Một nhà hoạt động H’mong bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ sau khi tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền

Ông Lù A Da trong chương trình vận động nhân quyền. Đề án Dân quyền

 

 Một nhà hoạt động nhân quyền và tự do tôn giáo thuộc sắc tộc H’mong, đã bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ ở nhà trọ gần thủ đô Bangkok, hơn một tuần sau khi lên tiếng tố cáo sự đàn áp của chính quyền Việt Nam đối với cộng đồng của mình.

Ông Lù A Da, nhóm trưởng của tổ chức xã hội dân sự có tên Liên minh Nhân quyền Người H’mong (Hmong Human Rights Coalition), cùng vợ con trốn sang Thái Lan để xin tị nạn từ năm 2020, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa được Cao uỷ tị nạn của Liên Hiệp Quốc cấp quy chế.

Ông bị cảnh sát bắt giữ vào chiều muộn ngày 07/12 và hiện đang bị giam ở một đồn cảnh sát của Thái Lan.

Trong ngày 29/11 vừa qua, trước phiên rà soát Nhà nước Việt Nam về việc thực thi Công ước Quốc tế Xóa bỏ Mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc, ông Lù A Da đã xuất hiện và phát biểu về sự đàn áp một cách có hệ thống đối với cộng đồng người H’mong ở Việt Nam trong một chương trình vận động của tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Mỹ mang tên Ủy ban Cứu người Vượt biển (BPSOS).

Trong video phát biểu, ông Lù A Da cho biết hàng chục ngàn người H’mông ở Việt Nam không được cấp giấy tờ tùy thân, giấy khai sinh, và giấy chứng nhận kết hôn. Hệ quả là trẻ em không được đi học, người lớn không thể đi làm, còn người già không được hưởng các chính sách hỗ trợ về sức khỏe như người Kinh.

Bà Giàng Thị A, vợ của ông Lù A Da, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết về tình cảnh của chồng trong ngày 13/12:

Hôm thứ năm anh với con đang rửa xe thì có hai cảnh sát đến bắt anh đi. Anh đang bị nhốt ở một trạm cảnh sát. Nếu mình nộp phạt 10.000 baht (tiền tệ Thái Lan) thì họ chuyển vào IDC.”

Bà cho biết số tiền trên là mức phạt hành chính áp dụng đối với chồng bà vì nhập cảnh trái phép vào Thái Lan từ ba năm trước. Nếu không nộp số tiền trên, chồng bà sẽ bị giam 20 ngày ở đồn cảnh sát trước khi bị chuyển đi Trung tâm giam giữ người nhập cư bất hợp pháp của Thái Lan (IDC- PV).

Sau vụ việc, bà liên lạc với Trung tâm trợ giúp người tị nạn (Center for Asylum Protection- CAP) ở thủ đô Bangkok để kiếm tìm sự trợ giúp. Đây là tổ chức giúp gia đình bà làm hồ sơ xin tị nạn gửi Văn phòng của Cao uỷ về Người tị nạn của LHQ (UNHCR) ở Thái Lan trước đó.

Bà chia sẻ thêm:

“Hôm qua luật sư bảo là hôm nay luật sư mang tiền đi trả cho chồng thì hôm nay có thể cảnh sát sẽ đưa (chồng tôi) sang IDC ngay. Sau khi được chuyển đi sang IDC rồi thì luật sư sẽ nói chuyện với cảnh sát Thái (để xem) họ sẽ cần bao nhiêu tiền (tiền bảo lãnh để được tại ngoại- PV) để trả cho anh ấy để được tự do.”

Phóng viên liên lạc với văn phòng CAP hôm 13/12 và được người đứng đầu cơ quan này cho biết họ đang phối hợp với Văn phòng UNHCR để trợ giúp trường hợp của ông Lù A Da, nhưng từ chối trả lời chi tiết.

Vị luật sư này cũng cho biết thêm về nguyên tắc, những người đã được UNHCR cấp quy chế tị nạn và cả những người đang xin quy chế cũng có thể được phóng thích khỏi IDC nếu trả số tiền bảo lãnh tại ngoại 50.000 baht (gần 34 triệu đồng) cho phía Thái Lan.

Theo bà Giàng Thị A, gia đình bà đến Thái từ năm 2020 và đã nộp hồ sơ xin quy chế tị nạn lên Cao uỷ tị nạn nhưng bị từ chối một lần. Vào tháng ba vừa qua, gia đình đã kháng cáo và được phỏng vấn lần hai vào tháng 9 vừa qua nhưng chưa nhận được kết quả.

Phóng viên gửi email cho Văn phòng UNHCR ở Bangkok để hỏi về trường hợp của ông Lù A Da nhưng cơ quan này từ chối cung cấp thông tin với lý do “không cung cấp thông tin cá nhân” của người nạp hồ sơ xin tị nạn cho cơ quan này.

Phóng viên cũng gửi email cho Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan hôm 13/12 để hỏi về trường hợp này nhưng chưa lập tức nhận được câu trả lời.

Nếu không được trợ giúp kịp thời, ông Lù A Da và gia đình có thể bị trục xuất về Việt Nam vì họ chưa được LHQ công nhận là người tị nạn. Con gái đầu của ông mới chín tuổi và con thứ hai mới bốn tháng tuổi.

Ông Lù A Da là người truyền đạo thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc sống ở bản Sàn Phàng Thấp, xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Tuy nhiên, ông bị ngăn cản trong việc thực hành quyền tự do tôn giáo nên đưa cả gia đình trốn sang Thái Lan.

Liên minh Nhân quyền Người H’mong là tổ chức đấu tranh về nhân quyền và thu thập các bằng chứng về vấn đề kỳ thị một cách có hệ thống của nhà nước Việt Nam với người H’mong, đặc biệt về ngôn ngữ, tôn giáo, đất đai, và giấy tờ tùy thân ở Tây Nguyên và Tây Bắc.

Theo tổ chức này, do bị đàn áp tôn giáo và bị phân biệt đối xử ở Việt Nam nên hiện có khoảng 1.000 người H’mong đã đào thoát sang Thái Lan xin tị nạn.

Ngoài ra, còn có hơn 1.500 người Thượng ở Tây Nguyên cũng đang sống ở quốc gia này, hàng trăm người trong số họ vẫn chưa được cấp quy chế tị nạn.

Vì Thái Lan chưa ký vào Công ước về Người tị nạn nên những người tị nạn Việt Nam có nguy cơ bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ mọi lúc mọi nơi. Họ không được quyền đi làm mà chỉ có thể lao động chui với thù lao rẻ mạt.

Cuối tháng trước, cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ 11 người Thượng tị nạn trong một chiến dịch truy quét của lực lượng này. Những người này hiện đang bị giam ở IDC. Hai trong số họ chưa được UNHCR cấp quy chế tị nạn.

 

RFA (13.12.2023)

 

 

 

 

Facebook Phan Thị Thanh Nhã bị tuyên án sáu năm tù với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”

Bà Phan Thị Thanh Nhã tại Tòa án Nhân dân tỉnh Tiền Giang ngày 12/12/2023. Báo Ấp Bắc

 

Bà Phan Thị Thanh Nhã, 39 tuổi, ngụ xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang vào ngày 12/12 bị tòa tỉnh này đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên án sáu năm tù với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

 

Bà Phan Thị Thanh Nhã bị Công an tỉnh Tiền Giang bắt ngày 17/3/2023 với cáo buộc như vừa nêu.

 

Cáo trạng cho rằng từ cuối năm 2018 bà Nhã dùng tài khoản Facebook cá nhân theo dõi nhiều bài viết của người khác mà bị cho có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Bên cạnh đó, bà Nhã còn bị cho đã tham gia tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời (CPQGVNLT), trụ sở tại bàng California, Hoa Kỳ do ông Đào Minh Quân trong cương vị tổng thống.

 

Cụ thể, vào tháng 9/2020, bà Nhã được bà Phan Thị Thảo, sinh năm 1957, ngụ tổ dân phố 8, thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai hướng dẫn làm hồ sơ tham gia tổ chức CPLTQGVN. Vào đầu năm 2021, bà Nhã được công nhận là thành viên chính thức của tổ chức này.

 

Theo Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) thuộc Công an tỉnh Tiền Giang,  sau khi tham gia tổ chức CPLTQGVN, bà Nhã đã đăng và chia sẻ trên tài khoản Facebook cá nhân 25 bài viết và video clip. Những bài viết và video clip đó bị cho có nội dung “xuyên tạc, bịa đặt, xúc phạm lãnh đạo, Đảng, Nhà nước Việt Nam và kêu gọi người khác cùng tham gia tổ chức CPQGVNLT.”

 

Trước đó, vào tháng 4/2022, Công an thị xã Cai Lậy đã xử phạt hành chính bà Nhã với lý do thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

 

RFA (12.12.2023)

 

 

 

 

 

Cuộc giải phóng vườn rau Lộc Hưng

 

Linh mục Đặng Hữu Nam  

 

Nhiều luật sư nghiên cứu hồ sơ pháp lý của vụ Vườn rau Lộc Hưng nói chính quyền đã “sai ngay từ đầu” khi thực hiện cưỡng chế lấy đất vào tháng 1/2019 mà không có Quyết định thu hồi đất, Quyết định cưỡng chế và Thông báo cưỡng chế theo quy định của luật pháp Việt Nam.

 

Đại diện của hàng trăm hộ dân bị cưỡng chế lấy đất ở khu vực Vườn rau Lộc Hưng cho biết chính quyền quận Tân Bình, TPHCM, hôm 7/12 đã đưa rất đông lực lượng đến bao vây và làm hàng rào xung quanh khu vực, trong khi một văn bản của trung ương trước đây đã yêu cầu chính quyền địa phương “giữ nguyên hiện trạng khu đất, không tiến hành xây dựng, rào chắn” trong thời gian người dân khiếu kiện và chưa được giải quyết.

 

“5 giờ sáng họ đưa lực lượng tới trường học ngay đó rồi. Lực lượng họ đưa về rất đông, 4 xe cơ động. Họ chở từ Lý Thường Kiệt vào đường Bắc Hải và họ bố ráp. Đưa đầy đủ lực lượng đến thì họ bắt đầu rào, phong toả hết, rào từ đường Chấn Hưng vào tới trong đường Hưng Hoá, và tiếp tục trong đây một tốp nữa họ rào xung quanh đài Đức Mẹ”, ông Cao Hà Chánh, đại diện của hàng trăm hộ dân bị cưỡng chế lấy đất ở Vườn rau Lộc Hưng, kể lại với VOA.

 

Động thái “mạnh tay” mới nhất của chính quyền quận Tân Bình diễn ra sau gần 5 năm khu vực này bị bất ngờ cưỡng chế vào tháng 1/2019. Khoảng 500 ngôi nhà và tài sản của người dân đã bị phá huỷ, toàn bộ cư dân ở đây bị trục xuất ra khỏi khu vực. Theo thống kê của dân Vườn rau Lộc Hưng, tổng giá trị thiệt hại về nhà và tài sản của họ lên đến trên 100 tỷ đồng.

 

Suốt những năm qua, hàng trăm hộ dân ở đây, với sự trợ giúp pháp lý của rất nhiều luật sư, đã đi gõ cửa khiếu nại khắp nơi, lên tận trung ương, nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết

 

“Trong thời gian công dân đang thực hiện quyền khiếu nại và chờ các cơ quan chức năng giải quyết, đề nghị giữ nguyên hiện trạng khu đất, không tiến hành xây dựng, rào chắn khu Vườn rau Lộc Hưng”, một văn bản của Ban Tiếp dân Trung ương, thuộc Thanh tra Chính phủ, vào ngày 19/2/2019 viết. Ban này trong văn bản cho biết thêm đã chuyển đơn đến Chủ tịch UBND TPHCM “để chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức tiếp xúc, đối thoại, giải quyết dứt điểm, trả lời công dân”.

 

Đài VOA đã gọi vào đường dây nóng của UBND quận Tân Bình để xác minh thông tin nhưng nhận được câu trả lời tự động “số máy quý khách vừa gọi không có thực”, yêu cầu gọi đến một số điện thoại khác. Tuy nhiên, số điện thoại được cung cấp tự động này không có ai bắt máy.

 

Ông Hà Cao Chánh cho biết kể từ sau khi cưỡng chế lấy đất, quận Tân Bình đã thuê người từ một công ty bảo vệ đến làm 3 chốt bảo vệ khu vực. Nhưng sau một thời gian làm việc tại đây, những người bảo vệ và bà con Vườn rau Lộc Hưng đã trở nên “rất thân thiện”, vẫn theo lời ông Chánh. Các hộ dân bị mất đất (đa phần là người Công giáo) vẫn tập trung đọc kinh mỗi tối và thỉnh thoảng vẫn ra vô khu đất để lấy lá xông hay những thứ cần thiết.

 

“Hỗ trợ”, không “bồi thường”

Luật sư Minh Thọ, một thành viên trong nhóm luật sư nhận hỗ trợ pháp lý cho người dân Vườn rau Lộc Hưng, cho VOA biết diễn tiến mới nhất của quá trình khiếu kiện khiếu nại kéo dài gần 5 năm của người dân.

 

“Gần đây nhất, tôi cùng với anh Chánh và một số bà con lên trụ sở tiếp công dân của UBND thành phố để tiếp tục gửi đơn kiến nghị về vấn đề mà UBND quận Tân Bình niêm yết giá bồi thường, mà họ nói là giá hỗ trợ chứ không phải là giá bồi thường, vì họ cho rằng đây là đất chiếm. Chưa nhận được kết quả gì thì hôm nay nghe tin anh Chánh nói là chính quyền họ đưa lực lượng xuống để rào khu đất đấy”, LS. Minh Thọ nói với VOA.

 

Người dân Vườn rau Lộc Hưng cho biết trước đó vào ngày 12/11/2023, một số hộ dân nhận được bản “Dự thảo phương án hỗ trợ” cho dự án xây dựng cụm trường học trên khu đất Vườn rau Lộc Hưng và phương án hỗ trợ về đất với giá hỗ trợ là 11.250.000 đồng/m2, mức giá được cho biết rất cách biệt và thấp hơn rất nhiều lần so với mức bồi thường theo giá thị trường. Do nằm gần trung tâm thành phố nên giá trị hiện nay của khu đất này rất cao, lên đến hàng trăm triệu đồng/m2.

 

“Cách đây hơn một tháng, họ đi đến từng hộ dân, vừa hù doạ vừa thực hiện việc quay phim để báo cáo không đúng. Những người già khi họ tới họ đưa giấy tờ để ký vô, khi ký vô thì họ quay phim chụp hình và đưa lên trên phường là những hộ này đã cam kết đồng ý”, ông Chánh cho VOA biết.

 

Trong một đoạn video những người dân Vườn rau Lộc Hưng phỏng vấn một cụ bà gần 80 tuổi được cho là đã ký nhận “tiền hỗ trợ”, bà cụ nói bà không biết gì cả và “họ nói gì thì biết vậy”.

 

Cho đến nay, mới chỉ có một số ít người, mà theo lời ông Hà Cao Chánh là đã “quá cực khổ rồi” nên nhận “tiền hỗ trợ”, còn lại 90 hộ (trong số hơn 100 hộ bị cưỡng chế đất) vẫn không đồng ý nhận số tiền trên.

 

“Bà con tinh thần rất cao, hướng tới đây là sẽ không kiến nghị khiếu nại nữa mà sẽ thực hiện quyền của mình là tố cáo khẩn cấp”, ông Hà Cao Chánh cho biết thêm sau khi chính quyền đưa lực lượng đến bao vây và rào khu đất.

 

Đủ điều kiện được cấp quyền sử dụng đất

Theo hồ sơ pháp lý, khu đất Vườn Rau Lộc Hưng với diện tích khoảng 4,8 ha, trước năm 1954 là thuộc quyền sở hữu của Hội đồng quản trị Công giáo Sài Gòn (nay là Tòa Tổng giám mục Sài Gòn). Việc sở hữu đất có tài liệu thể hiện và chính quyền thành phố thừa nhận.

 

Năm 1954, nhiều gia đình từ Bắc di cư vào Nam. Tòa Tổng giám mục Sài Gòn đã cho vài chục hộ dân cất nhà sinh sống tại đây dưới hình thức cho thuê đất hoặc cho ở nhờ. Năm

 

1955, quân đội Pháp xây dựng trên khu đất “Đài phát tuyến Chí Hòa” và cho phép người dân sống dọc hàng rào phía Tây được “trồng trọt xung quanh nơi các trụ anten, với điều kiện thỏa thuận trước với chủ đất là Hội truyền giáo công giáo và với những người khai thác đầu tiên”.

 

Sau năm 1975, người dân vẫn tiếp tục trồng rau bình thường ở khu đất nay thuộc phường 7, quận Tân Bình. Năm 1976, các hộ có trồng rau tại đây đã được UBND phường 7 xác nhận việc có sử dụng đất. Nội dung xác nhận ghi rõ tên chủ hộ, diện tích đất đang sử dụng. Trong thời gian từ 1976 – 1999, các hộ dân trồng rau tại đây vẫn đóng thuế cho việc sử dụng khu đất liên tục nhiều năm.

 

Tuy nhiên, sau đó chính quyền không nhận tiền thuế người dân đóng nữa. Các kiến nghị xin cấp quyền sử dụng đất của người dân không được giải quyết, và việc tiến hành cưỡng chế lấy đất đã diễn ra từ ngày 4/1-8/1/2019.

 

Theo LS. Minh Thọ, theo luật Việt Nam, người dân ở Vườn rau Lộc Hưng có đủ điều kiện để được cấp quyền sử dụng đất.

 

“Quan trọng nhất là chính quyền phải làm rõ là đất bà con Vườn rau Lộc Hưng đã chiếm hữu, quản lý và sử dụng từ những năm trước 1975. Chúng tôi phân tích, lập luận là bà con đủ điều kiện để được cấp quyền sử dụng đất, nhưng chính quyền đã không thực hiện việc đó thì cái này là lỗi của chính quyền. Còn xét các điều kiện thì xem xét hồ sơ chúng tôi thấy bà con đủ điều kiện”, LS. Minh Thọ nói.

 

Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn trong các văn bản gửi chính quyền thời gian qua đều khẳng định không có cơ sở pháp lý nào xác định khu đất Vườn rau Lộc Hưng là “đất công”, luận điểm mà chính quyền đưa ra để thực hiện việc cưỡng chế.

 

Minh Thọ cho biết nhóm luật sư đã nhiều lần nêu rõ sự cần thiết phải xác định và cấp quyền sử dụng đất cho người dân để có những bước giải quyết tiếp theo một cách thoả đáng cho những thiệt hại của người dân theo quy định luật pháp. Theo đó, thiệt hại của người dân phải bồi thường theo giá thị trường chứ không phải “hỗ trợ” theo kiểu “tuỳ lòng hảo tâm” của chính quyền.

 

“Theo tôi, đây là việc gây tác động không tốt, như tôi đã nói trong buổi chính quyền quận Tân Bình tiếp dân, rằng tôi nghĩ việc này tác động rất xấu đến uy tín của chính quyền bởi vì ngay từ lúc cưỡng chế đất là đã không đúng pháp luật rồi, cụ thể là không có một quyết định cưỡng chế nào, mà chính quyền thì cứ tiến hành. Theo hồ sơ chúng tôi nghiên cứu thì chúng tôi thấy nó không đúng trình tự pháp luật”, LS. Minh Thọ nói.

 

Ông cho biết các luật sư nhận giúp pháp lý cho bà con Vườn rau Lộc Hưng vẫn luôn phải động viên họ phải kiên trì đấu tranh pháp lý và kiềm chế, không để vì phẫn nộ mà dẫn đến hành động trái pháp luật.

 

“Cái khó nhất của việc đấu tranh pháp lý này là khi người dân, luật sư gửi đơn thì chính quyền thành phố chuyển xuống lại quận, tức là cứ chuyển đi chuyển lại mà không có một hành động giải quyết cụ thể nào để làm rõ vấn đề”.

 

“Tôi cũng có kiến nghị tổ chức cuộc đối thoại, chính quyền quận Tân Bình cũng mở một cuộc, nhưng không phải là đối thoại, mà là tiếp công dân. Trong cuộc (tiếp dân) đấy thì cũng chỉ nghe dân nói thế thôi, rồi từ đó không có một cuộc nào nữa, cứ lặng im cho đến hôm nay thì chính quyền đưa lực lượng đến rào khu đất đó”.

 

Nhiều luật sư nghiên cứu hồ sơ pháp lý của vụ Vườn rau Lộc Hưng nói chính quyền đã “sai ngay từ đầu” khi thực hiện cưỡng chế lấy đất vào tháng 1/2019 mà không có Quyết định thu hồi đất, Quyết định cưỡng chế và Thông báo cưỡng chế theo quy định của luật pháp Việt Nam.

VNTB (12.12.2023)

 

 

 

 

 

RSF lên án Việt Nam bỏ tù nhà bình luận chính bị quy tội ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’

Blogger Lê Minh Thể bị chính quyền kết án tù lần thứ 2 hôm 6/12 với cùng tội danh như trước đây theo điều 331 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.

 

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) chỉ trích Việt Nam vì đã kết án tù nhiều năm ông Lê Minh Thể, một nhà bình luận chính trị từng đăng tải các bài viết về ô nhiễm và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, với tội danh thường được chính quyền dùng để đàn áp giới bất đồng chính kiến.

Ông Thể bị một tòa án ở Cần Thơ tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” hôm 6/12 , trong một phiên tòa không có luật sư bào chữa vì, theo gia đình, Facebooker này “không tin vào công lý” ở Việt Nam.

Đây là lần thứ hai ông Thể bị tuyên án tù và với cùng cáo buộc theo điều 331 của Bộ Luật hình sự Việt Nam, mà theo RSF là “một quy định vô lý được sử dụng rộng rãi để bức hại các nhà báo”.

“Ông Lê Minh Thể chỉ phục vụ lợi ích cộng đồng bằng các bình luận về các vấn đề môi trường và quốc tế của đất nước mình, và lẽ ra không bao giờ đáng bị tạm giam chứ đừng nói đến việc bị đưa trở lại sau song sắt”, Giám đốc Văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương của RSF, ông Cedric Alviani, nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 11/12.

Ông Thể bị bắt vào tháng 2 năm nay sau khi đăng các bài viết tập trung vào ô nhiễm môi trường và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trên mạng xã hội.

Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, blogger 60 tuổi này nhận thấy nhiều hiện tượng tiêu cực và bản thân bức xúc nên đã đăng tải và chia sẻ nhiều bài viết cũng như phát trực tiếp nhiều video thể hiện quan điểm của cá nhân không đồng tình với chủ trương của Đảng, nhà nước về các vấn đề chính trị và xã hội.

Cáo trạng được báo nhà nước Việt Nam dẫn lại nói rằng những đăng tải của ông Thể “có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm” của các lãnh đạo đảng cộng sản và nhà nước.

Trước đó, hồi năm 2019, blogger này bị kết án tù 2 năm với cáo buộc tương tự. Cáo trạng lúc đó được truyền thông trong nước dẫn lại nói rằng ông Thể đã “kêu gọi, đòi thay đổi chế độ, đòi đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập” và “kêu gọi biểu tình, bạo loạn đối với các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước”.

Em gái ông Thể nói với VOA sau phiên tòa hôm 6/12 rằng ông Thể không nhận tội. Bà Lê Thị Bình, bản thân cũng từng bị kết án tù vì những chỉ trích đối với chính quyền, cho rằng anh bà chỉ “nói lên những gì đã qua báo chí hết rồi” và “phản biện các sự việc cũng đã (được đăng) tràn lan trên mạng xã hội”.

RSF, tổ chức chuyên cổ vũ cho tự do báo chí có trụ sở ở Paris, “kêu gọi các nền dân chủ tăng cường áp lực lên chế độ (cầm quyền Việt Nam) trả tự do cho nhà bình luận (Lê Văn Thể) cùng với tất cả 36 nhà báo và người bảo vệ tự do báo chí khác đang bị giam giữ”.

Việt Nam thường xuyên bác bỏ các chỉ trích của quốc tế về việc đàn áp tự do báo chí và khẳng định họ chỉ bỏ tù những ai vi phạm pháp luật mà thôi.

Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức độ tự do ngôn luận rất thấp và đàn áp các nhà báo cũng như blogger nhiều nhất. RSF xếp Việt Nam thứ 178/180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên Bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2023. Quốc gia Đông Nam Á đứng thứ 3 trên thế giới về giam cầm các nhà báo.

 

VOA (12.12.2023)

 

 

 

 

Cha của nạn nhân chết bất minh trong đồn công an bị án hai năm do đòi công lý cho con

Ông Đào Bá Cường tại Tòa án Nhân Dân TP Tuy Hòa (Phú Yên) hôm 12/12/2023 Công An Nhân Dân

 

Ông Đào Bá Cường, 62 tuổi ngụ tại phường 4, thành phố Tuy Hòa, vào ngày 12/12 bị tòa án TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên tuyên án hai năm tù theo cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các nhân” theo khoản 2, Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Vào ngày 27/4 vừa qua, Công an TP Tuy Hòa cho truyền thông Nhà nước biết các biện pháp  khởi tố và bắt giữ ông Đào Bá Cường, cha của nạn nhân Đào Bá Phi bị chế trong đồn công an Tuy Hòa hồi tháng 10/2022.

Theo Công an TP Tuy Hòa, ông Đào Bá Cường từ tháng 12/2022 đến tháng 4/2023 đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ một số nội dung liên quan cái chết của con trai Đào Bá Phi của ông và đề nghị trả xác cho gia đình, cầu cứu giải oan cho con trai.

Vụ việc được cho biết vào ngày 20/10/2022, Công an tỉnh Phú Yên ra thông báo về vụ bắt giữ công dân Đào Bá Phi, ngụ phường 4, TP Tuy Hòa vào ngày 16/10 để điều tra hành vi trộm cắp tài sản. Lúc đó Đào bá Phi được gia đình nói hoàn toàn khỏe mạnh. Đến 5 giờ ngày 18/10, một người bị tạm gia cùng Đào Bá Phi phát hiện Phi trong tư thế treo cổ. Nạn nhân được đưa đến Trung tâm Y tế Thị xã Đông Hòa để sơ cứu nhưng không qua khỏi.

Sau khi xảy ra sự vụ, Công an cho biết “đã thông báo về thời gian, địa điểm khám nghiệm tử thi và đề nghị đại diện gia đình đến chứng kiến; nhưng gia đình đưa ra các điều kiện không phù hợp với quy định của pháp luật nên Hội đồng Khám nghiệm đã tiến hành khám nghiệm tử thi Đào Bá Phi theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự.”

Gia đình nạn nhân vào ngày 19/10 mặc áo tang, tập trung ở đồng Công an Thị xã Đông Hòa để đòi thi thể Đào Bá Phi. Một thành viên trong gia đình đã livestream vụ việc và video nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội.

 

RFA (12.12.2023)

 

 

 

 

 

Tín đồ Hòa Hảo bị 8 năm tù vì cáo buộc ‘tuyên truyền chống chế độ’

 

Ông Nguyễn Hoàng Nam bị tòa án CSVN tại thành phố Châu Đốc kết án tám năm tù vì bị vu cho tội “tuyên truyền chống chế độ.”

 

Một số báo tại Việt Nam hôm Thứ Hai, 11 Tháng Mười Hai, nói ông Nguyễn Hoàng Nam, 41 tuổi, bị kết án như trên trong một phiên tòa của tỉnh An Giang với tội danh “phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống nhà nước…” độc tài đảng trị CSVN.

Ông Nguyễn Hoàng Nam tại phiên tòa ở An Giang. (Hình: Tiền Phong)

 

Đây là lần thứ hai ông Nguyễn Hoàng Nam, một tín đồ Hòa Hảo, đi tù sau khi đã bị kết án bốn năm tù hồi năm 2018 với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” và “chống người thi hành công vụ” chỉ vì can đảm cùng với nhiều đồng đạo khác đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo và nhân quyền nói chung.

Tờ Tiền Phong ngày Thứ Hai, 11 Tháng Mười Hai, dẫn thông tin địa phương nói ông Nam dùng trang Facebook “Nam Nguyễn Hoàng” và một số bút hiệu khác để “đăng tải, chia sẻ những bài viết, video có nội dung tuyên truyền” chống lại chế độ độc tài và cực kỳ tham nhũng tại Việt Nam. Đồng thời ông còn “thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch COVID-19.”

Ông còn bị cáo buộc là “nhiều lần livestream trên tài khoản ‘Nam Nguyễn Hoàng’ để châm biếm, xúc phạm chính quyền địa phương; thường xuyên quay phim, chụp hình cán bộ, chính quyền địa phương đi ngang nhà, với mục đích đăng lên các trang mạng xã hội để xúc phạm, lăng mạ.”

Bất cứ ai không rập khuôn theo các lời tuyên truyền một chiều của CSVN đều bị vu cho là “tuyên truyền” chống chế độ để dẫn tới khủng bố, sách nhiễu và án tù.

Tuy Hiến Pháp CSVN công nhận người dân có đủ các quyền tự do căn bản như tự do báo chí, hội họp, lập hội, biểu tình nhưng lại bị các điều luật hình sự trói lại với các điều khoản như “tuyên truyền chống nhà nước,” hay nặng hơn như “âm mưu hoạt động lật đổ” dù người ta chỉ ngồi ở nhà phát biểu qua mạng xã hội.

Trước ông Nguyễn Hoàng Nam, rất nhiều tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo khác đã từng bị nhà cầm quyền CSVN kết án tù vì đòi hỏi tự do tôn giáo, không chấp nhận chui vào hệ thống tôn giáo quốc doanh, hoạt động theo lệnh của nhà cầm quyền.

Một người Thượng biểu tình đòi tự do tôn giáo ở Tây Nguyên hồi Tháng Sáu, 2023. (Hình: NTVCL)

 

Các giáo hội hoặc tổ chức tôn giáo nào chủ trương hoạt động độc lập đều bị CSVN cản trở, thậm chí ép buộc tín đồ bỏ đạo. Điều này từng xảy ra rất nhiều đối với các người Thượng theo đạo Tin Lành ở khu vực Tây Nguyên hoặc các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tin tức hồi cuối Tháng Mười Một vừa qua cho hay nhà cầm quyền một số địa phương thuộc tỉnh Đắk Lắk gia tăng đàn áp và sách nhiễu tín đồ người Thượng thuộc “Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên.” Họ bị cấm không được tập trung cầu nguyện, hay tệ hại hơn, buộc họ phải rời bỏ chi nhánh tôn giáo này. 

 

Nguoi Viet (11.12.2023)

 

 

 

 

CIVICUS: Quyền tự do dân chủ ở Việt Nam ‘bị đóng kín’ trong năm 2023

Việt Nam chỉ đạt 13/100 điểm trong bảng xếp hạng của CIVICUS 2023.

 

Tổ chức quốc tế CIVICUS vừa công bố xếp hạng về không gian xã hội dân sự và quyền tự do dân chủ, nói rằng các quyền này tại Việt Nam vẫn “bị đóng kín” trong năm 2023.

CIVICUS, một liên minh xã hội dân sự toàn cầu, hôm 6/12 ra báo cáo đánh giá các điều kiện ở 198 quốc gia và vùng lãnh thổ với tựa đề “Sức mạnh nhân dân bị tấn công năm 2023”, trong đó Việt Nam vẫn bị liệt vào danh sách có không gian xã hội dân sự và quyền tự do dân chủ “bị đóng kín” hay “closed”.

Năm nay Việt Nam chỉ đạt 13/100 điểm, sau cả Cuba 14/100 điểm, Bangladesh hay Venezuela đồng 20/100 điểm. Đây là năm thứ 6 liên tiếp Hà Nội bị liệt vào danh sách đen này, kể từ lần đầu tiên xếp hạng vào năm 2018.

Trong báo cáo, CIVICUS Monitor đánh giá các không gian dân sự theo thang điểm từ “mở” đến “bị đóng kín” dựa trên mức độ chính quyền vi phạm quyền tự do ngôn luận và hội họp của người dân.

CIVICUS Monitor định nghĩa không gian dân sự là “sự tôn trọng luật pháp, chính sách và thực tiễn đối với các quyền tự do lập hội, nhóm họp và biểu đạt ôn hòa cũng như mức độ mà nhà nước bảo vệ các quyền cơ bản này”.

CIVICUS cho biết: “Tại Việt Nam, hàng trăm trang web đã bị chặn và chính quyền đã gây áp lực lên các nền tảng truyền thông xã hội để tăng cường kiểm duyệt các bài đăng ‘chống nhà nước’”.

Ở Việt Nam, hơn 100 các nhà bảo vệ nhân quyền vẫn đang bị giam cầm với các cáo buộc bịa đặt là “Tuyên truyền chống nhà nước” và “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Gần đây hơn, điều luật “Trốn thuế” đã được sử dụng để bỏ tù những người bảo vệ nhân quyền.

CIVICUS nêu nhiều trường hợp đàn áp, trong đó có vụ kết án 6 năm tù giam đối với nhà hoạt động vì quyền đất đai Trương Văn Dũng vào tháng 3/2023, và bản án 8 năm đối với blogger Trần Văn Bang, tuyên vào tháng 5/2023.

“Bản án này quá nặng, thực tế là anh ấy không có tội”, một thành viên gia đình ông Bang nói với VOA.

“Tại Việt Nam, một tòa án đã kết án nhà hoạt động Phan Sơn Tùng 6 năm tù vào tháng 7/2023 vì chủ trương thành lập nhóm đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền”, CIVICUS cho biết.

Báo cáo cho biết điều kiện ở các nhà tù ở Việt Nam cũng trở nên tồi tệ hơn, điển hình như vụ Luật sư Đặng Đình Bách bị giám thị hành hung vào tháng 8 sau khi ông thuật chuyện ông bị bạn tù đe dọa với gia đình.

Quyền tự do biểu tình của người dân cũng bị hạn chế khi hàng chục người dân tộc Êđê bị cảnh sát vũ trang ở tỉnh Đắk Lắk giải tán khi họ cố gắng phản đối một dự án xả thải vào hồ vào hồi tháng 4/2023, báo cáo cho biết.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về bản báo cáo và kết quả xếp hạng này, nhưng chưa được phản hồi.

Hồi tháng 3, phản hồi một cáo báo của CIVICUS về tình trạng hạn chế của không gian xã hội dân sự tại Việt Nam, truyền thông trong nước nói rằng CIVICUS “đánh giá sai lệch về tình hình xã hội dân sự” ở Việt Nam, cho rằng cách xếp loại của tổ chức này là “không đúng và không phù hợp” với tình hình tại Việt Nam.

Tổ chức CIVICUS, có trụ sở ở Johanesburg (Nam Phi), hợp tác với 20 đối tác nghiên cứu xã hội dân sự để xây dựng báo cáo này.

Các quốc gia châu Á khác bị xếp vào danh sách đen trong báo cáo 2023 bao gồm Afghanistan, Trung Quốc, Hong Kong, Lào, Myanmar, Triều Tiên, Bangladesh.

Tính chung trên toàn cầu, trong số 198 quốc gia được khảo sát trong báo cáo này, có đến 28 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có không gian dân sự “bị đóng kín”- mức cao nhất từ trước đến nay; 50 quốc gia có không gian dân sự “bị hạn chế”, 40 quốc gia có không gian dân sự “bị cản trở”, 43 quốc gia đã “thu hẹp” không gian công dân và 37 quốc gia được xếp hạng “mở”.

 

VOA (08.12.2023)