Báo cáo viên LHQ: ‘Chính phủ VN cần tuân thủ luật và không dùng nó như công cụ để nhắm vào một số người’

NGUỒN HÌNH ẢNH,SURYA DEVA X Chụp lại hình ảnh, TS Surya Deva trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre

 

“Chính phủ Việt Nam sử dụng luật ‘có chọn lọc’ như một công cụ để nhắm vào một số đối tượng nhất định,” ông Surya Deva, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về quyền phát triển, nói với các phóng viên tại buổi họp báo hôm 15/11 tại văn phòng LHQ tại Hà Nội.

 

Sự kiện này khép lại 10 ngày làm việc của ông Deva tại Việt Nam, nơi ông đánh giá các nỗ lực của nước này trong việc thực hiện quyền phát triển, các mục tiêu phát triển bền vững, và xác định những thách thức còn tồn tại.

Ngày làm việc cuối cùng của ông Surya Deva diễn ra trùng với sự kiện được cho là chấn động chính trường Việt Nam khi chính phủ nước này bắt ông Lưu Bình Nhưỡng, phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của báo cáo viên đặc biệt LHQ tới Việt Nam kể từ lần gần đây nhất là sáu năm trước (2017).

 

Một bộ phận ‘bị bỏ lại phía sau’

Ông Surya Deva thừa nhận chính phủ Việt Nam đã đạt tiến bộ đáng kể trong một số mục tiêu phát triển bền vững, với tỷ lệ người dưới mức nghèo giảm từ 9,2% năm 2016 xuống còn 3,6% năm 2022 – ‘về mặt dữ liệu’.

Tuy nhiên, ‘tiến độ’ phát triển không giống nhau và ‘không phải ai cũng được hưởng lợi như nhau trong xã hội”, theo đánh giá bước đầu của ông Surya Deva và đoàn chuyên gia LHQ.

Một số thành viên nhất định trong xã hội bị bỏ lại phía sau, điển hình là dân tộc thiểu số, ông Surya Deva nói trong cuộc họp báo.

Cam kết chính trị của chính phủ và Đảng CS là đảm bảo các dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau, “trên giấy tờ chắc chắn là có”, ông Surya Deva nói

“Nhưng có khoảng cách giữa cam kết trên giấy tờ và thực tế,” ông Surya Deva nhận định.

Ông nói rằng phần lớn người dân tộc thiểu số ở các vùng sâu vùng xa vẫn tụt hậu, dẫn đến duy trì tình trạng nghèo đói, thất nghiệp và hạn chế tiếp cận các dịch vụ công.

Về quy trình phê duyệt các dự án phát triển địa phương hay quốc tế, điều mà ông Surya Deva nhận thấy ‘có sự đồng thuận’ trong các cuộc họp với tất cả các bên liên quan ở Hà Nội và các tỉnh thành, là chúng đều rất ‘rườm rà’, không chỉ vài tháng, mà có thể nhiều năm.

Có giải thích rằng nguyên nhân có thể là do chiến dịch chống tham nhũng đang làm tê liệt các quan chức chính phủ, khiến họ ngại đưa ra quyết định.

Hoặc có thể là do nhiều cơ quan cấp bộ cùng tham gia vào một số quyết định khiến quá trình này kéo dài, ông Surya Deva nói trong cuộc họp báo mở trên Zoom từ Văn phòng LHQ tại Hà Nội trước khi rời đi, hôm 15/11.

 

‘Dùng luật để nhắm vào một số người’

“Có những hạn chế đối với báo chí. Các bạn có thể suy ngẫm về điều đó. Bạn có gặp phải những hạn chế đó hay không?”

Câu hỏi này được ông Surya Deva đặt ra với các phóng viên có mặt trong khán phòng ở Hà Nội khi ông nhận định rằng Việt Nam thiếu một ‘hệ sinh thái’ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia và tư vấn trong các quá trình ra quyết định.

“Đó cũng là những hạn chế đối với những gì các tổ chức phi chính phủ có thể làm.

“Các hạn chế về quyền tự do ngôn luận và biểu đạt cả trên mạng và ngoài đời.

“Và tôi cũng cảm thấy rằng luật đã được sử dụng có chọn lọc để nhắm vào một số người bảo vệ nhân quyền, nhà hoạt động khí hậu hoặc nhà bảo vệ môi trường.”

“Tôi không nói rằng nếu ai đó phạm tội, trốn thuế hay tội gì khác, họ không phải chịu trách nhiệm pháp lý, mà họ phải chịu trách nhiệm. Nhưng quan điểm của tôi là tại sao một số người nhất định lại bị truy tố mà không phải những người khác.

“Vì vậy, tôi nghĩ việc sử dụng luật có chọn lọc này có thể là một vấn đề tiềm ẩn mà chính phủ nên xem xét.

“Và tôi tin rằng hệ thống chính trị hiện tại của Việt Nam có khả năng chấp nhận những quan điểm khác nhau.

“Bởi vì không phải ai có quan điểm khác cũng đang cố gắng lật đổ đảng hay nhà nước. Vì vậy, tôi nghĩ chính phủ nên chấp nhận các quan điểm khác nhau để tạo ra một xã hội toàn diện và bền vững hơn, từ đó tạo ra một hệ sinh thái tham gia tốt hơn.

“Nếu không, một số người nhất định sẽ tiếp tục bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.”

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ việc bắt giữ ông Nhưỡng trong bối cảnh dường như chính phủ Việt Nam có xu hướng bắt một số tiếng nói đối lập nổi bật trong các chuyến thăm quan trọng của nguyên thủ hoặc đối tác nước ngoài, ông Surya Deva cho hay ông chưa nắm được thông tin vụ việc.

Tuy nhiên, ông nói rằng đánh giá chung của ông sau chuyến thăm là chính phủ Việt Nam áp dụng pháp luật một cách thiếu nhất quán và không theo chuẩn mực của luật pháp của tế.

 

Cần thay đổi tình trạng lấy đất của dân

Ông Surya Deva nói rằng ông được báo cáo về nhiều trường hợp chính phủ Việt Nam lấy đất của dân cho các mục đích phát triển rồi đền bù với giá rẻ và bán lại cho các doanh nghiệp với giá đắt.

Ông Surya Deva nhận định rằng đất đai cần cho phát triển, nhưng cũng cần cho sinh kế của người dân. Do đó nảy sinh xung đột khi chính phủ thu hồi đất.

Ông Surya Deva nói ông hiểu rằng chính phủ Việt Nam đang sửa đổi luật đất đai, nhưng ông ‘không thể hiểu đầy đủ vì không có bản tiếng Anh’ để ông đọc.

Dù vậy, ông hi vọng đây sẽ là cơ hội vàng để đạt được sự cân bằng, để người dân không bị bỏ lại phía sau, hoặc nếu đất bị thu hồi thì giá mà họ được bồi thường tương đương với giá mà chính phủ bán đất đó cho các công ty tư nhân.

Đề cập đến Thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) trị giá hơn 15,5 tỷ USD mà Việt Nam ký kết với G7 và các đối tác để chuyển từ than sang năng lượng sạch, ông Surya Deva nhấn mạnh đến chữ ‘công bằng’.

Ông nói thỏa thuận này có thể sẽ trở nên ‘không công bằng’ khi mà những tiếng nói phản biện bị bắt giữ.

“Chính phủ Việt Nam cần hiểu từ ‘công bằng’ này một cách toàn diện,’ ông nói.

Về các cam kết môi trường của Việt Nam, ông Deva nói rằng đó phải là một cam kết lấy hành tinh làm trung tâm. Nghĩa là chính phủ Việt Nam phải đảm bảo quá trình phát triển của mình không bỏ lại phía sau người dân, động vật, và cây cỏ.

“Nhưng tôi chưa thấy điều đó [ở Việt Nam].

“Việc này nên là một phần của cả quá trình ‘làm bánh’. Chứ không chỉ là quả anh đào trên mặt bánh, để trông cho nó đẹp hơn,” ông Deva nói.

 

Mục đích chuyến thăm

Trong chuyến thăm lần này, ông Deva đánh giá các nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện quyền phát triển, việc thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, và xác định những thách thức còn tồn tại.

Ông cũng tìm hiểu việc chính phủ thúc đẩy và đảm bảo sự tham gia hiệu quả của người dân vào quá trình xây dựng chính sách, và ra quyết định liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa.

Chuyến thăm của Báo cáo viên đặc biệt nhằm hỗ trợ chính phủ Việt Nam củng cố luật pháp, chính sách và thực hành phù hợp với Tuyên bố về Quyền phát triển (năm 1986) và các tiêu chuẩn liên quan khác.

Báo cáo viên đặc biệt đã thăm Hà Nội, Hà Tĩnh và thành phố Hồ Chí Minh.

 

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ là ai

NGUỒN HÌNH ẢNH,SURYA DEVA X Chụp lại hình ảnh,Tiến sỹ Surya Deva Ông Surya Deva bắt đầu đảm nhận vai trò Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Quyền phát triển từ ngày 1/5/2023.

 

Ông là Giáo sư tại Trường Luật Macquarie, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Luật Môi trường tại Đại học Macquarie, Australia. Ông tiến hành nghiên cứu về các lĩnh vực kinh doanh và quyền con người, luật hiến pháp so sánh, luật quốc tế về quyền con người, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và bình đẳng giới.

Ông từng là thành viên của Nhóm làm việc của LHQ về Kinh doanh và Quyền con người (2016-2022).

Ông cố vấn cho các cơ quan LHQ, các chính phủ, các tổ chức về quyền con người ở các quốc gia, các tập đoàn đa quốc gia, công đoàn, và các tổ chức xã hội dân sự về các vấn đề liên quan đến kinh doanh và quyền con người.

Các Báo cáo viên đặc biệt là một phần của Thủ tục đặc biệt (Special Procedures) của Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Thủ tục đặc biệt, cơ quan lớn nhất gồm các chuyên gia độc lập trong hệ thống Nhân quyền của LHQ, là tên gọi chung để chỉ các cơ chế độc lập của Hội đồng nhằm giám sát và tìm hiểu tình hình thực tế để giải quyết các tình huống cụ thể của quốc gia, hoặc các vấn đề chuyên đề ở tất cả các khu vực trên thế giới.

Các chuyên gia của Thủ tục đặc biệt làm việc trên cơ sở tình nguyện; họ không phải là nhân viên LHQ và không nhận lương khi làm việc. Họ độc lập không liên quan đến bất kỳ chính phủ hoặc tổ chức nào, và thực hiện công việc với tư cách cá nhân.

 

BBC (16.11.2023)

 

 

 

 

Thượng nghị sĩ gốc Việt muốn Tổng thống Mỹ thúc ép Việt Nam về nhân quyền

Chủ tịch Võ Văn Thưởng phát biểu tại APEC ở San Francisco hôm 15/11/2023 AFP

 

Thượng nghị sĩ gốc Việt tại bang California, bà Janet Nguyễn, vào đầu tuần qua gửi thư cho Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thúc giục ông này cần thúc ép Chính phủ Việt Nam về thành tích nhân quyền trong dịp diễn ra thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco vào tuần này.

 

Trong bức thư gửi cho TT Joe Biden đề ngày 13/11, Thượng nghị sĩ bang California Janet Nguyễn ghi rõ bà được sinh ra ở Việt Nam và phải cùng gia đình chạy thoát khỏi Sài Gòn sau biến cố 30/4/1975. Trong thư bà bày tỏ những quan ngại sâu sắc về các vi phạm nhân quyền và quyền tự do tôn giáo đang diễn ra tại Việt Nam.

 

Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn của bang California, nơi có cộng đồng người Việt đông nhất Hoa Kỳ, cho rằng khi Hoa Kỳ đăng cai tổ chức kỳ thượng đỉnh APEC 2023, đó là một cơ hội bằng vàng để soi rọi về những vi phạm của Chính phủ Việt Nam đối với chính công dân nước họ. Đây cũng là cơ hội để tăng tiến công tác bảo vệ những quyền con người cơ bản tại Việt Nam như quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, và tự do hội họp…

 

Trong thư gửi TT Joe Biden, bà Janet Nguyễn nêu hai trường hợp đang bị đàn áp tại Việt Nam. Một là trường hợp tù chính trị Lê Trọng Hùng đang phải thụ án bị án năm năm tù do từng có kêu gọi ứng cử độc lập vào Quốc hội đối trọng với đảng cầm quyền; hai là ông Y Krech Bya, một tín đồ Tin Lành độc lập bị bắt vào dịp lễ Phục Sinh.

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đang có mặt tại Hoa Kỳ để tham dự kỳ thượng đỉnh APEC 2023 do Hoa Kỳ tổ chức.

 

RFA (16.11.2023)

 

 

 

 

Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc tố cáo Việt Nam đàn áp các nhà tranh đấu môi trường

Chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc tố cáo chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp giới tranh đấu bảo vệ nhân quyền, đặc biệt là ‘‘những nhà hoạt động  môi trường’’.

 

Ảnh lưu trữ : Nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng. © CHANGEVN

 

Ông Surya Deva, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về quyền phát triển, đã thăm Việt Nam từ ngày 06/11 đến 15/11/2023. Theo AFP, hôm qua, 15/11, ngày cuối cùng của chuyến đi, trả lời báo giới, báo cáo viên Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh là chính quyền cần để cho xã hội dân sự lên tiếng : ‘‘Tôi nghĩ rằng trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay, cần chấp nhận các quan điểm khác biệt và bất đồng, bởi những người bất đồng chính kiến không có ý đồ chống lại đảng hay Nhà nước’’.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc Surya Deva chỉ trích việc chính quyền ‘‘sử dụng luật pháp một cách có chủ đích để chống lại một số nhà bảo vệ nhân quyền, các nhà tranh đấu vì khí hậu hay các nhà bảo vệ nhân quyền về phương diện môi trường’’. Kể từ năm ngoái đến nay, chính quyền Việt Nam bắt giữ và kết án tù tổng cộng năm nhà hoạt động môi trường, bị khép tội ‘‘gian lận thuế’’.

Trong số những người bị bắt, có nhà tranh đấu nổi tiếng Hoàng Thị Minh Hồng, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Change, chuyên chống nạn ô nhiễm và nạn buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã. Cuối tháng 9/2023, đến lượt bà Ngô Thị Tố Nhiên, giám đốc Công ty Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam, bị bắt giữ, với cáo buộc ‘‘chiếm đoạt tài liệu nội bộ liên quan Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN’’.  Bà Ngô Thị Tố Nhiên bị bắt một tháng sau khi nhóm các nhà tài trợ quốc tế – gồm Hoa Kỳ và Liên Âu – cam kết huy động 15,5 tỉ đô la hỗ trợ Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP). Công ty của bà Ngô Thị Tố Nhiên có tham gia triển khai dự án của JETP.

Hồi đầu năm 2023, một nhà tranh đấu khác, bà Ngụy Thị Khanh, được trả tự do sau hơn một năm giam giữ. Từng được trao tặng giải thưởng Goldman, được coi như giải Nobel môi trường, bà Ngụy Thị Khanh nổi tiếng về các nỗ lực chống lại các dự án gia tăng điện than tại Việt Nam.

Trong một bức thư gửi báo cáo viên Liên Hiệp Quốc trước chuyến thăm của báo cáo viên Liên Hiệp Quốc, nhóm Projet 88, chuyên bảo vệ quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam, cho rằng ‘‘các vụ bắt bớ nói trên gây nghi ngờ về cam kết phát triển bền vững của chính quyền Việt Nam’’‘‘trong số các nhà tranh đấu về chính sách năng lượng và môi trường bị bắt giam, nhiều người đang làm việc cho chính phủ Việt Nam, và về chính các chính sách được coi là ưu tiên của chính phủ’’.

 

Phó chủ tịch Ban Dân Nguyện Quốc Hội bị bắt

Ông Lưu Bình Nhưỡng, 60 tuổi, phó trưởng Ban Dân Nguyện, đã bị Công An tỉnh Thái Bình bắt tại phi trường Nội Bài, Hà Nội, vào đêm 14/11/2023. Theo công an Việt Nam, vụ bắt giữ, khởi tố ông Lưu Bình Nhưỡng là nằm trong ‘‘quá trình điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường, biệt hiệu Cường “Quắt,” 37 tuổi, với cáo buộc đồng phạm của ‘‘nhóm giang hồ cưỡng đoạt tiền của nhiều doanh nghiệp khai thác cát.”

Theo AFP, ‘‘hiện tại không có bất cứ thông tin nào’’ về quan hệ giữa giới chức bị bắt và nghi phạm Phạm Minh Cường được công an Việt Nam công bố. Ông Lưu Bình Nhưỡng là tiến sĩ luật, từng được nhiều báo chính thức ở Việt Nam ca tụng là “người đại biểu của dân.”

 

RFI (16.11.2023)

 

 

 

 

 

Nghi vấn về nguyên cớ bắt ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng!

Ông Lưu Bình Nhưỡng Photo: baochinhphu.vn

 

Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, ngày 14 tháng 11 năm 2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng để điều tra về tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự. Tin cho biết, ông Lưu Bình Nhưỡng liên quan đến một đối tượng hình sự cầm đầu băng nhóm xã hội đen.

Một nhà quan sát ở Hà Nội, không muốn nêu tên vì lý do an ninh, nói với RFA suy nghĩ của mình:

“Cứ mỗi lần chuẩn bị nhân sự của Đảng cho nhiệm kỳ mới là lại có những “vụ án” gây chấn động dư luận. Là một tiến sĩ luật học lại là một Phó ban của Quốc hội, nếu ông Lưu Bình Nhưỡng “nhúng chàm” thì ông có thể lợi dụng vai trò của mình để lèo lái Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra những quyết sách có lợi cho “nhóm lợi ích” thì cái lợi thu về chắc chắn hơn gấp nghìn lần là đi “trấn lột” của nhóm cát tặc vô danh tiểu tốt ở Thái Bình. Ông đã va chạm quá nhiều đối với những lực lượng siêu quyền lực ở Việt Nam. Người ta muốn ông im lặng trước Đại hội 14.

Tôi cho rằng yếu tố chính trị là bản chất trong vụ án Lưu Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam ai cũng có thể bị bắt vì lý do này hay lý do khác khi những hành động hay phát ngôn của anh có nguy cơ đe dọa lợi ích của một nhóm cầm quyền.”

Tôi cho rằng yếu tố chính trị là bản chất trong vụ án Lưu Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam ai cũng có thể bị bắt vì lý do này hay lý do khác khi những hành động hay phát ngôn của anh có nguy cơ đe dọa lợi ích của một nhóm cầm quyền. – Một nhà quan sát ở Hà Nội

Bác sĩ Đinh Đức Long ở TP HCM thì cho rằng, việc bắt ông Lưu Bình Nhưỡng gây rúng động xã hội, nhất là những người xưa nay theo dõi những phát biểu cũng như hành động của ông ấy như tiếp bố mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng cách đây ít ngày, lên tiếng những chuyện mà xưa nay không ai dám đụng đến. Ông Đinh Đức Long nói tiếp:

“Nhiều người và cá nhân tôi nghĩ rằng, có lẽ đây là phiên bản khác của chuyện hai bao cao su đã qua sử dụng khi bắt ông Cù Huy Hà Vũ thôi. Sau khi bắt thì họ khám nhà rồi sẽ ra những ‘chứng cứ’ khác.

Về nguyên tắc thì hiện nay ông Nhưỡng chưa có tội vì chưa ra tòa, chưa có bản án có hiệu lực pháp luật. Nhưng ở Việt Nam thì công an bắt, mà công an do đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, triệt để; tòa án cũng do Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, triệt để nên kiểu gì thì ông Nhưỡng cũng sẽ có một cái tội. Mình không có gì bảo vệ mình nếu như họ muốn. Vấn đề bây giờ là ông Nhưỡng có được tiếp cận với luật sư theo luật không; khi hỏi cung có được luật sư cùng dự hay không; có được đối xử theo đúng những quy định của pháp luật hay không.”

Với công chúng Việt Nam, ông được biết đến là một đại biểu Quốc hội thẳng thắn, không ngại va chạm để bảo vệ quyền lợi của dân chúng. Đặc biệt, ông không nề hà vạch rõ những sai lầm tiêu cực của Bộ Công an.

Cuối tháng 10 năm 2018, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội khóa 14, ông Lưu Bình Nhưỡng chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an với nội dung: “Tôi rất ủng hộ cuộc cách mạng trong lĩnh vực công an vừa qua nhưng mà qua báo cáo thì mới thấy rằng như thế này, vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp, không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho viện kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm trong tống đạt 100%…

Tôi thấy đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng và tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với anh em trong cơ quan điều tra trong việc này”.

Sau phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng vài ngày, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương ký văn bản gửi Đảng đoàn Quốc hội, kiến nghị về một số đánh giá mà ông cho là chưa chính xác, gây dư luận không tốt của ông Lưu Bình Nhưỡng. Về phần mình, ông Nhưỡng khẳng định không nhầm lẫn bất kỳ một số liệu nào và chịu trách nhiệm về tất cả những gì ông phát biểu.

Nhà báo Võ Văn Tạo bày tỏ quan điểm của ông với RFA về việc này:

“Điều đó vô hình chung gây cho ông có thêm kẻ thù, dễ bị nguy cơ phản đòn. Tuy nhiên, những ý kiến đó có vẻ như đã gãi đúng chỗ ngứa của công chúng và cũng phần nào phản ánh cơ bản sự thật hiện trạng kinh tế xã hội Việt Nam. Những ý kiến đó đối với một số trí thức sâu sắc bị coi là dân túy. Không ít ý kiến của ông Nhưỡng nếu soi xét kỹ thì thấy có nhiều chỗ không chính xác, hồ đồ. Đấy là những Gót Chân Asin của ông Nhưỡng, người ta chỉ đợi ông sơ hở là có dịp trả đũa.

Về thủ đoạn chính trị, chúng ta đều còn nhớ trường hợp ông Nguyễn Đức Chung – Nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội – từng to tiếng phát biểu về tham nhũng tiêu cực. Ông Chung tỏ ra thắc mắc tại sao các tội phạm khác có khung tử hình mà tham nhũng thì lại không có, nghe có vẻ rất đã ngứa.

Thế nhưng nhiều người trong ngành biết nạn sân sau của quan chức nhà nước bảo kê, thực ra ông Chung lại là người trùm bảo kê, thực tế hiện giờ ông này bị truy tố là chủ trò của nhiều vụ án tham nhũng tiêu cực.”

Cũng theo nhà báo Võ Văn Tạo, tệ nạn ‘Nói một đường làm một nẻo’; ‘Vừa ăn cướp vừa la làng’ là tập tính của không ít quan chức nhà nước và vấn đề của ông Lưu Bình Nhưỡng rất có thể dùng thủ đoạn như ông Nguyễn Đức Chung, cho nên không loại trừ về bản chất thì họ đều giống nhau, sự khác biệt 180 độ giữa lời nói và việc làm là thủ đoạn đánh lạc hướng.

Một số người cho rằng, việc bắt ông Lưu Bình Nhưỡng gây rúng động cả giới quan chức Việt Nam, bởi ông Nhưỡng không chống Đảng. Facebooker Kim Nguyen nhận định trên trang cá nhân của mình, RFA đã xin phép và được phép trích đăng:

“Bắt LBN đang làm rung động quan chức ở VN. Không ai dám nói rằng ông Nhưỡng chống đảng, chống chế độ độc tài được. Họ lại càng không dám nói ông Nhưỡng là phản động như nói một số người khác bị bắt vì điều luật 117 được. Nói chính xác là ông Nhưỡng là một phản biện trung thành gay gắt thôi. Ông Nhưỡng không chống cá nhân ai cả, ông Nhưỡng đang chống nhóm lợi ích trong đảng của ông ấy và đang vô tình làm lộ ra mảng tối trong đảng.

Cho nên họ bắt ông Nhưỡng vì điều luật “cưỡng đoạt tài sản” là “hay “nhất, vừa làm cho nhiều người bán tín bán nghi, vừa làm nhục ông Nhưỡng”.  

Nhà báo Trần Ngọc Tuấn ở Cộng hòa Séc thì cho rằng, cho dù ông Nhưỡng bị bắt với lý do gì đi nữa thì cũng làm xấu mặt chính quyền. Ông phân tích:

“Ông Nhưỡng là một tiến sĩ luật và là người có tiếng nói đứng về phía người dân trong Quốc hội. Tôi không nghĩ ông ấy dính vào những vụ giang hồ vặt thế đâu. Ông ấy thừa khôn ngoan để hiểu. Tôi cảm thấy vụ bắt bớ này như một thuyết âm mưu. Ông Nhưỡng là một tiếng nói hiếm hoi nên nếu dính vào xã hội đen như báo chí nói thì mất mặt cả cái quốc hội, còn nếu đây là một màn kịch do chính quyền dựng lên như trường hợp hai bao cao su của Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ năm xưa thì càng xấu mặt chính quyền thôi.”

Ông Lưu Bình Nhưỡng là một tiến sĩ luật, từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam từ năm 2016 đến năm 2021, là Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, từng là phó chủ nhiệm khoa pháp luật kinh tế Đại học Luật Hà Nội với 22 năm làm giảng viên tại đây. Ông Nhưỡng cũng từng là chánh văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp, đảm nhiệm việc tham mưu cho Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

 

RFA (16.11.2023)

 

 

 

 

Chuyên gia LHQ cáo buộc Việt Nam đàn áp những người bảo vệ quyền môi trường

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về phát triển Surya Deva (trái) được Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Đỗ Việt Hùng tiếp đón tại trụ sở của Bộ ở Hà Nội hôm 6/11.

 

Một báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc hôm 15/11 cáo buộc Việt Nam nhắm mục tiêu vào những người bảo vệ nhân quyền về môi trường sau một loạt các vụ bắt giữ và kết án, đồng thời kêu gọi chính phủ Hà Nội đặt họ vào trọng tâm nếu muốn chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Năm nhà bảo vệ môi trường đã bị kết án tù vì tội “trốn thuế” ở quốc gia do Đảng Cộng sản cầm quyền kể từ năm ngoái, một điều khoản mà các nhà hoạt động trong nước và các tổ chức nhân quyền quốc tế coi là được nhà cầm quyền sử dụng như một công cụ để bịt miệng họ.

Ông Surya Deva, báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển của LHQ, nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 15/11 rằng ông quan ngại về việc bắt giữ và kết án những nhà hoạt động này.

“Việc bắt giữ và kết án một số người bảo vệ quyền con người về môi trường với các tội danh như trốn thuế đang có tác động tiêu cực đến sự sẵn sàng đóng góp của các tổ chức phi chính phủ độc lập cho Thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP),” ông Deva nói trong tuyên bố ngay khi kết thúc chuyến thăm và làm việc 10 ngày tại Việt Nam để đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại quốc gia Đông Nam Á.

Các lãnh đạo môi trường – gồm Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Dùng Dương và Hoàng Thị Minh Hồng – bị kết án nhiều năm tù trong khi Việt Nam đang tìm cách tăng cường cam kết giảm thiểu khí thải carbon thông qua JETP trị giá 15,5 tỷ USD do các nước phương Tây đồng tài trợ.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng đã lên án Việt Nam bỏ tù những người thúc đẩy cho việc bảo vệ môi trường này.

Tại cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 15/11, ông Deva được AFP trích lời nói rằng chính phủ độc tài Việt Nam đang sử dụng luật “có chọn lọc để nhắm vào một số nhà bảo vệ nhân quyền, nhà hoạt động khí hậu hoặc nhà bảo vệ nhân quyền môi trường.”

Trong số những người bị bỏ tù vì “trốn thuế”, bà Hồng – nhà hoạt động nổi tiếng về chống biến đổi khí hậu – đã thành lập tổ chức phi chính phủ CHANGE để vận động người dân hành động giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, bao gồm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và ô nhiễm.

Còn bà Khanh là người đã thách thức kế hoạch tăng cường việc sử dụng than của chính quyền Việt Nam để thúc đẩy phát triển kinh tế. Bà Khanh, cùng ông Lợi, đã được trả tự do trước thời hạn trong năm nay.

Tuy nhiên, sau khi trả tự do cho hai người thì chính quyền Việt Nam lại bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên, giám đốc một tổ chức nghiên cứu chính sách năng lượng độc lập và là chuyên gia năng lượng hàng đầu của Việt Nam. Bà Nhiên bị cáo buộc “chiếm đoạt tài liệu” của một công ty điện lực nhà nước.

“Tôi lo ngại rằng do không gian dân sự hạn chế nên sự tham gia tích cực, tự do và có ý nghĩa của người dân vào việc ra quyết định có thể khó khăn,” ông Deva nói trong tuyên bố.

Chuyên gia của LHQ cho rằng để đạt được sự chuyển đổi công bằng sang nền kinh tế xanh, Việt Nam phải đặt các tổ chức phi chính phủ và những người bảo vệ nhân quyền vào trung tâm của quá trình này.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Hà Nội, ông Deva được AFP trích lời nói ông “tin rằng trong hệ thống chính trị hiện tại của Việt Nam, có cơ hội cho sự chấp nhận những quan điểm khác nhau và những ý kiến bất đồng bởi vì không phải ai có quan điểm khác biệt là đều tìm cách lật đổ đảng hay nhà nước.”

Truyền thông Việt Nam do nhà nước quản lý không đăng tải những điều ông Deva nói về nhân quyền tại cuộc họp báo ở Hà Nội.

Trong khi đó, theo TTXVN, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, khi tiếp ông Deva hôm 6/11 khi chuyên gia LHQ bắt đầu chuyến thăm Việt Nam, nói rằng cách tiếp cận của Việt Nam là “tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.”

Trong một lá thư gửi ông Deva trước chuyến thăm tới Việt Nam, Dự án 88, tổ chức ủng hộ quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, cho biết các vụ bắt giữ những nhà hoạt động môi trường “đặt ra câu hỏi về cam kết của Việt Nam đối với sự phát triển bền vững của đất nước.”

“Trong số các nhà hoạt động chính sách năng lượng và môi trường đã bị bắt và bỏ tù, nhiều người trước đây đã làm việc với chính phủ và đang giải quyết các vấn đề được ưu tiên trong chính sách chính thức của chính phủ,” tổ chức này nói trong thư.

 

VOA (15.11.2023)

 

 

 

 

 

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ quan ngại việc chính phủ VN không thừa nhận khái niệm “người bản địa”

Ông Surya Deva trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 15/11/2023 Ảnh chụp màn hình

 

Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển của Liên Hiệp quốc (LHQ), ông Surya Deva chỉ ra những mặt hạn chế của Việt Nam đặc biệt liên quan đến người sắc tộc thiểu số sau chuyến thăm kéo dài 10 ngày tới quốc gia này.

Chiều 15/11, ông Surya Deva tổ chức cuộc họp báo ở Hà Nội và phát trực tuyến qua nền tảng Zoom có sự tham dự của phóng viên Đài Á Châu Tự Do.

Trong bài phát biểu của mình, ông Surya cho rằng quốc gia Đông Nam Á này có nhiều tiến bộ trong phát triển nhưng còn nhiều hạn chế và chính phủ cần cố gắng hơn nữa để bảo đảm sự phát triển bền vững.

Ông Surya Deva nhận thấy Việt Nam phát triển mạnh trong nhiều năm gần đây, tuy nhiên có sự bất bình đẳng trong việc hưởng thụ các thành quả.

Chúng tôi cảm thấy rằng khi thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, sự tiến bộ không đồng đều, không phải ai cũng được hưởng lợi như nhau trong xã hội trong khi mục tiêu của sự phát triển bền vững là không để ai bị bỏ lại phía sau.

Chúng tôi cảm thấy rằng một số người, một số cộng đồng nhất định đã bị bỏ lại phía sau và một trong những điển hình là nhiều nhóm dân tộc thiểu số. Tôi nghĩ chính phủ biết điều đó và cần phải giảm tỷ lệ nghèo đói, đói ăn và thiếu dinh dưỡng trong những cộng đồng của người dân tộc thiểu số.”

 

Người thiểu số và vấn đề người bản địa

Trong các văn bản của Chính phủ và Đảng Cộng sản VN ban hành có những cam kết không để các cộng đồng người dân tộc thiểu số bị bỏ lại phía sau, tuy nhiên có sự khác biệt giữa cam kết trên văn bản giấy tờ và hành động thực tế.

Tôi nghĩ rằng cần phải làm nhiều hơn để bảo đảm rằng người dân tộc thiểu số không đối mặt với những bất lợi.”

Ông cho hay bản thân nhận được thông tin nhiều người thuộc nhóm dân tộc thiểu số không được cấp thẻ căn cước công dân/chứng minh nhân dân, do vậy họ không thể tiếp cận được các dịch vụ công.

Ông bày tỏ quan ngại về việc Nhà nước Việt Nam không thừa nhận sự tồn tại của khái niệm “người bản địa.” Theo ông, chính phủ ủng hộ Tuyên bố của LHQ về quyền của người bản địa (UNDRIP) năm 2007,  cho nên họ cần cho phép người dân tộc thiểu số tự nhận mình là người bản địa.

Nguyên tắc chính của Công ước về quyền của người bản địa là mọi người phải có quyền tự xác định liệu họ có muốn được coi là người bản địa hay không,” ông nói.

 

Lợi ích không đồng đều từ các hiệp định thương mại

Theo ông Surya Deva, Hà Nội không được bỏ qua các yếu tố về nhân quyền, quyền lao động, và môi trường trong các Hiệp ước thương mại với quốc tế.

Việt Nam đang có ba hiệp định thương mại thế hệ mới với EU, Anh quốc, và CPTPP. Các hiệp định này buộc Việt Nam cần tôn trọng các quyền lao động và môi trường.

Tôi nhận thấy Chính phủ Việt Nam thừa nhận lợi ích từ các hiệp định thương mại không được hưởng đều giữa các địa phương và giữa người với người.”

Tiếp xúc với một số doanh nghiệp tư nhân, nhà nước và cả doanh nghiệp nước ngoài, ông nhận thấy họ chưa nhận thức được các tiêu chuẩn quốc tế áp dụng cho doanh nghiệp để tôn trọng nhân quyền và môi trường cũng như quyền của người lao động.

Ông hỏi các công ty và nhân viên về việc họ có chính sách chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc không và câu trả lời của các công ty này là “không.”

Ông cho đó là thiếu sót của các doanh nghiệp về phương cách giải quyết các tình huống quấy rối có thể xảy ra tại nơi làm việc.

Ngoài ra, quan chức của LHQ cũng nhận được thông tin chính quyền thu hồi đất đai của người dân với giá đền bù thấp nhưng bán lại cho các doanh nghiệp với giá cao gấp nhiều lần.

Ông hy vọng với dự thảo Luật Đất đai, Việt Nam sẽ có chính sách thu hồi đất đai cân bằng hơn, không để những người bị thu hồi đất bị bỏ lại phía sau, bằng cách bồi thường với giá không quá thấp so với giá bán lại cho doanh nghiệp, và bảo đảm sinh kế cho người bị thu hồi đất.

 

Thách thức của Việt Nam

Ông Surya Deva chỉ ra những thách thức mà quốc gia độc đảng đang phải đối mặt, trong đó có tệ quan liêu của bộ máy công quyền, và việc áp dụng luật không công bằng giữa người dân và quan chức.

Một trong những biểu hiện rõ nét sự quan liêu của các cơ quan công quyền là việc xét duyệt các dự án phát triển rất chậm, mất hàng năm trời, do vậy người thụ hưởng không được hưởng lợi từ dự án cho dù họ rất cần.

Ông cho biết trong các cuộc nói chuyện với quan chức của nhiều cơ quan và nhận thấy rằng các quan chức thận trọng trong việc ra quyết định vì sợ bị trừng phạt trong chiến dịch chống tham nhũng hiện nay.

Việc nhiều cơ quan tham gia xét duyệt cũng làm chậm các dự án. Ông hy vọng Chính phủ Việt Nam đơn giản hoá các thủ tục để các dự án phát triển được tiến hành sớm và người dân được hưởng lợi từ đó.

 

Áp dụng luật bất bình đẳng

Theo ông, một quốc gia phát triển phải xây dựng trên cơ sở mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật.

“Tôi cảm nhận được việc sử dụng luật một cách có chọn lọc để nhằm vào người bảo vệ nhân quyền, nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu, và người bảo vệ môi trường.”

Mặc dù không nêu bất kỳ danh tính nào, tuy nhiên chính phủ Việt Nam hiện đã và đang bỏ tù ít nhất năm nhà hoạt động môi trường với cáo buộc “trốn thuế” vốn bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích.

Ông đặt câu hỏi tại sao cùng một vấn đề mà người này bị pháp luật trừng phạt trong khi người kia lại không bị sao. 

Ông cũng nhận thấy Việt Nam áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế quyền tự do ngôn luận, kể cả trên mạng Internet.

Theo ông, Chính phủ cần nhìn nhận những ý kiến khác biệt để tạo ra một xã hội phát triển bền vững. Nếu không, có những nhóm người nhất định sẽ bị bỏ lại phía sau.

Trong thông cáo của Liên Hiệp quốc trước chuyến đi, chuyến thăm của Báo cáo viên đặc biệt có mục đích hỗ trợ Hà Nội củng cố luật pháp, chính sách và  thực hành phù hợp với Tuyên bố về Quyền phát triển (năm 1986) và các tiêu chuẩn liên quan khác.

Chuyên gia sẽ trình bày báo cáo của ông lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc vào tháng 09 năm 2024.

 

RFA (15.11.2023)