quyết thì đồng loạt tất cả báo chí đều ca ngợi, ai mà lên tiếng nói khác sẽ bị trấn áp.”
Những vấn đề chưa giải quyết
Từ kết quả phiên tòa, ông A chỉ ra một số câu hỏi chưa được giải quyết rốt ráo chẳng hạn như vụ án ‘sẽ đi lên đến đâu?’, liệu chỉ dừng lại ở ‘thư ký của thư trưởng’ hay ‘thư ký của phó thủ tướng’ hay không?
“Tại sao ông trợ lý thứ trưởng nộp mấy chục tỉ khắc phục để được án chung thân nhưng ông thứ trưởng là cấp trên của ông ta thì chẳng ai nói gì cả,” ông đặt vấn đề.
Do đó, ông cho rằng ‘vụ án đã có được sự chỉ đạo chặt chẽ chỉ đi đến mức độ nào đó thôi’ nên những gì công chúng thấy ‘chỉ là một phần nhỏ của tảng băng nổi lên mặt nước, còn phần lớn tảng băng bị chìm thì vẫn để yên’.
“Nếu Việt Nam có nền tư pháp độc lập và nghiêm minh thì đằng sau vụ này sẽ có những vụ động trời hơn nữa,” ông nói với VOA.
Ông cũng cho rằng nếu so với các vụ tham nhũng khác gây thiệt hại hàng ngàn tỷ thì vụ chuyến bay giải cứu này ‘rất là nhỏ’ nhưng gây bức xúc vì đụng chạm đến lợi ích của số đông.
Khi được hỏi liệu những người dân vốn là nạn nhân của các chuyến bay giải cứu này có thể đòi quyền lợi hay không, ông nói: “Người dân hoàn toàn có quyền nhưng cái khó ở Việt Nam là người dân cần phải tập hợp lại để cùng khởi kiện, và họ cần đến các tổ chức xã hội dân sự giúp đỡ vì từng người một không thể làm được.”
Ông chỉ ra là phiên tòa vừa rồi đã xử các doanh nghiệp làm sai, các quan chức nhận hối lộ là sai thì các nạn nhân có cơ sở pháp lý để đấu tranh và nếu hàng chục ngàn người có thể tập hợp lại được thì họ có thể đòi được quyền lợi cho mình.
“Họ có thể yêu cầu Nhà nước rằng trong số tiền hàng chục tỷ mà Nhà nước thu hồi vốn không phải tiền Nhà nước có thể được trích lấy một phần để bồi thường thiệt hại cho họ,” ông nói.
‘Không phải khẩu hiệu suông’
Trong một bài viết có tựa đề “Thủ đoạn lợi dụng phiên tòa xét xử vụ án chuyến bay giải cứu’ để chống phá Đảng, Nhà nước”, đăng hôm 28/7, trang điện tử của tờ Công an Nhân dân viết rằng “từ phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 54 bị cáo trong vụ án ‘chuyến bay giải cứu’ cho thấy, chống tham nhũng, tiêu cực phải đi liền với chống lợi ích nhóm, suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’”.
Cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam cũng viết thêm rằng vụ án “cũng chứng minh chủ trương ‘kiên quyết, không có vùng cấm, không có ngoại lệ’” của Việt Nam, “chứ không phải ‘khẩu hiệu suông, mị dân’ như luận điệu kẻ xấu”.
“Đồng thời, từ vụ án cũng cho thấy tính chất phức tạp của tệ nạn tham nhũng hiện nay, nếu không được kiểm soát tốt có thể lây lan thành căn bệnh nguy hiểm với sự tham gia của nhiều cán bộ có chức quyền ở nhiều bộ, ngành, địa phương”, báo Công an Nhân dân nhận định.
VOA (01.08.2023)
Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trước giờ vẫn vậy
Các thỏa thuận quân sự giữa Việt Nam với Hoa Kỳ có nhiều khả năng sẽ bị các nhà lập pháp Hoa Kỳ cản trở vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam.
“Tôi nhận được cuộc gọi từ người đứng đầu Việt Nam, rất muốn gặp tôi khi tôi tới G20. Ông ấy muốn nâng tầm chúng tôi thành một đối tác lớn, ngang hàng Nga và Trung Quốc”, ông Biden nói với hàng chục nhà tài trợ ủng hộ chiến dịch tái tranh cử năm 2024 của ông tại một sự kiện ở Freeport, bang Maine, Hoa Kỳ.
Washington và các công ty quốc phòng của Mỹ đã công khai nói rằng họ muốn đẩy mạnh việc cung cấp hàng quân sự cho Việt Nam – cho đến nay phần lớn mới chỉ dừng ở mức là các tàu tuần duyên và máy bay huấn luyện – vào lúc Việt Nam tìm cách đa dạng hóa vũ khí khí tài, tách dần khỏi Nga, hiện vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính của Việt Nam.
Tuy nhiên các thỏa thuận quân sự với Hoa Kỳ nhiều khả năng bị các nhà lập pháp Hoa Kỳ cản trở vì họ chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.
Vì sao hồ sơ nhân quyền của Việt Nam bị chỉ trích?
Hơn chục năm trước, trong báo cáo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam do Bộ Ngoại giao thực hiện, có nhận xét tóm lược và những nội dung đó vẫn đúng cho đến hiện nay, chính vì vậy nên chuyện hồ sơ nhân quyền của Việt Nam tiếp tục bị chỉ trích là điều không lạ.
Báo cáo viết (trích):
“Những vi phạm quyền con người cụ thể bao gồm cả việc công an tiếp tục ngược đãi nghi can trong quá trình bắt giữ và tạm giam, kể cả sử dụng vũ lực làm chết người, cũng như các điều kiện khắc khổ của trại giam, bắt giữ người và giam cầm tùy tiện vì các hoạt động chính trị, và từ chối quyền được xét xử nhanh chóng và công bằng.
Ảnh hưởng chính trị, nạn tham nhũng cố hữu và sự kém hiệu quả đã bóp méo hệ thống tư pháp một cách đáng kể.
Chính quyền ngày càng hạn chế quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí và trấn áp những bất đồng quan điểm; tiếp tục hạn chế quyền tự do sử dụng Internet; theo báo cáo, chính quyền tiếp tục tấn công các trang mạng có tính chất phê phán chế độ; và duy trì việc theo dõi những người viết nhật ký cá nhân trên mạng (blog) có tính chất đối kháng; tiếp tục hạn chế quyền riêng tư và quyền tự do hội họp, phong trào, hội đoàn.
Những người Việt Nam thực hiện quyền tự do tôn giáo tiếp tục bị quấy nhiễu, cách hiểu và áp dụng luật thiếu nhất quán, sự bảo vệ thiếu nhất quán của pháp luật, đặc biệt ở cấp tỉnh và làng xã.
Sự tham nhũng của công an còn tiếp tục dai dẳng ở các cấp độ khác nhau. Chính quyền vẫn duy trì lệnh cấm các tổ chức độc lập về quyền con người.
Bạo hành và phân biệt đối xử với phụ nữ và nạn buôn bán người vẫn diễn ra, cũng như tình trạng bóc lột tình dục trẻ em và phân biệt đối xử xã hội nhất định dựa trên sắc tộc, thiên hướng tình dục và bản dạng giới và tình trạng HIV/AID.
Chính quyền đã hạn chế quyền của người lao động được thành lập và gia nhập các công đoàn độc lập và đã thực thi không đầy đủ các điều kiện làm việc an toàn và lành mạnh. Lao động trẻ em vẫn còn tiếp tục.
Chính quyền đã thực hiện các biện pháp thiếu nhất quán nhằm truy tố và trừng phạt những quan chức đã phạm tội lạm dụng công quyền, và cảnh sát đôi khi có hành động vi phạm nhưng không bị xử lý”.
Tính đến hiện tại, Tổ chức Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch, HRW) tiếp tục chỉ ra các điều khoản mơ hồ trong Bộ luật hình sự mà chính phủ Việt Nam thường xuyên sử dụng để truy tố và bỏ tù các nhà hoạt động chính trị và tôn giáo ôn hòa.
Bao gồm: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (điều 109); Phá hoại chính sách đoàn kết (điều 116); Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước. Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (điều 117); Phá rối an ninh (điều 118); Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (điều 331); Gây rối trật tự công cộng (điều 318).
Nguyễn Nam
VNTB (01.08.2023)
Sáu chuyên gia LHQ quan ngại việc chính quyền sách nhiễu gia đình TNLT Đặng Đình Bách
Ông Đặng Đình Bách và vợ Trần Phương Thảo Ảnh gia đình cung cấp
Sáu chuyên gia LHQ quan ngại việc chính quyền sách nhiễu gia đình TNLT Đặng Đình Bách
Một nhóm sáu chuyên gia nhân quyền thuộc cơ chế nhân quyền của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc (LHQ) gửi thư chung cho chính phủ Việt Nam, bày tỏ quan ngại của họ khi tù nhân lương tâm Đặng Đình Bách và gia đình đang chịu sự đàn áp và sách nhiễu bởi nhà chức trách.
Trong thư chung của Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ khu vực Đông Nam Á đề ngày 27/5 và được công bố trong ngày 29/7, các chuyên gia nhân quyền đề cập đến thông tin mà họ nhận được liên quan đến việc gia tăng sách nhiễu hành chính và tư pháp đối với bà Trần Phương Thảo, vợ của nhà hoạt động môi trường đang bị cầm tù Đặng Đình Bách, cũng như việc ông tiếp tục bị giam giữ chỉ vì các hoạt động thực hiện quyền tự do ngôn luận, ủng hộ môi trường và các hoạt động nhân quyền.
Ông Bách, một luật sư và là một nhà hoạt động môi trường, là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD) trước khi bị bắt vào tháng 6/2021 với cáo buộc “trốn thuế” theo Điều 200 của Bộ luật Hình sự cho các khoản tiền tài trợ từ nước ngoài cho các dự án xã hội của Trung tâm trong thời gian 2013-2020.
Trong phiên toà sơ thẩm vào tháng 1/2022, ông bị kết án năm năm tù giam và bị buộc nộp số tiền gần 1,4 tỷ đồng, là số tiền mà ông bị coi là trốn thuế. Toà phúc thẩm vào tháng 8/2022 giữ nguyên mức án. Trong cả hai phiên toà, ông Bách luôn khẳng định mình vô tội.
Kể từ khi bị bắt, ông đã tuyệt thực dài ngày nhiều lần trong trại giam để đòi tự do. Lần gần đây nhất, ông tuyệt thực trong một tháng bắt đầu từ ngày 09/6.
Sau khi ông Bách bị cầm tù, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội liên tục triệu tập bà Thảo để buộc gia đình bà phải nộp số tiền gần 1,4 tỷ đồng sau khi đã phong toả các tài khoản ngân hàng đứng tên ông Bách.
Cơ quan này cũng đe doạ sẽ tịch thu xe hơi và căn nhà ở Hà Nội mà bà Thảo đang sống cùng con nhỏ hai tuổi và bố mẹ chồng cao tuổi.
Cùng với Trại giam số 6 nơi ông Bách đang thi hành án, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội không cho ông Bách sang tên giấy đăng ký xe hơi và uỷ quyền cho vợ, cho dù bà Thảo đã cam kết sẽ bán xe và sử dụng số tiền thu được để nộp như cơ quan này yêu cầu.
Bình luận về hành động của nhà chức trách Hà Nội đối với gia đình ông Bách, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua tin nhắn ngày 31/7:
“Việc Việt Nam cố tình sách nhiễu và ngược đãi tàn nhẫn thành viên gia đình của các nhà hoạt động thực sự là không có giới hạn, và giờ đây Trần Phương Thảo đang bị tấn công với những đòi hỏi tài chính không có thật liên quan đến tội danh trốn thuế lố bịch, bịa đặt đối với chồng cô.
Rõ ràng là các quan chức đang cố đẩy gia đình Đặng Đình Bách vào tình thế tuyệt vọng bằng cách tịch thu nhà và xe của họ.”
Gọi các quan chức đang hành động đối với gia đình ông bách là “hoàn toàn vô tâm,” ông Phil Robertson kêu gọi các nhà ngoại giao nước ngoài ở Hà Nội “nên công khai lên án những thủ đoạn lạm dụng, sách nhiễu này.”
Trong thư chung, các chuyên gia nhắc lại rằng trong văn bản trước đó gửi Chính phủ Việt Nam vào tháng 2/2022, họ đã điều tra và nhận thấy các khoản tài trợ cho 10 dự án xã hội của LPSD không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, chiếu theo quy định trong Nghị định 218/2013 của Chính phủ Việt Nam và Thông tư 78/2014 của Bộ Tài chính. Do vậy, việc kết tội ông Bách là không có cơ sở.
Bên cạnh việc bày tỏ lo ngại về việc ông Bách bị giam cầm, các chuyên gia bày tỏ quan ngại về quấy rối hành chính và tư pháp đối với bà Thảo. Họ nghi ngờ việc quấy rối này được thiết kế để trừng phạt bà Thảo vì bà đang vận động tự do cho chồng với LHQ, cũng như chỉ trích việc ông tiếp tục bị giam giữ.
“Trước đây, chúng tôi đã chỉ ra nhiều cáo buộc đáng tin cậy về hành vi đe dọa và trả thù xảy ra sau khi các nạn nhân chia sẻ lời khai hoặc sử dụng các thủ tục được thiết lập dưới sự bảo trợ của LHQ để bảo vệ nhân quyền.
Chúng tôi sợ rằng đây không chỉ là những trường hợp riêng lẻ và chúng có thể báo hiệu một mô hình mới nổi. Chúng tôi lưu ý rằng Việt Nam đã bị đưa vào một số báo cáo của Tổng Thư ký LHQ về hành vi đe dọa và trả đũa đối với việc hợp tác với LHQ, các đại diện và cơ chế của LHQ trong lĩnh vực nhân quyền,” các chuyên gia nói trong thư chung.
Các chuyên gia đề nghị Chính phủ Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến cơ sở pháp lý cho hành vi quấy rối hành chính và tài chính đối với bà Thảo và ông Bách và mức độ phù hợp của các biện pháp này với các tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế như đã nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế và Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR).
Nhóm cũng đề nghị Hà Nội cho biết những bước đã được thực hiện và các biện pháp được Chính phủ Việt Nam đưa ra để bảo đảm rằng các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội dân sự và tất cả những người bảo vệ nhân quyền có thể thực hiện công việc ôn hòa của họ mà không sợ bị đe dọa, bạo lực, quấy rối hoặc trả thù dưới bất kỳ hình thức nào.
Chính phủ Việt Nam cũng cần cung cấp thông tin về các hoạt động bảo đảm rằng các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội dân sự, những người ủng hộ môi trường và tất cả những người bảo vệ nhân quyền có thể tự do và tích cực tham gia vào việc định hình các chính sách và quyết định về khí hậu và môi trường trong việc thực hiện Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
Trong thư phản hồi đề ngày 19/7, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ và các tổ chức quốc tế khác ở Geneva đề nghị gia hạn trả lời thêm một tháng, đến ngày 25/8 tới đây.
Phóng viên gọi điện cho bà Trần Thu Thuỷ của Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, người thụ lý trường hợp của ông Bách-bà Thảo, nhưng người này không nghe máy.
RFA (31.07.2023)
Gia đình nhận được tin tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức bị ‘trù dập’ trong tù
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng bị bỏ tù ở Việt Nam, mới đây liên lạc báo cho gia đình biết ông bị trại giam “gây khó khăn, trù dập”, ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của ông Thức, cho VOA biết hôm 31/7.
“Vào sáng Chủ nhật 30/7, anh Thức gọi điện thoại về nhà một cách bất thường”, ông Tân nói và giải thích thêm rằng thông thường theo tiêu chuẩn gọi về hằng tháng, ông Thức không bao giờ được trại giam cho gọi vào ngày Chủ nhật, nên gia đình cảm nhận có gì đó bất ổn với ông.
“Sau khi thăm hỏi dặn dò như mọi khi, anh Thức thông báo là anh đang bị gây khó khăn, trù dập”, vẫn lời ông Tân nói với VOA.
Ông Thức, 57 tuổi, nói với gia đình rằng hôm 20/7, các nhân viên trại giam ở tỉnh Nghệ An khám xét buồng, lấy ra hết máy đo đường huyết và huyết áp, quạt chạy pin, đèn đọc sách. Họ nói cần kiểm tra vài ngày các đồ đó rồi sẽ trả lại nhưng 10 ngày đã qua và họ vẫn chưa trả. Sau đó còn có một lần kiểm tra nữa vào ngày 22/7.
Vì vậy, suốt một tuần nay, ông Thức không đường huyết và huyết áp của mình như thế nào, ông báo với gia đình.
Bên cạnh việc làm kể trên, trại giam cũng không duyệt một số bức thư bàn về thời cuộc của ông Thức gửi gia đình với lý do “không đảm bảo nội dung giáo dục và cải tạo phạm nhân”, ông Thức cho hay.
VOA đã liên lạc với Trại giam số 6 ở Thanh Chương, Nghệ An, để hỏi về những cáo buộc mà ông Thức đưa ra, song không có hồi đáp từ phía trại giam.
Ông Thức cho rằng đây một diễn biến hoàn toàn trái ngược với trước đây, khi họ vẫn duyệt các bức thư khác của ông gửi về nhà và bàn về các đề tài không khác mấy, ông Tân thuật lại với VOA.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, một trong những tù nhân chính trị nổi tiếng nhất Việt Nam, từng là một kỹ sư và doanh nhân, đã bị chính quyền Việt Nam bắt vào tháng 5/2009 với tội danh lúc đầu là “trộm cắp cước điện thoại”, sau đó ông bị cáo buộc hoạt động chính trị nhằm “lật đổ chính quyền nhân dân”.
Trong phiên toà xét xử cùng với luật sư Lê Công Định, ông Nguyễn Tiến Trung và ông Lê Thăng Long vào ngày 20/1/2010, ông Thức bị tuyên án nặng nhất, lên đến 16 năm tù giam và bị tịch thu một phần tài sản.
Nói hôm 30/7 với gia đình, ông Thức phản đối hành động của trại giam và nhận định rằng đó là “sự trả thù, trù dập” vì ông Thức đấu tranh với bản án tù sai trái.
Như VOA đã đưa tin, hồi tháng 11/2022, ông Thức và gia đình đã gửi đơn đến chủ tịch nước của Việt Nam đề nghị xem xét miễn hình phạt tù còn lại đối với ông Thức.
Lá đơn lập luận rằng Bộ Luật hình sự đã được sửa đổi vào năm 2015 và 2017, tức là có hiệu lực sau khi ông Thức đã bị kết án, có điều khoản quy định rằng người ‘chuẩn bị phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân không thuộc diện chịu trách nhiệm hình sự’, vì vậy, cần phải áp dụng điều khoản đó đối với ông Thức và trả tự do cho ông ngay.
Nhưng vào đầu tháng 7 này, Tòa án Nhân dân Tối cao của Việt Nam có công văn trả lời số 253 nói rằng ông Thức “không thuộc đối tượng được áp dụng các điều khoản có lợi” để “xem xét miễn chấp hành hình phạt còn lại”.
Ông Tân, em trai của ông Thức, nói với VOA rằng phía tòa án đã tránh né và trả lời sai, còn ông Thức và gia đình tiếp tục phản đối văn bản này.
Trong cuộc điện thoại về nhà mới đây, ông Thức phỏng đoán rằng các hành động “gây khó khăn và trù dập” từ phía trại giam “chắc là có sự phối hợp với Văn bản 253”, ông Tân kể lại với VOA.
Nói với gia đình, ông Thức khẳng định việc cầm tù ông “đến giờ đã quá sai trái, chà đạp pháp luật và công lý”.
Để phản đối các động thái mới có của trại giam, ông Thức nói rằng ông “sẽ từ chối thăm gặp từ tháng sau” và vì vậy gia đình hãy “sẵn sàng tinh thần” sẽ không gặp ông cho tới khi ông mãn hạn tù. Ông Tân cho VOA biết thời gian thụ án còn lại của ông Thức là khoảng 1 năm 10 tháng.
Vẫn ông Thức nói thêm rằng nếu trại giam tiếp tục gây khó khăn, ông sẽ phản đối bằng cách không điện thoại về nhà. “Tháng nào mà thấy tôi không điện về là biết tôi đang bị gây khó khăn nghiêm trọng”, ông Thức nói, ông Tân thuật lại với VOA.
Ông Thức cũng muốn gia đình báo tình hình của ông cho các đại sứ quán nước ngoài biết và nhờ họ yêu cầu vào gặp ông.
Hoa Kỳ, các quốc gia châu Âu và các tổ chức nhân quyền trên thế giới nhiều lần lên tiếng chỉ trích và bày tỏ quan ngại về hình phạt nặng nề mà Hà Nội dành cho ông Thức và các nhà hoạt động khác chỉ vì họ bày tỏ quan điểm một cách ôn hoà.
VOA (31.07.2023)
Ba người tại Sóc Trăng, Trà Vinh bị bắt theo cáo buộc chống Nhà nước
Công an hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh khởi tố và bắt giam Thạch Cương CAND
Ba ông Danh Minh Quang, Thạch Cương và Tô Hoàng Chương vào ngày 31/7 bị Công an hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh khởi tố và bắt giam theo cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Công an hai tỉnh ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long gồm Sóc Trăng và Trà Vinh cho truyền thông Nhà nước biết như vừa nêu. Cụ thể người bị bắt và khởi tố tại Sóc Trăng là ông Danh Minh Quang- sinh năm 1987, ngụ tại ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đạo Tâm, huyện Mỹ Xuyên; còn tại Trà Vinh gồm hai người là Thạch Cương- sinh năm 1987 và Tô Hoàng Chương- sinh năm 1986, đề ngụ tại ấp Lạc Sơn, xã Thạch Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang.
Công an hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh chỉ cho biết biện pháp bắt giữ và khởi tố ba người vừa nêu xuất phát từ nguồn tin phản ánh của người dân về việc trên địa bàn hai địa phương vừa nêu gần đây xuất hiện nhiều người bị cho là “lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội nhiều bài viết, video có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội và tình hình an ninh, trật tự ở địa phương”.
Một trong ba người vừa bị khởi tố và bị bắt là ông Tô Hoàng Chương, người hôm 28/6 cho Đài Á Châu Tự do biết ông bị Công an tỉnh Sóc Trăng chặn xe, đánh đập sau khi đi thăm một người bạn tại xã Mỹ Tâm, huyện Mỹ Xuyên về.
Ông Tô Hoàng Chương cho biết ông từng đi phát sách Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về quyền của các dân tộc bản địa.
Vào ngày 25/6, Liên minh Người Khmers Kampuchea Krom (KKF) có trụ sở ở Hoa Kỳ ra thông cáo báo chí lên án Công an tỉnh Sóc Trăng về “hành vi đối xử tàn bạo và vô nhân đạo” đối với ông Tô Hoàng Chương.
RFA (31.07.2023)
Phán quyết của phiên xử ‘Chuyến bay giải cứu’ có thuyết phục?
Dư luận vẫn còn những câu hỏi cần được giải đáp sau khi tòa tuyên án vụ ‘Chuyến bay giải cứu’ ngày 28/7, trong đó có những bất bình về mức án dành cho các bị cáo, ý nghĩa của nguyên tắc ‘trọng chứng hơn trọng cung’ trong xét xử, cũng như chuyện liệu người bị hại có được bồi thường hay không.
Tòa ra phán quyết cho các bị cáo với các mức hình phạt có cả cao hơn, cũng có mức thấp hơn đề nghị của Viện Kiểm sát.
Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng Phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an là bị cáo duy nhất bị tuyên phạt mức án cao hơn mức án mà Viện Kiểm sát đề nghị, cũng là mức cao nhất đối với tội danh mà bị cáo này bị truy tố và xét xử, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Án chung thân về tội nhận hối lộ được tuyên đối với các bị cáo Phạm Trung Kiên, Nguyễn Thị Hương Lan và Vũ Anh Tuấn, tội danh có khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Các bị cáo còn lại, năm người bị mức từ 10 đến 20 năm tù, 12 người chịu mức từ 5 năm đến dưới 10 năm, và 33 người án dưới 5 năm tù, trong đó có cả án treo.
Trong số 48 bị cáo bị xử tội nhận, đưa hoặc môi giới hối lộ, có tới 40 người phạm tội với số tiền trên 1 tỷ đồng. Đây là các tội có khung hình phạt tối đa lần lượt là tử hình, 20 năm tù, và 15 năm tù; và tối thiểu là 20 năm, 12 năm và 8 năm tù.
‘Tội to như con voi, án nhỏ như con kiến’
“Nhìn vào mức án tòa vừa xử, tội thì to như con voi nhưng án thì nhỏ như con kiến,” Luật sư Nguyễn Duy Bình từ TP Hồ Chí Minh bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 30/7. “Đặc biệt, khi so sánh hành vi phạm tội với mức án của giới quan chức và dân thường thì có sự bất bình đẳng quá lớn.”
“Cụ thể, một người nhận môi giới hối lộ cả chục tỷ đồng như cựu Phó giám đốc công an thành phố Hà Nội chỉ bị xử 5 năm tù, nhưng một hiệu trưởng [Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hưng Nguyên, Nghệ An] để thất thoát mấy chục triệu thì bị xử 5 năm tù, một cán bộ nhỏ [phó phòng tư pháp huyện Minh Hoá, Quảng Bình] nhận hối lộ 9 triệu đồng thì bị xử ba năm tù giam.”
“Vì vậy, tôi nhận thấy tính bình đẳng của Bộ luật Hình sự nhiều lúc chỉ mang tính hình thức. Bộ luật Hình sự hiện có rất nhiều quy định bất hợp lý về mức hình phạt đối với các tội danh và khung hình phạt trong mỗi tội. Chính vì những bất hợp lý đó nên tòa có thể áp dụng tùy tiện để quyết định mức án theo ý chí của mình,” Luật sư Nguyễn Duy Bình cho biết.
Cùng nhận xét trên, từ Ba Lan, nhà văn Trần Quốc Quân nói phán quyết của tòa chưa đủ nghiêm khắc.
“Đây là vụ án tham nhũng nghiêm trọng nhất, có quy mô và số người tham gia lớn nhất, gây căm phẫn trong dư luận xã hội nhất từ trước tới nay. Thế nhưng mức án đối với nhiều bị cáo chưa nghiêm khắc, chưa bám sát các điều khoản qui định của bộ luật,” nhà văn Trần Quốc Quân nói. “Việc định án còn tùy hứng, không bám theo theo chuẩn mực chung, mang nặng cảm tính của hội đồng xét xử, của cơ quan công tố và cá nhân các công tố viên. Hình phạt thiếu tính răn đe khiến quan tham không sợ bị trừng phạt, kích thích tình trạng tham nhũng ngày càng phát triển.”
Việc các bị cáo nộp tiền được cho là tình tiết giảm nhẹ để được giảm án sâu như trong phiên tòa này cũng là điều gây phản ứng trong dư luận. “Tham nhũng ở Việt Nam xảy ra từ trên xuống dưới. Nộp tiền tham nhũng để được giảm án cũng thật tréo ngoe,” từ Sài Gòn, ông Lê Thân, cựu tù binh Côn Đảo, bình luận với BBC News Tiếng Việt.
Nhà văn Trần Quốc Quân cho rằng điều này sẽ mở ra tiền lệ rất xấu cho hoạt động tố tụng ở Việt Nam, đó là việc ‘dùng tiền chạy án’ được công khai chấp nhận.
“Nếu khắc phục hậu quả được giảm án sâu như Hội đồng xét xử đã tuyên đối với nhiều bị cáo nhận hối lộ trong vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’, điều đó sẽ tạo ra tiền lệ dùng tiền để chạy án, khiến ‘bệnh nhờn thuốc’.
“Truy thu tài sản do phạm tội mà có là trách nhiệm của cơ quan thực thi pháp luật. Khắc phục hậu quả là nghĩa vụ của kẻ phạm tội. Tình tiết được giảm nhẹ tội chỉ được xem xét khi bị cáo tự nguyện khắc phục hậu quả trước khi luận tội.”
Nhà văn Trần Quốc Quân đưa ra so sánh mức án của vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’ với mức án của vụ án xử ông Trần Hùng, cựu phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, diễn ra trong cùng khoảng thời gian, trong vụ án ‘Sản xuất 27.000 quyển sách giáo khoa giả’.
“Ông Trần Hùng bị buộc tội ‘nhận hối lộ 300 triệu đồng’, lĩnh án chín năm tù, nặng hơn rất nhiều lần so với các quan tham trong vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’. Tại sao ông Trần Hùng không được nộp tiền khắc phục hậu quả để được giảm án như các bị cáo trong vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’? Nếu ông Trần Hùng được khắc phục hậu quả cả 300 triệu đồng ‘nhận hối lộ’, thậm chí khắc phục hậu quả gấp nhiều lần số đó thì Trần Hùng được giảm án đến đâu?”
“Trong cùng một quốc gia, cùng một nền pháp luật, cùng gây hậu quả với mức độ như nhau nhưng mức án phạt rất khác nhau giữa quan và dân, giữa quan và quan và giữa dân và dân, không theo một chuẩn mực qui định pháp luật nào. Công lý ở đâu?” nhà văn Trần Quốc Quân bình luận.
Chụp lại hình ảnh,Phiên tòa ‘Chuyến bay giải cứu’ thu hút dư luận về phần đối chất giữa bị cáo Hoàng Văn Hưng (trái), cựu Trưởng phòng 5, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an, và bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (phải), cựu Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội
Án chung thân gây tranh cãi
Nếu như đa số các bị cáo đều được toà ra mức án ‘nương tay’ so với tội danh, mà nhiều người cho là chưa đủ mức nghiêm khắc để răn đe, thì án chung thân tòa dành cho bị cáo Hoàng Văn Hưng được cho là quá nặng và không đủ sức thuyết phục.
Cựu Trưởng Phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, trước giờ tuyên án bị Viện Kiểm sát đề nghị mức 19-20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hội đồng xét xử tuyên án cao hơn, ở mức kịch khung đối với tội danh bị xét xử, với lý do đưa ra là bị cáo “không thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và khắc phục hậu quả do mình gây ra.”
Bình luận về mức án của bị cáo Hoàng Văn Hưng, luật sư Trần Đình Dũng viết trên Facebook cá nhân:
“Khi không làm sáng tỏ được trong vali có 450 ngàn USD hay chỉ có 04 chai rượu vang, thì buộc phải suy đoán bên trong có 04 chai rượu vang. Bởi suy đoán bên trong có 450 ngàn USD là suy đoán có tội, trái với qui định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.”
“Cựu Trung tá Hoàng Văn Hưng lãnh án chung thân, thực ra cũng không ai thương tiếc gì, nhưng những người làm công tác liên quan đến tố tụng hình sự cảm thấy như bị dội một gáo nước lạnh vào bộ mặt tố tụng hình sự nước nhà.”
“Nền tố tụng hình sự như bị ‘đóng đinh’ thêm một tiền lệ là ‘Tiền lệ suy đoán có tội’. ‘Tiền lệ xử án suy đoán có tội’ sẽ gây băng hoại đối với hoạt động tố tụng hình sự ở nước nhà,” ông viết.
‘Đồng lòng phạm tội’
Một câu hỏi quan trọng mà dư luận đặt ra trong vụ ‘Chuyến bay giải cứu’ đó là tại sao lại có cơ chế năm bộ cấp phép cho các chuyến bay giải cứu và bay combo, từ đó tạo một cơ chế xin cho và tạo nên đường dây quan chức làm tiền doanh nghiệp.
Từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021, khoảng hơn 1.000 chuyến bay đã được cấp phép, đưa hơn 200.000 công dân về nước.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo.
“Từ đâu mà cả tập thể các quan chức của nhiều bộ, nhiều cơ quan đồng lòng phạm tội nhận hối lộ, môi giới nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tiền, và đặc biệt là cùng nhau trấn lột tiền của các nạn nhân được giải cứu?” nhà văn Trần Quốc Quân đặt câu hỏi.
“Câu trả lời là: Từ nền tảng đạo đức băng hoại, từ môi trường xã hội tha hóa, từ pháp luật không công minh, từ biện pháp trừng phạt không đủ răn đe…,” ông viết. “Tất cả các nguyên nhân này đều do thể chế sinh ra.”
“Với tình trạng tham nhũng ở đất nước ta hiện nay, điều nguy hại nhất là quan chức nhận thức về nhận hối lộ như là mặc nhiên, ai cũng làm thế, chẳng hề nghiêm trọng, ‘đen thôi đỏ thì quên đi’. Thế nên trong môi trường đó, quan nào có điều kiện hầu như cũng tham nhũng.”
“Các câu trả lời ngây ngô, ngoan cố, và dối trá của các bị cáo trong phiên tòa ‘Chuyến bay giải cứu’ là minh chứng thuyết phục.”
Luật sư Nguyễn Duy Bình thì cho rằng những gì diễn ra trong vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’ cho thấy tình trạng băng hoại đạo đức nghiêm trọng trong hàng ngũ cán bộ:
“Trường hợp này, tham nhũng lại hoành hành giữa lúc đại dịch đang diễn ra, đất nước và nhân dân đang ngày đêm gồng mình chống dịch nhưng hàng loạt cán bộ từ thấp đến cao lại chỉ lo lợi dụng dịch bệnh để vơ vét. Giữa lúc đất nước gặp nạn, dân tình khốn đốn vì dịch bệnh, đau thương, tang tóc bao trùm mà bọn chúng còn ra sức vơ vét thì không còn từ nào để tả và có thể đánh giá tình trạng đạo đức, lương tâm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đã biến chất, xuống cấp nghiêm trọng.”
Quyền lợi của người bị hại không được bảo vệ
Trên Facebook của BBC News Tiếng Việt, nhiều độc giả đã đặt câu hỏi như “Tiền của người bị hại sẽ trôi về đâu”, “Tiền thu được phải trả lại cho người dân đã bị chi phí trong chuyến bay đó, chứ lại sao bỏ vào công quỹ?”
Có nhiều ý kiến cho rằng, số tiền thu hồi do phạm tội mà có trong vụ án giải cứu này phải trả cho các nạn nhân là hàng trăm ngàn công dân được giải cứu chứ không phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Nhà văn Trần Quốc Quân đánh giá rằng mong muốn này “rất khó thực hiện”.
“Bởi số tiền thu hồi quá nhỏ so với tổng số tiền mà các nạn nhân thực chi cho nhiều tầng lớp quan chức và doanh nghiệp từ dịch vụ môi giới, dịch vụ bán vé, dịch vụ lãnh sự, dịch vụ xét duyệt danh sách giải cứu, dịch vụ cách ly… Qua bao nhiêu tầng lớp trấn lột, moi túi hàng trăm nghìn nạn nhân mà không hề có biên lai, rất khó thu được bằng chứng. Ai được bồi thường, ai không? Làm sao rành mạch, bạch hóa chi tiết được các khoản tiền thu bất chính đó?” Ông nói. “Theo tôi, tiền ngân sách nhà nước thực ra cũng là tiền dân nếu không bị tham nhũng trong chi tiêu.”
Tuy nhiên, ông Lê Thân cho rằng, “Tiền lấy của dân phải trả dân, chứ lại sao trả nhà nước để được giảm án?”
“Tôi thấy lời phát biểu ngu ngơ của các quan chức đã cho thấy họ tỏ ra chả xem phiên tòa này ra gì,” ông nói với BBC. “Tôi thấy tham nhũng dường như đã trở nên quá quen thuộc, như cơm ăn, nước uống hằng ngày, cho nên như bị cáo Trần Văn Dự, cựu Cục phó Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an mới nói thôi coi như ‘số tôi đen’, trả lại. Tham nhũng dường như giờ đây đã đã trở thành văn hóa trong giới cầm quyền rồi.”
Phán quyết của tòa không đề cập tới việc bồi thường cho những người phải trả những khoản tiền lớn để được trở về trên những chuyến bay giải cứu.
BBC (31.07.2023)
Sức khỏe ông Lê Tùng Vân ‘như ngọn đèn treo trước gió’
Ông Lê Tùng Vân và Luật sư Đặng Đình Mạnh tại một phiên tòa
Luật sư tiết lộ, hiện nay sức khỏe của ông Lê Tùng Vân rất tệ. Ông nằm suốt, thể trạng lúc tỉnh lúc mê, tinh thần lúc sáng suốt lúc quên, ông ăn uống rất ít hoặc thậm chí thường xuyên bỏ bữa không ăn… Có thể nói ông cụ lúc này như “ngọn đèn leo lét trước gió”.
Đến nay, đã có sáu thành viên của Thiền Am bị tuyên án có tội theo điều 331 bộ luật hình sự. 5 trong số họ đang phải chịu cảnh tù đày. Người còn lại là ông cụ Lê Tùng Vân cũng bị tuyên hình phạt 5 năm tù. Nên chúng tôi đã làm thủ tục yêu cầu hoãn thi hành án do tuổi cao, sức yếu.
Hiện nay sức khỏe của ông cụ rất tệ. Ông nằm suốt, thể trạng lúc tỉnh lúc mê, tinh thần lúc sáng suốt lúc quên, ông ăn uống rất ít hoặc thậm chí thường xuyên bỏ bữa không ăn… Có thể nói sinh mạng ông cụ lúc này như ngọn đèn leo lét trước gió.
Song song đó, có trường hợp thứ bảy là bà Lê Thu Vân cũng đã bị khởi tố theo tội danh điều 331, nhưng chưa xét xử.
Ông Lê Tùng Vân bị kết án 5 năm tù nhưng hiện đang tại ngoại do sức khỏe yếu
Ngoài ra, Thiền Am cũng đang phải đối diện một vụ kiện dân sự khác về việc đòi lại con cho dù cháu vẫn được chăm sóc tốt, được ăn học đầy đủ.
Nhưng như vậy vẫn chưa phải là hết. Chúng tôi ước đoán lại sắp có tai họa đến với Thiền Am để tiến đến mục tiêu sau cùng của kẻ xấu là xóa sổ Thiền Am.
Thế thì, có bao giờ chúng ta tự hỏi: Nguyên nhân nào mà Thiền Am bị truy bức đến như vậy?
Về cáo buộc “loạn luân”, tôi chỉ nêu tóm tắt : “Nếu sống trong xã hội mà không lên án vấn đề loạn luân là vô đạo đức. Nhưng nếu tin rằng Thiền Am có loạn luân mà không cần đến chứng cứ là vô lý trí”.
Với ý kiến cho rằng việc tôi lên tiếng về Thiền Am sẽ có hại cho Thiền Am hơn là bảo vệ họ, tôi chỉ hỏi lại điều này:
Nếu bạn im lặng, tất cả chúng ta đều im lặng thì có cứu được Thiền Am? Có tránh được các bất công và tội ác đang gieo xuống Thiền Am?
Câu trả lời đương nhiên là không.
Nếu không muốn nói sự im lặng của chúng ta chẳng khác gì sự đồng lõa với bất công và tội ác.
Napoléon Bonaparte – Một trong những vị hoàng đế được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử nước Pháp, ông ấy nói: “Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt”.
Bạn có thể chọn cách im lặng với bất công, với tội ác để tự huyễn hoặc rằng mình đang cứu Thiền Am. Đó là quyền của bạn. Tôi thì không, tôi chọn cách lên tiếng để thế giới biết về sự bất công và tội ác mà Thiền Am đang phải gánh chịu. Đó là quyền của tôi.
Nếu không, việc tôi may mắn có sự tự do chẳng còn mấy ý nghĩa.
Đặng Đình Mạnh
Đất Việt (30.07.2023)
RSF lên án việc ông Đường Văn Thái bị buộc tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’
Trang Facebook của nhà báo độc lập Đường Văn Thái.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) có trụ sở tại Pháp ngày 25/7 lên án việc Hà Nội buộc tội Đường Văn Thái “tuyên truyền chống nhà nước” là vô lý và kêu gọi phóng thích ông ngay lập tức.
Ba tháng sau khi xuất hiện thông tin ông Đường Văn Thái bị bắt cóc ở Thái Lan, chính quyền Việt Nam đã chính thức buộc tội ông “tuyên truyền chống nhà nước”.
RSF dẫn tin từ gia đình ông sau khi họ nhận được thư từ Bộ Công an vào tháng 7 rằng ông Đường Văn Thái, một nhà báo chống tham nhũng của Việt Nam, gần đây đã bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự và ông phải đối mặt với mức án tối đa là 20 năm tù.
Vẫn theo thông cáo của RSF, ông Đường Văn Thái bị bắt cóc hôm 13/4/2023 tại miền trung Thái Lan, nơi ông đã sống tị nạn từ năm 2019. Ba ngày sau, công an Việt Nam thông báo bắt giữ ông với cáo buộc “tìm cách nhập cảnh trái phép từ Lào”, nhưng sau đó không cung cấp thông tin cập nhật khi hết thời hạn tạm giữ tối đa chín ngày, theo quy định của pháp luật.
Ông Cédric Alviani, Giám đốc Văn phòng Phóng viên Không Biên giới RSF Châu Á-Thái Bình Dương, nói: “Bắt cóc xuyên biên giới, coi thường bộ luật hình sự một cách trắng trợn, và truy tố dựa trên những lý do vô lý: vụ án Đường Văn Thái minh họa cho sự coi thường sâu xa của chính quyền Việt Nam đối với tự do báo chí. Chúng tôi kêu gọi các đối tác kinh tế lớn của Hà Nội, cụ thể là Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Liên hiệp Châu Âu và Nhật Bản áp dụng các biện pháp trừng phạt có mục tiêu để phóng thích cho nhà báo vừa kể cùng 42 người bảo vệ tự do báo chí khác đang bị giam giữ tại quốc gia này.”
RSF nói ông Đường Văn Thái phơi bày nạn tham nhũng trong chính phủ và tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng và ông cũng là thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một tổ chức bị đặt ngoài vòng pháp luật. Mặc dù ông đã được Văn phòng Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn tại Bangkok trao quy chế tị nạn vào năm 2020, nhưng ông vẫn lo lắng cho sự an toàn của mình ở Thái Lan, bạn bè của ông cho biết.
RSF tố cáo đây không phải là lần đầu tiên một nhà báo nước ngoài bị cưỡng chế “hồi hương” với sự đồng lõa rõ ràng của chính quyền Thái Lan. Ông Trương Duy Nhất, cộng tác viên cho Ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do, đã bị bắt cóc tại Bangkok vào tháng Giêng năm 2019 và sau đó bị kết án mười năm tù tại Việt Nam với những cáo buộc mà RSF cho là ngụy tạo.
Việt Nam đứng thứ 178 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới của RSF năm 2023 và nằm trong số các nước bỏ tù các nhà báo tồi tệ nhất thế giới.
Hà Nội lâu nay vẫn một mực bác các tố cáo vi phạm nhân quyền, cho rằng đó là những luận điệu xuyên tạc, không có cơ sở.
(Nguồn: Tổ chức Phóng viên Không Biên giới-RSF)
VOA (27.07.2023)