Quyết định của Sở VHTT Hà Nội cấm treo 31 bức tranh đồng: Đáng xấu hổ

Lưu Trọng Văn

4-12-2023

Quyết định của Sở VHTT Hà Nội cấm treo 31 bức tranh đồng chân dung các văn nghệ sỹ trong một cuộc triển lãm bị cộng đồng mạng lên án dữ dội.

Vì sao xảy ra sự việc lẽ ra không được phép xảy ra tại ngay thủ đô – Trung tâm Văn hoá của cả nước như vậy?

Nếu trong ban giám đốc Sở VHTT Hà Nội có người có tầm văn hoá – đồng nghĩa có tầm hiểu biết văn học và sự tiến bộ chính trị xã hội thì sự việc cấm trên khó xảy ra.

Sở VHTT Hà Nội lẽ ra phải có dàn lãnh đạo có tầm văn hoá khá nhất trong 63 sở VHTT cả nước mà còn như vậy, thì có nên đặt lại vấn đề về việc cơ cấu, chọn lựa nhân sự lãnh đạo ngành văn hoá – ngành mà cụ Hồ coi trọng hàng đầu, bao năm qua và hiện nay ra sao?

Chấn hưng văn hoá không bằng tiền chứ đừng nói đến 350.000 tỷ đồng, mà cần tầm nhìn tổ chức nhân sự tuyển chọn con người lãnh đạo văn hoá và thiết lập đường lối văn hoá.

Hãy tổng rà soát toàn bộ lãnh đạo bộ, thứ trưởng văn hoá và giám đốc, phó giám đốc 63 sở văn hoá cả nước xem họ xuất thân thế nào, tầm văn hoá cơ bản về thế giới và quốc gia ra sao, trình độ hiểu biết và cảm nhận văn hoá ra sao, chúng ta sẽ biết chấn hưng văn hoá bắt đầu từ đâu và nên thực hiện ngay như thế nào.

Đó là chưa kể nhiều nước văn minh, tiêu chuẩn của một chính khách, một lãnh đạo quốc gia, một thị trưởng thủ đô hoặc đô thị lớn trước hết phải là nhà văn hoá lớn.

Trở lại sự kiện nóng 31 bức chân dung bị lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội cấm treo, thể hiện trình độ hiểu biết, đọc, cảm nhận giá trị tác phẩm văn học và thời cuộc chính trị của họ quá non nớt.

Tiêu chuẩn để một văn nghệ sĩ được tôn trọng, tôn vinh hay không, không phải ở những giải thưởng của họ, họ thuộc thành phần được đảng cầm quyền ca ngợi tin dùng hay không, mà ở tác phẩm họ đóng góp cho nền văn học nước nhà có giá trị nhân văn, có tinh thần dân tộc, yêu nước, có giá trị nghệ thuật, có giá trị ngôn ngữ, có giá trị chân thực và nâng cao thẩm mỹ hay không?

Với các thước đo ấy thì các nhà văn Phan Khôi, Trương Tửu, Phùng Quán, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần, Nguyên Ngọc, Ý Nhi, Nguyễn Duy, Dương Tường, Tạ Duy Anh, Hoàng Quốc Hải… đã cống hiến tài năng của họ cho những giá trị được nhân dân bao năm qua đón nhận, trân quý.

Rõ ràng sự việc lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội can thiệp thô bạo và không trên nền tảng pháp luật khi ra lệnh cấm treo 31 bức chân dung Văn nghệ sĩ trên là một sự việc khó chấp nhận. Sự phản ứng dữ dội của công chúng yêu văn học nước nhà là tất yếu và cũng là sự trưởng thành về ứng xử văn hoá của công chúng.

Trước sự việc này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cảm thấy: Nỗi buồn và sự thất vọng. Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa, phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, phải phẫn nộ thốt lên: Dở hơi và đáng xấu hổ!

 

“Tranh treo”

Phạm Xuân Nguyên

 Tranh treo không phải tranh treo nhưng là tranh treo. Nghĩa là tranh treo không phải tranh được treo. Tranh treo nghĩa là tranh không được treo. Tức thị là tranh treo.

Như là án treo.

Cuộc triển lãm tranh gò đồng chân dung văn nghệ sĩ của nhà thơ – nhà điêu khắc Phạm Xuân Trường tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) khai mạc chiều 2/12/2023 đã bị “tranh treo”như vậy.

Ông mang từ Hải Phòng lên 184 bức xin phép bày triển lãm. Nhưng Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội xét duyệt đã chỉ cấp phép cho treo 154 bức, còn 30 bức là “tranh treo”. Trong đó có người được Giải thưởng Hồ Chí Minh (Trần Đức Thảo), Giải thưởng Nhà nước (Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Nguyễn Duy); có những người nổi tiếng như Phan Khôi (đã được tỉnh Quảng Nam đặt tên đường tại tỉnh lị Tam Kỳ), Trương Tửu (Hội Nhà văn Việt Nam vừa kỷ niệm 110 năm sinh), Dương Tường, Nguyên Ngọc, Vũ Thư Hiên, Hoàng Hưng, Ý Nhi, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Lập… Nhìn vào đây thì thấy Nhà nước đã thua Hà Nội, Hà Nội đã thua một Sở của mình. Và người dân Thủ đô thấy mình bị xúc phạm tư cách Thủ đô.

Dư luận bức xúc muốn biết nguyên nhân 34 bức “tranh treo” này. Lãnh đạo Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội đã căn cứ vào đâu để loại chúng khỏi cuộc bày tranh của tác giả Phạm Xuân Trường? Họ đã cấm bằng văn bản chứ không phải nói miệng, đó là việc đúng quy định. Nhưng họ đã lấy quy định nào để cấm 34 tác phẩm không được treo? Nếu lãnh đạo Sở không trả lời được thì lãnh đạo Hà Nội phải có trách nhiệm giải đáp câu hỏi này cho tác giả triển lãm và 30 nhân vật trong tác phẩm.

Tôi cho là họ không có căn cứ nào cả căn cứ vào sự việc nực cười xảy ra ngay tại lúc khai mạc triển lãm. Trong danh sách “không cấp phép” treo tác phẩm có bức Phùng Quán. Nhưng tại phòng tranh đúng lúc khai mạc vẫn có bức đó. Thì ra ban tổ chức không biết Phùng Quán là ai nên đã đưa nhầm bức Phùng Quán treo vào chỗ một bức được treo. Khi thấy các văn nghệ sĩ xôn xao thì họ mới phát hiện treo nhầm nên đã vội tháo ngay đem cất. Và trám vào khoảng trống ấy một bức khác. Vậy đấy.

Cũng xin nhắc: Triển lãm chân dung gò đồng văn nghệ sĩ của Phạm Xuân Trường đã được ông bày lần đầu năm 2018 tại Hải Phòng nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Nguyên Hồng (1918 – 1982). Khi đó chỉ có 8 bức “tranh treo”, tức là Sở Văn hoá – Thể thao Hải Phòng chỉ loại 8 bức trong số 108 bức xin phép.

Năm năm sau cuộc ở Hải Phòng, một năm sau cuộc hô hào chấn hưng văn hoá toàn quốc, ngay giữa Thủ đô, nhà thơ – nhà điêu khắc Phạm Xuân Trường bị cú “tranh treo” vào 34 tác phẩm gò đồng của mình! Anh đã rất đau vì điều này. Càng đau hơn khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt BCHTƯ ký ban hành nghị quyết số 45 của Hội nghị Trung ương 8 về phát triển đội ngũ trí thức cả số lượng và chất lượng.

Cá nhân tôi trong cả hai cuộc bày tranh của người anh văn chương đồng Phạm đồng Xuân đều nằm trong danh sách “tranh treo”. Tôi thương anh Phạm Xuân Trường và tôi là một công dân, một người làm nghề văn, nên tôi có yêu cầu muốn biết tại sao bức gò đồng Phạm Xuân Nguyên cùng 29 bức khác đã bị “tranh treo”. Chúng tôi không có tội gì cả. Chúng tôi là những con người tự do ở một đất nước luôn hô hào độc lập tự do.

clip_image002

Bức gò đồng anh Phạm Xuân Trường đã tặng tôi.

clip_image004

Trong điện thoại là ảnh chụp bức gò đồng tôi.

clip_image006

Ba “tranh treo” (phải qua): nhà văn Đặng Văn Sinh, nhà nghiên cứu văn học La Khắc Hoà, Phạm Xuân Nguyên

clip_image008

Tôi đề lưu bút

clip_image010

Xem thêm:

Vì sao Sở Văn hóa Hà Nội cấm?

Hà Nội không cho treo 30 tranh gò đồng vì ‘người trong tranh’?

 

Pham Xuan Truong

PHAM XUAN TRUONG Tranh gò đồng của Phạm Xuân Trường khắc họa chân dung nhà văn Nguyên Ngọc

Một cuộc triển lãm tranh gò đồng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội đã chỉ được “phê duyệt” cho treo một số tranh, còn một số khác không được.

Theo thông tin từ giới văn nghệ sĩ Việt Nam, cuộc triển lãm chân dung văn nghệ sĩ của nhà thơ, nhà điêu khắc Phạm Xuân Trường đã khai mạc hôm 02/12/2023 nhưng 30 bức không được chính thức trưng bày.

Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội đã cấp phép cho treo 154 bức, còn 30 bức khác bị loại khỏi triển lãm và đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội như Facebook ở Việt Nam.

Số tranh gò đồng, gắn liền tên các văn nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng qua nhiều thế hệ có các ông như triết gia Trần Đức Thảo, học giả Phan Khôi, nhà thơ Trương Tửu, các nhân vật từng bị đày ải một thời ở miền Bắc VN: Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm.

Nhà thơ Hoàng Hưng, người từng bị “tập trung cải tạo vì một tập thơ”, và nhà văn Vũ Thư Hiện, tác giả cuốn ‘Đêm giữa ban ngày’ kể lại thời kỳ ông bị cầm tù ở VNDCCH cũng có tranh thuộc diện “không được treo”. Tuy thế, nhà văn Vũ Thư Hiện sau nhiều năm sống tại Pháp đã có thể về lại Việt Nam gần đây.

Thế nhưng những người chưa từng bị đàn áp trong quá khứ giống các vị trên vẫn có chân dung “bị cấm” ở thế kỷ 21.

Đó là các ông bà khác như Nguyễn Duy, Dương Tường, Nguyên Ngọc, Trần Huy Quang, Ý Nhi, Tạ Duy Anh, Thái Kế Toại, Phạm Viết Đào, Nguyễn Quang Lập… và nhiều người khác.

Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, viết trên Facebook cá nhân thì hồi năm 2018, một triển lãm tương tự, nhỏ hơn với chân dung gò đồng văn nghệ sĩ cũng của tác giả Phạm Xuân Trường ở Hải Phòng đã được thanh phố đó cho phép treo 100 bức, và cấm 8 bức.

Điều này cho thấy có sự khác nhau trong việc “thẩm định tranh” của quan chức Hà Nội và Hải Phòng,

Ông Phạm Xuân Nguyên đặt câu hỏi về chuyện này và xác nhận trên Facebook rằng chân dung của ông ở cả hai cuộc triển lãm, tại Hải Phòng và Hà Nội (lần này), đều thuộc diện “bị treo” – tức là không được ra mắt công chúng.

Còn nhà văn, võ sư Đoàn Bảo Châu sau khi nghe tin thì đăng trên mạng xã hội như sau:

“Các tác phẩm đều rất đẹp, rất có hồn, giá trị nghệ thuật cao, thể hiện tay nghề điêu luyện và tấm lòng yêu quý những người được thể hiện. Vậy chỉ có thể là những cái tên đã khiến những tác phẩm không được trưng bày, trong ấy có cả triết gia Trần Đức Thảo, được giải thưởng Hồ Chí Minh, nhà văn Nguyên Ngọc, những nhà văn, nhà thơ được giải thưởng nhà nước như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Nguyễn Duy, Hoàng Quốc Hải…”

“Vậy các chuyên gia văn hoá, các quan chức nắm văn hoá đất nước lấy lý do gì để cấm những tác phẩm chân dung ấy?”, ông Đoàn Bảo Châu đặt câu hỏi trên Facebook.

Vu Thu Hien

PHAM XUAN TRUONG Tranh gò đồng của Phạm Xuân Trường khắc họa chân dung nhà văn Vũ Thư Hiên

Hoàng Hưng

PHAM XUAN TRUONG Tranh gò đồng của Phạm Xuân Trường khắc họa chân dung nhà thơ Hoàng Hưng

Cấm đoán chỉ gây tò mò?

Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội hay các đô thị ở Việt Nam có quyết định “nửa vời” về các sự kiện văn hóa đại chúng gắn liền với lịch sử cận đại.

Hồi 2014, một triển lãm về Cải cách Ruộng Đất đã được cho khai mạc vào ngày 11 tháng 9 rồi đột nhiên bị đóng.

Theo sử gia Dương Trung Quốc phát biểu lúc đó, triển lãm được thực hiện trong bối cảnh chưa có một tổng kết chính thức về Cải cách Ruộng đất nên “đương nhiên sẽ có hạn chế rất lớn” bất chấp nỗ lực của những người làm công tác bảo tàng.

Sang sáng 12/9 có tin triển lãm ngưng đón khách vì ‘sự cố điện’ nhưng không bao giờ được mở lại.

Việc cho diễn rồi lại tìm lý do kỹ thuật loanh quanh để ngưng buổi diễn đã xảy ra nhiều lần với các show ca nhạc của văn nghệ sĩ hải ngoại về Việt Nam trình diễn.

Chẳng hạn hồi tháng 9/2022, Huế, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên đồng loạt “tạm hoãn” show diễn của ca sĩ Khánh Ly dù đã cho phép bà về VN thực hiện chuyến công diễn.

Trong lĩnh vực điện ảnh, một số phim được giải thưởng cao trên thế giới cũng có thể bị cấm tại Việt Nam.

Hồi tháng 7/2021, phim Vị – được trao giải thưởng lớn ở Đài Bắc và Berlin – đã nhận quyết định cấm chiếu từ Cục Điện ảnh Việt Nam.

Cùng lúc, các cơ quan chuyên trách về mảng văn hóa, văn nghệ, truyền thông ở Việt Nam như Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nắm được vấn đề rằng quản lý, kiểm soát văn hóa phẩm ở thời đại công nghệ kỹ thuật số và mạng xã hội không thể áp dụng theo kiểu cũ, như các bài trên tạp chí Tuyên giáo đã viết.

“Cơ quan chức năng quản lý văn hóa nghệ thuật cần trang bị thêm kiến thức để trong quá trình thực thi vấn đề tiền kiểm, hậu kiểm cho các cán bộ, nhân viên thực thi để vừa bảo đảm sự nghiêm túc nhưng cũng không làm triệt tiêu cảm hứng của người sáng tạo.”

“Kiểm duyệt không có nghĩa là cấm đoán gắt gao, mà còn giúp nâng cao chất lượng…” trang Tuyên giáo viết hồi tháng 8/2022.

Trong dư luận ở Việt Nam hiện có ý kiến cho rằng việc cấm đoán sẽ chỉ có hiệu ứng ngược, gián tiếp “quảng cáo” cho những tác phẩm, hoạt động văn hóa nghệ thuật mà nếu cứ để diễn ra bình thường thì công chúng sẽ biết đánh giá có thật là hay hay không.

Tác phẩm hay sẽ có sức sống với thời gian, còn tác phẩm dở sẽ bị đào thải, theo luồng dư luận này.

Pham Xuan Nguyen

PHAM XUAN TRUONG Chân dung nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Theo người trong tranh viết trên Facebook thì bức này bị cấm treo và chỉ được bạn bè ông chia sẻ hình trên mạng xã hội

Khai mạc triển lãm chân dung gò đồng của Phạm Xuân Trường

Tạ Duy Anh

 

Chỉ có thể nói đây là một triển lãm độc nhất vô nhị, của một thi sỹ, nghệ nhân tài hoa cả đời lặng lẽ làm việc.

Có hơn 180 bức chân dung được trình xin giấy phép triển lãm. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, sau khi thẩm định, chỉ đồng ý cho treo 154 bức. Trong quyết định cấp phép, những chân dung bị CẤM TREO đều được tô đậm, với dòng chữ: KHÔNG CẤP PHÉP TÁC PHẨM: CHÂN DUNG…

 Dù sao cũng xin chúc mừng tác giả và khán giả xa gần.

Chúc mừng giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Bằng quyết định đã nói, chắc chắn ông sẽ lưu danh với hậu thế.

Sau đây là danh sách 31 chân dung Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội kiên quyết loại khỏi triển lãm. (Số thứ tự lấy theo danh sách).

1-Phan Khôi

2-Hoàng Cầm

3-La Khắc Hòa

4-Tạ Duy Anh

5-Hoàng Minh Tường

6-Hoàng Quốc Hải

7-Trần Đức Thảo

8-Nguyễn Duy

9-Lê Đạt

10-Phùng Cung

11-Đỗ Hoàng

12-Phạm Lưu Vũ

13-Thái Bá Tân

14-Nguyễn Xuân Diện

15-Thái Kế Toại

16-Trần Dần

17-Phùng Quán

18-Nguyễn Quang Lập

19-Trần Huy Quang

20-Vũ Thư Hiên

21-Phạm Viết Đào

22-Nguyên Ngọc

23-Ý Nhi

24-Dương Tường

25-Bùi Chí Vinh

26-Hoàng Hưng

27-Đặng Văn Sinh

28-Trương Tửu

29-Phạm Xuân Nguyên

30-Phạm Toàn

31- Bức chân dung bốn vị Nguyễn Xuân Khánh, Phạm Toàn, Bùi Ngọc Tấn, Dương Tường.

——-

P/S: Chân dung cá nhân ông Nguyễn Xuân Khánh và Bùi Ngọc Tấn “lọt lưới” nên vẫn có trong triển lãm. Chân dung bốn ông Bùi Ngọc Tấn, Phạm Toàn, Nguyễn Xuân Khánh, Dương Tường thì bị cấm treo!

Thư ngỏ chất vấn Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội

5-12-2023

(Về việc cấm treo chân dung 31 văn nghệ sĩ trí thức trong triển lãm tranh gò đồng của tác giả Phạm Xuân Trường).

Nhiệm kỳ nhất thời, bia đời vạn đại

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập- Tự do- Hạnh phúc

Kính gửi ông Giám đốc Sở Văn hoá và Thể Thao Hà Nội,

Tôi là Dạ Thảo Phương, một công dân Việt Nam, một người quan tâm đến văn hoá nghệ thuật và cũng là một người sáng tác.

Tôi viết thư này, thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân của mình (được quy định trong Luật số 10/2022/QH15 ngày 10/11/2022 của Quốc hội), bày tỏ chính kiến cá nhân trước một sự kiện văn hoá nghệ thuật thuộc thẩm quyền của Sở Văn hoá và Thể Thao Hà Nội.

Thưa ông, mới đây, tác giả Phạm Xuân Trường có công bố việc 30/ 184 tác phẩm chân dung trí thức, văn nghệ sĩ bị Sở Văn hoá và Thể Thao Hà Nội cấm treo trong triển lãm của mình (danh sách trong 6 trang văn bản có dấu giáp lai kèm theo giấy phép số 563/GP- SVHTT cấp ngày 01/ 11/23).

Hành động này của cơ quản quản lý văn hoá của Thủ đô đang dấy lên một làn sóng phản ứng mạnh mẽ trong giới văn nghệ sĩ cũng như công chúng văn hoá nghệ thuật.

Tại đây, tôi muốn bày tỏ công khai sự phản đối của cá nhân mình trước quyết định này của Sở Văn hoá và Thể Thao Hà Nội.

Trước hết, nghệ sĩ Phạm Xuân Trường- cũng như mọi công dân khác- có quyền tự do sáng tạo và giới thiệu tác phẩm của mình tới công chúng, miễn các tác phẩm này không vi phạm pháp luật, không kích động bạo lực, không chống lại con người.

Việc cấm công bố trong triển lãm những tác phẩm lương thiện của nghệ sĩ Phạm Xuân Trường đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do sáng tạo của những người thực hành nghệ thuật, trong đó có bản thân tôi.

Đồng thời, hành động trên của Sở Văn hoá và Thể Thao Hà Nội đã ngăn trở quyền được tiếp cận nghệ thuật của công chúng, mà tôi cũng là một cá nhân dự phần.

Đây là những quyền cơ bản, phổ quát, được UNESCO cũng như luật pháp Việt Nam công nhận.

30 bức chân dung bị cấm trưng bày này có hình thức nghệ thuật nhất quán với 154 bức không bị cấm, chỉ khác về nhân vật. Vì vậy, hành động cấm đoán này không nhằm đến hình thức nghệ thuật của tác phẩm mà nhằm đến 31 cá nhân những trí thức, văn nghệ sĩ được thể hiện trong tác phẩm (Theo thứ tự trong bản danh sách nêu trên):

– Học giả- nhà thơ- nhà văn- nhà báo Phan Khôi

– Nhà thơ Hoàng Cầm

– Giáo sư- dịch giả- nhà nghiên cứu văn học La Khắc Hoà

– Nhà văn Tạ Duy Anh

– Nhà văn Hoàng Quốc Hải

– Nhà văn Hoàng Minh Tường

– Triết gia Trần Đức Thảo

– Nhà thơ Nguyễn Duy

– Nhà thơ Lê Đạt

– Nhà thơ Phùng Cung

– Nhà thơ Đỗ Hoàng

– Nhà văn Phạm Lưu Vũ

– Dịch giả- nhà thơ Thái Bá Tân

– Tiến sĩ- nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Xuân Diện

– Nhà văn Thái Kế Toại

– Nhà thơ- nhà văn Trần Dần

– Nhà thơ- nhà văn Phùng Quán

– Nhà văn- nhà báo- nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập

– Nhà văn- nhà báo Trần Huy Quang

– Nhà văn Vũ Thư Hiên

– Nhà thơ Phạm Viết Đào

– Nhà văn- nhà văn hoá Nguyên Ngọc

– Nhà thơ Ý Nhi

– Nhà thơ- dịch giả Dương Tường

– Nhà thơ Bùi Chí Vinh

– Nhà thơ- nhà báo- dịch giả Hoàng Hưng

– Nhà văn Đặng Văn Sinh

– Nhà văn Trương Tửu

– Nhà văn- nhà lý luận phê bình- dịch giả Phạm Xuân Nguyên

– Nhà văn Xuân Khánh

– Nhà văn Bùi Ngọc Tấn

– Nhà văn- nhà giáo- nhà nghiên cứu giáo dục Phạm Toàn

Hành động của Sở Văn hoá và Thể Thao Hà Nội đã xúc phạm công khai, nghiêm trọng đến di sản tri thức của cả dân tộc. Vì, nhiều người trong số những cá nhân này là những trí thức, văn nghệ sĩ có đóng góp to lớn, quan trọng trong nhiều thời kỳ khác nhau của lịch sử văn hoá nghệ thuật Việt Nam.

Không ít người trong số các vị này được chính Nhà nước hoặc các tổ chức của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn vinh bằng những giải thưởng lớn như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, v.v… Không ít người có tác phẩm được giảng dạy trong trường phổ thông, trường đại học. Có người đã mất được lấy tên đặt cho đường phố. Những người đang sống vẫn tiếp tục lao động, cống hiến, không vi phạm pháp luật. Điều này chứng tỏ lệnh cấm của Sở Văn hoá và Thể Thao Hà Nội vừa sai trái về mặt pháp luật, vừa thiếu hiểu biết về mặt văn hoá, thậm chí nó còn tuỳ tiện đến mức khó hiểu vì thiếu nhất quán về mặt chính trị với không ít chính các quyết định cấp cao trước đó của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tạp chí Tuyên giáo của ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 1. 12. 2021 đã tuyên bố: “Từ quan niệm “tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc” thể hiện trong Nghị quyết 23-NQ/TW (2008) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, toàn bộ hệ thống chính trị và cơ quan chuyên trách ở Việt Nam luôn trân trọng, khẳng định, bảo vệ đóng góp của các nghệ sĩ với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước”.

Hành động trên của Sở Văn hoá và Thể Thao Hà Nội đã đi ngược lại với phát ngôn này.

Là một công dân thuộc thế hệ sau, cá nhân tôi mang ơn sâu sắc những đóng góp cho xã hội của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ là nhân vật trong những bức chân dung các ông cấm triển lãm. Có những người tôi chỉ được đọc qua trang sách từ khi ngồi ghế trường phổ thông hoặc giảng đường đại học. Không ít người tôi có may mắn từng được gặp, được giao tiếp trong quá trình làm việc, tôi biết ơn những biểu hiện tài năng, tri thức, nhân cách và tinh thần phụng sự đất nước của họ.

Tôi tin rằng, bất cứ người Việt Nam nào có tình yêu tri thức, có quan tâm tha thiết tới văn hoá nghệ thuật, có hiểu biết về pháp luật, có ý thức về lòng biết ơn và về sự tự trọng trong tư tưởng đều đau xót, phẫn nộ trước những hành động cấm đoán tuỳ tiện, thiếu hiểu biết như quyết định vừa rồi của Sở Văn hoá và Thể Thao Hà Nội.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam- đã viết: “Nỗi buồn và sự thất vọng thuộc về nhân dân khi họ nghĩ đến quyết định của các cơ quan chức năng Hà Nội đối với triển lãm này”.

Kính thưa ông Giám đốc Sở Văn hoá và Thể Thao Hà Nội,

với các quyền công dân được quy định trong pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi đề nghị ông, ngay lập tức, một cách công khai và chính thức, thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý văn hoá đã có quyết định sai pháp luật, phản văn hoá, trái lòng dân này. Ông hãy có văn bản công khai, chính thức giải thích về quyết định trên của Sở, xin lỗi nghệ sĩ Phạm Xuân Trường, xin lỗi những trí thức, văn nghệ sĩ liên quan, xin lỗi công chúng, đồng thời có hành động thiết thực, kịp thời chuộc lại quyết định sai lầm này. Tôi tin rằng, một thái độ hợp lẽ, có trách nhiệm và có văn hoá như vậy sẽ được ghi nhận, hoan nghênh, tôn trọng.

Nhiệm kỳ nhất thời, bia đời vạn đại, thưa ông.

Kính chúc ông mạnh khoẻ, tinh tấn, có những quyết định sáng suốt trong nhiệm kỳ của mình với tư cách là người đứng đầu cơ quan quản lý văn hoá của thủ đô Hà Nội.

Nicosia, 5.12.2023

Kính thư,

Dạ Thảo Phương

Khi bạn có rất nhiều quyền…

 

7-12-2023

Chân dung nhà thơ Walt Whitman, bên cạnh là chân dung tác giả Tạ Duy Anh, đều gò đồng. Bên dưới là chân dung sơn dầu nhân vật quyền lực nhất nhà tôi. Nguồn: Tạ Duy Anh

(Nhân kết thúc triển lãm của Phạm Xuân Trường)

Không gian mạng xã hội cho mỗi chúng ta những cơ hội về thông tin to lớn, để hiểu thế giới và quan trọng nhất, ý thức về quyền của mình.

Nhưng mọi thứ đều có giới hạn. Vì thế, để không vượt rào lấn sang quyền của người khác, tốt nhất là mọi phát biểu, mọi nhận định, nên chỉ giới hạn trên tư cách cá nhân.

Việc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đưa ra quyết định phản văn hóa một cách không thể biện hộ, về triển lãm tranh gò đồng chân dung của thi sĩ, nghệ nhân Phạm Xuân Trường, hóa ra lại cho cộng đồng cơ hội vàng, để thấy phần tư cách nhem nhuốc của cái gọi là “giới trí thức”. Từ một việc đáng lên án vì nó phạm tới quyền hợp pháp của tất cả mọi người, cần một tiếng nói phản đối mạnh mẽ và nhất quán, nó bị lái sang chuyện thị phi cá nhân, nhuốm mầu đố kị, ghen ghét, hạ nhục người khác, làm tổn thương không chỉ tác giả Phạm Xuân Trường.

Bạn có quyền im lặng trước sai trái, bởi bạn có lý do của riêng bạn không dễ chia sẻ.

Bạn có quyền chê bôi người khác, thích hay không thích thứ gì đó là quyền bất khả xâm phạm của bạn và phải được tôn trọng.

Bạn có quyền lôi kéo mọi người ủng hộ quan điểm của mình, nếu bạn có khả năng và điều đó không gây tổn hại đến cá nhân hoặc nhóm người nào đó.

Bạn có rất nhiều quyền. Nhưng quyền ngăn cản người khác khi họ thực hiện quyền hợp pháp và chính đáng của họ, thì bạn không có.

Đầu tiên tôi thấy buồn, sau đó buồn cười và cuối cùng thương hại ý kiến đòi CẤM tác giả Phạm Xuân Trường triển lãm tranh gò đồng, vì theo họ, nó quá xấu!

Chưa kể chuyện xấu, đẹp vốn khó phán xét, kể cả khi bạn tự thấy mình rất tài giỏi trong thẩm định, thì mong bạn nhớ: Cũng rất nhiều người giỏi ngang bạn, thậm chí hơn bạn, không thấy nó xấu như bạn thấy.

Nhưng, và đây là vấn đề lớn về nguyên tắc pháp quyền: Bạn lấy tư cách gì để CẤM người khác?

Xin kể lại chuyện này.

Lần đó một nhà thơ già lò dò đến cảm ơn tôi, chủ yếu để ông khoe cuốn sách của ông do tôi biên tập được cái ban bệ gì đó trao giải thưởng.

Với tôi cái giải thưởng đó không hơn gì một thứ rác rưởi. Nhưng tôi đủ tỉnh táo để hiểu rằng nó chỉ là rác rưởi với tôi, còn với ông nhà thơ kia rất có thể nó hơn cả vàng. Vì nhờ nó, hồ sơ xin giải thưởng lớn của ông sẽ đẹp hơn, nặng cân hơn; nhờ nó mà ông hạnh phúc.

Vì ý thức rõ ràng như vậy, rằng mình không có quyền đưa ra định giá, mình có thể sai, cực đoan, thậm chí đố kị, nên tôi vẫn thành thật chúc mừng ông.

“Văn chương, nghệ thuật để ta thưởng thức, chứ không phải để chê mắng”.

Ý kiến trên là của Lê Quý Đôn và phải khi trưởng thành, tôi cũng mới nhận ra nó đáng để mình ghi nhớ.

Không thích, không có nghĩa là nó không hay, không được, không đáng tồn tại!

Quản lý văn hoá theo kiểu ‘Tao không thích thì tao… cấm!’

 


Khai mạc triển lãm chân dung gò đồng của Phạm Xuân Trường. Có 31 tác phẩm bị cấm. (Hình: Tạ Duy Anh/Vanviet.info)

Khai mạc triển lãm chân dung gò đồng của Phạm Xuân Trường. Có 31 tác phẩm bị cấm. (Hình: Tạ Duy Anh/Vanviet.info)

Hiếm có minh họa nào cho dân chủ XHCN, cho thiện chí hòa hợp – hòa giải, cho mời gọi góp ý xây dựng chính quyền rõ như thế này.

Ông Thái Kế Toại, 75 tuổi, Đại tá, cựu Trưởng phòng An ninh văn hóa Cục A25 của Bộ Công an, cựu Giám đốc Điện ảnh Công an, cựu Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Hà Nội vừa công bố thư khiếu nại mà ông mới gửi ba người: Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội, Giám đốc Công an Hà Nội, Cục trưởng Cục A03 của Bộ Công an. Nội dung chính thế này:

Mấy ngày qua tôi có đọc được tin tức trên mạng về việc Sở cấm triển lãm của ông Phạm Xuân Trường tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không được treo 31 bức tranh chân dung gò đồng các trí thức, văn nghệ sỹ trong đó có tranh chân dung tôi. Vậy có phải danh sách đó do Sở Văn hóa- Thể thao Hà Nội quyết định hay không? Nếu đúng là quyết định của Sở thì các ông dựa trên văn bản, quy định pháp luật nào liên quan đến 29 ông trí thức, văn nghệ sỹ và cá nhân tôi? Nếu các ông cấm treo tranh chân dung tôi thì đó là sự xâm phạm nhân phẩm, quyền cá nhân của tôi và vi phạm pháp luật nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các ông sẽ xử lý sự việc thế nào? Xin đề nghị ông Giám đốc Công an Hà Nội, ông Cục trưởng Cục A03 Bộ Công an xem xét điều tra sự việc, xử lý những vi phạm pháp luật theo mức độ nặng nhẹ. Mong các ông hồi âm cho cá nhân tôi và công luận. Cám ơn sự quan tâm và công tâm của các ông (1).

Dường như ông Toại là người đầu tiên “có liên quan” đến scandal Tranh TREO’ khiếu nại chuyện Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cấm trưng bày tranh chân dung của một số cá nhân mà cả đương sự (nghệ sĩ tổ chức triển lãm tác phẩm), người “có liên quan” (văn nghệ sĩ được nghệ sĩ chọn – thể hiện chân dung và mang ra trưng bày) lẫn công chúng không ai biết vì sao lại thế.

***

Phạm Xuân Trường là một nhà thơ ngụ tại Hải Phòng. Ông không chỉ nổi tiếng về thơ mà còn nổi tiếng vì dùng các lá đồng để tạo ra tranh – tranh gò đồng. Ngày 2/12/2023, Phạm Xuân Trường tổ chức triển lãm lần thứ hai 184 tấm tranh gò đồng của ông tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội. Đây là lần thứ hai Phạm Xuân Trường tổ chức triển lãm những tấm tranh gò đồng của ông (lần đầu cách nay năm năm – 11/2018 – tại Hải Phòng).

Trong 184 tấm tranh gò đồng mà ông Phạm Xuân Trường mang đến Hà Nội để thực hiện triển lãm “Chân dung các văn nghệ sĩ” có 31 tấm bị Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội cấm treo. Lệnh cấm được thể hiện trên Danh sách tác phẩm đính kèm Giấy phép triển lãm, mỹ thuật số 563/GP-SVHTT mà Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cấp ngày 1/11/2023 bằng dòng chữ: KHÔNG CẤP PHÉP TÁC PHẨM (2)

Những người mà Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội không cho ông Phạm Xuân Trường giới thiệu chân dung của họ tại triển lãm của ông gồm: Phan Khôi. Hoàng Cầm. La Khắc Hòa. Tạ Duy Anh. Hoàng Quốc Hải. Hoàng Minh Tường. Trần Đức Thảo. Nguyễn Duy. Lê Đạt. Phùng Cung. Đỗ Hoàng. Phạm Lưu Vũ. Thái Bá Tân. Nguyễn Xuân Diện. Thái Kế Toại. Trần Dần. Phùng Quán. Nguyễn Quang Lập. Trần Huy Quang. Vũ Thư Hiên. Phạm Viết Đào. Nguyên Ngọc. Ý Nhi. Dương Tường. Bùi Chí Vinh. Hoàng Hưng. Đặng Văn Sinh. Trương Tửu. Phạm Xuân Nguyên và bốn người cùng góp mặt trong một tấm tranh gò đồng là Nguyễn Xuân Khánh, Phạm Toàn, Bùi Ngọc Tấn, Dương Tường.

Một số trong số những nhân vật vừa kể đã từng bị cáo buộc là lợi dụng văn hóa, văn nghệ để tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hồi cuối thập niên 1950 ở miền Bắc Việt Nam – “phong trào Nhân văn Giai phẩm”. Một số đã từng bị nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tống giam. Một số đã từng hoặc vẫn còn đang lên tiếng chỉ trích về những điều trái tai, gai mắt.

Tuy nhiên cần lưu ý là trong số những nhân vật mà Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội cấm ông Phạm Xuân Trường trưng bày tác phẩm thể hiện chân dung của họ, có nhiều người đã được chiêu tuyết rồi được trao các giải thưởng quốc gia mà chính quyền Cộng hòa XHCN Việt Nam xác định là cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh (trường hợp Triết gia Trần Đức Thảo – Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000), Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (trường hợp các ông Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm,…), hoặc được tôn vinh bằng những giải không kém phần quan trọng như Giải Thành tựu văn học trọn đời (trường hợp ông Hoàng Quốc Hải)…

Thế thì tại sao Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội lại xử sự như vậy? Quyết định của Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội chính là minh họa cho chuyện: Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam cho phép các viên chức hữu trách sử dụng công quyền theo kiểu… “mày, tao”, bất kỳ ai cũng là… “mày” nên các quyền hiến định dành cho công dân chỉ tồn tại trên giấy, “tao” không thích thì “tao” cấm.

Chiêu tuyết bằng các giải thưởng, bằng việc dùng tên để đặt cho một hay một số con đường nào đó chỉ là… động tác kỹ thuật. Sự nghi kỵ, thậm chí thù hằn vô lối vẫn còn nguyên và đó có thể là lý do ông Thái Kế Toại – người góp phần đáng kể vào việc giải oan cho các thành viên “Nhân văn Giai phẩm” cũng trở thành kẻ đắc tội với hệ thống nên không được phép góp mặt.

Hiếm có minh họa nào cho dân chủ XHCN, cho thiện chí hòa hợp – hòa giải, cho mời gọi góp ý xây dựng chính quyền rõ như thế này. Đừng nghĩ đó là lỗi nhận thức của Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội nói chung, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội nói riêng. Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội chỉ có thể ngang nhiên biểu diễn sự thô bạo như vậy sau khi đã tham khảo ý kiến của những ngành khác như tuyên giáo, công an. Ở lần triển lãm tranh gò đồng đầu tiên vào năm 2018 tại Hải Phòng, Sở Văn hóa – Thể thao Hải Phòng cũng cấm ông Phạm Xuân Trường treo 8 trong 108 tác phẩm của ông (3). Không có chủ trương, không ai dám làm và làm một cách nhất quán như thế.

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/thai.k.toai/posts/pfbid0Kj2qAZu2nyu3xvP3eRKqHyKYxaktwECPhEcYVeXmZqbWi2cMwyzVj7mu43UH66F9l

(2) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02aB7LmrUTWS2qWAUvXcBR8mYJ19SX1HVsGLjWbFskXGsZGrWU6Uw2PBTqT727VYNFl&id=1160946631

(3) http://trannhuong.net/tin-tuc-56602/tai-sao-ha-noi-khong-cho-treo-tranh-.vhtm