Việt Nam tăng cường bồi đắp trên Biển Đông

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Ảnh minh họa

 

Việt Nam đã tăng cường công việc nạo vét và bồi đắp tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, tạo ra thêm 330 mẫu đất kể từ tháng 12 năm ngoái, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Mỹ cho biết trong một báo cáo, theo Reuters.

 

Trong báo cáo tuần này, dẫn nguồn hình ảnh vệ tinh, CSIS cho biết diện tích mới mở rộng này lớn hơn nhiều so với 120 mẫu được tạo thêm từ năm 2012 đến năm 2022, khiến Việt Nam chỉ đứng sau Trung cộng về việc xây dựng đảo ở Quần đảo Trường Sa.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không ngay lập tức phản hồi đề nghị bình luận của Reuters về diễn biến mới này.

Trung cộng khẳng định chủ quyền ở hầu hết các vùng nước trên Biển Đông, bao gồm cả vùng biển mà Việt Nam đang cho bồi đắp để xây dựng các đảo.

Đây là một trong những tuyến đường thủy có nhiều tranh chấp nhất trên thế giới, nơi 3000 tỷ USD hàng hóa thương mại đi qua mỗi năm.

Trung cộng, Brunei, Malaysia, Phi Luật Tân, Đài Loan và Việt Nam đã đưa ra các yêu sách cạnh tranh đối với một phần hoặc toàn bộ Quần đảo Trường Sa.

Diện tích bồi đắp mở rộng mới của Việt Nam đáng chú ý nhất ở rạn san hô Barque Canada, hay còn gọi là Bãi Thuyền Chài ở Việt Nam, nơi mà báo cáo do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của CSIS đưa ra cho biết 210 mẫu đất đã được tạo ra trong năm qua.

Báo cáo cho biết Việt Nam đã bắt đầu sử dụng máy nạo vét hút cắt để “đẩy nhanh nỗ lực nạo vét” và vào tháng trước, Việt Nam đã bắt đầu nạo vét tại hai thực thể là Đá Nam và Trường Sa Đông.

Báo cáo cho biết những nỗ lực của Việt Nam vẫn tập trung vào việc nạo vét và bồi lấp, trong khi việc xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn chưa bắt đầu.

Viện nghiên cứu cho biết Trung cộng đã tạo ra hơn 3.200 mẫu đất ở khu vực này từ năm 2013 đến năm 2016.

Vào tháng Tám, Phi Luật Tân, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam đã bác bỏ bản đồ do Trung cộng công bố thể hiện các tuyên bố chủ quyền của nước này, bao gồm cả Biển Đông.

 

BBC (17.11.2023)

 

 

 

 

Phi Luật Tân bác bỏ yêu cầu của Trung cộng phải báo trước các chuyến tiếp liệu tại Biển Đông

Tàu hải cảnh Trung cộng tại Bãi Cỏ Mây, Biển Đông hôm 10/11/2023 AFP

 

Phi Luật Tân không có trách nhiệm gì phải thông báo cho Trung cộng về các chuyến tiếp liệu tại khu vực Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân vào ngày 16/11 tuyên bố như vừa nêu, nói rõ những hoạt động tiếp liệu, bao gồm hoạt động ‘duy trì’ chiếc chiến hạm cũ neo tại Bãi Cỏ Mây là hoàn toàn hợp pháp.

Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân còn kêu gọi Trung cộng hãy tháo bỏ tất cả “mọi cấu trúc phi pháp” được thiết lập tại vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân, hãy ngưng cải tạo tại những nơi đó và phải chịu trách nhiệm đối với mọi hư hại do hoạt động cải tạo gây nên.

Reuters loan tin dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân, trong đó Phát ngôn nhân Teresita Daza nói rõ: “Chúng tôi bị yêu cầu phải có thông báo trước cho mỗi chuyến tiếp liệu đến Bãi Cỏ Mây. Chúng tôi sẽ không làm điều đó.”

Trung cộng thường xuyên cáo buộc Phi Luật Tân xâm phạm vùng biển của Hoa Lục tại Biển Đông khi chưa được phép tiến hành công tác tiếp liệu lương thực và nước uống đến cho binh sĩ Phi đồn trú tại Bãi Cỏ Mây.

Tuần duyên Trung cộng từng có những hành động mà phía Hải quân Phi Luật Tân cho là gây nguy hiểm cho tàu của họ khi tiến hành công tác tiếp liệu đến Bãi Cỏ Mây trong thời gian gần đây.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông qua đường đứt khúc mà họ tự vạch ra; đường này bị Manila kiện ra Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) và vào tháng 7/2016, PCA tuyên đường này không có giá trị cả về mặt pháp lý lẫn lịch sử.

Tuy nhiên Trung cộng không chấp nhận phán quyết của Tòa và ngày càng có hành động gây hấn mạnh hơn ở Biển Đông.

 

RFA (16.11.2023)

 

 

 

 

Biển Đông: Bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN kêu gọi sớm đúc kết COC

Hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng khối ASEAN (ADMM) lần thứ 17 tại Jakarta, Indonesia, đã kết thúc hôm qua, 15/11/2023, sau khi thông qua 8 văn bản, bao gồm Tuyên bố Jakarta, kêu gọi nhanh chóng hoàn tất ‘‘các văn kiện quan trọng về an ninh’’, đặc biệt là Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC).

Bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia Prabowo Subianto (G) phát biểu tại Hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) tại Jakarta, Indonesia, ngày 16/11/2023. AP – Willy Kurniawan

 

Trong một tuyên bố chung được đưa ra vào cuối ngày, các bộ trưởng Quốc Phòng khối ASEAN đặc biệt tập trung vào tình hình an ninh hàng hải của khu vực, kêu gọi tạo “môi trường thuận lợi để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông”. Lãnh đạo quốc phòng các nước ASEAN nhấn mạnh: ‘‘Cạnh tranh giữa các cường quốc đang diễn ra trong khu vực có thể gây nguy hiểm cho tương lai của khu vực’’.

Báo Jakarta Post dẫn lời bộ trưởng Quốc Phòng Singapore Ng Eng Hen cảnh báo là những diễn biến địa chính trị mới nhất là bằng chứng cho thấy ‘‘hòa bình có thể bị mất, hoặc đang mất đi nhanh chóng”. Ông kêu gọi các nước ASEAN phải dành sự quan tâm tối đa để duy trì ổn định trong khu vực.

Về phần mình, bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia, Prabowo Subianto, chủ trì hội nghị, cũng lưu ý đến nguy cơ ‘‘xảy ra xung đột ở châu Á’’, và nhấn mạnh là ‘‘không chắc thế giới có thể gánh chịu được cùng lúc tình trạng ‘‘chiến tranh xảy ra ở châu Âu, tình hình xấu đi ở Trung Đông và (một cuộc xung đột bùng lên) ở châu Á”.

Tuyên bố chung của bộ trưởng quốc phòng các nước Đông Nam Á cũng kêu gọi tất cả các bên tại Miến Điện ‘‘ngừng mọi hành động bạo lực và kiềm chế tối đa’’.

Hôm nay, trong khuôn khổ hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, thứ trưởng Quốc Phòng Nga Alexander Fomin, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Shri Rajnath Singh, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Miyazawa Hiroyuki và thứ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc Kim Seon-ho dự các phiên thảo luận. Các quan chức quốc phòng cấp cao từ Trung cộng, New Zealand và Úc tham gia hội nghị.

 

RFI (16.11.2023)

 

 

 

 

 

Phi Luật Tân bác bỏ khi Trung cộng đòi phải thông báo trước về hoạt động tiếp liệu

 

Tầu hải cảnh Trung cộng va chạm một tầu tiếp liệu của Phi Luật Tân hồi tháng 10/2023 gần Bãi Cỏ Mây trên Biển Đông.

 

Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân nói hôm thứ Năm 16/11 rằng Phi Luật Tân không có nghĩa vụ phải thông báo cho Trung cộng về các hoạt động tiếp liệu của nước này ở Biển Đông, đồng thời khẳng định rằng công việc này, kể cả nỗ lực “duy trì” một tàu hải quân mắc cạn, là điều chính đáng.

Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân (DFA) cũng kêu gọi Trung cộng dỡ bỏ mọi “công trình bất hợp pháp” mà nước này xây dựng trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Phi Luật Tân, ngừng hoạt động bồi đắp ở những khu vực đó và chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà các hoạt động đó gây ra.

Trung cộng đã nhiều lần cáo buộc Phi Luật Tân xâm nhập phi pháp vùng biển của Trung cộng mà không được phép khi thực hiện các cuộc vận chuyển thực phẩm và nước uống cho binh sĩ Phi Luật Tân sống trên một tàu hải quân mà Manila cố tình cho mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) có tranh chấp. Bãi cạn này được Phi Luật Tân đặt tên là Ayungin còn Trung cộng gọi là Nhân Ái tiêu.

Người phát ngôn DFA Teresita Daza nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi được yêu cầu thông báo trước mỗi khi thực hiện nhiệm vụ tiếp liệu cho Bãi cạn Ayungin. Chúng tôi sẽ không làm như vậy”.

Trung cộng tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, và vẽ ra một đường đứt đoạn trên bản đồ của nước này cắt vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Phi Luật Tân, Malaysia, Brunei và Indonesia. Đài Loan, bị Bắc Kinh tuyên bố là một phần lãnh thổ của Trung cộng, cũng nói rằng họ không chấp nhận bản đồ của Bắc Kinh.

Tòa án Trọng tài Thường trực đã phán hồi năm 2016 rằng đường đứt đoạn đó trên bản đồ của Trung cộng không có cơ sở pháp lý. Bắc Kinh phản bác phán quyết này.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin mới đây đã nhắc lại sự ủng hộ của ông đối với phán quyết của tòa trọng tài khi ông gặp người đồng cấp bên phía Manila ở Jakarta. Cả hai vị bộ trưởng đều lên án hành vi quấy nhiễu của Trung cộng đối với các tàu Phi Luật Tân thực hiện nhiệm vụ tiếp tế.

Kể từ khi tàu Sierra Madre ủi bãi ở Bãi Cỏ Mây hồi năm 1999 trong nỗ lực của Manila nhằm khẳng định chủ quyền của mình, Trung cộng đã nhiều lần kêu gọi Phi Luật Tân kéo tàu đi, vì Bắc Kinh cho rằng hai bên có một thỏa thuận nhưng Manila nhiều lần nói rằng không hề tồn tại một thỏa thuận nào như vậy.

Người phát ngôn Daza nói: “Phi Luật Tân chưa ký kết bất kỳ thỏa thuận nào từ bỏ quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, bao gồm cả khu vực lân cận Bãi cạn Ayungin”.

Bãi Cỏ Mây nằm cách đảo Palawan của Phi Luật Tân 190 km (118 dặm), đồng nghĩa là nó nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila.

 

VOA (16.11.2023)

 

 

 

 

Việt Nam tăng cường nạo vét và bồi đắp ở Trường Sa để ứng phó Trung cộng!

Đảo Sơn Ca chụp từ vệ tinh vào ngày năm 2016 (trái), và năm 2023 (phải) Planet Labs/CSIS

 

Tăng tốc nạo vét và bồi đắp ở Trường Sa là việc mà Việt Nam buộc phải làm để tăng cường năng lực phòng thủ trước một Trung cộng ngày càng hung hăng trên Biển Đông.

Đây là nhận định chung của một số chuyên gia Biển Đông khi bình luận với RFA về sự kiện Việt Nam đang đẩy mạnh lấp đất, mở rộng diện tích ở khu vực Trường Sa.

Như RFA đã đưa tin hồi tuần trước, các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Việt Nam đang gia tăng tốc độ nạo vét và lấp đất ở quần đảo Trường Sa, với mức độ gấp bốn lần chỉ trong vòng chưa đầy một năm qua.

Báo cáo có tên “Việt Nam đang đẩy mạnh nạo vét ở Trường Sa”, đăng trên trang web Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) hôm 15/11 vừa qua, cho biết tổng diện tích mà Việt Nam bồi đắp được cho tới hiện tại lên tới 750 acres.

Cũng theo báo cáo, từ năm 2012 đến 2022, Việt Nam chỉ bồi đắp khoảng 120 acres ở khu vực Trường Sa.

Bãi Thuyền Chài có sự biến đổi lớn nhất từ trước cho đến nay. Trước đây, bãi này là một trong những tiền đồn nhỏ nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, hơn 210 acres đất mới đã được bồi đắp tại Bãi Thuyền Chài trong năm ngoái, biến nơi đây trở thành thực thể lớn nhất do Việt Nam đang kiểm soát trên Biển Đông.

Các đảo khác như Phan Vinh và Đảo Nam Yết có thêm diện tích đất lần lượt là 163 và 119 acres kể từ khi bắt đầu được bồi đắp vào năm 2021. Cũng từ năm này, Đảo Sơn Ca và Bãi Đá Tiên nữ cũng được Việt Nam mở rộng thêm lần lượt là 82 và 62 acres.

Các chuyên gia của AMTI suy đoán rằng Việt Nam đang nỗ lực mở rộng để xây dựng đường băng thứ hai ở quần đảo Trường Sa, nhưng hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Việt Nam sẽ xây dựng đường băng ở đây, vì công việc chủ yếu hiện nay là tập trung mở rộng diện tích.

Nếu so với phía Trung cộng, tổng diện tích mà Việt Nam nạo vét và bồi đắp vẫn chỉ bằng 1/4 diện tích mà Trung cộng thực hiện bồi đắp là 3200 acres từ năm 2013 đến 2016.

 

Đối phó Trung cộng

Ông Nguyễn Thế Phương, chuyên gia an ninh quốc phòng cho biết, Việt Nam bắt đầu nghĩ tới việc phải tôn tạo các điểm đảo quan trọng ở Trường Sa từ năm 2019. Từ đó cho đến nay thì tất cả các cứ điểm đảo quan trọng nhất của Việt Nam ở Trường Sa dần dần bắt đầu được cải tạo, mở rộng rất nhiều, và mục đích cuối cùng vẫn là để phần nào đối phó với năng lực tấn công của Trung cộng ở Trường Sa:

“Thông thường, một cái đảo như vậy thì không nên cải tạo hay xây lắp gì thêm, bởi vì nó ảnh hưởng đến rất nhiều thứ như là môi trường…

Nhưng mà đứng dưới góc độ an ninh quốc phòng thì đó là một bước đi mà Việt Nam phải làm. Bởi vì, nếu như không làm thì trong trường hợp có xung đột xảy ra thì Trung cộng, với cơ sở hạ tầng của họ như vậy thì Việt Nam rất khó để giữ vững chủ quyền của Việt Nam trên các đảo mà Việt Nam đang kiểm soát.”

Theo ông Hoàng Việt, nhà nghiên cứu Biển Đông cho biết có hai nguyên do chính khiến Việt Nam tăng tốc hoạt động nạo vét trong năm qua.

Thứ nhất, là do biến đổi khí hậu, nước biển dâng lên và sự tàn phá của nước biển thì nhiều thực thể ở khu vực biển Đông bị thay đổi, bào mòn.

Thứ hai, theo ông Việt, là bài học từ cuộc căng thẳng giữa hai nước Trung cộng và Phi Luật Tân trong thời gian vừa qua:

“Trong cuộc căng thẳng giữa Trung cộng và Phi Luật Tân ở khu vực Bãi Cỏ Mây gần đây cho thấy một vấn đề quan trọng là Phi Luật Tân không bồi đắp và xây dựng một căn cứ kiên cố ở đó. Phi Luật Tân chỉ có những con tàu và nước biển càng làm bào mòn đi thì con tàu đó có thể bị ảnh hưởng bất cứ lúc nào; và nếu như con tàu đó sụp đổ thì Phi Luật Tân cũng sẽ bị biến mất sự hiện diện ở đó.

Trước tất cả những về vấn đề đó thì Việt Nam muốn tôn tạo lại những căn cứ và thực thể mà Việt Nam đang chiếm giữ. Việc tôn tạo này sẽ giúp cho Việt Nam, thứ nhất là giữ vững được sự hiện diện của mình tại đây. Điều này sẽ có lợi cho Việt Nam trong vấn đề quyền chủ quyền.

Việt Nam cũng muốn xây dựng các cơ sở có thể tìm kiếm và cứu nạn trên biển tại khu vực này, bởi vì ngư dân Việt Nam cũng đi đánh cá tại khu vực này rất là nhiều.”

 

Tăng cường năng lực phòng thủ

Bãi Thuyền Chài chụp từ vệ tinh vào tháng 11/2023. Ảnh: Planet Labs/CSIS

 

Cho đến nay, các hoạt động xây dựng chủ yếu của Việt Nam trên các điểm đảo quan trọng ở Trường Sa, theo ông Thế Phương, là xây dựng các nhà kho, bến bãi, các ụ phòng không, ụ súng máy, ụ súng chống tăng, bảo vệ bờ biển… Nói chung, việc mở rộng diện tích ra thì Việt Nam sẽ có thêm diện tích để phòng thủ đảo tốt hơn:

“Việc bồi đắp này có hai mặt. Thứ nhất là duy trì hoặc là cải thiện điều kiện sinh hoạt, không những là của bộ đội mà của người dân trên đảo Trường Sa lớn chẳng hạn. Ví dụ như là tăng cường khả năng cung cấp nước ngọt, tăng cường khả năng cung cấp điện, cơ sở hạ tầng, tăng cường khả năng tiếp cận các loại tàu đối với các đảo đó…

Thứ hai là cải thiện năng lực mang tính phòng thủ quân sự. Ví dụ như việc xây đường băng máy bay rất là hữu dụng, nếu có cảng thì các tàu quân sự có thể cập trực tiếp vô, làm tăng cường khả năng tiếp tế, ứng cứu trong các trường hợp.

Đối với những đảo nào chưa có đủ năng lực phòng thủ theo chiến lược được đặt ra thì Việt Nam sẽ cải tạo và mở rộng ra và khiến cho nó thành một cứ điểm mà khiến cho việc tấn công và chiếm đóng cứ điểm đó trở nên tốn thời gian, tiền bạc và sức người hơn.”

Theo ông Hoàng Việt, việc tăng cường mở rộng diện tích ở các điểm đảo mà Việt Nam kiểm soát còn giúp Việt Nam giữ vững sự hiện diện của mình ở khu vực Trường Sa, củng cố Quyền chủ quyền và Quyền tài phán chung quanh một vùng biển rộng lớn hơn:

“Nếu giữ được sự hiện diện thì mới có thể nói chuyện được, nếu không giữ được sự hiện diện thì rất khó nói, ngoài việc đưa ra những tuyên bố về mặt pháp lý thôi.”

 

Rủi ro Việt Nam phải đối mặt

Đánh giá về những rủi ro mà Việt Nam có thể phải đối mặt nếu tăng tốc tôn tạo các đảo ở Trường Sa, đặc biệt là từ phía Trung cộng, thạc sỹ Hoàng Việt nhận định rằng phía Việt Nam, một khi đã quyết thực hiện các hoạt động bồi đắp thì chắc chắn đã lường trước được phản ứng từ Trung cộng:

“Cá nhân tôi nghĩ là Trung cộng họ cũng không làm được gì Việt Nam nhiều. Bởi vì, cho đến bây giờ Trung cộng vẫn đang làm những điều mà từ xưa đến nay họ vẫn làm rồi, chẳng hạn như chuyện cho tàu mang danh nghiên cứu khoa học hay là các tàu hải cảnh, tàu dân quân biển vào khảo sát vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.”

Ông Thế Phương cho rằng Việt Nam có thể sẽ vấp phải phản ứng từ Quốc tế và cả Trung cộng:

“Sẽ có quan điểm cho rằng Việt Nam đang quân sự hóa y hệt Trung cộng. Người ta chưa cần biết là phòng thủ hay tấn công, chỉ cần thấy mở rộng các điểm đảo, lắp đặt vũ khí thì người ta sẽ cho rằng là quân sự hóa.”

Dù quy mô mở rộng, xây đắp của Việt Nam so với Trung cộng là nhỏ hơn rất nhiều và mục đích của Việt Nam là phòng thủ chứ không phải tấn công. Tuy nhiên, theo ông Thế Phương, phía Trung cộng chưa chắc đã có cái nhìn như vậy:

“Thứ hai là cũng có liên quan tới Trung cộng, tức là mục tiêu của anh là để phòng thủ nhưng mà Trung cộng họ lại không nhìn như vậy, họ nhìn đó là tấn công thì Trung cộng sẽ tăng cường năng lực trên các đảo của họ. Nó giống như là một vòng xoáy đi lên… Nhưng mà dưới góc độ của một nước nhỏ thì Việt Nam sẽ biết điểm dừng ở đâu.”

Bất chấp những rủi ro vừa nêu, ông Thế Phương dự đoán, trong tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục các hành động bồi đắp vì đây là chính sách đã có từ lâu rồi:

“Và phải nhấn mạnh rằng nó đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ tiếp tục xảy ra, mang tính phòng thủ và quy mô sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với Trung cộng. Nếu không có các hành vi của Trung cộng thì Việt Nam cũng chả tính đến các hành động tốn tiền tốn bạc như vậy đâu.”

 

RFA (16.11.2023)