„Không phải nước mắt nào cũng mặn. Nước mắt của những kẻ làm giàu trên nỗi khổ đau của hàng triệu người Việt trong cơn đại dịch vừa qua có mùi thối tha như chính con người họ.“
Trần Trung Đạo
Hai sự kiện “chuyến bay giải cứu” và ‘concert BLACKPINK’ có một hiện tượng giống nhau là khóc nhưng hoàn toàn mang ý nghĩa khác nhau. Các cháu khóc khi nghe Blackpink hát vì đam mê âm nhạc và các cán bộ tham nhũng khóc “xin lỗi đảng” chỉ để nhẹ tội.
Khóc khi nghe nhạc là một đáp ứng giao cảm tích cực phát xuất từ khu vực “phần thưởng” (mesolimbic system) của não bộ. Theo Frances Wilson, một nhạc sĩ dương cầm và nhà phê bình âm nhạc trong bài viết Rơi Nước Mắt (Moved to tears), khoảng 25% người nghe trải qua phản ứng này với âm nhạc.
Do đó, phê bình các cháu nặng lời là không đúng. Tâm hồn của các cháu trong trắng. Các cháu tiếp nhận âm nhạc theo cách của thế hệ các cháu. Họ không tìm một nơi vắng vẻ để thả hồn về quá khứ với những tình khúc tiền chiến mà sống với âm nhạc của thời đại họ bằng hết nhiệt tình và xúc động của tuổi trẻ.
Trong lúc đó, tâm hồn của Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội hay Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế và trên 50 cán bộ CS trong vụ án “chuyến bay giải cứu” là những vũng đen đầy tội lỗi.
Không phải nước mắt nào cũng mặn. Nước mắt của những kẻ làm giàu trên nỗi khổ đau của hàng triệu người Việt trong cơn đại dịch vừa qua có mùi thối tha như chính con người họ.
Thật không thể tưởng tượng. Cháu Hồng Hạnh, 25 tuổi ở Bắc Ninh làm chui ở Nhật, bị đuổi khỏi nhà thuê, không tiền để sống phải tá túc trong chùa và nhất là khi đó cháu đang mang thai nhưng vẫn không được cấp vé vì không có đủ 20 triệu đồng để mua vé với giá gấp ba giá bình thường.
Tham nhũng, đặc biệt tại các nước không có hệ thống phân quyền rõ rệt như Việt Nam, hoạt động gần giống với phương pháp thương mại nhiều tầng (Multi-level marketing hay được gọi tắt là MLM), qua đó lợi tức của cấp trên là một phần trích ra từ lợi tức của các cấp dưới. Chức vụ càng cao lợi tức càng nhiều, và nhất là càng ít người biết đến.
Phạm Trung Kiên làm ăn gần như ngang nhiên và thu được 42,6 tỷ đồng tổng cộng 253 lần, trong đó 228 lần bằng chuyển khoản. Dù lòng tham không đáy hay có “gan trời”, ông ta cũng không dám và không thể nào ăn hết một mình. Phạm Trung Kiên là một phần của hệ thống thương mại nhiều tầng. Nhưng Phạm Trung Kiên nộp cho ai trong hệ thống thì chỉ ông ta biết. Phạm Trung Kiên không khai và cả viện kiểm sát có thể cũng không muốn ông khai. Phạm Trung Kiên biết mình chỉ là “dê tế thần” nhưng chấp nhân ngồi tù thay vì mở ra “một hộp đầy giòi”.
Việt Nam là một đất nước băng hoại, tắc nghẽn, không lối thoát từ đối nội đến đối ngoại nhưng không phải phát xuất từ những mạch nước nhỏ hay những dòng sông nhỏ. Ở tuổi hai mươi, các cháu sinh ra khi ngọn núi lửa đã phun rồi.
Đừng trách các cháu sao không biết nghĩ tới Hoàng Sa của Việt Nam chỉ cách Đà Nẵng 315 km nhưng ngày nay là một thành phố hiện đại của Tàu, đơn giản chỉ vì các cháu không được dạy.
Đừng trách các cháu xả rác vì, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, từ trung ương đến địa phương đều xả rác chứ không phải riêng thế hệ các cháu.
Sự thối nát trong xã hội Việt Nam ngày nay là thành quả 93 năm hoạt động của ngành tuyên giáo nhằm xây dựng con người mới Xã Hội Chủ Nghĩa cỡ như Tô Anh Dũng, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phủ Thủ tướng v.v…
Nhân dịp đảng CSVN đang tổ chức mừng 93 năm thành lập ngành tuyên giáo tức ngành tẩy não, 1-8-1930 đến 1-8-2023, mời đọc lại bài viết Đừng Trách Dòng Sông Không Chảy người viết đăng trên Facebook vài năm trước khi xảy ra vụ án:
Một lần, trong buổi họp báo khi nhậm chức “Chủ tịch quốc hội” ngày 23/7/2016, bà Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu: “Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền, không có đâu. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả…”
Làm gì cho đất nước là một câu nói quen thuộc được biết là của cố Tổng Thống John F. Kennedy: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn đã làm gì cho tổ quốc” (Ask not what your country can do for you, ask what you can do for your country).
Tuy nhiên, theo Chris Matthews trong tác phẩm Jack Kennedy: Elusive Hero, nhóm chữ “đừng hỏi” thật ra phát xuất từ những lời cảnh cáo của ông George St John, hiệu trưởng trường trung học Choate ở Connecticut thường dùng để căn dặn học sinh và nhập tâm vào cậu học trò Kennedy. Nhưng ông hiệu trưởng George St John cũng không phải là người đầu tiên nói câu nói đó mà chính Tổng thống thứ 29 của Mỹ Warren G. Harding trong diễn văn trước đại hội đảng Cộng Hòa 1916 đã nói một câu tương tự như câu của Tổng thống Kennedy.
Dù ai nói, vấn đề là làm gì cho tổ quốc, cho đất nước.
Vâng nhưng trong trường hợp Việt Nam, trước hết là tổ quốc nào, là đất nước nào?
Cho đến nay, đối với đa số các em đang ngồi trong trường học tại Việt Nam, Việt Nam mà các em được dạy là “xứ sở của anh hùng, độc lập, tự do, hạnh phúc, một đất nước, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam, đã liên tục đánh gục ba tên đế quốc đầu sỏ Pháp, Nhật và Mỹ”.
Ý thức của các em là bản sao của một bài hát tuyên truyền được lặp đi lặp lại suốt hơn bốn chục năm qua, nhiều đến nỗi thấm vào trong các em thành một tính bẩm sinh.
Nền giáo dục nhồi sọ Cộng Sản có khả năng đầu độc và làm thay đổi toàn bộ ý thức của con người về lịch sử, nhân sinh và vũ trụ.
Việt Nam có trên 600 tờ báo nhưng báo chí Việt Nam chỉ được phép khai thác những ham muốn vật chất, những thú vui sa đọa, trụy lạc thay vì cổ võ cho các giá trị cao đẹp của quyền sống, quyền tự do dân chủ của con người.
Ý thức của các em khi sinh ra giống như một tờ giấy trắng, đảng Cộng Sản vẽ lên đó hình gì, sẽ hiện lên hình đó, chế độ độc tài sơn lên màu gì, sẽ hiện ra màu đó.
Một dòng sông không chảy không còn là sông nữa mà chỉ là một ao tù.
Thực trạng Việt Nam đặt ra cho những ai còn nghĩ đến tương lai dân tộc những trách nhiệm lương tâm và đạo đức.
Đừng trách dòng sông sao không chảy mà hãy kiên nhẫn chứng minh và phân tích cho các em thấy đất nước mà các em sống bị cai trị bởi một nhóm người già nua, cực đoan, bảo thủ bám vào chiếc ghế quyền lực ngay cả khi biết mình đang chờ chết.
Đừng trách dòng sông không chảy mà hãy chứng minh cho các em thấy Việt Nam mà các em biết là một trong năm nước trên thế giới vẫn tiếp tục bám vào chủ nghĩa Cộng Sản, một ý thức hệ một thời bành trướng nhờ chiến tranh, đấu tố, ám sát, đang lùi xa vào quá khứ.
Đừng trách dòng sông không chảy mà hãy chỉ ra cho các em thấy Việt Nam mà các em biết là quốc gia có 100 ngàn phụ nữ chỉ vì chén cơm manh áo mà phải bán thân lưu lạc xứ người, bị đánh đập, xô đuổi, ném ra đường phố như những nô lệ tình dục thời Trung Cổ.
Đừng trách dòng sông không chảy hãy phân tích cho các em biết Việt Nam là quốc gia có 50 triệu thanh niên nhưng đa số không còn sức sống, không có hoài bão cho tương lai của đời mình và cho đất nước mình.
Thay vì trách dòng sông không chảy, hãy chung tay dời tảng đá độc tài, lạc hậu ra khỏi lòng sông. Các thế hệ cha chú nếu không vượt qua được những hiện tượng tiêu cực rẽ chia, phân hóa nhiều khi rất nhỏ và tập trung sức mạnh tổng hợp của dân tộc để tháo gỡ cơ chế chính trị, kinh tế và văn hóa độc quyền cộng sản thì lời trách cứ kia chẳng qua là tự trách mình.
Thay vì so sánh các em, các cháu sinh dưới chế độ CS với tuổi trẻ Nhật, Mỹ, Nam Hàn, Hong Kong v.v.. hãy làm tất cả những gì làm được để tuổi trẻ thấy rằng Việt Nam là một dân tộc đáng yêu nhưng cũng là đất nước đang cần một cuộc thay đổi toàn diện để hy vọng có thể hội nhập vào dòng tiến hóa của loài người.
May mắn thay, trong các thế hệ sinh ra sau 1975, một số nhờ nhiều các yếu tố tôn giáo, gia đình và nội lực bản thân, đã thoát ra khỏi được nhà tù bao bọc bằng bốn bức tường dày của tuyên truyền CS và dấn thân cho lý tưởng cao cả phục hưng dân tộc. Họ vẫn còn khá ít nhưng là biểu tượng của tương lai.
Các em, dù đang ở trong tù hay ngoài tù cũng đều đang đấu tranh và tiếp tục đấu tranh theo nhiều cách khác nhau.
Hãy gởi cho nhau những bài hay, chuyền cho nhau những tin tức mới, giúp đỡ nhau khi công an trấn áp, nương tựa nhau khi gặp khó khăn v.v.. Tất cả đều cần thiết.
Sự chuyển động của núi rừng bắt đầu từ từng chiếc lá, và nếu cất lên theo cùng một nhịp sẽ trở thành một khải hoàn ca.