Nguồn: Ross Douthat, “Why We Should Fear China More Than Middle Eastern War,” New York Times, 21/10/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Nghiên Cứu Quốc Tế

 

Hôm thứ Năm, Tổng thống Joe Biden đã có bài phát biểu liên hệ cuộc xung đột Israel-Hamas với cuộc xâm lược Ukraine của Nga, đồng thời khẳng định sự can dự của Mỹ là một phần trong đại chiến lược nhằm kiềm chế kẻ thù và đối thủ của chúng ta. Ông tuyên bố “Chừng nào những kẻ khủng bố chưa phải trả giá cho tội ác khủng bố của chúng, chừng nào những kẻ độc tài chưa phải trả giá cho sự hung hãn của chúng, thì chúng vẫn sẽ tiếp tục. Và cái giá phải trả cũng như các mối đe dọa đối với nước Mỹ và thế giới sẽ còn gia tăng.”

Nhìn chung, Biden nói đúng. Nước Mỹ có lợi ích lớn trong việc ngăn chặn các cường quốc đối thủ vẽ lại bản đồ hoặc làm suy yếu các đồng minh dân chủ của Mỹ. Nhưng phân tích chiến lược của tổng thống và phân tích mà tôi đã cố gắng trình bày gần đây có sự khác biệt lớn: phát biểu Biden đã thiếu vắng bất kỳ sự thừa nhận nào về những sự đánh đổi khó khăn, và cụ thể hơn, nó thiếu những đề cập đến Trung Quốc như một mối đe dọa đáng kể hơn Nga hoặc Iran.

Những khác biệt này không có gì đáng ngạc nhiên. Các tổng thống Mỹ thường khoa trương rằng “Không có gì, không có gì vượt quá khả năng của chúng ta,” thay vì nói về những giới hạn có thể có đối với sức mạnh của Mỹ. Và vì chúng ta thực sự không muốn xảy ra chiến tranh với Trung Quốc, nên việc tránh gộp Bắc Kinh vào cùng nhóm với Moscow và Tehran là điều hợp lý.

Nhưng phát biểu và chính sách của tổng thống chắc chắn có mối liên hệ với nhau. Mối đe dọa từ Trung Quốc không tồn tại trong bài phát biểu của Biden nên nó cũng gần như không tồn tại trong yêu cầu tài trợ của ông: Chính quyền đang yêu cầu Quốc hội cấp hơn 60 tỷ USD cho Ukraine, 14 tỷ USD cho Israel, và chỉ 2 tỷ USD cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tương tự, những điểm không được đề cập trong lập luận của một tổng thống thường cho thấy những ưu tiên chính trị, chí ít là trong chính liên minh của ông ấy. Nếu bạn không thể giải thích lý do tại sao cần phải lo lắng về sức mạnh của Trung Quốc, bên cạnh thái độ gây hấn của Nga hoặc Iran, thì những người lắng nghe bạn có thể cho rằng chẳng có gì phải lo lắng cả.

Hãy để tôi giải thích lý do tại sao tôi quan ngại về Trung Quốc và tại sao tôi luôn nhấn mạnh rằng chiến lược ngăn chặn ở Thái Bình Dương phải là ưu tiên hàng đầu, ngay cả khi các mối đe dọa khác dường như cấp bách hơn.

Hãy bắt đầu với bối cảnh địa chính trị. Chúng ta có thể nói về Trung Quốc, Iran, và Nga như một liên minh lỏng lẻo đang cố gắng làm suy yếu sức mạnh của Mỹ, nhưng đó không phải là một bộ ba ngang hàng. Chỉ có Trung Quốc là đối thủ ngang hàng của Mỹ, chỉ có sức mạnh công nghệ và công nghiệp của Trung Quốc mới có thể sánh ngang với chúng ta, và chỉ có Trung Quốc mới có khả năng triển khai sức mạnh ở cấp độ toàn cầu cũng như khu vực.

Hơn nữa, Trung Quốc mang lại một giải pháp thay thế về ý thức hệ thuyết phục hơn cho trật tự tự do-dân chủ. Chế độ Putin chỉ là phiên bản bắt chước nền dân chủ phương Tây, và sự kết hợp giữa chế độ thần quyền và dân chủ giả tạo của Iran không có sức hấp dẫn rộng rãi. Dù có thể đã kém hiệu quả hơn kể từ khi Tập Cận Bình quyết tâm củng cố quyền lực, nhưng chế độ độc đảng trọng dụng nhân tài của Trung Quốc vẫn có thể tự quảng cáo mình là người kế thừa chủ nghĩa tư bản dân chủ, trở thành một mô hình thay thế cho các nước đang phát triển.

Những thực tế chiến lược chung này rõ ràng không có tính đe dọa bằng các cuộc chiến thực sự. Tuy nhiên, mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra đối với Đài Loan mang những hàm ý khác biệt đối với sức mạnh của Mỹ, so với mối đe dọa mà Nga đặt ra đối với Ukraine hoặc Hamas đối với Israel. Bất kể điều gì xảy ra trong cuộc xung đột Ukraine, thì Mỹ chưa bao giờ chính thức cam kết bảo vệ Ukraine, và Nga trên thực tế không thể đánh bại NATO. Bất kể các bất hạnh mà Iran và các lực lượng ủy nhiệm của họ có thể gây ra cho Trung Đông, thì họ cũng sẽ không chinh phục được Israel hay đẩy người Mỹ ra khỏi khu vực Levant.

Nhưng Mỹ có cam kết lớn hơn (với mức độ mơ hồ nhất định) đối với việc bảo vệ Đài Loan, và kỳ vọng đó luôn nằm trong nền tảng của hệ thống liên minh lớn hơn của chúng ta ở Đông Á. Luôn có những lý do chính đáng để tin rằng Trung Quốc sẵn sàng xâm chiếm Đài Loan trong tương lai gần, và rằng Mỹ có thể tham gia một cuộc chiến như vậy và thua trắng.

Phe diều hâu về Trung Quốc có xu hướng lập luận rằng thất bại trong cuộc chiến ở Đài Loan sẽ tệ hơn nhiều so với những thất bại sau ngày 11/9, tệ hơn việc để Vladimir Putin nắm giữ Donbas và Crimea vĩnh viễn. Dù không thể chứng minh điều này một cách dứt khoát, nhưng tôi nghĩ họ đúng: Việc Trung Quốc thiết lập ưu thế quân sự ở Đông Á sẽ là một cú sốc địa chính trị đặc biệt, có tác động nghiêm trọng đến khả năng tồn tại của các hệ thống liên minh của Mỹ, đến khả năng xảy ra chiến tranh và chạy đua vũ trang trong khu vực, cũng như đến khả năng của chúng ta trong việc duy trì hệ thống thương mại toàn cầu vốn củng cố sự thịnh vượng của nước Mỹ.

Chính tại đất Mỹ là nơi tôi lo sợ nhất về hậu quả của một thất bại như vậy. Người Mỹ đã từng thua trong các cuộc chiến tranh đế quốc, chẳng hạn như ở Việt Nam và Afghanistan, những nơi chúng ta dàn trải sức mạnh nhưng không dồn hết lực vào cuộc chiến. Tuy nhiên, chúng ta chưa có kinh nghiệm bị đánh bại trong một trận chiến trực diện, chứ không phải chiến tranh du kích, được thực hiện bởi một đối thủ cường quốc và đối thủ về ý thức hệ.

Bất kể bạn có lo lắng gì về sự chia rẽ chính trị hiện tại ở Mỹ, dù bạn sợ cánh tả vỡ mộng với nước Mỹ hay cánh hữu vỡ mộng với nền dân chủ, hay cả hai, một thất bại ở Đài Loan nhiều khả năng sẽ đẩy chúng ta tới một cuộc khủng hoảng nội bộ thực sự. Đó là lý do tại sao, ngay cả khi các cuộc khủng hoảng nước ngoài khác đang nóng lên, một biến cố ở Đông Á vẫn là kịch bản mà Mỹ phải nỗ lực hết sức để ngăn chặn.

Ross Douthat đã phụ trách chuyên mục Ý kiến trên tờ New York Times từ năm 2009. Gần đây nhất, ông là tác giả của cuốn sách “The Deep Places: A Memoir of Illness and Discovery.”