„nước ta thật bất hạnh rơi vào tay CS để chịu 30 năm điêu linh, chiến tranh, tàn phá, máu chảy thành sông, đống xuơng vô định. Người dân gánh chịu muôn vàn khổ cực.“
Bác sĩ Phùng Văn Hạnh
Cách mạng tháng Tám có cần thiết hay không? Nếu không có đảng Cộng sản và Hồ chí Minh không sinh ra, thì liệu chính phủ Trần trọng Kim có đem lại nổi độc lập, thống nhất cho nước Việt nam hay không? Tôi nghĩ rằng được. Sau khi Nhật đầu hàng, chắc Pháp trở lại, song tôi nghĩ Bảo Đại và nhóm Trần trọng Kim có đủ sáng suốt để tạo một Việt nam độc lập trong khối Liên hiệp Pháp, hoặc kiểu Pháp-Việt đề huề như cụ Phan chu Trinh khởi xướng. Rồi từ từ với trình độ dân trí phát triển, thế giới tiến bộ, độc lập, tự do, thống nhất chắc chắn sẽ đến. Quả nhiên, khi chính phủ Pháp yêu cầu vua Bảo Đại về chấp chánh, đã phải ký với vua, bải bỏ các hiệp ước thời bảo hộ và thuộc địa, cả việc trả lại Nam Bộ, mà Pháp đã từ chối trong modus vivendi ký với Hồ chí Minh.
Năm 1953, ở Đà-lạt, tôi tình cờ nói chuyện với một cựu nhân viên trong phái đoàn Pháp. Ông nhắc lại chuyện gặp phái đoàn Phạm văn Đồng tại Đà-lạt năm 1946. Pháp nói là họ trở lại để hợp tác chứ không phải tạo lập lại chính sách thuộc địa. Pháp có khoa học kỷ thuật, Việt nam có tài nguyên và nhân công. Một phát triển chung trong khối Liên hiệp Pháp sẽ có lợi cho đôi bên. Song Đồng với đầu óc thiển cận và sô vin (chauvin) chỉ đòi độc lập, thống nhất hoàn toàn. Đồng lúc ấy trong đầu chỉ biết cách mạng vô sản, chứ đâu phải là một nhà chính trị mềm dẽo và có kiến thức cao. Cha của người bạn tôi, xưa kia có học chung với Đồng ở Hà-nội. Trong một cuộc chơi đá cầu, Đồng thua, trở nên cay cú và đá vào hạ bộ của ông. Ông kết luận một người không có “fair play”(ngay thẳng) như thế không thể là một nhà chính trị tốt. Mitterand, lúc sang Việt Nam thăm Điện biên phủ, đã hối tiếc, nếu là ông, sẽ tránh được cuộc chiến tranh. Tạm ước Paris cũng xác định nước Việt Nam mới, có chủ quyền đến tận Bình thuận. Pháp giữ Nam bộ trong 5 năm, sau đó sẽ có trưng cầu dân ý. Nếu dân Nam bộ thuận trở về trong lòng dân tộc sẽ có thống nhất. Hồ đã chọn giải pháp chiến tranh, nên khi ở Pháp về sau hội nghị Fontainebleau, đã xé tạm ước, đánh úp quân Pháp đêm 19-12-1946, vì Lénin đã dạy chỉ trong chiến tranh, rối loạn, đảng cộng sản mới diệt được phe quốc gia và vững mạnh lên. Sau 10 năm kháng chiến, năm 1954, Miền Bắc chỉ có chủ quyền đến sông Bến hải chứ không phải Bình thuận. Đúng là điên khùng, xem quốc tế CS là mục đích, còn quốc gia dân tôc là phương tiện.
Paul Bert, toàn quyền Pháp, là một trí thức nhân hậu và là một khoa học gia. Ông muốn thực hiện một chính sách khai hóa ở Việt nam. Chính ông đã có ý mở trường Đại học Hà- nội mà sau này Paul Doumer thực hiện. Ông nói với giới trí thức Việt nam là chế độ thực dân là một tất yếu lịch sử vì giá sử phương Đông tiến bộ hơn phương Tây thì Phương Đông sẽ chiếm cứ phương Tây để khai thác. Hung nô, Mông cổ đã chiếm đóng phương Tây trong quá khứ. Nếu nước Pháp trung thành với tinh thần nhân hậu cuả văn hóa Pháp, thì phải chia xẻ hiểu biết, kỹ thuật, cho Việt nam và đưa Việt nam đến phú cường. Có một bài báo Paris Match, tiếc rằng chế độ thực dân chấm dứt quá sớm. Khoa học gia Bỉ tìm ra một phương pháp làm cây chà là sản xuất dầu 10 lần hơn thường. Song không còn thuộc địa để ứng dụng. Nếu Tây phương còn giữ thuộc địa ở Phi châu, có thể là họ làm Phi châu phồn thịnh hơn hiện giờ, bởi vì các lãnh đạo mới của Phi châu mang tính cách độc tài cố hữu thời bộ lạc, lại tham nhũng. Dĩ nhiên với kinh tế thị trường, các công ty kỷ nghệ mẫu quốc sẽ mở công xưởng, ở xứ thuộc địa, đâu cần phải kêu gào đầu tư ngoại quốc như hiện nay.
Hồ huyênh hoang: “chúng ta quyết giành cho được độc lập, thống nhất dù cho phải sống 30 năm trong khói lửa”, khi đáp lời mời của Johnson mở hoà đàm. Đến nổi báo chí Tây phương phải ta thán: “Đệ nhất, đệ nhị thế giới chiến tranh cũng chỉ kéo dài 5, 6 năm, nhân loại đã vô cùng mệt mỏi. Thế mà già Hồ ung dung đưa dân tộc Việt Nam vào một cuộc chiến tranh trường kỳ 30 năm“. Báo chí Mỹ đã chế giễu lời nói sắt máu ấy với câu chuyện hài hước: “Ông Mỹ cha sau khi chiến đấu 10 năm ở Việt Nam về, kêu Mỹ con lên đường thế mình trong 10 năm nữa. Nhưng chưa hết. Phải một thế hệ Mỹ cháu lên đường, chiến tranh Việt Nam mới chấm dứt”.
Hồ không ham hòa đàm, chỉ ham máu chảy. Máu thịt dân Việt Nam Hồ xem như là của riêng, đem ra phung phí thoả thích để đạt những mục tiêu của Quốc tế vô sản. Riêng Lê Duẩn, kẻ kế thừa cũng nướng 10 triệu thanh niên (theo tiết lộ của bà vợ) trong công cuộc “xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Theo nhà triết học Pháp Jean Francois Revel, Hồ đã lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. “Mục tiêu của Hồ không phải là Việt Nam độc lập, mà sự hội nhập vào Quốc tế CS. Chủ đích của ông không phải là giành lại cho nhân dân quyền tự quyết, quyền bầu cử, quyền lựa chọn người lãnh đạo, quyền người dân chọn luật pháp và lối sống của mình. Ông chỉ nhắm cưỡng bức nhân dân chấp nhận chế độ toàn trị kiểu Stalin, với tất cả những đặc điểm của nó: giết người không cần luật pháp xét xử, trại tập trung, sự chà đạp nhân phẩm trong Goulag cải tạo, quần chúng chết đói và tham nhũng của lãnh đạo”.
“Hồ chí Minh là một trong những người cứng rắn nhất khi áp dụng phương pháp cai trị kiểu độc tài CS suốt thế kỷ 20. Nội dung phương thức ấy là khơi dậy những khát vọng tự nhiên của con người như là khát vọng tự do, phồn thịnh, tiến bộ, độc lập dân tộc để rồi hướng tất cả những ý nguyện ấy vào những mục tiêu trái ngược với những khát vọng nói trên: ông ta đã lợi dụng quần chúng”
Cách mạng tháng Tám thực không cần thiết. Kháng chiến chống Pháp có thể tránh được. Xem như các nước Phi luật Tân, Thái Lan, Mã Lai v.v được độc lập mà đâu phải đi qua biển máu như Việt Nam. Tứ cường sau đệ nhị thế chiến đã cam kết trong “Hiến chương Đại Tây dương” trả lại tự do độc lập cho các xứ thuộc địa. Anh, Pháp, Hòa Lan, đều giữ lời hứa. Năm 1949, Pháp đã trao chủ quyền độc lập, thống nhất cho Quốc gia Việt Nam, với sự toàn vẹn lãnh thổ từ ải Nam Quan, đên Mũi Cà Mâu cho Quốc trưởng Bảo Đại. Ngày 25-04-1956 người lính Pháp cuối cùng rời Nam Bộ (thời Ngô đình Diệm) chấm dứt chế độ thực dân Pháp sau 72 năm (1884-1956). Nếu không có họ Hồ phá đám, với chính phủ Trần trọng Kim, thì độc lập, thống nhứt nước ta sẽ hoàn thành vào khoảng 1948.
Chúng ta có thể bác bỏ dễ dàng luận điệu của Mao là chính quyền thoát thai từ một thùng thuốc súng. Bạo động là cốt lõi của nguỵ quyền CS. Sao phải áp dụng những lề lối côn đồ, cướp của giết người? Gandhi đã giành độc lập cho Ấn độ bằng bất bạo động. Mandela giành tự do cho người da đen Nam Phi cũng bằng bất bạo động. Cụ Phan chu Trinh cũng dùng bất bạo động để tranh đấu người Pháp trả tự do độc lập cho nước nhà. Hiện nay nhiều thức giả đã tìm thấy chân lý nầy và ca tụng sự sáng suốt đi trước thời đại của cụ. Cụ Phan khi ở Pháp đã khuyên Nguyễn tất Thành là đừng theo thuyết CS, vì thuyết ấy còn mơ hồ, và chưa được thực tế kiểm nghiệm. Thành cho là cụ Phan thủ cựu, lạc hậu. Cụ Phan đã gọi Thành là “tử mã lộc thạch” nghĩa là ngựa non háu đá.
Nói chung Đảng CS Việt Nam phần lớn trình độ văn hóa lớp ba ngu dốt, bị mê hoặc bởi một lý thuyết ảo tưởng, sắt máu. Giết hại các đảng phái đối lập, tiêu diệt tôn giáo, cải cách ruộng đất, đày ải trí thức, chôn vùi nhân tài, chủ động hai cuộc chiến tranh vô ích chống Pháp, chống Mỹ, đẩy hàng triệu thanh niên ưu tú vào chỗ chết.
Tóm lại nước ta thật bất hạnh rơi vào tay CS để chịu 30 năm điêu linh, chiến tranh, tàn phá, máu chảy thành sông, đống xuơng vô định. Người dân gánh chịu muôn vàn khổ cực. Tội này của Hồ chí Minh và tập đoàn CS, muôn đời bị nguyền rủa, lịch sử lên án.
Bác sĩ Phùng Văn Hạnh
(trích Hồi ký “Tình yêu hiện sinh”)